Giới thiệu về cây sầu riêng
Giới thiệu về cây sầu riêng
Cây sầu riêng được biết đến là một loại trái cây nhiệt đới có tên khoa học là Durian, sầu riêng còn có tên La-tinh là Durio zibethinus Murr. Sầu riêng, được biết đến như “vua của các loại trái cây” với hương vị đặc trưng, ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi hơn với cuộc sống con người, đồng thời đóng góp ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế và đặc biệt là những người mê sầu riêng. <xem thêm>
Nguồn gốc và xuất xứ
Cây sầu riêng có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, ở Malaysia và Indonesia. Hiện nay cây sầu riêng được trồng nhiều ở Thái Lan, Malaysia, Inđônêsia, Việt Nam, Mianma, Philippin, Campuchia, Lào, ngoài ra còn trồng ở Ấn Độ, Srilanca, Brunây. <xem thêm>
Giá trị dinh dưỡng và công dụng
- Giá trị dinh dưỡng
Sầu riêng là một loại quả rất bổ, các giá trị về calo, đường, đạm, chất béo, chất khoáng đều rất cao so với các loại quả khác. Sầu riêng có nhiều vi chất tốt: sắt, photpho, vitamin C và folate, nhiều kali và magiê tốt cho sức khỏe của xương.
Trong 200 gram cơm sầu riêng có khoảng 300 – 390 calo, cơ thể sẽ được cung cấp khoảng 38% lượng vitamin B6; 80% vitamin C; 25% đồng; 61% thiamine; 30% kali; 18% magiê; 39% lượng mangan; 29% riboflavin; 22% folate và 13% niacin một người cần mỗi ngày.
Hạt/hột sầu riêng chứa 3,1% protit, 0,4% lipit, các chất P, Na, K, Ca, Mg, Fe, vitamin B1, B2, C… do đó cũng được sử dụng làm thức ăn và làm thuốc bổ dưỡng. Bột hạt sầu riêng được dùng làm chất phụ gia trong chế biến kẹo, mứt… Rễ và lá làm thuốc hạ sốt, trị vàng da do gan. Vỏ thân cây sầu riêng dùng nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da và diệt chấy, rận, rệp… Vỏ quả sầu riêng còn được dùng làm thuốc bổ khí, chữa đầy bụng, khó tiêu, ho do hàn, cảm sốt. Sau khi ăn người ta lấy vỏ rửa sạch, dùng 15 – 20g thái nhỏ nấu nước uống/ngày hoặc thái lát mỏng, phơi khô để dùng dần. <xem thêm>
- Công dụng
Sầu riêng có thể được ăn trực tiếp như trái cây tráng miệng, hoặc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như kem, chè, xôi, sinh tố, bánh crepe sầu riêng…
Cải thiện tâm trạng: Sầu riêng chứa axit amin tryptophan giúp sản xuất chất dẫn truyền thần kinh serotonin, tạo cho ta cảm giác hạnh phúc, bình tĩnh và thư giãn, cải thiện tâm trạng sau khi ăn sầu riêng.
– Cải thiện tiêu hóa: Sầu riêng chứa một lượng lớn chất xơ, cả hòa tan và không hòa tan, có thể ngăn ngừa các vấn đề về dạ dày như táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Sầu riêng chứa lượng kali cao, tốt cho quá trình lưu thông máu, tốt cho người huyết áp cao.
Các hợp chất thực vật có trong sầu riêng có tác dụng giảm mức cholesterol, ngăn chặn các tình trạng xơ cứng động mạch nên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, nó cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan do tích tụ chất béo trong gan.
Điều hòa lượng đường trong máu: Sầu riêng có chỉ số đường huyết thấp. Do đó, sau khi ăn sầu riêng, lượng đường trong máu không tăng nhanh. Điều này có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường để điều chỉnh lượng đường trong máu.
Giảm nguy cơ ung thư: Sầu riêng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp loại trừ các gốc tự do ra khỏi cơ thể, làm giảm nguy cơ ung thư.
Tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe làn da: 100g sầu riêng đáp ứng 24% lượng vitamin C hằng ngày, giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, vitamin C giúp bạch cầu hoạt động tốt hơn.<xem thêm>
Giá trị kinh tế
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu.
Năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000 – 190.000 đồng/kg, cao hơn năm 2021 từ 20.000 – 90.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, nhiều nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang thu được lợi nhuận từ 1 – 2 tỷ đồng/ha nên rất phấn khởi.
Năm 2023 tại các vùng chuyên canh huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Cái Bè,… thương lái thu mua sầu riêng giá từ 90.000 – 120.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, cao kỷ lục so với các loại trái cây đặc sản khác của địa phương. Sầu riêng Tiền Giang đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha. Với giá trên, mỗi ha sầu riêng đạt giá trị sản lượng từ 2,2 – 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí, bà con còn lãi từ 1,2 – 1,4 tỷ đồng. Nhờ vụ sầu riêng bội thu, nhiều nông dân đã tạo dựng cơ nghiệp vững bền.<xem thêm>
Tiềm năng thị trường
Trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đem về 2,2 tỷ USD; trong đó riêng thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 493.000 tấn, với kim ngạch 2,1 tỷ USD, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022. Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh từ 5% năm 2022 lên 34,6% năm 2023. Số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cũng cho thấy xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sầu riêng vẫn giữ “ngôi vương” với kim ngạch hơn 500 triệu USD, tăng khoảng 30%.<xem thêm>
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm 2023, Trung Quốc chi trên 6,7 tỷ USD (trên 1,4 tấn) để nhập sầu riêng. Trong đó, sầu riêng Thái Lan khoảng 928.000 tấn (trên 4,5 tỷ USD); Việt Nam gần 494.000 tấn (trên 2,1 tỷ USD); Philippines trên 3.700 tấn (13,2 triệu USD). Hiện Bộ NN-PTNT đang đàm phán với Ấn Độ để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch và đang đàm phán xuất sầu riêng cấp đông vào Trung Quốc, như vậy, dư địa xuất khẩu sầu riêng là rất lớn. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường thì chất lượng vẫn là yếu tố quyết định.<xem thêm>
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển
Sầu riêng là cây ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao, không ưa với khí hậu nóng và khô hanh, Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây sinh trưởng phát triển từ 24-30oC. Dưới 22 và trên 40oC đều không thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển, ra hoa và đậu quả sầu riêng.
Sầu riêng là cây ưa ẩm nhưng không được đọng nước. thích hợp vùng có lượng mưa khoảng 2.000mm/năm, có thể trên 3.000mm nhưng phân bổ đều trong năm, không chịu đất phèn, mặn và úng, phát triển kém trên đất sét nặng, cây sầu riêng không chịu được gió mạnh vì là loại thân gỗ yếu và có bộ rễ nông.
Cây sầu riêng là loại cây thuộc thân gỗ cao lớn. Nó có thể mọc cao từ 20 đến 30m có tán lá thưa. Thân cây mọc thẳng. Vỏ của cây thường có màu nâu vàng thô ráp. Cây có đường kính lên đến 1,2 m, lá thường xanh, hình elip đến thuôn dài và dài 10 -18cm. Lá đơn, mọc so le, phiến lá dày hình trứng thuôn dài, mặt dưới màu hơi ánh vàng.
Cụm hoa thường mọc treo trên cành cây và theo từng chùm với mỗi chùm từ 1 đến 15 hoa. Những bông hoa được tạo thành từ ba đến ba mươi cụm cùng nhau trên các cành lớn và trực tiếp trên thân cây với mỗi bông hoa có một đài hoa (đài hoa) và năm (hiếm khi bốn hoặc sáu) cánh hoa. Hoa to và có nhiều lông với nhiều mật hoa và tỏa ra mùi nặng, chua và bơ.
