Giới thiệu về cây dừa

Cây dừa (Cocos nucifera L.) là loài cây công nghiệp có giá trị cao, từ thân, trái đến tất cả các bộ phận của cây đều được sử dụng. Hơn nữa, dừa còn là một trong số ít cây thích nghi tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Do đó, ngoài các giá trị kinh tế dừa còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo khí hậu ổn định, chống xói mòn và có vai trò quan trọng trong du lịch sinh thái.

Nguồn gốc xuất xứ

Nguồn gốc của loài cây này là chủ đề gây tranh cãi, với một số nhà quản lý cho rằng nó có nguồn gốc từ Nam Á, trong khi những người khác cho rằng nguồn gốc của nó là ở Tây Bắc Nam Mỹ . Tư liệu tìm thấy trong hóa thạch từ New Zealand cho thấy những cây nhỏ giống như cây dừa đã sinh sống ở đó từ 15 triệu năm trước. Thậm chí, các hóa thạch cũ hơn đã được phát hiện ở Rajasthan, TamilNadu, Kerala và Maharashtra, Ấn Độ . <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Nước dừa không chỉ ngon mà còn cung cấp nguồn dinh dưỡng quý báu cho cơ thể, điển hình là hàm lượng kali phong phú cao hơn nhiều so với các loại trái cây khác. Bên cạnh đó, thành phần của nước dừa còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như protid, lipid, glucid, vitamin C, vitamin B1, nhiều loại khoáng chất như magie, canxi, sắt, kẽm, đồng và photpho. Những dưỡng chất này có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể của cơ thể. <Xem thêm>

Ngoài nước dừa ra, thì trong trái dừa có một thành phần khác cũng có nhiều giá trị dinh dưỡng không kém đó là cơm dừa. Thành phần dinh dưỡng trong cơm dừa gồm có nước, protid, lipid, glucid, xenluloza. Ngoài ra trong cơm dừa còn có chứa nhiều khoáng chất và vitamin như canxi, photpho, sắt, vitamin B1, vitamin PR, vitamin C mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người. <Xem thêm>

  1. Công dụng

Giúp hydrat hóa tốt: với hàm lượng chất điện giải cao, nước dừa thô là giải pháp hydrat hóa hoàn hảo của tự nhiên; bổ sung chất lỏng và khoáng chất bị mất sau khi hoạt động thể chất cường độ cao, khiến nó trở thành thức uống tuyệt vời sau khi tập luyện. Ngoài ra, với tính chất ít calo và không chứa chất béo, nước dừa trở thành một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho đồ uống thể thao có đường.

Hỗ trợ tiêu hóa: các enzyme có trong nước dừa thô có thể giúp cải thiện tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường tiêu hóa. Tiêu thụ thường xuyên có thể làm giảm các triệu chứng khó tiêu, đầy hơi và táo bón nhờ đặc tính dưỡng ẩm và giải độc tự nhiên.

Tăng cường miễn dịch: nước dừa nguyên chất là một nguồn cung cấp cytokinin tự nhiên, loại hormone thực vật này có tác dụng chống lão hóa, phòng chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Bằng cách tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể và chống lại stress oxy hóa, uống nước dừa cơ thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Tốt cho sức khỏe tim mạch: các nghiên cứu cho thấy hàm lượng kali trong nước dừa thô có thể giúp hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Cân bằng điện giải và hàm lượng natri thấp giúp cho nước dừa trở thành loại nước uống thân thiện với tim, hỗ trợ chức năng tim mạch và tuần hoàn.

Quản lý cân nặng: mặc dù có vị ngọt nhưng nước dừa nguyên chất lại có lượng calo và đường thấp đáng ngạc nhiên so với nhiều loại đồ uống khác, thay thế cho nước ngọt và nước trái cây có đường, giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý và kiềm chế cảm giác thèm ăn dễ dàng hơn.

Tốt cho làn da: Nước dừa thô không chỉ có lợi cho sức khỏe bên trong mà còn có tác dụng kỳ diệu cho làn da. Đặc tính dưỡng ẩm của nước dừa có thể giúp dưỡng ẩm và trẻ hóa làn da khô, xỉn màu, đồng thời với tác dụng chống viêm, nước dừa có thể làm dịu kích ứng và mang lại làn da sáng mịn.

Làm sạch thận: nước dừa thô có đặc tính lợi tiểu tự nhiên, thúc đẩy sản xuất nước tiểu và giúp thải độc tố ra khỏi thận. Tiêu thụ thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận và hỗ trợ sức khỏe tổng thể của đường tiết niệu.

Tăng cường năng lượng: nước dừa rất giàu khoáng chất, chất điện giải và chất chống oxy hóa, giúp tăng mức năng lượng của bạn ngay lập tức.

Điều hòa huyết áp: nước dừa rất giàu kali, một khoáng chất cần thiết để điều hòa huyết áp. Kali giúp chống lại tác dụng của natri, thúc đẩy quá trình giãn mạch và giảm căng thẳng cho hệ tim mạch. Uống nước dừa thường xuyên có thể giúp duy trì mức huyết áp khỏe mạnh và hỗ trợ sức khỏe tổng thể của tim. <Xem thêm>

Cải thiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer: cơm dừa có thể giúp làm giảm thoái hóa thần kinh. Hợp chất phenolic và hormone có trong dừa có thể ngăn ngừa và kiểm soát bệnh Alzheimer. <Xem thêm>

Giá trị kinh tế

Ưu điểm quan trọng nhất của cây dừa đó là tất cả các phần của cây dừa đều có thể tạo ra thu nhập. Thậm chí khi cây đã chết, thân dừa cũng có thể làm hàng thủ công mỹ nghệ và dụng cụ gia đình có thể dùng để trang trí và sử dụng. <Xem thêm>

Dừa là loại cây rất đa dụng, tất cả các phần của cây dừa từ thân, lá, trái, vỏ, xơ, gáo, nước… đều có thể sử dụng phục vụ đời sống con người. Cho đến nay các quốc gia thành viên của Hiệp Hội Dừa Châu Á – Thái Bình Dương (APCC) đã sản xuất và xuất khẩu được hơn 70 chủng loại sản phẩm từ dừa, trong đó Philippines đóng góp hơn 40 loại sản phẩm từ dầu dừa, từ các sản phẩm cao cấp phục vụ công nghiệp như alcohol béo cho đến hàng thủ công mỹ nghệ. Ấn Độ và Sri Lanka lại xuất khẩu nhiều loại sản phẩm từ xơ dừa. Năm 1994, Indonesia xuất khẩu được 102 triệu USD sản phẩm đường từ mật hoa dừa. Ở Philippines, thạch dừa được xuất khẩu thu ngoại tệ hơn 26 triệu USD trong năm 1993 và hơn 17 triệu USD trong năm 1996. Ở Malaysia, sữa dừa cũng đã trở thành sản phẩm quen thuộc được các công ty đem giao tận siêu thị và trường học vào mỗi buổi sáng. Trong bánh xà phòng cao cấp của các hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Unilever, P&G… đều có thành phần chính là dầu dừa. Việc sử dụng nước dừa tươi như là món giải khát tinh khiết, bổ dưỡng đã và đang trở thành một ngành công nghiệp hấp dẫn để phục vụ khách du lịch và xuất khẩu tại các nước Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka….

Các sản phẩm được chế biến từ dừa hiện nay rất phong phú và có nhiều cơ hội cho công nghiệp dừa Việt Nam phát triển thông qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Các mặt hàng than gáo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa… góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tận dụng thời gian nông nhàn và giải quyết lao động dư thừa ở nông thôn, gia tăng thu nhập cho người trồng dừa, và góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần cung cấp một phần thực phẩm và hàng tiêu dùng cho nhu cầu tại chổ. <Xem thêm>

  1. Các sản phẩm thực phẩm chế biến từ dừa

Cơm dừa khô (Copra): cơm dừa của trái dừa khô được phơi nắng hoặc sấy khô còn 6 – 7% ẩm độ, đây là sản phẩm truyền thống từ trái dừa dùng để ép dầu dừa.

