Giới thiệu cây hồ tiêu

Giới thiệu cây hồ tiêu

Hồ tiêu còn gọi là tiêu ăn, cổ nguyệt, hắc cổ nguyệt, bạch cổ nguyệt có tên khoa học là Piper nigrum thuộc họ Piperaceae. Trồng chủ yếu để lấy quả và hạt, thường dùng làm gia vị dưới dạng khô hoặc tươi. Hoa hồ tiêu là quốc hoa của đất nước Liberia.

Hồ tiêu là một loại dây leo, thân dài, nhẵn không mang lông, bám vào các cây khác bằng rễ. Thân mọc cuốn, mang lá mọc cách. Lá như lá trầu không, nhưng dài và thuôn hơn. Có hai loại nhánh: một loại nhánh mang quả và một loại nhánh dinh dưỡng, cả hai loại nhánh đều xuất phát từ kẽ lá. Đối chiếu với lá là một cụm hoa hình đuôi sóc. Khi chín, rụng cả chùm. Quả hình cầu nhỏ, chừng 20 – 30 quả trên một chùm, lúc đầu màu xanh lục, sau có màu vàng, khi chín có màu đỏ. Từ quả này có thể thu hoạch được hồ tiêu trắng, hồ tiêu đỏ, hồ tiêu xanh và hồ tiêu đen. Đốt cây rất dòn, khi vận chuyển nếu không cận thận thì cây có thể chết. Quả có một hạt duy nhất. <Xem thêm>

Nguồn gốc và xuất xứ

Hồ tiêu có nguồn gốc từ Đông Nam Á và Nam Á được người ta biết theo quy trình nấu nướng và chế biến thức ăn của người Ấn Độ từ ít nhất 2000 năm trước Công Nguyên. Miller ghi chép rằng tiêu trắng (tiêu sọ) được canh tác ở miền Nam Thái Lan và Mã Lai. Nguồn tài nguyên di truyền hồ tiêu quan trọng nhất là ở Ấn Độ, đặc biệt tại bờ biển Malabar, thuộc bang Kerala. Hồ tiêu được mệnh danh là vàng đen (black gold) và đã từng được loài người dùng làm bản vị tiền tệ khi trao đổi hàng hóa. Theo luật lệ xưa ở Châu Âu, hồ tiêu được xem là tài sản kế thừa trong gia tộc, cho nên thời bấy giờ xuất hiện thuật ngữ “peppercorn rent” như một hình thức cầm đồ như bây giờ hay thanh toán mua bán.

Lịch sử cỗ đại đã sử dụng thuật ngữ “long pepper, dried fruit” để liên quan đến chữ Piper longum và người La Mã hiểu hai thuật ngữ này chính là “piper”. Trước thế kỷ thứ 16, hồ tiêu được trồng ở Java, Sunda, Sumatra, Madagascar, Malaysia và một số nơi thuộc Đông Nam Á. Những vùng kinh tế này đều có giao thương với Trung Hoa, hoặc tự sản xuất, tự tiêu thụ. Hải cảng Malabar vùng Đông Ấn là điểm trung chuyển cho con đường hàng hải buôn bán hồ tiêu toàn thế giới từ rất lâu qua Ấn Độ Dương. Hồ tiêu được xuất sang Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi từ cảng Malabar. Con đường thương mại gia vị hồ tiêu xuất phát theo đường bộ hay đường thủy đều có những điểm đến là vùng ven biển Ả Rập (Arabian Sea).

