Giới thiệu về cây sen

  1. Giới thiệu về cây sen và đặc điểm dinh dưỡng

Giới thiệu về cây sen

Hoa sen là cây thực vật thủy sinh và có tên khoa học là Nelumbo nucifera, thuộc họ Nelumbonaceae. Trong tiếng Anh, hoa sen được gọi là lotus và trong tiếng Việt, hoa sen cũng được gọi với cái tên khác là liên hoa hay còn được mệnh danh là Quốc hoa của Việt Nam. Cũng vì đặc điểm này mà ngoài mục đích nuôi trồng để thu hoạch, sen còn được nuôi trồng với mục đích trang trí, tạo cảnh quanh đẹp cho các ao, hồ.<xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Về nguồn gốc lịch sử, Ai Cập chính là quê hương của các loài sen. Theo ghi chép cho thấy, từ thời cổ đại, cây sen đã mọc dọc bờ sông Nile. Về sau, người dân Ai Cập đã mang cây sen sang nhiều quốc gia khác như Assyria, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc,…

Cây sen cũng là loài thực vật có mặt từ lâu ở bán đảo Đông Dương. Còn hiện nay, cây sen cũng được trồng nhiều tại các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu. 

Tại Việt Nam, cây sen có mặt ở cả ba miền, trong đó phân bố nhiều nhất ở cả tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ngoài mọc hoang ở vùng sông hồ, ao,…, cây sen còn được quy hoạch, trồng để thu hoạch hoặc làm cảnh tại các vùng sông hồ, ao.<xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Trong hạt sen có chứa nhiều chất béo, chất đạm, sắt, phospho, tinh bộ, đường,…

Trong ngó sen có chứa nhiều vitamin C, đường glucoza, giàu tinh bột.

Lá sen có chứa chất ancaloid giúp giảm đau.

  1. Công dụng

 Tất cả các bộ phận của cây sen đều được sử dụng làm thuốc.

Củ sen làm thuốc bổ, nấu ăn trị bệnh tiêu chảy, kiết lị, bột củ đắp lên da trị bệnh dời ăn (ringworm) và các bệnh về da khác . Nó còn dùng cầm máu, điều kinh, chảy máu cam, tiểu ra máu (haematuria).

Lá sen có tính hàn, lợi tiểu và cầm máu. Lá được sử dụng để điều các bệnh như tiêu chảy, say nắng (Nấu chung với cam thảo), sốt cao, trỉ, tiểu gắt và bệnh phong. Lá sen sử dụng để thanh nhiệt trong mùa nắng và chống béo phì.

Hoa sen được nấu uống trị bệnh tim, trỉ, co thắt vùng bụng, cầm máu. Cuống hoa được dùng trong cầm máu viêm loét dạ dày, rối loạn kinh nguyệt. Nhụy sen có tác dụng bổ thận, thông huyết.

Hạt sen có chứa nhiều dược chất thuộc nhóm alkaloid,có tác dụng giảm huyết áp nhờ chất neferine, liensinine và benzylisoquinoline dimer, hạ nhịp tim với dược chất methylcorypalline, giảm cholesterol trong máu, cắt nôn hay làm dịu phản ứng co giật của hệ thống tiêu hóa. Hạt sen chín có tính bổ tì và được sử dụng để trị bệnh viêm ruột, bệnh tiêu chảy mãn tính, tăng tiết dịch và khí hư, cũng có tác dụng làm giảm đau, rất hiệu quả trong điều trị bệnh mất ngủ và đau tim.

Về giá trị dinh dưỡng, bột sen có hàm lượng bột đường và protein khá cao, ít chất béo. Hàm lượng calium cao, cần thiết cho phát triển xương, máu và chất dịch trong cơ thể.

Tâm sen có tác dụng an thần, trị mất ngủ, sốt cao với thần kinh căng thẳng, cao huyết áp.

Gương sen chứa protein, carbohydrate và mang lượng nhỏ alkaloid nelumbine, sử dụng để cầm máu, trị lo âu, sốt rét, tim đập nhanh.<xem thêm>

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Lá sen, ngó sen, hạt sen, tâm sen.

