Siêu thị Việt bán hàng Việt cho người Việt

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt trước sự “đổ bộ” từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc đứng vững và duy trì được thị phần trên sân nhà của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa ngày càng thách thức.

Siêu thị Việt bán hàng Việt cho người Việt - Ảnh 1.

Mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nằm trong top 30 thị trường bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, VN ngày càng trở nên hấp dẫn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ.

Thị trường hàng trăm tỉ USD

Co.opmart liên tục cải tiến, tận tâm phục vụ khách hàng

Mặc dù là kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác xã, nhưng Co.opmart được Saigon Co.op vận hành linh hoạt và năng động theo nhu cầu của kinh tế thị trường trên nguyên tắc đáp ứng đúng yêu cầu thị trường, xem khách hàng là trọng tâm phục vụ.

Việc cập nhật liên tục các xu hướng bán lẻ quốc tế, hiện đại hóa không gian mua sắm và chuyên nghiệp hóa dịch vụ khách hàng, cũng như tích cực tham gia công tác xã hội – môi trường, kết nối tiêu thụ hàng Việt đã giúp Co.opmart thu hẹp khoảng cách với bán lẻ quốc tế, trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu VN hiện nay.

Quy mô thị trường bán lẻ được ước tính hơn 160 tỉ USD từ năm 2025 trở đi, khiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ đã được thực hiện trong gần một thập niên qua giữa các đối tác trong nước và ngoài nước.

Chính “cuộc chiến” giành thị phần đã biến thị trường VN trở thành “trận địa” nóng bỏng giữa các “đối thủ” khi tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, làm chủ công nghệ quản lý logistic ngày được đặt lên như một lợi thế cạnh tranh hàng đầu.

Nhiều thương hiệu không chỉ dần quen thuộc với người tiêu dùng Việt, mà còn trở nên như một điểm đến thân thuộc cho các nhu cầu mua sắm ở tất cả các phân khúc nhu cầu tiêu dùng.

Đổi lại, với các thương hiệu trong nước, ngoài một số thương hiệu mới hình thành trong vòng năm năm trở lại đây dần tăng tốc chiếm lĩnh thị trường ngách, thì sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống Co.opmart của Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) được ví như một sự “đối trọng” đủ “đẳng cấp” khi nhắc đến trong bối cảnh cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay, dù xuất thân của Co.opmart thuần túy chỉ từ mô hình hợp tác xã từ thời bao cấp để lại.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc Saigon Food, dù có xuất phát điểm khá khiêm tốn về vốn và kinh nghiệm, “nhưng không thể phủ nhận Co.opmart của Saigon Co.op đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho các bà nội trợ, người tiêu dùng Việt tìm đến. Tôi nghĩ chính nhờ tinh thần “tận tâm phục vụ”, kiên trì với định hướng vì người Việt, nên hệ thống này đã có được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng trong nước là điều khá dễ hiểu”, bà Lâm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thụy Anh (Q.1, TP.HCM) còn nhớ như in khởi đầu của Co.opmart là “siêu thị Cống Quỳnh” đi vào hoạt động vào năm 1996, mô hình bán lẻ hiện đại đầu tiên của hợp tác xã Saigon Co.op đã gây không ít bất ngờ lẫn bỡ ngỡ cho người dân Sài Gòn khi đến mua sắm tại đây.

“Dù sau này có nhiều hệ thống bán lẻ của nhiều thương hiệu khác nhau mọc lên, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác khá… hồi hộp khi lần đầu tự tay lựa chọn những món hàng yêu thích, trong một không gian lẫn không khí rất lạ khác hoàn toàn ngoài chợ mà mình từng gắn bó và biết đến”, chị Thụy Anh hào hứng bày tỏ.

Tăng tốc cho tương lai

Siêu thị Việt bán hàng Việt cho người Việt - Ảnh 3.

Ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết: “Từ Co.opmart được xây dựng đầu tiên, đến nay Saigon Co.op đã phát triển thành công gần 100 siêu thị Co.opmart phân bố rộng khắp cả nước và trở thành điểm đến mua sắm tin cậy của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt. Ngoài chính sách hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng, hệ thống Co.opmart còn là hệ thống phân phối hiệu quả 9 nhóm hàng bình ổn giá đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm,… góp phần điều tiết giá cả thị trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.

Ông Huy cho rằng, để đạt được những kết quả nói trên, Saigon Co.op đã tiến hành rà soát tổng thể và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với chuyển biến của tình hình thực tế. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai bốn dự án quan trọng là nhân sự, công nghệ thông tin, không gian mua sắm và logistic.

Tại các điểm bán, Saigon Co.op cũng đã quyết liệt triển khai việc nâng cao thái độ phục vụ, công bố điểm bán hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã dành được nhiều sự ủng hộ của khách hàng.

Siêu thị Việt bán hàng Việt cho người Việt - Ảnh 4.

Nhiều người nội trợ tin dùng hàng thực phẩm, rau củ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của Saigon Co.op – Ảnh: QUANG ĐỊNNH

Đặc biệt là đẩy mạnh thành công việc nhượng quyền thương hiệu Co.op Food tại các tỉnh thành và đưa vào hoạt động thành công mô hình kinh doanh mới Cheers. Đồng thời, kế hoạch phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp luôn được lãnh đạo Saigon Co.op đặc biệt chú trọng.

Ông Huy cho biết thêm, việc xây dựng doanh nghiệp xanh, trong đó môi trường siêu thị thân thiện, thương hiệu xanh cũng sẽ được chú trọng trong năm 2018 này.

Ngoài ra, kế hoạch khai thác kinh doanh các mặt hàng hữu cơ, triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành, hay tối ưu hóa quy trình kinh doanh mới theo hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng, đáp ứng tốt dịch vụ giao nhận của các mô hình kinh doanh hiện tại và trong chiến lược phát triển cũng sẽ được cấp tập thực hiện.

“Có thể nói, điều đáng tự hào nhất của hệ thống siêu thị Co.opmart trong 22 năm qua chính là kiên định giữ vững bản chất nhân văn của mô hình hợp tác xã và kiên trì làm bệ phóng cho hàng Việt nói riêng và hàng hóa sản xuất trong nước nói chung, bất chấp hấp lực lợi nhuận của hàng ngoại. Hệ thống siêu thị này kiên định duy trì tỉ lệ hàng Việt hơn 90% để thiết thực quảng bá và giúp hàng Việt tiếp cận sâu rộng thị trường trong nước”, ông Huy nhấn mạnh đầy tự hào.

QUỲNH KHÔI – TTO

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.