Giới thiệu về cà rốt

Cà rốt (củ cải đỏ) có tên khoa học là Daucus carota L., thuộc họ Apiaceae (Hoa tán).

Cà rốt (củ cải đỏ) có tên khoa học là Daucus carota L., thuộc họ Apiaceae (Hoa tán). Đây là loại rau ăn củ được trồng phổ biến ở nhiều nước trong đó có Việt Nam. Tại nước ta, cà rốt là một nguyên liệu được xuất hiện khá thường xuyên trong các bữa ăn không những nhờ hương vị thơm ngon, có thể chế biến đa dạng từ ăn sống, ăn chín đến sinh tố, nước ép,… mà còn nhờ vào nguồn dồi dào các vitamin và dinh dưỡng có lợi mà chúng mang lại cho cơ thể con người. <Xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Cà rốt là loại cây phổ biến trên thế giới, được trồng đầu tiên ở Afghanistan khoảng năm 900 TCN, rồi được nhân sang các khu vực lân cận như Trung Đông, Bắc Phi. Sau đó, cà rốt du nhập đến Tây Ban Nha. Đến khoảng thập niên 1300 cà rốt đã có mặt ở Bắc Âu và cả Trung Quốc. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Cà rốt được biết đến là nguồn cung cấp beta caroten và vitamin C dồi dào cho cơ thể thông qua các bữa ăn. Không chỉ vậy, loại củ này còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể như đường, muối khoáng và các vitamin khác.

 <Xem thêm>

Qua phân tích các thành phần hóa học, trong 100 g phần ăn được của cà rốt có chứa: 88,5 g nước, 4,54 g đường tổng số, 1,5 g protein, 1,2 g xenluloza, 43 mg canxi, 39 mg photpho, 0,8 mg sắt, 0,06 mg vitamin B1, 0,06 mg vitamin B2, 0,4 mg vitamin PP, 8 mg vitamin C và 8285 µg beta caroten,… <Xem thêm>

  1. Công dụng

Hỗ trợ thị lực: cà rốt rất giàu beta caroten – một hợp chất dưới quá trình chuyển hóa của cơ thể sẽ trở thành vitamin A, hỗ trợ giác mạc, đồng thời giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, quáng gà và các chứng bệnh suy giảm thị lực khác.

Bảo vệ và làm đẹp da: Tiêu thụ thực phẩm giàu beta caroten giúp bảo vệ làn da của bạn khỏi những tác hại của bức xạ tia UV. Vitamin A có tác dụng giúp da mịn màng, sáng đẹp đồng thời làm chậm quá trình lão hóa của làn da. Tuy nhiên, việc ăn cà rốt nên được kiểm soát ở mức độ vừa phải. Khi bổ sung quá nhiều có thể xảy ra tác dụng phụ như khiến da trở nên vàng do lượng beta caroten quá cao.

Hỗ trợ tiêu hóa: với lượng chất xơ cao, cà rốt có công dung điều trị táo bón, giúp duy trì sự khỏe mạnh và đều đặn của các hoạt động trong đường ruột.

Hỗ trợ giảm cân: chất xơ có trong cà rốt không chứa quá nhiều calo nhưng lại có khả năng lấp đầy nhanh chóng dạ dày, từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn một cách hiệu quả, điều này rất có lợi cho quá trình giảm cân của cơ thể.

Tăng cường hệ miễn dịch: vitamin A sau khi được chuyển hóa và hấp thụ có khả năng hỗ trợ các tế bào bạch cầu, từ đó giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các loại bệnh nhiễm trùng một cách tự nhiên.

Hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu: cà rốt có chỉ số đường huyết (GI) thấp, thường không làm tăng lượng đường trong máu, vì vậy có thể được coi là một sự lựa chọn tuyệt vời cho các bữa ăn nhẹ hoặc phụ. Đặc biệt, với những người bị bệnh tiểu đường, thưởng thức cà rốt một cách thường xuyên sẽ giúp họ kiểm soát tốt hơn chứng bệnh này của mình.

Làm giảm cholesterol: các loại rau không chứa tinh bột như cà rốt cực kì có lợi cho hệ tim mạch và việc kiểm soát lượng cholesterol của cơ thể. Lí do được đưa ra ở đây là loại củ này có chứa nhiều chất xơ hòa tan, có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể một cách tự nhiên.

