Giới thiệu về Bắp Cải

 Giới thiệu Bắp cải
Tiểu Ban Trồng trọt – Gap Library – TTNSV

Bắp cải có tên khoa học là Brassica oleracea L., đây là một trong những nhóm rau chính thuộc họ Cải. Bắp cải là loại rau cao cấp được ưa thích nhất của người Việt Nam. Bắp cải là loại cây thân thảo có thể sống đến 2 năm, thuộc nhóm thực vật 2 lá mầm với nhiều lớp lá xếp dày lên nhau tạo thành hình cầu hoặc gần giống hình cầu, cũng có khi chúng có hình trái tim hoặc hình trụ… Có rất nhiều loại bắp cải như bắp cải xanh, bắp cải tím, cải thảo,…Ngoài việc dùng bắp cải làm món ăn, chúng còn được dùng để phòng chữa bệnh hiệu quả đặc biệt là chữa những bệnh ngoài da và ngừa ung thư vú ở nữ giới. Người Hàn Quốc rất chuộng loại rau này bởi chúng là nguyên liệu chính cho món kim chi nổi tiếng trong và ngoài nước. <xem thêm>

Nguồn gốc và xuất xứ

Bắp cải đã được sử dụng từ lâu đời ở Châu Âu và đã được người Iberia cổ đại sử dụng trong hàng ngàn năm hoang dã. Sau đó, người Celt xâm chiếm Địa Trung Hải và truyền bá việc trồng trọt khắp châu Âu. Vì lý do này, từ nguyên của bắp cải có nguồn gốc từ phương ngữ Celtic. Bắp cải đã được du nhập vào Nhật Bản khoảng 800 năm trước và được biết đến trong thời đại Ansei (1854 – 1860), sau khi thời kỳ Minh Trị, bắp cải đã được trồng ở các vùng tương tự với khí hậu của châu Âu và Hoa Kỳ, chẳng hạn như Hokkaido và vùng Tohoku. Từ cuối thời Minh Trị đến thời Taisho và đầu thời đại Showa, các giống bắp cải độc nhất của Nhật Bản phù hợp với khí hậu Nhật Bản bắt đầu được lai tạo thành công. Con lai F1 được ra đời và nhiều loại giống được trồng trọt, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về chọn giống trong lĩnh vực này. Sau đó, bắp cải đã trở thành một trong những loại rau phương Tây đầu tiên là một trong những loại rau quan trọng nhất ở Nhật Bản. <xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Bắp cải là nguồn cung cấp dồi dào các chất dinh dưỡng, chất xơ hòa tan và không hòa tan. Khi được nấu chín, bắp cải có vị hơi hăng.

Thành phần dinh dưỡng có trong 100 g bắp cải: Calo: 25, chất béo: 0 g, cholesterol: 0 mg, Natri: 18 mg, tinh bột: 5 g, chất xơ: 2 g, protein: 1 g, Vitamin A: 133 IU, Vitamin C: 32 mg, Can xi: 47 mg, sắt: 1 mg <xem thêm>

  1. Công dụng

Do chứa hàm lượng cao các loại vitamin hay nhiều loại khoáng chất thiết yếu như sắt, chất xơ, indoles, … nên người ta đã nghiên cứu chứng minh được việc ăn cải bắp thường xuyên sẽ giúp bạn: Nâng cao đề kháng cho cơ thể, chống lại nhiều bệnh tật, đặc biệt là những bệnh theo mùa, phòng ngừa và cải thiện tình trạng thiếu máu, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân viêm khớp, nhất là những người lớn tuổi, tốt cho người suy nhược thần kinh, ăn uống khó tiêu. Bắp cải còn là nguồn cung cấp đạm tự nhiên, ngăn ngừa và ức chế các bệnh lở loét, nhiễm trùng ngoài da, nhiều nghiên cứu còn cho thấy tác dụng của loại rau này làm giảm nguy cơ ung thư.

