Giới thiệu về Cây Cam Sành
Giới thiệu về cây cam và đặc điểm dinh dưỡng
Giới thiệu về cây cam sành
Cam sành (Citrus nobilis Lour) là một trong nhiều loại cây ăn trái chủ lực của các tỉnh phía Nam được trồng tập trung tại tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là loại cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, được ngành nông nghiệp một số tỉnh quy hoạch thành các vùng chuyên canh. <Xem thêm>
Quả cam sành có màu xanh đậm, khi chín chuyển sang màu vàng. Cam sành rất sễ nhận biết do có lớp vỏ dày, sần sùi giống bề mặt mảnh sành. Ruột cam sành có màu vàng cam óng, có vị chua ngọt đậm đà. Các tép cam to, căng mọng, thịt cam thơm ngon hơn so với các loại cam khác. <Xem thêm>
Nguồn gốc xuất xứ
Cam sành là giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh, có nguồn gốc từ Việt Nam. Quả cam sành có đặc điểm là vỏ dày sần sùi, lớp cùi phía trong cũng dày hơn các loại quả khác cùng chi. <Xem thêm>
Giá trị dinh dưỡng và công dụng
- Giá trị dinh dưỡng
Cam sành là một nguồn cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất dồi dào, đặc biệt vitamin C. Trong 100 g cam sành có chứa: 86,6 g nước, 47 kcal, 53,2 g vitamin C, 181 mg Kali, 40 mg Calci, 0,1 mg Sắt, 9 g đường, 2,4 g chất xơ, 0,9 g protein, … <Xem thêm>
- Công dụng
Hỗ trợ tiêu hóa
Trong quả cam có chất xơ và điều này tốt cho đường ruột, cũng như cần thiết cho sức khỏe tiêu hóa, giúp hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa của cơ thể hoạt động tốt và ổn định hơn. Nhờ đó, cơ thể có thể duy trì được việc đi tiêu đều đặn; đồng thời, cũng làm giảm đi các triệu chứng táo bón.
Ngoài ra, hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, trào ngược axit cũng được ngăn ngừa khi bạn dùng loại trái cây này. <Xem thêm>
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Cam cũng có tác dụng trong việc tăng cường sức khỏe tim mạch, làm cho trái tim chúng ta khỏe mạnh hơn. Theo đó, các chất dinh dưỡng cần thiết như là kali có trong loại quả này có thể làm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, giúp bảo vệ tim và chống lại các cơn đột quỵ. <Xem thêm>
Chống lão hóa và tốt cho da
Nhờ sở hữu hàm lượng cao chất chống oxy hóa, quả cam cũng có công dụng trong việc chống lão hóa. Cụ thể, vitamin C chứa nhiều trong loại trái cây này giúp làn da được bảo vệ tránh khỏi tác hại của tia UV, giữ protein cần thiết, kích thích sự sản xuất collagen, ngăn ngừa xuất hiện tình trạng nám và viêm da. <Xem thêm>
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Các chất dinh dưỡng có trong quả cam có khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch một cách hiệu quả. Từ đó, hệ thống miễn dịch hoạt động ở trạng thái tốt, và giúp cơ thể có khả năng chống lại được với bệnh tật. <Xem thêm>
Chống ung thư
Trong quả cam có hesperetin, naringin, là các chất thuộc nhóm flavonoid. Do vậy, có thể hỗ trợ trong việc làm giảm bệnh bạch cầu ở trẻ em, và chống lại các bệnh ung thư gan, vú, ruột kết. <Xem thêm>
Tăng cường thị lực
Với vitamin A và carotenoid có sẵn, quả cam là loại quả có lợi đối với việc cải thiện sức khỏe của mắt. Bởi nó có tác dụng trong việc phục hồi mắt yếu, làm sáng mắt, cải thiện tình trạng ở phụ nữ bị thoái hóa điểm vàng. Đồng thời, nguy cơ mắc phải bệnh đục thủy tinh thể cũng có thể được giảm đi nhờ việc sử dụng quả cam. <Xem thêm>
Những lợi ích khác
Đi kèm các tác dụng đã đề cập, quả cam còn đem lại những lợi ích khác như giúp làm giảm huyết áp, cải thiện nồng độ cholesterol, kiểm soát đường huyết cho cơ thể, góp phần ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, giữ cho thận khỏe mạnh, hỗ trợ giảm cân, giúp tóc chắc khỏe và ngăn ngừa rụng, bạc tóc sớm, … <Xem thêm>
- Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ
Tiềm năng thị trường
Cây cam sành “bén rễ” ở xã Trà Côn (huyện Trà Ôn) và ngày càng phát triển về quy mô, sản lượng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Theo UBND xã Trà Côn, do hiệu quả kinh tế khá cao, người dân đã chuyển từ diện tích đất trồng cây hàng năm hoặc cây lây năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, chủ yếu là chuyển đổi từ đất trồng lúa. Cam sành là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nên được nông dân trồng nhiều. <Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ cam sành tại Việt Nam
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, tổng diện tích cam niên vụ 2023 – 2024 của tỉnh là 5.881 ha, diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 5.375 ha và sản lượng ước đạt 54.400 tấn. Trong đó, diện tích cam sành là 3.522 ha, diện tích cho thu hoạch 3.361 ha và sản lượng ước đạt 34.740 tấn. Diện tích cam vàng đạt 1.960 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch 1.747 ha và sản lượng ước đạt 19.750 tấn. <Xem thêm>
Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Trà Ôn, tính đến tháng 1/2024 toàn huyện có 10.410,8 ha trồng cam sành (riêng cam sành trên đất lúa 9.227,2 ha, chiếm 88,63%,) trong đó, diện tích đang cho hiệu quả kinh tế 6.348,2 ha, diện tích cam tơ 3.373 ha, diện tích kém hiệu quả 689,6 ha. <Xem thêm>
Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng cam sành
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung
- Đặc điểm thực vật học
Thân, cành: thân thuộc loại thân gỗ, bán bụi, có 4 – 6 cành chính, cây cao 2 – 3 m, phân cành thấp. Cành hướng ngọn, thưa, phân cành ngang.
Lá: lá mọc so le, phiến lá dài, màu xanh đậm, hình trái xoan, dài 5 – 10 cm, rộng 2,5 – 5cm, mép có răng thưa; cuống hơi có cánh, rộng 4 – 10 mm. Lá có tai nhỏ.
Hoa: chùm hoa ngắn ở nách lá, đơn độc hay nhóm 2 – 6 hoa thành chùm; đài hoa hình chén, không lông; cánh hoa trắng dài 1,5 – 2 cm; nhị 20 – 30 cái dính nhau thành 4 – 5 bó.
Rễ: như cây 2 lá mầm thân gỗ, rễ thuộc loại rễ mầm hút nước và muối khoáng cung cấp cho cây. Bộ rễ phân bố nông và phát triẻn mạnh là rễ bất định, phân bố rộng và dày ở tầng đất mặt và ưa đất tơi xốp. Bộ rễ phát triển mạnh mẽ nhất là vào tháng 2 và tháng 9, bộ rễ phát triển mạnh trong 8 năm đầu. <Xem thêm>
- Đặc điểm sinh thái
Khí hậu: cam sành có thể sinh trưởng và phát triển ở 13 – 39oC thích hợp nhất từ 23 – 29oC, ngừng sinh trưởng dưới 13oC và chết ở thời điểm –5oC.
Đất: thích hợp với các loại đất có tầng canh tác dày 0,5 – 1 m. Đất thịch pha, màu mở, thoát nước tốt, thoáng khí, pH từ 5 – 7.
Nước: cam sành có nhu cầu về nước rất lớn, nhất là trong thời kỳ cây ra hoa và phát triển trái. Tuy nhiên cây cũng mẫn cảm với điều kiện ngập nước. <Xem thêm>
Đặc điểm giống cam sành miền Tây
Trái có dạng hình cầu hơi dẹp, trọng lượng trung bình 235,9 g , vỏ trái màu xanh đến xanh vàng khi chín, sần và dầy 3 – 5 mm, tép màu vàng cam đậm, nhiều nước, vị ngọt chua. Độ Brix: 8 –10%, mùi rất thơm và khá nhiều hạt (8 – 16 hạt/trái).
Có đặc tính sinh trưởng trung bình góc cành hẹp và có khuynh hướng vươn cao
Năng suất trung bình (trên 30kg/cây/năm, cây khoảng từ 5 năm tuổi). <Xem thêm>
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cam sành
- Thiết kế vườn
Kích thước liếp
Tùy theo điều kiện đất mà kích thước mương liếp có thể thiết kế khác nhau, thường thì kích thước mương liếp như sau:
Mương: rộng từ 1 – 2 m, sâu 1 – 2 m.
Liếp: ngang từ 3 – 5 m (liếp đơn), 7 – 9 m (liếp đôi).
