Giới thiệu về Cây Mít

Giới thiệu về cây mít

Cây mít thuộc họ dâu tằm có tên khoa học là Artocarpus heterophyllus Lam., mít là loại cây dễ trồng có khả năng thích nghi rộng trên nhiều vùng sinh thái, đặc biệt là khả năng chống chịu tốt với các tác động của biến đổi khí hậu về hạn, mặn.

Mít là loại trái cây giàu giá trị dinh dưỡng nên có nhiều triển vọng cho tiêu thụ tươi và chế biến. Hiện nay, mít là một trong những loại trái cây đem lại hiệu quả kinh tế cao làm tăng thu nhập cho người dân. <Xem thêm> 

Nguồn gốc xuất xứ

Mít có nguồn gốc phát sinh ở Nam Ấn Độ, nơi có nhiệt độ và lượng cũng giống như ở Việt Nam, được di thực đến trồng ở các nước Đông Nam Á từ lâu đời trong đó có Việt Nam. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Theo thông tin từ Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g thịt mít có chứa 157 calo, 1g chất béo, 38g carbohydrate, 2.8g protein và 2,5g chất xơ. So với các loại trái cây khác, hàm lượng protein của mít ở mức cao – chỉ thua kém các loại đậu. Không những vậy, trong quả mít còn chứa các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin C, kali, canxi và sắt. Ngoài ra, mít còn là nguồn cung cấp vitamin B6, niacin, riboflavin và axit folic – những khoáng chất có tác dụng tốt với hệ thần kinh. <Xem thêm>

  1. Công dụng

Tăng cường hệ miễn dịch: mít là loại trái cây có nguồn vitamin C tuyệt vời, nên giúp tăng cường hệ miễn dịch rất hiệu quả.

Chống lại bệnh ung thư: ngoài vitamin C, mít còn rất giàu các chất dinh dưỡng thực vật như ignans, isoflavones và saponins. Đây là những loại chất có đặc tính chống ung thư và chống lão hóa.

Tốt cho hệ tiêu hóa: loại quả này chứa các chất có thuộc tính chống loét và rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, mít cũng chứa rất nhiều chất xơ, vì vậy chúng giúp ngăn ngừa táo bón và đi tiêu dễ dàng hơn. Loại chất xơ này cũng có tác dụng loại bỏ các màng nhầy bám ở ruột, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già (đại tràng).

Tốt cho mắt và da: mít có chứa nhiều vitamin A, một loại chất dinh dưỡng có tác dụng rất lớn trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt và làn da. Loại quả này có tác dụng ngăn ngừa các bệnh liên quan đến mắt như thoái hóa điểm vàng và bệnh quáng gà.

Bổ sung năng lượng: mít được coi như là một trái cây giàu năng lượng do sự hiện diện của các loại đường như fructose và sucrose. Những loại đường này có thể giúp cơ thể bổ sung năng lượng gần như ngay lập tức. Trong khi đó, mít lại không chứa chất béo bão hòa, cholesterol.

Tốt cho huyết áp và tim mạch: Kali chứa trong mít được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp. Vì vậy, ăn mít thường xuyên là cách để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Tốt cho sức khỏe xương: mít rất giàu magiê, một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến bộ phận này.

Ngăn ngừa thiếu máu: mít cũng chứa nhiều chất sắt, giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và kiểm soát việc giúp lưu thông máu trong cơ thể. Đối với những người ăn kiêng, mít là loại trái cây tuyệt vời để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt mà không sợ bị béo phì. <Xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Theo Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, mít Thái là cây ăn trái được nông dân tỉnh Tiền Giang lựa chọn trồng đại trà trong những năm gần đây, hiện đang cho triển vọng kinh tế cao. Diện tích tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh: Huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước và thị xã Cai Lậy, chủ yếu nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang lập vườn trồng mít Thái.

Trong tương lai, để giúp nông dân trồng mít Thái an tâm đẩy mạnh sản xuất, địa phương chú trọng công tác quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khuyến cáo nông dân không chuyển đổi cây trồng tràn lan không theo quy hoạch gắn với chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn bà con biện pháp thâm canh, chăm sóc và quản lý dịch hại để giành những vụ bội thu. Bên cạnh đó, định hướng canh tác an toàn và truy xuất nguồn gốc theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường cho nông sản hàng hóa nói chung và mít Thái nói riêng. <Xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Rễ: mít có rễ cọc, chắc khỏe bám sâu vào đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cây.

Thân: dạng thân gỗ, có chiều cao từ 10–30 m. Thân được bao bọc bởi lớp vỏ dày màu xám sẫm, phân cành nhiều. Kích thước trung bình đường kính gốc cây từ 20 cm – 30 cm. Chất lượng gỗ mít được xếp và nhóm IV.

Cành: cây phân thành nhiều cấp cành. Các cấp cành quyết định kích thước của tán lá. Kích thước tán lá có thể đạt từ 5 – 10 m. Các cành non được phủ lớp lông và vết vòng lá kèm.

Lá: mọc cách, dạng lá đơn, phiến lá dày, có kích thước từ 7 – 15 cm. Mặt trên màu xanh đậm bóng, đầu lá ngắn. Ở những cây non lá thường chia 3 thùy. Cuống lá dài 1 – 2,5 cm. Lá kèm ở lá non, ôm cành non, sớm rụng.

Hoa: mít có hoa đơn tính cùng gốc. Các cụm hoa mọc trên thân hoặc các cành chính. Hoa đực mọc thành bông giống đuôi sóc. Cụm hoa đài có phủ lông tơ. Cụm hoa cái hình bầu dục mọc trên thân hoặc cành già, hoa cái nhỏ, mọc thành các cụm hoa ngắn. Khi được thụ phấn thì phát triển thành quả.

