Giới thiệu về cây tỏi
- Giới thiệu về cây tỏi và đặc điểm dinh dưỡng
Giới thiệu về cây tỏi
Tỏi (tên khoa học là Allium sativum L.), thuộc họ hành (Alliaceae), được con người sử dụng làm gia vị, thuốc, rau tươi như những loài họ hàng của nó là hành tây, hành ta, hành tím, tỏi tây, … <Xem thêm>
Nguồn gốc xuất xứ
Theo các nhà cổ sinh vật học, tỏi trồng (Allium sativum) có nguồn gốc từ Trung Á (Kazakhstan, Ouzbekistan và miền tây Trung Quốc, và là một trong những cây trồng cổ xưa nhất còn tồn tại trên thế giới. Hiện nay, tỏi được trồng khắp từ vùng có khí hậu nhiệt đới xích đạo (5⁰) đến 50⁰ vĩ tuyến ở cả 2 bán cầu. Ở Việt Nam, tỏi được trồng từ miền Bắc vào Nam, từ cao nguyên đên ven biển, hải đảo. <Xem thêm>
Thành phần dinh dưỡng và công dụng
- Thành phần dinh dưỡng
Tỏi rất giàu chất dinh dưỡng. Theo nghiên cứu, trong 100 g tỏi có chứa 6,36g protein, 33 g carbohydrates, 150 g calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho, …
Thành phần công hiệu chính trong tỏi là hợp chất hữu cơ sulfur và glycosides. Ngoài ra, trong tỏi còn có hàm lượng cao germanium và selen. Đặc biệt, hàm lượng germanium trong tỏi cao hơn so với các dược liệu như nhân sâm, trà xanh, trà đỏ, …
Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Trong tỏi tươi không có allicin tự do, chỉ có tiền chất của nó là alliin. Khi tỏi được băm nhuyễn, enzyme trong tỏi bị kích hoạt sẽ kích thích alliin hình thành allicin. <Xem thêm>
- Công dụng
Phòng và điều trị bệnh cảm cúm
Hợp chất sulfur trong tỏi sống có tác dụng kháng khuẩn mạnh, giúp giảm nguy cơ mắc Cảm cúm và nhiều căn bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Sử dụng tỏi sống trong chế độ ăn hàng ngày cũng có thể giúp tăng sức đề kháng và tăng khả năng phòng ngừa điều trị cảm cúm. <Xem thêm>
Phòng và ngừa bệnh ung thư
Tỏi có khả năng phòng và hỗ trợ bệnh ung thư, đặc biệt là Ung thư đường ruột. Bởi khả năng ức chế quá trình chuyển hóa nitrat thành nitrit trong dịch vị, đồng thời hỗ trợ ngăn chặn quá trình hình thành nitrosamine – một yếu tố gây ung thư.
Ngoài ra, germanium và selen có trong tỏi có thể giúp cơ thể chống lại sự đột biến tế bào và ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do. Các hoạt chất như diallyl disulphide, s – allystein và ajoene có khả năng làm chậm tốc độ tăng trưởng và giúp giảm kích thước của của các khối u. <Xem thêm>
Hỗ trợ xương khớp
Các thành phần trong tỏi bao gồm vitamin C, vitamin B6, mangan, kẽm, các chất chống oxy hóa và enzyme. Các chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình ngăn chặn sự hình thành các mô liên kết và giúp cải thiện khả năng hấp thụ canxi trong cơ thể, làm cho xương trở nên chắc khỏe hơn.
Đối với phụ nữ, ăn tỏi sống có thể giúp tăng cường nội tiết tố estrogen, giúp duy trì độ chắc khỏe và giảm nguy cơ loãng xương. <Xem thêm>
Phòng ngừa bệnh tim mạch
Tỏi giúp giảm mức Cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, đồng thời loại bỏ mảnh xơ vữa tích tụ trên thành mạch máu. Đồng thời, ăn tỏi làm chậm quá trình lão hóa của động mạch chủ, giúp duy trì sức khỏe của hệ tim mạch. Ngoài ra, tỏi còn có khả năng ức chế sự tích tụ của tiểu cầu, ngăn chặn sự hình thành huyết khối và tăng khả năng phòng ngừa bệnh tim mạch.