Dầu dừa tinh khiết: là dầu được chiết ép từ cơm dừa tươi theo phương pháp ép ướt, loại dầu dừa này không màu, có mùi đặc trưng, giá của dầu dừa tinh khiết cao gấp 3 – 4 lần so với dầu dừa chiết ép theo phương pháp ép khô. Dầu dừa tinh khiết chủ yếu được dùng làm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm cao cấp.

Dầu dừa thô: được chiết ép từ cơm dừa khô, sau đó qua giai đoạn lọc, dầu dừa được chiết ép theo phương pháp ép khô phải qua khâu tinh luyện để khử màu, khử mùi trở thành dầu ăn (cooking oil) với thành phần acid béo chủ yếu là acid lauric (47,3%) có mạch carbon trung bình, ngoài công dụng để ăn nó còn để chế biến các sản phẩm và hóa chất khác sử dụng trong công nghiệp.

Bánh dầu dừa khô: là phần bã dừa còn lại sau khi chiết ép dầu dừa được dùng làm thức ăn gia súc, bã dừa còn chứa khoảng 20% protein, 45% carbohydrat, 11% chất xơ cùng với dầu dừa và các chất khoáng khác.

Cơm dừa nạo sấy: cơm dừa tươi được nghiền ra thành các kích cở khác nhau, sấy khô, đóng gói. Cơm dừa nạo sấy được dùng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp bánh kẹo, được dùng ăn trực tiếp để bổ sung chất béo cho các nước không có dừa như Trung Đông….

Sữa dừa và bột sữa dừa: nước cốt dừa được ép từ cơm dừa tươi, sau đó qua khâu xử lý, tiệt trùng, đóng gói. Sữa dừa rất tiện lợi dùng để uống, chế biến các món ăn cần bổ sung sữa dừa hoặc các món tráng miệng ăn tươi. Bột sữa dừa là sản phẩm bột dừa thu được sau khi sấy phun sữa dừa, có công dụng tương tự như sữa dừa.

Kem dừa: nước cốt dừa đậm đặc hoặc cơm dừa Sáp xay nhuyễn được thay thế một phần sữa bò tươi trong thành phần nguyên liệu chế biến kem. Kem dừa Sáp có mùi thơm đặc trưng của dừa và độ béo rất hấp dẫn.

Phô mai dừa và Yaourt dừa: những sản phẩm lên men tương ứng của sữa dừa.

Kẹo dừa: là sản phẩm của hỗn hợp cô đặc của đường, mạch nha và sữa dừa cô đặc. Hiện nay trên thế giới có nhiều loại kẹo dừa nhưng phần lớn là kẹo dừa cứng, kẹo dừa mềm là đặc sản rất đặc trưng của Việt Nam.

Thạch dừa: là sản phẩm lên men nước dừa khô, tạo thành lớp thạch cellulose dày, về thực chất thạch dừa không chứa nhiều dinh dưỡng cho sức khỏe con người nhưng nó là món ăn tráng miệng giúp dễ tiêu hóa, chống béo phì và khi được nấu trong siro đường làm tăng một phần năng lượng của sản phẩm.

Đường dừa và rượu dừa: là sản phẩm cô đặc từ mật chiết từ hoa dừa còn non (mo chưa mở), tương tự như đường vàng của cây thốt nốt, đường từ mật hoa dừa có mùi thơm đặc trưng của dừa và có chứa nhiều năng lượng. Rượu dừa được cất từ mật hoa dừa lên men. Mỗi hoa dừa có thể thu được từ 20 – 30 lít mật hoa dừa có giá trị cao gấp 5 lần giá trị của quày dừa và nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, nhưng khi lấy mật thì không còn thu trái được nữa.

Mứt dừa: cơm dừa cứng cạy (10 tháng tuổi) được gọt bỏ phần vỏ nâu, bào mỏng, trộn với đường và sên đến khi đường khô, bột đường áo xung quanh miếng cơm dừa. Đây là sản phẩm rất truyền thống được dùng trong ngày tết.

Nước dừa tươi đóng hộp: nước dừa của giống dừa uống nước 8 tháng tuổi được xử lý vô trùng và đóng hộp, đôi khi nhà chế biến còn bổ sung thêm các sợi cơm dừa non hoặc hương trái cây để làm tăng thêm sự hấp dẫn cho sản phẩm. <Xem thêm>

  1. Các sản phẩm phi thực phẩm từ dừa dùng trong công nghiệp và gia dụng

Sản phẩm từ gỗ dừa: làm vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và sản phẩm gia dụng. Gỗ tốt nhất là gỗ của cây dừa lão khoảng từ 50 – 70 năm tuổi.

Sản phẩm từ lá dừa: lá dừa khô dùng làm chất đốt, cọng lá dừa khô để bó chổi. Trong khi cọng lá dừa tươi để thắt giỏ, nhu cầu về giỏ cọng dừa hiện nay rất cao do đời sống kinh tế – văn hóa xã hội của người dân ngày càng tăng cao, con người có nhu cầu về mua, tặng, trang trí. Sản phẩm được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiện nay, người ta còn dùng chót lá dừa tươi bó thành từng bó thả xuống biển để dẫn dụ cá trong đánh bắt cá.

Sản phẩm từ chà dừa, yếm dừa: làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ở Sri Lanka, yếm dừa được xử lý, nhuộm màu làm vật liệu may các loại túi xách, cặp đựng tài liệu văn phòng… xuất khẩu thu ngoại tệ về cho quốc gia.

Sản phẩm từ vỏ dừa: làm hàng thủ công mỹ nghệ, được xử lý thành chỉ xơ dừa, làm thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, lưới sinh thái, ván cách nhiệt, dây thừng, chủ yếu dùng trong nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, sản xuất xe hơi và gia dụng. Ngoài ra sản phẩm phụ từ vỏ dừa là bụi xơ dừa được xử lý làm đất sạch, phân hữu cơ trong nông nghiệp, cơ chất trồng nấm, chất giữ ẩm…

Sản phẩm từ gáo dừa: làm than thiêu kết và từ than thiêu kết được chế biến thành than hoạt tính dùng trong công nghiệp. Ngoài ra gáo dừa còn dùng làm chất đốt, hàng thủ công mỹ nghệ. <Xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Tại Việt Nam, Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân, giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới.

Dừa là một loại cây trồng có giá trị và đa dụng vì có thể sử dụng trong công nghiệp chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau từ các bộ phận của cây dừa. Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau như: chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa… giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Hiện tại cũng có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó, có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu. <Xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

  1. Đặc điểm thực vật học

Rễ dừa

Dừa có rễ bất định sinh ra liên tục ở phần đáy gốc thân, không có rễ cọc. Lúc mới mọc có màu trắng sau chuyển sang màu đỏ nâu. Rễ không có rễ lông hút mà chỉ có những rễ nhỏ là rễ dinh dưỡng. Những rễ này hình thành trên rễ chính và có hoạt động như rễ hô hấp, giúp cho cây trao đổi khí.

Trong điều kiện ngập nước liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bộ rễ, khiến cho cây dừa bị giảm sức tăng trưởng. Nguyên nhân là do cây dừa là cây chịu nước nhưng không chịu ngập.

Rễ già sẽ chết và rễ mới phát triển liên tục. Tuần đầu tiên sau khi nảy mầm, cây dừa con sẽ mọc ra một rễ cấp 1 có chiều dài trung bình 5 cm, 10 ngày sau sẽ mọc ra rễ thứ hai, sau sáu tuần sẽ có trung bình 3 rễ cấp 1, với chiều dài rễ dài nhất khoảng 20 cm.

