Giới thiệu về Cây sắn
Tổng quan cây sắn
Tiểu Ban Trồng trọt – Gap Library – TTNSV
Tại Việt Nam, sắn là cây lương thực quan trọng chỉ xếp sau lúa và ngô, cây sắn có xu hướng chuyển dần từ vai trò cây lương thực sang cây công nghiệp và mang lại năng suất, lợi nhuận cao cho người trồng,…
Tên tiếng anh: Cassava
Tên khoa học: Manihot esculenta. Grantz
Phân loại khoa học:
– Giới (Plantea)
– Bộ (Malpighiales)
– Họ (Euphorbiaceae)
– Phân họ (Crotonoideae)
– Tông (Manihoteae)
– Chi (Manihot)
– Loài (Manihot esculenta).
Chi Manihot thuộc họ thầu dầu (Euphorbiaceae), có tới hơn 300 chi và 8000 loài hầu hết là cây nhiệt đới. Đặc điểm của họ thầu dầu là thường hay có mạch nhựa mủ. Chi Manihot thuộc nhóm Manihotae. Tất cả các loài trong chi đều có số lượng nhiễm sắc thể 2n= 36. <xem thêm>
Nguồn gốc và xuất xứ:
Cây sắn được du nhập vào châu Phi vào khoảng giữa thế kỷ 16 nhờ những người Bồ Đào Nha đến lập nghiệp đầu tiên ở Braxin. Ở thế kỷ 17, nghề trồng sắn mở rộng ra vùng lòng chảo Côngo (Zaire, bộ lạc Bushongo ở Kassai năm 1650), ở Angôla (năm 1614 đến 1648) và ở bờ biển Ghinê (năm 1650). Từ thời điểm đó, châu Phi và châu Mỹ xem sắn là một nguồn thực phẩm chính.
Ở Ấn Độ Dương, sắn được du nhập vào đảo Bourbon và Ilede France (bao gồm Reunion và Maurice) vào các năm 1738 và 1739. Từ đó sắn được đưa sang Madagascar trồng ở Imerina năm 1875, sang Srilanca năm 1786 rồi từ đó sang Calcutta năm 1794.
Châu Á, ngoài con đường du nhập vào Srilanca và Calcutta vào cuối thế kỷ 18, sắn đã được đưa vào trồng trước đó (thế kỷ 16) bởi người Bồ Đào Nha ở Goa (Ấn Độ) và người Tây Ban Nha ở Philippin, từ đó sắn được trồng ở Indonesia cuối thế kỷ 18. Cuối cùng sắn được đem vào trồng ở Úc đầu thế kỷ 20.<xem thêm>
Giá trị dinh dưỡng
Bảng 1 Giá trị dinh dưỡng của sắn
Thành phần | Sắn |
Tỷ lệ chất khô (%) | 30 – 40 |
Hàm lượng tinh bột (%) | 27 – 36 |
Đường tổng số (% FW) | 0,5 – 2,5 |
Đạm tổng số (%FW) | 0,5 – 2,0 |
Chất xơ (%FW) | 1,0 |
Chất béo (%FW) | 0,5 |
Chất khoáng (%FW) | 0,5 – 1,5 |
Vitamin A (mg/100gFW) | 17 |
Vitamin C (mg/100gFW) | 50 |
Năng lượng (KJ/100g) | 607 |
Yếu tố hạn chế dinh dưỡng | Cyanogenes |
Tỷ lệ trích tinh bột (%) | 22 – 25 |
Kích thước hạt bột (micron) | 5 – 50 |
Amylose (%) | 15 – 29 |
Độ dính tối đa (BU) | 700 – 1100 |
Nhiệt độ hồ hóa (OC) | 49 – 73 |
Nguồn <xem thêm>.
Giá trị kinh tế
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý II/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam đạt 618,61 nghìn tấn, trị giá 250,04 triệu USD, tăng 1,2% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Quý II/2021, sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm tới 98,7% tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước, đạt 613,3 nghìn tấn, trị giá 246,8 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam trong quý II/2021, với 551,22 nghìn tấn, trị giá 223,22 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 89,4% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước. Thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn thứ hai là Hàn Quốc với 45,51 nghìn tấn, trị giá 15,63 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng 75,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 6,7% trong tổng trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong quý II/2021.
