Giới thiệu về Cây chanh

Giới thiệu về cây Chanh

Chanh có tên khoa học Citrus aurantifolia, thuộc họ Rutaceae (Cam). Chanh vừa là một loại trái cây, gia vị, vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Tại Việt Nam, chanh được gọi với nhiều tên khác nhau tùy vào dân tộc: Chanh, Chanh ta, Mạy sló, Mác cheng (Tày), Má điêu (Thái), Chứ hở câu (Hmông), Piều sui (Dao),… <xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Chanh ta có nguồn gốc từ Đông Nam Á, sau đó lan truyền qua Trung Đông, tới Bắc Phi rồi tới Sicilia, Andalusia,

rồi theo chân những người Tây Ban Nha khám phá Tân thế giới đến khu vực Tây Ấn Độ, bao gồm cả chuỗi đảo Florida. Từ vùng biển Caribê, giống chanh này lan tới các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Bắc Mỹ, bao gồm México, Florida và sau đó là California.

Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ được ký kết, nhiều giống chanh ta ở thị trường Hoa Kỳ đã được trồng tại Trung Mỹ và México. Chúng cũng được trồng tại Texas và California.<xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng: Chanh được xếp vào danh sách những loại trái cây có lợi cho sức khỏe vì nó có hàm lượng dinh dưỡng tốt. Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong một quả chanh lớn (84g) chứa khoảng:

Thành phần dinh dưỡng Hàm lượng Thành phần dinh dưỡng Hàm lượng
Lượng calo 75 Vitamin C 44,5mg
Carbohydrate 7,8g Vitamin B6 0,067mg
Chất xơ 2,4g Sắt 0,5mg
Tổng lượng chất béo 0,2g Kali 116mg
Chất đạm 1g Natri 1,7mg

 

Ngoài ra, chanh còn chứa một lượng nhỏ thiamin, folate, canxi, magie và đồng. [1]

Vitamin C: Một quả chanh chứa đến 49% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Đây là chất dinh dưỡng có tác dụng hỗ trợ miễn dịch, tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa suy giảm nhận thức và giúp cải thiện sự hấp thụ sắt từ chế độ ăn uống.

Chất xơ: Chất xơ là một loại carbohydrate hỗ trợ tiêu hóa và giảm cholesterol. Chất xơ chính bên trong quả chanh là chất xơ hòa tan được gọi là pectin, được tìm thấy trong cùi chanh, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa đường, hỗ trợ giảm lượng đường trong máu.

Acid citric: Acid citric là một loại acid được tìm thấy tự nhiên trong tất cả các loại trái cây họ cam quýt, nhất là chanh.[1]

  1. Công dụng

Nhân dân trồng chanh chủ yếu để lấy quả ăn, lá làm gia vị. 

Làm thuốc người ta dùng quả, lá và rễ, thu hái gần như quanh năm; dùng tươi hay khô.

Vỏ quả chanh: Lớp vỏ xanh ngoài chứa tinh dầu, vỏ trắng chứa pectin. Tinh dầu chanh là một chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm chanh.

Dịch quả chanh: Trong dịch quả chanh có 80-82% nước, 5-7% acid citric, có khi tới 10% (mùa thu tỷ lệ acid cao hơn mùa hạ), chừng 1-2% citrat acid canxi và kali, một ít citrat etyl và chừng 0,4-0,5% acid malic. Ngoài ra, còn 0,4-0,75% đường interverti, 0,5% sacaroza, 0,75-1% protid. Là một thứ nước uống mát, thông tiểu tiện. Liều dùng 30-50g một ngày pha với nước đường uống. [2]

Lá chanh chứa tinh dầu mùi thơm dễ chịu. Hàm lượng tinh dầu trong lá thay đổi từ 0,33-0,5%. Trong thực phẩm, lá chanh thái nhỏ làm gia vị ăn với thịt gà, ốc, quả chanh dùng pha nước chấm, tăng hương vị cho phở, làm đậm đà thêm nước rau luộc. Chanh còn là một nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo. [2]

Rễ chanh: Được dùng chữa ho dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với rễ dâu tằm cạo bỏ vỏ đỏ, nướng với mật hoặc mật ong rồi hãm nước uống. Ngày dùng 6-12g.

Tinh dầu chanh và tinh dầu lá chanh: Pha thuốc gội đầu, làm thơm các thuốc bột hay thuốc ngậm.

Vỏ thân cây chanh: Được dùng làm thuốc giúp tiêu hóa tốt hơn. Ngày uống 4-10g dưới dạng thuốc sắc.

Hạt quả chanh: Có người dùng làm thuốc tẩy giun, tiêu đàm, mạnh cho sinh dục, chữa sa đì. [2]

Tiềm năng thị trường

Giá chanh tại Việt Nam trong niên vụ 2020/21 có nhiều biến động. Cuối năm 2020, giá chanh thu mua tại vườn chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 10.000 – 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh, lụt bão nên các thị trường tiêu thụ chanh kém.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2021, giá chanh tăng nhanh. Đến tháng 2/2021, giá chanh bán lẻ khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg.

Tình trạng giá chanh bấp bênh đã xảy ra từ nhiều năm nay. Năm 2015/16, giá chanh xanh đạt khoảng 20 – 25 nghìn đồng, có thời điểm 30 nghìn đồng/kg. Riêng đối với chanh đào được cho là có tác dụng làm gia vị và làm thuốc giá lên đến 50 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá chanh lên cao kéo theo cơn sốt trồng chanh khắp các địa phương. Đến năm 2017, giá chanh bắt  đầu giảm xuống chỉ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Giá chanh quá thấp dẫn đến thu không bù chi, nhiều nhà vườn trồng chanh đã bỏ hoang, thậm chí là chặt chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhưng chỉ sau một năm, đầu năm 2018, giá chanh lại tăng lên 25 – 30 nghìn đồng/kg, kéo theo cơn sốt trồng chanh. Tuy nhiên, cũng chỉ chưa đầy 1 năm sau, từ tháng 5 đến cuối năm 2020, giá quả chanh tươi lại giảm xuống còn 10 nghìn đồng/kg, có thời điểm xuống còn có 5.000 – 7.000 đồng/kg chanh loại A, loại B chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Mặc dù giá chanh bấp bênh nhưng đây vẫn là một loại trái cây có tiềm năng về xuất khẩu, nhất là chanh không hạt.<xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học
  2. Yêu cầu sinh thái của cây chanh

Tình hình sản xuất và tiêu thụ bưởi trên thế giới

Chanh là một loại cây ăn trái, cây gia vị khá phổ biến trên thế giới và sản lượng sản xuất khá lớn. Theo số liệu của tổ chức Fao, diện tích, sản lượng chanh trên toàn thế giới có chiều hướng tăng qua từng năm. Cụ thể năm 2018 diện tích trồng chanh trên toàn thế giới là 1.168.226 ha với sản lượng 19 triệu tấn, năm 2022 diện tích trồng chanh trên toàn thế giới đã tăng lên 1.334.255 ha và sản lượng chanh trên thế giới đạt 21 triệu tấn.