Quả: mít là dạng quả phức lớn, gồm nhiều quả thật. Sơ mít được hình thành là do quả thật không phát triển. Quả thật phát triển thành múi mít. Quả mít to, dài từ 30 – 60 cm, đường kính 15 – 30 cm, bên ngoài vỏ có gai.

Hạt: hình thành từ bên trong quả mít thật phát triển đầy đủ. Hạt có kích thước dài từ 2 – 4 cm, rộng 1 – 2,5 cm. Hạt có 2 lá đài, không có nội nhũ. <Xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh thái

Nhiệt độ và ẩm độ: nhiệt độ thích hợp cho cây mít sinh trưởng và phát triển từ 20 – 32oC. Ẩm độ (không khí) thích hợp cho cây mít khoảng 70 – 75%; độ ẩm chủ yếu tác động vào thời kỳ ra hoa, đậu trái, các giai đoạn khác ít ảnh hưởng.

Ánh sáng: mít là cây ưa sáng, ánh sáng trong khoảng 2.000 – 2.500 giờ/năm là thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển.

Đất trồng: mít là loại cây trồng dễ tính, có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đỏ bazan, đất phù sa, đất xám, đất cát,… kể cả đất bỏ hoang, đất phù sa cổ bị rửa trôi lân, kali mít vẫn có thể phát triển bình thường. Tuy nhiên, mít phát triển tốt nhất trên đất sét pha cát, đất trồng phải cao ráo có tầng canh tác sâu, tốt nhất tầng canh tác dày ít nhất 1 m, có mực nước ngầm thấp dưới 1 m so với mặt đất vì cây mít chịu ngập úng kém, dễ bị thối rễ khi bị ngập nước nên đất trồng mít phải thoát nước tốt, ở những vùng đất thấp khi trồng phải lên liếp, pH đất thích hợp từ 5 – 7,5. Mít chịu được đất mặn ở mức trung bình.

Nước: cây mít có khả năng chịu hạn tốt nhờ bộ rễ phát triển và ăn sâu trong đất, có thể chịu được khô hạn từ 3 – 4 tháng, nhưng để cây mít phát triển tốt và đạt năng suất cao nên trồng ở những vùng có lượng mưa hàng năm từ 1.000 – 2.000 mm. Cần chú ý đến chất lượng nước tưới, không dùng nước phèn, mặn để tưới cho cây. Đối với vùng đất ven sông có thể bị nhiễm mặn trong mùa nắng, do đó cần có đê bao ngăn mặn, liếp và mương rộng để trữ nước ngọt tưới trong mùa nắng, cần giữ mực nước trong mương vườn luôn cách mặt liếp ít nhất 0,6 m. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ mít trên thế giới

Mít là loại cây dễ trồng, có khả năng thích nghi rộng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Các nước dẫn đầu về sản xuất mít hiện nay trên thế giới là Ấn Độ, Bangladesh, các nước ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippine, Việt Nam,… <Xem thêm>

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ mít lớn trên thế giới, chủ yếu nhập khẩu mít từ Thái Lan và Việt Nam, mít từ Malaysia tuy chất lượng cao hơn nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn đứng sau Việt Nam và Thái Lan.

Năm 2016, tại thị trường trái cây Gia Hưng – trung tâm giao dịch của các loại trái cây Đông Nam Á như sầu riêng, mít, thanh long, nhãn …, khối lượng mít trên thị trường là 2.349 tấn; năm 2017 đạt 29.300 tấn, tăng1247% so với cùng kỳ năm trước; tính đến cuối tháng 12 năm 2018, lượng mít giao dịch trên thị trường đã tăng lên 38.200 tấn, tăng 66 %. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ mít tại Việt Nam

Tiền Giang là một trong những địa phương có diện tích trồng mít lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 15.000 ha, cho năng suất 265 tạ/ha, đạt sản lượng trên 270.000 tấn/năm. Hiện nay, cây mít đã được nông dân ở nhiều khu vực đất vùng ngập lũ của huyện Cái Bè, Cai Lậy hay vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước trồng trên nền đất lúa trước đây. <Xem thêm>

Khảo sát tại một số vựa mít ở Tiền Giang, Bến Tre những ngày đầu tháng 3–2024, mít Thái đang được gom với giá 33.000 đồng/kg loại 1, loại 2 được mua với giá 25.000 đồng và loại thấp nhất cũng có giá trên dưới 10.000 đồng/kg. <Xem thêm>

Các giống mít hiện nay

  1. Mít Thái Chiang Rai

Xuất xứ từ tỉnh Chiang Rai của Thái Lan, thời gian sinh trưởng ngắn cho thu hoạch nhanh từ 1 – 1,5 năm sau khi trồng. Thời gian trái từ khi đậu đến chín khoảng 90 – 100 ngày. Cây cho trái quanh năm, cây trưởng thành có thể cho từ 100 – 150 trái/cây, trọng lượng trái từ 6 – 15 kg/trái, thịt trái có màu vàng đậm, ít xơ, giòn ngọt, ráo, hạt nhỏ hơn mít nghệ. Độ Brix đo được trong mùa mưa khoảng 18, chủ yếu dùng để ăn tươi. <Xem thêm>