Quả sầu riêng non thay đổi từ màu xanh nâu sang xanh vàng. Quả tăng trưởng nhanh từ tuần thứ 5. Quả tăng trưởng nhanh từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 13, sau đó chậm dần, đến tuần thứ 16 thì quả chín.<xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng trên Thế giới
Sầu riêng là loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều ở các nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Campuchia…
Theo số liệu thống kê năm 2021 (Manakit Somboon, 2022) Indonesia có sản lượng sầu riêng đứng đầu thế giới với khoảng 1,37 triệu tấn, tiếp theo là Thái Lan (1,11 triệu tấn). Việt Nam đứng thứ ba với 0,67 triệu tấn, tiếp theo là Malaysia (Mã Lai), Philippines, Campuchia. Mặc dù là quốc gia có sản lượng sầu riêng lớn nhưng sầu riêng Indonesia chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, chỉ có một ít xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và Trung Quốc nên sầu riêng Indonesia hầu như không cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Sầu riêng ở Thái Lan được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Đông giáp Campuchia và các tỉnh phía Nam giáp với Malaysia. Chanthaburi là tỉnh có sản lượng sầu riêng lớn nhất Thái Lan với sản lượng hơn 50%. Trong 10 năm gần đây, do lợi tức từ cây sầu riêng tăng cao nên nông dân trồng cao su, khoai mì và một số cây trồng khác ở vùng Đông Bắc Thái Lan, giáp với Campuchia cũng chuyển đổi qua cây sầu riêng. Kỹ thuật thu hoạch sầu riêng của Thái Lan là thu hoạch tập trung khi trái sầu riêng Monthong đạt khoảng 120 ngày sau khi đậu trái. Trái sầu riêng sau khi thu hoạch sẽ được xử lý khí ethylene cho chín tập trung để xuất khẩu.
Sầu riêng ở Malaysia được trồng ở hai vùng, ở phía tây và phía đông nên cũng hình thành nên thời vụ khác nhau. Sầu riêng Malaysia trước đây trồng ở quy mô nhỏ theo mô hình nông lâm kết hợp nhưng từ năm 2011, cây sầu riêng được lựa chọn cho chính sách phát triển nông nghiệp và được xác định là nguồn thu nhập mới cho ngành nông nghiệp Malaysia. Từ năm 2019, Malaysia được phép xuất khẩu trái sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc đã thúc đẩy sự gia tăng diện tích trồng sầu riêng chuyển đổi từ những trang trại trồng cọ dầu. Giống sầu riêng Malaysia trước đây rất lâu phổ biến là giống D24 nhưng từ 30 năm gần đây giống Musang King trở nên nổi tiếng và thay thế dần giống D24.Diện tích sầu riêng của Philippines khoảng 20.000ha, sản lượng dưới 100.000 tấn, năng suất khá thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha. Sầu riêng Philippines trồng chủ yếu ở vùng Davao, chiếm gần 80% diện tích sầu riêng cả nước. Giống sầu riêng ở Philippines được thị trường Trung Quốc ưa chuộng là giống Puyat, là giống được tuyển chọn từ cây nhân giống từ hạt của giống Chanee lấy từ Thái Lan.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, đến năm 2021 quốc gia này có 5.289ha trồng sầu riêng. Trong đó, 3.403ha mang trái, đạt sản lượng 36.656 tấn. Sầu riêng ở Campuchia trồng chủ yếu ở tỉnh Kampot, Kampong Cham, Koh Kong và Battambong. Campuchia có điều kiện đất đai và khí hậu gần giống với Việt Nam và Thái Lan, rất thích hợp cho sự phát triển của sầu riêng.<xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ sầu riêng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích trồng sầu riêng năm 2023 đạt 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng đạt 1 triệu tấn. Giống sầu riêng của Việt Nam chủ yếu là Monthong và Ri6. Sầu riêng được thu hoạch bằng cách cắt 1 – 2 lần khi trái trưởng thành sau đó xử lý cho chín để xuất khẩu giống như kỹ thuật của Thái Lan.
