Hãy trong tư thế sẵn sàng để nắm lấy cơ hội

Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều người than thở: “Tôi là người kém may mắn”, hoặc: “Cơ hội không đến với tôi”. Rất nhiều người đã lấy khái niệm “May mắn”, “Cơ hội” ra để bào chửa cho sự thất bại của mình. Hoặc cũng đôi lúc bạn nghe bạn bè nhận định về một người nào đó: “Anh ấy có tài, nhưng đáng tiếc không gặp thời”. Thậm chí, có nhiều người còn khẳng định một cách chắc nịch: “Giỏi mấy thì giỏi, không gặp may cũng chịu thôi”…

Có thật vậy không? Chúng ta hãy cùng nhau xem lại định nghĩa của “Cơ hội”, được coi là một trường hợp chung của “May mắn”. Vì cơ hội là thời điểm buộc ta phải hành động để có thành công, còn may mắn là trong thời điểm đó, chẳng cần làm gì cũng thành công. Cơ hội hiện diện trong từng giây, từng phút trong cuộc đời bạn, còn may mắn thì lại hiếm hoi. Trong chừng mực nào đó, khi nói đến cơ hội, bạn còn có thể lý giải logic được. Còn khi nói đến may mắn, thường sẽ dễ dẫn đến những lối tư duy siêu hình, thần thánh…

Ở đây, trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ bàn đến cơ hội mà thôi.

Cơ hội là gì?

Thần cơ hội Caerus Trong thần thoại Hy Lạp, Caerus (KairoV, Kairos) là vị thần cơ hội. Thần Caerus là một vị thần có chõm tóc dài trước trán, phía sau đầu thì hói. Nếu bạn muốn nắm lấy cơ hội thì chì nắm khi ông ta đang đi đến gần bạn. Khi Caerus đã đi qua rồi, bạn không còn nắm cơ hội được nữa, vì phái sau không có tóc để mà nắm.

Tiếng Hy lạp, chronos có nghĩa là chuỗi thời gian, chỉ giai đoạn giữa hai thời điểm không xác định, có thể dài hoặc ngắn. Kairos có nghĩa là thời điểm đúng đắn, chín mùi, là khoảng thời gian ngắn, đặc biệt có ý nghĩa với một ai đó. Về bản chất, chronos thiên về định lượng, còn kairos thiên về định tính.

Như định nghĩa, kairos là khoảng thời gian, thường là ngắn và chỉ có một lần, đặc biệt có ý nghĩa trong sự thành công của một người nào đó. Bạn là học sinh? Bạn miệt mài học 12 năm dài đăng đẵng ở trường phổ thông, cơ hội đặc biệt có ý nghĩa đối với bạn là kỳ thi tú tài. Cơ hội ngắn ngủi này sẽ quyết định 12 năm bạn đã bỏ ra có đạt được thành quả gì hay không? Bạn là nhà kinh doanh? Đối thủ cạnh tranh của bạn đang gặp khó khăn (thiếu vốn, hàng về không kịp…). Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy là cơ hội để bạn chiếm lĩnh thị trường. Bạn là nhà chính trị? Thời điểm ngắn ngủi lúc mà bạn có được cả ba yếu tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”, là lúc bạn gầy dựng nên cơ đồ. Trong sinh học cũng có khái niệm đó. Thời điểm cho khả năng đậu thai cao nhất là lúc trứng rụng từ buồng noãn và tinh trùng tiến đến được vòi noãn để thụ tinh…

Trở lại vấn đề xã hội học, khả năng nắm được cơ hội tùy thuộc vào hai yếu tố: Từ xa, bạn có nhận ra ông ta, thần Caerus, hay không? Và khi đến gần, bạn có nắm được tóc ông ta hay không? Như vậy, nắm được cơ hội tùy thuộc vào “kiến thức” của bạn (nhận ra Caerus) và “Kỹ năng” của bạn (nắm được Caerus).

Nhận ra cơ hội

Thật ra có những lần cơ hội đến mà bạn không nhận ra đó là cơ hội của bạn. Đến khi nó vuột đi, bạn mới ngồi mà hối tiếc. Thậm chí, có người cũng chẳng hề biết là mình vừa để một cơ hội vuột khỏi tầm tay. Không biết hối tiếc mà cứ ngồi đó than thân trách phận. Ai vậy? Ai mà không nhận ra một người đàn ông có chõm tóc trước trán đang tiến dần về phía mình. Hẵn người đó không biết ông này là đứa con đặc biệt của thần Zeus. Cơ hội đến mà người đó không biết, hẵn là kiến thức của người ấy có nhiều chỗ trống. Làm sao để nhận ra cơ hội đang sắp đến mà chuẩn bị sẵn sàng hành động thật thích hợp trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó?