Chứa nhiều chất chống oxy hóa: cà rốt chứa nhiều chất chống oxy hóa, có khả năng đẩy lùi các gốc tự do – phần tử gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như ung thư và các loại bệnh tim mạch. Do đó, thường xuyên ăn cà rốt giúp cơ thể chống lại bệnh tật một cách tự nhiên và duy trì sức khỏe tốt.

Chống lại các chứng viêm trong cơ thể: bên cạnh loại cà rốt màu cam thường gặp, cà rốt còn có thể xuất hiện dưới nhiều màu sắc khác nữa như đỏ, vàng, tím và trắng. Trong đó, cà rốt tím chứa nhiều nhất một hợp chất có tên gọi anthocyanin. Đây là một sắc tố có chức năng chống oxy hóa và phòng ngừa các loại viêm nhiễm trong cơ thể, từ đó giảm khả năng nhiễm các chứng bệnh do viêm gây ra như alzheimer’s hay viêm khớp. <Xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Trong nhiều năm gần đây, cây cà rốt đã trở thành sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Năm 2008, cà rốt của Cẩm Giàng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, qua đó góp phần khẳng định giá trị và thương hiệu của sản phẩm cà rốt của tỉnh Hải Dương trên thị trường trong nước và quốc tế.  <Xem thêm>

Tại Hợp tác xã  Dịch vụ Đức Chinh, chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm 2024 đã có khoảng 40.000 tấn cà rốt đã được xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và một phần xuất đi một số nước châu Âu.  <Xem thêm>

Tiềm năng phát triển xuất khẩu của cà rốt Việt Nam nói chung và cà rốt Hải Dương nói riêng còn rất lớn khi nhiều thị trường nước ngoài có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm từ nông sản hữu cơ, nông sản sạch như nước ép rau củ, rau củ sấy, mứt kẹo rau củ… <Xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

Rễ: rễ chính là rễ trụ, ăn sâu từ vài cm đến 2 m tùy giống. Bộ rễ phát triển mạnh trong lớp đất cày và càng xuống sâu hệ thống rễ phát triển yếu dần. Cơ quan dự trữ chất dinh dưỡng là rễ củ, đó là dạng biến thái không chỉ riêng của rễ mà cả sự tham gia của trục thượng và hạ diệp.

Lá: lá mọc ở phần đầu của củ gồm phiến lá và cọng lá. Cọng dài hay ngắn, nhỏ hay to, không lông hay có lông tùy giống. Phiến có thể nguyên hay xẻ thùy, rìa lá nguyên hay răng cưa tùy giống. Lá non ăn được.

Hoa: phát hoa phân nhánh, hoa nhỏ trắng hay phớt tím, có 4 cạnh, thụ phấn chéo nhờ côn trùng.

Nhiệt độ: cà rốt là cây chịu lạnh, ở nhiệt độ 8oC hạt có thể nảy mầm sau 20 – 25 ngày, còn ở nhiệt độ thích hợp 20 – 25oC nảy mầm sau 5 – 7 ngày. Nhiệt độ trung bình cho cây sinh tr­ưởng và hình thành củ 20 – 22oC. Ở nhiệt độ 25oC củ phát triển yếu, hàm lượng caroten giảm.

Ánh sáng: cây cà rốt cần có ánh sáng ngày dài, ở điều kiện ngày ngắn (d­ưới 10 giờ chiếu sáng/ngày) không những cây kém phát triển mà năng suất giảm so với điều kiện cần thiết (trên 12 giờ chiếu sáng/ngày). Ở giai đoạn cây con, cây cần cường độ ánh sáng mạnh. Vì vậy, khi ở giai đoạn này, cần làm sạch cỏ trên luống để tập trung ánh sáng cho cây.

Độ ẩm: chế độ nư­ớc cho cà rốt t­ương đối khắt khe. Thiếu nư­ớc củ sẽ nhỏ, nhánh phân nhiều. Nếu độ ẩm đất quá cao, củ dễ bị bệnh và bị nứt cũng làm giảm chất l­ượng sản phẩm. Độ ẩm đất thích hợp 60 – 70%.