Về chủng loại xuất khẩu: Trong quý II/2021, tinh bột sắn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 77,8% tổng trị giá sắn và các sản phẩm sắn xuất khẩu của cả nước, với 410,65 nghìn tấn, trị giá 194,54 triệu USD, giảm 7,7% về lượng, nhưng tăng 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 94,1% tổng trị giá tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 386,86 nghìn tấn, trị giá 183,02 triệu USD, giảm 7,5% về lượng, nhưng tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, trong quý II/2021, xuất khẩu sắn lát khô có xu hướng tăng mạnh, với 207,36 nghìn tấn, trị giá 54,81 triệu USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 43,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 73,3% tổng trị giá sắn lát khô xuất khẩu của cả nước, với 164,36 nghìn tấn, trị giá 40,19 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và tăng 36,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. <xem thêm>
Tiềm năng thị trường
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới. Với sự hồi phục của ngành chăn nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi, trong khi nguồn cung ngô ở Mỹ và Nam Mỹ gặp khó do thời tiết bất lợi, nên Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn để làm thức ăn chăn nuôi. Nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 719,35 triệu USD, tăng 105,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 103,95 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn của Việt Nam chiếm 14,5% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc.
Tại thị trường Trung Quốc, sắn của Việt Nam chịu sự cạnh tranh bởi sắn của Thái Lan và Indonexia. Nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 722,7 triệu USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 102,6 triệu USD, giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 14,2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm mạnh so với mức 41% của cùng kỳ năm 2020. <xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn trên Thế giới
Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa thông tin thị trường nông sản định kỳ tháng 12/2020, trong đó có thông tin về mặt hàng nông sản sắn. Theo thông tin, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 12/2020 ước đạt 330 nghìn tấn với giá trị đạt 118 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cả năm 2020 ước đạt 2,76 triệu tấn và 989 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 2,4% về giá trị so với năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2020 ước đạt 358,3 USD/tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với tổng lượng xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,9 triệu tấn, tương tương với 772 triệu USD, tăng 11,5% về sản lượng và tăng 2,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đài Loan, Malaysia cũng là 2 thị trường tăng trưởng mạnh nhập khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, với mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu lần lượt là 15% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu sản phẩm, mặt hàng sắn lát, xuất khẩu cả năm 2020 ước đạt 640 nghìn tấn, tương đương 139 triệu USD, tăng 60% về lượng và 75% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu sắn lát bình quân 12 tháng ở mức 217 USD/tấn, tăng 10% so với mức giá 198 USD/tấn của cùng kỳ năm trước. Mặt hàng tinh bột sắn, xuất khẩu năm 2020 ước đạt 2,1 triệu tấn với giá trị 850 triệu USD, giảm 1% về lượng và giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn đạt 401 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc tiếp tục tăng về lượng trong tháng 11 đạt 36,3 nghìn tấn, tăng 36% so với tháng 10 năm 2020; giá trị xuất khẩu đạt 6 triệu USD, giảm 9% do giá xuất khẩu sắn lát trong tháng 11 giảm. Nhìn chung, bất chấp tác động của dịch Covid-19 thì xuất khẩu sắn lát 11 tháng đầu năm sang Trung Quốc đã đạt con số đáng kinh ngạc tương đương 101,5 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái giá trị xuất khẩu chỉ đạt 55,4 triệu USD.