Hướng liếp
Hướng liếp phải theo hướng gió, để không khí theo các mương mà làm cho vườn thoáng, ít bệnh tấn công. Hướng gió chủ yếu ĐBSCL là gió Đông Bắc – Tây Nam.
Kỹ thuật lên liếp
Theo kiểu cuốn chiếu: có lớp đất mặt tốt và dày, lớp đất dưới không xấu lắm (không có phèn).
Theo kiểu đắp mô: tác dụng giống như băng, lớp đất mặt được gom làm mô, lớp dưới trải đều trên liếp.
Trồng cây chắn gió
Trồng cây chắn gió: tràm, bình linh, tre, chuối, …
Trồng cây che mát cho cây cam thích ánh sánh tán xạ, tốt nhất là trồng theo mé bờ để không mất diện tích đất liếp.
Trồng xe ổi xung quanh bờ rào, trong vườn để xua đuổi rầy chổng cánh.
Kỹ thuật đắp mô
Tùy thuộc vào địa hình đất cao hay thấp, mực thủy cấp mà xác định chiều cao và chiều ngang củ mô. Trung bình 40 cm x 60 cm.
Gom tầng đất mặt đắp thành mô. Nếu có điều kiện ta chuẩn bị mô trước đó 15 – 20 ngày: đào lỗ rộng 0,5 m, sâu 0,5 m, đất lớp trên đấp vòng trong, lớp dưới đắp vòng ngoài, trộn đất mặt với phân hữu cơ (2:1), phân lân (0,5 – 1 kg) và trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma, nhằm hạn chế được bệnh vàng lá thối rễ, xì mủ gốc, thân,…
Sau khi hoàn thành mô thì khoảng 20 – 30 ngày sau đem cây ra trồng vào buổi chiều mát và tưới nước đầy đủ.
- Kỹ thuật trồng
Thời vụ trồng
Cây cam sành thường được trồng vào đầu mùa mưa để đỡ công cưới, tuy nhiên cũng có thể trồng được quanh năm nếu chủ động được nguồn nước tưới.
Chọn giống
Chọn cây giống biết rõ nguồn gốc, sạch bệnh, chọn những nơi sản xuất giống có uy tín.
Mật độ trồng
Khoảng cách trồng 2 x 3 m (167 cây/1.000m2) hoặc 2,5 x 2,5 m (160 cây/1.000m2).
- Kỹ thuật chăm sóc
Quản lý nước
Rễ cam sành rất sợ ngập nước vì vậy cần giữ mực nước trong mương cách mặt liếp ít nhất 50 – 60 cm. Hệ thống thoát nước nước phải tốt, không để ngập úng. Chú ý trong mùa khô nên để nước ra vô tự nhiên để rửa phèn và tích tụ phù sa.
Quản lý cỏ dại và tủ gốc giữ ẩm
Rễ hấp thu dinh dưỡng của cam mộc cạn (rễ tre) mà nhiệt độ đất vào mùa nắng cao, ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm.
Trong thời kỳ kiến thiết nên trồng hoa màu (rau lang, bù ngót, sương sáo, các cây họ đậu…) để tăng thu nhập và đồng thời để giữ ẩm vườn trong mùa nắng.
Cây vào thời kỳ kinh doanh thì tiến hành giữ cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất trong mùa nắng và chống xói mòn trong mùa mưa.
Chú ý:
Loại cỏ không phát triển quá cao vì sẽ cạnh tranh ánh sáng với cây trồng chính.
Loại cỏ không sinh trưởng và phát triển quá mạnh hoặc thích ánh sáng trực tiếp vì sẽ cạnh tranh dinh dưỡng và nước với cây trồng chính trong vườn
Loại cỏ không phải là cây ký chủ của sâu bệnh hại sinh sống.
Trong điều kiện ở miền Nam có thể sử dụng các loại cỏ như: cỏ rau trai, cỏ lá tre, một giống cỏ của Thái Lan thuộc nhóm cúc tên là Kradun thong được du nhập vào Việt Nam trong những năm gần đây cũng làm cây phủ liếp rất tốt.
Không nên phun thuốc cỏ trong vườn cam thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ cam.
Tỉa cành, tạo tán
Mục đích: tạo thân cành phân bố hợp lý, tận dụng được không gian, dưỡng chất, hạn chế sâu bệnh, dễ chăm sóc và điều khiển cây.
Cách làm: tạo cho cây có dạng hình bán cầu. Cần làm sớm khi cây còn nhỏ. Thời điểm cất: lá già, tỉa chừa 3 cành: đều nhất, tốt nhất, ở các mắt lá cách xa nhau, phân bố đều ra chung quanh.
