Giới thiệu về chanh dây

Giới thiệu về cây chanh dây và đặc điểm dinh dưỡng

Giới thiệu về chanh dây

Cây chanh dây có tên khoa học là Passiflora edulis thuộc họ Lạc tiên, là một loài dây leo sống lâu năm lớn nhanh với thân bò leo, dễ trồng, ít kén đất và ra trái quanh năm. Hiện nay chanh dây được trồng hầu hết ở các vùng miền trên cả nước, có thể trồng chuyên canh, xen canh hoặc trồng tận dụng cho dây leo trên bờ rào. Chanh dây không chỉ là một thức uống giải khát mà còn được sử dụng chế biến trong y dược hay thực phẩm. <Xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Chanh dây có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ (Argentina, Paraguay và Brasil) nhưng đã phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Nguồn gốc 2 giống chanh dây được trồng phổ biến ở Việt Nam:

Giống chanh dây vỏ vàng có nguồn gốc từ Sirilanca, Urganda và Hawaii.

Giống chanh dây vỏ đỏ có nguồn gốc từ Australia và Đài Loan. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Chanh dây là một nguồn cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào, đặc biệt là chất xơ, vitamin C và vitamin A. Trong 100 g chanh dây có chứ  97 kcal; 0,7 g lipid; 28 mg natri; 348 mg kali; 10 g chất xơ; 11 g đường; 2,2 g protein; 30 g vitamin C; 12 mg vitamin D; 30 µg beta caroten, … <Xem thêm>

  1. Công dụng

Giúp ổn định đường huyết 

Uống chanh dây có thể giúp ổn định đường huyết một cách hiệu quả. Chanh dây có chỉ số đường huyết thấp (GI) và chất xơ cao, giúp kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, có một số nghiên cứu đã chứng minh rằng chanh dây có thể được bổ sung vào chế độ ăn uống của người bị tiểu đường, vì nó có khả năng hạ đường huyết. Đồng thời, chanh dây còn có thể giảm cholesterol xấu và cải thiện chức năng của insulin. <Xem thêm>

Phòng ngừa các bệnh ung thư 

Chanh dây chứa nhiều chất chống oxy hóa, chống lại gốc tự do gây ra bệnh ung thư. Nó cũng cung cấp vitamin A, flavonoid và các hợp chất phenolic khác, giúp đánh đuổi sự phát triển của tế bào ung thư.  

Đặc biệt, piceatannol, một hợp chất quan trọng trong chanh dây, còn có khả năng hỗ trợ trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư đại trực tràng. Thế nên, uống chanh dây có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư một cách hiệu quả. <Xem thêm>

Bảo vệ tim mạch và điều hòa lưu thông máu 

Chanh dây chứa nhiều kali, một khoáng chất quan trọng giúp điều hòa huyết áp, làm dịu các mạch máu và tăng cường lưu lượng máu. Điều này giúp giảm căng thẳng cho tim và cải thiện sức khỏe tim mạch. 

Ngoài ra, chanh dây còn chứa flavonoid và axit phenolic, có khả năng kiểm soát lượng cholesterol trong máu. Nó tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, giúp ngăn tắc nghẽn động mạch và làm cho tim mạch hoạt động mạnh mẽ hơn. <Xem thêm>

Tăng cường hệ miễn dịch 

Chanh dây có chứa lượng lớn vitamin C, vitamin A và các axit amin như prolin, valin, tyrosin, treonin, arginin, thúc đẩy hoạt động của bạch cầu, giúp chống lại sự nhiễm trùng bởi vi khuẩn và virus. Những chất này cũng có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa các loại bệnh vặt. Thế nên, những người đang trải qua giai đoạn suy nhược cơ thể được khuyến khích uống chanh dây. <Xem thêm>

Phòng ngừa các bệnh về hô hấp 

Đối với những người mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, chanh dây có thể được coi như một loại thuốc bổ phế tự nhiên. Nước chanh dây giúp giảm triệu chứng khó chịu như đờm trong cổ họng, hen suyễn, ho khan hoặc khó thở. Nhiều nghiên cứu cũng đang xem xét lợi ích của chanh dây như một phương thuốc trị liệu tự nhiên dùng để thay thế thuốc điều trị, đặc biệt dành cho những người không phản ứng tốt với các loại thuốc điều trị suyễn truyền thống. <Xem thêm>