Trên thị trường thế giới, giá sắn và sản phẩm sắn cũng đang biến động tăng ở một số nước sản xuất chính. Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn tháng 12 lên mức 475 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 11/2020. Trong khi giá thu mua tinh bột sắn cũng được điều chỉnh lên mức 13,5 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với tháng trước. <xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn ở Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 6/2021 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 191,53 nghìn tấn, trị giá 83,16 triệu USD, so với tháng 6/2020 tăng 23,2% về lượng và tăng 56,7% về trị giá. Trong đó, xuất khẩu sắn đạt 36,27 nghìn tấn, trị giá 9,3 triệu USD, so với tháng 6/2020 giảm 33,9% về lượng và giảm 29,4% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 256,5 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 6/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn đạt 601,45 nghìn tấn, trị giá 153,7 triệu USD, tăng 47,7% về lượng và tăng 69% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 6/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn là nhiều nhất, chiếm 92,4% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 176,94 nghìn tấn, trị giá 76,79 triệu USD, so với tháng 6/2020 tăng 26,2% về lượng và tăng 61,6% về trị giá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,48 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 566,15 triệu USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thời gian gần đây, nguồn cung sắn tươi nguyên liệu của Việt Nam giảm, thị trường sắn lát khô của Việt Nam vẫn ổn định. Tồn kho sắn lát của Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Trong khi nguồn cung nguyên liệu sắn tươi của Việt Nam giảm, nguồn cung nguyên liệu sắn tươi ở khu vực miền Nam không đủ để duy trì hoạt động sản xuất, khiến cho sản lượng tinh bột sắn liên tục giảm.<xem thêm>
Bảng 2 Diện tích, năng suất, sản lượng cây sắn của Việt Nam
Chỉ tiêu | 1995 | 2000 | 2005 | 2010 | 2015 | 2018 | 2019 | 2020 |
Diện tích (triệu ha) | 0,28 | 0,24 | 0,43 | 0,50 | 0,57 | 0,51 | 0,52 | 0,52 |
Năng suất (tấn/ha) | 7,89 | 8,36 | 15,78 | 17,26 | 18,91 | 19,19 | 19,65 | 20,03 |
Sản lượng (triệu tấn) | 2,19 | 1,99 | 6,72 | 8,60 | 10,74 | 9,85 | 10,17 | 10,49 |
Theo FAO (2020) <xem thêm>
Các giống sắn sử dụng phổ biến trong sản xuất tại Việt Nam
Những giống sắn phổ biến ở Việt Nam là: Xanh Vĩnh Phú, Gòn, Nếp, ba Trăng, Lá tre, Mì kè, HL23, KM94, KM140, KM 98-5, KM98-3, KM 98-1, KM 98-7, KM111-1, CM 101, SM 101, SM937-26, KM419, KM21-12, 08SA06, …
Một số giống sắn chủ lực trong sản xuất
- Giống sắn KM94
KM94 thuộc nhóm sắn đắng, thân cong ở phần gốc, ngọn tím, không phân nhánh ở vùng đồng bằng nhưng lại phân nhánh cấp một ở những tỉnh miền núi; giống ít bị nhiễm bệnh cháy lá, củ đồng đều, thịt củ màu trắng, năng suất củ tươi 28,1 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,4 – 29%, thời gian thu hoạch 10 – 12 tháng sau trồng.
- Giống sắn KM140
Thời gian thu hoạch từ 7 – 10 tháng sau khi trồng. Bình quân năng suất củ tươi đạt 35,0 tấn/ha, (trong điều kiện thâm canh như Đồng Nai, Tây Ninh có thể đạt 40 – 50 tấn/ha) hàm lượng tinh bột 27,2%. Thân thẳng, thích hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến và thị trường.
- Giống sắn SM937-26
Ngọn lá xanh đậm, thân màu nâu, thẳng không phân nhánh ở Vùng Đông Nam Bộ nhưng phân nhánh cấp 2 tại vùng Tây Nguyên. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến và thị trường. Năng suất củ tươi bình quân đạt 34 tấn/ ha. Hàm lượng tinh bột 27 – 30%. Tỷ lệ chất khô 42,1% và chỉ số thu hoạch 62,5%. Thời gian thu hoạch thích hợp từ 9 – 11 tháng sau trồng.
- Giống sắn KM98-5
Thời gian thu hoạch hợp lý từ 7- 10 tháng sau khi trồng. Năng suất củ tươi trung bình đạt đạt 34,5 tấn/ha, tiềm năng năng suất có thể đạt 50 – 80 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 27,5% – 31%. Thân hơi cong ở phần gốc, phân nhánh nhẹ, thích hợp với điều kiện sinh thái các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Dạng củ đồng đều, thịt củ màu trắng, thích hợp với chế biến.