Đất: là cây rễ củ nên cà rốt yêu cầu đất tơi xốp, nhiều mùn. Đất có thành phần cơ giới nặng, củ bị ngắn và cũng bị phân nhánh. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ cà rốt trên thế giới

Cà rốt là một trong những loại rau ăn củ được sự dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày và trong công nghiệp chế biến của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê cho thấy diện tích, năng suất và sản lượng của cà rốt có chiều hướng tăng qua các năm. Nếu năm 2018 diện tích trồng cà rốt trên toàn thế giới là 1.106.313 ha với sản lượng đạt được là hơn 39 triệu tấn thì đến năm 2022 tổng diện tích đất trồng cà rốt đã đạt 1.110.834 ha và sản lượng đã lên đến con số hơn 42 triệu tấn.

Năm Diện tích (ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn)
2018 1.106.313 35,6430 39.432.278,08
2019 1.111.203 37,5796 41.758.567,56
2020 1.113.783 36,4627 40.611.498,85
2021 1.123.144 37,3260 41.922.498,31
2022 1.110.834 38,0195 42.233.349,85

(Theo FAO, 2024)

 Tình hình sản xuất và tiêu thụ cà rốt tại Việt Nam

Tại Việt Nam, cà rốt được trồng phổ biến ở các tỉnh thành phía Bắc và tỉnh Lâm Đồng. Loại củ này là thực phẩm quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong chế biến các món ăn hoặc ép lấy nước uống. Riêng toàn tỉnh Hải Dương trong vụ năm 2023 có khoảng 1.400 ha trồng cà rốt cho sản lượng trên 70.000 tấn, 30% trong số đó được tiêu thụ tại thị trường trong nước dưới dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt sấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy chế biến thực phẩm ăn liền. <Xem thêm>

Các giống cà rốt hiện nay

  1. Giống cà rốt nội địa

Hiện nay các vùng rau ở nước ta có hai loại cà rốt nội địa: giống cà rốt Văn Đức (miền Bắc) và giống cà rốt Đà Lạt (miền Nam). Giống có thời gian sinh trưởng 95 – 100 ngày. Chiều dài củ 18 – 22 cm, đường kính củ 2,5 – 3 cm, củ có màu đỏ nhạt. Năng suất trung bình từ 25 – 30 tấn/ha. <Xem thêm>

  1. Giống cà rốt Nhật F1 TI – 103

Thời gian sinh trưởng từ 115 – 125 ngày, thân lá xanh đậm, cứng khỏe, tán gọn, chiều dài lá khoảng 55 – 60 cm, tổng số lá 12 – 14 lá. Củ đẹp, vỏ nhẵn, ít mắt, ít phân nhánh, hình trụ, màu vàng da cam sẫm, chiều dài củ 16 – 18 cm, đường kính củ 5,3 – 5,8 cm, khối lượng trung bình mỗi củ  từ 260 – 280 g.

Năng suất thực thu trong vụ đông sớm đạt 35 – 40 tấn/ha (gieo hạt 5/9 – 25/9), chính vụ đạt 45 – 50 tấn/ha (gieo hạt 25/9 – 10/10). Chất lượng củ tốt, thích hợp thị hiếu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu. <Xem thêm>

  1. Giống Super VL – 444

Cây sinh trưởng và phát triển khỏe, khả năng kháng bệnh cao, thời gian sinh trưởng khoảng 100 – 110 ngày. Củ suôn đều, dài khoảng 18 – 20 cm, đường kính củ khoảng 6 cm, khối lượng củ trung bình khoảng 250 g. Vỏ có màu cam đỏ, thịt dày, lõi nhỏ, năng suất cao.

 <Xem thêm>

  1. Giống cà rốt lai F1 PS 3496

Thời gian sinh trưởng 95 – 100 ngày, sinh trưởng nhanh, phát triển khoẻ, lá màu xanh thẫm, thân thẳng đứng, cổ nhỏ. Dạng củ hình chóp, dài từ 18 – 22cm, màu vàng da cam đậm, lõi nhỏ đỏ tươi rất hấp dẫn. Chất lượng ăn tươi rất ngon, ít xơ.

<Xem thêm>

 Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Giống

Giống hiện nay đang được sử dụng là giống địa phương do nông dân tự sản xuất. Giống này có thời gian sinh trưởng 95 – 110 ngày, chiều dài củ 18 – 22 cm, năng suất 25 – 30 tấn/ha.

Một số giống phục tráng từ giống địa phương và giống nhập nội có hình thức mẫu mã khá đẹp, củ dài 22 – 25cm, năng suất tương đối cao trên 30 tấn.