Người học sinh phổ thông, qua 12 năm trời đèn sách, kiến thức nhà trường đã cho học sinh nhận thức rằng kỳ thi tú tài có ý nghĩa đặc biệt cho một đời học sinh là như thế nào. Nhà kinh doanh, nhờ hệ thống marketing thu thập thông tin thị trường, tình hình hoạt động của đối thủ cạnh tranh, xu hướng tiêu dùng… hẵn sẽ biết rất rõ tầm quan trọng của thời điểm mà đối thủ cạnh tranh thiếu hàng là như thế nào đối với khả năng xâm nhập thị trường của công ty mình. Nhà chính trị hẵn phải nắm rõ các trào lưu cách mạng trên thế giới, nhận định được vị trí chiến lược mà kháng chiến quân đang nắm giữ và nhất là lòng dân đã đến lúc sôi sục ý chí chiến đấu để một lòng hướng về kháng chiến quân hay chưa. Tất cả những cái đó gọi là kiến thức để nhận định được cơ hội đang đến. Nếu không có đủ kiến thức mà chỉ ngồi chờ thời thì sẽ không biết đến bao giờ cơ hội đến “gõ cửa xưng tên” với mình.

  Quả táo của Newton:

Nếu Isaac Newton không miệt mài vật lộn với câu hỏi về lực hút của trái đất, nếu ông không tìm hiểu trước đó những khái niệm toán học về sự chuyển động… thì cơ hội ngắn ngủi của một quả táo rơi đâu có làm nên “Định luật vạn vật hấp dẫn”

Vật lộn trong khó khăn, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần, nhiều khi chỉ vì yếu tố tâm lý mà bạn cũng có thể bỏ qua cơ hội trông thấy. Bởi vậy cần phải luôn lạc quan, suy nghĩ tích cực. Trong cái khó khăn lại có cơ hội.

Một người bán hàng bị khách hàng từ chối mua hàng và chê hàng không tốt, này kia khác nọ… Nếu người bán hàng suy nghĩ tích cực thì sẽ nhận ra đây là lúc hiếm hoi mà mình biết được khách hàng thích gì và không thích gì. Trong hoạt động kinh doanh, chính lúc thị trường biến động nhất lại là lúc nhiều ngôi sao sáng ra đời.

Hiện nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khắp nơi sa thải công nhân, đóng cửa nhà máy, thiếu vốn đầu tư. Tình hình trông thật là ảm đạm. Thế mà các công ty chuyên quảng cáo ngoài trời bên Mỹ cho rằng đây là cơ hội của họ. Những mặt tiền phố để trống lại là những chỗ để quảng cáo ngoài trời với chi phí hợp lý cho khách hàng của họ trong thời buổi khó khăn. Một phương tiện để tiếp cận sát với người tiêu dùng hơn nữa. Cũng trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế mà các công ty cầm đồ bên Hồng Kông lại làm nên ăn ra nhờ ngân hàng quá thận trọng khi cho doanh nghiệp vay. Với lãi suất 3,5%, doanh nghiệp sẵn sàng cầm cố tài sản, mong có được một số tiền mặt cứu vãn tình hình kinh doanh đang lụn bại.

Trong đời sống hàng ngày của bạn có rất nhiều cơ hội, kể cả những cơ hội trong khó khăn mà đôi khi mình không nhìn ra bạn ạ. Chỉ cần vun đắp thêm kiến thức, mở rộng tầm nhìn, suy nghĩ tích cực, sống lạc quan là bạn sẽ nhìn ra rất nhiều cơ hội đang ở quanh bạn.

Rèn luyện kỹ năng để nắm bắt cơ hội

– Thần Caerus đang đến kia!…

– Chỉ còn vài thước nữa thôi…

– Chuẩn bị… Nắm tóc!

– Hụt rồi…

Sao vậy? Bởi vì bạn không có kỹ năng… nắm tóc!

Lỡ chuyến tàu rồi!!!

