Mỗi năm 300 triệu cành hoa Đà Lạt xuất ngoại

Mỗi năm có khoảng 300 triệu cành hoa, chiếm hơn 10% tổng sản lượng hoa Đà Lạt, đã được xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Trung Quốc…

Sơ chế hoa chuẩn bị xuất khẩu ở Đà Lạt – Ảnh: M.VINH

Mỗi tháng, Công ty Trường Hoàng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đưa hơn 15.000 chậu lan hồ điệp sang Hà Lan, Nga.

Để đưa hoa Đà Lạt sang được nơi nổi tiếng thế giới về xuất khẩu hoa như Hà Lan không phải dễ. Cách làm của công ty này là ứng dụng công nghệ sản xuất và bộ quy tắc sản xuất của châu Âu cho vườn của mình.

Thời gian gần đây, xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng, ngoài các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có quy mô, còn có sự tham gia của một số hộ tư nhân. Vì vậy, tốc độ tăng xuất khẩu hoa của Đà Lạt khá ấn tượng.

Từ năm 2015 đến 2017, xuất khẩu tăng mỗi năm từ 18 triệu đến gần 30 triệu cành, trong đó, xuất khẩu hoa sang Nhật chiếm 60% sản lượng xuất khẩu, còn lại tập trung ở các nước như Úc, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nga, Campuchia…

Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết sản lượng xuất khẩu hoa tăng đều từ năm 2013 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây.

Hiện vùng hoa Đà Lạt có tổng diện tích canh tác hằng năm khoảng 9.000ha. Dự kiến trong 5 năm tới, lượng hoa xuất khẩu của Đà Lạt sẽ tăng 15% (400 triệu cành/năm).

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc đã xảy đến. Một công ty khởi nghiệp từ hoa ở Đà Lạt vừa bất ngờ được thông báo toàn bộ hoa bị tiêu hủy kèm theo là những khoản phạt nặng đến mức doanh nghiệp phá sản. Lý do: doanh nghiệp này dùng giống hoa sao chép lậu, không có bản quyền.

“Bản quyền giống là chuyện cốt tử và đang là điểm yếu của người trồng hoa Đà Lạt”, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, nói.

Thực tế, đa số các đối tác nước ngoài đến Đà Lạt liên kết với nông dân sản xuất hoa xuất khẩu đều e ngại với chuyện bản quyền giống hoa.

Đoàn công tác của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) trong một lần đưa nhà đầu tư Nhật Bản gặp nông dân Đà Lạt gần đây đã đặt ra nhiều câu hỏi.

Nhiều vấn đề nông dân trả lời rất nhanh nhưng bỏ ngỏ câu hỏi về bản quyền giống hoa khiến cho ý định hợp tác bị chững lại.

Ông Sang cho rằng nếu không vướng bản quyền giống, hoa Đà Lạt xuất khẩu sẽ nhiều hơn, và cho rằng 90% nông dân sản xuất hoa ở Đà Lạt dùng giống không có bản quyền, gây ra hệ lụy không tốt.

Ông Võ Quốc Khoa, Giám đốc Công ty hoa Dalat Green, công nhận sự thiếu tôn trọng bản quyền cây giống đã khiến các công ty giống hoa e dè xuất khẩu giống hoa tốt sang Việt Nam.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm ưu thế xuất khẩu hoa nhờ lợi thế tiếp cận giống có bản quyền.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho biết có hàng nghìn loại giống tốt đã hết thời gian bảo hộ bản quyền, nông dân có thể dùng miễn phí nhưng họ chưa có kênh để tiếp cận. Điều này đã cản đường xuất khẩu hoa Đà Lạt…

Ông Võ Quốc Huy, giám đốc Công ty hoa Florian – nơi mỗi tuần đang xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 10.000 cành hoa, cũng cho rằng thương mại quốc tế là một lĩnh vực chuyên biệt, người sản xuất ở Đà Lạt còn thiếu nhiều yếu tố để bước chân vào.

Nếu liên kết, đối tác phụ trách thương mại sẽ mang lại bộ quy tắc liên quan đến chất lượng, quy cách, bệnh dịch. “Làm đúng quy tắc có nghĩa cánh cửa xuất khẩu đã mở ra đến 90% ngay khi hoa Đà Lạt chưa rời Việt Nam” – ông Huy nói.

MAI VINH

Nguồn: TTO

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.