  1. Mít không hạt

Có nguồn gốc giống từ Cần Thơ, thời gian từ trồng đến cho trái 14 – 18 tháng, nếu điều kiện chăm sóc tốt đầy đủ dinh dưỡng và nước tưới, cây cho trái sau khi trồng 10 – 12 tháng. Năng suất cao, trọng lượng trái từ 9 – 13 kg. Khi chín vỏ trái có màu vàng xanh, hình dáng cân đối. Cây con phát triển mạnh, cành mọc dày, phân bố đồng đều quanh thân chính; lá xanh bóng, lá non cuộn tròn tựa lá chè xanh, mép lá khi còn non có răng cưa rất rõ. Mít có mùi vị thơm ngon, hàm lượng đường cao, múi và xơ có màu vàng, bên trong múi không có hạt, cùi nhỏ, rất ít xơ, vỏ mỏng, tỷ lệ phần ăn được trên 90%. <Xem thêm>

  1. Mít ruột đỏ

Là một giống mít của Malaysia và Thái Lan cho giá trị kinh tế rất cao do không chỉ có ưu điểm là lạ mắt (khi chín có màu như củ cà rốt) mà mít ruột đỏ còn rất ít xơ, múi to, cơm dày, thơm nhẹ, vị ngọt vừa phải nên được thị trường rất ưa chuộng. Bên cạnh đó, mít ruột đỏ cho trái rất to, bình quân mỗi trái nặng khoảng 10 kg, nếu được chăm sóc tốt trái có thể nặng tới 15 – 17 kg. Cây mít ruột đỏ lớn nhanh, gỗ cứng, phù hợp với những vùng đất thịt pha cát, có khả năng chịu hạn tốt và rất ít bị sâu bệnh. Thời gian trồng mít ruột đỏ từ tháng 5 – 7 dương lịch là hợp thời vụ. <Xem thêm>

  1. Mít Viên Linh

Có xuất xứ từ Thái Lan, dễ trồng và ít công chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh, thích nghi với những vùng không bị ngập úng kéo dài, chịu hạn và phèn mặn trung bình. Sau khi trồng 2 – 3 năm cây bắt đầu cho trái, thời gian từ khi trổ bông đến khi thu hoạch trái khoảng 110 – 120 ngày, cây có độ phân cành rộng. Số hoa trên chùm 2 – 4 hoa, số trái trên chùm 1 – 2 trái; tùy theo tình trạng sinh trưởng của cây mà có thể để trái trên chùm nhiều hay ít. Trái to, trọng lượng bình quân 7 – 10 kg/trái, đặc biệt có trái đạt 15 – 20 kg. Trái khi chín có màu xanh vàng, tương đối đồng đều, gai nở, vỏ mỏng, thịt trái có màu vàng tươi, vị ngọt, ít thơm, ít xơ, ít nước, độ ngọt đạt 22,75%, có thể dùng ăn tươi hoặc chế biến. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

1 . Kỹ thuật trồng

Thời vụ trồng

Mít có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nguồn nước tưới, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa vào tháng 6 – 7 dương lịch để giảm chi phí công tưới và cây dễ sống hơn. Tuy nhiên mùa mưa ẩm độ không khí cao dễ tạo điều kiện cho sâu bệnh tấn công cây con, do đó cần chú ý phun thuốc ngừa sâu bệnh. <Xem thêm>

Kỹ thuật lên liếp trồng mít

Có nhiều cách lên liếp khác nhau như:

Lên liếp theo cách cuốn chiếu: những vùng có lớp đất mặt tốt và lớp đất dưới không xấu lắm thì kỹ thuật lên liếp theo cách “cuốn chiếu” được áp dụng. Đào lớp đất mặt mương để làm chân liếp, sau đó trải lớp đất sâu làm mặt liếp. Cách làm này đỡ tốn chi phí, tuy nhiên sau đó cần làm mô bằng đất tốt (dùng đất mặt ruộng, bãi sông, bùn mương phơi khô hay đất vườn cũ) để trồng cây. Cũng có thể trồng một vài vụ chuối, cây phân xanh trước khi trồng cây trồng chính.

Lên liếp theo cách kê đất: ở những vùng có lớp đất mặt mỏng, lớp đất dưới không tốt, có phèn,… thì có thể lên liếp theo cách kê đất. Đào lớp đất mặt ở mương thứ nhất đưa qua liếp thứ nhất bên trái, sau đó đưa lớp sâu của mương thứ nhất trải lên làm chân liếp thứ hai bên phải, tiếp đến lấy lớp đất mặt ở mương thứ hai trải lên làm mặt liếp thứ hai. Lấy lớp đất sâu của mương thứ hai trải làm chân liếp thứ ba và đào lớp đất mặt mương thứ ba trải lên làm mặt liếp thứ ba; tiếp tục như vậy cho đến liếp cuối cùng.

            Lên liếp theo băng: đào lớp đất mặt ở mương trải dài thành một băng ở giữa chạy dọc theo liếp, sau đó đào lớp đất sâu của mương ốp vào hai bên băng. Cây được trồng ngay trên băng giữa liếp. Cần lưu ý đắp lớp đất ở hai bên băng luôn luôn thấp hơn mặt băng, để có thể rửa được các độc chất khi mưa, không thấm vào băng.

            Đắp mô: trong trường hợp đắp thành mô thì lớp đất mặt được tập trung đắp thành các mô để trồng cây ngay sau khi thiết kế (kích thước, khoảng cách tùy thuộc vào từng loại cây trồng), phần đất xấu của mương được đắp vào phần còn lại của liếp và thấp hơn mặt mô.