Lưu ý: tiến hành cất trong suốt thời gian trồng, nhất là sau khi thu hoạch trái. Cành cần cắt bỏ: cành vượt, cành sâu bệnh, cành khô già, dập gãy, yếu không có khả năng cho trái.
Phân bón và cách bón phân
Tuổi cây | Liều lượng (g/cây/năm) | ||
Urê | Super lân | Kali | |
2 tháng | 30 | 0 | 0 |
4 tháng | 40 | 0 | 0 |
6 tháng | 60 | 0 | 10 |
1 năm | 100 – 200 | 120 – 240 | 30 – 60 |
2 năm | 220 – 330 | 300 – 420 | 80 – 150 |
3 năm | 330 – 540 | 480 – 600 | 160 – 230 |
Cây đã trưởng thành bắt đầu cho trái, áp dụng cách bón sau: 4 lần (2 – 4 kg/gốc/năm).
Sau khi thu hoạch 1 tuần: 25% N + 25% P + 5 – 20 kg hữu cơ.
Trước khi cây ra hoa 1 tháng: 25% N +50% P+ 30% K.
Sau đậu quả và phát triển trái: 50% N + 25% P + 50% Κ.
Trước khi thu hoạch 1 tháng: 20% K.
Lưu ý: giai đoạn nuôi trái, chia làm 2 – 3 lần bón tùy mức độ phát triển của trái.
Xử lý ra hoa
Cây thường phân hóa mầm hoa trong điều kiện khô hạn, lợi dụng đặc tính này, tạo khô hạn giả bằng cách rút nước trong mương và ngưng tưới nước một thời gian nhất định giúp cho cây ra hoa đồng loạt.
Cách xử lý ra hoa:
Bước 1: tỉa và cắt cành sâu bệnh, Bón 30 – 50 kg vôi bột, 40 kg phân NPK (16 – 16 – 8), 15 kg phân urê/1.000 m² để cây ra chồi non đồng loạt. Khi cây bắt đầu ra chồi non, sử dụng thuốc ngừa rầy chổng cánh.
Bước 2: bón 50 – 100 kg lân/1,000m² để tạo mầm hoa. Sau khi bón phân 15 ngày, thường xuyên theo dõi, nếu thấy chồi già có hiện tượng ướm chồi non ra hoa là đạt yêu cầu. Nếu chồi non nhiều, nên dùng thuốc MKP phun xịt ức chế. Tháng 6 – 7 (âm lịch), có nắng hạn nên siết nước khoảng 2 – 4 tuần.
Bước 3: tưới nước trở lại cho cây ra chổi và hoa. Khi cây ra chồi non, ra hoa, bón 20 kg urê, 20 kg NPK (20 – 20 – 15)/1.000m². Sau khi bón phân khoảng 1 tuần, dùng thuốc phun để kích thích hoa ra đồng loạt hơn. Khoảng 5 – 6 ngày sau khi phun xịt, chồi non đã nhú đều, tiến hành phun ngừa bệnh ghẻ lá, ghẻ trái.
Bước 4: khi trái cam bằng hạt đậu xanh, phun thuốc phòng ngừa bệnh da lu, da cám, ghẻ trái; sau 20 – 30 ngày đậu trái nên phun thuốc lần ba. Để kéo dài tuổi thọ của cây, khi trái cam to bằng đầu ngón tay nên tỉa bỏ bớt trái. Khi trái được 120 ngày tuổi nên tỉa bớt trái lần hai. Khi trái được 6 – 7 tháng tuổi, tiến hành tỉa trái lẫn ba.
Biện pháp bón phân cho cây nuôi trái:
Lần 1: Khi trái được khoảng 60 ngày tuổi, bón NPK 20 – 20 – 15 với liều lượng 150g/cây.
Lần 2: Khi trái được 90 ngày tuổi, bón NPK 16 – 16 – 8, liều lượng 200g/cây.
Lần 3: Khi trái được 7 tháng tuổi, bón NPK 20 – 20 – 15, liều lượng 300g/cây.
Lần 4: Trước khi thu hoạch 40 – 45 ngày, bón 100g urê cộng với 250g kali/cây.
Tình hình sâu bệnh hại trên cam sành
Tình hình sâu hại trên cam sành
- Sâu vẽ bùa
Đặc điểm gây hại và triệu chứng
Sâu vẽ bùa gây hại trên các chồi và lá non. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm, Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lần đục của sâu không bao giờ gặp nhau. Các lá bị sâu vẽ bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trường của các chồi non.
