Làm sao để ‘hạt gạo làng ta’ vươn ra ngoài thành công?

Công nghệ được đánh giá là chìa khóa giúp gạo Việt Nam thu hẹp khoảng cách chất lượng và gia tăng thương hiệu.

Từng là quốc gia trải qua nạn đói khủng khiếp và thiếu lương thực, Việt Nam giờ đây không chỉ có đủ gạo cho người dân mà còn góp phần vào an ninh lương thực thế giới, cung cấp cho hàng triệu người dân quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định sản xuất và xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới hàng năm.

Tính riêng 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,89 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ với giá trị xuất khẩu đạt 2,46 tỷ USD, tăng 21,3%.

Gạo Việt Nam hiện có mặt tại khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn hay gạo thơm. Sản phẩm gạo bước đầu thâm nhập thành công vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Tuy nhiên, gạo xuất khẩu hiện nay được đánh giá vẫn chủ yếu hướng đến số lượng thay vì gia tăng chất lượng và nâng tầm thương hiệu gạo Việt.

Làm sao để ‘hạt gạo làng ta’ vươn ra ngoài thành công?

Chia sẻ với TheLEADER bên lề hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh gạo Việt Nam hiện nay dù được xuất khẩu với khối lượng tương đối lớn nhưng giá trị thu được chưa được như mong muốn. “Một trong những bất cập lớn nhất chính là sản phẩm gạo chủ yếu ở cấp trung bình và cấp thấp”.

Nâng cao chất lượng, gia tăng nhận diện thương hiệu

Theo ông Hải, việc đạt được mục tiêu nâng cao khối lượng và thị phần của những hạt gạo cấp cao cần cả một quá trình, từ việc tạo ra giống lúa tốt, kháng được sâu bệnh, có thể chịu hại cho đến việc sử dụng giống trên quy mô đại trà để tạo ra chất lượng ổn định, không bị pha trộn pha tạp.

Bên cạnh đó, việc làm thương hiệu cũng rất quan trọng bởi khi có sản phẩm tốt mà không giới thiệu được với giá trị mong muốn cho khách hàng thì cũng được xem là không thành công.

So sánh với sản phẩm đến từ Thái Lan, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho rằng “gạo Việt Nam chưa hẳn thua gạo Thái Lan về chất lượng bởi một số loại gạo của mình có đặc trưng riêng như cơm nấu xong thì hạt rời, cơm cứng hơn, kết cấu tốt hơn”.

“Một số người cho rằng gạo phổ thông của Việt Nam phục vụ những thị trường truyền thống dở hơi gạo Thái thì thực ra không phải. Ví dụ thị trường Indonesia hay Philippines, những nước đã tin dùng gạo Việt Nam và vẫn ưu tiên mua gạo Việt hơn là gạo dài Thái Lan”, ông Trung chia sẻ.

Làm sao để ‘hạt gạo làng ta’ vươn ra ngoài thành công? 1

Theo Giám đốc Tập đoàn Tân Long, “đối với gạo thơm, các doanh nghiệp Thái Lan xây dựng và phát triển thương hiệu ra nước ngoài đã lâu nên người tiêu dùng có tập quán tiêu dùng vì cái gì ăn nhiều thì sẽ quen”.

Bên cạnh đó, Thái Lan có ít giống gạo hơn Việt Nam và tập trung vào một số mặt hàng, từ đó duy trì được khách hàng trung thành.

Chia sẻ cùng vấn đề, Phó giám đốc công ty cổ phần nông sản xanh Minh Phong Nguyễn Thị Ngọc Minh cho rằng tại châu Á, nhu cầu sử dụng gạo Thái Lan cao hơn so với Việt Nam.

“Gạo Thái được trồng trong vòng 6 tháng nên hạt gạo dai. Tại Việt Nam, một số loại gạo được trồng trong khoảng 3 tháng đến 3 tháng rưỡi nên không có độ dai và thơm bằng”, chị Minh giải thích.

Bên cạnh đó, người nông dân cũng không muốn chuyển đổi nuôi trồng khi thời gian thu hoạch và có thu nhập sẽ dài hơn.

Trước thực trạng nhận diện thương hiệu gạo của doanh nghiệp còn hạn chế, ông Trung cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tập quán phân phối gạo.

“Gạo Việt chủ yếu đưa qua kênh truyền thống, những kênh đã tồn tại nhiều năm. Việc đóng gói gạo không có bao bì chuẩn, người bán lại muốn nhập bao bì mà không cần ghi nhà máy nào sản xuất. Họ mua về bán lẻ cho người tiêu dùng”, ông Trung giải thích.

“Qua quá nhiều mắt xích, độ dài càng lớn thì càng khó kiểm soát kênh phân phối. Thương mại tất yếu sẽ có chuyện là ở đâu đó, một mắt xích trong kênh sẽ vì lợi nhuận mà không quan tâm nhiều đến thương hiệu”.

Theo ông Trung, khi doanh nghiệp dần ổn định được chuỗi sản xuất và phát triển quy mô, xây dựng được kênh phân phối, việc truy xuất sản phẩm sẽ dễ dàng hơn.

Mang công nghệ cao ra cánh đồng

Áp dụng công nghệ cao là một trong những cách tối ưu được nhiều doanh nghiệp tiếp cận nhằm gia tăng sự cạnh tranh cho sản phẩm gạo.

Làm sao để ‘hạt gạo làng ta’ vươn ra ngoài thành công? 2

Công nghệ là chìa khóa mở cánh cửa nâng cao chất lượng và thương hiệu cho gạo Việt Nam

Vị Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng: “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất gạo nói riêng là xu thế phải tính đến và thể hiện trong việc thay đổi quy trình, từ lựa chọn giống đến canh tác làm sao để tiết kiệm cũng như không tổn hại môi trường”.

“Điều đặc biệt là cần ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm từ gạo, nâng cao giá trị hạt gạo thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô”.

Chia sẻ cùng quan điểm, Giám đốc Tập đoàn Tân Long cũng khẳng định công nghệ giúp giữ được tính chất của gạo tốt nhất, không thay đổi bản chất của hạt gạo.

“Cơ sở hạ tầng, máy móc càng đầy đủ thì càng chủ động sản xuất để có thể làm hạt gạo đẹp hơn. Việc quản lý theo quy trình sẽ đảm bảo sản xuất đạt chuẩn cũng đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”, ông Trung lưu ý.

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp tìm đến công nghệ cao để thu hẹp khoảng cách, ông Vương Trường Sinh, Giám đốc Kinh doanh và Marketing Skiold Việt Nam – doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp công nghệ từ nước ngoài lưu ý rằng việc thay đổi tư duy mới chính là điều khó khăn.

Với 20 năm kinh nghiệm tiếp thị công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, ông Sinh nhấn mạnh “thay đổi công nghệ không khó mà thay đổi tư duy sử dụng công nghệ và người vận hành mới khó”.

Ông cho rằng Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nhân sự kỹ sư, đặc biệt là những người có kiến thức tổng quát, cơ bản lẫn chuyên môn riêng, biết thay đổi máy móc để phù hợp hoàn cảnh.

Đây chính là yếu tố vận hành quyết định tới hiệu quả công nghệ lên sản phẩm gạo nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nói chung. 

Hồng Hải – TheLEADER

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.