Chuyên gia bày cách khắc phục triệt để nạn giải cứu nông sản Việt
Liên tiếp các đợt giải cứu nông sản trong thời gian gần đây đang đặt ra bài toán đối với sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.
Nhiều năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đã quen thuộc với cụm từ “giải cứu nông sản” từ thịt lợn, dưa hấu, đến hành tỏi, củ cải, su hào, khoai tây… Ngay cả Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng không ít lần đã phải kêu gọi người dân giải cứu nông sản.
Đầu năm 2018, cuộc giải cứu củ cải của nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội), su hào của nông dân huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận, dọc nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội đều xuất hiện các điểm giải cứu nông sản của những sinh viên tình nguyện.
Củ cải, su hào, khoai tây tại đây được đổ chất đống, thế nhưng dù có “giải cứu” thành công thì giá những nông sản này cũng hết sức rẻ mạt, chỉ vài nghìn đồng 1kg, với mức giá này, người nông dân có bán hết sản phẩm cũng chưa chắc đủ vốn chứ chưa nói đến có lãi.
Đáng nói là trong khi người dân trong nước vẫn ngóng theo những cuộc giải cứu nông sản thì hàng tỷ USD nông sản nước ngoài đang tràn về Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuộng sản phẩm nhập khẩu dù giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm nội, nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.
Theo các chuyên gia kinh tế, lý do chính dẫn đến tình trạng được mùa mất giá là do nông dân Việt Nam thiếu thông tin về thị trường, sản xuất theo lối cũ, chạy theo cái đắt đỏ tức thì, dẫn đến sản xuất dư thừa, giá sụt giảm thê thảm.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng lo ngại vấn nạn an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp, nhiều sản phẩm nội không rõ nguồn gốc, chất lượng.
Tại Diễn đàn nông nghiệp Việt Nam mùa xuân 2018 với chủ đề “Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam”, TS. Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong hai năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam được mùa, tuy nhiên, một thực trạng mà đến nay ngành nông nghiệp vẫn chưa giải quyết được đó là điệp khúc “được mùa là mất giá”.
Theo ông Anh, nguyên nhân được đưa ra là việc tham gia của các sản phẩm nông nghiệp vào trong chuỗi giá trị thấp. Trong khi đó, hiện nay các thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, thay vì mua ở chợ truyền thống, người tiêu dùng đã tìm sản phẩm trong các kênh bán lẻ hiện đại.
Để người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm an toàn thì các sản phẩm nông nghiệp cần nằm trong chuỗi giá trị, được tích hợp và tìm kiếm bởi công nghệ.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, khâu sản xuất chất lượng hiệu quả thấp, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, quy trình kỹ thuật sai, thiếu kho chứa, vận chuyển và đóng gói tốn kém, tổn thất sau thu hoạch cao cũng là nguyên nhân khiến nông sản Việt không hấp dẫn trên thị trường.
Hiện nay, một số mặt hàng nông nghiệp đã tham gia chuỗi giá trị nhưng hiệu quả chưa cao nên việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ xuất khẩu mà tiêu thụ ngay trong nước còn hạn chế.
Đơn cử như chuỗi giá trị sản phẩm tươi sống, việc áp dụng công nghệ lạnh là xu hướng trong thời gian tới, tuy nhiên thuỷ sản đạt tỷ lệ áp dụng 95%, sữa 33%, thịt 12%, rau quả từ 6-7% là rất thấp, ông Anh cho biết.
Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng, 50% chuỗi nông sản hoạt động tốt là do biết áp dụng công nghệ vào sản xuất, sản xuất phục vụ nhu cầu của thị trường, thị trường cần gì sản xuất nấy. Việc mấu chốt nhất trong chuỗi này là làm sao để lợi ích phân bổ một cách minh bạch giữa người sản xuất và doanh nghiệp.