Hỗ trợ giảm cân hiệu quả 

Uống chanh dây có thể hỗ trợ giảm cân một cách hiệu quả. Chanh dây là một trong những trái cây lý tưởng cho chế độ ăn giảm cân, vì nó chứa ít calo, chất béo và natri. Trong mỗi 100 g chanh dây chỉ cung cấp 97 kcal, nhưng lại có hàm lượng chất xơ cao, giúp nhanh chóng làm đầy dạ dày, từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn một cách đáng kể. <Xem thêm>

  1. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ

Tiềm năng thị trường

Những năm gần đây, chanh dây luôn nằm trong top những loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. 

Trên thị trường thế giới, chanh dây là một trong bốn loại trái cây có nhu cầu cao. Nhu cầu đối với chanh dây tươi là hàng trăm nghìn tấn quả/năm; với nước ép chanh dây cô đặc khoảng trên 30.000 tấn/năm. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ chanh dây trên thế giới

Hàng năm, thế giới sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chanh dây tươi, trong đó chủ yếu là các nước lớn Brasil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia. <Xem thêm>

Chanh dây là loại trái cây được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới không chỉ quả tươi mà còn ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất nước giải khát. Theo thông tin thị trường, nhu cầu chanh dây trên thế giới ngày càng tăng cao trong khi sản lượng tiêu thụ đang bị thiếu hụt trầm trọng. Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 sản lượng chanh dây trên thế giới giảm mạnh do ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, các nước Nam Mỹ đang đối mặt với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng xấu, khô hạn kéo dài khiến cho việc sản xuất chanh dây nơi đây gặp nhiều khó khăn, sản lượng chanh dây của vùng Nam Mỹ đang dần mất ưu thế. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ chanh dây ở Việt Nam

Tính đến tháng 7/2024, chanh dây hiện có diện tích trồng lên tới 9.500 ha với sản lượng đạt 188.900 tấn, nằm trong nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100.000 tấn mỗi năm của Việt Nam. <Xem thêm>

So với một số nước sản xuất chanh dây lớn trên thế giới, Việt Nam có thể sản xuất chanh quanh năm. Trong đó, Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh dây thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh dây cả nước. <Xem thêm>

Tây Nguyên có khoảng 8.200 ha chanh dây năm 2022. Trong đó Gia Lai hiện là tỉnh có diện tích chanh dây lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn năm 2022 (hiện cũng đang là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh dây lớn nhất cả nước); tiếp đến gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. <Xem thêm>

Trung du miền núi phía Bắc là vùng chanh dây lớn thứ 2 với hơn 1.000ha (hơn 11%), chủ yếu tập trung tại tỉnh Sơn La (Cục Trồng trọt, 2023). Giống chanh dây chủ yếu hiện nay là giống quả tím Đài Nông 1, chiếm hơn 95% diện tích trồng. <Xem thêm>

Hiện chanh leo Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm như: Australia, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sĩ và mới đây là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc hồi tháng 7/2022. <Xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng chanh dây

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Thân: chanh dây là một loài thực vật bán thân gỗ, sống lâu năm, thân bò leo và phát triển rất nhanh. Vỏ thân và màu xanh lá cây, có lông tơ hoặc trơn, có thể phát triển dài tới 15m, với nhiều tua. <Xem thêm>

Lá: lá của chanh dây hình chân vịt với thùy mọc so le, kích thước 6 – 15 cm. Cuống lá dài 2 – 5 cm, Viền lá có răng cưa nhỏ, tròn đầu. <Xem thêm>

Hoa: hoa chanh dây là hoa đơn, mọc từ nách lá, hoa đẹp và thơm, có đường kính 7,5 – 10 cm với cuống dài 2 – 5 cm. Hoa của cây chanh dây có năm cánh, màu trắng ánh tím tía, tạo ra một bông hoa màu trắng xen tím. Mỗi hoa mang 5 nhị đực với 5 chỉ dính nhau thành ống ở đáy và tách rời ở phần mang bao phấn. Hoa được thụ phấn nhờ một số loài côn trùng như ong nghệ sẽ đậu trái, nhưng nếu cây tự thụ phấn thì không có quả. <Xem thêm>