Tỏi cũng được biết đến với khả năng kiểm soát huyết áp bằng cách làm giảm độ nhớt của máu thông qua hoạt chất ajoene. Bên cạnh đó, các chất polysulfides và phân tử lưu huỳnh kích thích sản xuất các tế bào nội mạch và mạch máu, giúp cải thiện và kiểm soát huyết áp. <Xem thêm>
Hỗ trợ rối loạn cương dương
Việc ăn tỏi sống có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nam giới:
Tăng khả năng tình dục ở nam giới: tỏi chứa các hợp chất giúp tạo ra enzyme nitric oxide synthase, giúp cải thiện khả năng cương cứng ở nam giới, đặc biệt là những người mắc chứng nhược dương hoặc liệt dương.
Tăng số lượng tinh trùng: việc ăn 1 – 2 nhánh tỏi mỗi ngày trong khoảng 2 tháng có thể tăng số lượng tinh trùng trong tinh dịch, mang lại lợi ích cho sức khỏe sinh sản của nam giới. <Xem thêm>
- II. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ
Tiềm năng thị trường
Tỏi là một trong những cây gia vị dễ trồng, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ phát triển cực kì nhanh chóng, lợi dụng ưu điểm này, không ít gia đình thành thị đã sử dụng khoảng vườn nhỏ của mình để trồng. Tỏi từ lâu đã được con người biết đến không chỉ là đồ gia vị làm cho các món ăn thêm phần hấp dẫn và ngon miệng, mà còn là một vị thuốc chữa bệnh kỳ diệu của thiên nhiên. <Xem thêm>
Nhu cầu về tỏi đang tăng lên trong các ngành công nghiệp khác nhau, chẳng hạn như công nghiệp chế biến, nơi doanh số bán các sản phẩm dưa chua và cà ri cao. Tỏi cũng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm thảo dược, bao gồm bột nhão và thuốc. Loại rau này cũng nổi tiếng vì được sử dụng làm chất tạo hương vị trong nhiều món ăn khác nhau. <Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ tỏi trên thế giới
Châu Á – Thái Bình Dương thống trị thị trường tỏi, riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 80% sản lượng tỏi toàn cầu. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), năm 2020, sản lượng tỏi ở Trung Quốc là 20,8 triệu tấn, so với 20,7 triệu tấn vào năm 2019. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước tiêu thụ chiết xuất tỏi lớn nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Ở những vùng này, nó được sử dụng như một thành phần cơ bản trong việc chế biến các món ăn khác nhau. Tỏi được trồng tốt nhất ở vùng có khí hậu có nhiệt độ từ 12 – 24oC. <Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ tỏi tại Việt Nam
Tại Ninh Thuận, tỏi được trồng chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; trong đó, huyện Ninh Hải là vùng trồng tỏi tập trung lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 150ha. Theo kinh nghiệm của người dân, không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được loại tỏi ngon. Chính điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù ở các địa phương trên phù hợp cho cây tỏi phát triển. <Xem thêm>
Tại Lý Sơn, tổng sản lượng tỏi năm 2024 đạt 2.574 tấn, tăng 800 tấn so với năm ngoái. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lý Sơn cho biết năng suất mỗi ha tỏi đạt 7,8 tấn tươi, tăng 2,6 tấn so với cùng kỳ năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi và kỹ thuật canh tác cải thiện. Với giá thành ổn định, người trồng tỏi thu lãi từ 150 đến 180 triệu đồng mỗi ha. <Xem thêm>
III. Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng tỏi
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung
- Đặc điểm thực vật học của cây tỏi
Thân: thân thực hình trụ, phía dưới mang nhiều rễ phụ, phía trên mang nhiều lá.