Thu hái: Theo thời vụ, một năm có hai vụ thu hoạch: tháng 1 dương lịch và tháng 6 dương lịch.

Chế biến: Cây sen có thể dùng để làm ra rất nhiều các bài thuốc, món ăn, món chè,… Chẳng hạn như:

Ngó sen: Được chế biến thành món nộm;

Lá sen: Dùng để làm thuốc, gói xôi, gói cốm;

Hạt sen: Dùng để nấu canh, nấu chè, nấu xôi;

Tâm sen: Dùng để sắc thuốc, phơi khô làm trà (trà tâm sen).

Cách bảo quản: Bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát. <xem thêm>

  1. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ

Tiềm năng thị trường

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt, cho biết loại củ sen này trồng ở miền Tây có thể trồng quanh năm, năng suất từ 5-7 tấn một vụ (4 tháng). Miền Tây có khoảng 3.000 ha trồng sen, song đa phần lấy hạt, chỉ 200 ha trồng lấy củ, khá ít so với nhu cầu.

Lễ công bố lô sen xuất khẩu sang Nhật Bản là hoạt động chính nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Sen Đồng Tháp lần II/2024 diễn ra từ 16-19/5/2024, đây cũng là lô sen xuất khẩu chính ngạch của tỉnh Đồng Tháp, tuy khối lượng không lớn (khoảng 15 tấn củ sen cấp đông), nhưng là tín hiệu tốt của thị trường xuất khẩu, qua đó ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Đồng Tháp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho Sen Đồng Tháp xâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.

Thời gian tới, cùng với những cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình thực thi các Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA, RECEP), hy vọng rằng nông sản của Đồng Tháp và đặc biệt là mặt hàng sen của Đồng Tháp sẽ thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản nhiều hơn.<xem thêm>

Sau 2 năm nghiên cứu, trải qua rất nhiều gian nan, vất vả, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận 65 tuổi (ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công vải lụa từ tơ sen. Với mong muốn lưu giữ những tâm huyết và giá trị từ cây sen, bà Thuận luôn đau đáu để truyền nghề cho các thế hệ sau. Thành công với kỹ thuật dệt mới, nghệ nhân Phan Thị Thuận lại trăn trở, suy nghĩ để làm ra một sản phẩm tơ mới. Sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Thứ sợi tơ chỉ có ở cuống sen, bộ phận thường bỏ đi trong cây sen đã đánh thức được tiềm năng rất lớn từ cây sen. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ sen trên thế giới

Sen được trồng nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, Nga và một số nước châu Phi. Sen cũng được trồng ở châu Âu và châu Mỹ nhưng với mục đích trang trí hơn là thực phẩm.

Sen được trồng ở Trung Quốc ít nhất từ thế kỹ 12 trước công nguyên (Herklot, 1972). Sen và củ được sử dụng làm thực phẩm hơn 3000 năm (Liu, 1994; Herklot, 1972).Sen được trồng khắp Trung Quốc, đặc biệt ở những tỉnh có nhiều ao hồ kênh rạch. Diện tích trồng sen của Trung Quốc trên 140.000 ha (Liu, 1994), năng suất sen bình quân 22,5 tấn củ/năm. Sản lượng trên 3 triệu tấn củ/năm. Thời vụ thu hoạch củ sen của Trung Quốc kéo dài từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau.

Có 3 loại sen được trồng ở Trung Quốc tùy vào mục đích sử dụng. Có những giống chuyên cho gương hay hạt sen (Lian-zi, Lian-mi), có những giống cho bông (Lian-hua, Her-ha) và có những giống cho củ sen (Lian-ngau, Ou-han). Trong những giống cho củ có màu sắc hoa, hàm lượng tinh bột trong hạt sen và chịu được các mực nước khác nhau. Ở Viện Nghiên cứu thực vật Wuban, Trung Quốc, có 125 giống sen trồng được đưa vào nghiên cứu. <xem thêm>

Hoa sen trồng trong các công viên quốc gia, chùa chiền, lăng tẩm Nhật với mục đích tạo sinh cảnh. Giống sen lấy củ được trồng ở một số ít tỉnh ở miền trung và miền nam nước Nhật. Diện tích sen canh tác năm 1998 là 4.900 ha, tập trung ở tỉnh Ibaragi (1650 ha), Tokuhima (711 ha), Aichi (474 ha), Saga (311 ha), Yamaguchi (309 ha), Niigata (278 ha) và Okayama (164 ha) (Anonymous, 2000).

