Giới thiệu về cây vải

  1. I. Giới thiệu về cây vải và đặc điểm dinh dưỡng

Quả vải, hay còn được gọi là vải thiều, có tên khoa học là Litchi chinensis, thuộc loại thực vật họ Bồ hòn (Sapindaceae), được xếp cùng họ với mận, mơ, đào và xuân đào. Quả thường mọc thành chùm, quả tròn nhỏ, có vỏ vảy màu đỏ, cùi ngọt, mọng nước bao quanh một hạt lớn sẫm màu bên trong. <Xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Vải là loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới, có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc, phân bố trải dài về phía nam tới Indonesia và về phía đông tới Philippines. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Quả vải bao gồm chủ yếu là nước (82%) và carbs (16,5%). Trong 100 g quả vải thiều tươi có các chất dinh dưỡng như: 66 Kcal; 16,5 g carbs; 0,8 g đạm; 15,2 g đường; 0,4 g chất béo; 1,3 g chất xơ. Vải rất giàu vitamin và các loại khoáng chất như: vitamin C, B, E, K, beta caroten, đồng, kali. Bên cạnh đó trong quả vải còn chứa epicatechin và rutin. <Xem thêm>

  1. Công dụng

Tính chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do (các phân tử không ổn định có thể làm hỏng tế bào) khỏi cơ thể. Khi các gốc tự do ở mức cao, chúng có thể gây ra stress oxy hóa trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến bệnh tật.

Vải chứa nhiều vitamin C – một chất chống oxy hóa mạnh. Quả vải cũng chứa các chất chống oxy hóa khác, bao gồm polyphenol, anthocyanin và selen. <Xem thêm>

Hỗ trợ hệ thống miễn dịch

Vải có nhiều vitamin C, tăng cường chức năng của các tế bào hệ thống miễn dịch như tế bào bạch cầu, chống nhiễm trùng. Vitamin C cũng là chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do – vốn ngăn cản hệ thống miễn dịch hoạt động tốt.

Vải cũng chứa vitamin nhóm B, hỗ trợ sức khỏe hệ vi sinh vật đường ruột và sản xuất kháng thể. Loại trái cây này cũng chứa các khoáng chất như đồng, sắt và selen, hỗ trợ chức năng và hoạt động của tế bào miễn dịch. <Xem thêm>

Hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa

Một khẩu phần 100 g vải chứa 1,3 g chất xơ. Chất xơ rất quan trọng vì nó giúp di chuyển thức ăn qua hệ tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột đều đặn và ngăn ngừa táo bón. Chất xơ cũng điều chỉnh cơn đói và lượng đường trong máu. <Xem thêm>

Có lợi cho sức khỏe tim mạch

Vải là nguồn cung cấp polyphenol dồi dào, có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm viêm, cải thiện huyết áp, cholesterol và mức insulin. Chất xơ trong vải cũng có thể giúp giảm các yếu tố ảnh hưởng sức khỏe tim mạch. <Xem thêm>

Có lợi cho làn da

Vải rất giàu vitamin C – một chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe làn da. Vitamin C làm tăng sản xuất collagen và elastin, làm giảm các dấu hiệu lão hóa bằng cách cải thiện độ đàn hồi và độ săn chắc của da. Vitamin C cũng có tác dụng ngăn ngừa tác hại từ tia cực tím (UV) và các yếu tố khác gây hại cho da. <Xem thêm>

  1. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ

Tiềm năng thị trường

Nhiều năm qua, sản phẩm vải thiều Việt Nam không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới với đa dạng phương thức bán hàng, từ kênh bán hàng truyền thống, kênh bán hàng hiện đại đến các kênh thương mại điện tử. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ vải trên thế giới

Trung Quốc là nước có diện tích trồng vải và sản lượng vải lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2023, diện tích trồng vải của Trung Quốc chiếm hơn 60% toàn thế giới, còn sản lượng vải năm 2023 của nước này chiếm 80% sản lượng thế giới. Trong đó thì thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, được coi là vựa vải lớn nhất Trung Quốc và cũng là lớn nhất thế giới, với sản lượng vải đạt 620.000 tấn năm 2023, chiếm 1/5 sản lượng thế giới. <Xem thêm>