Theo nhà địa lý Strabo thời La Mã, đế quốc này đã chuẩn bị 120 thương thuyền, chúng đi mất một năm trời để đi đến Trung Hoa, Đông Nam Á, Ấn Độ rồi trở về nước. Lộ trình chuyến đi xuyên qua Arabian Sea nhờ gió mùa, khi trở về từ Ấn Độ, các thương thuyền này đi vào vùng Biển Đỏ (Red Sea) để vào sông Nile, ghé vào cảng Alexandria, sau đó tiếp tục đi về Italy và Rome. Tuyến đường này giống như tuyến đường được vạch ra cho thương vụ hồ tiêu vào Châu Âu trong thời hoàng kim của nó. Hồ tiêu được nổi tiếng và lan rộng thành một loại gia vị “nữ hoàng” đã có từ thời Đế Chế La Mã, Triều đại Apicius’ De re coquinaria, thế kỷ thứ 3, có trong sách dạy nấu ăn của Đế Chế. Edward Gibbon viết trong quyển sách The History of the Decline and Fall of the Roman Empire: Hồ tiêu là gia vị nêm nếm thức ăn đắt tiền nhất trong các món ăn giai đoạn thống trị của đế chế La Mã. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Hạt tiêu chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người, qua nghiên cứu, người ta ghi nhận trên 100g hạt tiêu có những thành phần dinh dưỡng như: nước: 13,5 g, năng lượng: 231 Kcal, chất đạm: 7 g, chất béo: 7,4 g, chất đường bột: 34,1 g, chất xơ: 33,5 g, canxi: 732 mg, sắt: 4,6 mg, magie: 19 mg, photpho: 44 mg, kali: 1259 mg, natri: 44 mg, kẽm: 0,3 mg, vitamin B1: 0,05 mg, vitamin B2: 0,06 mg, vitamin PP: 2,6 mg, vitamin E: 0,73 mg, vitamin K: 163,7 µg, Beta-caroten: 156 µg, Lutein + Zeaxanthin: 205 µg.

Hạt tiêu là loại gia vị rất phổ biến trong căn bếp của gia đình Việt, giúp tạo hương thơm cho món ăn và có tác dụng tốt đối với sức khỏe. <Xem thêm>

  1. Công dụng

Cây hồ tiêu có tính ấm, vị cay nên thường được dùng để tán hàn, tiêu đờm… Cây hồ tiêu được dùng để trị nhiều loại bệnh khác nhau như:

Chữa phong thấp: Hồ tiêu 12 g, hoa hồi 10 g, 6 g đường phèn, tất cả đem tán nhỏ xoa bóp vào chỗ đau. Kiên trì áp dụng trong thời gian dài để bài thuốc phát huy được hiệu quả cao nhất.

Chữa ỉa chảy, thổ tả: Hồ tiêu 10 g tán nhỏ, uống với nước cơm 3 bữa/ngày trước bữa ăn có tác dụng chữa ỉa chảy, thổ tả. Áp dụng liên tiếp trong 3 – 5 ngày để bài thuốc phát huy được hiệu quả tốt nhất.

Chữa nấc và ợ hơi: 12 g hồ tiêu sao vàng hạ thổ, tán nhỏ, viên với hồ, uống với giấm để trị bệnh nấc và ợ hơi. Mỗi ngày uống đều 2 lần/sáng tối trước bữa ăn 30 phút. Áp dụng liên tiếp trong 3 – 5 ngày để bệnh dứt điểm.

Chữa ho lâu không khỏi: Hồ tiêu 6 hạt tán nhỏ, quả thận lợn 1 đôi, đem sơ chế sạch, cắt miếng nấu lấy nước uống có tác dụng chữa ho lâu không khỏi. Áp dụng như vậy trong 2 – 3 ngày bệnh sẽ có dấu hiệu thuyên giảm.

Chữa âm hộ sưng ngứa: Hồ tiêu 9 hạt, cho vào nước nấu sôi cùng 1lít nước, để ấm rửa có tác dụng chữa âm hộ sưng ngứa. Có thể hoà thêm với 100 g muối trắng để tăng hiệu quả tiệt trùng.

Chữa đi lỏng, ăn uống không tiêu: Hồ tiêu, bán hạ chế, hai vị 100 g, tán nhỏ, làm viên to bằng hạt đậu. Ngày dùng 15 – 20 viên, dùng nước gừng đã sao vàng có tác dụng chữa đi lỏng, ăn uống không tiêu. Bài thuốc phát huy hiệu quả nếu áp dụng đều đặn trong 3 – 5 ngày liên tiếp.