Năm 1995, diện tích canh tác sen của Hàn Quốc là 291 ha, đạt sản lượng 9261 tấn củ (Anon, 1997). Năng suất củ sen trung bình của Hàn Quốc là 31,83 tấn/ha. Thời vụ thu hoạch củ sen từ tháng 8 đến tháng 12.

Cả nước Úc chỉ có 2 trang trại nằm ở phía bắc sản xuất 100 tấn/năm. Củ sen của Úc sản xuất thường to, dẹp, màu vàng sậm trong khi củ sen của Nhật kích thước trung bình, tròn, màu trắng sữa. Do đó nó không được các nhà hàng Nhật ở Úc chấp nhận.<xem thêm>Tình hình sản xuất và tiêu sen tại Việt Nam

Diện tích trồng sen toàn tỉnh đạt 1.838ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025, 1.400ha) trong đó ngoài vùng truyền thống ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, còn trồng mới tại các huyện Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông với 52 chủng loại giống sen. Một số vùng đã sản xuất theo hướng an toàn và tuần hoàn, bước đầu áp dụng cơ giới hóa bằng máy tách vỏ sen, tim sen.

Về liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm: Thành lập và ra mắt Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp với 125 hội viên, hoạt động khá sôi nổi. Tỉnh có 22 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ các bộ phận của cây sen như lá sen (chiếm 27%), hạt sen (23%), hoa sen (22%), củ sen (9%), gương sen (9%), thân sen (7%) và ngó sen (3%). Có hơn 100 sản phẩm chế biến từ sen, trong đó, có 59 sản phẩm OCOP, gồm 30 sản phẩm OCOP 3 sao, 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. <xem thêm>

Ngoài ra, còn các sản phẩm tiềm năng từ sen khác như: dùng trong tặng phẩm (tranh từ sen, xâu chuỗi hạt sen, sách từ sen); dùng trong mỹ phẩm (nước hoa sen, son sen,…); dùng trong gia dụng hàng ngày (xà bông sen, nhang sen, nón lá sen, giấy sen.); dùng trong may dệt may, thời trang (tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi lá sen)…

Việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã hình thành một số hợp đồng liên kết theo hướng bền vững từ việc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, tuy nhiên phạm vi quy mô liên kết còn hạn chế, 90% lượng sen còn được tiêu thụ qua kênh thương lái. <xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng sen

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Sen là loài thực vật thủy sinh, rể, thân, cuốn lá đều nằm dưới mặt nước, chỉ có phiến lá nằm ngay mặt nước và cuốn hoa vươn khỏi mặt nước.

Thân: Thân sen là thân ngầm dạng củ mọc trong bùn, còn được gọi là củ sen. Củ có hình thuôn dài, thịt củ màu trắng, ăn được, có nhiều ngăn trống xếp theo vòng đồng tâm với trục củ.

Rễ: Rễ mọc từ củ sen hoặc từ đốt rễ, có nhiều nhánh mọc lan tỏa trong bùn.

Lá: Gồm có cuốn lá hình trụ mọc từ thân ngầm, có nhiều gai, nằm trong nước. Phiến lá to hình tròn đường kính 30-60 cm, góc lõm, mọc vươn khỏi mặt nước. <xem thêm>

Hoa: Hoa thường mọc trên các thân to và nhô cao vài mươi cm phía trên mặt nước. Có nhiều giống sen được trồng, với màu hoa dao động từ màu trắng như tuyết tới màu vàng hay hồng nhạt.

Quả: Là gương sen xốp, có 10-20 hạt đính trong thịt quả, quả nhô khỏi mặt nước.