Việt Nam hiện có 3 vùng sản xuất chính là ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Thời vụ thu hoạch bắt đầu ở ĐBSCL từ tháng 4 – 6, tiếp theo là miền Đông Nam bộ thu hoạch từ tháng 5 – 7 và Tây nguyên từ tháng 8 – 10. Tuy nhiên, do lợi thế quản lý được nước và áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa, ở ĐBSCL có thể sản xuất rải vụ quanh năm, đây là một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt hơn 400 triệu USD nhưng 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt giá trị 1,63 tỷ USD và theo dự đoán của Hiệp hội rau quả, năm 2024 giá trị xuất khẩu sầu riêng có thể đạt từ 2 – 2,5 tỷ USD.
Mặc dù chỉ mới bước vào thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc một năm nhưng giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam bằng 30% giá trị xuất khẩu của Thái Lan. Do có diện tích sầu riêng khá lớn, điều kiện đất đai và khí hậu tương tự, giống và kỹ thuật thu hoạch giống với Thái Lan nên nước bạn đặc biệt quan tâm sự đến sự phát triển và cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam trong 5 năm tới. <xem thêm>
Các giống sầu riêng hiện nay
Sầu riêng khổ qua xanh
Sầu riêng khổ qua xanh sinh trưởng mạnh, cành nhánh sum suê. Trái dạng hình thoi, trung bình 1,4- 1,6kg/trái, vỏ màu xanh khi chín, cơm mỏng, béo vừa, ngọt hơi đắng nhưng rất thơm, tỷ lệ cơm thấp (19-20%) và tỷ lệ hạt chắc rất cao, chiếm 18-19% trọng lượng trái. Thời gian thu hoạch ngắn từ 95-100 ngày. Ưu điểm của giống này là dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao 120-150 trái/cây/năm đối với cây 10 năm tuổi. Nhược điểm là cơm mỏng và vị đắng, dễ bị nhão và giá bán thấp nên gần như bị thay thế bởi các giống khác có phẩm chất và giá trị cao hơn. <xem thêm>
Sầu riêng sữa hạt lép Chín Hóa
Sầu riêng cơm vàng sữa hạt lép hay còn gọi là sầu riêng hạt lép Chín Hóa, Cây sinh trưởng khá mạnh, dạng tán hình tháp, lá thuôn có đuôi lá bầu, chót lá ngắn, mặt trên bóng láng, màu xanh đậm, mặt dưới màu vàng đồng khi chín, cơm quả màu vàng, độ dày cơm 14,9 mm, không xơ, không sượng, tỷ lệ cơm khá cao (29,5%) và có vị rất béo, ngọt (độ brix 22,8%), mùi thơm đậm đà và hạt lép, tỷ lệ hạt thấp (4%).<xem thêm>
Sầu riêng Ri6
Sầu riêng Ri6 khi trái non sẽ có hình dạng thuôn tròn, da xanh, các gai nhỏ và khít. Khi chín trái sẽ có trọng lượng tầm 3 – 5kg, các múi nở to, rõ ràng, có gai thưa, vỏ sầu vẫn giữ được màu xanh đẹp mắt và hơi sẫm. Cơm sầu khô ráo, dày và tỷ lệ hạt lép lên tới 40%. Thịt sầu Ri6 sẽ có màu vàng tươi bắt mắt, có vị ngọt và béo, với hương thơm vừa phải.<xem thêm>
Sầu riêng chuồng bò
Sầu riêng chuồng bò sinh trưởng mạnh, tán cây hình tháp. Dễ ra hoa, cho năng suất khá cao, cây 6 năm tuổi có khả năng 60 kg/cây/năm, trái có hình trụ, gai ngắn, vỏ mỏng, trọng lượng trung bình 1,5kg. cơm trái có màu vàng nhạt, mềm mịn, hơi ráo đến nhão, hàm lượng nước trong cơm khá cao (81%), vị ngọt, ít béo, độ Brix 23%, tỷ lệ thịt trái đạt 33%, tỷ lệ hạt lép 28%. <xem thêm>
