Cây Ngô, Bắp – For R&D, Education, Market Development

Giới thiệu cây Ngô – Tiểu Ban Trồng trọt – Gap Library – TTNSV

Ngô (bắp) có tên khoa học là Zea mays L., là một loại cây lương thực được thuần canh tại khu vực Trung Mỹ và sau đó được trồng khắp châu Mỹ. Ngô được trồng ở các khu vực khác của thế giới sau khi có tiếp xúc của người châu Âu với châu Mỹ vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16. Cây ngô được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc. Ngô là loại cây nông nghiệp có diện tích thu hoạch lớn thứ hai tại Việt Nam sau lúa gạo. <Xem thêm>

Nguồn gốc và xuất xứ

Trong thời gian đi ở Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan đã đưa giống ngô, giống đậu tương (có tài liệu ghi ngô và vừng) về trồng ở quê nhà. Câu chuyện Trạng Bùng đem ngô từ Trung Quốc về Việt Nam được chép lại trong nhiều sách, truyện với nhiều cách kể, nhưng các tài liệu đều khẳng định ông là người đầu tiên mang giống cây trồng này về nước Việt Nam. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và Công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Ngô không chỉ cung cấp lượng calo cần thiết cho sức khỏe, sự trao đổi chất hàng ngày, mà còn là một nguồn giàu các vitamin A, B, E và khoáng chất.

Ngô là một trong những loại ngũ cốc có hàm lượng calo cao, hàm lượng calo trong ngô là 342 calo trong 100 g.

Một cốc ngô có đến 18,4% lượng chất xơ cung cấp hàng ngày. Chất xơ giúp kích thích chuyển động ruột và kích thích dịch dạ dày và mật. Nó cũng có thể làm chậm, làm giảm nguy cơ của hội chứng ruột kích thích (IBS) và tiêu chảy.

Ngô rất giàu thành phần vitamin B, đặc biệt là Thiamin và Niacin. Thiamin là điều cần thiết cho việc duy trì sức khỏe thần kinh và chức năng nhận thức. Thiếu hụt niacin dẫn đến Pellagra; một bệnh đặc trưng của tiêu chảy, mất trí nhớ và viêm da mà thường được quan sát thấy ở những người bị suy dinh dưỡng.

Ngô cũng là một nguồn tốt của axit Pantothenic. Ngô cung cấp một tỷ lệ lớn các yêu cầu folate hàng ngày, trong khi các hạt ngô rất giàu vitamin E, một chất chống oxy hóa tự nhiên cần thiết cho sự tăng trưởng và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.

Ngô có chứa khoáng chất phong phú có lợi cho cơ thể như phốt pho, magiê, mangan, kẽm, sắt và đồng. Nó cũng chứa các khoáng vi lượng như selen, rất khó để tìm thấy trong hầu hết các chế độ ăn bình thường….

  1. Công dụng

Các sản phẩm chính từ hạt ngô

+ Làm lương thực: Sử dụng làm lương thực cho người, dùng nuôi gia cầm và gia súc.

+ Sử dụng trong công nghiệp: chuyển hóa thành chất dẻo hay vải sợi, xăng sinh học, rượu, cồn,…

+ Sử dụng trong chế biến thực phẩm: canh ngô, cháo ngô,…

+ Làm đồ ăn vặt, bánh…: Bánh đúc ngô, bỏng ngô, bánh bông ngô,…

Các sản phẩm phụ từ cây ngô

+ Lõi ngô cũng có thể khoan lỗ và dùng như một loại tẩu hút thuốc rẻ tiền, lần đầu tiên được sản xuất tại Mỹ vào năm 1869. Lõi ngô cũng có thể dùng như một nguồn nhiên liệu.

+ Các núm nhụy từ hoa cái của ngô (râu ngô), cũng được buôn bán như là một loại thảo dược có tác dụng lợi tiểu.

