Giới thiệu về cây nhãn

Giới thiệu về cây nhãn

Nhãn có tên khoa học là Dimocarpus longan, là cây ăn quả lâu năm dễ trồng, thích ứng rộng, phát triển tốt ở khí hậu nhiệt đới, cây mang lại giá trị kinh tế cao, quả nhãn có thể ăn tươi, sấy khô hoặc chế biến thành long nhãn. Nhãn có vị ngọt, dễ ăn, có thể ăn quả tươi, khô hoặc chế biến thành những loại đồ uống, thức ăn đa dạng, vừa ngon miệng lại đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.<xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ và phân bố

 Nguồn gốc của cây nhãn cho đến nay vẫn còn có những ý kiển khác nhau, có tác giả cho rằng nguồn gốc của cây nhãn ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), có tác giả cho rằng gốc từ Ân Độ sau đó mới được đem đi trồng ở Malaysia và Trung Quốc, có tác giá lại cho rằng Kalimantan (Indonesia) cũng là cái nôi của nhãn. 

Nhãn là cây nhiệt đới và á nhiệt đới, có thể trồng được từ đường xích đạo đến VĨ tuyển 28-36, nhưng chi có một số nước trồng với diện tích lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ…

Ở nước ta nhãn được trồng khá phổ biển dọc theo suốt chiều dài của đất nước từ Bắc chí Nam. Do thu được hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây diện tích trồng nhân phát triển khá nhanh.

Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng ước đoán hiện nay diện tích trồng nhân ở nước ta vào khoảng 70-80 ngàn ha, trong đó các tỉnh phía Nam chiếm khoảng 2/3 trong tổng diện tích này.<xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Thành phần dinh dưỡng có trong 100g nhãn tươi ăn được (cùi nhãn):

Nước (Water ): 86.3g – Năng lượng: 48 Kcal ( 285kcal/100g nhãn khô) – Protein: 0.9g – Lipid: 0.1g – Glucid (Carbohydrate): 10.9g (65.9g/100g nhãn khô) – Celluloza (Fiber) : 1.0g – Calci (Calcium) 21 mg – Sắt (Iron): 0.40 mg – Magiê (Magnesium): 10 mg – Mangan (Manganese): 0.1mg- Phospho (Phosphorous): 12mg – Natri (Sodium): 26mg – Kẽm (Zinc): 0.29 mg – Đồng (Copper): 150 μg – Vitamin C (Ascorbic acid): 58 mg – Vitamin B1 (Thiamine): 0.03mg – Vitamin B2 (Riboflavin): 0.14mg- Vitamin PP (Niacin): 0.3 mg.<xem thêm>

  1. Công dụng

Cùi nhãn

Cùi nhãn được chế biến lấy tên thuốc trong y học cổ truyền là long nhãn vì có hình dạng giống mắt của con rồng (“long” = rồng, “nhãn” = mắt).

Long nhãn vị ngọt, tính bình, lợi về kinh tâm và tỳ, có tác dụng dưỡng huyết an thần, chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ hay quên, kém ăn mệt mỏi, đại tiện ra máu, phụ nữ băng lậu.

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại: Long nhãn có tác dụng chống lão suy nhờ hoạt chất flavoprotein trong cùi nhãn có công dụng tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não. Trong cùi nhãn còn có vitamin PP, một chất có tác dụng làm tăng độ bền và độ đàn hồi của mạch máu, giúp cho quá trình tuần hoàn máu tốt hơn. <xem thêm>

Hạt nhãn

Hạt nhãn vị chát, cạo sạch vỏ đen, thái mỏng, sấy khô, tán bột, có tác dụng giảm đau, cầm máu, lý khí hóa thấp. Dùng để chữa một số chứng bệnh ngoài da như lở ngứa ở kẽ ngón chân, ngón tay, đốt lấy khói xông chữa chảy máu cam…

Vỏ quả nhãn

Vỏ nhãn vị ngọt, tính ấm, không độc, lợi vào kinh phế; có tác dụng trừ phong, chữa chóng mặt; dùng ngoài chữa bỏng và vết thương ngoài da.

Lá nhãn

Lá nhãn sum suê, quanh năm tươi tốt, vị nhạt, tính bình; có tác dụng an thai, chữa cảm mạo, sốt rét. <xem thêm>

Hoa nhãn

Hoa nhãn nở vào mùa xuân, sắc uống hỗ trợ điều trị chứng bí tiểu tiện.

Vỏ thân cây nhãn

Có tác dụng trị cam tích, mụn nhọt.

Rễ cây nhãn

Vị đắng, chát; có tác dụng chữa khí hư bạch đới, trừ giun.<xem thêm>

  1. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ

Tiềm năng thị trường

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với năm 2022. Nhãn là loại trái cây có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn thứ hai trong năm 2023, sau sầu riêng. Trong đó, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nước “chuộng” trái nhãn Việt nhất.

Với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay, xuất khẩu nhãn kỳ vọng đạt 16-20 triệu USD năm nay. Đánh giá về tiềm năng của quả nhãn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhãn Việt Nam và có nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Do đó, nếu tận dụng được lợi thế và nâng cao tiêu chuẩn với hàng xuất khẩu, quả nhãn của Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách với nhãn Thái Lan tại thị trường hơn tỷ dân này. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ nhãn trên thế giới

Theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, thương mại toàn cầu đối với quả và quả hạch (HS 08 trừ hạt điều có mã HS 080131, 080132) tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,1%/năm trong giai đoạn 2018-2022, trong đó xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, nhập khẩu tăng 3,3%. Số liệu này cho thấy nhu cầu đối nhập khẩu quả và quả hạch trên thế giới vẫn rất lớn.