Sau Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia có diện tích trồng vải đứng thứ 2 thế giới, với 99% lượng quả tươi được tiêu thụ nội địa tại chỗ, tỉ lệ đưa vào chế biến sâu chiếm tỉ lệ không đáng kể. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ vải tại Việt Nam

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2019 tổng diện tích vải của cả nước đạt trên 56 ngàn ha với năng suất trung bình 51,0 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 270 ngàn tấn, đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Diện tích vải tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn. <Xem thêm>

Trong năm 2024, vải thiều được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, thị trường trong nước gần 61 nghìn tấn qua các kênh: hệ thống chợ đầu mối, các chợ dân sinh, siêu thị, các sàn thương mại điện tử, vải tươi chế biến sấy khô và hệ thống bán buôn, bán lẻ khác; xuất khẩu gần 25 nghìn tấn sang các thị trường chủ yếu là Trung Quốc (hơn 24,5 nghìn tấn) và một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn, các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn… Giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp 2 – 3 lần so với năm 2023, bình quân dao động từ 55 – 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. <Xem thêm>

III. Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng vải

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Rễ: cây vải có rễ cọc ăn sâu khoảng 1,6 m, rộng từ 1,5 – 2 lần tán.

Thân, cành: thân cây vải trưởng thành cao từ 10 – 15 m, tán rộng 8 – 10 m.

Lá: cây vải có lá kép lông chim, mép lá phẳng và không gợn sóng. Lúc lá non có màu trắng, nâu đỏ, sau đó chuyển sang màu xanh đậm.

Hoa: hoa vải có 3 loại: hoa đực, hoa cái, hoa lưỡng tính. Hoa đực và hoa cái có thời gian nở khác nhau nên thường phải trồng thêm một giống khác để phụ phấn. Thời gian nở hoa của một cây vải là từ 30 – 40 ngày, trong ngày hoa vải thường nở 6 – 10 giờ.

Hạt: hạt vải to hay nhỏ tùy thuộc và từng giống. Đối với vải thiều hạt chỉ to khoảng 4 – 5 mm; vải chua dài 20 mm, đường kính 1 cm. [1]

  1. Đặc điểm sinh thái

Nhiệt độ: cây vải là cây á nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp cho cây vải sinh trưởng, phát triển từ 21ºC đến 25ºC. Để cây vải ra hoa tốt, cần có một thời gian nhiệt độ xuống dưới 13ºC trong tháng 12 và tháng 1 năm sau.

Ánh sáng: vải là cây ưa sáng, ánh sáng chiếu được vào bên trong tán giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt. Cây vải sinh trưởng tốt ở những nơi có ánh sáng trực xạ với tổng số giờ chiếu sáng trong năm khoảng 1.800 giờ.

Lượng mưa và độ ẩm: cây vải thích hợp trong điều kiện lượng mưa trung bình từ 1.250 – 1.750 mm/năm, độ ẩm không khí từ 80 – 90%, chịu được hạn nhưng chịu úng kém.

Gió: vải là cây giao phấn, vì vậy gió có tác dụng hỗ trợ hoa thụ phấn, thụ tinh. Tuy nhiên, nếu gió to có thể làm rụng hoa, rụng quả, gãy cành.

Đất trồng: cây vải có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ, đất cát pha, đất phù sa và đất thịt nặng, độ pH thích hợp từ 6 đến 6,5. <Xem thêm>
 Các giống vải hiện nay

Giống vải thiều Thanh Hà

Vải thiều Thanh Hà được nhân giống từ cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Đặc điểm về giống: cây sinh trưởng tốt, tán hình bán cầu cân đối. Quả hình cầu, khi chín có màu đỏ tươi, gai thưa, ngắn. Trọng lượng quả trung bình 20,7g (45 – 55 quả/kg), tỷ lệ phần ăn được trung bình 75%, độ Brix 18 – 21%, thịt quả chắc, vị ngọt đậm, thơm. Năng suất trung bình cây 8 – 10 tuổi đạt 55 kg/cây (8 – 10 tấn/ha). Đây là giống chính vụ, thời gian cho thu hoạch từ 5/6 đến 25/6. <Xem thêm>

