Giới thiệu về cây mía
Cây mía có tên khoa học Saccharum officinarum L., là cây công nghiệp lấy đường quan trọng của ngành công nghiệp đường. Đường là một loại thực phẩm cần có trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày của nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như là loại nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành sản xuất công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng như bánh kẹo… Ngoài sản phẩm chính là đường những phụ phẩm chính của cây mía còn tạo nên các sản phẩm phụ như: bã mía, mật gỉ, bùn lọc. <Xem thêm>
Nguồn gốc xuất xứ
Cây mía xuất hiện trên trái đất từ thời rất xa xưa, khi lục địa châu Á và châu Úc còn dính liền. Một số tác giả cho rằng vùng Tân Guinea là quê hương của cây mía nguyên thủy và từ đây mía được đưa đến các vùng khác nhau trên thế giới. <Xem thêm>
Giá trị và công dụng
- Giá trị dinh dưỡng
Nước mía chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu: các thành phần chính trong nước mía chủ yếu là canxi, đường saccaro, kẽm, crôm, vitamin (A, B1, B2, B3, B5, B6, C), chất chống oxy hóa, phytonutrient, chất xơ hòa tan và protein cần thiết khác. Các dưỡng chất này đặc biệt có lợi cho dạ dày, thận, tim, mắt và đường ruột. <Xem thêm>
- Công dụng
Chữa vàng da: nước mía là một phương thuốc tự nhiên để chữa bệnh vàng da – một căn bệnh do sự hiện diện của sắc tố màu vàng trong billirubin máu. Bệnh này xảy ra do chức năng gan giảm. Tuy nhiên, nước mía có khả năng khôi phục lại sức khỏe của các chức năng gan, vì thế mà nước mía có thể chữa bệnh vàng da. . <Xem thêm>
Chữa lành các ổ nhiễm trùng: một số bệnh nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm dạ dày có thể được hạn chế và chữa khỏi với một ly nước mía hàng ngày. . <Xem thêm>
Tốt cho người bệnh sỏi thận: sỏi thận xảy ra do tình trạng mất nước trong cơ thể. Vì vậy, để tái hydrat hóa cơ thể, bạn có thể thử uống nước mía một cách thường xuyên. Nước mía cũng có một thành phần tự nhiên có thể phá vỡ sỏi thận. . <Xem thêm>
Tốt cho bệnh nhân tiểu đường: nước mía tốt cho bệnh nhân tiểu đường của cả 2 tuýp vì nước mía có chứa một chất làm ngọt tự nhiên. Vì vậy, nó không gây nguy hiểm hoặc làm tăng đường huyết. Người bệnh vẫn có thể ăn, uống nước mía nhưng với một lượng vừa phải chưa không cần phải kiêng tuyệt đối. . <Xem thêm>
Giàu chất dinh dưỡng: nước mía rất giàu vitamin và khoáng chất như phốt pho, sắt, kali, canxi và magiê. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy nước mía có thể giúp phục hồi sự thiếu hụt các vitamin trong cơ thể do sốt cao. . <Xem thêm>
Chữa các bệnh cúm và cảm lạnh: nước mía có thể giúp chữa lành các ổ viêm nên sẽ làm giảm bệnh viêm họng, cảm lạnh và cúm. . <Xem thêm>
Ngừa ung thư: do có chứa nhiều kiềm trong thành phần nên nước mía có thể ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng, ung thư phổi và ung thư vú. <Xem thêm>