Quả: cây chanh dây có nhiều quả và mọng. Quả có kích thước như một quả trứng gà (hoặc to hơn), hình cầu đến hình bầu dục, màu xanh lục khi quả xanh, khi chín màu vàng hoặc tím đậm. Trong ruột quả chanh dây có dung dịch nhầy màu vàng bao xung quanh hạt. <Xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh thái

Nhiệt độ: nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển từ 16 – 30oC , cây chanh dây phát triển tốt ở những khu vực có nắng, đặc biệt là cây chanh dây không chịu được sương muối. <Xem thêm>

Ánh sáng: cây ưa cường độ ánh sáng nhẹ. <Xem thêm>

Độ ẩm: chanh dây ưa ẩm nên cần đủ nước cho cây phát triển, nhất là trong thời kỳ mang trái để có trái to, da căng bóng, đẹp thì điều kiện quan trọng là phải cung cấp đủ nước, nếu thiếu nước trái sẽ bị teo, sần sùi, và rụng sớm. <Xem thêm>

Đất trồng: chanh dây là loại cây trồng không kén đất, nhưng thích hợp đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, độ pH từ 5,5 – 6. <Xem thêm>

Các giống chanh dây hiện nay

  1. Giống chanh dây Đài Nông 1

Cây chanh dây có khả năng sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh, tiết kiệm thời gian chăm sóc.

Thời gian thu hoạch: từ 5 – 6 tháng, giống chanh dây Đài Nông 1 sẽ bắt đầu cho thu hoạch

Bắt đầu ra hoa đậu quả sau 3 – 5 tháng

Trái to, cân đối, màu sắc bắt mắt, được thị trường Châu Á và Châu Âu ưa chuộng

Vị ngọt thanh, ít chua, hương thơm dịu nhẹ

Năng suất: đạt từ 25 tấn/ha/mùa vụ trở lên, cá biệt có trường hợp thâm canh cao có thể đạt đến 40 – 50 tấn/ha/mùa vụ

Trọng lượng: 12 – 15 quả/kg (tức 66 – 83 g/ quả).

Màu sắc quả khi chín: tím đậm

Màu sắc dịch quả: vàng cam <Xem thêm>

  1. Giống chanh dây Tai Non One

Giống có khả năng sinh trưởng và kháng sâu bệnh tốt.

Thời gian chăm sóc đến khi thu hoạch ngắn.

Vị chua đến ngọt.

Năng suất: đạt con số trung bình 30 tấn/ ha/ mùa vụ. Thông thường mỗi vụ sẽ thu hoạch kéo dài từ 2 đến 3 lứa, lượng trái thu lại đều và ổn định.

Trọng lượng: khoảng 84 g/quả.

Màu sắc quả khi chín: tím đậm.

Màu sắc dịch quả: màu cam <Xem thêm>

  1. Giống chanh dây Hoàng Kim

            Thời gian thu hoạch từ 5 – 6 tháng kể từ khi trồng

            Phần cuốn lá có rảnh nhỏ và màu đỏ nhạt, mép lá gợn sóng.

Quả hơi thuôn dài, khi chín vỏ có màu vàng, hơi nhăn.

Bên trong quả mọng nước, có hương thơm nhẹ.

            Vị ngọt hơi chua nhẹ. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh dây

  1. Chuẩn bị đất

Đất trồng chanh dây không yêu cầu quá cao, miễn là đất xốp, thoát nước tốt.

Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ dại, ban đất bằng phẳng để tiện chăm sóc, với đất dốc cần tiến hành đánh các rãnh thoát nước chống xói mòn, rửa trôi.

Hố trồng chanh dây có kích thước 50 x 50 x 50 cm, trộn đều đất mặt với 20 kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5 kg supe lân + 1 thìa canh chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma + Vôi bột (nếu cần điều chỉnh độ pH của đất cho phù hợp). Hỗn hợp sau khi trộn đều lấp đầy vào hố, ủ 1 tháng trước khi trồng. <Xem thêm>

  1. Mật độ trồng

Tùy theo địa hình, khả năng thâm canh, đất tốt hay xấu, kiểu giàn trồng chanh dây… mà trồng theo mật độ thích hợp.