Sầu riêng Sáu Hữu
Sáu Hữu được cho là giống sầu riêng đột biến từ giống Khổ qua xanh vì có dạng trái khá giống và khi chín vỏ trái có màu xanh. Trái có trọng lượng trung bình tương đối nhỏ, 1,2-2kg/trái, dạng thon, gai dài. Cơm trái màu vàng tươi bắt mắt, độ Brix trung bình 25%, hàm lượng nước trong cơm rất thấp (53%), cơm mềm, xốp, từ ráo đến hơi nhão. Tỷ lệ hạt lép chỉ đạt 16,5% nhưng tỷ lệ ăn được lên đến 35% do hạt nhỏ. <xem thêm>
Sầu riêng Musaking
Hình dạng quả có hình bầu dục đến elip và có vỏ màu xanh nhạt, có chiều dài từ 20 -30 cm và thường được phân từ 5 – 6 múi rất rõ ràng. Quả ở dưới đáy có hình ngôi sao 5 cánh rõ rệt. Cây 20 năm tuổi có thể để trên 100 quả/vụ. Trọng lượng trung bình 2,0 – 2,5 kg/quả, cơm có màu vàng tươi. Cơm dày, mịn, ít xơ, ngọt, mùi thơm đặc trưng, vị hơi đắng. Cơm dày, tỷ lệ hạt lép cao trên 90%.<xem thêm>
Sầu riêng Black thorn
Quả có màu xanh xám. Trọng lượng trung bình 1,5 – 2,0 kg/quả. Quả hình tròn, cơm dày, màu đỏ cam, ít ngọt, mịn ít xơ, có vị hơi đắng, hạt lép nhiều và mùi thơm vừa phải. Thường chỉ để 10 quả cho những cây từ 5-6 năm tuổi, 50 đến 70 quả cho những cây 20 năm tuổi và tối đa 100 quả nếu cây lớn hơn 20 năm tuổi.<xem thêm>
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
Giống
Cây phải được nhân giống vô tính bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép cành, có nguồn gốc rõ ràng. Lưu ý không được trồng sầu riêng bằng hạt.
Gốc ghép thẳng, đường kính gốc ghép 1,0 – 1,5 cm, bộ rễ phát triển tốt. Thân, cành, lá: Thân thẳng và vững chắc, có từ 3 cành cấp 1 trở lên, các lá ngọn đã trường thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (tính từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) đạt từ 80 cm trở lên.
Thời vụ và khoảng cách trồng
Thời vụ: Thích hợp nhất khi mùa mưa đã bắt đầu (cuối tháng 6 – đầu tháng 7).
Khoảng cách trồng : 125 cây – 156 cây/ha ( 8m x 8 –10m/cây). Tốt nhất nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái.
Kỹ thuật trồng
Đào mương, lên liếp:
Trường hợp lên liếp đơn thích hợp trồng chuyên canh: Liếp rộng 6 – 8 m; mương rộng 1 – 2 m, sâu từ 1 – 1,2 m.
Liếp đôi thích hợp trồng xen một số cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài: Liếp rộng 10 – 12 m; mương rộng 4 – 5 m, sâu từ 1 – 1,2 m.
Chuẩn bị hố trồng:
Đào hố trồng có kích thước: 0,8 x 0,8 x 0,8 m và cho 0,5 – 1kg vôi/hố để xử lý một số côn trùng và nấm bệnh trong đất.
Sau khi xử lý hố trồng khoảng 01 tháng: Tiến hành bón lót hỗn hợp sau khi đã trộn đều gồm: 30 kg phân chuồng hoai mục + 200g NPK (15:15:15) + đất mặt được đào từ hố trồng với lượng vừa đủ để khi lấp lại bằng với mặt đất tự nhiên và 15 ngày sau tiến hành đặt cây con.