Giữ ẩm cơ thể: hiện tượng cơ thể mất nước vẫn là một căn bệnh thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào mùa hè. Vì vậy để ngăn chặn điều này, bạn có thể dùng nước mía để nhiệt độ cơ thể được duy trì thấp hơn và làm ẩm cơ thể. <Xem thêm>
- Giá trị kinh tế
Mía là nguồn nguyên liệu liệu chính của ngành công nghiệp chế biến đường. Đường mía hiện chiếm trên 60% tổng sản lượng đường thô của toàn thế giới. Mía là loại cây có nhiều chất dưỡng chất như đạm, canxi, khoáng, sắt, nhiều nhất là đường, giúp con người thanh nhiệt, giải khát, xóa tan mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa và cung cấp năng lượng cho cơ bắp hoạt động. Đường giữ một vai trò rất quan trọng trong khầu phần ăn hàng ngày của con người, là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. <Xem thêm>
So sánh với một số cây công nghiệp khác, cây mía là cây trồng có nhiều ưu điểm:
Xét về mặt công nghiệp: mía là cây đa dụng, ngoài sản phẩm chính là đường, cây mía còn là nguyên liệu hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều ngành công nghiệp nghiệp như rượu, giấy, ván ép, dược phẩm, điện từ bã mía; thức ăn chăn nuôi, phân bón từ lá, ngọn mía, bùn lọc và tro lò; rỉ đường được dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp để sản xuất nhiên liệu sinh học, rượu, dung môi aceton, butanol, nấm men, axit citric, lactic, aconitic và glycerin, … Các sản phẩm phụ của mía đường nếu được khai thác triệt để, giá trị còn có thể gấp 3 – 4 lần chính phẩm (đường). <Xem thêm>
Xét về mặt sinh học:
Khả năng sinh khối lớn: nhờ đặc điểm có chỉ số diện tích lá lớn (gấp 5 – 7 lần so với diện tích đất) và khả năng lợi dụng cao ánh sáng mặt trời (tối đa tới 6 – 7% trong khi các cây trồng khác chỉ đạt 1 – 2%), trong vòng 10 – 12 tháng, một ha mía có thể cho năng suất hàng trăm tấn mía cây và một khối lượng lớn lá xanh, gốc, rễ để lại trong đất. <Xem thêm>
Khả năng tái sinh mạnh: mía là cây có khả năng để gốc được nhiều năm, tức là một lần trồng thu hoạch được nhiều vụ. Sau mỗi lần thu hoạch, ruộng mía được xử lý, chăm sóc, các mầm gốc lại tiếp tục tái sinh, phát triển. Năng suất mía cây ở vụ gốc đầu nhiều khi cao hơn cả vụ mía tơ. Ruộng mía để được nhiều vụ gốc, giá trị kinh tế càng cao (giảm được chi phí sản xuất). <Xem thêm>
Khả năng thích ứng rộng: cây mía có thể trồng trên nhiều vùng sinh thái khác nhau (khí hậu, đất đai, khô hạn hoặc úng ngập,…), chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên và môi trường, dễ thích nghi với các trình độ sản xuất từ thô sơ đến hiện đại. <Xem thêm>
Tiềm năng thị trường
Trong vài năm trở lại đây, thị trường mía đường Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại nhờ giá mua nâng lên. Theo báo cáo của các nhà máy đường, dự kiến sản lượng niên vụ năm 2023 – 2024 sẽ tăng đáng kể so với niên vụ trước đó. Cụ thể, diện tích mía thu hoạch sẽ lên mức 159.159 ha (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng mía chế biến lên đến hơn 10,9 triệu tấn (tăng 13% so với cùng kỳ), sản lượng đường các loại sẽ tiến lên mốc trên 1 triệu tấn (tăng 10% so với cùng kỳ).