Hạt: Hình thuôn ngắn, kích thước 10x 15 cm. <xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh thái

Đất

     Đất có tầng canh tác từ 20 – 40 cm, đất có tác dụng giúp rễ cây bám vào và phát triển, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, ổn định pH. Để thuận tiện cho cây sen phát triển và thu hoạch. <xem thêm>

Thời tiết

     Cây sen cần nhiệt độ ấm của vùng nhiệt đới, trung bình là 25oC. Sen không tăng trưởng ở vùng bị sương giá do nó rất nhạy cảm với nhiệt độ lạnh. Do đó thời vụ trồng sen cần bố trí trong mùa nắng, lúc có ánh sáng ngày dài<xem thêm>

Chất lượng nước

     Chất lượng nước rất quan trọng để sen tăng trưởng tốt. Khi mới trồng xong cần giữ mực nước trong ruộng 20-25 cm, giúp nhanh bén rễ. Sau đó, cho mực nước tăng dần theo sự sinh trưởng của cây. Mực nước trong ruộng cần giữ ở mức 40-50cm là tốt nhất. Thay đổi độ sâu sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ nước. Độ sâu càng tăng, tính giữ nhiệt càng kéo dài. Nước sâu quá sẽ ảnh hưởng đến phát triển bộ rễ vì việc vận chuyển không khí từ lá qua hệ thống vận chuyển khí gặp trở ngại. <xem thêm>

Các giống sen hiện nay

  1. Sen Quan Âm hồng (Bách Diệp đỏ Hồ Tây):

Sen Bách Diệp là giống sen được trồng lâu đời ở khu vực Hồ Tây – Hà Nội. Loài sen có tên Bách Diệp vì mỗi bông hoa có tới 100 cánh. Hạt sen sắp xếp thành 3 vòng tròn đồng tâm trên gương sen, vòng thứ nhất gồm 1-5 hạt, vòng thứ hai gồm 5-12 hạt và vòng thứ 3 gồm từ 10-17 hạt. Đặc trưng dễ nhận biết của sen Bách Diệp là cánh hoa kép, màu hồng, hương thơm lâu và đượm. Đây là loài sen duy nhất dùng để ướp trà sen, loại trà “thượng hạng” với giá trị có khi lên tới cả chục triệu đồng một kilogam.

Đặc biệt, giống sen Quan Âm còn có màu trắng được gọi là Sen Bách Diệp trắng Hồ tây. Sen Bách Diệp Hồ Tây là giống quý đang dần thoái hóa cần được bảo tồn. Hiện tại, các nhà khoa học của Trung tâm Tài nguyên Thực vật đã xây dựng thành công quy trình nhân giống sen Hồ Tây bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. <xem thêm>

  1. Sen mặt bằng Ba Vì (Sen Hoàng Yến): 

Được trồng hàng trăm năm ở Ba Vì Hà Nội. Là loại hoa sen siêng hoa nhất trong các giống sen, được gọi là sen 4 mùa vì Xuân, Hạ, Thu, Đông mùa nào cũng khoe sắc.  Hoa có dạng bát, cánh đơn, có từ 15 – 25 cánh hoa/bông,  cánh hoa màu hồng trắng, có rất nhiều nhị, hoa nhanh tàn, nhưng hạt nhiều, to, dùng để lấy hạt tươi, và hạt già. <xem thêm>

  1. Sen Lucky Pink: 

Giống sen mini nhập này nở hoa phát triển quanh năm. Lucky pink nở có viền cánh màu hồng đậm, có nhiều cánh xếp thành nhiều lớp, có lá đứng, chiều cao cây tầm khoảng 15 đến 30 cm. Khoảng 30- 40 ngày từ lúc bắt đầu trồng sẽ cho nụ. Sen mini không cần diện tích quá lớn như kiểu giống sen trồng đầm lầy nên không gian thích hợp trồng ở phòng khách, mái hiên, ban công, trồng trong chậu nhỏ để bàn. <xem thêm>

  1. Sen Juwaba (sen Thái):

Sen juwaba hoa nở màu hồng, có nhiều cánh xếp thành nhiều lớp, có lá đứng, là loại sen tầm trung. Khoảng 30- 40 ngày từ lúc bắt đầu trồng sẽ cho nụ, cây siêng hoa, hoa phát triển quanh năm nhiều màu sắc. Là giống sen mini không cần diện tích quá lớn như kiểu giống sen trồng đầm lầy. Rất thích hợp trồng chậu ở phòng khách, mái hiên, ban công…<xem thêm>