Năm Diện tích (ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn)
2018 1.168.226 16,6515 19.452.694,13
2019 1.254.892 15,7544 19.770.009,38
2020 1.287.477 15,9347 20.515.518,01
2021 1.349.775 15,9632 21.546.659,85
2022 1.334.255 16,1360 21.529.604,13

(Theo FAO, 2024)

Tình hình sản xuất và tiêu thụ chanh ở Việt Nam

Hiện nay chanh được trồng rộng rãi ở hầu hết các tỉnh, một số tỉnh có diện tích trồng chanh lớn nhất cả nước như:  Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ,… trong đó tỉnh Long An có Công ty Chanh Việt là một nông trại trồng chanh không hạt lớn nhất Việt Nam mang đến nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn cho cộng đồng.

Hiện toàn huyện Bến Lức có khoảng 6.950ha trồng chanh, trong đó diện tích cho trái là 6.600ha, chủ yếu là chanh không hạt, năng suất bình quân 160 tạ/ha, sản lượng khoảng 105.600 tấn/năm. Năm 2023, huyện phát triển thêm 460ha (kế hoạch 445ha) chanh ƯDCNC, đạt 103,4% kế hoạch tỉnh giao. Đến thời điểm hiện tại, diện tích chanh ƯDCNC trên toàn huyện là 2.341ha (tỉnh giao đến năm 2025 có 2.700 ha). [3]

Hiện tại, hơn 80% sản lượng chanh không hạt được trồng trên địa bàn huyện được chế biến phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, giá chanh không hạt luôn ở mức ổn định, người trồng chanh có thu nhập bình quân 1ha chanh cao hơn các loại cây trồng khác (gần 100 triệu đồng/năm).

Trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu chanh ổn định theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ đầu ra. Điển hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chanh có Công ty (Cty) TNHH The Fruit Repuplic (Cần Thơ) với nông dân trồng chanh trên địa bàn huyện ở nhiều xã: Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức,…<xem thêm> [3]

Các giống chanh hiện nayơ

  1. Chanh giấy

Tên thường gọi: Chanh giấy

Tên khoa học: : Citrus aurantifolia

Tên tiếng anh :“giấy” lime

Cây có nhiều gai, tán hình oval, cành phân bố đều, lá dầy đặc, được ưa chuộng vì vỏ mỏng (1 – 1,2 mm), nhiều nước, múi xanh nhạt, có vị thơm, quả hình cầu, đường kính từ 3,5 – 4,0 cm, quả nặng bình quân 40 gram, có khoảng 4 – 6 hạt. Chanh giấy được trồng thuần hay trồng xen với mít, cam, bưởi…

Hoa thuộc loại hoa đủ, mọc thành chùm.

Vỏ quả có màu xanh khi còn non và chuyển sang màu vàng xanh khi chín, con tép màu xanh bóng, nước quả khá, mùi vị thơm, chua và có nhiều hạt.

Chanh giấy được trồng nhiều vùng đất phù sa ngọt ven sông. <xem thêm>

  1. Chanh tàu (Chanh núm)

Tên thường gọi: Chanh Tàu bông tím hay chanh Núm

Tên tiếng Anh: Citrus limonia

Tên tiếng Anh: “Tàu” lemon

Cây ít gai, tán dầy đặc, trái hình cầu, to, vỏ màu xanh đậm và hơi sần hơn chanh chùm, con tép màu vàng nhạt, trái to, nhiều nước.

Quả tròn, đầu quả có núm ngắn. Kích thước từ 4,0 – 4,8 cm, quả nặng từ 45 – 50 gram. Vỏ dày hơn chanh giấy từ 1,5 – 1,8mm. Múi màu xanh vàng, nhiều nước, khoảng 5 – 7 hạt.

Được ghi nhận có 2 giống chanh tàu bông tím đậm và chanh tàu bông tím lợt. <xem thêm>

  1. Chanh không hạt (nhập từ Mỹ)

Tên thường gọi: Chanh không hạt

Tên Khoa học: Citrus latifolia

Tên tiếng Anh: “Seedless” lime Đây là giống nhập nội

Quả xanh bóng, vỏ trái mỏng, không hạt, rất thơm, nhiều nước, kích thước trái đồng đều. Khi cây đã trưởng thành, gai sẽ bị thoái hoá nên dễ dàng chăm sóc và thu hoạch.

Trọng lượng trái trung bình 70 – 100 gram, 10 – 15 quả/kg.

Thu hoạch sau 1 năm trồng, có thể thu hoạch trái vụ.

Khai thác kinh doanh trên 10 năm.

Lá lớn, gai nhỏ, tược dài, cho trái chùm năng suất cao.

Thích hợp với khoảng cách từ 3,5-4m/cây.

Năng suất đạt khá cao, năm thứ 4 là 50- 60 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có thể đạt trên 90 tấn/ha. <xem thêm>

  1. Chanh thơm Indo

Là giống chanh được nhập nội từ Indonexia. Quả tròn đẹp, vỏ xanh đậm, vị chua, nhiều nước, rất thơm. Trọng lượng quả trung bình 10 – 20 gram, 50 -100 quả/kg. Thu hoạch sau trồng 12 tháng. Khai thác kinh doanh 10 năm. <xem thêm>

  1. Cây chanh tây

Chanh tây hay chanh vàng, là tên gọi thông thường của loài có danh pháp hai phần Citrus limon. Loài này được (Carl von Linné) Nicolaas Laurens Burman cùng các cộng sự miêu tả khoa học đầu tiên năm 1768.

Đây là loài cây thường xanh bản địa của châu Á, và là loại quả màu vàng có hình bầu dục. Nước ép, múi và vỏ, đặc biệt là mùi thơm của nó được dùng làm thực phẩm. Nước chanh chiếm khoảng 5% đến 6% axít citric, làm cho chanh có vị chua. Vị chua đặc trưng của chanh làm nó là một thành phần quan trọng trong thực phẩm.