+ Phụ phẩm cây ngô sau khi được chiết xuất thành bột chứa polyphenol, chlorophll để làm đồ uống,…

+ Thân cây ngô dùng ủ chua làm thực phẩm cho gia súc họ nhai lại: trâu, bò, dê, cừu,… <Xem thêm>

Giá trị kinh tế

Ngô làm thực phẩm

Ngô vốn chỉ biết đến dùng làm “mèn mén” trong bữa ăn thường ngày của đồng bào Mông. Ngày nay, cùng với sự phát triển tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, một số người dân tại thị trấn Mèo Vạc đã tận dụng thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương vào sản xuất bún để phục vụ bà con. Đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phải kể đến cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Hồng ở tổ 5 thị trấn Mèo Vạc. Bản thân chị Hồng đã học hỏi kinh nghiệm làm bún từ nguyên liệu ngô tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Nhận thấy quy trình làm bún khá dễ, chị mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất bún ngô phục vụ nhu cầu của bà con. Sản phẩm bán ra thị trường bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập ổn định và được bà con đón nhận. Quy trình sản xuất bún ngô cơ bản cũng giống như sản xuất bún gạo gồm: Ngâm hạt ngô đem ra máy nghiền tách vỏ, sau đó ngâm tiếp vài tiếng đồng hồ rồi đem ra nghiền thành bột và ép mịn, cuối cùng đổ vào máy nấu bún cho ra sản phẩm. Sản phẩm mới bước đầu được khách hàng đánh giá cao bởi hương vị thơm ngon, lạ miệng. Đặc biệt, đây là sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm với 100% nguồn nguyên liệu là giống ngô địa phương của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Sản phẩm được sản xuất trong hệ thống dây chuyền khép kín, hiện đại, sạch sẽ nên không chỉ đồng bào và các quán ăn trên địa bàn tin dùng mà cả du khách đến Mèo Vạc cũng thích thú với món ăn lạ miệng và an toàn này. Dù mới chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ nhưng hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất bún của chị Hồng cung cấp 5 – 6 tạ bún ra thị trường.

Mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản xuất, hy vọng trong thời gian tới, sản phẩm bún ngô Mèo Vạc sẽ được đông đảo thực khách tin tưởng sử dụng. Hiện cơ sở đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra các địa phương khác. Sản phẩm bún ngô cũng được đánh giá là sản phẩm có mức tiêu thụ cao, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. <Xem thêm>

Ngô sinh khối

Trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn (từ gieo – thu hoạch sớm, chỉ khoảng 75 – 90 ngày (tùy theo từng giống), ngắn hơn trồng ngô lấy hạt từ 25 – 35 ngày, góp phần tăng vụ có thể trồng 3 – 4 vụ/năm, trong khi trồng ngô lấy hạt tối đa chỉ trồng được 2 – 3 vụ/năm. Ngô là cây ưa ẩm, tưới nước theo đợt không tốn nước như trồng lúa. Mặt khác, trồng ngô sinh khối có thời gian canh tác trên ruộng ngắn hơn, chỉ khoảng 75 – 90 ngày, nên ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, vì thế đã giảm được chi phí đầu tư đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường. Thu hoạch ngô sinh khối vào giai đoạn ngô chín sáp có khối lượng riêng cao nhất, nên khi bán cây ngô nông dân thu được giá trị lớn nhất, tức đầu ra cao. Chất lượng cây ngô xanh khi thu hoạch vào giai đoạn chín sáp có dưỡng chất đầy đủ và cao nhất nên khi trâu, bò thịt hoặc bò sữa ăn thức ăn này sẽ cho chất lượng thịt sữa tốt nhất. Đây là hiệu quả ba bên người nông dân sản xuất có lợi, nhà chăn nuôi có lợi và người tiêu dùng sản phẩm thịt, sữa có lợi.