Điểm quan trọng cần lưu ý khi đào mương lên liếp là không nên đào mương sâu, quá tầng sinh phèn (lớp đất sét màu xám xanh) vì sẽ đưa phèn lên mặt gây độc cho cây. Chiều cao liếp tùy thuộc vào độ ngập sâu nhất trong năm, thường thì chiều cao liếp khoảng 30 cm, kích thước mương phụ thuộc vào địa hình cao hay thấp, tầng phèn sâu hay cạn, thường chiều sâu của mương từ 1 – 1,2 m. Đối với những vùng đất phèn thường chọn kích thước liếp 4 – 5 m, tỷ lệ liếp: mương là 1:1 để thuận lợi cho việc rửa phèn. <Xem thêm>

Mật độ trồng và cách trồng

Tùy theo từng loại đất, giống, phương pháp nhân giống mà khoảng cách cây trồng có thể thay đổi khác nhau cho phù hợp, thuận lợi cho sự phát triển tốt nhất cho cây trồng. Đối với giống mít nghệ, theo Nguyễn Mạnh Chinh (2008) và Vũ Công Hậu (2000) khoảng cách thích hợp trồng mít là 7 x 7 m hay 6 x 7 m hoặc 6 x 6 m. Tuy nhiên, đối với các giống nhập nội như giống mít Thái siêu sớm có tán cây nhỏ, cho trái sớm nên có thể trồng ở mật độ dày hơn 3 – 4 x 3 – 4 m. Sau khi khai thác trái được 5 – 7 năm có thể chặt bỏ cây ở giữa để đảm bảo độ thông thoáng cho cây, tránh trường hợp cây che rợp nhau hoặc có thể trồng cây cách cây 5 – 6 m ngay từ đầu. <Xem thêm>

Chuẩn bị cây con

Cây con giống đảm bảo đúng giống và phải đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Chọn cây giống ghép trong túi bầu PE còn nguyên vẹn, chiều cao cây tối thiểu từ 35 – 40 cm tính từ vết ghép, đường kính gốc ghép lớn hơn 0,5 cm, cây sinh trưởng khỏe, bộ rễ phát triển mạnh, cây không bị sâu bệnh hại, không gãy ngọn, lá đang giai đoạn già. Nên chọn cây giống có nhãn hiệu hoặc giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ của các cơ quan chức năng. <Xem thêm>

Chuẩn bị trồng và cách trồng

Chuẩn bị trồng

Đất trồng mít được lên liếp, vun mô, có bờ bao, cống bọng để chủ động được nước tưới tiêu. Cần đắp mô để trồng nhằm nâng cao tầng canh tác, đất làm mô thường là tầng đất mặt, dù là vùng đất cao cũng cần phải gom mô ban đầu để thoát nước trong mùa mưa vì bộ rễ cây mít không chịu úng. Mô được chuẩn bị trước khi trồng ít nhất 2 tuần, mô có hình tròn, đường kính mô từ 0,8 – 1 m, cao từ 0,4 – 0,7 m. Dùng lớp đất mặt để đắp mô có thể trộn đều đất đắp mô với 5 – 10 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 20 – 30 kg phân chuồng hoai và 200 g vôi, hoặc có thể trộn thêm xơ dừa, vỏ đậu, trấu mục,… <Xem thêm>

Cách trồng

Trước khi đặt cây giống cần đào lỗ ở giữa mô rồi bón 200 gram phân DAP vào hố có chiều sâu khoảng 25 cm, rồi phủ lên một lớp đất mỏng. Dùng dao cắt ngang đáy bầu, cắt bỏ đuôi chuột (rễ cọc) bị xoắn lại và rọc ½ túi bầu phía dưới lên, đặt cây con xuống lấp đất lại dùng tay ém chặt đất xung quanh, sau đó kéo túi bầu từ từ lên để không bị vỡ bầu và lấp đất lại ngang mặt bầu sau đó tưới nước cho cây. Lưu ý: khi trồng cần đặt cổ rễ cao hơn mặt mô khoảng 5 – 7 cm, không trồng mít quá sâu vì dễ nhiễm nấm bệnh. Sau khi đặt cây cần cắm cọc buộc dây giữ cho cây cố định không bị gió làm lung lay làm cây đổ ngã. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật chăm sóc

Quản lý cỏ dại

Mít sau khi trồng xong cần phải dùng rơm rạ, cỏ khô tủ một lớp mỏng trên mô giúp cây giữ ẩm, không bị rửa trôi đất, phân bón hữu cơ và hạn chế cỏ dại. Cây còn nhỏ nên làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.  <Xem thêm>

Quản lý nước

Cây mít là loại cây ăn trái chịu úng kém nên cần có hệ thống thoát nước tốt cho cây vào mùa mưa. Trong 2 năm đầu cần tưới nước đầy đủ cho cây sinh trưởng và phát triển. Nếu tháng đầu sau khi trồng gặp khô hạn phải tưới nước thường xuyên 2 – 3 ngày một lần, sau đó giảm dần 4 – 5 ngày một lần.

Để quản lý nước cung cấp cho cây trồng sinh trưởng phát triển có hiệu quả có thể áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để hạn chế lượng nước tưới dư thừa làm rửa trôi lớp đất mặt và dinh dưỡng trong đất. Việc tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm lượng nước tưới, giảm nhiên liệu bơm nước, ít tốn công lao động, hạn chế sự phát triển mầm bệnh, giảm thất thoát phân bón cho cây. <Xem thêm>

Tỉa cành, tạo tán và tỉa trái

Cây mít có đặc điểm mang trái trên thân chính và cành ngang lớn nên việc tỉa cành tạo tán và tỉa trái cần lưu ý một số đặc điểm như sau:

Đối với cây chưa cho trái nên tỉa cành tạo tán 2 – 3 lần trên năm, việc tỉa cành nên tiến hành khi cây mít cao khoảng 1 m trở lên, cần chú ý cắt tỉa để tạo dáng cây phân bố đều, tạo tán tròn. Chọn cắt tỉa những cành gần mặt đất, giữ lại cành cấp 1 cách gốc 40 cm trở lên, chọn những cành to khỏe tạo được khớp nối to trực tiếp trên thân, cành trên cách cành dưới từ 40 – 50 cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1, tỉa bỏ bớt cành cấp 2,3,… cho cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

Đối với cây đã cho trái thì 1 năm tỉa cành tạo tán 1 lần sau khi thu hoạch trái, tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành vượt, cành mọc từ gốc ghép, cành mọc sát mặt đất, cành mọc song song với trục thân chính.