Về mặt thực vật học, đây là loài lai giữa C. medica và C. aurantium. Mặc dù các tác giả khác cho rằng chanh tây là kết quả lai giữa Citrus medica và Citrus aurantifolia.<xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Yêu cầu ngoại cảnh

Nhiệt độ

Cây chanh có nguồn gốc nhiệt đới và á nhiệt đới nên nhiệt độ sống bình thường tương đối rộng từ 12 – 32oC. Nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23 – 32 oC. Nhiệt độ nóng như Nam Bộ, cây phát triển mạnh và từ khi có hoa đến trái chín khoảng 5 – 7 tháng tùy theo giống. Nhiệt độ càng lạnh thời gian trổ hoa đến trái chín càng dài ra. [4]

Ánh sáng

Cây chanh ưa ánh sáng nhẹ. Độ sáng thích hợp là 10.000 – 15.000 lux, vườn chanh cần thoáng nhưng ít nắng. Do đó, , mật độ trồng cần hợp lý để giúp cây phát triển tốt. Ngoài ra, vườn chanh cần bố trí cây che gió và trồng xen cây che nắng thích hợp cho chanh phát triển, có thể bố trí trồng xen chuối, đu đủ trong thời gian 1 – 2 năm đầu.

Đất trồng

Đất trồng chanh cần bằng phẳng, tơi xốp, nhiều mùn, thoáng khí, giữ ẩm tốt, không bị ngập úng trong mùa mưa (mực nước ngầm sâu dưới 50 cm). Nơi đất thấp nên đào mương lên liếp, đắp mô giúp thoát nước nhanh, pH đất thích hợp cho cây phát triển từ 5,5 – 8, nhưng tốt nhất là từ 6 – 7. [4]

Nước

Cây chanh cần nhiều nước nhất là lúc cây ra hoa, đậu trái. Tuy chanh ưa ẩm nhưng lại sợ úng vì vậy trong các tháng mùa khô có thể ngày tưới ngày nghỉ và lưu ý trong mùa mưa cần thoát nước nhanh, phải khống chế mực nước trong mương dưới 50 cm. [4]

  1. Giống và nhân giống

Giống

Ở khu vực ĐBSCL có khoảng 12 giống/dòng chanh, nhưng phổ biến nhất là chanh giấy và chanh tàu. Hiện nay được chia làm 2 nhóm:

Nhóm con tép màu xanh nhạt: Tán cây dày đặc, cành có gai, năng suất cao, lá hình e-lip. Trái hình cầu, vỏ mỏng, bóng và láng. Con tép nhỏ, màu xanh nhạt, nhiều nước, mùi vị rất chua, thơm và nhiều hạt.

Gồm có 5 giống: Chanh 2 chùm hay còn gọi là chanh giấy (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); Chanh lá xoắn (Bến Tre); Chanh côn (Vĩnh Long, Tiền Giang); Chanh dây (Bến Tre); Chanh California (Cần Thơ).

Nhóm con tép màu vàng: Tán cây dày đặc, cành ít gai. Trái hình cầu, to và vỏ trái xanh đậm hơi sần. Con tép màu vàng nhạt, to, nhiều nước. Hiện nay giống này được trồng nhiều vì dễ chăm sóc.

Gồm có 03 giống chính: + Chanh tàu: Chanh tàu bông tím đậm, trái chùm và chanh tàu bông tím lợt, trái rời. + Chanh không hạt (Tiền Giang). + Chanh tượng (Cần Thơ). Ở Long An hiện nay có 02 nhóm chanh được trồng nhiều là: F Nhóm chanh có hạt gồm chanh giấy và chanh tàu. F Nhóm chanh không hạt. [4]

Nhân giống

Có thể nhân giống chanh bằng các phương pháp sau đây: Gieo hạt, chiết cành, ghép

  1. Trồng và chăm sóc

Thời vụ

Thường trồng vào đầu mùa mưa, vào khoảng tháng 5 – 6 dương lịch. Thời điểm này cây phát triển tốt, hạn chế được công tưới và nước tưới.

Chuẩn bị đất trồng

Đào mương lên liếp Đây là yêu cầu quan trọng vì nếu đất thấp, mực thủy cấp cao cây sẽ bị thối rễ. Nếu trồng liếp đơn, cần rộng 4 – 5 m, nếu trồng liếp đôi rộng 6 – 8 m là thích hợp, mương rộng 1,8 – 2 m. Mặt liếp cần cao hơn mực nước trong mương 3 khoảng 0,3 – 0,5 m. Ở vùng đất cao có thể không cần đào mương mà chỉ cần có rãnh thoát nước trong mùa mưa. Trồng chanh trên liếp còn là điều kiện làm khô đất trong mùa mưa để xử lý ra hoa trái vụ.

Đắp mô Trước khi trồng khoảng 1 – 2 tháng cần sớm đắp mô đào hố cho đất khô xốp, hố không cần sâu, kích thước khoảng 0,4 x 0,4 m, mô cao 0,3 m, mô trồng phải là đất mặt. Cho vào hố trồng cây hỗn hợp gồm: khoảng 5 kg (tro trấu + phân chuồng hoai mục), 0,5 kg vôi, 1 kg lân, 100 g NPK 16-16-8 và 50 g nấm Trichoderma. [4]

Mật độ trồng

Mật độ trồng thích hợp là 500 – 700 cây/ha, tương ứng với khoảng cách cây cách cây là 3,5 x 3,5 m (đối với chanh tàu bông tím, chanh giấy có hạt) hay 4 x 4 m (đối với chanh không hạt) hoặc có thể trồng dày hơn một ít tuỳ thuộc vườn có trồng xen cây khác hay không.

Thường trong vườn chanh có thể trồng xen chuối hay so đũa, bình linh,…trong những năm đầu tận dụng khai thác đất trồng và giúp trái không bị nám do quá nắng. Ngoài ra trồng xen ổi trong vườn chanh cũng là một giải pháp giúp xua đuổi rầy chổng cánh, hạn chế rầy, rệp, sâu vẽ bùa và giúp tăng thu nhập trong những năm đầu khi chanh còn nhỏ. [4]  

Cách trồng

Đào giữa mô một hố nhỏ, kích thướt hố lớn hơn bầu cây cần trồng, dùng dao cắt đáy bầu đặt cây xuống mặt bầu ngang bằng mặt lớp phân hữu cơ trong hố, dùng tay ém chặt quanh gốc.

