Nguyễn Minh Hậu, ba đời sống chết với sầu riêng

Những con người trong gia đình ông Sáu Ri mấy đời vẫn cần mẫn tâm huyết với trái “sầu riêng Sáu Ri” – một đặc sản và cũng là niềm tự hào của bao con người đồng bằng sông Cửu Long – rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Nguyễn Minh Hậu, ba đời sống chết với sầu riêng
Anh Nguyễn Minh Hậu, hậu duệ của ông Sáu Ri sầu riêng
Sầu riêng Sáu Ri đã trở thành niềm tự hào của đồng bằng sông Cửu Long, một cuộc cách mạng về cải tạo giống và đất cùng một quy trình sản xuất sạch, để mang lại cho người tiêu dùng trong và ngoài nước những múi sầu riêng dầy cơm, ngọt béo và vàng đượm khó quên.

Sáu Ri không phải ký hiệu giống như nhiều người lầm tưởng, đó chính là tên của người nông dân đã tạo ra nó, ông Sáu Ri ở ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long. Ông mất năm 1999, nhưng 4 đứa con trai ông đã đem thương hiệu của cha bay xa và phát triển lên một tầm mức mới.

Từ mảnh vườn 3ha của cha để lại, bốn người con đã nhân rộng giống sầu riêng với phẩm chất vượt trội này, trở thành người cung cấp giống cây cho cả nước, mỗi năm cung cấp từ 20 chục đến 100 ngàn gốc.

Những cây đầu dòng tuổi thọ càng lâu chất lượng càng ngon. Anh Hậu mang những trái sầu riêng ban đầu lên thành phố, ký gửi cho siêu thị Coopmart, Metro, Big C… từ đó dân thành phố bắt đầu nghiền sầu riêng Sáu Ri.

Quy trình sạch của sầu riêng Sáu Ri là bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, phân chuồng hoai, các thuốc hóa học phải bón trước 21 ngày khi thu hoạch, khó nhất là canh đúng thời điểm để hái sao cho sầu riêng chín đều tự nhiên.

Anh Hậu nói: “Cực nhất là lúc chăm bón, cây sầu riêng hay bị rệp sáp, chảy mủ, kháng thư, bị nhện đỏ, nhất là mùa mưa, phải theo dõi nó từng ngày. Mỗi một quy trình ra đọt non sẽ có sâu tới, nếu không phun thuốc sẽ ăn trụi lủi lá luôn.

Nhưng sầu riêng trước khi chín không có con sâu nào ăn được, không cần phun thuốc gì hết. Phải nghiên cứu rất kỹ mới tìm ra quy luật chọn đúng thời điểm cắt trái để chín tự nhiên, trái sầu riêng bắt đầu đổ nhụy thụ phấn đến lúc chín là 105 ngày, canh tầm khoảng 95-100 ngày sẽ cắt, nếu để già hơn sẽ rụng”.

Anh Hậu cho biết đang nghiên cứu công nghệ để trái sầu riêng chín đồng loạt sẽ tốt hơn: “Ngày xưa ông bà mình thường đợi rụng trái nào đem bán trái đó, giờ công nghiệp hóa rồi, làm vậy không được, nên mình nghiên cứu xài phương pháp cổ điển chín tự nhiên.

Ở Vĩnh Long nhiều vùng làm chuyên canh sầu riêng, thứ nhất thu hoạch lẹ, trong ngày cắt 5-7 tấn, tiền nhân công không nhiều, còn chôm chôm, nhãn, hai- ba tấn hái cả ngày. Hai năm ba vụ là sầu riêng đúng, cây tốt thì một năm hai vụ cũng có, hai năm ba vụ thì khỏe hơn, cho cây đỡ mất sức”.

Nụ cười hiền khô, chân thật, cởi mở, dáng người đậm chắc, da sạm nắng như một nông dân miệt vườn thực thụ, ít ai biết anh Hậu đã tốt nghiệp hai bằng đại học là công nghệ thông tin và tự động hóa Đại học Bách Khoa. Có công ty riêng chuyên về xử lý môi trường, hệ thống nước, nhưng Hậu luôn đau đáu với cây sầu riêng mà cha đã tạo dựng.