Về hiệu quả kinh tế, sử dụng cây ngô xanh gồm thân, lá, bắp tươi đem ủ chua là thức ăn lý tưởng giàu dưỡng chất nhất, vượt xa hơn so với ủ chua bằng các phụ phẩm như thân, lá ngô già, bẹ ngô khô để làm thức ăn cho bò sữa, bò thịt. Năng suất thu được trung bình khoảng 38,7 tấn cây tươi/ha, với giá bán khoảng 800 đồng/kg tươi như vậy người sản xuất thu về khoảng 30,96 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu sản xuất ngô lấy hạt theo truyền thống, thời gian sinh trưởng khoảng 110 – 115 ngày tùy giống. Năng suất thu được trung bình khoảng 4,7 tấn hạt khô/ha, với giá bán khoảng 6,5 triệu đồng/tấn, người sản xuất thu được khoảng 30,5 triệu đồng/ha. Như vậy so với sản xuất ngô lấy hạt thì sản xuất ngô sinh khối thời gian rút ngắn khoảng 30 ngày mà lại cho thu nhập cao hơn khoảng 4,3 triệu đồng/ha. Mặt khác trồng ngô sinh khối còn không mất công tẽ hạt, công phơi và bảo quản, ngoài ra trồng ngô lấy sinh khối để ủ chua làm thức ăn dự trữ những khi khan hiếm thức ăn. <Xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Những người mua thức ăn chăn nuôi ở châu Á đang phải đối mặt với chi phí thức ăn chăn nuôi từ ngô cao hơn khi năm 2021 sắp kết thúc, nhưng nhu cầu cho năm 2022 có khả năng vẫn tăng do dư địa cho các lựa chọn thay thế đã bị thu hẹp và nhu cầu từ Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Khi thế giới bước vào năm thứ ba chung sống với đại dịch Covid-19, nhu cầu ngô của châu Á vẫn có ổn định. Trong khi giá ngô CFR (Cost and Freight: giá hàng và giá cước) Đông Bắc Á trung bình tháng 12 của S&P Global Platts đã giảm từ mức đỉnh lịch sử 349 USD/tấn vào ngày 10/5, nhưng vẫn đang giao dịch ở mức hơn 100 USD/tấn so với mức trung bình tháng 12 từ năm 2020.

Nhập khẩu ngô của Hàn Quốc, một khách hàng lớn ở châu Á, trong năm 2021 vẫn ổn định so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp giá cao kỷ lục. Dữ liệu hải quan Hàn Quốc cho thấy nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay là khoảng 10,53 triệu tấn, so với 10,86 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2020.

Hồ sơ thương mại của Platts cho thấy lượng mua vào tháng 12 là khoảng 740.000 tấn, đưa tổng lượng nhập khẩu năm 2021 vào khoảng 11,27 triệu tấn, giảm 3,3% so với năm 2020. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô trên Thế giới

Thu hoạch ngô bắt đầu ở Nam Bán cầu, với sản lượng ngô của Braxin dự đoán đạt mức cao kỷ lục và sản lượng ngô của Achentina và Nam Phi cao hơn mức trung bình hàng năm.

FAO cũng đã cập nhật dự báo về sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2021, ước đạt 796 triệu tấn, tăng 0,7% so với năm trước.

Tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu niên vụ 2021/2022 hiện đạt 2.802 triệu tấn, tăng 1,5% so với trung bình hàng năm. Dự trữ ngũ cốc cuối vụ năm 2022 dự báo tăng nhẹ so với năm ngoái lên 836 triệu tấn. Theo đó, tỷ lệ dự trữ, tiêu thụ ngũ cốc thế giới sẽ ở mức 29,1%, đánh dấu mức thấp nhất trong 8 năm, song vẫn cho thấy mức cung tổng thể bình thường.

FAO cũng nâng dự báo thương mại ngũ cốc thế giới lên 484 triệu tấn, tăng 0,9% so với niên vụ 2020/2021. Dự báo này không giả định các tác động tiềm ẩn từ cuộc xung đột ở Nga – Ucraina.

FAO cho biết, sản lượng ngũ cốc ở 47 quốc gia thiếu hụt lương thực thu nhập thấp (LIFDCs) trên thế giới dự báo ​​sẽ giảm 5,2% trong niên vụ 2021/2022, do xung đột và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Điều đó dẫn đến việc LIFDCs tăng 8% nhu cầu nhập khẩu tổng hợp lên 66,6 triệu tấn.