Lá: lá cứng, hình dải, thẳng dài 15 – 50 cm, rộng 1 – 2,5 cm có rãnh khía, mép lá hơi ráp.
Củ, tép tỏi: ở mỗi nách lá phía gốc có một chồi nhỏ sau này phát triển thành một tép tỏi; các tép này nằm chung trong một cái bao (do các bẹ lá trước tạo ra) thành một củ tỏi tức là thân hành (giò) của tỏi. Củ tỏi nằm phía dưới mặt đất.
Hoa tỏi: hoa xếp thành tán ở ngọn thân trên một cán hoa dài 55 cm hay hơn. Cán hoa mọc trực tiếp từ củ tỏi, bao hoa màu trắng hay hồng bao bởi một cái mo dễ rụng tận cùng thành mũi nhọn dài. Hoa ra vào tháng 5 – 7, quả tháng 9 – 10. <Xem thêm>
- Đặc điểm sinh thái
Tỏi là cây chịu lạnh tốt, cây có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiệt độ18 – 20°C, còn để tạo củ thì cần từ 20 – 22°C. Tỏi ưa ánh sáng dài ngày, nếu có đủ nắng trong 12 giờ/ngày thì cây sẽ ra củ nhanh.
Tỏi cũng là loại cây ưa nước nhưng ở mức độ vừa phải. Nếu thiếu nước cây sẽ đanh lại, củ nhỏ còn nếu thừa nước thì sẽ gây ra hiện tượng úng củ, thối củ làm cho củ không giữ được lâu.
Tỏi được chia làm 2 loại:
Tỏi trắng: lá xanh đậm, to bản, củ to, đường kính khoảng 4 cm. Củ tỏi vỏ màu trắng nên gọi là tỏi trắng, loại tỏi này bảo quản kém.
Tỏi tía: lá dầy, cứng màu xanh nhạt, củ chắc và cay; dọc thân gần củ có màu tía. Củ tỏi tía nhỏ hơn củ tỏi trắng (dường kính 3,5 – 4 cm). Tỏi tía cỏ hương vị đặc biệt nên được trồng nhiều. <Xem thêm>
Các giống tỏi hiện nay
Tỏi được chia làm 2 loại là: tỏi cổ cứng và tỏi cổ mềm.
Tỏi cổ cứng dễ dàng bóc được vỏ hơn so với tỏi cổ mềm, tuy nhiên tỏi cổ mềm có thời gian bảo quản được lâu hơn.
- Tỏi sứ
Do hình dáng và màu sắc của tỏi trắng muốt như sứ nên tỏi được đặt tên như vậy. Đây là loại tỏi cổ cứng, mỗi củ tỏi chỉ chứa từ 4–5 tép tỏi. Tỏi sứ đẹp, giản dị, nhưng mùi tỏi rất mạnh. <Xem thêm>
- Tỏi sọc tím
Tỏi có vỏ ngoài trắng ngà có sọc tím xen kẽ, cũng là một loại tỏi cổ cứng, củ tỏi to hơn tỏi sứ, vị tỏi vẫn rất mạnh và đặc trưng. <Xem thêm>
- Tỏi Ý
Loại tỏi này có rất nhiều nhánh, mỗi củ có từ 7–9 nhánh tỏi, mùi vị hoang dã, những lại khó bảo quản rất nhanh bị mọc mầm. <Xem thêm>
- Tỏi tía
Tỏi tía được trồng tại các vùng bản địa vùng cao xã Pù Bin, Noong Luông Mai Châu, Hòa Bình. Rất nhiều người cất công lên tận vùng núi cao nguyên này để mua được loại tỏi gác bếp của người dân tộc.
Tên khoa học của Tỏi tía là Allium sativum, là loại tỏi củ nhỏ, vỏ màu tím, tép có màu vàng, chứa rất nhiều tinh dầu, vị cay, thơm. Tỏi tía là loại tỏi đặc sản của Việt Nam.