Chữa lang ben: Lá hồ tiêu giã nhỏ trộn với giấm hoặc rượu, bọc vải xoa đều lên vùng da bị lang ben từ 10 – 15 phút trong nhiều tuần liên tiếp sẽ khỏi bệnh.

Không nên lạm dụng hồ tiêu trong các bữa ăn hàng ngày bởi hồ tiêu có tính ấm, ăn nhiều sẽ gây nhiệt, nóng trong người. <Xem thêm>

Giá trị kinh tế

Việt Nam luôn giữ vị thế số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong giai đoạn 2020 – 2026 mục tiêu đối với cây hồ tiêu là ổn định diện tích khoảng 98 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các vùng có lợi thế (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên) và đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2010, diện tích trồng hồ tiêu mới chỉ đạt 51,3 nghìn ha. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến 2016, do giá hồ tiêu liên tục tăng cao, người dân tập trung mở rộng diện tích trồng ồ ạt khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn cả nước tăng nhanh. Năm 2015, diện tích hồ tiêu đạt 101,6 nghìn ha, gần gấp đôi năm 2010. Diện tích hồ tiêu tăng mạnh vào các năm 2017, 2018, cao nhất đạt trên 150 nghìn ha năm 2017, sau đó do giá giảm và không ổn định nên đến năm 2020 còn 131,8 nghìn ha, tăng 30,2 nghìn ha so với năm 2015 và tăng 80,5 nghìn ha so với năm 2010.

Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. 95% khối lượng hạt tiêu của Việt Nam dùng cho xuất khẩu, còn lại 5% tiêu thụ ở thị trường trong nước. Giá hồ tiêu đạt cao điểm vào năm 2015 và năm 2016, trung bình ngoại tệ thu về từ 8.000 – 9.500 USD/tấn hồ tiêu xuất khẩu. Từ sau năm 2016, giá hồ tiêu liên tục lao dốc, nên người trồng hạn chế hoặc không chăm sóc, không phòng trừ sâu bệnh, hệ quả là năng suất, chất lượng kém, hiệu quả thấp. Đến năm 2019 – 2020, trung bình mỗi tấn hồ tiêu xuất khẩu chỉ thu về 2.300 – 2.500 USD. Với mức giá này, những hộ trồng hồ tiêu gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu. Trong những tháng đầu năm 2021, giá hồ tiêu trong nước và giá xuất khẩu liên tục tăng. Hồ tiêu đang dần khởi sắc sau một thời gian dài rớt giá. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hồ tiêu nói chung và nông dân sản xuất hồ tiêu nói riêng. Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu đến 105 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất năm 2016 với 1.429,2 triệu USD, sau đó giảm dần vào các năm 2017, 2018, 2019 và năm 2020 chỉ đạt 660,6 triệu USD trong khi khối lượng xuất khẩu đạt cao nhất với 285,3 nghìn tấn.

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu có hướng phát triển đúng và đảm bảo tính bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển cây hồ tiêu bền vững ở Việt Nam. <Xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 tăng 22,9% về lượng, nhưng giảm 8,5% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.703 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 11/2021 và tăng mạnh 69,9% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pakistan tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm mạnh. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng cả về lượng và trị giá, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Pakistan, Hà Lan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Ấn Độ, Philippines, Ai Cập giảm mạnh.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2022, giá xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, tác động tích cực lên ngành. Ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, tình hình kinh tế có tín hiệu phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, tình hình xuất khẩu hạt tiêu trong năm 2022 sẽ tăng cao ngay trong quý I/2022 với nhu cầu thu mua trên thế giới ước tính từ 130.000 – 160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn. Hiệp hội cũng dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 do cung – cầu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu trên Thế giới