Thương mại toàn cầu mặt quả và quả hạch giai đoạn 2018-2022

(Đvt: Tỷ USD)

Nguồn: Trung Tâm Thương mại Quốc tế

Tình hình sản xuất và tiêu thụ nhãn tại Việt Nam

 Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, diện tích nhãn của Việt Nam đạt 70.207 ha, sản lượng 551.947 tấn. Sơn La là tỉnh có diện tích nhãn lớn nhất nước (18.702 ha), tỉnh Hưng Yên đứng thứ 4 cả nước với diện tích 4.665 ha. Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nhãn 24.913 ha, sản lượng 227.624 tấn, như vậy dù đồng bằng sông Cửu Long diện tích nhãn chỉ chiếm 31% diện tích nhưng sản lượng chiếm 40% sản lượng nhãn cả nước. Trong đó, Vĩnh Long đứng đầu về diện tích nhãn 6.129 ha, kế đến là Đồng Tháp có diện tích 5.515 ha; Sóc Trăng đứng thứ 3 với diện tích 3.552 ha và TP. Cần Thơ đứng thứ tư đạt 2.512 ha.<xem thêm>

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Hoa Kỳ… Đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi; trước khi xuất khẩu được xử lý theo các biện pháp phù hợp đảm bảo không có côn trùng.

Nhãn hiện nằm trong top 5 cây ăn quả có diện tích lớn nhất nước với hơn 80.000ha,  sản lượng bình quân khoảng 600 ngàn tấn/năm. Hưng Yên được mệnh danh là “kinh đô” nhãn của cả nước, hiện có gần 5.000ha , trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm 5 – 7%, được trồng ở các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Năm nay, sản lượng nhãn chín sớm ước đạt khoảng 5 nghìn tấn.<xem thêm>

Nhìn chung, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu quả nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, huyện Sông Mã nói riêng sẽ rất sôi động trong thời gian tới khi nhãn vào chính vụ thu hoạch. Đặc biệt, với nhu cầu quả nhãn lớn tại các thị trường nhưng Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho quả nhãn Sơn La.

Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu nhãn chủ yếu sang 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý 1/2023. Các thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo gồm Nhật Bản, Canada, UAE… Cơ cấu chủng loại nhãn xuất khẩu khá đa dạng, từ nhãn tươi, nhãn khô, long nhãn, nhãn đông lạnh và nước ép nhãn.

Kim ngạch xuất khẩu nhãn qua các tháng năm 2022-2023 (Đvt: triệu USD)

Nguồn: Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng nhãn

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Sinh trưởng rễ cây nhãn

Rễ nhãn ăn rất sâu và rộng, ở những vùng đất đỏ tơi xốp rễ có thể ăn sâu tới 4 đến 5 m, ở những vùng đất nông thì rễ ăn nông. Rễ nhãn ăn rất rộng nói chung rộng hơn tán lá 1- 3 lần nhưng 80% tập trung trong tán, ở nơi đất xốp thì phần lớn rễ tập trung ở độ sâu 10- 100 cm và tập trung nhiều nhất ở độ sâu 50 cm trở lại. Ở nơi đất tốt thì rễ phân nhánh nhiều và ít có tình trạng rễ đuôi chuột, rễ nhãn có nấm cộng sinh giống như rễ vải.

Một năm rễ sinh trưởng làm 3 đợt. Đợt 1 vào tháng 3 – 4 lượng rễ ít, đợt 2 giữa tháng 5 giữa tháng 6 rễ phát triển mạnh, đợt 3 giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 rễ sinh trưởng yếu.

Các đợt sinh trưởng của rễ thường xen kẽ với các đợt lộc, thường là sau đỉnh cao của lộc sinh trưởng. Sinh trưởng của lộc và rễ lại phụ thuộc vào quả, năm trước quả nhiều thì năm sau rễ và lộc sinh trưởng kém. <xem thêm>

Sự sinh trưởng của rễ còn phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm đất. Nhiệt độ đất dưới 10°C rễ sinh trưởng rất yếu, từ 23 – 28°C rễ sinh trưởng mạnh nhất, từ 29 – 30°C rễ sinh trưởng yếu dần, từ 33 – 34°C rễ ngừng sinh trưởng.

Độ ẩm đất ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của rễ đất đủ ẩm rễ sinh trưởng mạnh (1 ngày rễ mới có thể mọc dài thêm 1,55 cm) hàm lượng nước trong đất từ 13% trở lên là thích hợp.

Trong điều kiện đủ ẩm, đủ dinh dưỡng 84% rễ tập trung ở tầng từ 0 – 60 cm. Đất đủ ẩm và tơi xốp rễ sinh trưởng mạnh nên vườn nhãn cần được cày lật xới giữa hàng. <xem thêm>

Sinh trưởng thân tán cây nhãn

Nhãn là cây ăn quả có tán rộng, nhãn trồng bằng hạt cây cao hơn nhãn ghép hoặc nhãn chiết. Các giống có đặc tính lùn, lá không phản quang thường cho quả đều hơn các giống nhãn khác. <xem thêm>

Sinh trưởng lộc và phát dục của cành

Một năm nhãn ra từ 3 đến 5 đợt cành, cành xuân 1 đợt, cành hè 2 – 3 đợt, cành thu 1 đợt, cành đông ít hơn. Thông thường thì cành thu chiếm khoảng 1/3. Nhưng nếu năm trước không ra quả hoặc ít quả thì cành xuân cành hè nhiều. Cành non (lộc) thường mọc từ đỉnh ngọn của cành mẹ, cũng có khi mọc từ nách hoặc từ mầm bất định.

Thời gian, số lượng các đợt lộc phụ thuộc vào sức sinh trưởng của cây, tuổi cây, số lượng quả năm trước và chế độ nước, dinh dưỡng.