Tỉa trái: tỉa bỏ những trái xấu, méo mó, dị dạng, trái chạm đất, trái nhỏ, trái bị sâu bệnh hại; nếu cây quá sai trái nên tỉa bớt những trái bình thường đảm bảo mật độ trái phù hợp với từng cây. Tốt nhất mỗi chùm trái nên tuyển chọn trái tốt nhất, trái được chọn phát triển nhanh, cân đối, cuống trái lớn, ưu tiên chọn trái trên thân, cần tỉa bỏ những hoa, trái ra rãi rác để tập trung nuôi trái, nhất là những hoa mọc ở đầu cành.

Khi cây được 1,5 – 2 năm tuổi, thời điểm này cây vẫn còn chưa đủ lớn nên tỉa trái chỉ có thể để từ 1 – 2 trái/cây/đợt trái tùy thuộc vào độ lớn nhỏ của cây.

Khi cây được 3 năm tuổi, để từ 3 – 4 trái/cây.

Khi cây được 4 năm tuổi, để từ 5 – 6 trái/cây.

Và như thế tăng số lượng trái trên cây theo từng năm tuổi. <Xem thêm>

Vét bùn bồi liếp

Bùn đáy mương chứa nhiều xác bã hữu cơ, dưỡng chất và phù sa có thể sử dụng để bón cho đất liếp vườn cây ăn trái. Khi bộ rễ cây mít ăn rộng cần phải bồi bùn non để làm tăng độ dày của tầng canh tác đảm bảo ổn định đất trồng và giúp cây tránh được ngập úng. Thời gian bồi liếp vào khoảng tháng 2 – 3 dương lịch hoặc sau mùa mưa với độ dày của lớp bùn khoảng 3 – 5 cm trải đều trên mặt đất vào mùa nắng. Tránh bồi bùn tươi vào gốc, không sử dụng bùn phèn hoặc lấy đất cứng đáy mương vì thường có chứa phèn tiềm tàng. <Xem thêm>

Bao trái

Bao trái là biện pháp cho hiệu quả cao trong việc ngăn chặn sự tấn công của các loài côn trùng, nấm bệnh gây hại như sâu đục trái, ruồi đục trái, rệp sáp, bệnh thán thư, … đặc biệt là ruồi đục trái. Trước khi bao trái cần tiến hành tỉa trái, loại bỏ những trái đèo, trái bị sâu, bệnh tấn công,… nên chọn trái phát triển nhanh, cân đối, cuống trái lớn, ưu tiên chọn trái trên thân để tiến hành bao trái. Khi trái mít có đường kính khoảng 7cm là có thể bao trái. Trước khi bao trái nên phun thuốc ngừa sâu đục trái và thuốc ngừa bệnh thán thư trên trái, đặt biệt là phun ở cuống trái, đảm bảo khi bao không còn côn trùng và nấm bệnh gây hại bên trong túi bao trái.

Bao trái sẽ hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giúp vỏ trái bóng đẹp, có chất lượng bán được giá cao, đặc biệt là giúp giảm ô nhiễm môi trường và giảm tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên trái. <Xem thêm>

  1. Phân bón và cách bón phân

Phân bón

Tuy cây mít dễ tính có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng để thúc đẩy cây ra trái thường xuyên thì cây mít cần bón đầy đủ; cân đối các chất đa, trung, vi lượng và phân hữu cơ để đảm bảo năng suất, chất lượng và sự bền vững của vườn cây. Số lượng và loại phân bón cần thiết phụ thuộc vào sức sống, tuổi của cây và độ phì nhiêu của đất.

Phân hữu cơ: bất kỳ loại cây ăn trái nào cũng có nhu cầu hữu cơ rất cao, có thể dùng phân chuồng ủ hoai hoặc phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để cung cấp cho cây mỗi năm. Nhu cầu ở cây 1 – 2 năm tuổi từ 10 – 15 kg/cây/năm bón vào đầu mùa mưa hay cuối mùa mưa, thời kỳ cây cho trái bón từ 25 – 45 kg/cây/năm bón vào giai đoạn sau khi thu hoạch trái.

Phân bón vô cơ: Có thể dùng phân đơn hay phân hỗn hợp hoặc phân bón phức hợp để bón cho cây mít, đặc biệt là cần bổ sung phân bón có chứa Bo (B – Boron) rất cần cho cây mít nhằm khắc phục hiện tượng xơ đen trên mít. <Xem thêm>

Kỹ thuật bón phân

Tùy theo đất tốt hay xấu, tình trạng sinh trưởng và phát triển của cây mít mà quyết định việc bón phân sao cho thích hợp, cân đối. Có thể chia ra làm 2 thời kỳ bón như sau:

Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây chưa cho trái):

Khi cây chưa có trái khoảng 2 – 3 năm đầu cần cân đối lượng N, P, K để giúp cây sinh trưởng và phát triển. Thời kỳ này cây cần nhiều đạm và lân để phát triển cành lá; do đó, cần bón vào thời điểm lá vừa lụa. Có thể bón phân theo tỷ lệ 2:2:1 (tương ứng với công thức phân NPK 16 – 16 – 8) hay theo tỷ lệ 2:1:1 (tương ứng với công thức phân NPK 20 – 10 – 10). Chú ý cần bón phân qua gốc để giúp cho cây phát triển mạnh.