Khi đặt cây nên đặt nghiêng một góc 45 độ so với mặt đất để cây mau phát triển và không bị xô lệch khi có gió mạnh.

Sau khi trồng, cần tưới ngay, duy trì chế độ tưới hàng ngày. Mùa khô nên tủ rơm rạ, cỏ khô vào gốc để giữ ẩm cho cây.

Tưới và thoát nước

Cây chanh rất cần nước, nhất là giai đoạn cây con, lúc ra hoa và đậu trái, nuôi trái nhưng cây không chịu ngập úng. Bởi vì, ngập úng sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh trưởng của cây, ngập lâu ngày cây dễ chết; do đó, khi mưa dầm cần có biện pháp thoát nước nhanh. Trong mùa khô cần phải tưới thường xuyên cho cây, cây thiếu nước làm trái nhỏ và tỷ lệ đậu trái thấp. [4]

Bồi liếp

Công việc này cần phải thực hiện mỗi năm, trong mùa khô khoảng tháng 2 – 3 dương lịch. Ở vùng đất bị nhiễm phèn khi xiết nước vét bùn để bồi liếp cần phải rãi vôi và lân trên mặt liếp, tốt nhất là vét bùn bỏ lên liếp cho khô, sau đó mới lấy đất bồi vào quanh gốc.

Quản lý cỏ dại trong vườn

Cỏ dại vùng xung quanh gốc cây chanh cần dọn sạch nhằm tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây chanh. Phần cỏ còn lại trong vườn không nhất thiết phải dọn sạch vì thảm cỏ còn là nơi sinh sống của nhiều loại thiên địch có ích. Ngoài ra, trong quá trình sống bộ rễ cỏ làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ cây chanh hô hấp và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng Do đó, phần cỏ này chỉ cần cắt ngắn để giữ ẩm đất trong mùa khô và hạn chế rửa trôi trong mùa mưa,… Trong quá trình cắt tỉa cỏ hoặc cỏ chết đi sẽ bị phân hủy tạo thành lượng hữu cơ cho 4 đất. Trong mùa nắng, cỏ làm xong nên phơi khô để đậy liếp. Hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn chanh. [4]

Tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa, hạn chế rụng hoa và trái

Tỉa cành tạo tán Tạo cho cây có bộ khung khỏe mạnh, giúp tiếp nhận ánh sáng tốt, khống chế và duy trì chiều cao của cây trong tầm kiểm soát; tăng diện tích lá hữu hiệu, tạo sự cân đối giữa tán cây và bộ rễ giúp cây sống lâu hơn; duy trì khả năng cho trái ở mức cao nhất, lập nhiều cành mang trái mới thay thế cho những cành già. [4]

Xử lý ra hoa

Có thể điều khiển chanh ra hoa theo ý muốn dựa trên nguyên tắc kích thích ra hoa cần điều kiện khô hạn kết hợp với việc bón phân và tưới nước.

Cách làm cụ thể như sau: Trước thời điểm dự kiến thu hoạch trái khoảng 9 tháng bón toàn bộ phân hữu cơ và 1/3 lượng phân đạm, không bón lân và Kali; ngưng tưới nước và rút cạn nước trong mương khoảng 20 ngày cho đến khi thấy cây có hiện tượng lá bị héo thì tưới nước và cho nước vào mương trở lại, tưới nước thường xuyên hàng ngày đồng thời phun GA3 hoặc phun NAA để thúc cây ra hoa nhanh.

Sau khi tưới nước lại khoảng 20 – 30 ngày cây sẽ ra hoa, lưu ý không nên xiết nước lâu hơn 20 ngày vì nếu kéo dài thời gian xiết nước sẽ làm giảm tuổi thọ và năng suất cây. Nếu đất thấp không xiết được nước hoặc mưa dầm thì không thể xử lý ra hoa trái vụ đạt yêu cầu, muốn có kết quả cần bón lượng phân lân gấp 2 lần lượng phân bón thông thường, kết hợp trải bạt nhựa trên mặt liếp để tạo khô và phun Kali Nitrate (KNO3). Nếu mực nước trong mương không rút cạn được hoặc gặp mưa dầm thì khả năng ra hoa cũng kém. [4]

Hạn chế rụng hoa, rung trái

Tỷ lệ đậu trái của chanh phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản là giống và cách chăm sóc; do vậy, muốn hạn chế hiện tượng rụng hoa và trái non thì ngoài yếu tố chọn giống cần áp dụng các biện pháp sau:

Bón phân đủ và cân đối, chú ý giai đoạn sau khi thu hoạch và trước khi ra hoa, cần bổ sung khoáng trung, vi lượng cho cây ở giai đoạn này.

Giai đoạn cây ra hoa đậu trái không được để khô hạn, tỉa bỏ bớt các hoa nhỏ, dị hình, những trái đậu muộn. [4]

Phun chất điều hoà sinh trưởng (NAA, GA3) khi cây mới nhú mầm và giai đoạn vừa đậu trái được 1 – 2 tuần sẽ giúp hạn chế rụng trái non và giúp trái lớn nhanh.

Kéo dài thời gian neo trái nhằm tránh lúc thu hoạch rộ hoặc lúc giá bán thấp, có thể dùng một số chế phẩm có tác dụng kéo dài thời gian neo trái như Thiên nông, Flove 95, GA3,… phun lên trái khi trái đã già, bóng vỏ và bắt đầu chín. Có thể kéo dài thời gian thu hoạch trái từ 15 – 20 ngày.

  1. Phân bón

Phân đạm (N): Là chất rất cần thiết, cây chanh cần lượng đạm lớn; nếu thiếu đạm lá vàng nhạt, chồi ít, ngắn, trái nhỏ, nhạt màu, vỏ mỏng, trái bị chín ép; nếu thừa đạm sẽ ảnh hưởng rất xấu đến phẩm chất và ngoại hình của cây và trái không tồn trữ được lâu. Cần bón cân đối giữa đạm với lân, kali và các nguyên tố trung, vi lượng. [4]

Phân lân (P2O5): Giúp cây sinh trưởng tốt, cải thiện màu sắc lá, tăng cành mang trái, cải thiện phẩm chất trái và tăng tỉ lệ đậu trái. Đối với cây còn nhỏ, bộ rễ ít cần bón lân dễ hấp thu. Nếu thiếu lân cây sinh trưởng chậm, lá 6 mỏng, màu xanh tối, lá già ngã màu hồng, lá nhỏ và rụng sớm, cây lớn chậm, trái rụng nhiều trước khi chín, vỏ dày, và thường rỗng ruột. Nếu thừa lân việc hấp thu đạm sẽ giảm và dễ làm cho cây bị thiếu hụt kẽm và đồng.