Cành xuân thường mọc từ cành thu năm trước, cành hè và cành thu không mang quả hoặc cành già đã mang quả của năm trước. Khoảng tháng 1 đã bắt đầu nứt lộc, mạnh nhất là tháng 2 đến giữa tháng 3, đến giữa tháng 4 thì hết, cuối tháng tư thì cành xuân đã già. Cây nhãn hàng năm ra quả đều thì cành xuân ít, hoa quả năm trước ít thì năm sau cành xuân nhiều và mập. Những cành xuân gầy yếu nên cắt bỏ để nhãn ra cành thu thì tốt hơn.

Cành hè mọc ra từ cành xuân hoặc cành hè, cành thu của năm trước, trên cành đã ngắt quả, cành già của năm trước. Cành hè có thể ra làm 2 – 3 đợt. Đợt 1 vào trung tuần tháng 5 thường ít, đợt 2 vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7. Do mưa nhiều, nhiệt độ cao nên thường ra rất nhiều lộc, đợt 3 vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Lộc đợt này thường phát sinh ngay trên cành hè ra sớm trong năm hình thành nên 2 đợt cành trong một vụ hè. <xem thêm>

Quá trình sinh trưởng hàng năm của cây nhãn:

Cùng với quá trình sinh trưởng thân tán, trong mùa đông (tháng 1) nhãn nghỉ sinh trưởng để phân hoá mầm hoa. Để đảm bảo cho cây nhãn phân hoá mầm hoa được thuận lợi trong mùa đông cần có 1 thời gian có nhiệt độ thấp vừa phải (xung quanh 15 oC) và khô hạn để hạn chế cành mùa đông có lợi cho việc quang hợp và tích luỹ chất khô, tăng nồng độ dị bào tạo cho cây phân hoá mầm hoa được tốt. <xem thêm>

Đặc điểm phát triển của cây nhãn

Phân hoá mầm hoa nhãn

Tương tự như cây vải, cây nhãn trước khi ra hoa có một thời kỳ nghỉ sinh trưởng để phân hoá mầm hoa, thời kỳ này thường diễn ra trong mùa đông khi có điều kiện khô hoặc khô hạn. Những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phân hoá mầm hoa ở cây nhãn nhiều tác giả cho rằng: quan hệ giữa cành lá, sinh trưởng của bộ rễ là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến phân hoá mầm hoa.

Hoa vải (trái) và hoa nhãn (phải)

Thời gian phân hoá mầm hoa của nhãn phụ thuộc vào giống, vùng trồng, vùng khí hậu, kỹ thuật thâm canh. Quá trình phân hoá mầm hoa tuy phức tạp nhưng đều có một số quy luật chung, cây nhãn có thời gian phân hoá mầm hoa tập trung khoảng 1 tháng. Nhãn nghỉ sinh trưởng để phân hóa mầm hoa vào tháng 1. <xem thêm>

Ra hoa, đậu quả

Nhãn là cây ăn quả ra hoa ở đầu cành từ khi ra hoa, đậu quả đến quả lớn không có khả năng ra lộc trên cành mang quả, dẫn đến có tính ra quả cách năm khá rõ rệt.

Quá trình ra hoa của nhãn có thể chia thành các thời kỳ:

Thời kỳ xuất hiện mầm hoa

Thời kỳ xuất hiện hoa

Thời kỳ nở hoa và thụ phấn

Thời kỳ tàn hoa và đậu quả

Hoa của vải, nhãn ra ở dạng chùm và thực hiện thụ phấn chéo (giao phấn), số lượng hoa đực thường lớn hơn rất nhiều so với hoa cái và hoa lưỡng tính, hoa đực nở trước hoa cái nở sau và kết thúc nở hoa là hoa đực, do sự nở lệch pha của hoa đực và hoa cái hoặc hoa đực và hoa lưỡng tính dẫn đến quá trình thụ phấn, thụ tinh gặp khó khăn, làm cho tỷ lệ đậu quả ở các năm sai khác nhau, năm đậu quả nhiều, năm đậu quả ít. <xem thêm>

Sự phát triển của quả nhãn trên cây

Sinh trưởng của quả

Sau khi thụ phấn thụ tinh quả bắt đầu phát triển và chín vào mùa hè cho đến mùa thu. Quá trình lớn của quả có đặc điểm rụng quả vào các thời kỳ sau tàn hoa từ 10 – 20 ngày, khi quả lớn và khi quả sắp được thu hoạch, đặc điểm này làm hạn chế đến năng suất quả khi thu hoạch, cần có biện pháp kỹ thuật thích hợp với từng loại cây ăn quả để khắc phục hiện tượng rụng quả.<xem thêm>

Sự phát triển của quả nhãn qua từng giai đoạn

  1. Đặc điểm sinh thái

Khí hậu

Nhiệt độ thích hợp cho nhãn sinh trưởng và phát triển là từ 21-27oC; mùa hoa nở cần nhiệt độ cao 25-31oC; Mùa Đông cần một thời gian nhiệt độ thấp để phân hóa mầm hoa. Nhãn là cây ưa trảng, nếu bị rợp cây cho ít trái, chỉ những cành nhận đầy đủ ánh nắng mới cho trái tốt. <xem thêm>

Đất đai

Nhãn có tính thích ứng rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất từ vùng nước ngọt quanh năm đến vùng nhiễm mặn. Tuy nhiên, đất trồng nhãn thích hợp nhất là đất cát, cát pha, cát giồng, đất cồn và phù sa ven sông, đất có độ pH từ 5-7. Nhãn không thích hợp trên đất sét nặng.