Thời kỳ kinh doanh (cây cho trái ổn định): có thể chia làm 02 lần bón:

Lần 1: Sau khi thu hoạch trái, cần bón phân hữu cơ và phân vô cơ có chứa hàm lượng đạm và lân cao. Có thể bón phân theo tỷ lệ 2:2:1 (tương ứng với công thức NPK 16 – 16 – 8) hay theo tỷ lệ 2:2:1,5 (tương ứng với công thức NPK 20 – 20 – 15).

Lần 2: Giai đoạn nuôi trái, cần bón phân có hàm lượng đạm, lân, kali cao như NPK 16 – 16 – 16, NPK 15 – 15 – 15, …

Chú ý: Bón phân sau khi đậu trái 20 – 30 ngày. Ngoài ra, vào đầu mùa mưa nên kết hợp việc bón vôi 100 – 200 g/gốc.

Về liều lượng phân bón tùy theo điều kiện đất đai, đất tốt hay xấu, tình trạng sinh trưởng và phát triển của cây mít mà quyết định chọn công thức phân bón NPK theo tỷ lệ thích hợp. <Xem thêm>

Cách bón phân

Để giúp cây hấp thu tốt hơn và tránh bị rửa trôi nên đào hốc, rãnh bón phân đều xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây cách gốc 0,5 m và tưới nước đủ ẩm, nếu đất quanh rễ bị nén dẽ có thể dùng cào xới nhẹ trước khi bón phân. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

  1. Sâu hại

Sâu đục trái (Glyphodes caesails)

Triệu chứng và cách gây hại: Gây hại nặng nhất phần tiếp giáp giữa các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân cây. Sâu có thể tấn công nhiều vị trí trên trái nhưng phổ biến nhất là tấn công chổ gần cuống trái; sâu non mới nở đục ngay vào trái, phá hại từ khi trái còn rất non đến khi sắp chín, sâu đục vào trong trái ăn phần thịt dưới vỏ, bên ngoài lổ đục có thải ra đám phân màu đen. Trái bị sâu hại có thể vẫn phát triển nhưng ngay vết đục thường bị thối sau đó khô đi làm giảm chất lượng trái. Nếu gây hại nặng trái có thể bị rụng sớm làm giảm sản lượng trái.

Biện pháp phòng trừ:

Thường xuyên vệ sinh vườn, sau khi thu hoạch cắt tỉa những cành già, cành sâu bệnh để vườn thông thoáng.

Thu gom và tiêu hủy trái còn nhỏ bị sâu đục nặng, trái bị rụng để diệt sâu nhộng.

Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại. Có thể sử dụng các chế phẩm từ vi khuẩn phổ biến nhất hiện nay là BT (Bacillus Thurigiensis) dùng để trừ sâu non như ViBT, Dipel, … hay các loại chế phẩm trừ sâu sinh học khác.

Sử dụng biện pháp bao trái; đây là biện pháp có hiệu quả cao trong phòng trừ sâu hại hiện nay. <Xem thêm> 

Xén tóc nâu đục thân (Batrocera rufomaculata)

Triệu chứng và cách gây hại: con trưởng thành đẻ trứng vào những vết thương có sẵn trên cây hoặc dùng hàm dưới cắn tạo vết thương và đẻ trứng vào đó. Sâu non nở ra đục vào phần dưới vỏ để ăn và phát triển, nơi sâu gây hại trên thân cây có lỗ nhỏ và mọt đùn ra bên trong.

Biện pháp phòng trừ:

Thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm, nên theo dõi vườn cây vào đầu giờ sáng và chiều tối, bọ trưởng thành sẽ đậu trên cây để đẻ trứng, tìm bắt và diệt để hạn chế sinh sản.

Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán thông thoáng, thu gom và tiêu hủy những cành khô, cành gãy, tránh để trong vườn vì sẽ thu hút con trưởng thành.

Dùng bẫy đèn để diệt bọ trưởng thành vào thời gian từ 18 – 21 giờ hàng ngày.

Tránh tạo vết thương trên cây.

Khi phát hiện cành bị gây hại nên cắt bỏ, chẻ cành ra để bắt ấu trùng hoặc tiêu hủy để diệt chúng. Trường hợp phát hiện trên thân cây có lỗ sâu đục, đùn mạc gỗ và phân sâu, chảy nhựa thì dùng kim tiêm vào lỗ đục các loại thuốc có tính xông hơi, lưu dẫn như thuốc có hoạt chất Diafenthiuron (Pegasus 500 SC, Pesieu 500 SC, …), Abamectin (Reasgant 3.6 EC, Tungatin 3.6 EC,…), Benfuracard (Oncol (5GR, 20 EC, 25WP),… kết hợp với thuốc bám dính sinh học và bịt các lỗ đục bằng đất sét để diệt sâu non. Trường hợp cây bị hại quá nặng nên chặt bỏ cây đem tiêu hủy, đào cả rễ, đốt hoặc chẻ thân cành và rễ để loại bỏ hết ấu trùng đang còn sống để tránh ấu trùng tiếp tục phát triển thành con trưởng thành. <Xem thêm> 

Ruồi đục trái (Dacus umbrosus Fabricius)

Triệu chứng và cách gây hại: ruồi thường gây hại vào mùa mưa. Con cái dùng ống đẻ trứng chích vào vỏ trái để đẻ trứng vào bên trong trái, vết chích nhỏ nên khó nhìn thấy. Ấu trùng sống bên trong trái làm thối phần thịt trái. Ruồi phá hại nhiều khi trái gần chín đến chín. Triệu chứng thể hiện trên trái mít có những đốm thối nâu, có nhiều chất nhựa đục chảy ra trên trái, ngay nơi bị hại mềm nhũn, dòi tạo thành những lỗ nhỏ trên trái và búng mình ra khỏi trái. Dòi gây hại tạo điều kiện các vi sinh vật khác bội nhiễm nên làm trái mau thối.