- Giống sắn KM98-7
Thân nâu đỏ, không phân cành hoặc phân cành 1 cấp, phiến lá nhỏ, chia thuỳ sâu, cuống lá và phiến lá màu xanh, ruột củ trắng, vỏ củ nâu. Năng suất đạt: 25 – 45 tấn/ha (tuỳ theo điều kiện đất đai và trình độ canh tác). Thời gian thu hoạch: 7 – 10 tháng. Không đắng thích hợp với chế biến và có thể sử dụng ăn tươi. Khả năng thích ứng rộng, có thể trồng được ở nhiều loại đất khác nhau, có khả năng chịu hạn đồng ruộng khá, ít đổ, có thể trồng được trên các loại đất đồi nhiều cát, sỏi.
- Giống sắn KM21-12
KM21-12 đã được Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT đặc cách công nhận giống cây trồng mới theo Quyết định 168/QĐ-TT-CLT, ngày 14 tháng 5 năm 2012. Năng suất củ tươi của KM21-12 cao hơn KM94 từ 10 – 15% (3 – 5 tấn/ha) ở hầu hết các điểm nghiên cứu; trên đất nghèo dinh dưỡng tại Văn Yên – Yên Bái, năng suất củ tươi đạt 36,6 tấn/ha; tại Na Rì – Bắc Kạn, năng suất củ tươi đạt 30,8 tấn/ha; giống sắn KM21-12 có tỷ lệ tinh bột 28% và tỷ lệ chất khô 39% tương đương với KM94. Hiện nay giống được trồng phổ biến tại Yên Bái và Bắc Cạn. Giống có ưu điểm: Thích hợp trên đất kém màu mỡ, năng suất khá, dùng để chế biến tinh bột và thái lát phơi khô để làm nguyên liệu cho sản xuất cồn sinh học và thức ăn chăn nuôi. <xem thêm>
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển
- Các thời kỳ sinh trưởng
Theo Cours (1951) có thể phân biệt 4 thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây sắn như sau: 1. Thời kỳ sống lại, 2. Thời kỳ chiếm chỗ, 3. Thời kỳ sinh trưởng thân lá, 4. Thời kỳ hình thành và phát triển củ.
Tuy nhiên trong thực tế có thể chia thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây sắn làm 4 thời kỳ như sau: 1. Thời kỳ mọc, 2. Thời kỳ bén rễ và phát triển rễ, 3. Thời kỳ phát triển thân lá, 4. Thời kỳ phát triển củ.
- Thời kỳ mọc
Sau khi trồng 3 – 5 ngày rễ đầu tiên bắt đầu mọc và rễ tiếp tục mọc cho đến ngày thứ 15. Từ ngày thứ 8 – 10 sau khi trồng hom sắn bắt đầu mọc mầm. Theo Cours (1951) thì rễ mọc từ mô phân sinh phía cuối của hom (ở mắt thân) gọi là rễ bên, những rễ mọc từ mô sẹo của hom được gọi là rễ gốc. Hai loại rễ này không có gì khác nhau về cấu tạo và đều có thể phát triển thành củ. Thời kỳ hom ra rễ và mọc mầm thường kéo dài khoảng 2 – 3 tuần.
- Thời kỳ bén rễ và phát triển rễ
Đặc điểm chủ yếu của thời kỳ này là rễ phát triển nhanh và mạnh cả về số lượng và chiều dài. Đầu tiên rễ mọc dài theo hướng nằm ngang (trung bình 25 cm/tháng). Từ các rễ này mọc ra các rễ con và phát triển theo hướng đâm xiên sâu vào đất. Thời kỳ này thân lá phát triển chậm, thân mầm sống chủ yếu nhờ chất dự trữ trong hom. Thời kỳ này kéo dài khoảng 45 – 60 ngày và chịu sự chi phối của chất lượng hom.