Vụ thụ hoạch hồ tiêu năm 2022 của Việt Nam, nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới đã bắt đầu và dự kiến sẽ đạt cao điểm trong tháng 2/2022. Tại Campuchia vụ thu hoạch dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 3, trong khi vụ thu hoạch ở Brazil và Indonesia sẽ bắt đầu vào tháng 5 và tháng 7/2022. Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), năm 2021 vừa qua, tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước đạt 514.950 tấn, giảm 61.050 tấn, tức giảm 11% so với năm 2020 (576.000 tấn). Trong đó sản lượng giảm ở Việt Nam, Brazil và Malaysia nhưng tăng nhẹ ở Indonesia, Ấn Độ và Sri Lanka. Lượng xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu năm 2021 ước đạt 435.182 tấn, giảm 9% so với năm 2020 với 479.145 tấn.

Nhìn chung giá thấp trong những năm qua không còn hấp dẫn nên nông dân trồng tiêu đã giảm chi phí đầu tư dẫn đến sản lượng hồ tiêu toàn cầu sụt giảm trong năm 2021. Trong năm 2021, hồ tiêu toàn cầu bước vào chu kỳ tăng giá. Tình trạng khan hàng tại nhiều nước sản xuất tiêu lớn trên thế giới cùng với việc tăng giá cước vận tải đã đẩy giá hồ tiêu tăng mạnh trong từ 45 – 55% so với thời điểm đầu năm. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu ở Việt Nam

Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 110 quốc gia với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu. Tính đến hết 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 55.602 tấn, tăng 9,6%; tiếp sau là thị trường Trung Quốc, đạt 37.746 tấn, giảm 27,3%.

Ngoại trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm, các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực, bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giai đoạn 2018 – 2020 ghi nhận sự gia tăng sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam cao nhất từ trước tới nay, tổng sản lượng cả 3 năm đạt 760.000 tấn, tăng 54,5% so với 3 năm 2015 – 2017. Diện tích hồ tiêu cũng tăng từ 126.000 ha năm 2017 lên 149.000 ha năm 2019 và giảm xuống còn 131.838 ha năm 2020.

Sự gia tăng sản lượng đã khiến giá hồ tiêu xuất khẩu và giá hồ tiêu nội địa liên tục suy giảm từ năm 2017 đến năm 2020, từ mức 200.000 đồng/kg đã xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg. Đây là giai đoạn giá tiêu giảm sâu, có thời điểm 35.000 đồng/kg vào năm 2020.

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam sau 4 năm vật lộn với khó khăn do nguồn cung dư thừa, giá liên tục lao dốc. Ngay từ đầu năm 2021, giá hồ tiêu đã tăng 40 – 44%, từ 51.000 – 53.000 đồng/kg từ giữa tháng 2 lên mức 76.000 – 79.500 đồng/kg vào ngày 19/3 dù đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu.

Sau đó đỉnh điểm là đợt tăng giá lên đến 90.000 đồng/kg vào cuối tháng 10/2021, mức cao nhất kể từ cuối năm 2017. Mức giá ở thời điểm hiện tại cao hơn 53 – 54% so với đầu năm và cao hơn nhiều những năm gần đây, chấm dứt chuỗi giảm giá trong 4 năm liên tiếp và báo hiệu một chu kỳ tăng giá mới của ngành hồ tiêu. Nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng mạnh là diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam liên tục sụt giảm do giá tiêu xuống quá thấp trong những năm trước, người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, số khác chuyển sang các loại cây trồng khác. <Xem thêm>

Bảng 1 Diện tích, năng suất, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam

Chỉ tiêu 1995 2000 2005 2010 2015 2018 2019 2020
Diện tích (ngàn ha) 7,00 14,90 39,40 44,30 67,84 107,39 111,07 112,88
Năng suất (tấn/ha) 1,73 3,42 2,65 2,38 2,61 2,45 2,38 2,39
Sản lượng (ngàn tấn) 12,10 51,00 104,39 105,40 176,79 262,66 264,86 270,19

 

Theo FAO (2020) <Xem thêm>

Xuất khẩu hồ tiêu <Xem thêm>

Nhập khẩu hồ tiêu <Xem thêm>

Giá tiêu trong nước <Xem thêm>

 

Một số giống tiêu phổ biến tại Việt Nam

  1. Giống tiêu Vĩnh Linh

Đặc điểm nổi bật là sinh trưởng khỏe, cành quả vươn rộng, gié hoa trung bình, quả to đóng dày trên gié, năng suất cao. Dài gié: 8,9 cm; dung trọng: 584,9 g/l; năng suất khô/trụ: 4,25, được trồng phổ biến tại các vùng.