Mật độ: 1100 cây/ha (khoảng cách hàng x cây: 3 x 3m) hoặc 1.650 cây/ha (khoảng cách hàng x cây: 3 x 2 m). <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật trồng chanh dây

Thời điểm trồng chanh dây có thể tiến hành quanh năm, tuy nhiên thích hợp nhất là khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch. Thời điểm này là đầu mùa mưa. Cây sinh trưởng tốt hơn, giảm công tưới tiêu. <Xem thêm>

Khi trồng dùng dao/kéo cắt bầu nilong hoặc chậu nhựa. Thao tác nhẹ nhàng tránh làm bể bầu. Moi 1 lỗ chính giữa hố, đặt cây vào sao cho mặt bầu bằng mặt đất hoặc cao hơn một chút. Lấp đất và nén nhẹ xung quanh gốc. <Xem thêm>

Sau khi trồng cần tưới nước ngay để cây không bị héo đồng thời đất được ém kỹ không bị hở rễ. Nếu trồng những ngày nắng cần tiến hành che nắng cho cây bằng lưới nilon đen, tàu lá dừa, cành cây… ít nhất 2 tuần để cây kịp hồi phục. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật chăm sóc chanh dây

Bón phân:

Khi cây còn nhỏ (1 – 2 tháng tuổi) nên pha phân Urea (khoảng 30g/gốc) tưới cho cây khoảng 15 ngày/lần. <Xem thêm>

Giai đoạn từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi, bón cho một gốc khoảng 250 – 300 g Urea, 600 – 700 g Super lân và 250 g K2SO4 (sử dụng Kali Sulphate tăng mùi thơm cho chanh dây) ngoài ra nên bổ sung phân hữu cơ khoảng 10 kg phân chuồng hoai mục cho cây lúc mới trồng. <Xem thêm>

Cây chanh dây trồng đến 5 – 6 tháng sẽ bắt đầu ra hoa. Chanh dây ra hoa liên tục và sau khi ra hoa khoảng 1 tuần thì cánh hoa sẽ tự rụng, trái non nhú ra. Giai đoạn mang trái, cây cần nhiều chất dinh dưỡng để nuôi dây, cây sung mãn mới cho nhiều hoa, trái. Thời kì này có thể bón phân NPK 16 – 16 – 8 với liều lượng 200 g/gốc/tháng hoặc 2 – 3 kg phân bón hữu cơ vi sinh/gốc/tháng. <Xem thêm>

Tưới nước: cây chanh dây cần nhiều nước nhưng không chịu được ngập úng, cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm và tưới nước kịp thời, đặc biệt là giai đoạn cây nảy chồi sau thu hoạch, giai đoạn cây đậu quả đến lúc thu hoạch quả. Trong mùa khô có thể sử dụng các vật liệu có sẵn ở địa phương như trấu, rơm rạ, xác bèo… để phủ gốc. <Xem thêm>

Làm cỏ: làm cỏ thường xuyên ít nhất 4 – 5 lần 1 năm, thường xuyên giữ vườn trồng thông thoáng, hạn chế được các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại. Tăng hiệu quả phân bón. <Xem thêm>

  1. Cắt tỉa cành và tạo tán

Khi cây cao được 0,8 – 1m ta tiến hành bấm ngọn để cây sinh cành thứ cấp. Giữ lại 3 – 5 cành khỏe mạnh, tỏa đều các hướng trên giàn.

Khi cây bắt đầu phủ giàn, cần thường xuyên cắt tỉa các cành yếu, cành có dấu hiệu sâu bệnh. Trong mùa mưa cần vặt bỏ các lá già, lá sát gốc, vừa tăng khả năng quang hợp, gây ức chế giúp cây ra nhiều hoa hơn, hạn chế được sâu bệnh ẩn nấp. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại trên chanh dây

  1. Tình hình sâu hại trên chanh dây

Bò xít hại chanh dây

Đặc điểm và triệu chứng gây hại: chích hút vào hoa, đọt non và quả non làm cho quả lốm đốm, nếu gây hại nặng làm cho quả rụng. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: dùng vợt tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát. Thường xuyên kiểm tra trái và những lá gần trái để phát hiện và thu gom ổ trứng của chúng đem tiêu huỷ.