Báo cáo hàng quý bao gồm cập nhật về tình hình tại 44 quốc gia hiện đang được xác định là cần hỗ trợ từ bên ngoài về lương thực cũng như cập nhật chi tiết hơn về xu hướng sản xuất ngũ cốc của khu vực trên thế giới, đồng thời lưu ý những rủi ro đối với sản xuất và xuất khẩu cũng như sinh kế liên quan đến sự leo thang của cuộc xung đột ở Ucraina. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ ngô ở Việt Nam

            Giá bán ngô hạt của các giống ngô đều như nhau, bình quân 5,3 triệu đồng/tấn. Nhờ tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô/ha) khi so sánh với các giống truyền thống, nên thu nhập từ trồng ngô biến đổi gen tăng thêm 3,75 – 6,65 triệu đồng/ha.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống Cây trồng Việt Nam chia sẻ, diện tích sản xuất ngô nước ta liên tục giảm kể từ năm 2015 đến nay.

Năm 2014 diện tích trồng ngô đạt 1.179 nghìn ha, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 943 nghìn ha. Năm 2020, sản lượng ngô thu hoạch trong nước chỉ đạt 4,76 triệu tấn, trong khi khối lượng ngô nhập khẩu lên tới 12 triệu tấn, với kim ngạch 2,39 tỷ USD.

Hình 1. Lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam qua các năm (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures) <Xem thêm>

<Xem thêm>

Bảng 1. Diện tích, năng suất, sản lượng ngô của Việt Nam

Chỉ tiêu 1995 2000 2005 2010 2015 2018 2019 2020
Diện tích (triệu ha) 0,56 0,73 1,05 1,13 1,16 1,03 0,99 0,94
Năng suất (tấn/ha) 2,11 2,75 3,60 4,09 4,54 4,72 4,80 4,85
Sản lượng (triệu tấn) 1,18 2,01 3,79 4,61 5,29 4,87 4,73 4,56

Theo FAO (2020)

Các giống ngô ưu việt hiện nay

Giống VINO 688

Đây là giống ngô trung ngày (từ 98 – 105 ngày ở Nam bộ và 105 – 115 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc). VINO 688 chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, sinh khối đạt 50 – 60 tấn/ha; bộ lá đứng, thích hợp cho việc trồng dày. Chiều cao cây trung bình từ 200 – 220 cm, độ cao đóng trái từ 100 – 110 cm. Cây vẫn giữ được bộ lá xanh khi thu hoạch.

Giống VINO 688 có thể trồng với mật độ 65.000 – 70.000 cây/ha mà vẫn cho năng suất ổn định. Bắp có chiều dài từ 19 – 20 cm, 12 – 16 hàng hạt, dạng hạt đá, màu hạt vàng cam rất bắt mắt. Đặc biệt tỷ lệ hạt/bắp khá cao (khoảng 79%). Năng suất hạt trung bình đạt từ 9 – 11 tấn/ha. Giống VINO 688 có phổ trồng rộng, có thể trồng tất cả các vùng trong cả nước và có thể trồng quanh năm.

Giống VINO 678

Giống VINO 678 được lựa chọn theo định hướng vừa có thể thu hạt, vừa thu cây lấy thân làm thức ăn cho gia súc. Là giống ngô dài ngày: 100 – 104 ngày ở Đông Nam Bộ, 103 – 114 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống đạt sinh khối lấy thân có thể đạt 60 – 70 tấn/ha, mật độ trồng từ 57.000 – 65.000 cây/ha.

Giống có bộ lá xanh, rễ chân kiềng phát triển, cây cao từ 220 – 235 cm, chiều cao đóng trái từ 110 – 115 cm. Vì là giống có sinh khối lớn nên trong quá trình trồng cần đảm bảo cung cấp đủ nước để cây phát triển tốt. Giống VINO 678 có thể kháng sâu bệnh hại khá tốt.