Ngoài ra còn có một số giống nhập nội cho củ to, tiềm năng năng suất cao.

  1. Chuẩn bị đất

Chọn đất canh tác: cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy,… (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện).

Đất trồng cà rốt phải tơi xốp, tầng canh tác sâu trên 30 cm, khâu chuẩn bị đất cần phải làm kỹ, nên chọn đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt.

Vệ sinh đồng ruộng tốt trước khi làm đất. Rải đều phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh và vôi cày kỹ để đảm bảo đất tơi xốp, sâu 25 – 30 cm. Làm luống gieo 1.4 m cả rãnh, cao 10 cm trong mùa khô, 15 cm trong mùa mưa. Cào phẳng mặt luống. Tưới ẩm đất và phun thuốc trừ cỏ 4 – 5 ngày trước khi gieo hạt.

  1. Trồng và chăm sóc

Gieo hạt: 

Dùng hạt giống tốt, chắc, mẩy, có tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Ngâm nước ấm (3 sôi/2 lạnh) trong 24 giờ và ủ 2 ngày cho nứt mầm. Gieo đều hạt giống với lượng 12 –15 kg/ha. Nên trộn chung với cát sạch hoặc tro bếp để gieo cho đều sau khi đã làm đất. Gieo xong phủ rơm hoặc cỏ khô hoặc lưới nylon 1×1 mm, tưới ẩm mỗi ngày.

Khi cây mọc đều, tỉa bỏ những cây yếu, còi cọc hoặc mọc quá dày. Trước khi bón thúc lần 3 (hoặc lần cuối trong mùa mưa), tỉa định cây (kết hợp nhổ cỏ) với khoảng cách 20 x 20 cm vào mùa mưa, 20 x 15cm vào mùa khô.

 Làm cỏ, tưới nước và các biện pháp kỹ thuật khác

Làm cỏ: cà rốt yêu cầu ánh sáng dài ngày, vì vậy nên làm sạch cỏ luống để tập trung ánh sáng cho cây.

Tưới nước:

Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm, nước giếng khoan, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày.

Nếu gieo vào mùa mưa không cần tưới nước, gieo vào mùa nắng tưới 2 lần/ngày cho tới khi mọc đều, sau đó tùy độ ẩm đất mà tưới cho thích hợp đảm bảo đủ lượng nước cho cây.

  1. Phân bón và cách bón phân

Lượng vật tư phân bón tính cho 1 ha/vụ như sau:

Phân chuồng hoai: 40 m3; vôi: 800 – 1.000 kg; hữu cơ vi sinh: 1.000 kg

Phân hóa học (lượng nguyên chất): 150 kg N, 150 kg P2O5, 240 kg K2O.

<Xem thêm>

Hạng mục Tổng số Bón lót Bón thúc
Lần 1 20 NST Lần 2 40 NST Lần 3 55 NST
Phân chuồng hoai mục 40 cm3 40 cm3
Vôi 1.000 kg 1.000 kg
Hữu cơ vi sinh 1.000 kg 1.000 kg
N 150 kg 35 kg 23 kg 36,8 kg 55,2 kg
P2O5 150 kg 102 kg 48 kg
K2O 240 kg 90 kg 60 kg 90 kg

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

  1. Sâu hại và biện pháp phòng trừ

Sâu xám (Agrotis ypsilon)

Đặc điểm gây hại: bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất. Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì lá cây, sâu tuổi lớn sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, chủ yếu phá hại vào giai đoạn cây con.

Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ sâu xám hại cà rốt. Có thể tham khảo một số hoạt chất đăng ký trừ sâu xám trên rau như Abamectin, Cypermethrin để phòng trừ, với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Sâu khoang (Spodoptera exigua)

Đặc điểm gây hại: sâu khoang gây hại trên nhiều loại rau, sâu non ăn lá, lúc nhỏ chừa lại biểu bì, sâu tuổi lớn ăn thủng lỗ trên lá.

Sâu non mới nở tập trung cùng nhau ăn lá, sau tuổi 2 chúng nhanh chóng di tản sang cây khác. Sâu non có 6 tuổi, ăn rất mạnh, cắn phá thành từng lỗ không hình dạng trên lá mật độ cao có thể làm vườn cây xơ xác.

Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi trồng, dùng bả chua ngọt để bắt bướm, ngắt bỏ ổ trứng, diệt sâu non mới nở.

Rệp muội (Brevicolyne brassicae)

Đặc điểm gây hại: cả rệp non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, làm búp và lá bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc vàng, héo rũ. Ngoài gây hại trực tiếp cho cây trồng, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus cho rau. Thời tiết nóng khô là điều kiện thuận lợi cho rệp phát triển.

Biện pháp phòng trừ: tưới nước giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô. Nếu mật độ rệp thấp có thể loại bỏ bằng cách vặt bỏ và hủy những lá bị nhiễm. Hiện tại chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ rệp hại cà rốt, có thể tham khảo sử dụng một số hoạt chất Thiamethoxam, Imidacloprid để phòng trừ. <Xem thêm>

  1. Bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Bệnh đốm vòng (Alternaria radicirima)

Đặc điểm gây hại: Triệu chứng của bệnh đốm vòng thường xuất hiện trên những lá già. Lúc đầu là những chấm nhỏ màu đen, sau lan rộng ra thành hình tròn, màu nâu có hình tròn đồng tâm. Trời ẩm ướt trên vết bệnh có lớp nấm xốp màu đen bồ hóng, nấm bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều.

Biện pháp phòng trừ: tiến hành vệ sinh đồng ruộng, xử lý hạt giống trước khi gieo bằng nước nóng 50oC trong khoảng 30 phút. Sử dụng hoạt chất Chitosan 2% + Oligo – Alginate 10% (2S Sea & See 12WP), Oligo –Alginate (M.A Maral 10SL) để phòng trừ.

Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora)

Đặc điểm gây hại: Bệnh thường xuất hiện trên đất thịt nặng và đất trồng cà rốt liên tục nhiều vụ. Khi cây bị bệnh, các tế bào trở nên mềm, có nước và nhớt, có mùi lưu huỳnh, vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ 27 – 30oC, pH thích hợp 7,2 tồn tại trên các tàn dư cây trồng và xâm nhập qua vết thương.

Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy sớm cây bị bệnh. Sử dụng Trichoderma spp + K – Humate + Fulvate + Chitosan + Vitamin B1 (Fulhumaxin 5.65 SC) để phòng trừ.

Bệnh cháy lá (vào giai đoạn 45 – 50 NST) sử dụng thuốc Bordeaux (50 g CuSO4 + 50 g vôi nhão) hoặc Derosal 20 cc/10 lít.

Bệnh thối đen do nấm Alternaria radicirima gây ra và bệnh thối khô do nấm Pronarostrupii sp. gây ra. Các loài nấm này hại trên cả thân, lá và củ của cà rốt. Thực hiện phòng trừ bằng các loại thuốc như Plant 50 WP (20 – 30 g/10 lít nước), Cuproxate 345 SC (20 – 25 ml/10 lít nước), Derosal 50 SC (15 – 20 ml/10 lít nước),Kocide 53.8 DF (20 g/10 lít nước) <Xem thêm>

  1. Hiện tượng biến dạng củ cà rốt

Triệu chứng: hiện tượng biến dạng củ cà rốt bao gồm các dạng sau:

 Củ chỉa: do điểm sinh trưởng của chóp rễ chính bị tổn thương, tác nhân gây hại chính là tuyến trùng, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như cấu trúc đất quá cứng chặt, dinh dưỡng không đầy đủ hoặc do côn trùng, nấm tấn công bộ rễ làm cho củ phát triển có nhiều nhánh phụ chẻ đôi, chẻ ba…, màu sắc củ không bình thường.

Củ mọc lông: trên trục của củ xuất hiện nhiều rễ phụ dài, bất thường xếp thành hàng hoặc mọc dài tạo thành búi.

 Củ sần sùi, u sưng: củ phát triển không bình thường, trên củ xuất hiện nhiều u sưng với các kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn hoặc trên trục của củ phát triển không đều, nhiều chỗ lồi lên làm củ trở nên sần sùi, màu sắc nhạt và tối hơn.

Củ nứt: các vết nứt có thể xuất hiện ngay ở phần tiếp giáp với gốc cây và kéo dài theo trục của củ đến tận chóp củ để lộ ra phần lõi củ, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng củ cà rốt.