- Thời kỳ phát triển thân lá
Đặc điểm củ thời kỳ này là hệ rễ đã phát triển đầy đủ, cây chuyển sang phát triển mạnh thân lá và kéo dài khoảng 45 – 60 ngày. Đặc trưng chủ yếu của thời kỳ này là:
+ Tốc độ phát triển của thân mạnh, số lá tăng nhanh, rễ củ bắt đầu phát triển (nhưng còn chậm), gặp điều kiện thuận lợi thân có thể vươn cao được 4 cm/ngày.
+ Chỉ số diện tích lá đạt đến mức cao nhất, tối đa vào khoảng tháng thứ 6. Số lá trung bình từ 10 – 20 lá/tháng; diện tích lá biến động từ 50 – 400 cm2/lá (diện tích lá lớn hay bé còn phụ thuộc vào giống). Thời kỳ này cũng là thời kỳ diện tích trung bình của lá đạt cao nhất; tuổi thọ của lá từ 40 – 140 ngày.
+ Sự phân cành của cây sắn cũng được phát triển trong thời kỳ này.
- Thời kỳ phát triển củ
Thời kỳ này thân cành vẫn còn tiếp tục phát triển nhưng tốc độ chậm, diện tích lá của cây ngừng tăng, nhưng cây vẫn tiếp tục ra thêm một số lá nữa thay thế những lá già đã rụng. Vật chất khô do cây tạo ra được huy động phục vụ cho sự phát triển của củ nhiều hơn cho phát triển thân lá. Tuy nhiên sự phân hóa hình thành củ cũng bắt đầu sớm. Theo Indina (1970) thì 3 tuần sau khi trồng đã xuất hiện tượng tầng thứ cấp biểu hiện của sự phân hóa hình thành củ sắn. Theo Williams (1974), song song với việc phát triển củ là quá trình giảm tốc độ phát triển của các rễ và đặc biệt quan trọng là quá trình giảm tốc độ phát triển của thân lá, tốc độ phát triển của thân lá có thể chia làm 3 phần giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Từ 2 – 3 tháng đầu sau khi hình thành củ, tốc độ lớn của củ chậm.
+ Giai đoạn 2: Từ tháng thứ 6 – 8 tốc độ lớn của củ rất nhanh.
+ Giai đoạn 3: Sau giai đoạn 2 đến thu hoạch tốc độ lớn của củ giảm đần.
- Mối quan hệ giữa sinh trưởng của thân lá và sự phát triển của rễ củ
Vật chất khô của cây sắn tạo ra do quá trình quang hợp được phân phối cho cả 2 bộ phận trên và dưới mặt đất. Năng suất sắn cao hay thấp không chỉ phụ thuộc vào khả năng quang hợp của cây mạnh hay yếu, lượng chất khô tạo ra nhiều hay ít mà còn phụ thuộc vào sự vận chuyển tích lũy vật chất khô vào các bộ phận. Sự vận chuyển này hợp lý thì sẽ đạt năng suất cao. Trung bình cây sắn tạo ra được khoảng 20 – 30 tấn chất khô/ha/năm; trường hợp cao cao có thể đat tới 60 tấn vật chất khô/ha/năm (tương đương hiệu suất quang hợp = 16 gram/m2 lá/ngày). <xem thêm>
Kỹ thuật canh tác sắn
Làm đất sắn: Cây sắn không yêu cầu làm đất kỹ như làm đất cho các cây màu. Vì vậy, làm đất kỹ sẽ làm cho đất dễ bị phân tán, mất kết cấu và không giữ được dinh dưỡng. Trên đất bằng có thể làm đất bằng cày máy một lần, sau đó lên luống bằng cày luống là được. Trên đất dốc áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu như cày thành luống theo đường đồng mức. Sau đó cuốc hốc theo mật độ dự định. Những nơi nông dân có điều kiện chỉ cần phun thuốc trừ cỏ, sau đó cuốc hốc trồng sắn, năng suất sắn tương đương như làm đất theo truyền thống nhưng hạn chế được xói mòn.
