Giới thiệu cây thanh long

Giới thiệu cây thanh long

Cây thanh long (tên tiếng Anh là Pitahaya, hay còn gọi là Dragon fruit) thuộc họ Xương rồng. Thanh long là một trong những trái cây nhiệt đới được đánh giá cao. Nó cung cấp cho cơ thể chúng ta rất nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết, ngoài ra còn giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại một số bệnh. Việc phát triển cây thanh long là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp, nó có những đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. <xem thêm>

 

 

Nguồn gốc và xuất xứ

Thanh long có nguồn gốc ở các vùng sa mạc thuộc Mehico và Colombia. Thanh 1ong được người Pháp đem vào trồng ở Việt Nam trên 100 năm nay, nhưng mới được đưa lên thành hàng hóa từ thập niên 1980.<xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Theo một nghiên cứu trên tờ World Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences, thanh long rất giàu vitamin C, vitamin A, vitamin B1, vitamin B12, vitamin E và chứa một lượng kali, magie, kẽm và photpho. Quả cũng có canxi, đồng và sắt với lượng nhỏ hơn. Thanh long cũng chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi như polyphenol, flavonoid, carotenoid, betaxanthin và betacyanins.<xem thêm>

(Nguồn: xem thêm)

  1. Công dụng

Hiệu quả chống lão hóa: Thanh long là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào vì nó chứa rất nhiều vitamin C. Thậm chí, có thể đắp mặt nạ thiên nhiên từ thanh long với mật ong thay cho các loại mặt nạ chống lão hóa.

Ngăn ngừa ung thư: Thanh long chứa nhiều carotene – chất có khả năng chống lại tế bào sản sinh ung thư bao gồm cả việc giảm khối u ung thư. Hơn nữa, lycopene – chất tạo màu đỏ cho loại quả này được chứng minh có tác dụng làm chậm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Tăng cường sức khỏe tim mạch: Một nghiên cứu đăng trên tờ Pharmacognosy Research năm 2010 cho thấy ăn nhiều trái thanh long sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ngăn ngừa bệnh cao huyết áp. Loại trái cây thần kỳ này là nguồn giàu chất béo bão hòa tốt cho sức khỏe của tim mạch.

Bổ máu: chất sắt − nguyên liệu cần thiết để cơ thể sản xuất hemoglobin – có rất nhiều trong thanh long. Hemoglobin, còn được gọi là huyết sắc tố, vốn là một protein phức chứa ion sắt trong hồng cầu và chiếm 33% trọng lượng hồng cầu. Loại protein này có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và vận chuyển CO2 từ các cơ quan về phổi.

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Lượng chất xơ cao trong thanh long cực kỳ tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường vì chất xơ có thể giúp ổn định lượng đường huyết trong máu bằng cách triệt tiêu lượng đường dư thừa.

Cải thiện hệ tiêu hóa: Thanh long chứa nhiều chất xơ giúp cải thiện hoạt động của đường ruột vì chất xơ có thể dễ dàng hấp thụ qua đường tiêu hóa. Ăn nhiều thực phẩm này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc các triệu chứng như táo bón và hội chứng ruột kích thích (IBS).

Làm dịu da cháy nắng: Hỗn hợp có công dụng làm dịu da cháy nắng bằng cách trộn thanh long, dưa leo và mật ong lại với nhau. Vì loại trái này giàu vitamin B3, thoa hỗn hợp này sẽ giúp dưỡng ẩm và làm mát vùng làn da rám nắng. Ngoài ra, mỗi quả còn chứa nhiều nước, 100 g thịt loại quả này có chứa 80 − 90 g nước nên ăn vào sẽ giúp bổ sung nước cho cơ thể. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long trên Thế giới

Các nước xuất khẩu thanh long lớn trên thế giới gồm:

  • Châu Á: Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan, Srilanka,…
  • Trung Đông: Israel
  • Châu Mỹ: Mexico, Colombia, Ecuador, Guatemala

Vùng Trung Mỹ, Nicaragua sản xuất thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Mỹ, Canada, châu Âu và Nhật. Guatemala, El Salvador, Honduras, Costa Rica sản xuất thanh long quy mô nhỏ, trong sân vườn. Colombia sản xuất loại thanh long vàng. Ecuador sản xuất cả hai loại thanh long vàng và loại ruột đỏ. Israel cũng được xem là nơi sản xuất thanh long để xuất sang các nước châu Âu.