  1. Drop Blood (sen mini đỏ huyết): 

Cây hoa sen nhập đỏ huyết Drop Blood là một trong 6 dòng sen quý hiếm được cộng đồng yêu hoa sen tại Việt Nam săn đón. Với màu hoa đỏ ấn tượng cùng tần suất ra hoa liên tục. Sen mini đỏ huyết đã chiếm trọn cảm tình của người yêu hoa. Hoa có cấu tạo nhiều tầng cánh với từ 5 đến 8 lớp cánh hoa màu đỏ đậm, hoa có đường kính từ 18 đến 25 cm có lớp cánh ngoài cùng to nhất, tiếp đến là những lớp cánh trong có tiết diện cánh nhỏ hơn cánh ngoài một chút, cánh hoa mang màu đỏ chói khi nhìn từ xa trông bông Sen huyết như ngọn lửa đỏ chói đang tỏa sáng rực rỡ mang đến cảm giác hứng khởi, thu hút thị giác bởi gam màu mạnh. <xem thêm>

  1. Sen Ngàn cánh S1000: 

Giống sen nhập, cây cao, sinh trưởng khỏe. Hoa có dạng tròn, có từ 900 – 1000 cánh hoa/bông,  cánh màu hồng, hoa bền, đẹp, dùng để lấy hoa cắm lọ, làm cảnh, lấy ngó, lấy lá làm trà. Thích hợp trồng ao, hồ, ruộng trũng, hoặc trồng chậu làm  cảnh. <xem thêm>

  1. Sen Phật âm:

Giống trong nước, cây cao, sinh trưởng khỏe. Hoa có dạng tròn, có từ 100 – 200 cánh hoa/bông, cánh màu hoa trắng phớt hồng, nhị hoa màu  vàng, hoa bền, đẹp, dùng để lấy hoa cắm lọ, làm cảnh, lấy ngó, lấy lá làm trà. Thích hợp trồng ao, hồ, ruộng trũng, hoặc trồng chậu làm  cảnh. <xem thêm>

  1. Sen Trắng kép: 

Giống sen ngoại nhập, cây cao, sinh trưởng khỏe. Hoa có dạng bát, có từ 900 – 1000 cánh hoa/bông, cánh màu hoa trắng, nhị hoa màu vàng xanh, hoa bền, đẹp, dùng để lấy hoa cắm lọ, làm cảnh, lấy ngó, lấy lá làm trà. Thích hợp trồng ao, hồ, ruộng trũng, hoặc trồng chậu làm  cảnh. <xem thêm>

  1. Sen Hồng cánh đơn: 

Giống mới lai tạo, cây cao, sinh trưởng khỏe. Hoa có dạng bát, có từ 100 – 200 cánh hoa/bông, cánh màu hồng, nhị hoa màu vàng, hoa bền, đẹp, dùng để lấy hoa cắm lọ, làm cảnh, lấy ngó, lấy lá làm trà . Thích hợp trồng ao, hồ, ruộng trũng, hoặc trồng chậu làm  cảnh. <xem thêm>

  1. Sen Hồng kép:  

Giống trong nước, cây cao, sinh trưởng khỏe. Hoa có dạng bát, có từ 600 – 800 cánh hoa/bông, cánh màu hồng phớ trắng, nhị hoa màu vàng, hoa bền, đẹp, dùng để lấy hoa cắm lọ, làm cảnh, lấy ngó, lấy lá làm trà. Thích hợp trồng ao, hồ, ruộng trũng, hoặc trồng chậu làm  cảnh. <xem thêm>

  1. Sen Quan âm trắng:

Giống trong nước, cây cao, sinh trưởng khỏe. Hoa có dạng bát, có từ 900 – 1000 cánh hoa/bông, cánh màu hoa trắng xanh, nhị hoa màu vàng, hoa bền, đẹp, dùng để lấy hoa cắm lọ, làm cảnh, lấy ngó, lấy lá làm trà. Thích hợp trồng ao, hồ, ruộng trũng, hoặc trồng chậu làm  cảnh. <xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Bố trí thời vụ

Thời vụ xuống giống: Tập trung xuống giống vào tháng 4 tháng 5 dương lịch để có thu hoạch vào tháng 9 – 10 dương lịch.