Bắp ngô VINO 678 có chiều dài đạt 20 – 22 cm, 14 – 16 hàng hạt, đường kính 4,4 – 4,7 cm, tỷ lệ hạt trên trái đạt 78%, hạt dạng bán đá, có màu cam. Giống thích hợp trồng vụ đông xuân, hè thu và thu đông. Năng suất hạt của giống đạt từ 10 – 12 tấn/ha.

Giống VINO 812

Đây là giống khá đặc biệt, được kết hợp giữa 2 dòng bố mẹ có sức sinh trưởng mạnh và thích thích nghi tốt nhất trong bộ nguồn của Công ty TNHH Việt Nông hiện có. Giống có tiềm năng đạt năng suất cao: 11 – 12 tấn/ha, năng suất lấy thân đạt 55 – 60 tấn/ha.

Bộ lá xanh, lá dày và thân cây lớn, bắp to là những nhận xét của người dân Sơn La về giống ngô này. Giống VINO 812 là giống bắp dài ngày, 100 – 105 ngày ở Đông Nam Bộ, 110 – 120 ngày ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Giống có chiều dài trái 20 – 21 cm, đường kính trái 5,0 – 5,2 cm, dạng hạt răng ngựa, màu vàng. Tỷ lệ hạt/trái cao: từ 80 – 81%. Bắp có từ 16 – 20 hàng hạt. Giống VINO 812 có thể trồng quanh năm và rất thích hợp trồng ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm trong vòng 1 năm trở lại đây nhưng người dân Sơn La đều đánh giá rất cao 3 giống ngô trên. Ông Lò Văn Phái (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) có 5.000 m2 trồng thử nghiệm, đã nhận xét: “Trong năm nay, người dân tại địa phương rất hứng thú với 3 giống ngô của Việt Nông. Kháng sâu bệnh tốt là đặc điểm mà bà con quan tâm nhất vì thời gian gần đây trồng ngô phải đối mặt với nạn sâu keo mùa thu”.

            Năm 2019, xã Chiềng Sung trồng hơn 1.000 ha ngô, trong đó người dân gieo hơn 2.000 kg hạt giống của Công ty TNHH Việt Nông. Dự báo trong năm 2020, con số đó sẽ tăng lên đến 8.000 – 10.000 kg. <Xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

Thời gian sinh trưởng của cây ngô (cây bắp) dài, ngắn khác nhau phụ thuộc vào giống và điều kiện ngoại cảnh. Trung bình thời gian sinh trưởng từ khi gieo đến khi chín là 90 – 160 ngày.

Sự phát triển của cây ngô chia ra làm 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng: Từ khi gieo đến khi xuất hiện nhị cái.

+ Giai đoạn sinh trưởng sinh thực: Bắt đầu với việc thụ tinh của hoa cái cho đến khi hạt chín hoàn toàn.

Có nhiều ý kiến khác nhau về thời gian sinh trưởng phát triển của cây ngô, song có thể chia ra các thời kỳ sau: Thời kỳ nảy mầm, thời kỳ 3 – 6 lá, thời kỳ 8 – 10 lá, thời kỳ xoáy nõn, thời kỳ nở hoa và thời kỳ chín. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

            Cây ngô thường được sản xuất trên đất 2 vụ lúa và là một trong những cây trồng chính ở vụ đông trên địa bàn tỉnh. Ngô khá dễ trồng và chăm sóc nhưng để cho năng suất cao, chất lượng tốt bà con nông dân cần chú ý:

Thời vụ: Gieo trồng trong tháng 9 để tránh gặp rét khi trỗ cờ phun râu vì vậy cây ngô vụ đông trồng càng sớm càng tốt. Để tranh thủ thời vụ tốt nhất nên chuẩn bị cây con trồng trong bầu, khi cây đạt tiêu chuẩn thì đem ra ruộng trồng, vừa giải quyết khâu thời vụ, đồng thời đảm bảo tỉ lệ sống cao; ngoài ra còn điều chỉnh được mật độ trồng, điều chỉnh hướng lá để cây ngô phát triển thuận lợi, cho năng suất cao trong vụ đông.