Biện pháp hóa học: nếu mật độ cao có thể sử dụng luân phiên một trong những loại thuốc như: Buprofezin (Applaud, Apolo…), Chlorantraniliprole + Thiamethoxam(Virtako), Acephate (BM Promax, Ansect…)… <Xem thêm>

Bọ trĩ hại chanh dây

Đặc điểm và triệu chứng gây hại: bọ trĩ thường xâm nhập vào bộ phận hoa, lá, quả non để hút dinh dưỡng của cây làm cho hoa khó thụ phấn, quả khó hình thành, lá quắn quéo. Nơi nào có bọ trĩ nhiều thì xuất hiện sự bạc màu và dị dạng do phản ứng với nước 18 bọt của bọ trĩ. Gây hại trái làm cho trái méo mó, dị hình, bề mặt trái bị nám. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: chăm sóc cây khỏe, bón phân, tưới tiêu, trừ cỏ… đúng yêu cầu kỹ thuật. Tưới phun mưa trực tiếp vào các bộ phận bị hại khi bọ trĩ rộ có thể giảm đáng kể tác hại của bọ trĩ. Hàng năm cần xới xáo, thu gom tàn dư để diệt nhộng. Bảo vệ thiên địch, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết, hạn chế sử dụng thuốc phổ rộng.

Biện pháp hóa học: thường xuyên điều tra đồng ruộng tiến hành phòng trừ kịp thời. Có thể sử dụng thuốc hoạt chất Spinetoram (Radiant), Abamectin (Kuraba WP, Abatin…), Thiamethoxam (Actara), Acephate (BMPromax, Anitox), … <Xem thêm>

Ruồi đục trái hại chanh dây

Đặc điểm gây hại:

Có 2 loài ruồi đục trái gây hại trên chanh dây: Ceratitis sp. và Bactrocera cucurbitae.

Trái bị hại để lại những vết sẹo trên bề mặt quả. Nếu tấn công trái non bị hại nhăn nheo và rụng sớm, vết thương do ruồi đục sẽ làm giảm giá trị thương mại của quả, sự tác động và gây hại của ruồi đục trái trên chanh dây thường không nghiêm trọng như trên các cây trồng khác vì vậy nếu gây hại ở mức độ nhẹ thì chưa cần phòng trừ. <Xem thêm>

  Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: thu gom và tiêu hủy trái bị ruồi chích, trái rụng trong vườn đem chôn sâu dưới đất. Thường xuyên vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành, nhánh không cần thiết, tạo cho vườn luôn thông thoáng, sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành.

Biện pháp hóa sinh học: sử dụng SOFRI Protein thủy phân trộn chất độc làm bả diệt ruồi đục trái. Cách làm như sau: pha 100 ml SOFRI Protein với 3 – 5 g thuốc trừ sâu Acephate (BMPromax) hoặc Thiamethoxam (Actara), pha loãng với 1 lít nước rồi phun cho mỗi diện tích 20 m2 1 điểm phun với lượng 20 – 30 ml hỗn hợp thuốc trên. Mỗi tuần phun 1 lần vào lúc 8 – 10 giờ sáng, ruồi sẽ đến ăn và chết. <Xem thêm>

Sâu đục thân hại chanh dây

            Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Sâu trưởng thành tìm những kẽ nứt của thân cây để đẻ trứng, sâu non nở ra đục vào thân cây tạo thành đường vòng quanh thân, dần dần đục sâu vào trong thân làm rỗng thân.

Khi cây vừa bị sâu hại, lá non ở đầu nhánh có màu xanh hơi đậm, hơi xoăn và nhỏ hơn lá bình thường. Cây bị hại nặng thì lá vàng và héo, vỏ thân cây chanh dây có dấu hiệu nứt nẻ. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: cần tạo hình và cắt tỉa nhánh được tiến hành thường xuyên. Quan sát kỹ các thân cây nếu có vết đục của sâu đục thân thì dùng dụng cụ rạch phần thân để bắt sâu, sau đó dùng bao nilon sạch buộc lại vết đã rạch, kể cả vết đục.