Trong 2 vụ mía trước đó, cả diện tích và sản lượng mía đều tăng trở lại do giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện đã lên đến mức 1,1 – 1,3 triệu đồng/tấn. Mức giá tăng giúp đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân. <Xem thêm>
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung
- Đặc điểm thực vật học
Cây mía bao gồm các bộ phận (hay các tổ chức) chính là: rễ, thân, lá, hoa và hạt. Mỗi bộ phận của cây mía đều có những chức năng riêng. Đối với sản xuất, chế biến, thân mía là đối tượng chủ yếu, là sản phẩm thu hoạch. <Xem thêm>
Rễ mía
Mía có hai loại rễ chính: rễ sơ sinh (rễ hom) và rễ thứ sinh (rễ vĩnh cửu). Trong loại rễ thứ sinh còn được chia làm ba nhóm theo chức năng sinh lý của nó là rễ hấp thụ, rễ chống đỡ (rễ xiên) và rễ ăn sâu (rễ hút nước). Ngoài ra, còn có một loại rễ thứ ba gọi là rễ phụ sinh đâm ra từ đai rễ ở trên thân mía. <Xem thêm>
Thân mía
Nhiệm vụ của thân mía không phải chỉ để giữ bộ lá mà còn là nơi dẫn nước và dinh dưỡng từ rễ tới lá và dự trữ đường nhờ quá trình quang họp ở bộ lá. Thân mía là đối tượng thu hoạch, là nguyên liệu chính để chế biến đường. <Xem thêm>
Thân mía được hình thành bởi nhiều dóng (hay còn gọi là lóng) hợp lại, có màu sắc và hình dạng khác nhau. Có giống mía vỏ màu xanh, có giống vỏ màu vàng, màu đỏ xẫm, màu tím hoặc ẩn tím,… Về hình dạng dóng, có giống dóng hình trụ, có giống dóng hình ống chỉ, hình trống, hình chóp cụt xuôi hoặc ngược (còn gọi là hình chùy xuôi hoặc ngược), có giống hình cong,… Nhiều giống mía thân thẳng nhưng cũng có giống các dóng nối nhau theo hình zig – zag,… <Xem thêm>
Ở mỗi dóng mía quan sát chúng ta thấy có những đặc điểm sau: mầm (mắt mầm), rãnh mầm, đai sinh trưởng, đai rễ, đai phấn, sẹo lá, vết nứt,… Mỗi đặc điểm này khác nhau đôi với từng giống mía. <Xem thêm>
Lá mía
Bộ lá giữ vai trò rất quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây mía. Lá làm nhiệm vụ hô hấp và thực hiện quá trình quang hợp, là tổ chức đồng hóa thực sự của cây trồng. Lá còn có bẹ lá và phiến lá. <Xem thêm>
Hoa mía
Hoa mía có hình chiếc quạt mở. Khi mía kết thúc thời kỳ sinh trưởng mầm hoa được hình thành ở điểm trên cùng của thân cây (điểm sinh trưởng) và phát triển thành hoa (cây mía chuyển sang giai đoạn sinh thực). Hoa mía được bao bọc bởi chiếc lá cuối cùng của bộ lá (lá cụt), khi đã được thoát ra ngoài, hoa xòe ra như một bông cờ (nên gọi là bông cờ). Cấu tạo của hoa mía gồm trục chính và các nhánh cấp 1, cấp 2,…(còn gọi là gié và gié con) và trên những gié con là những hoa mía nhỏ. Mỗi hoa mía được bao bởi 2 mảnh vỏ, được tạo thành bởi hai lớp màng trong và màng ngoài. <Xem thêm>
Hạt mía
Hạt mía trông như một chiếc vảy khô, nhẵn, hình thoi, ở trong chứa albumin, tinh bột và một mầm nhỏ. Khi chín, hạt có màu biến đổi từ vàng sang màu hạt dẻ và không bị nứt. Kích thước của hạt khoảng 0,5 mm x 1,5 mm và nặng từ 0,15 đến 0,25 mg. Trong công tác lai tạo giống mới, lai hữu tính là một phương pháp được ứng dụng rộng rãi và thu được nhiều kết quả, do đó, sự ra hoa kết hạt của mía có ý nghĩa rất tích cực đối với mục đích này. <Xem thêm>