Giống vải Hùng Long

Hùng Long là giống vải đột biến tự nhiên, được các cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu rau quả phát hiện và chọn lọc thành công tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Đặc điểm về giống: cây sinh trưởng tốt, tán cây hình bán cầu. Chùm hoa to theo kiểu hình tháp, cuống hoa có màu nâu đen. Quả hình tròn, hơi dài, khi chín có màu đỏ sẫm, gai thưa, nổi. Trọng lượng quả trung bình 23,5g (40 – 45 quả/kg), tỷ lệ phần ăn được trung bình 72%, độ Brix 17 – 20%, vị ngọt, hơi chua nhẹ, được nhiều người ưa chuộng. Năng suất trung bình cây 8 – 10 tuổi đạt 80 kg/cây (10 – 15 tấn/ha). Đây là giống chín sớm, thời gian cho thu hoạch từ 10/5 đến 20/5. <Xem thêm>

Giống vải lai Bình Khê

Vải lai Bình Khê là giống vải lai tự nhiên có nguồn gốc tại xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm về giống: cây sinh trưởng tốt, tán cây hình bán cầu dẹt, lá có màu xanh tối. Chùm hoa to, phân nhánh thưa, dài, cuống hoa có màu nâu đen. Quả to, hình trứng, khi chín có màu đỏ thẫm, mỏng vỏ, gai thưa, ngắn. Trọng lượng quả trung bình đạt 33,5g (28 – 35 quả/kg), tỷ lệ phần ăn được trung bình 71,5%, độ Brix 17 – 20%, vị ngọt thanh. Năng suất trung bình cây 30 tuổi đạt 94,2 kg/cây (12 – 15 tấn/ha ). Đây là giống chín sớm, thời gian cho thu hoạch từ 5/5 đến 15/5. <Xem thêm>

Giống vải U Hồng

Vải U hồng tán có dạng hình cây rơm, tán cao phân cành thưa, tán thưa thoáng và không đều, thân chính có các rãnh vặn lõm vào thân, vỏ có màu xám trắng, cành cấp 1, cấp 2 tạo với thân chính một góc lớn hơn 50 độ. Vải chín vào giữa tháng 5 đầu tháng 6. Khi chín vỏ quả vẫn còn xanh, đỉnh quả vai nhô lên và có màu hồng (U hồng), ăn ngọt ít chua. <Xem thêm>

Giống vải Phú Hộ

Vải Phú Hộ là giống vải nhập nội từ Trung Quốc năm 1960 (có tên là vải Hắc Diệp (lá có mầu xanh đậm) và được trồng ở Phú Hộ thuộc tỉnh Phú Thọ.

Tán vải có dạng hình chóp cụt, thân chính tròn đều, có màu xám trắng, cành cấp 1 sinh trưởng mạnh, ưu thế chủ đạo tạo cho tán cây có các cấp cành chính trung tâm, vị trí phân cành cấp 2 từ cành cấp 1 thưa từ 70 cm – 1 m nên có bộ tán thưa, dễ dẫn đến hiện tượng khuyết tán.

Vải Phú Hộ: có 2 dạng quả, quả đít nhọn, hạt lép và quả đít bằng hạt to. Vỏ quả đỏ thắm, quả to, trọng lượng quả 30gr/quả, tỷ lệ cùi/quả 70%, ráo nước, chín sớm hơn vải Thanh Hà 5 – 7 ngày. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải

  1. Chuẩn bị trước khi trồng

Chọn giống vải phù hợp

Giống cây vải bằng phương pháp ghép được trồng trong túi bầu polietylen với kích thước tối thiểu: 10 x 22 cm, sở hữu sức tiếp hợp tốt, cành và gốc ghép phát triển đều nhau, phần vết ghép phải được gỡ bỏ hoàn toàn dây ghép, bộ rễ phát triển và sinh trưởng tốt, không mang theo các loại sâu bệnh nguy hiểm. Đường kính gốc ghép cách mặt đất 2 cm là 0,8 – 1 cm, cành ghép từ 0,5 – 0,7cm, chiều dài cành ghép khoảng 30 – 40 cm và có từ 2 – 3 cành cấp 1 trở lên. <Xem thêm>