Cách trồng
Đặt cây con: Đào 01 lỗ chính giữa hố đã được trộn phân lấp xuống sao cho vừa bằng bầu cây giống và dùng kéo cắt bịch ni lông cẩn thận để không làm tổn thương rễ và không được làm bể bầu. Đặt cây vào hố trồng, hướng mắt ghép quay về hướng gió chính trong năm để giảm hiện tượng tách mắt ghép, nén đất chặt xung quanh bầu cây, cắm 03 cọc tạo thành hình tam giác bao xung quanh cây và buộc nhẹ vào thân cây để giữ cây khỏi đổ ngã, tưới đẫm nước ngay sau khi trồng và dùng rơm, cỏ khô ủ gốc để giữ ẩm.
Che bóng cho cây: Sau khi trồng, trong 06 tháng đầu tiên, cần che 30 – 40% ánh nắng bằng lưới đen và che phủ mặt liếp bằng một số cây ngắn ngày như đậu xanh, đậu phộng để vừa làm cây trồng xen lấy ngắn nuôi dài vừa giữ ẩm cho đất, trồng thêm cây bắp hoặc chuối theo hướng đông tây và cách gốc 2 – 3 m để che nắng cho cây.
Bón phân
Phân hữu cơ hoai mục: Mỗi năm nên bón từ 20 – 30 kg/cây vào đầu mùa mưa, tốt nhất nên kết hợp với nấm sinh học đối kháng Trichoderma để hạn chế các dòng nấm hại có trong đất như Phytophthora palmivora.
Phân hóa học bón cho mỗi cây qua các năm tuổi cụ thể <xem thêm>
Tưới nước
Cây cần nước ở các giai đoạn:
01 tháng đầu tiên sau khi trồng nên tưới 01 lần/ngày.
Thời kỳ cây tơ: Tưới đủ nước, đảm bảo chu kỳ tưới 03 lần/tuần (lượng nước tưới 100 – 150 lít/cây/lần) trong thời gian ít mưa và mùa khô để giảm tỉ lệ cây chết, giúp cây phát triển mạnh, nhanh cho trái.
Thời kỳ cây ra hoa: Tưới cách ngày để cho hạt phấn khỏe mạnh và ngưng tưới nước khi hoa nở rộ. Khi kết thúc giai đoạn ra hoa rộ: tưới trở lại và lượng nước được tăng dần cho đến khi trở lại bình thường.
Thời kỳ cây cho trái: Sau khi đậu trái, tưới đủ nước để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng tốt. Riêng giai đoạn 20 ngày trước thu hoạch cần ngưng tưới để hạn chế cây ra đọt non giúp giảm tỷ lệ quả bị sượng. <xem thêm>
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
Sâu đục trái
Con cái trưởng thành đẻ trứng trên vỏ trái non, sâu non nở ra thường ăn ở phần vỏ sau đó đục vào trong trái. Sâu gây hại từ khi trái còn non đến trưởng thành, đặc biệt gây hại nặng trên các chùm trái hơn là các trái đơn độc, trái non bị hại sẽ biến dạng và rụng, trái lớn bị hại sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và còn tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công theo vết đục làm thối trái.
Rệp sáp
Đây là loài gây hại khá phổ biến trên sầu riêng, chúng tấn công trên trái từ khi trái còn non, rệp sáp trong quá trình gây hại còn tiết ra mật đường tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển làm giảm giá trị thương phẩm của trái.
Bọ trĩ
Bọ trĩ tấn công lá non cho đến khi lá gần trưởng thành. Chích hút chất dinh dưỡng trong lá làm cho phát triển kém. Lá bị tấn công có màu sáng bạc, ít thấy màu xanh. Kích thước lá có thể giảm, lá có thể bị biến dạng trong trường hợp nghiêm trọng. Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bò hóng phát triển làm đen lá, trái.
Rầy phấn
Con trưởng thành và ấu trùng thường sống ở mặt dưới lá và chích hút các lá non, lá bị hại thường có những chấm vàng, khi bị hại nặng lá thường khô, cong lại và rụng hàng loạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa, đậu trái của cây. Ngoài ra, rầy còn tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện để nấm bồ hóng phát triển. Rầy phát triển mạnh vào các tháng nắng.