Bố trí vùng sản xuất: Nên quy hoạch trồng sen ở những vùng đất thấp trũng của huyện, đất kém hiệu quả tuy nhiên phải quan tâm thiết kế bờ bao vững chắc chủ động được khâu điều chỉnh mực nước thích hợp cho cây sen sinh trưởng phát triển.<xem thêm>

  1. Chọn giống

     Cây sen hiện có 2 giống phổ biến: Giống dùng lấy hạt có kích thước thân, lá, hoa, gương to hơn, đặc biệt hoa có màu hồng sậm, dân gian thường gọi là “Sen Trâu”. Giống có thân, lá, hoa, gương nhỏ hơn, hoa có màu hồng phấn thường cho năng suất thấp hơn. Do vậy, khi trồng cần chú ý chọn đúng giống.

     Giống trồng có thể lấy hạt hoặc lấy ngó (thân ngầm) để trồng, nhưng thường dùng ngó trồng để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây sen. Giống Sen đem trồng phải đạt 2 tiêu chuẩn: Có 2-3 lá mập khỏe, đường kính lá lớn của cây giống là 30cm, không để cây dập lá hay gãy cọng hoặc gãy thân ngầm. Nếu gieo hạt cần tiến hành loại bỏ vỏ phía đầu, ủ hạt ở nhiệt độ 25-300C trong môi trường cát bão hòa nước đã khử trùng nhằm tránh bị nhiễm mầm bệnh thì sau 7-10 ngày cây sen sẽ mọc, sau đó tách ra để trồng. (Thời gian từ gieo hạt đến lấy giống để trồng là 25 ngày). <xem thêm>

  1. Chuẩn bị đất:

     Ruộng trồng sen cần được đắp bờ bao hoàn chỉnh để giữ được mực nước trong ruộng theo yêu cầu kỹ thuật của từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây sen. Đất trồng sen cần cày bừa kỹ, mặt ruộng phải bằng phẳng để dễ thâm canh.

     Đáy hồ cần được bằng phẳng, có lớp sét giữ nước. Lớp đất mặt tơi xốp rất cần thiết và độ dày của nó tùy thuộc vào loại giống. Có thể tiến hành bón vôi, nhất là đối với đất phèn. <xem thêm>

  1. Kỹ thuật trồng:

Cách trồng: Cây con sau khi bứng từ ruộng sen phải được giữ nơi thoáng mát, đem ra cấy khi ruộng đã được cày bừa kỹ. Cần tránh gãy ngó, không nên trồng quá sâu cây lâu bén rễ, không nên quá nông cây dễ bị nỗi. 

Đặt hom: Đặt hom củ khi nhiệt độ ấm, hom được đặt theo hàng, khoảng cách trồng 1.5m x 2m/hom, trồng cách bờ 1,5-2m. 

Mật độ 3.400 hom/ha.

Sau khi trồng xong cần giữ mực nước trong ruộng 20-25 cm, giúp nhanh bén rễ. Khoảng 10 ngày sau, cần theo dõi và trồng dặm ngay. Sau đó cho mực nước tăng dần theo sự sinh trưởng của cây. Mực nước trong ruộng cần giữ ở mức 40-50cm là tốt nhất. <xem thêm>

  1. Phân bón: Tính cho 1 ha (10.000 m2)

Lượng phân

Phân Đạm Urê:            152 kg

Phân Supe lân:            150 kg

Phân Kali:                    100 kg

Phân HC sinh học:       1.500 kg

Vôi bột:                       150 kg

Cách bón

    Phân bón được chia làm 3 lần để bón:

Bón lót trước khi trồng: 75kg phân Supe lân + 1.500kg phân HC sinh học

Bón thúc lần thứ nhất 1 tháng sau khi trồng: 25kg phân Kali + 76kg phân đạm Urê.

Bón thúc lần thứ hai (50 – 60 ngày trồng): 50kg phân Kali + 75kg phân Supe lân.

Bón thúc lần thứ ba (75 – 80 ngày trồng): 25kg phân Kali + 76kg phân Đạm ure.