Chọn đất

Cây vải không kén đất, quan trọng là đất phải thoát nước, tầng đất dày. Đối với trồng bằng cành chiết, do rễ phát triển kém nên khi đưa lên đồi phải giữ ẩm tốt và đảm bảo cho cây khỏi lay gốc nhằm giúp tăng tỷ lệ sống sau trồng cao. Với đất đồi, cần chọn nơi có độ dốc thấp dưới 25ºC, phải trồng theo đường đồng mức và có băng cây chống xói mòn. <Xem thêm>

Thời vụ trồng

Vải được trồng vào 2 vụ chính là vụ xuân và vụ thu. Vụ xuân là vào tháng 3 – 4, vụ thu trồng vào tháng 8 – 9 hàng năm. Mật độ trồng là 400 cây/ha, khoảng cách trồng: 6 m x 4 m. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật trồng vải

Làm đất và đào hố trồng

Đất được lên luống nhằm dễ thoát nước và chống ngập úng. Khi cần phải xử lý các vấn đề tiềm ẩn từ đất như dư lượng kim loại nặng, nitrate, xói mòn, ngập úng… ảnh hưởng đến cây và sức khỏe người dùng, tổ chức hay cá nhân sản xuất phải tham khảo tư vấn từ các chuyên gia và cần ghi chép, lưu trong hồ sơ những biện pháp xử lý. Trong khu vực trồng vải, nên hạn chế chăn thả vật nuôi vì sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nước. Nếu cần thiết phải chăn nuôi thì nên có chuồng, trại cũng như các biện pháp xử lý chất thải để đảm bảo không làm ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau thu hoạch.

Đào hố trồng vải cần dựa theo nguyên tắc: đất xấu đào to, đất tốt đào nhỏ. Kích thước hố thông thường là 0,8 mm x 0,8 m x 0,6 m (dài x rộng x sâu). Với vùng đồi đất xấu cần đào hố to hơn, kích thước 1m x 1m x 0,8m. <Xem thêm>

Thực hiện bón lót trước khi trồng

Bón lót cho 1 hố, sử dụng phân bón hữu cơ Organic 1 hoặc Organic Gold với lượng 1 – 3 kg/cây/lần. Khi đào, bố trí lớp đất mặt một bên, lớp đất dưới một bên. Lớp đất mặt trộn với tất cả lượng phân bón lót và lấp lên tới miệng hố, lớp đất dưới đáy tạo thành vòng xung quanh hố. Công đoạn đào hố trồng, bón lót được thực hiện trước khi trồng 1 tháng. <Xem thêm>

Cách trồng cây vải

Tạo một hố nhỏ chính giữa hố đào, xé bỏ túi bầu và cẩn thận đặt cây xuống hố, đặt bầu cây giống bằng cổ rễ hoặc thấp hơn mặt đất khoảng 2 – 3 cm, lấp đất và lấy tay nén chặt xung quanh gốc. Cắm cọc và sử dụng dây mềm buộc cố định cây nhằm hạn chế gió lay đứt rễ. Cần tủ gốc giữ ẩm cho cây sau khi trồng bằng rơm rạ hay cỏ khô rộng 0,8 – 1,0 m; dày 7 – 15 cm, cách gốc 5 – 10 cm. Vào mùa nắng nên sử dụng rơm rạ, cỏ khô, thân cây đậu đỗ, … giúp tủ gốc giữ ẩm cho cây cũng như hạn chế sự phát triển của cỏ dại. <Xem thêm>

  1. Cách chăm sóc cây vải đạt năng suất cao

Chăm sóc định kỳ

Phải cung cấp đủ nước cho cây, đặc biệt trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc sắp chín. Phòng trừ cỏ dại bằng cách phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh, xới phá váng sau mỗi trận mưa lớn. Làm cỏ vệ sinh cây vụ xuân vào tháng 1 – 2 và vụ thu tháng 8 – 9, xới sạch tất cả diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc khoảng 2 – 3 lần. <Xem thêm>