Thời vụ

Nếu có đủ nước tưới thì nên trồng vào cuối mùa mưa, khoảng tháng 10-11 dương lịch vì mùa nắng cây có đầy đủ ánh sáng sẽ phát triển tốt hơn. Nếu trồng vào mùa mưa, khoảng tháng 5-6 dương lịch thì cần chú ý thoát nước vì nếu mưa nhiều thì đất sẽ bị lèn…nhãn bị chết do nghẹt rễ. <xem thêm>

Giống

Nhãn tiêu da bò: Có các giống như tiêu huế, tiêu lá bầu, tiêu đường … là những giống nhãn đang được nhà vườn ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, năng suất cao, dễ xử lý ra hoa trái vụ, 2 năm có thể cho 3 vụ trái. Trái chín có màu da bò, cơm khá dày hơi dai, ít nước, ngọt vừa, ít mùi thơm.

Nhãn long: Là giống nhãn dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi năm cho 2 vụ trái; nhưng phẩm chất không cao, không được ưa chuộng do hạt to, cơm mỏng, nhiều nước…

Nhãn giồng da bò: Trồng chủ yếu ở những vùng đất cát giồng, là giống nhãn có phẩm chất khá ngon, cơm ráo, dày cơm. Nhãn giồng mỗi năm chỉ cho 1 vụ trái nên năng suất không cao.

Nhãn xuồng cơm vàng được bà con khá ưa chuộng do rất dày cơm, trái to nhưng năng suất cũng không cao.

Ngoài ra còn có các giống nhãn khác như Super, nhãn hồng, thái long tiêu, Dona, Hưng Yên, Nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn nước, nhãn Vĩnh Châu… Giống nhập nội: Đại Ô Viên, nhãn Thạch Hiệp (Trung Quốc)… <xem thêm>

Nhân giống

Gieo hạt: (chủ yếu để làm gốc ghép) Hạt lấy về cần xử lý gieo ngay. Ngâm hạt nửa ngày, vớt ra, ngâm vào nước vôi trong, sau 2-3 giờ vớt ra, ủ vào đất cát ẩm 2-4 ngày. Khi ngâm hạt nhú ra đem gieo.

Chiết cành: Là phương pháp nhân giống phổ biến nhất vì cây chiết có nhiều ưu điểm như mau cho trái, cây con giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, có bộ rễ ăn cạn nên thích hợp với vùng đất có mực thủy cấp cao như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, cây chiết cũng có mặt hạn chế là cây mau già, dễ bị đổ ngã nếu bị gió bão vì bộ rễ ăn cạn, phương pháp này có hệ số nhân giống thấp …; Cách chiết cành: Chọn cây mẹ có năng suất cao, ổn định, có phẩm chất tốt, ít sâu bệnh. Chọn cành bánh tẻ (tiếp giáp phần già và phần non), không sâu bệnh từ nửa tán cây trở lên ngọn. Nếu chọn cành trong tán cây, cành vượt, thì sẽ lâu ra rễ, cây con khi đem đi trồng sẽ chậm phát triển. Dùng dao bén khoanh vỏ đoạn cành định chiết, bề rộng vết khoanh 1-2cm, cách ngọn cành 0,5-1m tùy theo giống. Đối với giống sinh trưởng mạnh thì chiết cành nhỏ, ngắn, còn giống sinh trưởng chậm thì chiết cành lớn hơn. Bóc hết vỏ đoạn cành vừa khoanh, cạo sạch rồi dùng lá nhãn hoặc nylon quấn kín đoạn khoanh lại, một tuần sau lấy nylon ra và bó bầu. Bầu đất có thể làm bằng rơm trộn bùn non hoặc rễ lục bình, bột xơ dừa, tro trấu trộn phân mục… Trong mùa mưa, dùng mụn xơ dừa có lợi thế là lâu mục và không quá ẩm thích hợp cho rễ phát triển. Sau 2-2,5 tháng kể từ khi bó bầu ta thấy rễ mọc ra, khi rễ có màu vàng nâu là có thể cắt xuống giâm trong bầu đất hoặc giỏ tre, 15-30 ngày sau cây con sẽ ra đọt non trở lại. Đợi đến khi đọt này già đi mới đem trồng. Bầu đất để giâm cây con nên trộn với mụn xơ dừa, một ít phân chuồng hoai mục giúp cây mau bén rễ. Cành chiết trước khi vô bầu đất nên được cắt bớt lá, mỗi cành chỉ chừa 2-3 cặp lá chét. <xem thêm>

Tháp bo: Đây là phương pháp đang được nông dân sử dụng để cải tạo những vườn nhãn cũ. Thường tháp bo nhãn tiêu da bò hoặc nhãn xuồng lên gốc long nhãn, sau khi xác định việc tháp bo đã thành công thì tiến hành cắt bỏ toàn bộ tán cây nhãn long phía trên chỗ tháp. Cây nhãn long 1-2 năm tuổi thì có thể tháp trực tiếp lên gốc, cây lớn hơn thì tháp lên cành, nhưng không nên tháp ở vị trí cao và cành lớn vì dễ bị tét, gãy nhánh sau này. Đối với gốc nhãn già thì cưa gốc để cây mọc tược non, khi các tược này già thì tháp bo lên được. Cành phát triển từ bo được tháp sẽ tăng trưởng nhanh gấp 2-3 lần so với trồng bằng cây con.<xem thêm>

Các giống nhãn hiện nay

Nhãn xuồng

Nhãn xuồng cơm vàng là giống có nhiều triển vọng, khả năng sinh trưởng khá. Cây 15 – 20 tuổi có năng suất trung bình 100 – 140 kg/cây/năm. Quả trên chùm to đều, vỏ quả khi chín có màu vàng da bò, trọng lượng trung bình của quả đạt 15 – 16 gam/quả, cùi có màu trắng hanh vàng, thịt quả dầy từ 5,5 – 6,2 mm, cùi ráo, dai, giòn, ngọt và có mùi thơm, dùng để ăn tươi là chính. <xem thêm>

Nhãn tiêu da bò

Có các giống như tiêu huế, tiêu lá bầu, tiêu đường,… là những giống nhãn đang được nhà vườn ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, năng suất cao, dễ xử lý ra hoa trái vụ, 2 năm có thể cho 3 vụ trái. Cây 8 – 10 năm tuổi có năng suất trung bình 120 – 180 kg quả/cây/năm. Quả chín có màu da bò, trọng lượng quả trung bình 8 – 12 gam/quả, cùi nhãn màu trắng đục, dầy 5 – 6 mm hơi dai, ít nước, ngọt vừa, ít mùi thơm.