Củ có dạng hạt đeo trên rễ: trên củ xuất hiện nhiều rễ phụ dài, trên các rễ phụ có các hạt nhỏ tròn với đường kính khác nhau từ 0,5 – 1,5 mm tùy theo số lượng tuyến trùng kí sinh. Các rễ phụ mọc nhiều, mật độ tuyến trùng ký sinh lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phát triển của củ.

Tác nhân gây biến dạng: nguyên nhân chính do các loài tuyến trùng gây ra. Tại Đà Lạt – Lâm Đồng có 4 loài tuyến trùng gây ra các loại biến dạng trên cà rốt Pratylenchus sp, Helicotylenchus sp, Meloidogyne sp và Apenlenchus sp.

Sự thiệt hại do hiện tượng biến dạng củ cà rốt:

Làm giảm năng suất, giảm hiệu quả kinh tế, tăng chi phí sản xuất.

Làm giảm chất lượng: vị ngon, màu sắc, hàm lượng các axitamin, bột, đường, thời gian lưu trữ ngắn.

Làm giảm giá trị của đất, phải luân canh lâu dài.

 Các biện pháp phòng trừ hiện tượng biến dạng củ:

Biện pháp canh tác:

Giống: hiện các giống cà rốt đang trồng phổ biến tại Lâm Đồng như giống địa phương, giống CR9, giống cà rốt Nhật đều xuất hiện các loại biến dạng củ cà rốt. Đến nay chưa có giống kháng bệnh, xử lý hạt giống bằng nước 3 sôi 2 lạnh ngâm khoảng 30 phút sau đó đem gieo.

Vệ sinh đồng ruộng: thu gom toàn bộ tàn dư cây bệnh trên ruộng trước khi làm đất đem tiêu hủy. Vệ sinh dụng cụ lao động khi chuyển từ ruộng này qua ruộng khác. Luân canh cây trồng với một số cây trồng ít nhiễm tuyến trùng như dền. Việc cày xới đất kỹ nhất là trong điều kiện thời tiết khô hanh sẽ làm cho trứng và ấu trùng dễ bị tiêu diệt do đó làm giảm mật độ tuyến trùng trong đất.

Bón phân: theo quy trình sản xuất cà rốt an toàn

Biện pháp sinh học:

Trồng xen cúc vạn thọ để xua đuổi tuyến trùng gây biến dạng củ cà rốt, mật độ trồng từ 10.000 – 17.000cây/ha (hàng đơn so le: 0,5 –  0,8 m/cây), tuy nhiên nếu mật độ trồng xen quá lớn sẽ ảnh hưởng tới mật độ trồng cà rốt cũng như khả năng sinh trưởng của những cây bên cạnh vì vậy sẽ làm giảm hiệu quả kinh tế.

Xử lý đất trước khi trồng bằng hoạt chất sinh học Paecilomyces lilacinus: Palila 500WP (10 kg/ha) có thể trộn đều với đất mịn để rải sau khi lên luống và dùng cào trộn đều thuốc vào đất sau đó tưới nhẹ cho đất đủ ẩm.

Biện pháp hóa học:

Xử lý đất trước khi trồng bằng Etobon 0.56 SL (10 cc/8 lít) + Tachigaren 30 L (30 ml/20 lít), lượng nước thuốc 200 – 300 lít/1.000m2, đối với những vườn bị hại nặng cần xử lý 2 – 3 lần (trước trồng và 7 – 14 NST), hoặc sử dụng Sincosin 0.56 SL (10 ml/8 lít) + Agrispon 0.56 SL (10 ml/8 lít). Ngoài ra có thể sử dụng Chitosan (Stop 5 DD), Copper citrate (Heroga 6.4 SL) để phòng trừ. <Xem thêm>

 Phòng trừ dịch hại tổng hợp

Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM

  1. Biện pháp canh tác kỹ thuật:

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, luân canh cây trồng khác họ, chọn giống khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt, giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh, chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây (tạo cây khỏe). Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh. Thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng.

  1. Biện pháp sinh học:

Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…

Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh.

  1. Biện pháp vật lý:

Sử dụng bẫy màu vàng, bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng.

Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5 – 1,8 m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang.

  1. Biện pháp hóa học:

Khi sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc) và nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Phun khi bệnh chớm xuất hiện

Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau:

Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau

Chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người

Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc) <Xem thêm>

Tiểu ban Trồng trọt biên soạn tổng hợp.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.