Phân Kali (K2O): Nhu cầu Kali cao nhất vào lúc cây ra trái và trái lớn. Kali giúp tăng khả năng đậu trái, hạn chế rụng trái non. Bón đủ Kali trái sẽ lớn tối đa, mẫu mã đẹp; nếu cung cấp Kali vào giai đoạn sắp thu hoạch sẽ giúp trái chín nhanh và màu sắc đẹp. Nếu thiếu Kali, trái nhỏ, phẩm chất giảm, lá quăn queo, rụng hàng loạt sau khi ra hoa, chồi non bị thui. Nếu thừa Kali cây hấp thu nhiều Canxi và Magiê ảnh hưởng xấu đến phẩm chất trái. [4]

Các khoáng trung vi lượng khác – Canxi: giúp cây giải độc, tăng khả năng chống chịu phèn mặn; kích thích hoạt động của vi sinh vật. Ngoài ra, can-xi còn kích thích rễ và lá phát triển; giúp cây dễ hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Do đó cần lưu ý bổ sung can-xi cho cây chanh từ khi ra hoa đến thu hoạch.

Ngoài ra chanh còn cần thêm một số chất khác như: ma-giê, kẽm, đồng, sắt, man-gan, bo và molipden,…

Phân hữu cơ: ngoài cung cấp dinh dưỡng thì phân hữu cơ còn giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm tốt. Từ đó giúp rễ cây dễ phát triển, giúp hấp thu tốt các phân hoá học và tạo môi trường thuận lợi cho nhiều vi sinh vật có ích phát triển đối kháng với nấm bệnh, giúp cây ít bị vàng lá thối rễ. Nên bón phân hữu cơ một năm 02 lần vào đầu và cuối mùa mưa, bón từ 5 – 10 kg/gốc/năm. Có nhiều loại phân hữu cơ như phân chuồng đã ủ hoai (phân bò, phân gà,…) hoặc các loại phân hữu cơ do các công ty sản xuất như phân hữu cơ LioThai, phân hữu cơ vi sinh Cobanic, phân khoáng hữu cơ Yogen,… [4]

Sâu, bệnh hại và cách phòng trừ

  1. Sâu vẽ bùa (Phyllocnistic citrella)

Con trưởng thành là bướm thân nhỏ màu vàng nhạt có ánh bạc; cánh trước có 2 đường vân chạy dọc màu đen, cuối cánh có một chấm đen nhỏ. Ấu trùng màu xanh vàng nhạt. Sâu non đục dưới lớp biểu bì lá thành những đường hầm vòng vèo, ăn tế bào diệp lục để lại lớp biểu bì màu trắng đục, lá bị hại cong vẹo, già và rụng đi, nơi lá bị bệnh còn là cửa ngỏ cho vi khuẩn bệnh loét xâm nhập, sâu phá hại quanh năm bất kỳ lúc nào khi trên cây ra đọt non.

Biện pháp phòng trị:

Cắt tỉa vườn thông thoáng, làm bướm sâu không có nơi trú ngụ.

Phun thuốc phòng trừ sâu khi thấy đọt non vừa nhú ra, phun 1 – 2 lần, lần thứ 2 cách lần thứ nhất 5 ngày.

Sử dụng thuốc gốc Imidacloprid (Confidor, Vicondor, T-email,…), gốc Cypermethrin (Cymerin, Cyrin super,…) gốc Abamectin (NAS 9.9EC, Reasgant 3.6EC,…), gốc Emamectin benzoate (Bisad 30EC, Sword 40EC,…), dầu khoáng D-C TronPlus, SK – Enspray,…

Nuôi kiến vàng để hạn chế sâu vẽ bùa và một số loại sâu hại khác tuy là phương pháp cổ điển nhưng cũng rất hiệu quả.<xem thêm> [4]

  1. Bọ trĩ (bù lạch) (Scirtothrips dorsalis)

Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, màu vàng cam, cuối bụng nhọn, cánh hẹp và hai bên rìa cánh có lông tơ dài; con non không có cánh, phá hại 8 bằng cách chích hút làm lá biến dạng, cong lại và biến màu; chúng phát triển mạnh trong điều kiện khô và nóng. Bông bị bọ trĩ tấn công nhiều sẽ khô và rụng, làm giảm năng suất. Bọ trĩ chích hút trái chanh tạo thành những vòng sẹo màu đen xám trên vỏ (da cám); các trái phía ngoài tán cây thường bị gây hại nặng hơn phía trong.

Biện pháp phòng trị

Phun nước lên cây có thể làm giảm mật số bọ trĩ. + Phun thuốc khi cây ra bông rộ, phun 2 – 3 lần từ lúc bông nở rộ đến khi đậu trái non. [4]

Sử dụng thuốc đặc trị bọ trĩ như: Confidor, Admire, Tinomo,… <xem thêm>

  1. Nhện đỏ (Panonychus citri); Nhện trắng (Polyphagotarsonemus latus)

Nhện trưởng thành hình bầu dục hơi tròn, màu cam hoặc đỏ sẩm; nhện đỏ trưởng thành có màu đỏ, nhện trắng trưởng thành có màu trắng vàng. Trên cây chích hút vỏ cây, trên lá chích hút biểu bì lá tạo ra những chấm nhỏ li ti liên kết lại thành mảng rộng có màu ánh bạc làm lá khô và rụng, trên trái nhện chích cạp vỏ trái thành những mảng màu xám sần sùi trên vỏ gọi là da cám, da lu. Nhện sống chủ yếu ở cuống trái, mặt dưới lá, nhện rất nhỏ, rất khó quan sát bằng mắt thường; gây hại nặng vào mùa khô, nhiệt độ cao; nhân mật số rất nhanh.

Biện pháp phòng trị

Tưới nước đầy đủ trong mùa nắng để làm tăng ẩm độ vườn. + Tỉa cây thông thoáng; phun thuốc kỹ, đặc biệt là mặt dưới lá.

Vào mùa nắng, thường xuyên kiểm tra mặt dưới lá (lá lụa) nếu phát hiện thấy nhện thì tiến hành phun thuốc.