Biện pháp phòng trừ:

Thu hoạch kịp thời không để trái chín quá lâu trên cây.

Vệ sinh vườn, thu gom và đem tiêu hủy những trái bị dòi gây hại để diệt dòi bên trong trái.

Sử dụng biện pháp bao trái; đây là biện pháp có hiệu quả cao trong phòng trừ sâu hại hiện nay.

Khi ruồi trưởng thành phát sinh dùng thuốc dẫn dụ có chất Methyl Eugenol để dẫn dụ và diệt ruồi đực hoặc phun bả Protein, chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng 8 – 10 giờ sáng hàng ngày. <Xem thêm>

  1. Bệnh hại

Bệnh thối gốc chảy nhựa

Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm P. palmivora xâm nhập

Triệu chứng và cách gây hại:

Triệu chứng ban đầu là vùng gốc bị chảy nhựa màu đỏ nâu, khi bóc lớp vỏ ở chỗ bệnh sẽ thấy phần gỗ ở phía dưới có màu hồng nhạt và có những đốm màu hơi tím, viền gợn sóng. Nếu không phát hiện sớm và trị kịp thời bệnh sẽ lan rộng ra xung quanh, sau vài tháng có thể bao kín hết chu vi gốc, làm cho rễ thối, lá bị vàng và rụng. Nấm tấn công gây nên tổn thương trên bề mặt trái và có thể gây ra toàn bộ trái bị thối.

Khi nhiễm nấm P. palmivora thân cây bị thâm đen, chảy nhựa màu nâu làm chết mô, gây nứt vỏ, thối thân và rễ cây bị nhiễm nặng có thể bị chết.

Biện pháp phòng trị:

Trồng với mật độ hợp lý để làm giảm ẩm độ trong vườn.

Mô trồng phải khô ráo không để ngập úng.

Thường xuyên cắt tỉa những cành sâu bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ.

Bón vôi (CaO) để sát trùng khu vực rễ.

Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma kết hợp với bón phân hữu cơ cho cây.

Bón phân cân đối, với những vườn cây đang bị bệnh cần giảm bớt lượng phân đạm. Nếu bị bệnh nặng có thể ngưng hẳn việc bón phân đạm, chờ đến khi hết bệnh mới bón đạm trở lại, đồng thời bón bổ sung thêm phân lân và kali.

Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có tính chọn lọc để phun xịt.

Đối với những vết bệnh nhỏ, chưa lan rộng, dùng dao tách cạo bỏ hết phần vỏ làm sạch chỗ bị bệnh, sau đó quét thuốc đặc trị nấm (pha với nước) lên chỗ bị bệnh vừa cạo và vùng lân cận. Lưu ý là cần thu gom chỗ vỏ bị bệnh vừa cạo ra khỏi vườn và tiêu hủy để tránh lây lan bệnh trong vườn.

Phun và kết hợp tưới ngừa xung quanh gốc với các loại thuốc đặc trị các loại nấm hại cây trồng như Metalaxyl + Mancozeb (Ridomil Gold 68 WG, Mexyl MZ 72 WP,…), Fosetyl – Aluminium (Alpine 80 WG, Aliette 800 WG,…). Có thể phun hoặc tưới lặp lại sau 7 ngày nếu bệnh nặng hoặc phun và tưới định kỳ với các vườn mới trồng khi cây khoảng 01 năm tuổi. <Xem thêm>

Bệnh thán thư

Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporiodes gây ra, phát sinh ở những vườn có ẩm độ cao. Bệnh tấn công và gây hại ở giai đoạn trước thu hoạch nhưng nguy hiểm hơn ở giai đoạn sau thu hoạch.

Triệu chứng và cách gây hại:

Trên lá (còn gọi là bệnh đốm lá): vết bệnh ban đầu là một đốm nhỏ sũng nước, có màu nâu đen, lan rộng dần, hình thành vết bệnh to, có màu xám ở giữa và màu nâu tối ở rìa. Khi vết bệnh phát triển sẽ hình thành những quầng đồng tâm rất đặc trưng có thể quan sát được và dễ phân biệt với bệnh khác.

Trên chồi non: vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ, sũng nước, màu tối, lan rộng dần khi gặp thời tiết thích hợp, bao quanh chồi, khiến phần phía trên bị khô và chết dần.

Trên quả: vết bệnh đặc trưng là những đốm màu nâu tối, gần tròn, mềm trên vỏ quả. Bên dưới vết bệnh, thịt quả bị thối, màu nâu đen. Vết bệnh lan rộng nhanh và ăn sâu vào trong khi gặp điều kiện thuận lợi gây thối trái và giảm chất lượng trái.

Biện pháp phòng trị:

Tỉa cành tạo tán, tạo vườn thông thoáng, trồng cây ở mật độ thích hợp để hạn chế phát sinh nấm bệnh.

Tỉa và tiêu hủy các bộ phận bị bệnh nặng để giảm nguồn bệnh trên cây, tỉa bỏ những cành, lá và trái mọc thấp gần mặt đất, tỉa bớt quả mọc thành chùm.

Tránh gây vết thương trên các bộ phận của cây, diệt côn trùng gây vết thương để hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm.

Áp dụng biện pháp bao trái mít, vừa ngăn chặn côn trùng hại quả, vừa làm giảm bệnh thán thư.

Phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện hoặc phun ngừa khi thời tiết thuận lợi cho bệnh thán thư phát triển (sau những đợt mưa bão kéo dài) bằng các loại thuốc hóa học như Difenoconazole (Score 250 EC, Amber 250 EC, …), Propineb (Antracol 70 WP, Zintracol 70 WP, …)

Dụng cụ thu hoạch phải sạch bệnh, tránh để quả tiếp xúc với đất hoặc nơi có nguồn bệnh, nên thu hoạch lúc trái khô ráo. <Xem thêm>

  1. Hiện tượng xơ đen trên mít

Bệnh do vi khuẩn Pantoea stewartii hoặc nấm Rhizopus gây ra, bệnh xuất hiện nhiều và phổ biến trong mùa mưa nơi có ẩm độ cao; bên cạnh đó, việc cung cấp thiếu Bo đặc biệt trong điều kiện đất bị nén dẽ, thiếu hữu cơ, dinh dưỡng bề mặt dễ bị rửa trôi làm tăng tỷ lệ bệnh.

Triệu chứng và cách gây hại:

Hiện tượng đen xơ mít với biểu hiện bên ngoài trái không có gì khác biệt so với trái bình thường, tuy nhiên bên trong cuống trái xuất hiện màu nâu chạy dọc theo các mạch dẫn trong cuống. Đối với cùi trái, khi bị đen xơ cũng xuất hiện các đốm nâu nhạt khi bị nhẹ và các đốm nâu sẽ lan rộng, sần sùi khi bị nặng. Đối với xơ bị đen, trên bề mặt xơ xuất hiện những đốm có màu từ nâu tới nâu đen, các đốm này có hình dạng và kích thước khác nhau, dùng tay chạm vào có cảm giác nhám, sần sùi. Về cảm quan bên ngoài, các múi xuất hiện hiện tượng này có màu sắc và mùi vị tương tự những múi bình thường và thường biểu hiện nặng hơn trên xơ, khi bị nặng các xơ và múi gần nhau sẽ bị dính lại, các đốm đen này lan rộng, sần sùi, rõ rệt trên bề mặt múi làm mất giá trị của trái mít. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở cây tơ hơn là những cây trưởng thành, những trái gần mặt đất cũng bị nhiều hơn những trái trên cao.

Biện pháp phòng trị:

Vệ sinh đất trước khi trồng để loại bỏ các môi giới truyền bệnh và mầm bệnh có sẵn trong đất.

Vườn trồng mít phải thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất, quanh vườn thông thoáng hạn chế sâu bệnh.

Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón Bo cho cây ở giai đoạn sau khi thu hoạch và giai đoạn 15 – 20 ngày sau khi đậu trái với liều lượng khoảng 15 gram Bo/cây/lần bón.

Giai đoạn ra hoa: dùng miếng nilon làm mái che, tránh để nước mưa tiếp xúc trực tiếp vào hoa cái.

Tránh để trái tiếp xúc với đất (trái sà xuống đất), nên để trái cách ít nhất 1 m từ mặt đất trở lên.

Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh để phun ngừa như: Copper Oxychloride (Curenox oc 85 WP), Eugenol (Lilacter 0.3 SL, Genol 0.3 SL,…), Hexaconazole (Anvil 5 SC, Indiavil 5 SC,…), Mancozeb (Manthane 80 WP, Dithane M – 45 80 WP,…),… <Xem thêm>

Tài liệu tham khảo

Khuyến nông Hải Phòng (2024), Hướng dẫn kỹ thuật trồng mít. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://khuyennonghaiphong.gov.vn/huong–dan–ky–thuat–trong–mit–tt15071.html

Việt Dũng (2021), Giá trị dinh dưỡng và tác dụng giảm cân của quả mít. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://laodong.vn/suc–khoe/gia–tri–dinh–duong–va–tac–dung–giam–can–cua–qua–mit–975143.ldo

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật – Sở Y tế Ninh Bình (2017), Lợi ích và tác hại của mít đối với sức khỏe. Truy cập ngày 14/7/2024 từ http://cdc.ninhbinh.gov.vn/tin–tuc–su–kien/tin–tuc–su–kien/loi–ich–va–tac–hai–cua–mit–doi–voi–suc–khoe.html 

Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh Tiền Giang (2021), Mít Thái đầu năm có giá, nông dân vùng chuyên canh thu nhập cao. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://tiengiang.gov.vn/chi–tiet–tin?/mit–thai–au–nam–co–gia–nong–dan–vung–chuyen–canh–thu–nhap–cao/29287948

Trung tâm DVNN Tỉnh Long An, Kỹ thuật trồng mít. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://trungtamdvnn.longan.gov.vn/Portals/0/Ky%20thuat%20trong%20mit.pdfvvvv

Trung tâm Nghiên cứu & Chuyển giao Khoa học Công nghệ – Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, Kỹ thuật trồng mít. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://rttc.hcmuaf.edu.vn/rttc–8154–1/vn/cay–mit.html

Cổng Thông tin Điện tử Tỉnh Vĩnh Phúc, Sổ tay hướng dẫn xuất khẩu trái cây tương sang thị trường Trung Quốc. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/thongbao/Lists/ThongBao/Attachments/2917/Guideline%20M%C3%ADt%20GIZ%2019.02.2021%20.pdf

Nhật Trường (2023), Nông dân vùng đất khó Tiền Giang có nguồn thu nhập cao từ cây mít. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://vov.vn/kinh–te/nong–dan–vung–dat–kho–tien–giang–co–nguon–thu–nhap–cao–tu–cay–mit–post1049883.vov

Mậu Trường (2024), Giá mít Thái tăng mạnh, thương lái vượt sông săn hàng. Truy cập ngày 14/7/2024 từ https://tuoitre.vn/gia–mit–thai–tang–manh–thuong–lai–vuot–song–san–hang–2024030209194127.htm

 

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.