Kỹ thuật cắt tỉa, tạo hình

Tạo cành cấp 1: khi cây con đạt đến chiều cao 45 – 50 cm, phải bấm ngọn để tạo cành cấp 1. Chỉ chừa lại 3 – 4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Các cành cấp 1 này nên chọn cành khỏe, ít cong vẹo, cách nhau 7 – 10cm trên thân chính và tạo với thân chính một góc khoảng 450 – 600 để khung tán đều và thoáng.

Tạo cành cấp 2: khi cành cấp 1 dài 25 – 30 cm, cần bấm ngọn để tạo nên cành cấp 2. Trên cành cấp 1 thường giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về các góc độ và hướng.

Tạo cành cấp 3: cành cấp 3 chính là những cành tạo quả và mang quả cho các năm sau. Các cành này phải bố trí sao cho chúng không giao nhau và sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau để giúp cây quang hợp tốt. <Xem thêm>

  1. Phương pháp bón phân cho cây vải

Bón lót

Bón lót khi trồng cây vải thiều cần thực hiện trước khi tiến hành trồng đầy đủ. Việc bón lót cho loại cây lấy quả này chúng ta sử dụng từ 1 – 3 kg/cây/lần bằng phân hữu cơ Organic. Việc bón lót cần bón vào thời điểm làm đất giúp tăng độ phì nhiêu cho đất trồng, từ đó tạo điều kiện cho cây trồng có khả năng phát triển toàn diện từ những ngày đầu.

Bón lót cần kết hợp với xới xáo đất, làm cỏ, rắc vôi bột,… để có điều kiện trồng loại cây ăn quả lâu năm này lý tưởng nhất. Qua đó, việc trồng cây vải thiều sẽ diễn ra thuận lợi, cho nguồn thu đáng kể. <Xem thêm>

Bón thúc cho cây vải

Thực hiện bón thúc khi trồng cây vải thiều yêu cầu cần tiến hành đều đặn hàng năm, qua từng giai đoạn. Cây trồng có thể phát triển khỏe mạnh, ra hoa và kết trải chất lượng, cho năng suất cao. Đối với bón thúc trong từng thời điểm cụ thể chúng ta cần có sự cân đối hợp lý.

Đối với cây mới trồng: tiến hành bón thúc thành 3 – 4 đợt sau mỗi đợt lộc hoàn chỉnh. Việc bón thúc hỗ trợ giúp cây trồng được cung cấp đủ dưỡng chất để phát triển nhanh chóng, sớm cho ra trái. Sử dụng phân bón NPK Hà Lan 20 – 20 – 15, hoặc NPK Hà Lan 16 – 16 – 8,… bón cho cây vải thiều với liều lượng từ 0,5 – 1 kg/cây/lần.

Đối với cây trồng đang cho thu hoạch việc bón thúc thực hiện khoảng 3 lần cho mỗi mùa vụ. Cụ thể sẽ là:

Bón thúc lần 1: sử dụng từ 0.5 – 1kg/cây/lần phân bón NPK Hà Lan 20 – 20 – 15 cho lần đầu tiên vào thời điểm sau khi thu hoạch quả vào khoảng tháng 6 – 7 hàng năm.

Bón thúc lần 2: tiến hành bón thúc lần 2 vào thời điểm cây có nụ hoa, thường sẽ khoảng cuối tháng 1 hàng năm với 0,5 – 1kg/cây/lần phân bón NPK Hà Lan 20 – 20 – 15.

Bón thúc lần 3: sử dụng lượng phân bón NPK Hà Lan 17 – 7 – 17 là 0,5 – 1 kg/cây/lần bón vào thời điểm khoảng tháng 4 khi cây hình thành quả non và có cùi.