Chất lượng của tỏi tía chưa có một giống tỏi nào trên thế giới so sánh được. Tỏi tía có tác dụng hiệu quả cho những người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, huyết áp cao, cúm ho dai dẳng, giảm béo bụng. <Xem thêm>
- Tỏi Tây Ban Nha (Tỏi đỏ)
Tỏi của nước Tây Ban Nha có màu tím sẫm rất bắt mắt, một số loại có hương nhẹ, một số loại có lượng đường cao. Loại tỏi này cũng rất tốt và đặc biệt, chính vì thế Tây Ban Nha là nước có lượng tỏi xuất khẩu đi rất lớn, đặc biệt xuất khẩu cho thị trường Châu Âu. <Xem thêm>
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tỏi
- Thời vụ trồng
Ở đồng bằng sông Hồng, tỏi nằm trong công thức luân canh giữa 2 vụ lúa nên thời vụ thích hợp để trồng là 25/9 – 5/10, thu hoạch 30/1 – 5/2 vẫn đảm bảo đủ thời gian sinh trưởng và không ảnh hưởng đến thời vụ của lúa. Tuy nhiên, vì không có thời gian cho đất nghỉ nên việc làm đất phải tính toán từ chọn ruộng trồng đến chủ động chế độ nước cho lúa. Nếu để tỏi giống với thời gian sinh trưởng trên 140 ngày, tỏi phải trồng trên đất bãi ven sông, không cấy lúa xuân.
Ở khu vực miền Trung, tỏi trồng vào tháng 9 – 10, thu hoạch củ vào tháng 1 – 2. <Xem thêm>
- Làm đất, trồng củ
Đất trồng tỏi chọn chân vàn cao, dễ thoát nước sau khi gặt xong lúa mùa sớm, làm đất kỹ và lên luống ngay để tránh gặp mưa muộn. Luống rộng 1,2 – 1,5 m, rãnh 0,3 m. Sau khi lên luống, rạch hàng bón phân. Mỗi luống trồng 5 – 6 hàng, khoảng cách hàng 20 cm.
Ơ các vùng luân canh nhiều vụ/năm nên đất nhanh hết dinh dưỡng, phải thay đất mới. Muốn sản xuất, nông dân phải bồi lên trên 1 lớp đất thịt dày khoảng 2 cm. Sau khi đầm chặt lớp đất thịt, tiếp tục rải lên 1 lớp phân chuồng, sau đó phả lên 1 lớp cát được lấy từ biển cũng dày khoảng 2 cm rồi mới trồng tỏi. Lớp đất thịt có nhiệm vụ nuôi bộ rễ và bổ sung cho cây tỏi một số vi lượng. Còn lớp cát đá vôi được lấy từ biển trộn lẫn san hô vỡ vụn ở trên mặt tạo độ xốp giúp cho củ tỏi phát triển, nở to.
Tỏi giống chọn những nhánh từ củ chắc, khối lượng củ 12 – 15g, có 10 – 12 nhánh. Mỗi ha cần 1 tấn tỏi giống (37 kg/sào Bắc Bộ), khoảng cách trồng mỗi nhánh 8 – 10cm, ấn sâu xuống đất 2/3 nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên. Sau khi trồng, dùng rơm rạ băm nhỏ phủ một lớp dày 5 cm để giữ ẩm và hạn chế cỏ mọc. <Xem thêm>
- Bón phân
Tính cho 1 ha:
Bón lót, rải đều theo hàng và trộn kỹ: phân chuồng 15.000 –20.000 kg (nếu đất chua bón thêm 500 kg vôi bột). NPK – S 5 – 10 – 3 – 8: bón 660 – 720 kg.
Bón thúc 1 sau trồng 14 – 21 ngày: NPK – S 12 – 5 – 10 – 14: bón 190 – 220 kg.
Bón thúc 2 sau đợt 1 khoảng 20 – 25 ngày: NPK – S 12 – 5 – 10 – 14: bón 190 – 220 kg.