  1. Giống Lada Belangtoeng

Đây là giống tiêu Indonesia được nhập vào Việt Nam từ năm 1947. Giống có ưu điểm là sinh trưởng khoẻ, dễ trồng, tương đối chống chịu với bệnh thối rễ. Trong điều kiện ít thâm canh giống này sẽ chậm ra hoa, năng suất không cao, ít ổn định. Giống Lada Belangtoeng không được trồng phổ biến vì năng suất tương đối thấp, cần được tiếp tục cải tiến.

  1. Các giống tiêu sẻ

Giống cho hoa quả sớm, rất sai và ổn định trong các năm đầu. Nhược điểm của giống là dễ bị nhiễm bệnh chết nhanh. Các giống tiêu sẻ được trồng ở nhiều địa phương gồm tiêu sẻ Lộc Ninh, sẻ đất đỏ Bà Rịa, sẻ mỡ Đắk Lắk,…

  1. Tiêu Ấn Độ

Có nguồn gốc từ Ấn Độ, giống sinh trưởng khoẻ, lá trung bình, mép lá gợn sóng rõ, cho hoa quả sớm, khoe trái sau khi trồng, gié quả dài, quả to.

  1. Giống tiêu Trâu

Là giống địa phương được trồng ở nhiều vùng, lá to xanh đậm, bầu tròn ở cuống lá như lá trầu. Giống có ưu điểm là chống chịu bệnh chết nhanh, tuy nhiên năng suất không cao, ít ổn định.

  1. Giống Phú quốc

Có nguồn gốc từ Campuchia. Tiêu Phú Quốc có phẩm chất tốt nổi tiếng trên thị trường quốc tế vào thập niên 30 – 40. Nhược điểm của giống là dễ nhiễm các bệnh hại rễ. Dạng hình giống tiêu sẻ Lộc Ninh. <Xem thêm>

 

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

  1. Giai đoạn kiến thiết cơ bản: Giai đoạn kiến thiết cơ bản kéo dài khoảng 2 – 3 năm tùy thuộc loại hom tiêu đem trồng.

– Trồng bằng hom thân cây hồ tiêu nhanh cho quả, sau 2 năm trồng đã có thể thu bói.

+ Từ các đốt hom thân phía trên mặt đất mọc lên các chồi thân, mỗi đốt mọc một chồi, các chồi thân này phát triển nhanh, bám vào trụ tiêu và vươn cao.

+ Tại các đốt thân mọc ra các rễ bám. Để cho dây tiêu sinh trưởng tốt, cần buộc dây tiêu sát vào trụ để các rễ bám phát triển, bám vào trụ dễ dàng.

+ Trồng bằng hom thân thì các dây thân phát sinh cành quả sớm, gần như sát dưới gốc nên cây tiêu không bị trống gốc.

– Trồng từ hom dây lươn thì chậm cho quả hơn, khoảng 3 năm sau trồng.

+ Chồi dây thân mọc ra từ hom lươn thường yếu, không ra cành quả ngay mà thường phải 8 – 12 tháng sau khi trồng.

+ Cây phát sinh cành quả ở độ cao > 1 m.

+ Buộc các dây thân này vào trụ để tất cả các đốt của dây tiêu đều có rễ bám chắc vào trụ để dây tiêu vươn lên trụ dễ dàng và mau phát sinh cành quả.