Thái Lan và Israel là hai nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba tại thị trường châu Âu. Tại thị trường Mỹ, Mexico và các nước Trung – Nam Mỹ là các đối thủ cạnh tranh lớn nhất đối với các nhà xuất khẩu thanh long từ châu Á do lợi thế địa lý.

Thanh long vỏ vàng ruột trắng của Columbia hiện được đánh giá cao hàng đầu về hương vị và hình thức tại thị trường Mỹ, vì có độ ngọt đậm đà nhất trong các giống thanh long. Giống thanh long này thời điểm chính vụ cũng ngược với các loại thanh long khác, thường vào tháng 11 đến tháng 2 hàng năm.<xem thêm>

Thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy từ năm 2019 đến tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam liên tục giảm mạnh. Đặc biệt, trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt hơn 632 triệu USD, giảm gần 39% so với năm 2021 và giảm trên 49% so với mức đỉnh năm 2019. Hai tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn nhưng thống kê của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho thấy xuất khẩu thanh long đạt gần 106 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ 2022. Lý giải sản lượng xuất khẩu giảm mạnh, đại diện các doanh nghiệp cho rằng hiện có nhiều nước tham gia sản xuất thanh long khiến thị trường ngày càng cạnh tranh.<xem thêm>

Trong năm 2023, số liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy vào tháng 8, xuất khẩu thanh long đạt 40,6 triệu USD, giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 34% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thanh long đạt 442 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ 2022. Cả hai sản phẩm thanh long ruột trắng và đỏ đều sụt giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang Trung Quốc giảm tới 36,5%, sang Mỹ giảm 39%.<xem thêm>. Mặc dù xuất khẩu thanh long giảm nhưng chỉ trong nửa đầu tháng 9/2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã thu về 293,4 triệu USD, tăng đột biến 187% so với nửa đầu tháng 9/2022. Luỹ kế đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,84 tỷ USD, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu rau quả năm nay chính thức lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 3,81 tỷ USD của năm 2018.< xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long trong nước

Việt Nam là nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Diện tích trồng thanh long ở Việt Nam tăng khá nhanh từ 5.512 ha năm 2000 lên đến 35.665 ha, với tổng sản lượng đạt khoảng 614,35 nghìn tấn vào năm 2014. Năm 2015, diện tích trồng mới gần 5.000 ha, sản lượng đạt khoảng 686,2 nghìn tấn. Năm 2017, sản lượng thanh long đạt 952,8 nghìn tấn, tăng 14,2% so với năm 2016. Cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích hơn 25.000 ha, sản lượng trên 460.000 tấn/năm, tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Diện tích thanh long của ba tỉnh này chiếm 92% tổng diện tích và 96% sản lượng của cả nước, phần diện tích thanh long còn lại phân bố ở một số tỉnh Miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh Miền Bắc. Bình Thuận là nơi có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất, với 27.000 ha thanh long, chiếm 63,2% diện tích và 68,4% sản lượng cả nước, kế đến là Long An, chiếm 17,3% diện tích và 14,2% sản lượng và đứng thứ ba là Tiền Giang, chiếm 10,9% diện tích và 13,7% sản lượng. Ở phía Bắc, thanh long được đưa vào trồng ở một số nơi như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Nội.<xem thêm>

Theo Hiệp hội thanh long Long An, diện tích trồng loại cây này của địa phương vượt 12.000 ha, tính đến tháng 11/2023 còn 9.000 ha, tức đã có hơn 3.000 ha diện tích bị nông dân phá bỏ. Hiện, sản lượng thanh long chỉ bằng 50% so với trước. Số liệu từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, cho thấy diện tích cây ăn trái trên địa bàn toàn tỉnh là 86.089 ha. Trong đó, diện tích trồng thanh long là hơn 8.700 ha. Tháng 11/2023, toàn tỉnh đã cấp và đang hoạt động được 279 mã số vùng trồng cây ăn trái, với diện tích hơn 20.000 ha. Trong đó, đã cấp mã số vùng trồng thanh long được 78, với diện tích hơn 6.100 ha.< xem thêm>