Khởi nghiệp với Cơ sở giống cây trồng và hoa quả Sáu Ri, anh Hậu chia sẻ: “Đi làm lương một tháng 2.500 USD, công ty riêng thu nhập mỗi năm cũng vài tỷ đồng, nhưng lại bỏ đi làm sầu riêng vì tâm huyết với nghề của cha. Hàng ngày đọc báo chí, thấy sầu riêng bẩn tràn lan, biết mà chịu, tay mình không thể vá trời được. Nếu để thương lái Trung Quốc qua phá thì nông sản mình ngày càng tụt hậu.

Nguyễn Minh Hậu, ba đời sống chết với sầu riêng
Anh Hậu cùng với trái sầu riêng thương hiệu Sáu Ri

Nhiều người trồng sầu riêng trong xóm tôi đã phải bán nhà bán đất trả nợ vì thương lái Trung Quốc. Họ xúi dân hái sầu riêng non, đến khi xuất ba công bị trả về hết, phải bán đất bán nhà cũng không trả nợ hết, sầu riêng non thì bán đổ bán tháo cũng không ai mua.

Họ thường xuyên làm vậy với nhà nông mình, mỗi lần vào thâu tóm ùn ùn, dân cứ lao theo cắt sầu riêng non, dưa hấu non. Trái sầu riêng để ba ngày mà không bán được chỉ có nước đem đi vứt thôi. Rồi chuối, khoai, đủ thứ họ chơi mình. Thực trạng đó kéo dài nhiều năm nay mà chính quyền địa phương, Sở Khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng chẳng làm gì được.

Nhà tôi giải thưởng gì của nhà nông cũng có, nhưng cuối cùng để cất trong tủ, chẳng làm gì được hết trơn. Vô hợp tác xã để làm gì? Đòi chứng nhận này chứng nhận nọ cuối cùng cũng tan rã hết. Người dân bây giờ không còn biết tin vào đâu nữa.

Tôi nghĩ nếu không thúc đẩy thương hiệu gia đình thì bao tâm huyết của cha sẽ mai một dần theo năm tháng. Nhà tôi vẫn làm cây giống, vẫn mua bán, nhưng đầu ra không trực tiếp đến tay người tiêu dùng, mà qua thương lái, giờ tôi muốn trực tiếp làm luôn để từ đó nhân rộng mô hình, giúp bà con nông dân không bị thương lái Trung Quốc ép giá, tán gia bại sản, mà người tiêu dùng được ăn trái ngon, trái sạch”.

Nhờ sầu riêng Sáu Ri, nhiều hộ dân quê anh đã đổi đời. Chỉ tính sơ một ngàn mét vuông trung bình từ hai đến ba tấn, 60 ngàn/kg nếu cắt trên cây, cộng tiền nhân công vận chuyển, thu nhập khoảng 150 triệu, hơn xa tất cả các loại cây khác. Không gì năng suất bằng sầu riêng, không tốn tiền nhân công nhiều sau thu hoạch. Quá trình chăm bón dễ dàng, xịt thuốc và bón phân hữu cơ thì chất lượng sẽ ngon hơn nhiều…

Hỏi Hậu điều gì từ cha mà anh day dứt nhất, khiến anh có thể từ bỏ mức lương “trong mơ” với nhiều bạn trẻ, để lặn lội bán từng trái sầu riêng?

Anh cười đôn hậu: “Ba tôi ráng làm đến hơi thở cuối cùng cho đời con thì tôi cũng ráng làm cho đời cháu, để con cháu mình không phải làm thuê làm mướn. Làm nông sản cực lắm, bán trái sầu riêng trăm mấy, không ngon bị chửi cũng buồn.

Nhưng đó là niềm vui của cha phải cố gắng gìn giữ, nếu mình không làm coi như mất luôn thương hiệu, tới đời con đời cháu muốn làm cũng khó, lại ráng như ba làm tới ngày chết thì thôi”.

Kim Yến

Nguồn: The Leader

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.