          Khi cây dừa 5 năm tuổi sẽ có khoảng 548 rễ cấp 1 và đạt số lượng 5.200 rễ cấp 1 khi cây 13 năm tuổi. Số lượng rễ cấp 1 ở cây dừa trưởng thành biến động từ 2.000 đến 16.500 rễ. Hệ thống rễ dừa phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng bán kính 1,5 – 2 m. Rễ có thể ăn sâu đến 4 m, trong đó 50% rễ tập trung ở 50 cm lớp đất mặt. <Xem thêm>

Thân

Thân dừa mọc thẳng, không phân nhánh, chiều cao trung bình từ 15 – 20 m. Trong giai đoạn đầu sau khi trồng thân dừa ngắn, phát triển chậm, cho đến khi chiều ngang phát triển đầy đủ thì thân mới bắt đầu cao lên. Giai đoạn này kéo dài khoảng 4 năm tùy theo giống. Do đặc điểm này mà thân dừa cao chỉ phát triển mạnh sau từ 4 – 5 năm.

Gốc dừa là một trong những đặc điểm để phân biệt nhóm giống dừa cao và dừa lùn. Ở nhóm giống dừa lùn thường có gốc nhỏ, ngược lại ở nhóm giống dừa cao và dừa lai giữa giống lùn và giống cao thường có gốc phình to đến rất to.

Số sẹo lá trên thân trên 1 m chiều cao thân là một trong những đặc điểm để đánh giá điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây, dựa trên đặc điểm này làm tiêu chuẩn để chọn giống theo phương pháp truyền thống. Do cấu tạo của thân không có tầng sinh mô thứ cấp nên những tổn thương trên thân dừa không thể phục hồi được và đường kính thân cũng không phát triển theo thời gian nên quan sát một đoạn thân ta có thể đánh giá tình hình sinh trưởng của cây trong thời gian đó. Đồng thời thân phát triển từ đỉnh sinh trưởng (củ hủ) nên khi bị đuông tấn công cây sẽ bị chết.

Tóm lại, thân dừa là đặc điểm dùng để đánh giá sự sinh trưởng của cây. Thân dừa to, không bị tổn thương, sẹo to, khít là cây dừa sẽ sinh trưởng mạnh và cho năng suất cao. <Xem thêm>

Một cây dừa có khoảng 30 – 35 tàu lá. Mỗi tàu lá dài 5 – 6 m vào thời kỳ trưởng thành. Ở cây trưởng thành, 1 tàu lá dừa gồm 2 phần. Phần cuống lá không mang lá chét, lồi ở mặt dưới, phẳng hay hơi lõm ở mặt trên, đáy phồng to, bám chặt vào thân và khi rụng sẽ để lại một vết sẹo trên thân.

Phần mang lá chét mang trung bình 90 – 120 lá chét mỗi bên, không đối xứng hẳn qua sống lá mà một bên này sẽ có nhiều hơn bên kia khoảng 5 – 10 lá chét.

Đỉnh sinh trưởng sản xuất lá liên tục, cứ một lá xuất hiện trên tán thì có thêm một chồi lá xuất hiện và một lá già rụng đi.

Một cây dừa tốt, mỗi năm ra ít nhất 14 – 16 lá (24 – 26 ngày/lá) đối với nhóm dừa cao và 16 – 18 lá (20 – 22 ngày/lá) đối với nhóm dừa lùn. Mùa khô dừa ra lá nhanh hơn so với mùa mưa.

Một tàu lá dừa luôn luôn có đời sống 5 năm, từ khi tượng đến khi xuất hiện 2,5 năm và từ khi xuất hiện đến khi khô, rụng là 2,5 năm. Nếu điều kiện tự nhiên bất lợi lá sẽ ra chậm hơn, số lá ít đi chứ không rút ngắn đời sống của lá. Điều kiện dinh dưỡng và nước đầy đủ cây ra nhiều lá sẽ làm cho số lá trên tán cây nhiều hơn (35 – 40 tàu). Nếu gặp điều kiện bất lợi thời gian ra lá kéo dài, số lá trên tán cây sẽ ít. Ở vùng khô hạn, trên tán lá có một số lá khô nhưng không rụng, đó là điều kiện rất đặc trưng chứng tỏ cây bị thiếu nước.

Tóm lại, quan sát tán lá của cây dừa ta có thể đánh giá được khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây. Đây là một trong những chỉ tiêu quan tronh dùng để tuyển chọn giống. <Xem thêm>

Hoa

Thời gian từ khi tượng đến khi nở trung bình từ 30 – 40 tháng. Thông thường mỗi nách lá mang một phát hoa, do đó có bao nhiêu lá mới là có khả năng có bấy nhiêu phát hoa được sinh ra mỗi năm. Tuy nhiên, giai đoạn 15 – 16 tháng trước khi hoa nở (giai đoạn phân hóa nhánh gié) phát hoa dừa có thể bị thui do cây dừa bị thiếu dinh dưỡng, khô hạn hay ngập úng. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng “mùa treo” ở dừa.

Hoa dừa thuộc loại đơn tính đồng chu nghĩa là hoa đực và hoa cái riêng rẻ nhưng ở trên cùng một gié hoa. Số lượng hoa cái trung bình biến động từ 20 – 40 cái trên mỗi phát hoa tùy theo giống. Số hoa cái trên buồng ít có thể do thiếu chất đạm. Nhóm dừa lùn có số lượng hoa cái nhiều hơn nhóm dừa cao.

Thời gian để hoa cái đầu tiên nở đến hoa cái cuối cùng thụ phấn xong trên cùng phát hoa gọi là pha cái, kéo dài từ 5 – 7 ngày ở giống dừa cao và từ 10 – 14 ngày đối với giống dừa lùn. 

Thời gian để hoa đực đầu tiên mở đến hoa đực cuối cùng mở gọi là pha đực, kéo dài khoảng 18 – 22 ngày. Thời gian xuất hiện của pha đực và pha cái hình thành nên kiểu thụ phấn khác nhau và là một trong những đặc tính quan trọng để phân biệt giữa các giống dừa. Trên giống dừa cao pha đực thuờng xuất hiện trước rồi mới đến pha cái nên có sự lệch pha và sự thụ phấn chéo là phổ biến. Trên giống dừa lùn, pha cái thường trùng với pha đực nên dừa lùn thường tự thụ phấn. Đối với nhóm dừa lai, giữa pha đực và pha cái có sự trùng pha một phần nên có thể xảy ra hiện tượng tự thụ trên cùng một phát hoa. Do nhóm dừa cao có đặc tính thụ phấn chéo nên khi nhân giống bằng phương pháp hữu tính cần có kỹ thuật riêng biệt và yêu cầu sẽ nghiêm ngặt hơn so với giống dừa lùn. <Xem thêm>

Trái

Trái dừa thuộc loại quả hạch, nhân cứng. Trái gồm có ba phần là ngoại quả bì (phần vỏ bên ngoài được phủ cutin), trung quả bì (xơ dừa) và nội quả bì bao gồm gáo, nước và cơm dừa.

Vỏ dừa dày từ 1 – 5 cm tùy theo giống, phần cuống có thể dày đến 10 cm. Vỏ dừa bao gồm 30% là xơ dừa và 70% là bụi xơ dừa. Bụi xơ dừa có đặc tính hút và giữ ẩm cao từ 400 – 600 % so với thể tích của chính nó.

Gáo dừa có hình dạng rất khác biệt tùy theo giống, độ dày của gáo từ 3– 6mm. Bốn tháng tuổi sau khi thụ phấn gáo dừa bắt đầu hình thành và chuyển sang màu nâu và cứng hơn khi trái được 8 tháng tuổi.