Tiềm năng thị trường trên thế giới

Theo Cục Trồng trọt, giá trị xuất khẩu thanh long của cả nước đạt cao nhất vào năm 2019 với gần 1,25 tỷ USD. Thanh long Việt Nam xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ thanh long chủ yếu với tỷ lệ 90%. Tuy nhiên, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long đã và đang gặp nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, giá thu mua trong nước giảm sâu, thanh long ruột trắng chỉ còn 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. <xem thêm>

Giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng tăng liên tục, từ hơn 57 triệu USD năm 2010, tăng lên hơn 483 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 1,34 tỷ USD năm 2020, cao hơn cả một số mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như chè, hạt tiêu… Năm 2021, sản lượng thanh long cả nước đã tăng gấp đôi với gần 1,4 triệu tấn. Thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Thanh long được quảng bá tại Hội chợ quốc tế “My Karachi” 2023 khi được chế biến ngay tại hội chợ thành 2 món: thanh long tươi và sinh tố thanh long. Sản phẩm thanh long Việt Nam không chỉ chiếm được cảm tình của hầu hết khách tham quan mà còn trở thành sự kiện nổi bật nhất của Hội chợ Quốc tế “My Karachi-Oasis of Harmony” 2023. <xem thêm>

Tính đến tháng 10/2023, thanh long hiện xuất khẩu vào 40 nước và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường tiêu thụ chính là các nước châu Á. Ngoài thị trường châu Á, trong thời gian tới, để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU – thị trường quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, người sản xuất, doanh nghiệp và các địa phương cần có giải pháp tổ chức sản xuất đồng bộ.<xem thêm>

Ngày 29/09/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam”. Hội nghị nhằm thúc đẩy thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thanh long xanh theo hướng phát thải carbon thấp, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, và thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa các bên liên quan.<xem thêm>

Tiềm năng thị trường trong nước

Ở Việt Nam, thanh long Bình Thuận tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là trái tươi, do đó, giải pháp đầu tư chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thanh long là rất cần thiết. Nhằm đa dạng sản phẩm thanh long, nhiều công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu sản phẩm mới từ thanh long, tạo đầu ra cho trái thanh long như: kem tươi thanh long của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ – huyện Hàm Thuận Bắc; tương thanh long cũng là một trong những sản phẩm mới từ trái thanh long và đang được Hợp tác xã Thanh long Hàm Kiệm chào bán trên thị trường. Ngoài ra thanh long sấy dẻo, nước ép, rượu vang, kẹo, siro thanh long …phần lớn được tiêu thụ nội địa với khoảng 182.000 tấn/năm, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng.<xem thêm>

Theo quyết định của “Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2023”, đến năm 2025, diện tích cây ăn quả cả nước 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960 ngàn ha, sản lượng 11 – 12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn; diện tích cây ăn quả chủ lực 01 triệu ha, sản lượng 13 – 14 triệu tấn. Trong đó, ổn định diện tích thanh long khoảng 60 – 65 ngàn ha, sản lượng 1,3 – 1,5 triệu tấn. Các vùng sản xuất thanh long tập trung gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.<xem thêm>

Thị trường trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng 2 – 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu. Xuất khẩu chính ngạch: năm 2022 xuất khẩu hơn 6.606 tấn với kim ngạch 7,72 triệu USD. Quý I-2023, sản lượng thanh long xuất khẩu 1.150 tấn với kim ngạch xuất khẩu 1,8 triệu USD đạt 20,93% kế hoạch năm 2023, giảm 13,17% so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 70 – 80% sản lượng thanh long Bình Thuận được tiêu thụ dưới hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. <xem thêm>

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả, Cục Trồng trọt cho biết, tính đến tháng 9/2023, diện tích thanh long Việt Nam hiện nay đạt gần 55.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/ năm. Việt Nam từng là nước dẫn đầu thế giới về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thanh long. Điều kiện tự nhiên từ đất đai, khí hậu Việt Nam phù hợp để sản xuất thanh long hàng hoá và có khả năng rải vụ cho thu hoạch quanh năm.< xem thêm>

Các giống thanh long hiện nay

Giống thanh long ruột trắng Bình Thuận: Giống được trồng phổ biến tại tỉnh Bình Thuận. Sinh trưởng mạnh, cành to khoẻ, hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên. Quả to và đẹp, tai quả xanh cứng, thịt quả màu trắng đục và chắc, hạt nhỏ, năng suất cao.

Giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo: Giống được trồng phổ biến tại tỉnh Tiền Giang và Long An. Sinh trưởng mạnh, cành khá to, quả khá to và đẹp, tai quả xanh cứng, thịt quả màu trắng đục và chắc, hạt nhỏ. Năng suất cao và hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên.

Giống thanh long ruột đỏ Đài Loan: Giống thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan, sai quả, ruột đỏ tím, ăn ngọt (độ đường 16 – 18%), hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng…

Giống thanh long ruột tím hồng LĐ5: Thanh long ruột tím hồng LĐ5 là giống lai, được tạo ra từ lai giữa giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 (làm mẹ) và giống thanh long ruột trắng Chợ Gạo (làm bố) theo phương pháp lai truyền thống.

Giống thanh long ruột đỏ tím mỹ: Thường được gọi là thanh long Ruột tím. Giống được du nhập từ Mỹ và trồng tại Viện Cây ăn quả miền Nam vào năm 2004. Cây sinh trưởng mạnh ở mức trung bình, cành dạng ba cạnh, mỏng và ít gai trên thùy. Quả hình cầu không đẹp, tai quả đỏ xanh và cứng trung bình, vỏ đỏ tươi, trọng lượng 120 g/quả. Thịt quả màu tím, mềm và chiếm tỷ lệ 66%, vị ngọt chua (độ đường 17,2%, pH: 4,7), hạt to và nhiều.<xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển

Rễ: Thanh long có 2 loại rễ: Rễ địa sinh và rễ khí sinh. Khác với chồi, cành rễ thanh long không mọng nước nên nó không thể tích trữ nước giúp cây chịu hạn.

Rễ địa sinh: Rễ địa sinh phát triển từ phần lõi của gốc hom. Sau khi đặt hom từ 10 – 20 ngày thì rễ bắt đầu xuất hiện, sợi rễ màu trắng, số lượng và kích thước tăng dần theo tuổi cây. Những cây lớn có đường kính rễ từ 1 – 2 cm. Với nhiệm vụ hút nước và các chất dinh dưỡng nuôi cây vì vậy rễ địa sinh cần tầng đất mặt dày, xốp và ẩm để phát triển tốt nhất.

Rễ khí sinh: Rễ khí sinh mọc theo thân cây, giúp cây bám vào trụ, góp phần vào việc hút nước và các chất dinh dưỡng để nuôi cây. Các rễ khí sinh ở gần mặt đất sẽ đi vào trong đất trở thành rễ địa sinh.

Thân – cành:

Thân, cành thanh long thường có 3 cánh dẹp, xanh, chia làm nhiều thùy, mỗi thùy dài 3 – 4 cm. Đáy thùy thường có 3 – 5 gai nhọn. Ở 1 số nước khác thân, cành có loại có đến 4, 5 cánh. Thân chứa nhiều nước nên có thể chịu hạn trong khoảng thời gian dài. Tiết diện ngang cho thấy có 2 phần rõ rệt: bên ngoài là nhu mô chứa diệp lục, bên trong là lõi cứng hình trụ.

Mỗi năm cây cho 3 – 4 đợt cành. Số cành sẽ tăng theo độ tuổi của cây. Trung bình cây 1 năm tuổi có khoảng 30 cành, 2 năm tuổi số cành khoảng 70 cành, 3 năm tuổi khoảng 100 cành,… và ở độ tuổi 5, 6 nên duy trì khoảng 150 – 170 cành.

