Trồng xen để phát triển cà phê bền vững

Cùng với việc tái canh cà phê, thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao thu nhập trên một đơn diện tích trồng cà phê, là bài toán khó với các tỉnh Tây Nguyên.

Mới đây, tại Đăk Lăk, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị đánh giá hiện trạng và định hướng trồng xen trong phát triển cà phê bền vững.

14-38-31_1_1
Quang cảnh Hội nghị

Hiện diện tích cà phê cả nước đến cuối 2017 đạt 664,633 ngàn ha, tăng trên 14.000 ha so với 2016, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 606,938 ngàn ha, trên 500.000 ha cà phê dưới 15 tuổi, đang khai thác. Năng suất cà phê niên vụ 2016-2017 đạt 25,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với 2016, năng suất cao ổn định là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành cà phê.

Trong những năm qua, bên cạnh mở rộng diện tích, tích áp dụng KHKT và sử dụng các giống cà phê chất lượng nhằm nâng cao năng suất thì các địa phương trồng cà phê cũng đang tích cực trồng tái canh và ghép cải tạo số diện tích cà phê già cỗi.

Tính đến hết năm 2017, khu vực Tây Nguyên đã tái canh 98.210ha cà phê, đạt trên 81% kế hoạch đến năm 2020 là 120.000 ha. Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng năng suất và chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thực tế những năm qua mô hình trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ông Huỳnh Quốc Thích, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, toàn tỉnh có 185.071 ha cà phê, trong đó 39.077 ha trồng xen cây hồ tiêu, bơ, sầu riêng, điều (chiếm 21,11%).

Phổ biến tại tỉnh này là trồng cà phê xen với hồ tiêu với 19.907 ha. Lợi ích là hiệu quả kinh tế cao, năng suất cà phê và hồ tiêu đều ổn định. Tiêu ít bị bệnh chết nhanh, chết chậm hơn so với trồng hồ tiêu thuần, do cây cà phê và hồ tiêu không cùng ký chủ gây bệnh, vườn cây thông thoáng, thoát nước tốt trong mùa mưa.

Với hiệu quả kinh tế gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích, sản xuất cà phê và hồ tiêu mang tính bền vững, phù hợp để khuyến cáo bà con nông dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên việc khuyến cáo trồng xen mô hình này tùy thuộc vào điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu từng nơi, tránh phát triển diện tích hồ tiêu ồ ạt, phá vỡ quy hoạch.

Đối với mô hình trồng xen cây cà phê với cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít… trong vườn cà phê hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, thu nhập trung bình cao gấp 3 – 4 lần so với cà phê trồng thuần.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng, việc trồng xen cây lâu năm trong vườn cà phê đều có chức năng là lấy quả, thêm thu nhập sau đó mới đến chức năng che bóng và chắn gió. Đến cuối 2017, toàn tỉnh có 158.624 ha cà phê, năng suất bình quân 3,03tấn/ha, diện tích cà phê được che bóng 20.858 ha. Trong đó cây bơ là 3.822 ha; sầu riêng 6.655 ha; mắc ca 2.402 ha; cây hồng 1.924 ha và cây khác là 6.054 ha.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá việc trồng xen với cà phê đã đa dạng hóa nhiều sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập, hạn chế rủi ro về giá cả và biến động thị trường. Ngoài ra trồng xen còn che bóng, chắn gió cho cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu.

14-38-31_1_2
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu chỉ đạo

Tuy nhiên, triển khai trồng xen gặp phải một số vấn đề như: Chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô, thổ nhưỡng, loại cây trồng xen… Quy trình trồng xen canh trong vườn cà phê cho từng loại cây như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều… mới bước đầu được tổng kết.

Do vậy một số kỹ thuật, như giống, mật độ, phân bón, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà phê chưa rõ, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng chính là cà phê. Chưa kể, việc trồng xen thiếu sự gắn kết với DN về đầu ra khiến hiệu quả trồng xen chưa cao…

Thứ trưởng chỉ đạo các tỉnh muốn cây trồng xen đạt hiệu quả, cần xác định lại vùng trồng xen; cơ cấu cây công nghiệp, cây ăn quả trồng xen trong cà phê. Cụ thể, cần chú trọng nguồn nước tưới cho vùng trồng xen, khuyến cáo cây trồng xen hiệu quả, ít tranh chấp nguồn nước đối với cây cà phê, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Có biện pháp quản lý chất lượng cây giống trồng xen ngay từ đầu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu đánh giá, ban hành quy trình trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả trong vườn cà phê, xây dựng các tài liệu hướng dẫn làm cơ sở cho các tỉnh chỉ đạo sản xuất và nông dân áp dụng. Thực hiện liên kết vùng, sản xuất trải vụ đối với cây ăn quả chủ lực trồng xen như cây sầu riêng, bơ để thuận lợi cho tiêu thụ…
TUẤN ANH

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.