Biện pháp hoá học: đối với cây bị hại nhẹ dùng thuốc phun kỹ lên thân cây như: Acephate (BM Promax), Chlorantraniliprole + Thiamethoxam (Virtako)… <Xem thêm>

  1. Tình hình bệnh hại trên chanh dây

Bệnh cứng trái (hóa bần vỏ trái)

Tác nhân: do virus Passion fruit woodiness (PWV) gây ra

Triệu chứng: có sự biến động rất lớn về triệu chứng do PWV gây ra trên cây chanh dây: trái biến dạng, lá lốm đốm vàng, chùn đọt, từng mảng trong suốt, đốmvòng trên lá, đốm vòng trên trái, chấm nhỏ trên trái, dạng lá dương sĩ, vàng chóp lá, lốm đốm trên cuống, phình to dây. <Xem thêm>

Truyền bệnh: bệnh truyền qua rầy mềm (rệp muội) Myzus persicae, Aphis gossypiiAphis fabae, qua chủng nhân tạo, mắt ghép, truyền qua dụng cụ làm vườn nhưng không lan truyền qua hạt. <Xem thêm>

Biện pháp quản lí tổng hợp:

Sử dụng cây giống sạch bệnh.

Hạn chế sự lan truyền bệnh qua dụng cụ làm vườn (kéo cắt cành), trong quá trình cắt tỉa từng cây cần có biện pháp xử lý tiệt trùng dụng cụ bằng cồn (90o) để tránh lây nhiễm từ cây cây bị bệnh sang cây khỏe.

Kiểm soát rầy mềm qua các đợt đọt non.

Sử dụng bẫy màu vàng để dự báo côn trùng chích hút, để phun xịt kịp thời.

Sử dụng giấy bạc, tạo ánh sáng phản xạ xua đuổi côn trùng chích hút.

Sử dụng thuốc trừ sâu lưu dẫn: Imidachloprid (Confidor, Admire), Clothianidin (Dantotsu) theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

Không trồng xen với cây trồng là ký chủ ưa thích của rầy mềm như: cà tím, ớt, khoai tây, thuốc lá và dưa chuột và loại bỏ cỏ dại ký chủ trong vườn

Tạo điều kiện thuận lợi để thiên địch có thể phát triển trong vườn (ong ký sinh, côn trùng ăn mồi) (sử dụng thuốc ít độc, nhân nuôi).

Vệ sinh vườn trồng, nhổ bỏ và tiêu hủy cây bệnh, bón phân cân đối và hợp lý, tránh bón quá nhiều đạm. <Xem thêm>

Bệnh đốm nâu

Tác nhân: do nấm Alternaria passiflorae

Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Đây là một bệnh gây hại phổ biến và nghiêm trọng, bệnh xuất hiện ở lá, thân và quả. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng nặng nhất trong các tháng mùa mưa. <Xem thêm>

Trên lá, triệu chứng bệnh ban đầu là những chấmnhỏ màu nâu, sau đó lan rộng, có tâm màu sáng và có hình dạng bất định, nhiều vết bệnh liên kết thành những mảng lớn gây thủng lá.

Trên thân/cành, vết bệnh có hình thon dài với màu nâu đen. Khi vết bệnh phát triển bao quanh thân/cành sẽ làm bong tróc vỏ, gây chết nhánh.

Trên quả, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ sau lan rộng thành những vòng tròn lớn màu nâu, bề mặt vết bệnh lõm, nhăn nheo, sau đó rụng. <Xem thêm>

Biện quản lý tổng hợp:

Biện pháp canh tác: vệ sinh vườn, loại bỏ và tiêu hủy bộ phận mang bệnh, cắt tỉa những cành kém hiệu quả để cây thông thoáng.

Biện pháp hóa học: sử dụng các thuốc hoạt chất Azoxystrobin (Amistar,…), hỗn hợp Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil gold)), Difenoconazole (Score,….), để phòng trừ.

Chú ý phun vào những đợt lá ra vào đầu mùa mưa <Xem thêm>

Bệnh đốm xám

Tác nhân: do nấm Septoria passiflorae gây ra.

Đặc điểm và triệu chứng gây hại:

Bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, và quả, gây hại nặng có thể làmrụng lá, rụng quả sớm dẫn đến giảm năng suất. Bệnh thường xuất hiện phổ biến trong các tháng mùa mưa. <Xem thêm>

Trên lá, vết bệnh thường không có hình dạng cố định, chỉ là những đốm nhỏ màu nâu sáng, nhanh chóng lan rộng và làm lá rụng.

Trên thân, vết bệnh có hình dạng bất định, lõm vào bên trong thân và có màu nâu sáng.