Nước dừa xuất hiện từ tháng thứ ba sau khi thụ phấn và đạt được thể tích lớn nhất ở tám tháng tuổi. Thể tích sẽ giảm dần khi trái khô. Thành phần hóa học chủ yếu của nước dừa là đường và muối khoáng.

Cơm dừa bắt đầu hình thành 5 tháng sau khi thụ phấn, có thể thu hoạch để uống nước vào tháng thứ 7 – 8. Thời gian để hoa cái thụ phấn, phát triển thành trái và đến khi trái khô kéo dài 12 tháng. Thu hoạch trái ở giai đoạn 10 tháng sau khi đậu trái có thể giảm năng suất do trái chưa phát triển đầy đủ nhưng ở giai đoạn từ 11 tháng trở đi thì trái có thể dùng làm giống. Trọng lượng cơm dừa khô của một trái dừa dao động từ 100 – 350 g/trái và chứa khoảng 65 – 74 % dầu dừa tùy theo giống. Kích thước, hình dạng trái rất đa dạng, tùy theo giống. <Xem thêm>

  1. Nhu cầu sinh thái

Nhiệt độ và ẩm độ

Nhiệt độ: dừa cần nhiệt độ tương đối cao. Nhiệt độ thích hợp cho cây dừa phát triển từ 27 – 29oC, nhiệt độ dưới 20oC kéo dài thì năng suất sẽ giảm, nhiệt độ dưới 15oC dừa rối loạn sinh lý và gây rụng trái non.

Ẩm độ: dừa thích hợp ẩm độ từ 60 – 90%, ẩm độ dưới 60% dừa sẽ bị rụng trái non vì quá khô hạn.

Ánh sáng

Dừa là cây ưa sáng, nếu bị che bóng rợp thì cây bị cằn cõi, chậm cho trái. Tổng số giờ chiếu sáng trong năm từ 2.000 giờ trở lên.

Đất trồng

Cây dừa sống được trên nhiều loại đất khác nhau như đất cát, đất thịt, đất sét nhưng tốt nhất là đất phù sa và đất cát pha. Đất trồng dừa phải thoáng khí, thoát nước tốt, tầng canh tác dày từ 0,5 m trở lên. Cây dừa thích hợp nhất ở pH đất 5,5 – 6,5. Nếu độ pH dưới 5 cây sẽ bị còi cọc do rễ phát triển kém.

Nước

Dừa là loại cây trồng cho trái quanh năm, vì vậy cần cung cấp lượng nước tưới đầy đủ cho cây dừa nhất là trong mùa khô để đảm bảo năng suất dừa.

Cây dừa chịu được ngập theo thủy triều lên xuống trong vài tháng mùa lũ, nhưng khi bị úng kéo dài, dừa có thể bị thối rễ và rụng trái. Dừa chịu được độ mặn từ 4 – 5‰ (phần nghìn), tuy nhiên khi bị nhiễm mặn trên 5‰ trong thời gian ngắn (2 – 3 tháng) cây dừa vẫn phát triển được.

Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.300 – 2.300 mm, phân phối đều trong năm thì dừa sinh trưởng phát triển tốt. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ dừa trên thế giới

Brazil từng là quốc gia sản xuất dừa được xếp hàng đầu cho đến năm 2010. Tuy nhiên hiện nay, 90% nguồn cung toàn cầu xuất phát từ châu Á nơi mà dừa là một nguồn thu nhập quan trọng của nhiều quốc gia. Xuất khẩu dừa chiếm 50% thu nhập quốc dân của Vanuatu và 1,5% của Philippines. Quần đảo Solomon và Samoa xuất khẩu chủ yếu là dầu và cơm dừa, trong khi Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka tập trung cung ứng các sản phẩm dừa nạo sấy, và đã thống trị thị trường trong hơn một thế kỷ. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, Philippines là nước xuất khẩu với quy mô lớn với giá trị hơn 1 USD tỷ dừa. Tuy nhiên, sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước này vẫn còn kém 8% so với sự tăng trưởng về nhu cầu. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ dừa tại Việt Nam

Cây dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 tại Quyết định số 413/QĐ– BNN– TT ngày 26/01/2024. Theo đó, cây dừa cùng với các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu đều là cây công nghiệp chủ lực.

Diện tích cây dừa Việt Nam và sản lượng đồng hạng 5 thế giới, năng suất đứng hạng 3 thế giới và giá trị kim ngạch xuất khẩu đứng hạng 4 thế giới. Theo đánh giá của Hiệp hội Dừa Châu Á Thái Bình Dương (APCC), tuy diện tích trồng dừa của cả chỉ Việt Nam ở khoảng 190.000 ha nhưng tiềm năng thu được tương đương với 1,2 triệu ha, đặc biệt là dừa được trồng ở tỉnh Bến Tre (diện tích dừa của Bến Tre chỉ bằng 1% diện tích dừa Indonesia nhưng giá trị xuất khẩu bằng 8% giá trị xuất khẩu Indonesia).

Đến năm 2022, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 194.286 ha, tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL. Vùng ĐBSCL chiếm 88% diện tích dừa cả nước với diện tích khoảng 171 nghìn ha. Các tỉnh có diện tích trồng dừa lớn là: Bến Tre 78 nghìn ha, Trà Vinh 26 nghìn ha, Tiền Giang trên 21,6 nghìn ha, Vĩnh Long trên 10 nghìn ha. Tiếp đến là vùng duyên hải miền Trung: các tỉnh có diện tích dừa lớn là Bình Định 9.388 ha, Quảng Ngãi 2.136 ha, Khánh Hòa 1.602 ha, Phú Yên 1.360 ha.

Năng suất dừa Việt Nam năm 2022 đạt 111,8 tạ/ha, cao hơn năng suất dừa năm 2011 là 17,2 tạ/ha (năm 2011, năng suất dừa Việt Nam đạt 94,6 tạ/ha). Năng suất dừa của vùng Đông Nam Bộ cao nhất, đạt 229,2 tạ/ha (năm 2022), năng suất dừa vùng Duyên hải Nam Trung Bộ thấp nhất, đạt 107,3 tạ/ha (năm 2021). Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù có diện tích dừa lớn nhất cả nước nhưng năng suất dừa chỉ đạt 110 tạ/ha.

Sản lượng dừa Việt Nam năm 2022 đạt 1,93 triệu tấn, tăng 728,62 nghìn tấn so với năm 2011 (1,20 triệu tấn), sản lượng dừa của Việt Nam tập trung ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2022 chiếm 85,26% sản lượng dừa cả nước). Tốc độ tăng sản lượng dừa năm giai đoạn 2011 –  2022 đạt 4,4%/năm, trong đó vùng ĐBSCL vẫn là vùng tăng trưởng cao nhất 4,97%/năm, tiếp theo là Đông Nam Bộ 2,83%/năm, Duyên hải Nam Trung Bộ 1,52%/năm, Bắc Trung Bộ 0,86%/năm.

Qua khảo sát tại 9 tỉnh điều tra, diện tích dừa hữu cơ hiện nay là 17.218 ha, chỉ chiếm 10,55% diện tích. Hầu hết diện tích dừa hữu cơ đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Các tỉnh triển khai sản xuất dừa hữu cơ nhiều là Tiền Giang có 240 ha diện tích đang sản xuất theo hướng hữu cơ (chưa được chứng nhận), Bến Tre có 2.900 ha ngoài 13.125 ha đã được công nhận (Các địa phương nhân rộng nhiều diện tích dừa hữu cơ là huyện Giồng Trôm 5.600 ha, Mỏ Cày Nam 4.800 ha, Bình Đại 2.581 ha, Thạnh Phú 1.800 ha).