Nhãn long: Là giống nhãn dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi năm cho 2 vụ trái; nhưng phẩm chất không cao, không được ưa chuộng do hạt to, cơm mỏng, nhiều nước.

Nhãn giồng da bò: Trồng chủ yếu ở những vùng đất cát giồng, là giống nhãn có phẩm chất khá ngon, cơm ráo, dày cơm. Nhãn giồng mỗi năm chỉ cho 1 vụ trái nên năng suất không cao. <xem thêm>

Nhãn Super

Cây ra hoa tự nhiên, mùa thu hoạch chín vào tháng 6 đến tháng 7 dương lịch, vụ thu hoạch phụ vào tháng 12 đến tháng 1. Cây 4-5 tuổi có năng suất trung bình 30 kg/ cây/ năm. Vỏ quả khi chín có màu vàng sậm đến vàng sáng. Trọng lượng quả trung bình 10- 14gam/quả. Cùi nhãn có màu trắng, hanh vàng dầy 5 – 8 mm, cùi ráo, giòn, ngọt vừa, ít thơm. <xem thêm>

Nhãn lồng

Cây nhãn tổ hiện vẫn còn ở xã Hồng Nam. Tại sao lại gọi là nhãn lồng? Tên “nhãn lồng” bắt nguồn từ việc khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa giữ cho chim, dơi khỏi ăn.

Nhãn lồng có quả to hơn các giống nhãn khác. Trọng lượng trung bình của quả 11 – 12 gam, quả to khoảng 14 – 15 gam/quả. Quả trên chùm nhãn có kích thước đồng đều nhau. Đặc điểm của quả nhãn Lồng là các múi chồng lên nhau ở đỉnh quả, trên mặt ngoài cùi nhãn hình thành nếp nhăn. Hạt nhãn nhỏ có màu nâu đen, độ bám giữa cùi và hạt cũng như giữa cùi và vỏ tương đối yếu. Tỷ lệ cùi/quả đạt trung bình từ 62 – 63%. Quả chín ăn giòn ngọt đậm. <xem thêm>

Nhãn đường phèn

Nhãn đường phèn được trồng từ lâu đời ở khu vực sông đáy (Hà Tây cũ). Màu sắc vỏ quả và chùm quả tương tự như nhãn lồng, nhưng quả tròn và nhỏ hơn. Quả chín muộn hơn nhãn cùi 20 – 25 ngày. Trọng lượng trung bình cảu quả 7 – 12 gam/quả, vỏ quả màu nâu nhạt, dầy. Cùi tương đối dầy, trên mặt có những u nhỏ như đường phèn, dịch nước quả có màu hơi đục, vị ngọt sắc. Tỷ lệ cùi/quả đạt 60%.<xem thêm>

Nhãn cùi

Đặc điểm lá có mầu xanh đậm, ít bóng hoặc không bóng, trung bình có 8 -10 lá chét, phiến lá dày, gợn sóng, mép lá quăn, trọng lượng quả từ 8,5 – 11,5 gam/ quả, quả có hình hơi dẹt, vỏ màu vàng nâu, cùi dày 4 – 5 mm, tỷ lệ cùi/quả đạt 58%. Độ ngọt và hương thơm đứng sau nhãn lồng và nhãn đường phèn. Nhãn cùi chủ yếu để sấy khô làm long nhãn xuất khẩu. Các dòng nhãn cùi ưu tú là: TQ29, VT22, PHT99-1-3, YB29. <xem thêm>

Nhãn Hương chi

Là giống nhãn do Viện nghiên cứu rau quả chọn được từ nhãn lồng Hưng Yên và được công nhận là giống năm 2000. <xem thêm>

Nhãn muộn (HTM)

Là giống nhãn chín muộn được trồng ở tỉnh Hà Tây cũ, do Viện nghiên cứu rau quả tuyển chọn và được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2005 và được ký hiệu là (HTM-1). <xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc         

Kỹ thuật trồng

Chuẩn bị đất trồng: Bộ rễ nhãn chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ, chết cây. Do đó, muốn trồng nhãn cần chú ý đến việc bờ bao, cống bọng thoát nước cho nhãn trong mùa mưa lũ. Nên trồng nhãn trên mô đất, mô đất đắp thành hình tròn rộng 60-80cm, cao 50-70cm. Đất trong mô trộn với 10-15kg phân chuồng hoai, tro trấu, 0,5kg phân lân và nên chuẩn bị mô từ 15-30 ngày trước khi trồng. Do đất ở ĐBSCL thấp nên trồng cây ăn trái phải đào mương, lên liếp. Tùy theo độ cao của vườn mà đào mương sâu hay cạn, liếp rộng hay hẹp. Thường liếp rộng 8m, mương rộng 3-4 m, sâu 1-2 m. <xem thêm>

Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai và mô hình trồng, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 6x5m, 6x6m, tương đương khoảng 300-350cây/ha. Trong những năm đầu, khi cây chưa giao tán, có thể trồng xen những cây ngắn ngày như rau, đậu, đu đủ… Cách trồng: Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con, nhẹ nhàng xé bỏ bọc nylon rồi đặt bầu cây vào lỗ sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2-3cm, lấp đất lại vừa khuất mặt bầu, ém đất xung quanh gốc, cắm cọc để buộc cây con vào (để tránh rễ bị lung lay dễ làm đứt rễ, cây con phát triển kém, nếu đứt nhiều rễ, cây sẽ chết) và tưới đẫm nước, sau đó thường xuyên giữ ẩm cho cây. <xem thêm>

Chăm sóc

Đắp mô, bồi liếp: Trong 2 năm đầu, hàng năm cần đắp thêm đất khô vào chân mô, giúp mô cao hơn, rộng hơn. Tới năm thứ 3 trở đi, hàng năm nên vét bùn non ở đáy mương bồi thêm một lớp mỏng 2-3cm ngay sau khi làm gốc, bón phân, nếu trồng nhãn trên đất thịt pha sét thì hàng năm nên bón thêm phân hữu cơ giúp đất thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt cho bộ rễ phát triển.

Làm cỏ, xới xáo: Cần thường xuyên làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, hạn chế sự cư trú, xâm nhập của sâu bệnh gây hại. Kết hợp xới xáo đất giúp đất thông thoáng nhằm giúp bộ rể tăng cường trao đổi chất, không dùng cuốc lưỡi và không xới sâu vì làm tổn thương bộ rễ. Tuyệt đối không diệt cỏ bằng các hóa chất trong vườn nhãn nói riêng và vườn cây ăn trái nói chung. <xem thêm>

Tưới, tiêu nước: Nhãn rất cần nước, nếu được tưới đầy đủ nhãn sẽ phát triển nhanh, ra hoa, kết trái tốt. Nhưng nhãn là cây chịu úng kém nên cần có hệ thống thoát nước trong mùa mưa. Đối với những vườn có nguy cơ bị ngập trong mùa mưa lũ thì nên có hệ thống bờ bao vững chắc, kịp thời bơm nước ra khỏi vườn khi cần thiết.

Tỉa cành, tạo tán: Sau thu hoạch cần tiến hành tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành bị che khuất trong tán cây, cành vượt … đồng thời bấm tỉa những cành vừa được thu trái để giúp cây ra tược non đồng loạt. <xem thêm>

Đối với cây ra quả cách năm: Cây ra quả cách năm có nhiều lý do: Do chế độ dinh dưỡng, thời tiết, một số ít do đặc tính giống. Những cây này thường xuyên không ra hoa, hoặc ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, nên chặt bỏ thay bằng nhãn ghép hoặc cải tạo bằng những giống đã được chọn lọc. Đối Với những cây do chế độ dinh dưỡng sẽ có hai trường hợp xảy ra hoặc thừa hoặc thiếu. Cần quan sát kỹ mức độ sinh trưởng để có biện pháp chăm sóc hợp lý.

Cây thừa dinh dưỡng có biểu hiện cành lá quá xanh tốt, lá to xanh mềm, mỏng. Đây là hiện tượng cây bị lốp. Cách xử lý: Biện pháp 1: Từ tháng 10-11 dương lịch hàng năm ngắt tất cả các đầu cành khoảng 2-3 lá búp để triệt tiêu chồi dinh dưỡng gây tức nhựa, đồng thời kích thích cây ra kích tố sinh sản và nếu thời tiết thuận lợi năm sau cây ra hoa, quả tốt. Biện pháp thứ 2: Khi quan sát thấy cây ra lộc đông vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới nhú ra 1cm tiến hành đào rãnh xung quanh gốc cây theo chiều rộng tán sâu 30-40 cm, rộng 15cm, để phơi 1 tuần không tưới nước lộc sẽ tự thui đi.

Trường hợp thiếu dinh dưỡng: Đối với cây quá xấu, đất cằn cỗi không có khả năng ra hoa, kết quả cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là Kali và lân trộn thêm tro bếp bón đều quanh gốc, cần xới xáo từ gốc đến hết chiều rộng tán lá rồi mới rải phân lên đó. Sau đó bồi một lớp bùn mỏng để giữ ẩm. Khi bùn dạn chân chim tiến hành tưới nhử rễ, dùng nước phân chuồng hoặc nước tiểu và phân NPK khoảng 2kg hoà lẫn tưới đều lên mặt bùn.

Đối với những cây khi thấy chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá phun lên lá vào thời kỳ ra lộc non, kết hợp bón xung quanh gốc bằng tro bếp + NPK theo chiều rộng tán ở độ sâu 1-3 cm. <xem thêm>

Bón phân

Tỷ lệ và liều lượng phân bón: Để vườn nhãn cho năng suất cao, phẩm chất quả tốt, cần cung cấp một lượng phân bón đầy đủ và với tỷ lệ các chủng loại phân bón phù hợp. Tỷ lệ các loại phân NPK sử dụng cho hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là 1:0,5:1 hoặc 1:1:2. Tùy theo độ tuổi, hiện trạng sinh trưởng của cây, sản lượng quả cho thu hoạch của năm trước để xác định liều lượng bón cho thích hợp. Với vườn nhãn nhiều năm tuổi, cứ cho 100kg quả tươi/năm thì có thể bón với lượng phân 2kg N + 1kg P2O5 + 2kg K2O (tương đương với 4,2kg Urê + 5,5kg Supe lân + 4kg Cloruakali). <xem thêm>

Thời kỳ bón: Có thể phụ thuộc vào độ tuổi của cây mà bón nhiều lần hay ít lần, tốt nhất là chia làm 4 lần bón trong một năm.

Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8 đến tháng 9. Lần bón này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành mùa Thu và coi đây là lần bón cơ bản trong năm. Ở lần này, bón toàn bộ phân chuồng, 80% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân kali.