Trên quả, vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, tương tự như trên lá và thân. Sau đó phát triển rộng tạo thành những vết thương tổn lớn gây rụng quả. <Xem thêm>

Biện pháp quản lý:

Biện pháp hoá học: sử dụng các loại thuốc có hoạt chất: Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top, …); Mancozeb + Metalaxyl (Ridomil gold, …); Cuprous Oxide/ copper chloride…. <Xem thêm>

Bệnh héo rũ

Tác nhân: do nấm Fusarium oxysporum, Fusarium solani

Đặc điểm và triệu chứng gây hại: bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, đất thoát nước kém.  <Xem thêm>

Bệnh xuất hiện chủ yếu ở phần thân gần mặt đất hoặc cổ rễ. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu đỏ, sau đó phần vỏ tại vị trí nhiễm bệnh bị nứt, sau cùng lá vàng và héo rũ. Quan sát hệ thống mạch dẫn ở phần thân bị nhiễm bệnh, các bó mạch bị hóa nâu. Trong điều kiện ẩm độ cao, mưa nhiều, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện khối bào tử màu hồng đó chính là bào tử hậu của nấm, đây chính là nguồn phát tán bệnh và xâm nhiễm cho vụ sau. <Xem thêm>

Biện pháp quản lý tổng hợp:

Biện pháp canh tác: hạn chế việc tạo vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc, bón phân, tỉa cành, làm cỏ; Vệ sinh vườn luôn sạch sẽ, tránh động nước trên vườn và xung quanh gốc chanh dây. Thu gom và tiêu hủy cây bệnh; Bón vôi ít nhất 1 lần vào đầu mùa mưa.

Tăng cường sử dụng phân hữu cơ kết hợp với Trichoderma sp. Khi bệnh xuất hiện trên vườn, có thể sửdụng Mancozeb + Metalaxyl, Fosetyl aluminium,… quét trực tiếp lên vết bệnh sau khi xử lý (cạo sạch vết bệnh) hoặc phun.  <Xem thêm>

Tài liệu tham khảo

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre (2021), Kỹ thuật trồng chanh dây theo hướng an toàn. Truy cập ngày 4/9/2024, từ http://dost–bentre.gov.vn/tin–tuc/2627/ky–thuat–trong–chanh–day–theo–huong–an–toan

Cẩm nang cây trồng, Cây chanh dây. Truy cập ngày 7/9/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay–chanh–day–cd65.html

USDA (2019). Truy cập ngày 7/9/2024, từ https://fdc.nal.usda.gov/fdc–app.html#/food–details/169108/nutrients

Lợi ích của việc uống chanh dây thường xuyên và lưu ý khi sử dụng. Truy cập ngày 7/9/2024, từ https://www.pharmacity.vn/loi–ich–cua–viec–uong–chanh–day–thuong–xuyen–va–luu–y–khi–su–dung.htm

Đài Truyền hình Việt Nam (2023). Chanh leo được mùa, được giá. Truy cập ngày 7/9/2024, từ https://vtv.vn/kinh–te/chanh–leo–duoc–mua–duoc–gia–20230223120758184.htm#:~:text=So%20v%E1%BB%9Bi%20nhi%E1%BB%81u%20lo%E1%BA%A1i%20c%C3%A2y,v%E1%BB%81%20h%C6%A1n%20300%20tri%E1%BB%87u%20%C4%91%E1%BB%93ng.

Đỗ Hương (2024), Tiềm năng kinh tế của cây chanh dây. Truy cập ngày 7/9/2024, từ https://baochinhphu.vn/tiem–nang–kinh–te–cua–cay–chanh–day–102240704165008493.htm

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam (2018), Kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh dây. Truy cập ngày 7/9/2024, từ Cổng thông tin điện tử Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam > Quản trị > Chi tiết tin (khuyennongqnam.gov.vn)

Nguyễn Văn Hòa và ctv (2018), Sổ tay nhận diện sâu bệnh hại chính trên chanh dây và biện pháp quản lý tại Đắk Nông. Truy cập ngày 7/9/2024, từ http://hoinongdan.daknong.gov.vn/Media/ResourceAdmin/files/Hoi%20Nong%20dan%20tinh/SO%20TAY%20CHANH%20DAY.pdf

Tuấn Anh (2024), Chanh dây trở thành cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên. Truy cập ngày 7/9/2024, từ https://nongnghiep.vn/chanh-day-tro-thanh-cay-trong-chu-luc-o-tay-nguyen-d384399.html

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.