Tỉnh Bến Tre đã công nhận 6.990 cây dừa mẹ và 78 vườn dừa đầu dòng. Các loại dừa phổ biến như: dừa xiêm xanh, dừa dâu, dừa ta và dừa đỏ giống mới. Tỉnh Trà Vinh có 01 vườn cây đầu dòng giống dừa sáp nuôi cấy mô.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã phát triển được gần 90 sản phẩm và khoảng hơn 200 loại thực phẩm có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa. Trong đó, sản phẩm tinh dầu dừa phục vụ lĩnh vực y tế đang có giá trị cao nhất nhưng số doanh nghiệp chế biến được sản phẩm này là rất ít.

Trên toàn quốc có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, gồm một số ngành chính như: chế biến vỏ dừa (chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ), chế biến gáo dừa (than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa), chế biến cơm dừa (sơ chế cơm dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa,….), chế biến nước dừa (thạch dừa, nước dừa đóng hộp), chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Hiện tại có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”.

            Sản phẩm dừa Việt Nam và các sản phẩm từ dừa Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay đã có 2.799 nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu dừa tập thể và Chỉ dẫn địa lý về dừa nộp đơn xin cấp quyền Sở hữu trí tuệ. <Xem thêm>

Một số giống dừa phổ biến tại Việt Nam

  1. Dừa cao (để thu trái khô chế biến)

Dừa ta

Là giống dừa được trồng phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 2 dạng: dừa ta xanh và dừa ta vàng. Đây là giống dừa rất thích hợp cho các ngành công nghiệp ép dầu và chế biến trái dừa do giống có hàm lượng dầu cao (65 – 67%),  phần cơm dầy (≥1,2 cm), có tiềm năng năng suất cao (70 – 80 trái/cây/năm), trái có kích thước từ trung bình đến to, gáo dầy (3 – 4 mm) và xơ khá dầy. Trọng lượng trái trung bình từ 1,6 – 2,0 kg/trái khô. <Xem thêm>

 

Dừa dâu

Đặc điểm nổi bật của giống dừa dâu là sai trái (80 – 100 trái/cây/năm), số trái/buồng nhiều (10 – 15 trái/buồng), hàm lượng dầu cao (63 – 65%) nhưng trái có trọng lượng trung bình (1,6 – 1,8 kg/trái khô), vỏ mỏng, cơm trung bình đến dầy (11 – 12 mm), gáo mỏng. Dừa dâu có 2 dạng: dâu xanh và dâu vàng. Đây là giống dừa thích hợp cho công nghiệp ép dầu và chế biến trái dừa. <Xem thêm>2. Dừa lùn (để thu trái tươi uống nước)

Dừa xiêm xanh  

Đây là giống dừa rất được ưa chuộng dùng để uống nước do có vị ngọt thanh. Trái nhỏ có trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg, thể tích nước 250 – 300 ml/trái, năng suất cao (120 – 150 trái/cây/năm). <Xem thêm>

Dừa xiêm lục

Dừa xiêm lục có màu sắc và kích thước trái tương tự như dừa xiêm xanh nhưng trái có dạng hình quả lê, dưới đáy trái có quầng xanh đậm và mỗi quày có 2 mo nang, một mo nang to bên ngoài nằm chồng khít lên mo nang nhỏ bên trong. Trọng lượng trái từ 1,2 – 1,5 kg, thể tích nước từ 250 – 300 ml/trái, năng suất cao (120 – 150 trái/cây/năm). Nước dừa xiêm lục rất ngọt, độ đường cao, gáo dầy nên rất thích hợp cho việc uống nước và xuất khẩu vì có khả năng bảo quản được lâu và độ vỡ trái thấp khi sơ chế và vận chuyển đi xa. <Xem thêm>

 

 

 

Dừa xiêm lửa

Dừa xiêm lửa là một giống dừa quý hiếm, có năng suất cao, màu cam sáng rất đẹp phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Dừa xiêm lửa có dáng trái tròn, nhỏ, trọng lượng trái trung bình từ 1,0 – 1,2 kg, thể tích nước từ 280 – 320 ml, giống có năng suất khá cao (80 – 140 trái/cây/năm), cho trái sớm (2,0 – 2,5 năm sau khi trồng). Đặc biệt dừa xiêm lửa lâu bị thối cuống, rụng cuống sau khi hái khỏi cây nên rất thích hợp cho việc sơ chế, bảo quản xuất khẩu. <Xem thêm>

Dừa Mã Lai

Là giống nhập nội rất có triển vọng phát triển do có năng suất cao (80 – 140 trái/cây/năm), cho trái sớm (2,5 – 3,0 năm sau khi trồng). Trái tròn, từ nhỏ đến trung bình, trọng lượng trái từ 1,2 – 1,4 kg, thể tích nước từ 300 – 350 ml. Vỏ trái có màu vàng tươi hay cam. <Xem thêm>

  1. Giống dừa có giá trị kinh tế cao

Dừa dứa

Đặc điểm nổi bật của giống Dừa Dứa là không chỉ nước Dừa mà các thành phần khác của cây Dừa như lá, hoa, phấn, cơm và vỏ Dừa đều thơm mùi lá dứa rất được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới. Trái có kích thước từ nhỏ (tương đương dừa xiêm) đến trung bình (như dừa dâu) và to (như dừa ta). Năng suất từ 80 – 140 trái/cây/năm, thể tích nước từ 300 – 450 ml. <Xem thêm>

 

Dừa sáp

Dừa Sáp là đặc sản của Cầu Kè, Trà Vinh. Đặc điểm của giống dừa dáp là cơm mềm, sền sệt, dầy, có nước rất ít hoặc không có. Trọng lượng trái khô trung bình từ 1,2 – 1,5 kg. Năng suất từ 40 – 80 trái/cây/năm. Đặc điểm của dừa sáp là chỉ có từ 1 – 2 trái sáp/buồng (tỉ lệ 20 – 25%). Tuy nhiên không phải cây nào cũng mang trái sáp, tỉ lệ nầy chỉ chiếm khoảng 50 – 75%. Về hình thái không thể phân biệt được cây dừa sáp và cây dừa thường, cũng như trái dừa sáp và trái dừa thường, cho đến hiện nay người ta chỉ phân biệt được trái dừa sáp khi trái đã bắt đầu khô và bằng phương pháp lắc trái. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dừa

  1. Thời vụ

Cây dừa có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa khoảng tháng 5 – 7 dương lịch. Cần lưu ý, cây dừa con bị ngập nước hay bị khô đều kém phát triển hoặc chết. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật lên liếp trồng dừa

Tùy theo tính chất và độ cao tự nhiên của từng vùng đất có thể lên liếp đơn hoặc liếp đôi. Đối với vùng đất phù sa, không phèn, có thể lên liếp đôi để tiện việc trồng xen hoa màu trong giai đọan kiến thiết cơ bản, đồng thời cũng dễ áp dụng các mô hình đa canh khi cây trưởng thành. Đối với vùng đất nhiễm phèn hoặc mặn nên lên liếp đơn để liếp mau rửa phèn, chiều sâu mương không được vượt quá tầng sinh phèn và thường áp dụng mô hình độc canh hay xen canh với một số cây có khả năng chịu phèn như chuối, khóm.

Liếp đơn có bề ngang từ 4,5 – 5 m, đủ để trồng một hàng dừa.

Liếp đôi có bề ngang từ 8 – 10 m, đủ trồng 2 hàng dừa.

Đối với đất có tầng canh tác dày trên 0,5 m có thể lên liếp hoàn chỉnh ngay từ lúc đầu. Còn đối với đất có tầng canh tác dày dưới 0,5 m có thể tiến hành lên mô với các bước sau:

Năm đầu tiên: đắp mô dạng hình nón cụt chiều cao 1m, bề mặt trên có cạnh rộng 2,5 m, cạnh đáy rộng 3,5 m.