Thời vụ trồng: Sắn là cây hàng năm có thời gian sinh trưởng dài, thời vụ trồng có các điều kiện khí hậu khác nhau có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình sinh trưởng và năng suất củ. Ở châu Á nói chung có hai thời vụ chính để trồng sắn là vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Vụ thứ nhất thường bắt đầu trồng vào từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5. Vụ thứ hai trồng vào tháng 8 và tháng 9.
– Ở nước ta, các nghiên cứu về thời vụ trồng sắn ở các tỉnh miền Nam là cần chuẩn bị đất trước khi mùa mưa bắt đầu. Khi có trận mưa đầu mùa cần nhanh chóng trồng sắn. Năng suất sắn giảm rõ rệt khi trồng sắn muộn.
– Nghiên cứu về thời vụ trồng sắn ở miền Bắc nước ta cho thấy do điều kiện thời tiết giữa các năm thay đổi, đặc biệt là mưa xuân nên thời vụ trồng tốt nhất dao động từ tháng 2 đến tháng 3.
Mật độ trồng: Mật độ trồng sắn thích hợp được dựa trên cơ sở điều kiện đất đai, mức độ thâm canh và giống sắn. Trên đất đỏ vùng Đông Nam Bộ, mật độ trồng thích hợp với giống sắn KM60 và KM94 là 1 m x 1 m. Khi tăng mật độ đến 17.780 cây/ha, năng suất giảm dần từ 26,28 – 30,10 tấn/ha xuống còn 22,28 – 27,28 tấn/ha. Trong trường hợp trồng xen lạc có thể bố trí mật độ như sau: sắn trồng mật độ l,2 m x 0,8 m x 1 hốc. Lạc trồng xen 2 – 3 hàng giữa hai hàng sắn. Mật độ 0,45 m x 0,1 m x 1 hạt. Nếu trồng sắn thuần, với các giống sắn có chiều cao cây trung bình, thân thẳng, không phân cành có thể áp dụng mật độ trồng l m x 0,8 m. Ngược lại nên trồng mật độ 1 m x 1 m.
Kỹ thuật trồng
– Chọn hom: Mặc dù các bộ phận thân, cành của cây sắn đều có khả năng mọc mầm, nhưng chất lượng của hom ảnh hưởng trực tiếp đến sức mọc mầm, sinh trưởng và năng suất củ. Tiêu chuẩn hom tết là cây không có vết bệnh, cây còn tươi, đường kính > 2,0 cm, nhặt mắt. Không chọn hom ở phần thân già (gốc) và phần non (ngọn). Tốt nhất là chọn hom bánh tẻ đem trồng.
– Chặt hom: Dùng dao sắc để chặt hom, khi chặt hom nên chặt vát so với thân cây. Chặt hom vát dễ chặt và ít gây dập nát 2 đầu hom. Hom có chiều dài khoảng 15 -20 cm.
– Cách đặt hom: hiện nay trong sản xuất có 3 cách đặt hom sau:
+ Đặt hom đứng: Các vùng trồng sắn quy mô rộng, khi thu hoạch đất đủ ẩm và sắn trồng trên đất cát pha, đặt hom đứng có nhiều thuận lợi là giảm chi phí công trồng sắn. Rễ ra xung quanh hom nên chống đổ tốt. Chỉ mắt hom ở phía trên cùng có khả năng mọc mầm và phát triển thành cây.
+ Đặt hom nằm ngang mặt đất: Cách này đơn giản đỡ tốn công. Rễ có thể ra và phát triển thành củ ở cả hai đầu hom. Có thể có từ 1 – 3 mầm phát triển thành cây. Do đó sau trồng khoảng một tháng cần phải tỉa lại cây, chỉ để lại cây to mập và để từ 1 – 2 cây/hom.
+ Đặt hom nghiêng một góc so với mặt đất. Đây coi là cách cải tiến của 2 cách đặt hom ở trên. Khi đặt hom cần lưu ý hướng mắt hom lên phía trên và cùng theo một hướng nhằm tạo thuận lợi cho thu hoạch. Cách đặt hom này chỉ phần hom già sẽ ra rễ là chính, vì vậy củ ra tập trung về một phía. Trên hom có thể có 1 – 3 mầm, sau trồng một tháng nên tỉa định cây.