Dùng các loại dầu khoáng SK Ensray, D-C Tron plus có tác dụng đặc biệt với loài nhện. Có thể dùng một trong các loại thuốc sau đây: Comite, Ortus, Nissorun, Sirbon, Alfamite, Koben,… phun định kỳ 2 – 3 lần (7 – 10 ngày/lần). Lưu ý chỉ nên phun khi hoa vừa rụng cánh, đối với thuốc BVTV khi sử dụng trừ nhện nên luân phiên thay loại thuốc để chống kháng thuốc.<xem thêm> [4]

  1. Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis)

Ruồi đục trái có hình dạng giống ruồi nhà nhưng nhỏ hơn, màu vàng có vạch đen trên ngực và bụng. Ruồi chích vào trái để đẻ trứng, lúc đầu là một chấm nhỏ rất khó nhận biết, về sau lớn dần có màu vàng nâu, ấn nhẹ thấy trái bị thối mềm, dễ rụng. Ruồi phá hại vào giai đoạn trái gần chín đến chín.

Biện pháp phòng trị

Bao trái, không cho trái neo trên cây quá lâu.

Thu nhặt trái rơi rụng đem tiêu hủy.

Phun ngừa vào giai đoạn trái già bằng các loại thuốc như: Sherpas, Hopsan,…khi sử dụng các loại thuốc bà con nên chú trọng vào thời gian cách ly để bảo đảm tính an toàn. <xem thêm> [4]

  1. Sâu đục trái (Citripestis sagittiferella)

Bướm đẻ trứng trên mặt vỏ trái vào ban đêm. Sâu non vừa nở, đục (chui) vào phần vỏ trái ăn phần xốp và sâu đủ lớn đục vào bên trong ăn phần thịt trái; sâu gây hại trái rất nhanh; sâu ăn và thải phân tạo thành lớp mùn cưa bên ngoài vỏ trái; trái bị hại thường bị xì mủ (chảy nhựa). Sâu lớn chui ra ngoài, hóa nhộng trong đất và nở ra thành bướm. Ngoài ra, vết thương do sâu đục vào phần vỏ trái sẽ tạo cơ hội cho các loại nấm bệnh, giòi,… làm trái bị hư và rụng hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và giá trị thương phẩm của trái.

Biện pháp phòng trị

Quan trọng nhất là vệ sinh vườn, thu gom tất cả các trái bị sâu (trái rụng và trái còn trên cây) đem tiêu hủy, tuyệt đối không bỏ trên mặt liếp.

Tỉa vườn thông thoáng, không còn nơi cư trú của bướm, sâu.

Sử dụng các loại thuốc có gốc Cypermethrin (Cymerin, Cyrin super,…) gốc Abamectin (NAS 9.9EC, Reasgant 3.6EC,…), gốc Emamectin benzoate (Bisad 30EC, Sword,…). Phun khi trái vừa đậu và phun định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.<xem thêm> [4]

  1. Rầy chổng cánh (Diaphorina citri)

Rầy chống cánh trưởng thành là một loại rầy nhỏ, dài khoảng 2,5 – 3 mm, cánh dài, màu xám đen với vệt trắng chạy từ đầu cánh đến cuối cánh. Lúc đậu cánh nhô cao hơn đầu. Ấu trùng có hình bầu dục, dẹp màu xanh lục ngả màu vàng ở các tuổi nhỏ. Rầy đẻ trứng thaerng vào mặt lá non hoặc rải rác trên chồi, thời gian ủ trứng từ 3 – 7 ngày. Ấu trùng có 5 tuổi, phát triển trong thời gian từ 11 – 25 ngày, di chuyển chậm, chúng sống và gây hại tập trung trên các chồi và lá non của cây. Vòng đời của rầy chổng cánh từ 18 – 40 ngày. Rầy có mật độ cao vào đầu mùa mưa, khi cây ra đọt non và trổ hoa. Cả ấu trùng và thành trùng tập trung chích hút nhựa của chồi, lá, trái non làm chồi bị khô héo, các lá dưới bị vàng và quăn queo. Ngoài việc gây hại trực tiếp, rầy chổng cánh hiện nay là tác nhân truyền vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây bệnh vàng lá gân xanh (bệnh Greening). Ký chủ chính của rầy chổng cánh là cây họ cam quýt. Rầy chổng cánh xất hiện khi cây có chồi non, nếu cây không có chồi non thì rầy di chuyển sang các ký chủ phụ như nguyệt quế, cằng thăng để duy trì mật số.

Biện pháp phòng trị

Phun thuốc phòng trừ rầy 1 hoặc 2 lần khi cây ra đọt non để hạn chế sự lây lan của bệnh Greening. Đối với vườn cây mới trồng, lá non ra thường xuyên thì cần theo dõi để trừ rầy khi mật độ còn thấp.

Trồng giống cây sạch bệnh, không nên trồng các cây cảnh họ Citri như Nguyệt quới, Cần thăng, Kim quýt,… trong hoặc gần vườn cây vì đây là những cây ký chủ phụ của Rầy chổng cánh. + Loại bỏ và tiêu hủy cây bị bệnh Greening ra khỏi vườn.

Cắt tỉa cành, điều khiển cho cây ra đọt tập trung, điều khiển cây ra đọt non tập trung để hạn chế sự phát triển gây hại của rầy chổng cánh.

Sử dụng bẫy màu vàng hay màu vàng nâu để theo dõi và phát hiện rầy vào các đợt ra đọt non, cứ 5 cây/hàng đặt 1 bẫy để bắt và kiểm tra mật độ rầy. 10 Khi phát hiện rầy ở mật độ cao thì dùng thuốc sinh học hoặc dầu khoáng Petrleum Spray Oil nồng độ 0,5%, hay SK Enspray Oil 99EC.

Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch trong vườn cây phát triển như ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa, nhện,… bằng biện pháp phun thuốc hợp lý.

Có thể phun một số loại thuốc sau đây: Admire 50EC, Confidor 100SL, Anphador 50EC, Anvado 100WP, Applaud – Bas, Mospilan, Trebon, dầu khoáng SK – Enspray hoặc D-C Troplus,… nuôi kiến vàng cũng hạn chế rầy chổng cánh. Hiện nay có mô hình trồng xen ổi không hạt trong vườn cây có múi cho thấy có tác dụng tốt trong việc hạn chế rầy chổng cánh gây hại. <xem thêm> [4]

  1. Nhóm rệp sáp (Họ: Coccoidea – Bộ: Homoptera)

Có nhiều loài rệp sáp gây hại cây chanh, cam, quýt ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa cây trồng (lá, trái, cành, thân). Ngoài ra, rệp còn tiết phân có chứa chất đường bám quanh thân hay cành làm cản trở quang hợp, làm cây phát triển kém. Rệp có lớp sáp bao phủ nên tương đối khó trị.