Nụ, hoa, quả:

Nụ: Nụ mới ra thường có kích thước cỡ hạt bắp. Khi nụ được khoảng 3 cm thì tuyển nụ lần đầu. Quy tắc tuyển nụ là mỗi cành chỉ chừa lại từ 1 – 2 nụ, chừa lại những nụ có nhiều tai ngoe hơn (nụ cái). Khi nụ được khoảng 1 gang tay chúng ta bắt đầu tuyển nụ lần 2. Lần này chúng ta chỉ chừa lại trên mỗi dây 1 nụ duy nhất, loại bỏ các nụ bị sâu bệnh, ít tai ngoe hơn.

Hoa: Thanh long là cây có hoa lưỡng tính, hoa rất to, chiều dài hoa trung bình từ 25 – 35 cm, có nhiều lá đài. Hoa thường nở tập trung và đồng loạt vào 20 – 23 giờ đêm. Sau 2 – 3 ngày hoa sẽ héo lại và cũng là thời gian tiến hành rút bông. Sau khi hoa thụ phấn, bầu noãn phát triển thành quả mọng tuy nhiên trong 10 ngày đầu tốc độ phát triển chậm, sau đó lại tăng rất nhanh về cả kích thước lẫn trọng lượng. Thời gian từ khi ra hoa tới thu hoạch là từ 25 – 28 ngày.

Quả: Quả thanh long hình bầu dục, có nhiều tai ngoe. Khi còn non vỏ có màu xanh, khi chín sẽ chuyển qua màu đỏ. Trọng lượng trái trung bình khoảng trên 500 g nhưng nay do thâm canh cao nên có trái lên đến 1 kg – 1,3 kg. Thường trái 300 g là có thể xuất khẩu.<xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Làm đất

  1. a) Chuẩn bị đất trồng

Vùng đất cao (như Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Nai): Phần lớn ở các tỉnh này là đất xám bạc màu, đất cát pha hoặc đất núi, đất dốc dễ xói mòn, rửa trôi nên cần phải bón nhiều phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) để cải tạo đất.

Vùng đất thấp, nhiễm phèn (như Tiền Giang, Long An…): Đất thấp cần phải lên liếp (mô) trước khi trồng; liếp trồng phải cách mặt ruộng khoảng 40 cm để đề phòng ngập nước trong mùa mưa. Đất phải được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Cày bừa, làm cỏ không kỹ sau này chi phí trừ cỏ sẽ rất cao.

  1. b) Trụ trồng: Có thể dùng trụ gỗ, trụ gạch hoặc trụ xi măng cốt sắt để trồng thanh long. Hiện nay, trụ xi măng cốt sắt đang được khuyến cáo và sử dụng phổ biến trong sản xuất.

Thời vụ: Thường trồng vào khoảng tháng 10 – 11 dương lịch. Những nơi thiếu nguồn nước tưới như Bình Thuận, Vũng Tàu, An Giang nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5 – 6 dương lịch).

Chuẩn bị hom giống: Cần chọn những cành có tiêu chuẩn sau: Tuổi cành trung bình từ l – 2 năm tuổi trở lên, chiều dài hom tốt nhất là từ 50 – 70 cm; hom mập, có màu xanh đậm, không có khuyết tật, sạch sâu bệnh; các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nẩy chồi (mụt) tốt.

Mật độ và khoảng cách: Thanh long là cây ưa sáng, cần nhiều ánh nắng, cần trồng ở mật độ thưa, từ 900 – 1.100 trụ/ha (cây cách cây 3,0 – 3,5 m; hàng cách hàng 3,0 – 3,5 m) đảm bảo cho việc đi lại, chăm sóc thuận tiện.

Bón phân

  1. Bón phân giai đoạn kiến thiết cơ bản

Giai đoạn kiến thiết cơ bản là giai đoạn từ khi trồng đến khi cây 2 năm tuổi.