Kỹ thuật bón phân: Để duy trì năng suất sắn nhất thiết phải bón phân đầy đủ và cân đối cho sắn. Nhất là hiện nay trồng các giống sắn mới có tiềm năng năng suất cao lại càng cần phải tăng cường đầu tư phân bón cho sắn. Thực tế trong sản xuất sắn của nước ta, ở các tỉnh miền Nam, nông dân chủ yếu sử dụng NPK để bón hàng năm cho sắn. Nhưng ở miền Bắc do quy mô diện tích sắn của mỗi hộ dân không lớn, nên thường bón kết hợp phân khoáng với phân chuồng.
Chăm sóc: Dặm tỉa cây: sau khi sắn vừa mới mọc đều, cần kiểm tra để trồng dặm nhằm đảm bảo mật độ, khi làm cỏ lần một tỉa định cây. Phòng trừ sâu, bệnh hại: Ở nước ta có xuất hiện bệnh cháy lá do vi khuẩn và sâu ăn lá, dế phá hoại ở thời kỳ nảy mầm, nấm thối nhũn củ và nhện đỏ phá hoại, nhưng mức độ hại không đáng kể.
Thu hoạch củ và bảo quản hom giống
– Thu hoạch củ: sau trồng từ 6 tháng có thể thu hoạch củ hầu hết các giống sắn mới đều có thời gian sinh trưởng từ 7 – 10 tháng. Quan sát trên đồng ruộng khi có 2/3 số lá trên cây rụng trở lên ta có thể thu hoạch, lúc này tỷ lệ tinh bột cũng như khối lượng củ đã đạt đến tối ưu. Khi thu hoạch cần dùng cuốc phá lớp đất mặt rồi mới nhổ sắn sẽ giảm được tỷ lệ gãy, do độ ẩm đất thấp, đất bị chặt cứng. Cần căn cứ vào khả năng chế biến để quyết định khối lượng củ thu hoạch, vì sắn củ tươi sau thu hoạch rất dễ bị chảy nhựa.
– Bảo quản hom giống: Đối với sản xuất sắn hiện nay chủ yếu trồng các giống sắn mới, vì thế để đảm bảo đủ hom giống cho vụ sau cần phải bảo quản hom đúng kỹ thuật. Khi thu hoạch củ xong, cần chọn các cây sạch sâu, bệnh, cây to mập, đều mắt, không bị xây xát làm cây giống cho vụ sau. Nơi bảo quản là nơi râm mát, khuất gió. Từng bó hom được đặt đứng trên nền đất xốp, lớp đất xốp dày khoảng 0,2 m. Sau đó lấp đất xung quanh cao khoảng 0,2 m rồi tưới ẩm và phủ kín bằng rơm rạ hoặc lá khô để hạn chế thoát hơi nước. Bảo quản cẩn thận như vậy hom giống gần như còn tươi nguyên và chất lượng hom giống đảm bảo. <xem thêm>
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
Tình hình sâu bệnh hại chính trên cây sắn tại Việt Nam
Chiều hướng diện tích sản xuất sắn gia tăng liên tục trong những năm qua đã dần xuất hiện những sâu bệnh và rủi ro cao trong canh tác sắn của nông dân. Hiện nay đã xuất hiện những sâu bệnh nguy hiểm nếu không quan tâm kịp thời và phòng trừ có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Những dịch hại mới đây xuất hiện trên sắn như: Bệnh chổi rồng (Candidatus phytoplasma aurantifolia), rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihotis), bệnh thối củ, bệnh khảm lá do vi rút (Cassava mosaic disease), … ngày càng gia tăng mạnh ở diện rộng hơn và phân bổ ở nhiều vùng, làm thiệt hại đáng kể đến năng suất, chất lượng và thu nhập của nông dân trồng sắn.
Tham khảo một số sâu bệnh hại chính trên cây sắn và biện pháp phòng trừ <xem thêm>
Tiểu Ban Trồng trọt – Gap Library – TTNSV
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.