 

Vâng, bạn có kiến thức chưa phải là đủ, bạn rất cần kỹ năng trong cái thời điểm quan trọng ấy. Nếu bạn chẳng cần kiến thức lẫn kỹ năng mà cơ hội vẫn đến “gõ cửa xưng tên” thì đó là may mắn. Nếu bạn không có kỹ năng thì kiến thức có uyên thâm mấy cũng chưa phải là đủ. Người ta nói: “Người thành đạt là 75% nhờ kỹ năng và 25% nhờ kiến thức”. Điều này giải thích hiện tượng nhiều học trò rất giỏi trong lớp nhưng ra đời lại không thành công bằng những học trò có học lực trung bình. Mấy anh học lực trung bình lại được cọ xát với thực tế nhiều hơn. Thay vì ngồi nhà gạo bài từ chương lại đi chơi, giao tiếp nhiều…

Trong vấn đề nắm bắt cơ hội, kỹ năng lại rất quan trọng vì tính chất ngắn ngủi của thời điểm thích hợp. Ít nhất, với ông thần cơ hội Caerus, bạn phải có kỹ năng hoạch định thời gian, kỹ năng phán đoán hướng đi, vận tốc… Cũng như đánh bóng bàn vậy thôi. Lần đầu tiên cầm vợt, bạn đưa vợt ra đở bóng hoặc quá sớm, hoặc quá muộn. Nhưng sau khi đã có kỹ năng rồi, kỹ năng đón bóng hầu như là một phản xạ.

Trong lịch sử Việt Nam, trận đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch đằng năm 939 là một ví dụ về tận dụng thời cơ. Quân của Hoằng Thao từ xa đến, binh lính mõi mệt. Kiều Công tiễn đã bị giết chết không còn nội ứng. Thời cơ đã đến, rất thuận lợi cho Ngô Quyền đánh đuổi giặc. Nhưng nếu ông không có kỹ năng về trận pháp, không lợi dụng thủy triều lên xuống để cắm cọc sắt làm mắc cạn tàu giặc thì chưa chắc đã làm nên trận chiến vẻ vang, chấm dứt một ngàn năm nô lệ giặc Tàu.

Nhu cầu thị trường đang rất cao, đối thủ cạnh tranh hụt hàng nghiêm trọng trong vòng 2 tuần. Nếu công ty của bạn không biết cách tổ chức một mạng lưới phân phối thật hiệu quả thì chưa chắc đã tận dụng được cơ hội này mà chiếm lĩnh thị trường.

Người sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ra trường. Cơ hội việc làm đã đến, nhưng nếu người sinh viên ấy không có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng dự phỏng vấn tuyển dụng thì chưa chắc đã tìm một việc làm tốt, thu nhập cao.

Trong tư thế sẵn sàng

Vậy bạn phải làm gì? Đợi cơ hội đến rồi mới biết mình nên làm gì ư? Thưa rằng bạn phải tích cực chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho cơ hội ấy. Trau giồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng là hai việc lớn bạn cần phải có trong hành trang của mình. Sau đó, tích cực đánh giá các cơ hội đang đến, nếu không muốn nói là tạo điều kiện cho cơ hội đến với mình (be proactive).

Đến lúc này, với hành trang đó, bạn sẽ nhận diện ra rất nhiều cơ hội. Bạn phải nhận định được cơ hội nào là tốt nhất để thực hiện hoài bão cuộc đời mình với một nỗ lực vừa phải nhất. Cách nhận định lại tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề của bạn. Bạn phải ở trong tư thế sẵn sàng không chỉ về kiến thức và kỹ năng mà cả thái độ của bạn với cơ hội đó nữa. Ở đây, thái độ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu bạn nhìn cơ hội đó với thái độ bàng quan thì bạn sẽ hành động khác. Còn nếu bạn nhìn cơ hội đó là một dịp để bạn ra tay giúp đời thì bạn sẽ hành động hoàn toàn khác.

Trong cuộc sống, đừng bao giờ biện hộ: “Tôi không gặp thời”, “Tôi kém may mắn”. Đó là những lời buộc tội mà không đổ được vào đâu cả. Hãy đổ lỗi cho chính mình là “Tôi đã không ở trong tư thế sẵn sàng để nắm lấy cơ hội”. Nhưng mục đích bài viết này là để chia sẻ với bạn một cách nhìn về “cơ hội”. Mong rằng từ đó bạn sẽ hãnh diện nói với mọi người rằng: “Đơn giản là tôi đã tích cực chuẩn bị cho cơ hội này. Tôi chỉ việc tóm lấy nó!”

Võ Hoàng Nguyên

Thụ Nhân Consulting

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.