Có thể áp dụng các loại thuốc nhũ dầu làm tan lớp sáp để dể diệt được chúng. Hoặc có thể dùng dầu khoáng để làm ngạt thở hoặc giảm khả năng đẻ trứng của con cái. Thiên địch của rệp sáp là bọ rùa (thiên địch ăn thịt) hoặc ong ký sinh. <xem thêm> [4]

  1. Bệnh ghẻ (nấm Elsinoe fawcetti)

Bệnh gây hại cả trên lá, cành và trái; bệnh phát triển rất sớm khi các bộ phận trên cây còn non. Trên lá, ban đầu là những chấm nhỏ mất màu trong và mờ; sau đó tạo thành những nốt nổi lên bên dưới mặt lá giống như nốt ghẻ làm lá cong lại, vặn vẹo; khi bệnh nặng lá vàng và rụng sớm. Trên cành xuất hiện các vết bệnh nhô lồi lên, liên kết lại làm sần sùi, bệnh nặng làm cành khô chết. Trên trái, những vết bệnh từ rời rạc đến liên kết lại thành mảng làm vỏ sần sùi, nhỏ trái, trái rụng sớm.

Biện pháp phòng trị

Dùng giống không bị nhiễm bệnh.

Tỉa bỏ và tiêu hủy các cành có vết bệnh, vệ sinh vườn.

Phun các loại thuốc có gốc đồng như: Copper B; Cocide; Coc 85; Dipomate; Copforce-blue; Zinebpul; Kumulus Xanthomin; Kasuran; Champion; Saipan với Dipomate; Saipan với Copforce-blue,…

Phun ngừa khi cây chờ đâm tượt ra hoa và khi 2/3 hoa đã rụng cánh hoặc 2 tuần/lần trước khi thu hoạch. <xem thêm> [4]

  1. Bệnh loét – Tác nhân (vi khuẩn Xanthomonas citri)

Vi khuẩn chủ yếu xâm nhập qua vết đục của sâu vẽ bùa trên lá, bệnh gây hại trên lá, cành và trái. Lúc đầu là những vết bệnh nhỏ màu xanh tái, hơi úng nước; sau đó lớn dần lên có màu vàng nâu nhạt, bề mặt vết bệnh sần sùi, chung quanh hơi gồ lên, nơi tiếp giáp với phần lá không bị bệnh có màu vàng, nhiều vết bệnh liên kết nhau lại thành mảng loét lớn; bệnh nặng làm cho cây rụng lá, chết cành.

Biện pháp phòng trị

Không trồng những cây con đã nhiễm bệnh (trên lá).

Không nên trồng quá dày, cắt tỉa cành thường xuyên để vườn luôn thông thoáng, đặc biệt cần cắt tỉa bỏ những cành tiếp xúc với mặt đất, vì mầm bệnh lây lan từ đất, nước.

Bón cân đối giữa đạm, lân và ka-li; đặc biệt cần bón đủ can-xi để cây tăng khả năng chống chịu với bệnh, không sử dụng phân bón lá khi cây có bệnh.

Bón vôi định kỳ 2 lần/năm.

Thường xuyên vệ sinh vườn bằng cách cắt bỏ và thu gom những cành, lá, trái bị bệnh đem tiêu hủy để tránh lây lan. Vườn chanh bệnh nên tưới vào gốc, không nên tưới trên tán lá.

Phun ngừa bằng: Ziflo 76WG, Champion, Coc 85, Kocide,…khi cây xuất hiện đọt non và trái non. <xem thêm> [4]

  1. Bệnh nứt thân xì mủ (nấm Phytopthora spp.)

 Bệnh phát sinh trên phần vỏ thân gần gốc cây, vết bệnh ban đầu là những đốm màu nâu hơi mọng nước có mùi thối, về sau vết bệnh lớn dần lên vỏ chuyển màu vàng và nứt chảy nhựa màu nâu vàng sau đó khô cứng dần, vỏ cây bong tróc, phần gỗ bên trong khô đen, bệnh phát triển cả trên cành, cây bị bệnh nặng sinh trưởng kém, lá vàng rụng, cây chết khô.

Biện pháp phòng trị

Dùng giống hoặc gốc ghép kháng bệnh.

Thiết kế mương liếp cao ráo thoát nước tốt, mùa mưa không nên đậy gốc.

Tỉa cành thông thoáng, giảm ẩm độ vườn, đặc biệt là các cành chạm đất.

Vết bệnh mới (cành chưa khô), dùng dao cạo hết phần da xung quanh vết bệnh và quét vôi hoặc các loại thuốc đặc trị (Ridomyl, Aliete,…). Đối với cành đã khô phải cắt bỏ sâu vào trong thân và đem tiêu hủy tránh lây lan. [4]  

Phun ngừa bằng: Ridomyl gold, Aliete, Coc 85, Mataxyl, Booc – đô,…<xem thêm>

  1. Bệnh nấm hồng (Mốc hồng) (nấm Corticium salmonicolor)

Bệnh thường gây hại trong mùa mưa ở chảng ba của cây, vì ở nơi này nước thường đọng lại và lâu khô, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và gây hại. Đầu tiên trên vỏ cây có nhiều sợi nấm màu trắng phát triển và bao phủ vỏ cây; sau đó tơ nấm chuyển sang màu hồng và che phủ cả thân, cành cây, vỏ cây chuyển sang màu sậm đến đen; cuối cùng vỏ bị khô và nứt ra, cành chết. Đôi khi không thấy được lớp tơ nấm màu hồng mà chỉ thấy được những gai màu hồng nhô lên từ chỗ nứt của vỏ thân.

Biện pháp phòng trị

Cắt cành, tiêu hủy cành bệnh; xén tỉa bớt cành lá bên trong tán, tạo điều kiện thông thoáng cho cây.

Dùng thuốc có gốc đồng quét lên thân cây 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa ngừa được bệnh này rất hiệu quả.

Khi cây bị bệnh dùng một trong những loại thuốc như Validacin 5 L, Rovral 50 WP, Anvil 5SC, Bonanza 100 FL,… phun theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất lên vùng bị bệnh 7 – 10 ngày/lần.