  • Năm thứ 1: Phân hữu cơ: Bón lót một ngày trước khi trồng và khoảng 6 tháng sau khi trồng, với liều lượng 10 – 15 kg phân chuồng hoai mục + 0,5 kg supe lân/trụ. Phân hoá học: Bón định kỳ 1 tháng/lần, với liều lượng 50 – 80 g urea + 100 – 150 g NPK 20 -20 – 15/trụ.
  • Năm thứ 2: Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối) mùa mưa, với liều lượng 15 – 20 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 4 kg/trụ. Phân hoá học: Bón định kỳ 1 tháng/lần, với liều lượng 80 – 100 g urea + 150 – 200 g NPK 20 – 20 – 15/trụ.
  1. Bón phân giai đoạn kinh doanh

Phân hữu cơ: Bón 2 lần (đầu và cuối) mùa mưa, với liều lượng 20 – 30 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg supe lân/trụ. Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 – 5 kg/trụ.

Phân hoá học: Giai đoạn trước khi ra hoa: Tỷ lệ NPK thích hợp cho giai đoạn này là (1:2:2) hoặc (1:3:2). Giai đoạn nuôi nụ và nuôi trái: Sử dụng phân bón có tỷ lệ N và K cao hơn P với tỷ lệ (3:1:2), (2:1:2), (2:1:3), (1:1:1); thêm chất điều hoà sinh trưởng GA3, NAA lúc nhú nụ và khi kết thúc thụ phấn.

Chăm sóc

  1. a) Tưới nước: Mặc dù là cây chịu hạn nhưng trong điều kiện nắng hạn kéo dài mà không tưới nước, cây thanh long sẽ mất sức, sinh trưởng kém, giảm khả năng ra hoa, đậu quả và năng suất. Trên các chân đất phèn như ở Long An và Tiền Giang, do mực nước ngầm cao, mùa mưa hầu như không cần tưới và mùa khô chỉ tưới với cường độ thấp, tùy theo ẩm độ và kết cấu của đất, 3 – 7 ngày tưới một lần. Riêng ở Bình Thuận, giai đoạn tưới nước kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 dương lịch, nằm trong mùa khô nên việc lựa chọn địa điểm thiết lập vườn cần phải chú ý đến nguồn nước tưới.
  2. b) Tủ gốc: Tủ gốc giúp cho cây giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, bổ sung chất hữu cơ cho đất và góp phần khắc phục được hiện tượng thiếu nước tưới cho vùng trồng thanh long, nhất là ở những vùng có mùa khô hạn kéo dài. Sử dụng rơm, mụn dừa, cỏ khô, bèo lục bình để tủ quanh gốc hoặc phủ trên toàn mặt liếp.
  3. d) Tỉa cành, tạo tán: Sau trồng 2 – 3 tuần, khi cây đã ra nhiều chồi, tiến hành tỉa bỏ những chồi yếu, nhỏ, nhánh nảy ngang (nhánh tai chuột), chỉ để lại 2 – 3 chồi có bẹ to, khoẻ, cho leo lên giàn trụ để tạo tán sau này.

Uốn cành: Khi cành dài vượt khỏi đỉnh trụ khoảng 30 – 40 cm tiến hành uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Nên thực hiện vào lúc trưa nắng, khi đó cành mềm dễ uốn cong xuống, có thể dùng dây ni lông hoặc dây vải để buộc lại để tạo tán cây hình dù.

  1. e) Tỉa nụ, quả: Sau khi nhú 5 – 7 ngày, tiến hành tỉa bỏ các hoa dị dạng, bị sâu bệnh và tỉa bớt trên những cành có quá nhiều hoa, để lại những hoa phát triển tốt, mọc cách xa nhau. 5 – 7 ngày sau khi nở, tiến hành tỉa quả, mỗi cành chỉ để lại 1 – 2 quả phát triển tốt, không sâu bệnh.
  2. f) Làm cỏ: Trên đất phèn, đất thường xuyên ẩm có rất nhiều loại cỏ và rất khó trị như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ chỉ,… Vì vậy muốn bớt cỏ và giảm bớt công chăm sóc về sau, trước khi lên vườn nên áp dụng biện pháp phòng trừ cỏ tổng hợp, vào mùa nắng phải cày bừa và phơi đất kỹ trước khi lên liếp trồng. Thời gian đầu sau khi trồng thanh long có thể trồng xen cây ngắn ngày vừa tăng thu nhập vừa trừ được cỏ dại.