- Đặc điểm sinh thái
Cây mía là cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới, sức sống cao, khả năng thích ứng rộng. So sánh với một số cây trồng khác, cây mía có khả năng sử dụng tới mức cao nhất ánh sáng mặt trời đồng hóa CO2. Tuy nhiên, để cây mía sinh trưởng và phát triển bình thường cũng cần phải có một số yêu cầu nhất định vệ khí hậu, đất đai, mùa vụ,… <Xem thêm>
Nhiệt độ
Mỗi giống mía thường cần một lượng nhiệt nhất định trong suốt cả cuộc đời của nó (từ khi trồng đến khi mía chín và thu hoạch). Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng mía cần những khoảng nhiệt độ thích hợp riêng. Nhiệt độ ảnh hưởng đến quang hợp, vận chuyển và quá trình tích lũy đường. Nhiệt độ biến đổi trong khoảng 30 – 40°C, tốc độ quang hợp của cây mía về cơ bản không thay đổi. Tuy nhiên, với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều làm giảm tốc độ quang hợp. Với nồng độ CO2 thích hợp, ở nhiệt độ 34°C quang hợp đạt mức cao nhất. <Xem thêm>
Đối với cây mía, từ lúc trồng hom giống xuống đất cho đến khi thu hoạch, người ta có thể chia ra làm bốn thời kỳ như sau:
Thời kỳ trồng, mía có thể nảy mầm ở nhiệt độ 15°C, nhưng tốc độ nảy mầm sẽ tăng lên và tập trung hơn theo độ tăng của nhiệt độ. Tốt nhất là nhiệt độ trong khoảng từ 20 – 25°C.
Thời kỳ mía đẻ nhánh, nhiệt độ cần từ 20 – 25°C.
Thời kỳ mía làm dóng vươn dài cần nhiệt độ trung bình trên 23°C và thích hợp nhất là từ 30 – 32°C.
Thời kỳ mía chín, nhiệt độ cần thấp dưới 20°C và biên độ nhiệt lớn giữa ngày và đêm để giúp cho quá trình chuyển hóa và tích lũy đường được tốt. <Xem thêm>
Ánh sáng
Cùng với nhiệt độ, ánh sáng có vai trò quan trọng trong hoạt động sinh lý của cây trồng. Cây mía là cây trồng có bộ lá xanh lớn, khả năng tích lũy chất khô cao. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây mía cần cường độ, ánh sáng mạnh. Khi cường độ và ánh sáng tăng, hoạt động quang hợp ở bộ lá cũng tăng lên, thiếu ánh sáng, mía phát triển yếu, vóng cây, hàm lượng đường trên mía thấp, cây dễ bị sâu, bệnh tấn công. Trong suốt cuộc đời, cây mía cần khoảng 2.000 – 3.000 giờ chiếu sáng, tối thiểu cũng phải từ 1.200 giờ trở lên. <Xem thêm>
Độ ẩm trong đất
Mặc dù là cây trồng cạn, mía rất cần nước. Trong thân cây mía chứa trên 70% khối lượng là nước. Do đó, nước đối với đời sống cây mía là không thể thiếu được. Nước tham gia quá trình quang hợp tổng hợp chất khô, nước là môi trường hòa tan các chất dinh dưỡng, nhờ đó mà cây có thể hấp thụ được. Nước giúp cho hom mía nảy mầm, cho cây đẻ nhánh, phát triển vươn dài và tích lũy đường. Ở những vùng đất cao, đồi gò, khô hạn thì vai trò của nước càng trở nên quan trọng hơn. Ngoài lượng mưa tự nhiên, để cho cây mía có thể phát triển tốt, người ta cần tưới vào các tháng mùa khô hạn. Ngược lại, mía cũng là cây rất sợ nước, ở những đất bị úng ngập và khả năng thoát nước kém, cây mía sinh trưởng và phát triển khó khăn. <Xem thêm>
Thời kỳ nảy mầm và đẻ nhánh, mía cần độ ẩm trong đất khoảng 65%.