     Lưu ý: Vôi được bón xử lý đất trước khi cày bừa lần cuối từ 7-10 ngày. <xem thêm>

  1. Thu hoạch

     Thu hái là một trong những khâu quan trọng nhằm đảm bảo sản lượng và chất lượng của hạt sen. Thời gian thu hoạch: Từ khi ra hoa đến 25-27 ngày sau bắt đầu thu hoạch. Khi sen già trên đỉnh hạt xuất hiện màu đen, ở cuống đài sen có màu hồng thì thu hoạch được. Không nên thu hoạch khi sen còn non hoặc để sen quá già mới thu hoạch làm giảm chất lượng và hiệu quả.

     Nên thu hoạch 2 ngày/lần để hạn chế hái sót tạo sen quá lứa khó chế biến vì sen già rất nhanh. Khi thu hoạch trái thì kết hợp loại bỏ lá ở ngay cùng vị trí cuống, bông để giúp cây phát triển tiếp vì lá này sau khi đã thu gương nó trở nên vô hiệu. Nếu để chúng phát triển tiếp tạo sự cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng với các lá khác nhất là các nơi phát triển ảnh hưởng lớn đến năng suất sau này. <xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Sâu hại:

Đối tượng sâu hại quan trọng nhất đối với cây sen là sâu xanh Heliothis sp. Sâu non tấn công lá chỉ vài ngày sau khi có lá thật xuất hiện, lúc đầu chỉ ăn vài lỗ nhỏ, khi sâu lớn lá chỉ còn phần gân. Sâu hại bông và cả gương sen. Sâu kháng thuốc rất nhanh vì vậy cần phun sớm.

Bọ trĩ chích hút làm lá bị quăn, không bung ra được. Mặt dưới của lá có những vết trích màu vàng, khi nặng dần chuyển sang màu nâu. Lá bị co làm giảm khả năng quang hợp, cuống bị chai sần, quăn queo, đài (gương) nhỏ và méo mó, hạt sen thu sẽ không chắc hoặc bị thoái hoá. <xem thêm>

Nhện đỏ, bọ trĩ sử dụng thuốc trừ Tria 12 SC, với lượng 28 gói/ha, phun 2 lần.

Bệnh hại: 

Phổ biến là bệnh đốm phấn do nấm Erysiphe polygoni, Cercospora, Ovularia sp  Cylindrocladium hawkesworthii gây ra. Bệnh làm giảm quang hợp, ảnh hưởng đến năng xuất.

Phòng trừ loại bệnh trên sử dụng thuốc trừ bệnh Vosong 80WP với lượng 28 gói/ha/lần, phun kép 2 lần. <xem thêm>

Tài liệu tham khảo

Cẩm nang cây trồng, Cây hoa sen. Truy cập ngày 03/09/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay-hoa-sen-cd1128.html

Khuyến nông Ninh Bình (2023), Kỹ thuật trồng và chăm sóc Se. Truy cập ngày 03/09/2024, từ https://khuyennongninhbinh.gov.vn/trong-trot/quy-trinh-trong-sen-tham-canh-lay-hat-798.html

Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Ninh Bình – Diễn đàn tri thức tỉnh Ninh Bình (2017), Giá trị dinh dưỡng và y học của cây sen. Truy cập ngày 03/09/2024, từ https://khoahockythuat.ninhbinh.gov.vn/pho-bien-kien-thuc/gia-tri-dinh-duong-va-y-hoc-cua-cay-sen-1027.html

Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố Hà Nội, Người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công vải lụa từ tơ sen.  Truy cập ngày 04/09/2024, từ https://sonnptnt.hanoi.gov.vn/cat141/6378/Nguoi-dau-tien-o-Viet-Nam-san-xuat-thanh-cong-vai-lua-tu-to-sen

Nông nghiệp Việt Nam (2024), Diện tích trồng sen Đồng Tháp vượt 31% chỉ tiêu đến năm 2025. Truy cập ngày 04/09/2024, từ https://nongnghiep.vn/dien-tich-trong-sen-dong-thap-vuot-31-chi-tieu-den-nam-2025-d392889.html

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.