Năm thứ 2: mở rộng mô thêm 1 m mỗi cạnh trên bề mặt mô.

Năm thứ 3: nối các mô lại với nhau để hình thành liếp hoàn chỉnh.

Nếu trồng trên mô, kích thước không nên quá nhỏ, cây sẽ bị hốc nước vào mùa khô, ít nhất cạnh đáy mô phải được 3,5m, cạnh ở mặt mô 2,5m. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật trồng cây con

Chuẩn bị đất và mật độ trồng

Ở vùng đất thấp nên trồng cây trên mô để tránh bị đọng nước cho cây. Mô hình chóp, có kích thước từ 60 – 80vcm, cao từ 30 – 40 cm. Dùng lớp đất mặt trộn với cám vỏ dừa trộn tro trấu, phân hữu cơ, phân lân, vôi bột đấp mô ít nhất 2 tuần trước khi trồng.

Ở vùng đất cao nên trồng trong hố có kích thước 50 x 50 x 60 cm hoặc 60 x 60 x 60 cm. Trộn đều đất mặt với cám vỏ dừa trộn tro trấu, phân hữu cơ, phân lân, vôi bột cho vô hố như đấp mô.

Nếu là liếp đơn nên trồng một hàng ở giữa. Còn nếu là liếp đôi nên trồng hai hàng, mỗi hàng cách mương ít nhất 1,5 m. Có thể trồng kiểu hình tam giác đều hay 8 hình vuông, nếu có điều kiện nên bố trí hàng theo hướng Bắc – Nam để cây nhận được nhiều ánh sáng.

Nếu có trồng xen, khoảng cách trồng có thể thưa hơn (từ 9 – 10 m) tùy theo đối tượng cây trồng xen. Tùy theo loại đất: đất xấu trồng dầy, đất tốt trồng thưa. Mật độ trung bình nên từ 160 – 180 cây/ha. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng

Đào một lỗ trên mô hay trong hố có kích thước to hơn túi bầu sau đó đặt cây dừa con vô hố. Nên đặt cây dừa con thẳng đứng, hướng đầu trái dừa vào bên trong liếp, để rễ dừa có thể phát triển đều các phía, mặt trên của quả dừa ngang mặt liếp, trộn phân hữu cơ với lớp đất mặt ém chặt chung quanh, tránh để cây con bị gió xô ngã, tưới nước ngay sau khi trồng để giữ ẩm, che nắng cho cây và đậy gốc, khi dừa con đã mọc thêm 1 lá non thì dỡ bỏ lớp che. <Xem thêm>

Trồng dặm

Trồng dặm ngay khi có cây chết hoặc trồng vào mùa mưa tiếp theo để các cây dừa trong vườn cho trái đồng đều. Thông thường sô lượng dự trữ để thay cho cây chết khoảng 5%. <Xem thêm>

Che mát và đậy gốc

Nhằm hạn chế sự bốc thất thoát nước, giúp cây phục hồi nhanh sau khi trồng cần che mát cho đến khi cây bén rễ, phát triển tốt. Ngoài ra, để giảm bớt lượng nước bốc hơi trong mùa khô, cần đậy gốc cho cây con bằng cách dùng cỏ khô, rơm rạ hay lục bình phủ quanh gốc dừa. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật chăm sóc

Chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ giúp phát huy tiềm năng năng suất của giống và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người trồng dừa.

Làm cỏ

Dọn sạch cỏ dại xung quanh mô hay hố không để cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây dừa sẽ làm cho cây dừa chậm lớn. Trong giai 9 đọan cây dừa chưa mang trái nên trồng xen canh các loại cây ngắn ngày hay cỏ làm thức ăn cho gia súc, cây họ đậu để che phủ đất, hạn chế sự rửa trôi chất dinh dưỡng bề mặt, đồng thời tăng thêm chất hữu cơ bồi dưỡng cho đất, giảm chi phí chăm sóc và tăng thu nhập cho nhà vườn. <Xem thêm>

Bồi bùn

Nên bồi bùn phủ lên mặt liếp 2 năm một lần. Chỉ nên lấy lượng bùn tầng mặt để bồi, tránh lấy tầng sét hoặc đất phèn ở tầng sâu. Bồi bùn rất tốt cho dừa, vì trong bùn có nhiều chất hữu cơ và các khoáng chất có ích. Nên bồi bùn vào đầu mùa khô trước khi nước lợ xâm nhập. <Xem thêm>

Tưới nước, giữ ẩm đất

Trong mùa nắng, nên tưới 7 – 10 ngày/lần sẽ góp phần gia tăng năng suất dừa. Thiếu nước, cây dừa sẽ không hút được chất dinh dưỡng, không đậu hoặc rụng trái non.

Nên duy trì lớp thực vật trên mặt liếp bằng cách trồng xen, hoặc giữ lớp cỏ mỏng, nhất là cỏ họ đậu, hay dùng tàu dừa và các loại lá cây phủ lên mặt liếp để chống việc rửa trôi đất mùa mưa, giữ ẩm trong mùa khô, làm tăng độ màu mỡ của đất. <Xem thêm>

Phân bón và cách bón

Cần bón đầy đủ và cân đối các loại phân đạm, lân, kali, trung lượng và vi lượng. Đặc biệt là giai đoạn dừa cho trái rất cần tăng cường phân kali để dừa đạt năng suất cao và chất lượng tốt.

  1. Phân vô cơ: được tính theo tuổi dừa ở từng vùng đất khác nhau, như sau:

Giai đoạn kiến thiết cơ bản

Vùng đất cát, cát pha: <Xem thêm>

Tuổi cây (năm) Lượng phân (kg/cây/năm) (*)
Urê Lân nung chảy KCl (kali đỏ) Dolomite (vôi xám)
1 0,2 0,3 0,4 0,2
2 0,3 0,5 0,7 0,3
3 0,6 0,8 1,0 0,4
4 0,8 1,0 1,4 0,5
5 1,0 1,2 1,5 0,6

Ghi chú (*): Lượng phân bón mỗi loại có thể dao động 0,1 – 0,2 kg/cây/năm.

Vùng đất thịt nặng (phù sa, sét nặng): <Xem thêm>

Tuổi cây (năm) Lượng phân (kg/cây/năm) (*)
Urê Lân nung chảy KCl (kali đỏ)
1 0,15 0,2 0,3
2 0,2 0,3 0,4
3 0,4 0,6 0,7
4 0,6 0,8 1,0
5 0,8 1,0 1,2

Ghi chú (*): Lượng phân bón mỗi loại có thể dao động 0,1 – 0,2 kg/cây/năm.

Vùng đất phèn, mặn: <Xem thêm>

Tuổi cây (năm) Lượng phân (kg/cây/năm) (*)
Urê Lân nung chảy KCl (kali đỏ) Dolomite (vôi xám)
1 0,2 0,3 0,4 0,2
2 0,3 0,5 0,7 0,3
3 0,6 0,8 1,0 0,4
4 0,8 1,0 1,4 0,5
5 1,0 1,2 1,5 0,6

Ghi chú (*): Lượng phân bón mỗi loại có thể dao động 0,1 – 0,2 kg/cây/năm.

Giai đoạn kinh doanh: đối với vườn dừa từ 5 năm trở lên

Nếu bón phân đơn, thì mỗi cây dừa trong một năm cần bón trung bình 1 kg urê; 2 kg phân lân nung chảy (hoặc có thể sử dụng Super lân nếu đất không bị nhiễm phèn); 1 – 1,5kg KCl.

Nếu bón phân hỗn hợp thì bón theo một trong 2 công thức sau:

 [2,2kg (NPK 20 – 20 – 15) + 0,65kg kali]/cây/năm. 