+ Đối với cây tiêu trồng từ dây lươn phải áp dụng biện pháp đôn dây tiêu để đưa vị trí cành quả xuống sát mặt đất, trụ tiêu không bị trống gốc.

Trong giai đoạn này cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tạo hình tùy theo loại hom đem trồng nhằm giúp cho cây tiêu có bộ khung tán ổn định, cân đối, có nhiều cành quả.

  1. Giai đoạn kinh doanh: Giai đoạn kinh doanh là giai đoạn cây sinh trưởng phát triển mạnh, ra hoa kết quả nhiều và cho sản lượng cao nhất. Giai đoạn này cần đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nước và dinh dưỡng, cũng như thực hiện tốt các khâu kỹ thuật quản lý chăm sóc khác để vườn tiêu sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao. <Xem thêm>

 

Kỹ thuật canh tác hồ tiêu

  1. Chọn đất trồng: Tốt nhất chọn đất trồng có độ pH từ 4,0 – 4,5. Đất dễ thoát nước, có độ dốc dưới 25o, không bị úng ngập. Tầng canh tác dày trên 70 cm, tốt nhất trên 1 m. Đất giàu hữu cơ, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình.
  2. Thiết kế lô, mật độ

– Trụ bê tông có đường kính/cạnh đáy trụ là 15 cm, cạnh đỉnh trụ là 10 cm cao 3,5 – 4,0 m. Khoảng cách trồng 2 x 2,5 m hoặc 2,5 x 2,5 m, mật độ từ 1.600 – 2.000 trụ/ha.

– Trụ sống: các loại trụ sống như lồng mức, keo dậu, xoan, muồng đen, gòn, núc nác lá nhỏ… Trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m, mật độ 1.600 trụ/ha. Nếu trụ sống là cây muồng đen trồng với khoảng cách 3 x 3 m, mật độ 1.100 trụ/ha.

– Trồng kết hợp: trồng 1 – 2 hàng trụ sống xen kẽ 1 – 2 hàng trụ chết, trồng với khoảng cách 2,5 x 2,5 m, mật độ 1.600 trụ/ha.

  1. Các loại trụ trồng tiêu

* Nhóm trụ sống: Trồng tiêu trên cây trụ sống là một trong những biện pháp canh tác hướng đến sản xuất hồ tiêu bền vững. Cây trụ sống tạo nên ánh sáng tán xạ nhẹ phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây tiêu: Muồng đen (Cassia siamea), Keo dậu (Leucaena leucocephala), Cây lồng mức (Wrightia annamensis), Cây gòn (Ceiba pentandra).

Ưu điểm: Chi phí đầu tư thấp. Điều hoà năng suất, tránh hiện tượng cho quả cách năm, thời gian khai thác dài. Điều hoà tiểu khí hậu, bảo vệ vườn trong điều kiện nắng hạn hoặc gió bão, làm gỗ. Có tác dụng cố định đạm, cành và lá làm phân xanh hoặc làm thức ăn cho gia súc.

Nhược điểm: Phải mất ít nhất 1 – 2 năm, cây trụ sống mới đủ tiêu chuẩn cho cây tiêu leo. Tốn công tỉa trong mùa mưa, một số sâu bệnh gây hại cây trụ. Cây gòn, cây muồng giâm cành, chỉ phát triển rễ ngang, không có rễ cọc. Do vậy, khả năng chống chịu với gió bão kém, đặc biệt là những trụ tiêu cao 6 – 8m, dễ bị gãy đổ.

  1. Thiết kế hệ thống cây chắn gió, che bóng

– Có thể sử dụng một số loại cây ăn trái để che bóng như sầu riêng, bơ, góp phần tăng thêm thu nhập cho người trồng tiêu.

– Những hàng cây chắn gió vuông góc với hướng gió chính. Trồng hàng kép, kiểu nanh sấu. Khoảng cách giữa 2 hàng là 2 m, cây cách cây 6 – 8 m. Đối với những vườn tiêu trồng bằng cây trụ chết (gỗ, bê tông, gạch) thì nhất thiết phải trồng bổ sung cây che bóng cho vườn tiêu. Cứ cách 3 hàng trụ chết thì trồng một hàng cây che bóng.