Bón thúc 3 sau đợt 2 khoảng 15 – 20 ngày: NPK – S 12 – 5 – 10 – 14: bón 190 – 220 kg.
- Chăm sóc
Tưới nước đều đến khi cây mọc và khi có 3 – 4 lá thật thì tưới nước rành, thấm lên dần. Cả thời gian sinh trưởng tưới 4 – 5 lần. Trước mỗi lần tưới rãnh nên kết hợp bón thúc phân NPK – S Lâm Thao 12 – 5 – 10 – 8. <Xem thêm>
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
- Sâu bệnh hại thường gặp trên cây tỏi
Sâu hại: Giòi dục lá (Liriomyza sp); Bọ trĩ (Thrips spp); Sâu khoang (Spodoptera litura); Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua); Nhện đỏ: (EotranychusFerrisiana virgata).
Bệnh hại: Bệnh sương mai (Peronospora destructor Unger.); Bệnh thối củ (Fusarium Basal Plate Rot); Bệnh than đen (Urocystis cepula Prost.); Bệnh thối rễ (Rhizoctonia solani); Bệnh thối nhũn (Erwinia carovatora); Bệnh khô đầu lá (Stemphylium botryosum). <Xem thêm>
- Biện pháp phòng trừ
Biện pháp canh tác: quản lý phòng trừ sâu bệnh hại theo hướng tổng hợp và an toàn (IPM): Sử dụng giống tỏi sạch bệnh; Luân canh cây trồng, vệ sinh đồng ruộng; Bón phân chuồng hoai mục; Tưới nước hợp lý; Bón phân cân đối.
Biện pháp hóa học: sử dụng thuốc BVTV trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hàng năm; Chú ý đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì trước khi sử dụng thuốc. <Xem thêm>
Tài liệu tham khảo
Lê Hồng Khánh (2024), Cây tỏi và tỏi Lý Sơn. Truy cập ngày 7/11/2024, từ https://nongnghiep.vn/tri–thuc–nong–dan/cay–toi–va–toi–ly–son–d379380.html
Tác dụng khi ăn tỏi sống đối với sức khỏe. Truy cập ngày 7/11/2024, từ https://www.vinmec.com/vie/bai–viet/tac–dung–khi–toi–song–voi–suc–khoe–vi
2023, Những tác dụng bất ngờ của tỏi đối với sức khỏe. Truy cập ngày 7/11/2024, từ https://hoanmy.com/toi/
Trần Thị Ngọc Hải (2022), Củ tỏi: vị thuốc tốt của mọi gia đình. Truy cập ngày 11/11/2014, từ https://ntt.edu.vn/cu–toi–vi–thuoc–tot–co–trong–moi–gia–dinh/
Nguyễn Thành (2024), Tỏi Ninh Thuận chính vụ được giá. Truy cập ngày 11/11/2014, từ https://dantocmiennui.vn/toi–ninh–thuan–chinh–vu–duoc–gia–post346629.html
Thi Hà (2024), Người trồng tỏi Lý Sơn “được mùa, được giá”. Truy cập ngày 11/11/2014, từ https://vnexpress.net/nguoi–trong–toi–ly–son–duoc–mua–duoc–gia–4782637.html
Cây tỏi. Truy cập ngày 11/11/2014, từ https://camnangcaytrong.com/cay–toi–cd53.html
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh Quãng Ngãi, Kỹ thuật thâm canh, bón phân đạt năng suất cao. Truy cập ngày 11/11/2014, từ https://lienhiephoi.quangngai.gov.vn/mnews.aspx?id=506
Kỹ thuật sản xuất tỏi Phan Rang trên đất cát Ninh Thuận. Truy cập ngày 11/11/2014, từ https://chicucttbvtv.binhthuan.gov.vn/UpLoaded/files/tthc/KY%20THUAT%20SAN%20XUAT%20TOI%201.pdf
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.