[3kg (NPK 16 – 16 –8 ) + 0,8 kg kali]/cây/năm

Vào thời điểm mưa nhiều cần hạn chế đạm, tăng kali để hạn chế hiện tượng rụng trái. Nếu vườn dừa đậu trái sai, cần bổ sung thêm khoảng 15 – 20% lượng phân bón nêu trên để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. <Xem thêm>

  1. Các loại phân khác

Ngoài lượng phân chủ yếu nêu trên, cần bón thêm vôi, phân hữu cơ, Borax,… để phòng trị dừa rụng trái non, bị trăng ăn, bị dính lá chét,…Trong đó, cần chú trọng việc sử dụng phân hữu cơ, có thể dùng phân chuồng ủ hoai kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma để tiêu diệt mầm bệnh trong đất hoặc phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để bổ sung cho cây nhằm cải tạo đất, đảm bảo năng suất, chất lượng và sự bền vững của vườn cây, với liều lượng cụ thể như sau:

Vôi: 500 – 800 kg/ha/năm (chia 2 lần bón vào đầu và cuối mùa mưa).

Phân hữu cơ: 20 – 30 kg/cây/năm (chia làm 3 đợt bón vào đầu, giữa và cuối mùa mưa có thể kết hợp việc bồi bùn phủ lên mặt liếp).

Borax: 5 – 10 g/cây/năm. (Borax chứa 10% Bo là nguyên tố dễ bị thiếu hụt cho dừa trong điều kiện hạn mặn, nhiễm phèn). <Xem thêm>

  1. Cách bón phân

Để phát huy tối đa tác dụng của phân bón giúp cây dừa luôn đủ dinh dưỡng cho hiệu quả sử dụng cao, cùng một lượng phân nhưng chia ra bón nhiều lần trong năm tốt nhất là bón hàng tháng hoặc ít nhất là 6 lần/năm. Có thể chia 2 cách bón như sau:

Bón vòng tròn: đào rãnh chung quanh gốc dừa sâu từ 15 – 20 cm, cách gốc 1 m đối với dừa nhỏ và 2 m đối với dừa lớn, rải phân đều trên rãnh, khỏa đất lấp kín phân hoặc phủ mụn dừa hay lá dừa lên trên, tưới nước để cây hấp thu tốt, tránh bị tiêu hao.

Bón hốc: đào 4 – 8 hốc nhỏ chung quanh cách gốc 1 m, sâu từ 15 – 20 cm bón phân xuống rồi lấp đất lại. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Cây dừa cũng có nhiều sâu, bệnh làm giảm năng suất hoặc làm chết dừa. Dưới đây là một số dịch hại thường gặp cùng cách phòng trừ.

  1. Sâu hại

Bọ cánh cứng (Brontispa longissima)

Bọ cánh cứng hay còn gọi là bọ dừa xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 1999 và phát triển nhanh thành dịch gây hại trên qui mô rộng khắp cả nước.

            Cách gây hại: thành trùng và ấu trùng đều gây hại. Bọ dừa tấn công trên mặt lá non theo từng hàng song song với gân chính. Những vệt cắn phá thường hẹp tạo thành những vết có màu nâu, làm cho lá bị cong vẹo và khô giống như bị cháy, bị rách và cây trở nên xơ xác. Vết gây hại của bọ dừa tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công gây thối đọt. Nếu trên cây có từ 5 lá bị hại thì năng suất giảm, nặng hơn cây có thể bị chết.

Cách phòng trừ: thả ong ký sinh, bọ đuôi kiềm, kiến vàng,… trong vườn dừa để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa. Hoặc sử dụng nấm ký sinh Metarhirium anisopliae (nấm xanh), phòng trừ bọ cánh cứng hại 13 dừa từ giai đoạn còn non. Phun nấm xanh vào đọt vào lúc chiều mát khi thấy bọ dừa gây hại. <Xem thêm>

Kiến vương

Có 2 loại: Oryctes rhinoceros Linneus (kiến vương một sừng) và Xylotrupes gideon Linneus (kiến vương hai sừng).

Kiến vương là một loại côn trùng phổ biến và gây thiệt hại nhiều nhất cho cây dừa. Thành trùng tấn công cây dừa ở đủ mọi lứa tuổi, ăn các lá non đang phát triển, đục vào chồi và đỉnh tăng trưởng của dừa, trường hợp nặng có thể gây chết cây dừa.

Cách gây hại: chỉ có con trưởng thành (kiến vương) mới phá hại. Chúng cắn phá và đục phần mô mềm ở ngọn, đọt non, làm các lá không nở được hoặc bị nhăn nheo, hay có vết sẹo hình chữ V. Nếu bị tấn công vào giai đoạn cây con, dừa có thể bị chết. Kiến vương cắn phá mạnh nhất vào sáng sớm và chiều mát, thường gây hại nặng vào mùa mưa và đặc biệt là vào những đêm trăng sáng. Các vết thương do kiến vương gây ra tạo điều kiện thuận lợi để đuông và nhiều loại nấm bệnh tấn công làm sức sống ngọn dừa giảm, cây dừa dễ bị thối ngọn và chết. <Xem thêm>

Đuông (Rhynchophorus ferruginenus)

Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công đọt non, đến khi phát hiện ra thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá hủy, cây dừa chết mà không thể cứu được. Ngoài ra, đối với cây còn tơ hay cây sắp vươn lóng đuông cũng có thễ tấn công ở gốc thân.

Cách gây hại: sự gây hại chủ yếu gây ra ở giai đoạn ấu trùng. Đuông đẻ trứng vào các vết thương do kiến vương gây ra hoặc các vết nứt quanh gốc cây dừa tơ (nhất là từ 2 đến 5 tuổi) hoặc đẻ trực tiếp trên đọt non của cây dừa. Trứng nở ra sâu non (đuông) tấn công vào đỉnh sinh trưởng, để lại nhiều sẹo. Nếu cây bị đuông hại nặng, cây có thể bị chết. <Xem thêm>

Cách phòng trừ kiến vương và đuông dừa:

Thường xuyên vệ sinh vườn dừa, dọn sạch các xác bã chất hữu cơ trong vườn dừa. Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm và tiêu diệt chúng trước khi tấn công sâu vào bên trong.

Dùng 1 đoạn lưới bén cỡ mắt lưới 2,5 cm, dài 3,5 m x rộng 0,6m, quấn kín khoảng 5 – 6 kẻ bẹ lá ngọn; khi đuông, kiến vương bay vào sẽ bị vướng lưới chết.

Dùng vôi quét kín phần gốc dừa tơ một đoạn cao khoảng 1,5 m, để ngăn không cho đuông đẻ trứng vào các vết nứt của gốc

Thường xuyên phun nấm xanh (Metarhizium anisopliae) vào chiều mát (tránh phun vào thời điểm nắng gắt và mưa nhiều), phun lên các đống phân hữu cơ trên vườn (nơi kiến vương thường đẻ trứng) và phun lên vùng mang trái của cây dừa.

Làm bẫy bả bằng xác chất hữu cơ hoặc thân dừa chẻ đôi để dẫn dụ kiến vương trưởng thành đến đẻ trứng và giết.

Trường hợp bị gây hại nặng, có thể dùng một trong các loại thuốc hóa học sau: Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Virtaco 40WG), Thiamethoxam (Actara 25 WG) kết hợp một trong các thuốc trừ bệnh như Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG), Matalaxyl (Mataxyl 500WP), phun lên toàn cây hoặc pha đậm đặc bơm vào các lỗ đục.

