Chưa biết khai thác giá trị của chỉ dẫn địa lý

Tại những con đường chính dẫn vào vùng trồng cam Cao Phong (Hoà Bình), cuối vụ, nhiều nhà vườn đã trưng biển báo hiệu vụ cam đã kết thúc nhằm cảnh báo “nếu ai còn bán cam Cao Phong, đó là hàng giả”.

Delphine Marie Vivien, chuyên gia về chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Pháp, đây là cách người trồng cam Cao Phong sử dụng CDĐL để giúp người tiêu dùng nhận biết về mùa vụ thu hoạch nhằm chống lại cam Cao Phong… nhái!

Nhưng tại Việt Nam cách làm như vùng Cao Phong chưa nhiều trong việc bảo vệ những giá trị của nông sản đã được cấp CDĐL.

Chưa biết “khoe” CDĐL

Tại hội thảo “Vai trò, tác dụng của CDĐL trong phát triển kinh tế địa phương” do hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức, trong khuôn khổ hội chợ HVNCLC tại TP.HCM vừa kết thúc tuần trước, bà Delphine Marie Vivien khẳng định: “Người tiêu dùng trên thế giới càng ngày quan tâm nhiều hơn về các sản phẩm thực phẩm mà họ mua hàng ngày được sản xuất như thế nào: có sản xuất theo dạng hữu cơ, có đảm bảo sạch trong quy trình sản xuất, quy trình đó có bền vững về môi trường… Mặt khác, người tiêu dùng cũng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, họ trân trọng những giá trị về mặt truyền thống, văn hoá, vùng miền của sản phẩm… Khi người dùng đã yêu thích sản phẩm đó, họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn. Đó là nhờ vào tiêu chí CDĐL”.

Tính đến tháng 3.2018, Việt Nam đã bảo hộ 66 CDĐL, trong đó có 60 CDĐL của Việt Nam và 6 CDĐL của nước ngoài. Các sản phẩm được cấp CDĐL tại Việt Nam nhiều nhất là nhóm rau, quả, hoa (21 sản phẩm), 12 loại gia vị, 6 loại gạo…CDĐL giúp gia tăng giá trị cho người sản xuất, thu hút khách du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học địa phương…

Nhưng tại Việt Nam, theo bà Delphine Marie Vivien, Việt Nam chưa biết cách khai thác lợi ích từ những sản phẩm đã được cấp CDĐL. Theo các chuyên gia về CDĐL tại hội thảo, hai nước láng giềng là Campuchia và Thái Lan đã làm bài bản, có kế hoạch lộ trình quảng bá các sản phẩm có CDĐL. Campuchia có một viện nghiên cứu, tập hợp các lãnh đạo trẻ trong các nước châu Á, hình thành tài nguyên bản địa. Nhóm này đã hình thành một dự án về dừa do một công ty trong nước tài trợ. Còn ở Thái Lan, những sản phẩm CDĐL đều được ưu tiên trưng bày ở những vị trí đẹp nhất của hệ thống siêu thị Central Group. Những sản phẩm từ dừa của Thái Lan đã được khắc hoặc in hình chú voi, như một niềm tự hào của người dân nước này về trái dừa.

“Cài đặt 4.0” cho dừa Bến Tre

Dừa là sản vật của Bến Tre nhưng chưa biết cách khai thác giá trị. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia thị trường của hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết, trong tám tiêu chí của nhóm hàng nước giải khát hiện nay, nước dừa đáp ứng những tiêu chí cao nhất. Mới đây, Coca-Cola và Pepsi đã đưa nước dừa vào bổ sung cho danh mục sản phẩm. Ở Mỹ, người tiêu dùng chọn uống món nước dừa đóng hộp trên đường đi làm… “Nhưng theo tôi, Bến Tre nên tập trung ở tiêu chí nào mà chính quyền, doanh nghiệp và người trồng dừa ở đây cảm thấy có thể làm tốt nhất”, ông Tuấn nói. Cũng theo chuyên gia này, hãy kiếm thêm các công cụ tiếp thị online, dùng ứng dụng và web để truyền thông cho trái dừa.

Nghe những góp ý của các chuyên gia, ông Lê Văn Tân, giám đốc sở Khoa học và công nghệ Bến Tre cho biết, sở sẽ hoàn thiện mô hình quản lý bằng các quy chế đăng ký, chất lượng, chuẩn hoá về hệ thống nhận diện CDĐL… cho trái dừa Bến Tre. Nhưng “sẽ” là bao giờ vậy?

bài, ảnh Trần Quỳnh (theo TGTT)

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.