“Nhìn chung, chuỗi giá trị nông sản hiện nay rất khó khăn trong việc nâng cấp công nghệ mới và hiện đại, do chúng ta chưa tiếp cận được thị trường giá trị cao”, ông Định nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), tiêu thụ nông sản ngoài các vấn đề về thị trường, về giá trị sản xuất thì cần minh bạch về thông tin, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Hiện người tiêu dùng, khách hàng nhập khẩu không biết đâu là sản phẩm được sản xuất đúng quy trình, có giá trị.
Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam mới làm được một phần nhỏ, đại đa số nông sản không rõ nguồn gốc. Trong siêu thị hay các cửa hàng bán nông sản có thể nói sản phẩm đến từ những địa chỉ sản xuất an toàn nhưng người tiêu dùng không thể kiểm chứng.
Trong khi đó, chi phí giữa các sản phẩm có nguồn gốc rất cao so với sản phẩm sản xuất không có nguồn gốc.
“Nếu không truy xuất được nguồn gốc nông sản thì tất cả đều thua thiệt, không biết đâu là sản phẩm tốt, đâu là sản phẩm không sản xuất theo đúng quy trình. Khi truy xuất được nguồn gốc thì giá trị nông sản mới nâng lên và người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ mới có thêm được giá trị gia tăng từ sản phẩm an toàn”, ông Thành cho hay.
Đâu là giải pháp?
Về giải pháp cho thực trạng được mùa mất giá, PGS. TS Vũ Trọng Khải, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho rằng, việc phát triển nông nghiệp hiện đại theo chuỗi giá trị ngành hàng là xu thế tất yếu. Ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị, công nghệ là phương tiện để thực hiện.
Chuỗi cung ứng nông sản là con đường để nông dân tiếp cận thị trường, việc tham gia là tự nguyện. Thực chất các chuỗi cung ứng là liên kết cung – cầu và liên kết này dựa vào niềm tin của các chủ thể tham gia.
Trong tiêu thụ sản phẩm có nhiều nhà nhưng quan trọng nhất vẫn là nhà doanh nghiệp và nhà nông. Doanh nghiệp phải giải quyết các vấn đề mà không bao giờ nông dân giải quyết được đầu tiên là thị trường.
Các doanh nghiệp có nghiên cứu thị trường, có thông tin sản phẩm có thể cung cấp cho tiêu thụ ở các vùng, xuất khẩu và quay lại đặt hàng nông dân sản xuất. Công nghệ thì người dân cũng không thể tự làm được và bắt buộc doanh nghiệp phải tiếp cận và đưa vào chuỗi liên kết. Cuối cùng là vốn để sản xuất quy mô lớn phải là doanh nghiệp.
Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều chuỗi giá trị thành công, có sự tham gia của doanh nghiệp và đưa công nghệ vào quy trình sản xuất, tiêu thụ, bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Đơn cử như HTX rau Anh Đào (Đà Lạt) hợp tác với Coop mart, HTX rau Mộc Châu ký với Fivimart, mô hình kinh doanh chuỗi giá trị nấm của HTX Nấm Tuấn Linh tập hợp mấy chục tổ hợp tác và đã ký hợp tác với VinEco.
Chuỗi giá trị này đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, hiệu quả, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch thông tin. Theo như một số người tiêu dùng nói “dù ở Hà Nội, nhưng biết được rau, quả của mình được chăm sóc như thế nào, trồng ở đâu”.
Bàn về vấn đề thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng VEPR cho rằng, Việt Nam đang đi sau, để bằng được các nước thì phải áp dụng công nghệ, nhưng để ứng dụng toàn bộ vào nền nông nghiệp thì gặp nhiều vấn đề khác nằm trong nền tảng xã hội như các vấn đề thể chế, đất đai, về tổ chức sản xuất rất còn nhiều trở ngại.
Như vậy, để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, nhiều nhà khoa học đã đề xuất các cơ quan chức năng cần tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi, tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết doanh nghiệp – tổ hợp tác/hợp tác xã, thúc đẩy tài chính cho chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ quản trị hiện đại, liên kết để nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn – thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm.
Có như vậy, thị trường mới giảm được “giải cứu nông sản”, gia tăng giá trị cho toàn chuỗi đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo An Chi
The Leader
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.