Việc bón thúc cho cây vải thiều chúng ta có thể rải đều lên bề mặt dưới tán cây khi thời tiết có mưa nhỏ, hoặc kết hợp bón phân và tưới ẩm. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng cách đào rãnh sâu từ 20 – 30 cm xung quanh gốc theo hình tán, bón phân xuống rãnh sau đó lấp đất mỏng, phủ một lớp rơm rạ hay cây phân xanh để giữ ẩm tốt hơn. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại trên cây vải

  1. Tình hình sâu hại trên cây vải

Sâu đục thân cành (Apriona germani Hope)

Đặc điểm gây hại: con trưởng thành (xén tóc) đẻ trứng vào các kẽ nứt trên thân, cành chính. Sâu non nở ra đục vào phần gỗ tạo ra các lỗ đục, trên vết đục xuất hiện lớp phân mùn cưa đùn ra. Thân chính bị đục sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cả cây. Cành bị đục có thể sẽ chết khô. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Phát hiện sớm vết đục, dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ đục để bắt sâu non.

Sau thu hoạch quét vôi vào gốc cây để diệt trứng. Bắt và diệt xén tóc (diệt trưởng thành).

Sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu đang được phép sử dụng, pha loãng, bơm trực tiếp vào các lỗ đục. Sau đó dùng đất dẻo bít miệng lỗ lại để diệt sâu. <Xem thêm>

Rệp sáp (Planococcus citri)

Đặc điểm gây hại: Rệp sáp xuất hiện từ khi giò hoa vươn dài đến khi quả non ổn định, mật độ rệp có thể lên rất cao (hàng 100 con/1 chùm hoa) gây cháy ngọn, thui hoa và quả. <Xem thêm>

Phòng trừ: Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít ảnh hưởng đến hoa, quả non, an toàn như các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Ema 5EC (dịch chiết từ cây khổ sâm, hoạt chất Matrine), Movento 150OD, Anboom 40EC; Các loại thuốc hóa học có hoạt chất Saponozit 46% + Saponin acid 32% (Sapono), Methidathion (Suprathion 40EC…), Etofenprox (Trebon 10EC) <Xem thêm>

Sâu đục quả

Đặc điểm gây hại: có nhiều loại sâu đục quả vải gây hại từ khi quả mới hình thành đến khi quả chín. Chúng không chỉ gây hại trên quả, một số sâu đục quả còn gây hại ở nhiều giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây vải: lá non, cành non, cuống hoa… Trưởng thành đẻ trứng trên lộc non, nhánh hoa và quả khi quả đang phát triển, sâu non nở ra đục qua lớp biểu bì ăn sâu vào hạt tập trung gần cuống quả làm rụng hoa, rụng quả, tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn xâm nhập gây thối quả. Ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng quả vải. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Biện pháp canh tác: làm tốt công tác vệ sinh vườn vải: cắt tỉa cành tạo tán, đảm bảo cây thông thoáng; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, cắt cỏ dại trong vườn và bờ rào để hạn chế nơi trú ẩn của sâu đục quả.

Biện pháp sinh học: sử dụng biện pháp IPM và ICM nhằm hạn chế tối đa việc dùng thuốc hoá học. <Xem thêm>

Khuyến khích các hoạt động bảo vệ quần thể thiên địch của sâu đục quả: các loài bắt mồi ăn thịt (bọ mắt vàng Chrysopa carnea (Stephens), bọ đuôi kìm Chelisoches morio (Fabricius)…) và 2 loài ong Chelonus sp. và Phanerotoma sp. ký sinh sâu non… nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong vườn vải, khai thác giá trị kinh tế của các loài thiên địch. <Xem thêm>

Biện pháp hóa học: do trứng sâu được đẻ trên hoa, quả và rất nhỏ nên khó phát hiện, đồng thời sâu non mới nở đã đục ngay vào trong quả nên rất khó phòng trừ. Do đó, tập trung phòng trừ pha trưởng thành của sâu đục quả bằng cách phun thuốc trừ sâu nhằm tiêu diệt trưởng thành, hoặc xua đuổi không cho chúng đẻ trứng lên cây, hoặc tiêu diệt sâu non ngay khi trứng mới nở. <Xem thêm>