Xử lý ra hoa nghịch vụ: Thanh long là cây ngày dài, chỉ ra hoa trong điều kiện số giờ chiếu sáng trên 12 giờ/ngày, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch (vụ thuận hay chính vụ). Từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch năm sau, số giờ chiếu sáng trong ngày ngắn, muốn thanh long ra hoa kết quả (nghịch vụ hoặc trái vụ), phải sử dụng ánh sáng đèn để thắp sáng vào ban đêm, điều khiển thời gian có quả theo ý muốn. <xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Sâu hại thanh long

Ruồi đục quả: ấu trùng đục và ăn phần mềm của quả làm cho quả hư, rụng, giảm năng xuất và chất lượng quả.

Nhóm rệp sáp: Rệp sáp sống và hút nhựa trên chồi non và trái, làm chồi non và trái chậm phát triển, thường cộng sinh với kiến, lan rộng trong vườn thanh long.

Bọ trĩ: Thường gây hại nặng trong mùa nắng ở phần tiếp giáp tai của nụ hoa làm mất giá trị thẩm mỹ của quả.

Ngâu: Sâu đục phá cành non, cành già và nụ hoa làm ảnh hưởng đến khả năng đậu trái.

Bọ xít xanh: Côn trùng chích hút nhựa, để lại những vết chích rất nhỏ, khi trái chín nơi các vết chích sẽ xuất hiện các đốm đen, làm trái mất giá trị thương phẩm.     

Bệnh hại thanh long

Đốm nâu: Khi mới xuất hiện, trên cành có những chấm nhỏ li ti (như vết kim châm), lõm vào bề mặt bẹ hoặc trái non và chuyển sang màu trắng sau khoảng 3 – 4 ngày, sau đó chuyển sang màu đỏ cam, có vòng tròn màu vàng bao quanh và dần dần vết bệnh nổi lên thành đốm tròn màu nâu.

Thán thư: Bệnh gây hại trên các bộ phận của cây rễ, thân, hoa và quả trước và sau thu hoạch; trên rễ, vết bệnh có màu nâu đến nâu đen; trên thân, cành vết bệnh vàng nhỏ, phồng rộp lên màu nâu, kết lại thành mảng lớn màu nâu đen, vết thối từ phần ngọn vào trong; trên hoa vết nhỏ có hoa màu nâu đen, lan rộng, làm rụi rất nhanh, nhũn và rụng xuống; trên quả vết bệnh là những đốm tròn hoặc gần tròn, có tâm màu nâu đỏ, lõm xuống, sau đó phát triển nhanh thành những mảng thối lõm vào vỏ.

Đốm đen (rỉ sắt): Bệnh gây hại trên nụ hoa, ở giai đoạn mới xuất hiện, vết bệnh xâm nhiễm từ rìa tai nụ hoa và lan dần vào bên trong, sau đó phát triển thành vệt có dạng elip thuôn dài, lõm ở giữa và có lớp bào tử mọc bám trên bề mặt vết bệnh. Trên hoa: bệnh làm cho bông bị nghẽn lại (bông bị bó chặt) không nở được. Tai trái bị nhiễm bệnh sẽ để lại vết sẹo và quả khi thu hoạch bán sẽ mất giá trị thương phẩm.

Thối quả: Bệnh thường xuyên xuất hiện ở giai đoạn cây ra nụ, sau khi hoa nở (2 – 3 ngày sau khi phát hoa héo) và ở giai đoạn quả non. Bệnh phát triển và lây lan nhanh chóng trong điều kiện ẩm độ cao và mưa thường xuyên. Triệu chứng ban đầu là nụ hoặc quả có vết bị thối nhũn, có bọt khí nổi trên bề mặt vết bệnh, bên trên vết bệnh có xuất hiện lớp tơ nấm màu đen và lan rộng rất nhanh làm thối cả quả (sau khoảng 12 – 24 giờ), có mùi hôi (mùi lên men rượu) và có dịch nhựa màu nâu vàng chảy ra.

Ngoài ra còn có sên, ốc và tuyến trùng gây hại thanh long <xem thêm>