Thời kỳ làm dóng vươm dài mía cần nhiều nước nhầt, chiếm từ 50 – 60% nhu cầu nước của quá trình sinh trưởng, độ ẩm trong đất cần từ 75 – 80%.
Thời kỳ mía chín, tích lũy đường, mía cần độ ẩm trong đất dưới 70% để cho quá trình sinh hóa tiến triển được thuận lợi. <Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ mía trên thế giới
Ngành mía đường thế giới phát triển mạnh từ thế kỷ thứ 16. Sản lượng đường toàn cầu phát triển nhanh theo nhu cầu tiêu thụ, đầu những năm cách mạng công nghiệp (1750 – 1830) chỉ khoảng 820 ngàn tấn/năm và trước thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) khoảng 18 triệu tấn/năm, đến năm 2012 đã đạt trên 170 triệu tấn/năm. <Xem thêm>
Đường ăn hiệng được sản xuất tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có trên 70% sản lượng tiêu thụ nội địa. Trong niên vụ 2018/2019, tổng sản lượng đường thế giới sản xuất là 179 triệu tấn, với dự kiến 181 triệu tấn cho năm 2019/2020. Khoảng 80% lượng đường thế giới được sản xuất từ cây mía ở vùng khí hậu nhiệt đới và 20% còn lại có nguồn gốc từ củ cải đường, được trồng chủ yếu ở vùng ôn đới, cận nhiệt của Bắc bán cầu. Tổng cộng có 124 quốc gia sản xuất đường. Các nước sản xuất đường lớn nhất thế giới gồm có: Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Trung Quốc và EU. <Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ mía tại Việt Nam
Theo Hiệp Hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích trồng mía cả nước vụ 2022 – 2023 là 141.906 ha, tăng 17.151 ha (13,75%) so với vụ 2021 – 2022 là 124.753 ha. Năng suất mía thu hoạch bình quân vụ 2022 – 2023 đạt 69,3 tấn/ha, tăng 2,5% so với vụ 2021 – 2022 là 61,5 tấn/ha, dẫn tới sản lượng mía vụ 2022 – 2023 đạt 9.496.358 tấn tăng 28,2% so với 7.532.728 tấn của vụ 2021 – 2022. <Xem thêm>
Niên vụ 2023 – 2024, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022 – 2023, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 – 2024 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2022 – 2023 với diện tích mía thu hoạch (ha) 159,159 ha tăng 112%; sản lượng mía chế biến 10,560,399 tấn tăng 109%; sản lượng đường 1,026,719 tấn tăng 110%. <Xem thêm>
Các giống mía hiện nay
- Giống mía VN08 – 259
Là giống mía lai Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Mía đường lai tạo năm 2008
Đặc điểm tổng thể bụi mía: Dáng bụi xòe, lóng gốc trung bình, ít rễ phụ, dáng ngọn xòe xiên.
Đặc điểm hình thái: thân to, đều cây, lóng hình trụ, nối thẳng, màu xanh ẩn vàng, có nhiều sáp phủ, không có vết nứt sinh trưởng. Mầm hình tròn, nằm sát sẹo lá, đỉnh mầm không có chùm lông, có cánh mầm, có rãnh mầm nông. Đai sinh trưởng lồi, màu vàng. Đai rễ có hai – ba hàng điểm rễ xếp không đều, điểm rễ rõ. Sẹo lá rõ. Bẹ lá màu xanh có vệt tím, có sáp phủ, có lông, mép bẹ lá khô, không tự bong. Lá thìa hẹp. Có 2 tai lá hình tam giác. Cổ lá nhỏ, bị nhăn, hình tam giác, màu xanh. Phiến lá trung bình, dày, cứng, mép lá sắc, màu xanh đậm.
Đặc điểm nông nghiệp: mọc mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, tốc độ vươn lóng khá nhanh, mật độ cây hữu hiệu cao, kháng sâu bệnh hại, bị trắng lá nhẹ, trổ cờ trung bình, lưu gốc tốt, năng suất cao, đạt trên 80 tấn/ha.