Chuẩn bị giống: Trong vụ đông, sử dụng các giống ngô có ngày ngắn, năng suất cao, có khả năng chịu mật độ, thâm canh, chịu hạn và lạnh như: NK4300, CP333, LVN885, Nk4300Bt/GT…; nhóm ngô nếp: MX4, MX10, HN88…

Lượng giống khoảng 20 – 25 kg/ha, tùy từng loại giống.

Xử lý hạt giống trước khi trồng đối với ngô bầu: Ngâm hạt giống trong nước sạch 8 – 10 tiếng sau đó đem ủ, có thể ủ cùng cát hoặc trấu, tốt nhất nên dùng cát ẩm để ủ. Sau 20 – 24 tiếng là hạt nảy mầm, lưu ý cần kiểm tra giá thể, nếu ẩm quá có thể làm thối hạt giống. Chỉ nên ủ hạt nứt nanh là tiến hành đem gieo, vì nếu để rễ mầm quá dài khi thao tác rất dễ gẫy, mà rễ mầm có vai trò hết sức quan trọng đối với năng suất của cây ngô.

Kỹ thuật làm đất:

Đối với gieo hạt trực tiếp: Sau khi thu hoạch lúa, cày lật đất để tạo luống rộng khoảng 1,2 m, rãnh rộng 30 – 40 cm, sâu 20 – 25 cm. Dùng cuốc rạch hàng ngang trên mặt luống sâu 2 – 3 cm, hàng cách hàng 30 cm.

Đối với trồng bằng bầu ươm: Nếu bề mặt ruộng còn bằng phẳng, không bị phá kết cấu, tưới tiêu chủ động, cắt sát gốc rạ, phủ rạ lên bề mặt ruộng. Không cần tạo các rãnh thoát nước, sử dụng hệ thống thoát nước như sản xuất lúa. Sử dụng cuốc, các dụng cụ chuyên dùng khác để tạo hốc đặt bầu theo kiểu nanh sấu, tạo luống đơn hoặc luống đôi, luống đôi nên có bề rộng 90 – 120 cm và trồng 2 hàng ngô với khoảng cách 50 – 60 cm, bầu cách bầu 25 – 30 cm. Khi bề mặt ruộng không bằng phẳng cần phải có biện pháp làm phẳng bề mặt ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thoát nước. Với ruộng không chủ động tưới tiêu thì cứ 5 – 7 hàng tạo 1 rãnh thoát nước.

Kỹ thuật làm bầu ngô:

Nguyên vật liệu cần cho 1 ha là bùn ao và 1.000 kg phân chuồng hoai mục hoặc 250 kg phân hữu cơ vi sinh.

Cách làm: Trộn bùn với trấu xay, phân chuồng hoai mục theo tỷ lệ 1:1. San phẳng lớp bùn trên nền đất cứng đã được rắc trấu hoặc lót lá chuối, độ dày lớp bùn từ 5 – 7 cm, khi mặt đất bầu se lại, dùng que rạch theo kích thước định trước, sau đó lấy ngón tay trỏ chọc 1 lỗ giữa bầu, đặt hạt giống đã ủ nứt nhanh đảm bảo mầm hạt hướng lên trên và phủ kín hạt bằng một lớp đất bột nhỏ, đất cát hoặc trấu. Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi mưa to phải che đậy, thời gian cây sống trong bầu tốt nhất là 5 – 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày, nếu thời gian cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng NPK pha loãng.

Kỹ thuật trồng:

Trồng với mật độ 57.000 – 61.000 cây/ha, khoảng cách hàng cách hàng 65 cm, cây cách cây 25 – 30 cm.

Đối với gieo hạt trực tiếp: Tra hạt theo các hốc trên rạch cách nhau 7 – 12 cm, mỗi hốc 1 – 2 hạt. Hoặc có thể cày một đường dọc theo luống để tạo rãnh và tra hạt dọc theo rãnh.