Hiện nay có dòng Nấm Tricô-ĐHCT phòng trị bệnh mốc hồng rất hiệu quả. <xem thêm> [4]

  1. Bệnh Tristeza (chết khô) (virus Citrus triteza) rầy mềm là môi giới lan truyền.

Cây bệnh lá nhỏ lại, hơi vàng, rìa lá dày hơn bình thường, mặt lá sần sùi, gân lá cong và nổi gồ lên, quan sát kỹ thấy gân lá ở cành bánh tẻ có những đường trong suốt, cây phát triển kém, lùn, phần gỗ bên trong bị lõm vào, cây tàn lụi dần rồi chết.

Biện pháp phòng trị:

Phòng trừ tuyệt đối rầy mềm do là môi giới truyền bệnh.

Không dùng các cây ở vườn đã bị bệnh để làm giống. [4]

  1. Bệnh vàng lá gân xanh Greening (vi khuẩn Liberobacter asiaticum)

Bệnh lan truyền do rầy chổng cánh. Triệu chứng ban đầu có những đốm vàng loang lổ xuất hiện trên các lá già, còn trên lá non bị chuyển vàng, gân lá vẫn xanh. Khi bệnh nặng các lá nhỏ bị cứng, đầu lá nhọn như tai thỏ; cây nhỏ thì tàn lá thấp, phát triển không đều; cây lớn có cành bị chết khô và sau đó chết cả cây; cây bệnh thường ra trái nghịch mùa và trái nhỏ, rụng nhiều, các tiểu noãn bị lép, trái lệch tâm, cho trái một vài vụ rồi chết.

Biện pháp phòng trị:

Không sử dụng giống ở những vườn cây đã bị nhiễm bệnh hoặc giống không rõ nguồn gốc.

Phòng trừ triệt để rầy chổng cánh do là môi giới truyền bệnh.

Loại bỏ tất cả cây bị nhiễm bệnh khỏi vườn.

Các dụng cụ đốn tỉa cũng cần sát trùng để tránh lây lan mầm bệnh. <xem thêm>

  1. Bệnh vàng lá thối rễ

Do kỹ thuật làm liếp đấp mô thấp không đạt yêu cầu, đất thường xuyên bị ngập nước, rễ bị thối, sau đó nấm Fusarium sp. tấn công làm cho cây suy kiệt dần rồi chết. Khi cây bị úng gây thối rễ, lá bị vàng nhưng phiến lá vẫn to bình thường, một số cành trên ngọn lá héo và mất dần diệp lục chuyển sang khô trắng và rụng theo gió, cây bị nặng có hiện tượng rễ bị tuột vỏ chỉ còn lại phần ruột bên trong, rễ thối dần lên đến gốc và gây chết cây.

Biện pháp phòng trị:

Cần lên liếp cao đạt yêu cầu, không để cây bị ngập lâu trong mùa mưa, khi thấy cây có hiện tượng bị vàng lá nhanh chóng thoát nước và cuốc xung quanh vùng rễ để phơi cho khô đất, sau đó dùng thuốc trừ nấm pha nước tưới vào vùng rễ, khoảng 20 ngày sau có thể bón bổ sung các loại phân sinh học. [4]

Vào đầu mùa mưa hàng năm nên sử dụng phân hữu cơ ủ với chế phẩm Trichoderma hoặc pha Trichoderma tưới vào gốc để phòng ngừa bệnh. <xem thêm>

  1. Bệnh bồ hóng (nấm Capnodium citri)

Bệnh phát triển mạnh khi trong vườn có nhiều rầy, rệp. Triệu chứng ban đầu là những chấm nhỏ màu đen bên dưới lá, về sau vết bệnh lan dần ra thành mảng lớn phủ kín cả lá dưới dạng 13 những sợi tơ nấm màu đen. Trên trái bệnh làm đen vỏ do nấm bệnh phát triển trên chất dịch do rầy, rệp tiết ra, tuy nấm không ăn sâu phá hại tế bào lá và trái nhưng làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây.

Biện pháp phòng trị:

Chủ yếu trừ rầy, rệp.

Cắt tỉa cành tạo thông thoáng.

Phun trừ bằng loại thuốc có gốc đồng và lưu huỳnh để phòng trị như: Zinebpul; Copper B; Cocide; Coc 85; Xanthomin; Kasuran; Champion,… <xem thêm> [4]

  1. Bệnh thán thư (nấm Colletotrichum gloeosporioides)

Bệnh gây hại trên lá với vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu vàng nâu, sau đó lớn dần thành những vòng tròn viền nâu đậm, phía trong có nhiều chấm nhỏ li ti tạo thành các vòng đồng tâm. Nhiều vết bệnh kết hợp lại tạo thành mảng cháy lớn làm lá vàng và rụng.

Biện pháp phòng trị:

Cắt tỉa tàn, nhánh tạo thông thoáng.

Thu gom các nhánh, trái bị bệnh để thiêu hủy.

Không tưới nước lên tán cây bệnh để tránh lây lan rộng.

Dùng các loại thuốc có gốc đồng hoặc phổ tác dụng rộng để phun trị như: Dithan M 45, Daconil, Antracol,… <xem thêm> [4]

  1. Bệnh sinh lý

Do thừa hoặc thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali, canxi, magiê và các nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm, đồng borat, molipden,… hay do lạm dụng chất điều hòa sinh trưởng, ngập úng, cháy rễ do các tác nhân không phải từ nguồn bệnh và vi khuẩn gây ra. Các bệnh này dễ bị nhầm lẫn với bệnh vàng lá gân xanh, tristeza,…

Biện pháp khắc phục: là bón phân đầy đủ, cân đối; đồng thời bổ sung phân bón lá có chứa các chất trung, vi lượng cho cây. <xem thêm> [4]

Tài liệu tham khảo:

[1] Sức khoẻ và đời sống. (2024). Cách ăn quả chanh có lợi cho sức khỏe nhất. Từ: https://suckhoedoisong.vn/cach-an-qua-chanh-co-loi-cho-suc-khoe-nhat-169240630221336684.htm

[2] Sức khoẻ và đời sống. (2023). Tác dụng chữa bệnh của cây chanh. Từ: https://suckhoedoisong.vn/tac-dung-chua-benh-cua-cay-chanh-169230506115539951.htm

[3] Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam. (2024). Hơn 80% sản lượng chanh không hạt tham gia thị trường xuất khẩu. Từ: https://vaas.vn/vi/nong-nghiep-trong-nuoc/hon-80-san-luong-chanh-khong-hat-tham-gia-thi-truong-xuat-khau

[4] Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Long An. (2021). Kỹ thuật trồng chanh. Từ: https://trungtamdvnn.longan.gov.vn/Default.aspx?tabid=174&ChiTiet=True&CmsId=3706

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.