Đặc điểm công nghiệp: giống hàm lượng đường khá cao, CCS đạt từ 11 – 13%. <Xem thêm>
- Giống mía VN12 – 81 – 23
Là giống mía lai Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Mía đường lai tạo năm 2012.
Đặc điểm hình thái: dáng bụi xòe, gốc lóng thưa, ít rễ phụ, dáng ngọn chụm xiên. Thân to, không đều cây, lóng hình trụ, nối thẳng, màu xanh ẩn vàng, không có vết nứt sinh trưởng. Mắt mầm hình ngũ giác, to, lồi, đỉnh mầm có lông, không có rãnh mầm. Đai sinh trưởng rộng, lồi. Đai rễ có 2 – 3 hàng, xếp không đều, điểm rễ rõ. Bẹ lá màu xanh ẩn tím, có sáp, có ít lông, không tự bong. Có 2 tai lá, tai lá trong hình tam giác ngắn, tai lá ngoài không rõ. Cổ lá hình lưỡi cong, màu tím. Phiến lá hơi ngắn, rộng, dầy, cứng, mép lá sắc, màu xanh đậm.
Đặc điểm nông nghiệp: mọc mầm khỏe, đẻ nhánh mạnh, mật độ cây hữu hiệu cao. Tốc độ vươn lóng nhanh, chống chịu đổ ngã turng bình, chống chịu sâu bệnh hại khá tốt, tái sinh gốc tốt, cho năng suất cao, trên 100 tấn/ha.
Đặc điểm công nghiệp: Chất lượng tốt, trên 12 CCS. <Xem thêm>
- Giống mía VNN – 01
Năng suất bình quân: 113 tấn/ha
Chữ đường bình quân: 14 CCS
Nhiễm trung bình bệnh than, kháng trung bình bệnh thối đỏ.
Thích hợp đất pha sét, đất đủ ẩm hoặc tưới. <Xem thêm>
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc mía tơ
Thời vụ
Vụ 1: trồng từ 15/4 – 15/5 (đầu mùa mưa) vụ này dễ trồng nhưng khi thu hoạch mía còn non, năng suất thấp.
Vụ 2: trồng từ 1/12 – 31/12 (cuối mùa mưa) mía thu hoạch 12 tháng tuổi, năng suất cao. <Xem thêm>
Làm đất
Chọn đất trung bình, giàu dinh dưỡng dễ thoát nước.
Đất cày sâu 30cm làm nhỏ đất.
Rạch hàng sâu 25cm, đất được đập nhỏ. <Xem thêm>
Chuẩn bị giống
Ruộng lấy làm giống phải đảm bảo được độ thuần, hom giống phải sạch bệnh trước khi trồng.
Ruộng mía để làm giống có khoảng 8–10 tháng tuổi. Nếu trên 10 tháng tuổi cần chặt ngọn trước khi lấy làm giống 1 tuần để kích thích các mắt mía phát triển.
Nên chặt mía ra thành từng hom khoảng 3 – 4 mắt. <Xem thêm>
Mật độ khoảng cách
Hàng cách hàng 1m – 1,2m.
Các hom đặt nối đuôi nhau trên hàng.
Lượng giống cần cho 1 ha khoảng 30.000 – 40.000 hom, hoặc 6 – 8 tấn mía cây. <Xem thêm>
Chuẩn bị phân
Lượng phân bón cho 1 ha như sau:
10 – 20 tấn phân chuồng.
160 – 200 kg N tương đương 350 – 450 kg urê.
100 – 200 kg P2O5 tương đương 500 – 1000 kg lân Văn Điển.
160 – 200 kg K2O tương đương 320 – 400 kg kali Clorua.