Loại thực phẩm nào cũng vậy, chúng đều có nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe. Tuy nhiên, thể trạng của mỗi người khác nhau. Đặc biệt, với một số người đang mắc bệnh, khi dùng loại rau xanh này sẽ để lại những phản ứng xấu cho cơ thể. Cụ thể như sau: Những người bị đau dạ dày không nên dùng bắp cải cũng như những loại rau họ Cải ở dạng ăn sống. Nên nấu kỹ trước khi dùng để không bị sinh khí gây đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, người bị bướu cổ hoặc loạn tuyến giáp nên tránh xa loại rau này bởi thành phần chúng chứa goitrin – một loại chất chống oxy hóa nhưng gây bướu cổ, chúng sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn. Có câu “Cần tái- Cải nhừ”, do vậy nếu muốn ăn, hãy cắt rời từng lá, ngâm rửa thật kỹ rồi xắt nhỏ, đợi 15 phút sau mới chế biến để chất goitrin này phân hủy hết nhằm không gây hại đến sức khỏe, những bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo hay những người đang bị táo bón hoặc mắc chứng tiểu ít… cũng tuyệt đối tránh xa bắp cải ở dạng sống hoặc dưa cải muối chua. <xem thêm>

Giá trị kinh tế

Cây bắp cải với ưu điểm dễ trồng và chăm sóc, ít sâu bệnh, sản lượng cao, đầu ra khá ổn định. So với cây trồng khác thì cây bắp cải đem lại giá trị kinh tế cao và ổn định trên một đơn vị canh tác, trung bình 1 ha bắp cải cho sản lượng 25 – 30 tấn, do vậy nhiều vùng thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp có thể mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân <xem thêm>

Ngoài thị trường nội địa, gần đây bắp cải là loại rau được quan tâm xuất khẩu. Ví dụ, đầu năm 2020, tỉnh Thanh Hóa xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc những bắp cải có trọng lượng trên 2,5 kg, đóng khoảng 10 bắp vào mỗi bao ni lông để xuất khẩu với giá trung bình 6 nghìn đồng/kg. Số ít còn lại có trọng lượng dưới 2,5 kg được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh với giá khoảng 3 nghìn đồng/kg. <xem thêm>

Ở Đà Lạt, thủ phủ trồng rau Cao Nguyên Trung phần của Việt Nam, bắp cải (tươi và qua chế biến) đang được xuất khẩu khá tốt vào các thị trường bao gồm Mỹ, EU (Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ), Đông Á (Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc), ASEAN (Singapore, Malaysia). <xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Năm 2021 xuất khẩu bắp cải của Bangladesh đã tăng gần 60 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục 6.500 tấn bắp cải xuất khẩu trong vòng 1 tháng rưỡi cho đến ngày 15/2, đạt doanh thu xuất khẩu ước tính 1,5 triệu USD.

Theo cơ quan kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp, năm 2020, Bangladesh chỉ xuất khẩu được 107 tấn. Các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ đã sản xuất bắp cải ít hơn so với dự kiến trong năm nay, chủ yếu do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đã đẩy nhu cầu về mặt hàng này tăng lên. Bangladesh xuất khẩu bắp cải chủ yếu sang Malaysia, Singapore, Đài Loan và Indonesia. Malaysia là nhà nhập khẩu bắp cải lớn nhất của Bangladesh, sau đó là Singapore. Malaysia nhập khẩu gần 5.000 tấn, Singapore hơn 1.000 tấn và Đài Loan gần 500 tấn.

Các nhà xuất khẩu cho biết họ rất vui vì lượng hàng tăng lên, mở rộng thị phần của họ trong xuất khẩu nói chung. Họ đã ký hợp đồng canh tác hoặc hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ để sản xuất bắp cải theo quy cách của người mua. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ bắp cải trên Thế giới

Theo thống kê cho thấy, diện tích, năng xuất và sản lượng của bắp cải qua các năm có sự biến động. Năm 2016 diện tích trồng bắp cải là hơn 2,42 triệu ha và sản lượng đạt hơn 70,85 triệu tấn. Nhưng đến năm 2018 diện tích trồng bắp cải chỉ còn 2,4 triệu ha sản lượng chỉ đạt hơn 69,5 triệu tấn. Đến năm 2020 diện tích trồng bắp cải đã tăng lại hơn 2,41 triệu ha, sản lượng đạt hơn 70,86 triệu tấn (FAOSTAT, 2022).

Năm Diện tích (ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn)
2016 2.424.564 29,22 70.846.450
2017 2.424.482 29,31 71.059.301
2018 2.407.529 28,91 69.591.942
2019 2.413.686 29,11 70.258.867
2020 2.414.288 29,35 70.862.165

Theo FAOSTAT, 2022 <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ bắp cải ở Việt Nam