Các cây bị hại sau khi đốn phải tiêu hủy để tránh lây lan. <Xem thêm>

Bọ vòi voi (Diocalandra frumenti)

            Bọ vòi voi trưởng thành là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7 – 8 mm, chiều ngang khoảng 1,5 mm, có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh, hoạt động mạnh lúc chiều tối.

            Cách gây hại:

            Trên trái: bọ vòi voi đẻ trứng trên vỏ trái tiếp giáp mầu dừa (lá đài), chung quanh cuống hoặc bên trong vỏ trái trứng nở ra ấu trùng màu vàng lợt, sâu non đục phá vào trong vỏ trái để lại nhiều sẹo, làm rụng trái non, giảm giá trị thương phẩm.

            Trên thân: bọ vòi voi thường gây hại phần gốc thân. Vết thương có đốm màu nâu sậm, chảy mủ màu vàng nâu, đặc giống như “mủ trôm”, bên trong có nhiều bọ vòi voi nằm trong những hang, sát phần gỗ, ăn khoét phần nhu mô từ gốc dần lên trên.

            Trên rễ: bọ vòi voi tấn công vào vùng rễ làm cho những tàu lá chuyển vàng từ dưới lên trên (diễn biến xảy ra chậm từ 3 – 5 tháng), cây dừa kém phát triển, 16 chậm ra lá, trái rụng nhiều. Sự gây hại của bọ vòi voi còn tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm làm cây suy yếu nhanh, gây chết cả cây. <Xem thêm>

Cách phòng trừ:

            Vệ sinh vườn dừa thường xuyên, tiêu hủy trái bị hại để hạn chế phát tán lây lan. Kiểm tra cây giống và vườn trồng nhằm phát hiện bọ vòi voi sớm để phòng trừ kịp thời.

Phun nấm xanh Metarhizium anisopliae vào chiều mát lên vùng mang trái của cây bị hại. Trường hợp bị gây hại nặng, có thể dùng một trong các loại thuốc hóa học sau: Thiamethoxam (Actara 25WG), Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Virtaco 40WG) hỗn hợp với chất bám dính để phòng trị bằng cách phun xịt lên khắp các buồng trái non của cây dừa đang bị gây hại. <Xem thêm>

Bọ xít trái (Amblypelta sp)

Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rụng trái non và dừa mủ.

Cách gây hại: bọ xít chích hút dọc theo rìa mầu trái non từ 2 – 5 tháng tuổi, tạo các vết hoại tử màu đen dạng hình thoi xếp khít nhau; làm trái non bị chảy mủ và rụng sớm, trái nhỏ, nhăn nheo, giảm năng suất và giá trị thương phẩm.

Cách phòng trừ:

Vệ sinh vườn cho thông thoáng. Nuôi kiến vàng trong vườn dừa.

Phun nấm xanh Metarhizium anisopliae phun vào chiều mát, phun lên toàn cây.

Khi bị bọ xít phá hại nhiều, có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Emamectin Benzoate (Vimatox 1.9EC, Actimax 50WG), Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Virtaco 40WG). <Xem thêm>

Rệp dính (Aspidiotus destructor)

Khi phát hiện trên lá có một lớp muội đen (nấm bồ hóng) hoặc kiến hôi làm tổ ở những bẹ lá là có dấu hiệu của rệp dính.

Cách phá hại: rệp phá hại tập trung vào mùa khô bằng cách chích hút mặt dưới các lá chét, trên vỏ trái, bông mo, cuống trái.

Cách phòng trừ:

Thường xuyên vệ sinh thông thoáng tán dừa. Tiêu hủy những tàu lá bị gây hại.

Dùng thuốc Thiamethoxam (Actara 25 WG), Buprofezin (Applaud 10 WP, Butal 10 WP), hỗn hợp với chất bám dính, phun kỹ mặt dưới lá hoặc bộ phận bị hại 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày. <Xem thêm>

  1. Bệnh hại

Bệnh đốm lá

Do một số nấm Pestalozzia palmarum, Helminthosporium sp., Epicoccum cocoes gây ra.

Triệu chứng:

Vết bệnh hình bầu dục màu nâu vàng, khi lớn có màu nâu, tâm màu xám tro. Nhiều vết bệnh liên kết thành mảng lớn làm cho lá bị cháy.

Bệnh thường xuất hiện ở những vùng bị thiếu ka-li. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn vườn ươm và những vườn trồng dày. Bệnh gây thiệt hại nhiều ở cây con, làm giảm khả năng quang hợp nên cây con chậm phát triển. Ở cây lớn, bệnh làm cây chậm cho trái hay giảm năng suất dừa.

Phòng trị:

Trồng cây đúng mật độ. Thoát nước mương vườn tốt.  Tiêu huỷ lá bị bệnh nặng.

Bón phân cân đối, đầy đủ NPK. Cần bón đầy đủ phân ka-li cho dừa đặc biệt là ở vườn ươm cây con để giúp cây ít nhiễm bệnh và mau cho trái.

Sử dụng thuốc có hoạt chất Hexaconazole (Anvil 5SC, Annongvin 45SC), các thuốc gốc đồng như COC 85WP, Champion 77 WP. <Xem thêm>

Bệnh thối đọt:

Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra.

Triệu chứng: bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, ẩm độ cao. Nấm tấn công vào đỉnh sinh trưởng làm cho củ hủ dừa bị thối và có mùi hôi, các lá non mất màu xanh và chuyển vàng, cuối cùng khô chết và các lá dưới cũng dần bị vàng và chết.

Phòng trị:

Vệ sinh vườn thông thoáng, thoát nước trong mương tốt, cắt bỏ và tiêu huỷ phần các phần đã bị bệnh.

Phun thuốc trừ nấm như: Metalaxyl (Mataxyl 500WP, Ridomil 68WP), Fosetyl Aluminium (Aliette 800WG). <Xem thêm>

Bệnh chảy nhựa thân

Bệnh do nấm Thielaviopsis paradoxa, nấm xâm nhiễm qua vết nứt trên thân hoặc các vết thương do côn trùng, cơ giới, …

Biểu hiện: trên thân cây dừa xuất hiện những vết nứt từ mặt đất lên khoảng 1 m, vết nứt chảy ra nhựa màu vàng nâu, đến rỉ sét. Bệnh nặng, các vết nhựa liên kết nhau thành từng mảng mục rã và tróc ra tạo nên các lỗ trên thân. Biểu hiện khi cây dừa chết ban đầu thấy có hiện tượng tóp đọt không ra tàu lá mới, sụ bẹ, khô héo, rụng nhiều tàu lá, rụng nhiều trái non lẫn trái lớn đôi khi rụng cả quày dừa.

Biện pháp phòng trị:

Vệ sinh vườn dừa thông thoáng, những vườn dừa có bờ thấp cần thoát nước tốt tránh để ngập nước thường xuyên.

Dùng dao cạo sạch phần vỏ nơi có vết xì mủ, dùng các loại thuốc có gốc đồng như Norshield, Copper B, Cuprosate, … quét lên vết bệnh và toàn bộ phần thân cây dừa cao hơn vết bệnh khoảng 50 cm trở xuống gốc, 7 – 10 ngày quét một lần khi thấy vết bệnh khô không còn xì mủ thì ngưng sử dụng thuốc (có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc).

Khi vết bệnh không còn xì mủ dùng vôi bột quét lên gốc dừa tương tự như quét thuốc, khoảng 3 – 4 tháng quét một lần để phòng ngừa bệnh tái nhiễm. <Xem thêm>

No Comments
  1. […] Ngoài khu vực Đông Nam Á, cây dừa đã và đang được trồng, phân bố rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như các đảo thuộc Thái Bình Dương, vùng biển Caribe, vùng Đông Phi và một số khu vực khác với điều kiện khí hậu ấm áp và nhiều nắng. Các bạn có thể tham khảo thêm về nguồn gốc của cây dừa tại đây! […]

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.