100 – 1500 kg vôi bột bón ruộng. <Xem thêm>
Cách bón và thời kỳ bón
Bón lót: bón lót toàn bộ phân chuồng + phân lân + toàn bộ lượng thuốc sâu bột hạt cần bón và một nửa lượng phân Kali với 1/3 lượng phân đạm. Đối với phân chuồng và phân lân bón trước khi cày bừa lần cuối còn với phân đạm phân Kali và thuốc trừ sâu bón sau khi rạch hàng.
Bón thúc:
Bón thúc lần 1: khi cây mía đẻ nhánh (cây mía có từ 5–7 lá thật) bón 1/3 lượng phân đạm cần bón. Bón cách gốc 3–5cm kết hợp với xới xáo và vun gốc.
Bón thúc lần 2: khi cây mía vươn lóng (sau trồng khoảng 4 tháng) bón lượng phân đạm và Kali còn lại cách bón như bón lần 1.
Lưu ý: ngừng bón phân trước thu hoạch 6 tháng để không ảnh hưởng xấu đến phẩm chất của nguyên liệu. <Xem thêm>
Chăm sóc
Dặm mía: dặm lại các hốc không mọc bằng hom dự phòng hoặc lấy các mầm từ chỗ có mật độ dày.
Làm cỏ sạch và sớm.
Bón phân theo tỷ lệ ở trên nhưng kết hợp với xới xáo làm cỏ vun gốc.
Nếu mía còn non (nhỏ hơn 4 tháng tuổi) mà bị sâu đục thân thì có thể xử lý bằng thuốc trừ sâu.
Khi mía đã lớn hơn 5 tháng tuổi không nên phun thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp lên cây. <Xem thêm>
- Chăm sóc mía gốc
Sau khi thu hoạch, chặt các gốc còn cao chỉ để lại 3 – 4 mắt sát mặt đất. Băm lá mía và các xác thực vật rải đều trên mặt ruộng để tăng lượng mùn hữu cơ cho đất.
Chuẩn bị phân
Khi có mưa cày đất sát gốc để chăm sóc và bón phân theo liều lượng như sau:
60 – 200kg N tương đương 330 – 420kg phân đạm urê.
100 – 150kg P2O5 tương đương 600 – 900kg phânlân Văn Điển.
160 – 200kg K2O tương đương 270 – 340kg Phân Clorua kali. <Xem thêm>
Thời kỳ bón
Lần 1: khi có mưa kết hợp với làm nhỏ đất và vun gốc ta bón toàn bộ lượng phân lân + 1/3 lượng phân đạm + 1/3 lượng kali cần bón.
Lần 2: sau lần 1 một tháng bón 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali.
Lần 3: sau lần 2 một tháng bón lượng phân còn lại. <Xem thêm>
- Tưới nước
Bình quân trong vụ mía thường tưới từ 15 – 20 lần.
Thời kỳ mía nảy mầm, đẻ nhánh: Tưới 4 lần/ tháng.
Thời kỳ đẻ nhánh làm lóng: 2 – 3 lần/tháng.
Mía làm lóng: 1 – 2 lần/tháng.
Mía sắp thu hoạch phải bỏ nước từ 20 ngày trở lên. <Xem thêm>
Tình hình sâu hại trên mía
Sâu đục thân: sâu phá từ khi mọc mầm đến khi thu hoạch, có nhiều loại sâu như sâu mình tròn, sâu 4 cạnh, sâu mình trắng, sâu mình hồng, sâu 5 vạch.
Rệp bông trắng: rệp tập trung phá hoại ở giữa và cuối vụ, chúng sống tập trung bởi phía sau của lá có phủ 1 lớp bông trắng, chúng bài tiết ra dịch là môi trường tốt cho nấm bệnh phát triển.
Rệp sáp: rệp ẩn lấp trong bẹ lá và mắt trên thân để hút dịch nhựa cây.