Ở Việt Nam, năm 2022 diện tích trồng bắp cải là 37.624 ha với sản lượng đạt 1.027.592 tấn (FAOSTAT, 2022). Ở nước ta, bắp cải được trồng tập trung quanh năm ở Đà Lạt và vụ đông ở Đồng bằng Sông Hồng. <xem thêm>. Vụ đông 2021, tỉnh Hải Dương gieo trồng 21.300 ha, trong đó, bắp cải 1.600 ha các huyện có diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt và tăng so với vụ đông năm trước như Kinh Môn, Chí Linh, Nam Sách, Ninh Giang, Bình Giang. <xem thêm>. Cuối năm 2021, tỉnh Hải Dương thu mua bắp cải cho nông dân với giá trung bình 10.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so năm ngoái, với giá bán này, nông dân có lãi 6 triệu đồng/sào (360 m2/sào). <xem thêm>

Các giống bắp cải hiện nay

Bắp cải xanh:  Là loại cải bắp phổ biến nhất với nhiều lớp lá cuộn chặt vào nhau. Phần gốc dày hơn so với phần đỉnh lá. Chúng có hình tròn hoặc hơi dẹt, cầm chắc tay. Những lớp lá bên trong cùng thường có màu trắng hoặc hơi ngã xanh. Những lớp ngoài thì màu xanh đậm hơn. Bắp cải xanh có vị ngọt, dịu mát.

Bắp cải tím: Là loại tương tự với bắp cải xanh nhưng lá chúng cứng hơn. Đặc biệt, so với các loại rau cùng nhóm thì đây là loại có vị ngọt nhất. Nhờ màu tím khác lạ mà chúng không chỉ giúp đa dạng món ăn mà còn làm cho món ăn thêm hấp dẫn, bắt mắt hơn, có thể dùng bắp cải tím để làm các món salad hoặc xào.

Bắp cải lá xoăn (cải Xa-voa): Nhìn xa sẽ thấy chúng khá giống với bắp cải xanh. Nhưng khi nhìn gần sẽ nhận ra sự khác biệt rõ nét ở đặc điểm lá xoăn mạnh và có màu xanh đậm hơn. Loại này được xếp vào hàng ngon nhất nhưng nhược điểm của chúng là chỉ trồng được theo mùa chứ không đại trà nhưng những loại khác nên thị trường khá hiếm.

Cải bruxen – một loại bắp cải nhỏ: Đây giống như là phiên bản thu nhỏ và ngay cả mùi vị chúng cũng rất giống với bắp cải xanh. Chúng cũng gồm nhiều lớp lá cuộn chặt lấy nhau, cầm nặng tay nhưng kích thước rất nhỏ nhắn đáng yêu, thông thường đường kính không quá 5 cm. Chúng có tên là Bruxen bởi người ta tìm thấy chúng lần đầu tiên ở thành phố Brussels của Vương quốc Bỉ.

Cải thảo: Đây là loại rau quá quen thuộc. Chúng có vị ngọt dịu mát đặc trưng lại giàu vitamin C. Trong nhóm cải thảo lại phân thành 2 loại là: cải thảo đầu bếp hay cải thảo Chihili. Cải thảo đầu bếp: với đặc điểm dài và cứng và phần lá ở đầu cải có màu xanh lá. Cải thảo Chihili có đầu lá dài, thuôn với màu xanh lá đậm. <xem thêm>

Một số giống bắp cải nhập nội hiện nay:

Bắp cải No70 (cải bắp sần): Nhập nội từ Nhật Bản, thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (75 – 85 ngày, tùy thời vụ). Khả năng kháng bệnh, chịu nóng, chịu độ ẩm cao rất tốt. Cây bắp có thể chịu được mưa dài ngày mà không bị thối, nứt. Cho phép trồng vụ sớm, vụ muộn để khắc phục nhu cầu rau giáp vụ. Vụ thu đông bắt đầu trồng từ đầu tháng 8. Vụ xuân hè trồng cuối tháng 2 đầu tháng 3. Mật độ trồng 1.200 cây/sào 360 m2. Khoảng cách trồng 40 x 60 cm. Trồng 2 hàng/luống rộng 1,2 m. Trọng lượng bắp trung bình 1,2 – 1,5 kg/cây. Năng suất trung bình bình đạt 1,3 – 1,5 tấn/sào.

Bắp cải Hodori 18: Nhập nội từ Hàn Quốc,thời gian sinh trưởng ngắn (70 ngày). Khả năng kháng bệnh và chịu nóng khá tốt. Trọng lượng bắp trung bình 2 kg/cây. Năng suất trung bình đạt 1,6 – 1,8 tấn/sào 360 m2. Chất lượng rau ăn giòn, ngon, vị đậm. Thời vụ trồng từ tháng 8 – tháng 3. Trồng 2 hàng/luống. Mật độ trồng 1.200 – 1.300 cây/sào. Cây cách cây 30 – 40 cm. Hàng cách hàng 50 – 60 cm.