Thời điểm phun thuốc: lưu ý giai đoạn hình thành quả và giai đoạn quả bắt đầu đỏ cuống. Trên vải sớm, các thời điểm từ ngày 10/03 – 15/03; từ 10/04 – 20/04 và 15/05 – 30/05 hàng năm. <Xem thêm>

Sử dụng thuốc: sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Sử dụng luân phiên các loại thuốc và ưu tiên các thuốc đặc hiệu, thuốc chọn lọc có tác động tiếp xúc, ít độc hại và thời gian phân hủy ngắn. Các thuốc có thời gian phân hủy dài, nếu sử dụng nên phun vào trước giai đoạn quả vải bắt đầu đỏ cuống để đảm bảo thời gian cách ly. <Xem thêm>

Loại thuốc: sử dụng các loại thuốc sinh học như Bacillus thuringiensis var. kurstaki (Thuricide HP, OF 36BIU); V – Bt (Bitadin WP, V – BT) và NPV (ViS1 1,5 x 109 PIB/g, Vicin – S 1011 PIB/g)…; Thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrine (Wotac 5EC, Ema 5EC); Anisaf SH – 01 2SL… Thuốc có nguồn gốc sinh học và hóa học chứa các hoạt chất như Abamectin (Catex 1.8EC, 3.6EC, Dibamec 1.8EC, 3.6EC, 5WG, Reasgant 1.8EC, 2WG, 3.6EC, 5EC, 5WG…); Emamectin benzoate (Dylan 2EC, Eagle 5EC, Emaben 2.0EC, 3.6WG, 60SG, Tasieu 1.0EC, 1.9EC, 2WG, 3EC, 5EC, 5WG…) <Xem thêm>

Nồng độ và liều lượng: dùng theo hướng dẫn của từng loại thuốc ghi trên nhãn thuốc.  

Cách sử dụng: phun đều cho toàn bộ số cây trong vườn kể cả những cây không có quả, tập trung phun vào phần các cành gốc phía trong tán cây và đặc biệt lưu ý các cây ở khu vực dưới chân đồi, các cây có tán lá rậm rạp. Việc phun thuốc cần được tiến hành đồng loạt trong cả cộng đồng mới mong đạt hiệu quả cao.

Dừng phun thuốc trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày. <Xem thêm>

  1. Tình hình bệnh hại trên cây vải

Bệnh sương mai (Phytophthora litchi Chen)

Đặc điểm gây hại: gây hại trên cành non, hoa, quả, đặc biệt là quả chín. Kết quả là trái cây bị rụng và thối rữa thậm chí còn gây ra bệnh khác trong thời gian bảo quản. Ban đầu vết bệnh là những vết có màu nâu không đều và tạo ra chất mốc trắng. Mốc lan rộng ra trong một thời gian ngắn và trở thành màu nâu, hoa quả bị thối và rò rỉ chất lỏng màu nâu và có mùi vị chua và nhạt. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Sau thu hoạch cắt tỉa, dọn cành khô, cành bệnh, quả rụng đem đốt cháy để hạn chế nguồn bệnh. Thực hiện quy trình cắt tỉa tạo cho cây thông thoáng.

Phun một trong các loại thuốc có thành phần hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 75WP, 500SC; Arygreen 75WP, 500SC…), Metalaxyl M, Mancozeb; Hexaconazole; Difenoconazole… (như thuốc Ridomil Gold 68WG, Anwinnong 100SC, Anvil 5SC, Score 250EC) để phòng trừ. <Xem thêm>

Bệnh thán thư (Colletotrichum sp.)