Kỹ thuật đặt bầu: Đất ruộng phải đảm bảo độ ẩm từ 85 – 90%. Trước khi đặt bầu bón lót 8 – 10 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 2.500 kg phân hữu cơ vi sinh và 500 – 600 kg lân supe, nếu ruộng chua thì cần bón thêm 500 kg vôi bột. Đặt bầu ngô theo hướng lá xòe ra 2 bên hàng và vuông góc với chiều dài luống, trồng ra ruộng khi ngô đạt 2 – 3 lá thật.

Kỹ thuật bón phân kết hợp chăm sóc

Lượng phân bón/ha: 8 – 10 tấn phân chuồng hoai mục hoặc 2.500 kg phân + 600 kg lân supe + 420 – 450 kg đạm ure + 180 – 200 kg kaliclorua + 500 kg vôi bột.

Bón lót trước khi trồng: Bón toàn bộ phân chuồng, lân và vôi bột.

Bón thúc lần 1: Khi ngô bén rễ, hồi xanh (từ 3 – 5 ngày sau khi đưa bầu ra ruộng), bón cách gốc 10 cm với lượng 140 – 150 kg đạm urê + 60 – 65 kg kali clorua, kết hợp với tưới nước hoặc có thể hòa tan đạm, kali với nước để tưới kết hợp với vun vừa và làm cỏ.

Bón thúc lần 2: Khi ngô được 5 – 6 lá, bón với lượng 140 – 150 kg đạm urê + 60 – 65 kg kali clorua, kết hợp với tưới nước, làm cỏ và vun cao.

Bón thúc lần 3: Khi ngô được 10 – 11 lá, bón với lượng 140 – 150 kg đạm urê + 60 – 70 kg kali clorua, kết hợp với tưới nước, làm cỏ và vun cao để hạn chế đổ ngã.

Độ ẩm đất thích hợp đối với ngô là 70 – 80%. Khi đất khô nếu không mưa thì phải tưới nước cho ngô. Cách tốt nhất là tưới theo rãnh, theo băng để ngâm qua một đêm rồi rút cạn nước. Không được để nước đọng gây ngập úng, rễ ngô sẽ bị thối, lá héo vàng. Những giai đoạn ngô rất cần nước là 3 – 4 lá, 7 – 10 lá, xoáy loa kèn, tung phấn phun râu và chín sữa. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Một số sâu bệnh hại trên ngô

– Sâu hại trên ngô: Sâu xám (Agrotis ypsilon), sâu gai (Dactylispa sp.), mọt hại (Sitophilus zeamaisMotsch.), sâu xanh đục trái (Helicoverpa armigera), sâu cắn lá (Mythimna loreyi Duponchel), sâu đục thân (Ostrinia nubilalis).

– Bệnh hại trên ngô: bệnh hại hạt (Penicillium spp.), thối ướt củ (Erwinia carotovora), thối thân (Fusarium moniliforme Sheld), khô vằn (Rhizoctonia solani Kuhn), bạch tạng (Sclerospora maydis (Racib.) Butller), phấn đen (Ustilago maydis (Dc.) Codra), sợi đen (Sphacelotheca reiliana (Kuhn.) Clinton), đốm lá nhỏ (Helminthosporium maydis Nisikado), đốm lá lớn (Helminthosporium turcicum Pass), rỉ sắt (Puccinia sorghiSchw.), thiếu đạm (Nitrogen deficiency), thiếu lân (Phosphorus deficiency), thiếu kali (Potassium deficiency), gỉ sắt ngô (Puccinia sorghi schw.), ung thư ngô (Ustilago zeae Ung), mốc hồng hạt ngô (Fusarium moniliformeSheld., Fusarium graminearum Schw), bệnh lùn sọc đen (SRBSDV (Southern Rice Black-Streaked Dwarf Virus)).

            Tham khảo một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên ngô → <Xem thêm>

Nguồn: Tiểu Ban Trồng trọt – Gap Library – TTNSV

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.