Bắp cải NSX: Nhập nội từ Nhật Bản, chất lượng thuộc hàng đầu trong số các giống bắp cải đang trồng phổ biến ở nước ta hiện nay. Nhưng giống có nhược điểm, thời gian sinh trưởng khá dài (100 – 110 ngày), khả năng chịu nóng rất kém và giá giống cao (đắt gấp 2 lần so với các giống bắp cải khác). Thích hợp trồng chính vụ đông (giữa tháng 10). Mật độ trồng 900 – 1.000 cây/sào 360 m2. Khoảng cách trồng 50 x 60 cm. Trồng 2 hàng/luống rộng 1,2 m. Trọng lượng bắp trung bình 3kg/cây. Năng suất 2,3 – 2,5 tấn/sào. <xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

Bắp cải là loại cây thân thảo có thể sống đến 2 năm, thuộc nhóm thực vật 2 lá mầm với nhiều lớp lá xếp dày lên nhau tạo thành hình cầu hoặc gần giống hình cầu, cũng có khi chúng có hình trái tim hoặc hình trụ…

Lá bắp cải: Bắp cải có nhiều lớp lá dày cuộn quanh cuống. Tùy vào từng loại bắp cải khác nhau mà lá của nó sẽ cuộn chặt hoặc rời nhau, lá nhẵn, phẳng hoặc có nhiều nếp gấp và hơi cong. Lớp lá ngoài của bắp cải thường có màu xanh lá đậm hơn những lá ở bên trong. Cải bắp có chỉ số diện tích lá cao, hệ số sử dụng nước rất lớn, có bộ rễ chùm phát triển mạnh. Đặc biệt ở cải bắp khả năng phục hồi bộ lá khá cao. Các thí nghiệm cho thấy, khi cắt 25% diện tích bề mặt lá ở giai đoạn trước cuốn bắp, năng suất vẫn đạt 97 – 98% so với không cắt.

Cây bắp​ cải: Cải bắp là cây thảo có thân to và cứng, mang vết sẹo của những lá đã rụng. Lá xếp ốp vào nhau thành đầu, phiến lá màu lục nhạt và có một lớp sáp mỏng.

Hoa bắp​ cải: Vào năm thứ 2 cây ra hoa. Chùm hoa ở ngọn mang hoa màu vàng có 4 lá đài, 4 cánh hoa, cao 1,5 – 2,5 cm, 6 nhị với 4 dài, 2 ngắn.

Quả bắp c​ải: Quả hạp có mỏ, dài khoảng 10 cm, chia 2 ngăn; hạt nhỏ xấp xỉ 1,5 mm.

Rễ bắp cải​: Cải bắp có bộ rễ chùm phát triển mạnh <xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Giống: Tại Lâm Đồng trồng một số loại giống bắp cải khác nhau, nhưng chủ lực là giống Shotgun và Green Nova, ngoài ra, nông dân vẫn canh tác một số giống khác với tỉ lệ thấp như bắp cải tim, bắp cải tím…

Tiêu chuẩn lựa chọn giống xuất vườn:

Giống Độ tuổi

(ngày)

Chiều cao

cây (cm)

Đường kính

cổ rễ (mm)

Số lá

thật

Tình trạng cây
Cải bắp 20 – 28 10 – 12 1,5 – 2 4 – 6 Cây khoẻ mạnh, không dị hình, không bị dập nát, rễ trắng quấn đều bầu, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là bệnh sưng rễ
  1. Chuẩn bị đất: Chọn đất canh tác cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy, … (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện). Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt. Vệ sinh vườn, dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước, rải vôi cày xới kỹ sâu khoảng 20 – 25 cm. Làm luống, rãnh rộng 1,2 m, cao 15 cm, trong mùa khô cao 10 cm. Vườn trồng cần có mương rãnh thoát nước.
  2. Trồng và chăm sóc: Nếu sử dụng polietylen phủ đất, sau khi bón lót, phủ kín mặt luống, dùng đất chèn kỹ mép luống và đục lỗ trồng. Trồng hai hàng kiểu nanh sấu, hàng x hàng 45 cm, cây x cây 35 cm, mật độ trồng 33.000-35.000 cây/ha. Sau khi trồng, tưới đẫm sau đó tưới đều hàng ngày cho tới khi hồi xanh, có thể tưới rãnh cho cây, để nước ngấm 2/3 luống phải tháo hết nước, không nên tưới rãnh trước và sau khi mưa.
  3. Phân bón và cách bón phân: Phân bón: Lượng phân bón cho 1 ha/vụ: Phân chuồng hoai: 40 m3, phân hữu cơ vi sinh: 1.000 kg, Vôi bột: 1.000 kg. Phân hóa học (lượng nguyên chất): 140 kg N – 70 kg P2O5 – 150 kg K2O.

Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh: Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18 – 200C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15 – 180C. Độ ẩm đất thích hợp 75 – 85%, ẩm độ không khí 80 – 90%. Đất quá ẩm (trên 90%) kéo dài 3 – 5 ngày sẽ làm rễ cây nhiễm độc vì làm việc trong điều kiện yếm khí.

Đất: Ưa đất thịt nhẹ, cát pha, tốt nhất là đất phù sa bồi, pH: 5,6 – 6,0.<xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

  1. Tình hình sâu hại và biện pháp phòng trừ

Một số sâu hại chính trên bắp cải: Sâu tơ (Plutella xylostella), Rệp (Brevicolyne brassicae), Bọ nhảy (Phyllotrera spp.), Sâu xám (Agrotis ypsilon), Sâu khoang (Spodoptera sp.)

Một số biện pháp phòng trừ: Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trên ruộng và xung quanh bờ, nếu có điều kiện tưới ngập nước để tiêu diệt sâu non và nhộng, cày xới để sâu non, nhộng lộ lên trên làm mồi cho chim gà. Tưới nước, giữ ẩm cho cây trồng trong điều kiện thời tiết mùa khô. Luân canh cây trồng khác họ.

Biện pháp hóa học: luân phiên sử dụng một số hoạt chất sau: Abamectin; Emamectin benzoate; Matrine; Azadirachtin; Abamectin + Chlorfluazuron;  Abamectin + Alpha-cypermethrin….

  1. Tình hình bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Một số bệnh hại chính trên bắp cải: Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani), Bệnh thối gốc (Phoma ligam), Bệnh cháy lá vi khuẩn (Xanthomonas campestris), Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora), Bệnh đốm vòng (Alternaria brassicae Sace), Bệnh thối hạch (Sclerotinia sclerotirum), Bệnh sưng rễ (Plasmodiophora brassicae W.).

Một số biện pháp phòng trừ: Biện pháp canh tác: Vệ sinh vườn, trồng cây sạch bệnh, bón phân cân đối. Tăng lượng phân chuồng hoai có tác dụng kích thích cây khỏe và hạn chế được sự phát triển của bệnh, xử lý hạt giống bằng nước nóng 500C trong khoảng 30 phút trước khi gieo, luân canh với cây trồng khác họ như hành, cà rốt.

Biện pháp hóa học: Sử dụng luân phiên một trong các loại hoạt chất sau: Validamycin, Copper citrate; Cytokinin; Kasugamycin;  Trichoderma viride; Chitosan + Polyoxin… Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có tên trong Danh mục thuốc BVTV sử dụng trên cây rau.

Phòng trừ dịch hại tổng hợp

  1. Biện pháp canh tác kỹ thuật: Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cắt tỉa các lá già vàng úa tiêu hủy, thực hiện tốt chế độ luân canh trồng cây rau khác họ thập tự: cà rốt, khoai tây, bó xôi, xà lách…chọn giống khỏe, sức đề kháng sâu bệnh tốt, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Kiểm tra đồng ruộng và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh.
  2. Biện pháp sinh học: Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh của ruồi đục lá, các loài thiên địch bắt mồi như nhện, bọ đuôi kìm…Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh.
  3. Biện pháp vật lý: Nhổ bỏ, gom và tiêu huỷ sớm các cây bị nhiễm bệnh, sử dụng bẫy màu vàng, bẫy Pheromone dẫn dụ côn trùng. Có thể sử dụng lưới ruồi cao từ 1,5 – 1,8 m che chắn xung quanh vườn hạn chế ruồi đục lá, sâu, côn trùng gây hại bay từ vườn khác sang.
  4. Biện pháp hóa học: Khi sử dụng thuốc phải cân nhắc kỹ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thuốc), đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, phun khi bệnh chớm xuất hiện. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết.

– Bón vôi: Là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao độ pH thích hợp để hạn chế bệnh phát triển (pH>6,5). Sử dụng các loại vôi có hàm lượng CaO cao…Liều lượng vôi bón tuỳ thuộc vào độ pH hiện tại của đất.<xem thêm>

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.