  1. Xử lý đất và hố trước khi trồng

– Trộn đều đất mặt với 10 – 15 kg phân chuồng + 0,2 – 0,3 kg phân lân + 0,2 – 0,3 kg vôi bột và lấp xuống hố. Nếu có điều kiện có thể dùng 20 – 30 kg phân chuồng, được ủ với chế phẩm Trichoderma.

– Xử lý đất trong hố trước khi trồng bằng thuốc có hoạt chất Ethoprophos (trừ mối), hoạt chất Metalaxyl (trừ nấm bệnh). Việc trộn phân lấp hố xử lý đất trong hố được thực hiện trước khi trồng tiêu ít nhất là 15 ngày.

  1. Thời vụ trồng

Tiêu được trồng vào đầu mùa mưa, khi mưa đều, đất đủ ẩm.

Bảng 2 Thời vụ trồng tiêu cho các vùng trồng chính

Vùng Tháng trồng
Tây Nguyên 3 – 8
Đông Nam Bộ 6 – 8
Miền Trung 8 – 10
Tây Nam Bộ 5 – 7

 

  1. Kỹ thuật trồng

Đào hố trồng tiêu: Có 2 cách đào hố trồng tiêu.

Đào 2 hố 2 bên trụ, mỗi hố trồng 1 bầu, quy cách như sau: Dài 50 cm, rộng 50 cm và sâu 50 cm hoặc dài 60 cm, rộng 60 cm và sâu 50 cm hoặc đào một hố một bên trụ, trồng 2 bầu: Dài 80 cm, rộng 80cm và sâu 70 cm, đất mặt để riêng và đất ở dưới sâu để riêng.

Đào 2 hố/trụ, trộn phân, lấp hố

– Xé bầu tiêu nhẹ nhàng, đặt vào giữa hố, bầu hơi nghiêng, hướng chồi tiêu về phía trụ, mặt bầu ngang với mặt đất, không trồng âm “Đào hố sâu nhưng trồng cạn”. Lấp đất, dùng tay nén chặt đất chung quanh bầu. Trong trường hợp trồng với cây trụ sống, nên bổ sung cây trụ tạm để tiêu leo bám dễ dàng

– Trồng bằng hom, đặt hom xiên với đất mặt 450, đầu hom hướng về phía trụ, chôn 3 đốt vào đất, chừa trên mặt đất 2 đốt, ép chặt đất quanh hom. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Tình hình sâu bệnh hại chính trên cây hồ tiêu tại Việt Nam

– Bệnh hại: Bệnh chết nhanh (Phytophthora capsici), Bệnh chết chậm (do tuyến trùng và vi nấm), Bệnh virus (bệnh xoắn lùn hay bệnh tiêu điên), Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides), Bệnh Tảo đỏ hay đốm rong (Cephaleuros viescens), Tuyến trùng (Rotylenchulus, Meloidogyne Tylenchulus).

– Sâu hại: Rệp sáp (Pseudococcus sp.), Rệp sáp giả vằn (Ferria vigata Cockerell), Bọ xít lưới (rầy thánh giá, rầy chữ thập) (Diconocoris hewetti), Sâu đục thân (có 2 loại sâu đục thân thuộc 2 họ: đó là Xén tóc (Cerambycidae) và Vòi voi (Curculionidae)).

– Một số loài sâu hại khác như: Mối (Coptotermes sp.), Rầy xanh (thuộc Bộ Homoptera), Bọ xít dài (Leptocorisa actua), Bọ cánh cứng ăn lá (Anomala sp., Apogonia sp.), … Tuy nhiên các loài này không xuất hiện phổ biến và mức độ gây hại không nghiêm trọng đối với cây tiêu.

Tham khảo một số biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên <Xem thêm>

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.