Đặc điểm gây hại: bệnh có thể gây hại các bộ phận cây như lá, hoa quả, chồi và cành non. Trên lá bệnh tạo thành các đốm màu nâu, khô, hình hơi tròn, vết bệnh phát triển lớn lên và liên kết nhau làm khô cháy một mảng lá, lá vàng úa và rụng, cây sinh trưởng kém. Trên hoa bị khô đen và rụng hàng loạt, quả non bị thối và rụng, là nguyên nhân quan trọng làm giảm năng suất quả. Trên quả đã lớn, bệnh tạo thành những đốm nâu trên vỏ, sau đó hằn sâu vào trong thịt quả, làm thối một mảng quả, vỏ có thể bị nứt ra. Bệnh còn làm lộc và chồi non bị quăn lại và khô đen, cây sinh trưởng kém và giảm số cành hoa. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ:

Sau thu hoạch cắt tỉa, làm cỏ, phát quang, quét vôi gốc, dọn cành khô, cành bệnh đốt cháy để hạn chế nguồn bệnh.

Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh: Kasugamycin (Kamsu 2SL, 4SL, 8WP); Kasugamycin + Ningnanmycin + Polyoxin B (Gallegold 46WP, 47SL, 71WP); Kasugamycin + Polyoxin (Yomisuper 22SC, 23WP) và có thể sử dụng các loại thuốc tương tự như phòng trừ bệnh sương mai. <Xem thêm>

Tài liệu tham khảo

Lâm Đồng Online (2024), Công dụng kỳ diệu của quả vải đối với sức khỏe và sắc đẹp. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://baolamdong.vn/khoa–hoc/202406/cong–dung–ky–dieu–cua–qua–vai–doi–voi–suc–khoe–va–sac–dep–b9b396d/

Cẩm nang cây trồng, Cây vải. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay–vai–cd68.html

Thanh Loan (2022), Quả vải ngin nhưng ăn thế nào để không bị nóng? Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/qua–vai–ngon–nhung–an–the–nao–de–khong–bi–nong–169220523151500659.htm

Hồng Sơn (2024), Lợi ích của quả vải đối với sức khỏe. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://thanhnien.vn/loi–ich–cua–qua–vai–doi–voi–suc–khoe–185240517182005911.htm

Nguyễn Quỳnh (2022), Nhiều tiềm năng cho vải thiều Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Truy cập ngày 9/9/2024, từ http://baotnvn.vn/tin–tuc/Kinh–te/17370/Nhieu–tiem–nang–cho–vai–thieu–Viet–Nam–vuon–ra–thi–truong–the–gioi

Hà Thu (2024), Kinh ngạc vùng trồng vải thiều lớn nhất thế giới. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://hanoionline.vn/video/kinh–ngac–vung–trong–vai–thieu–lon–nhat–the–gioi–240566.htm

Trần Bền (2019), Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu quả vải. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://nongnghiep.vn/viet–nam–dung–thu–2–the–gioi–ve–xuat–khau–qua–vai–d243111.html#:~:text=Qu%E1%BB%91c%20gia%20XK%20v%E1%BA%A3i%20l%E1%BB%9Bn,%25%20v%C3%A0%20Nam%20Phi%209%25.

Đào Quang Nghị và ctv (2021), Sổ tay hướng dẫn canh tác cây vải thích ứng với biến đổi khí hậu. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://apictt.tuyenquang.gov.vn/uploads/attachments/cay–vai–final.pdf

Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh ủy Bắc Giang (2024), Mùa vải thiều năm 2024: Toeei thụ thuận lợi, lập kỷ lục về giá. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://dcs.bacgiang.gov.vn/detail/–/asset_publisher/M0UUAFstbTMq/content/mua–vai–thieu–nam–2024–tieu–thu–thuan–loi–lap–ky–luc–ve–gia

Đào Kim Thoa và ctv, Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân về canh tác cây vải theo chuẩn VIETGAP. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://snnptnt.kontum.gov.vn/upload/104207/20240405/3_so_tay_ToF_cay_vai_205ff.pdf

Trung tâm cây giống – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải thiều. Truy cập ngày 9/9/2024, từ https://hocviennongnghiep.com/san–pham/ky–thuat–trong–va–cham–soc–cay–vai–thieu/

[1]. Phạm Văn Duệ (2005), Giáo trình kỹ thuật trồng cây ăn quả, Nhà xuất bản Hà Nội.

No Comments
  1. https://watchnow.gomuviz.com/

    Giới thiệu về cây vải – Thư Viện Thực Hành Nông Nghiệp Tốt

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.