Nhện đỏ
Thành trùng có hình oval dẹp màu đỏ đến đỏ nâu, thành trùng sống 6-7 ngày, nhện đẻ từng trứng rải rác trên mặt lá, trứng nhện hình tròn màu đỏ. Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm ở vùng nhiệt đới, khả năng sinh sản cao, vòng đời ngắn, gây hại bằng cách ăn biểu bì mặt lá tạo thành những chấm trắng li ti và tiết độc tố. Khi bị nhiễm nặng lá chuyển màu vàng và rụng ảnh hưởng đến khả năng ra hoa và đậu trái của cây.
Bệnh nấm hồng
Nấm bệnh thường tấn công trên các cành cây. Nấm thường tạo một lớp tơ, nấm lúc đầu có màu vàng trắng đục sau đó chuyển sang màu hồng nhạt phát triển xung quanh vỏ cành cây, nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá cả cành, cuối cùng làm cành chết khô.
Bệnh thán thư
Vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá hay từ chóp lá lan dần vào trong phần phiến lá có màu nâu đậm. Vết bệnh điển hình là để lại các đường viền hình tròn có màu nâu đậm dọc hai gân chính. Thường bệnh xuất hiện trên cây kém phát triển, nhất là trong mùa nắng hay sau khi thu hoạch. Bệnh thán thư thường chỉ xuất hiện trên lá già.
Bệnh đốm rong
Vết bệnh có hình tròn màu gạch tôm đường kính từ 0,2-1cm và hơi nhô lên, nếu nhìn kỹ thấy nhiều sợi tơ trên vết bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của lá, rong hút dinh dưỡng và làm lá kém phát triển, giảm quang hợp. Bệnh còn tấn công trên cành cây vết bệnh cũng tương tự như trên lá, làm cành non bị nứt ra, vị trí nứt này cũng dễ nhiễm các loại nấm khác, đặc biệt là nấm Phytophthora palmivora trong mùa mưa.
Bệnh nấm trái
Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra, bệnh hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của quả nhất là vào mùa mưa, vào những ngày trời lạnh, có ẩm độ cao thể hiện nhiều sợi nấm màu trắng bao phủ vết bệnh như mạng nhện. Bệnh nặng thì thối cả quả và lây lang sang các quả khác. Khi quả bị bệnh tấn công sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm gây bệnh xâm nhập vào trái thông qua những vết đục.
Bệnh thối gốc chảy nhựa
Bệnh do nấm Phytophthora Palmivora gây hại, thường xảy ra trong mùa mưa nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước, trong các bộ phận bị bệnh của cây sầu riêng. Nấm tấn công phần rễ non gần mặt đất và lan dần đến phần vỏ của gốc sát mặt đất và di chuyển lên phần vỏ của thân cây làm vỏ cây biến thành màu nâu, sau đó vỏ cây bị thối và chảy nhựa ra, phần gỗ tại vết bệnh cũng hóa nâu.
Bệnh cháy lá chết ngọn
Vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo hai mép lá làm cho lá không phát triển được và co dúm lại cuối cùng lá khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết cả cây. Trên cây trưởng thành bị nhiễm làm lá non bị khô và rụng; chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất.
Bệnh thối hoa
Hoa bị bệnh tấn công có màu nâu đen vết bệnh hơi lõm xuống. Nấm tấn công trên 2 mảnh vỏ bao quanh hoa sầu riêng, sau đó lan dần vào trong phần cánh hoa và làm hoa thối và rụng đi.<xem thêm>
Biện pháp chung phòng trừ sâu bệnh hại: Cần tỉa cành, tạo tán cho cây và vườn cây thông thoáng thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm sâu bệnh hại, thu gom và tiêu huỷ những bộ phận của cây bị bệnh. Bảo vệ thiên địch có sẵn trong vườn, bón phân, tưới nước đầy đủ. Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất phù hợp.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.