Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết ngày 25/6, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ trên toàn tỉnh Bắc Giang vượt hơn 180.000 tấn.

Hơn 30 quốc gia mua trên 87.000 tấn vải thiều Bắc Giang.

Hơn 30 quốc gia mua trên 87.000 tấn vải thiều Bắc Giang.

Trong số các quốc gia nhập khẩu vải thiều, đứng đầu vẫn là thị trường Trung Quốc. Tổng sản lượng vải thiều xuất qua các cửa khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 86.500 tấn. Còn lại khoảng 500 tấn là cho các thị trường khác. Theo thống kê của Sở Công Thương Tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 25/6 đã có 178 thương nhân là người Trung Quốc sang tận Bắc Giang phối hợp với các thương nhân Việt Nam đặt điểm cân, thu gom vải thiều để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Tổng số điểm cân trên toàn tỉnh này đến nay còn trên 500 điểm, trong đó tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Lục Ngạn là trên 394 điểm, chủ yếu đặt tại Phố Kim, xã Phượng Sơn; khu vực Cầu Cát, xã Nghĩa Hồ; ngã 3 Phố Kép, xã Hồng Giang; Phố Lim xã Giáp Sơn; thôn Mai Tô, xã Phì Điền; Phố Chợ, xã Tân Sơn…

Theo thống kê tại các cửa khẩu báo về, ước sản lượng vải thiều xuất qua các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn như Tân Thanh, Cốc Nam đến ngày 25/6 là khoảng 45.000 tấn; xuất qua cửa khẩu Lào Cai ước lượng khoảng 33.500 tấn; qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) khoảng 3.000 tấn; qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 5.000 tấn.

Không chỉ xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, vải thiều Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP còn được tuyển chọn và đưa sang thị trường Châu Âu. Theo thống kê, từ đầu vụ vải thiều đến nay đã có gần 60 tấn vải thiều được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ngày 25/5, Công ty King Fruit tiến hành xuất khẩu thêm 20 tấn vải thiều tươi sang Liên bang Nga trực tiếp phục vụ World Cup.

20 tấn vải thiều xuất khẩu sang Nga được cung ứng bởi Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh tổng hợp Hồng Xuân. Để bảo đảm đủ số lượng hàng theo yêu cầu, HTX đã phải lựa chọn từ nhiều vùng trồng vải. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân cho biết, vải thiều xuất khẩu sang Nga được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngay từ đầu vụ, diện tích trồng vải đã được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất bằng phần mềm giám sát theo tiêu chuẩn Otas. Vải thiều được HTX thu mua, sơ chế, bảo quản theo dây chuyền công nghệ hiện đại bảo đảm được chất lượng, mẫu mã trong thời gian hơn 30 ngày.

Ông Đỗ Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty King Fruit khẳng định, các đối tác châu Âu đánh giá cao chất lượng vải thiều Việt Nam tốt hơn vải thiều được sản xuất ở Thái Lan và Trung Quốc. World Cup là một cơ hội lớn để vải thiều Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng và thương hiệu.

Hiện nay, trong nước, giá vải thiều vẫn ổn định. Giá bán trong ngày 25/6 (cuối vụ) dao động từ 5.000 đến 25.000 đồng/kg tùy theo chất lượng. Tuy nhiên loại vải chất lượng cao, mẫu mã đẹp có giá bán tới 35.000-40.000 đồng/kg.

Theo ông Đào Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là mùa vải thiều kết thúc. Tính đến hết ngày 25/6, tổng số lượng vải thiều đã tiêu thụ trên toàn tỉnh Bắc Giang là: 183.836 tấn.

Phần lớn vải được tiêu thụ tại thị trường nội địa, tuy nhiên nhờ nỗ lực của các thương nhân, doanh nghiệp, năm nay trái vải đã được xuất đi hơn 30 nước và vùng lãnh thổ với các thị trường chủ yếu như EU, Nga, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Australia…

Nguồn: EnterNews