Lần 2: Bón vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa mầm hoa. Lần bón này nhằm thúc hoa và nuôi lộc Xuân. Sử dụng 30% lượng phân đạm, 20% lượng phân lân và 30% lượng phân kali.

Lần 3: Bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm làm cho chùm hoa phát triển tốt, tăng khả năng đậu quả và thúc đẩy cành Hè phát triển. Lần bón này chỉ sử dụng 10-20% lượng phân đạm.

Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung dinh dưỡng cho quả phát triển. Ở lần bón này, sử dụng toàn bộ lượng phân đạm và phân kali còn lại (20% lượng phân đạm + 40% lượng phân kali). <xem thêm>

Lượng phân bón cho nhãn theo tuổi cây ở thời kỳ mang quả

Loại phân Lượng phân bón theo tuổi cây (kg/cây/năm)
Cây 4-6 năm tuổi Cây 7-10 năm tuổi Trên 10 năm tuổi
Phân chuồng 30-50 50-70 70-100
Phân urê 0,3-0,5 0,8-1,0 1,2-1,5
Phân supe lân 0,7-1,0 1,5-1,7 2,0-3,0
Phân clorua kali 0,5-0,7 1,0-1,2 1,2-2,0

Cách bón:

Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 30-40 cm, sâu 30-35 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Ở lần bón sau khi thu hoạch quả, có thể trộn đều các loại phân vô cơ và bón kết hợp cùng với phân chuồng. <xem thêm>

Bón phân vô cơ: Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.

Bón phân qua lá: Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây có thể dùng hình thức bón phân qua lá. Ngoài sử dụng Urê 0,2% và Kalihydrophotphat (KH2PO4) 0,2-0,3%, có thể bổ sung các nguyên tố vi lượng như Bo, Zn bằng phun các dung dịch axit Boric, dung dịch Sunphat kẽm 0,1%. Thời gian phun tốt nhất là trước khi hoa nở để làm tăng tỷ lệ đậu và sau khi đậu quả làm hạn chế rụng quả non. <xem thêm>

Thu hoạch

Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, vỏ quả hơi sù sì hơi dày chuyển sang mọng và nhẵn, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen (trừ giống có hạt màu đỏ) thì có thể thu hoạch. Nên thu hoạch quả vào ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng và buổi chiều, tránh thu hoạch vào đúng giữa trưa khi trời quá nóng. Không cắt trụi hết cành lá của cây vì có thể ảnh hưởng đến khả năng nảy lộc vụ sau. Đối với những cây nhãn có tình trạng sinh trưởng khỏe hoặc đối với những giống chín sớm, cắt chùm quả có kèm theo một đoạn cành quả chỗ có lá mọc sít nhau. Đối với những cây nhãn có tình trạng sinh trưởng yếu hoặc đối với những giống chín muộn, cắt chùm quả không kèm theo lá của cành quả. Khi thu hoạch quả, nên có thang và sử dụng kéo cắt chùm quả để tránh gãy cành. <xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Bệnh cháy lá trên cây nhãn

Triệu chứng: Bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, ở giữa hoặc đầu lá màu nâu đen, sau vết bệnh lan ra có hình tròn hoặc góc cạnh, lan rộng trên phiến lá tạo thành những mảng cháy màu nâu, trên đó có những đường vân màu nâu xám, nhạt. Hơn nữa, giữa lá và phần xanh của vết bệnh có ranh giới rõ rệt. Đặc biệt, trên vết bệnh lâu ngày có những hạt nhỏ li ti màu đen. Sau đó, lá bị vàng khô và rụng. Tác nhân gây bệnh: nấm Pestalotia paraguariensis.

Biện pháp phòng trừ: Cắt tỉa cành, thu gom và tiêu hủy các lá bị bệnh; Tưới nước, bón phân đầy đủ cho cây, nhất là phân hữu cơ. Cây khỏe sẽ hạn chế bệnh tấn công; Phun thuốc gốc Mancozeb hoặc PROPINEB để phòng và trị bệnh. <xem thêm>

Bệnh phấn trắng

Triệu chứng: Hoa nhãn bị xoắn vặn, khô cháy, quả non bị nhiễm bệnh sẽ nhỏ và có màu nâu. Khi bị bện thì vỏ quả bị đóng phấn trắng nhất là ở vùng gần cuống. Quả lớn thường bị thối và chuyển sang màu nâu từ cuống quả, sau đó chuyến sang màu nâu đen và lan dần ra cả quả.

Biện pháp phòng trừ: Quét dọn vườn thông thoáng, ánh sáng xuyên qua được tán lá sẽ hạn chế bệnh. Phun Ridomil hoặc Antracol. <xem thêm>

Bệnh thối bông

Triệu chứng: Bệnh thối bông xuất hiện lúc hoa nhãn đãng nở rộ, trên cành hoa có những vết chấm nhỏ bằng đầu kim, có màu nâu đen làm cho hoa bị vàng, sau đó khô và rụng đi. Bệnh phát triển nhiều khi có sương mù hay mưa nhiều, độ ẩm không khí cao.

Biện pháp phòng trừ: Trồng với mật độ thừa, không trồng dầy. Phun thuốc Ridomil hoặc Antracol vào giai đoạn trước khi hoa nở để phòng bệnh. <xem thêm>

Đốm mốc xanh, mốc xám trên lá nhãn

Triệu chứng: Trên lá nhãn thường bị các đốm mốc màu xanh, xám kích thước từ 1 – 3mm, phát triển dày đặc trên mặt lá, có thể thấy lấm tấm các ổ nấm đen. Các đốm này có thể là do rêu hay địa y gây ra và thường không gây thiệt hại nhiều. Ở vườn nhãn lâu năm còn thấy trên thân cây có những đốm bệnh trắng loang lỗ như những đồng tiền Tuy bệnh không gây nguy hiểm cho cây nhưng làm cho cây bị suy yếu dần.

Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc gốc đồng định kỳ để làm sạch lá. <xem thêm>

Bệnh thối rễ

Triệu chứng: Bệnh gây ở rễ và ở cổ rễ. Trên cổ rễ lúc đầu có những đốm nhỏ màu nâu, sau đó chuyển từ màu nâu đen và lan rộng bao quanh phần vỏ cổ rỗ khiến vỏ bị thổi khô, nứt và bong tróc ra để trơ phần gổ bên trong. Nấm có thể ăn sâu vào thân, làm cho thân cây bị khô đen, các rễ phía dưới cũng bị thối đen. Cây mới bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng kém, lá bị vàng dán, nếu cây còn nhỏ thi có thể bị chết khô hoàn toàn. Cây bệnh dễ bị đỗ ngã do bộ rễ đã bị hại. Bệnh do nấm Fusarium, hay những nấm đất khác gây ra như Rhizoctonia, Sclerotium.

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên vệ sinh và kiểm tra vườn, phát hiện những cây sinh trưởng kém, kiểm tra cỗ rễ, nếu có dấu hiệu bệnh thì dùng thuốc gốc Metnlnxyl hay Ridomyl Gold để tưới gốc. <xem thêm>

Bệnh khô cành

Triệu chứng: Bệnh này chủ yếu gây hại trên cành. Vết bệnh ban đầu có hình bầu dục hoặc hình sợi dài, màu nâu, về sau vết bệnh lan rộng ra và có màu nâu đỏ, hơi lõm vào trong vỏ, trên dó xuất hiện các hạt nhỏ màu đen, đó là các bào tử. Sau một thời gian vết bệnh tiếp tục lây lan quanh cành, vỏ cây bị nứt ra và khô. Bệnh do nấm Phoma sp gây ra.

Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc gốc đồng, Mancozeb để phun lên cành.<xem thêm>

Bệnh đốm bồ hóng

Triệu chứng: Bệnh này thường xuất hiện và gây hại nặng trên quả. Bệnh dễ phát sinh trong mùa mưa, những nơi có ẩm độ cao. Do nấm Phytophthora gây ra.

Biện pháp phòng trừ: Dùng thuốc Ridomil hoặc Coc85 phun ngừa. <xem thêm>

Bệnh thán thư

Triệu chứng: Bệnh thường phát sinh và gây hại trên lá, lộc non trên chùm hoa và quả.

Trên lá: Bệnh gây hại từ mép lá trở vào, lúc đầu vêt bệnh giống như các chấm, đốm nhỏ, sau đó liên kết thành từng mảng lớn, xung quanh có đường viền nâu sẫm.

Trên chồi non: Lúc đầu vết bệnh có dạng thấm nước, sau chuyển màu nâu tối, chồi bị chết khô khi trời nắng hoặc thối khi trời mưa.

Trên hoa và quả non: vết bệnh hơi lõm xuống dạng chấm đen, làm cho hoa và quả non chuyển sang màu đen và rụng.

Bệnh do nấm Colletotrichum gloesporrioides gây ra.

Bệnh phát sinh mạnh khi thời tiết ấm và ẩm trong tháng 3 và 4. Nếu trời sẽ mưa đúng vào thời kỳ ra hoa và hình thành quả non sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất.

Biện pháp phòng trừ: Phun thuốc hoạt chất Propineb. <xem thêm>

Bệnh chùn ngọn (bệnh chổi rồng)

Triệu chứng: Bệnh xuất hiện các triệu chứng trên các lá, chồi non và ngay cả trên hoa, làm cho chồi lá, hoa không phát triển được và mọc thành chùm. Các lá bị bệnh này không lớn lên được và chụm lại như bó chổi, nên nó còn có tên là chổi rồng. Bệnh xuất hiện trên hoa thì làm cho hoa kém phát triển và khả năng đậu quả rất kém, quả kém phát triển.

Biện pháp phòng trừ: Cây nhãn bị bệnh có thể là do nhện gây ra, vì vậy đầu tiên, cần cắt tỉa, thu gom và đem đi tiêu huỷ (đốt) những cành, lá, hoa có triệu chứng bệnh. Sau đó, phun thuốc trừ nhện khi cây ra nõn non hoa và ngay sau khi cắt tỉa ỏ mỗi lần thu hoạch bằng các loại thuốc như Confidor, Ortus, Comite… phun liên tục 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau từ 7 – 10 ngày. Phải xử lý dụng cụ nhân giống, dụng cụ cắt tỉa sau khi thu hoạch, khi chuyển từ cây này sang cây khác để tránh hiện tượng lây lan bệnh do Phytoplasma gây ra./.<xem thêm>

Tài liệu tham khảo

Sở Khoa học và Công nghệ tính Bến Tre (2009), Kỹ thuật trồng nhãn. Truy cập ngày 01/10/2024, từ http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/628/ky-thuat-trong-nhan

Sức khỏe & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ y tế (2022), 14 bài thuốc từ cây nhãn. Truy cập ngày 01/10/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/14-bai-thuoc-tu-cay-nhan-169220703222947774.htm

Dân tộc và Phát triển (2021), Cách phòng trừ một số bệnh thường gặp trên cây nhãn. Truy cập ngày 01/10/2024, từ https://baodantoc.vn/cach-phong-tru-mot-so-benh-thuong-gap-tren-cay-nhan-1620879941394.htm

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp (2021), Phát triển ngành hàng nhãn. Truy cập ngày 01/10/2024, từ https://snnptnt.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/7141148

 

 

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.