Cách phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Dọn sạch lá những đoạn thân còn sót lại để loại trừ sâu, làm đất hợp lý kết hợp với trồng thời vụ thích hợp, luân canh với 1 số cây trồng khác.
Bảo vệ thiên địch như ong mắt đỏ.
Dùng thuốc hoá học: Đối với sâu đục thân dùng thuốc bảo vệ thực vật rắc vào luống trước khi trồng trường hợp bệnh nặng sử dụng một số loại thuốc trừ sâu bệnh trên thị trường và theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. <Xem thêm>
Trồng mía hàng đôi
Đối với trồng mía hàng đôi thì cần lượng giống được trồng từ 12 – 14 tấn/ha và mía được trồng theo hàng đôi với khoảng cách hàng đôi cách hàng đôi là 0,8 – 1,2m và khoảng cách giữa 2 hàng đơn 0,3 – 0,4m. Khi trồng dùng bò cày kết hợp với cuốc vét rãnh, độ sâu rãnh từ 20 – 30cm để đặt hom mía, khi đặt hom mía đến đâu lấp đất và dùng chân giậm chặt đến đó, mỗi hàng mía bỏ 2 hàng hom so le và gối đầu nhau. Lượng phân bón tăng lên 20% so với trồng hàng đơn (số cây mía nhiều hơn 1,4 – 1,5 lần hàng đơn). Toàn bộ kỹ thuật chăm sóc giống trồng hàng đơn. <Xem thêm>
Tài liệu tham khảo
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Kỹ thuật trồng, thâm canh cây mía. Truy cập ngày 21/7/2024, từ http://khuyennong.lamdong.gov.vn/ky–thuat–trong–trot/ki–thuat–trong–cay2/247–k–thu–t–tr–ng–tham–canh–cay–mia
Viện Nghiên cứu Mía đường, Lịch sử cây mía và phát triển sản xuất mía đường trên thế giới. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://www.vienmiaduong.vn/vi/ngan–hang–kien–thuc/phan1.html
Viện Nghiên cứu Mía đường, Những đặc điểm của cây mía. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://www.vienmiaduong.vn/vi/ngan–hang–kien–thuc/phan3.html
MEBLATEC (2022), Lợi ích không ngờ của nước mía giải khát mùa hè. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://medlatec.vn/tin–tuc/loi–ich–khong–ngo–cua–nuoc–mia–giai–khat–ngay–he–s51–n31062#:~:text=N%C6%B0%E1%BB%9Bc%20m%C3%ADa%20ch%E1%BB%A9a%20nhi%E1%BB%81u%20d%C6%B0%E1%BB%A1ng,tim%2C%20m%E1%BA%AFt%20v%C3%A0%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng%20ru%E1%BB%99t.
Cổng TTĐT Ngành Y tế Hà Tĩnh (2018), 8 tác dụng tuyệt vời ít được nói đến của cây mía đối với sức khỏe. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://soyte.hatinh.gov.vn/tin–tuc–su–kien/pho–bien–kien–thuc/8–tac–dung–tuyet–voi–it–duoc–noi–den–cua–cay–mia–doi–voi–suc.html
Thanh Thảo (2024), Tín hiệu tích cực của ngành mía đường Việt Nam. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://truyenhinhthanhhoa.vn/tin–hieu–tich–cuc–tu–nganh–mia–duong–viet–nam–180240517201444279.htm
VMEX (2020), 5 quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://vmex.vn/5–quoc–gia–san–xuat–duong–lon–nhat–the–gioi/
Thủy Loan (2023), Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2022 – 2023. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://phuyen.gov.vn/wps/portal/home/trang–chu/chi–tiet/thong–tin–nganh–dia–phuong/hoi+nghi+tong+ket+san+xuat+mia+duong+nion+vu+2022+–+2023
Công ty Cổ phần Mía đường 333 (2022), Giống mía của viện nghiên cứu mía đường. Truy cập ngày 21/7/2024, từ https://www.miaduong333.com/giong–mia/
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.