Biện pháp quản lý
Chăm sóc cho cây sinh trường tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu. Thu dọn lá rụng trong vườn đốt bỏ cũng hạn chế nguồn sâu. Trường hợp bị hại nặng thì có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu đem tập trung một chỗ để tiêu diệt.
Biện pháp sử dụng thuốc BVTV hợp lý để bảo vệ nguồn thiên địch của sâu vẽ bùa trong tự nhiên, nhân nuôi thiên địch như nuôi kiến vàng là biện pháp có hiệu quả phòng trị sâu vẽ bùa cao…
- Rầy chổng cánh
Đặc điểm gây hại và triệu chứng
Rầy chổng cánh là loại sâu hại phổ biến trên cây họ cam quýt và là loại sâu hại nguy hiểm vì truyền bệnh vàng lá Greening.
Ấu trùng và thành trùng chích hút dinh dưỡng của lá và đọt non làm cho đọt non lụi dần, sần sùi, lá non bị hại phiến lá nhỏ và xoăn,
Biện pháp quản lý
Trồng cây chắn gió xung quanh vườn để hạn chế sự tái xâm nhiễm của rầy chổng cánh từ nơi khác đến.
Trồng giống cây sạch bệnh. Trồng xen cây ổi.
Nuôi kiến vàng
Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn bằng cách nhổ bỏ những cây đã bị nhiễm.
Tỉa cành, bón phân thích hợp để điều khiển các đợt đọt non ra tập trung để dễ theo dõi và dễ phát hiện sự hiện diện của rầy chổng cánh, hạn chế lây nhiễm liên tục trong năm.
Chỉ sử dụng thuốc sâu khi thật cần thiết, có thể dùng các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.
- Nhện đỏ
Đặc điểm gây hại và triệu chứng
Nhện đỏ tấn công trên lá và trái, chích cạp và hút nhựa lá và trái. Trên lá, vết cạp và hút tạo thành những chấm nhỏ li ti trên mặt lá, khi bị nặng, vết chấm lan rộng, lá có màu ánh bạc, lá sau đó có thể bị khô và rụng. Khi mật số nhện cao, cả cành non cũng bị nhện tấn công, cành cũng trở nên khô và chết.
Trên trái, nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đít trái và trong các phần lõm của trái. Khi trái còn non, nhện chích và hút dịch ở lớp biểu bì và làm vỡ tuyến tỉnh đầu trên vỏ trái, vỏ trái sau đó bị biến màu và các vết thương trên vỏ trái khô dần tạo nên những đốm sần sùi trên vỏ trái. Những triệu chứng này được bà con nông dân vùng ĐBSCL gọi là triệu chứng “da cám”. Nếu mật số cao, trái non có thể bị rụng sớm.
Biện pháp quản lý
Sử dụng các loại thuốc đặc trị nhện kết hợp với dầu khoáng để ngăn chận sự bộc phát tính kháng thuốc, khi sử dụng thuốc hóa học cần luân phiên các loại thuốc có gốc hóa học khác nhau.
Tình hình bệnh hại trên cam sành
- Bệnh vàng lá gân xanh
Tác nhân: Do vi khuẩn Liberobacter asiaticum
Triệu chứng
Bệnh nặng các lá nhỏ lại, mọc thẳng đứng (lá tai thỏ) và chỉ còn lại một ít gân còn xanh (chủ yếu là gân chính), cả cây đều thể hiện triệu chứng, có một vài cành bị chết khô, sau đó chết cả cây. Trái nhỏ, méo mó, chai, không phát triển, tâm trái khi chẻ dọc thấy lệch, hạt bị thui den.
Biện pháp quản lý
Lựa chọn cây giống cây sạch bệnh.
Kỹ thuật canh tác hợp lý sẽ làm cho cây khỏe mạnh, do đó cần chú ý bón hợp lý, mật độ gieo trồng thích hợp.
Bảo vệ và phát triển thiên địch của rầy chống cánh như các loài ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa… nếu một độ các thiên địch trong vườn cao sẽ làm giảm mật độ của rầy chổng cánh. Ngoài ra có thể trồng ổi để xua đuổi rầy chổng cánh.
Tỉa cành để các đợt đọt non ra tập trung để phun thuốc phòng trừ rầy chổng cánh.
- Bệnh vàng lá thối rễ
Tác nhân: Nấm Fusarium solani
Điều kiện phát sinh
Rễ cây bị ngập úng làm rễ suy yếu hoặc do tuyến trùng chích hút tạo vết thương và từ đó nấm Fusarium solani tấn công vào chóp rễ và làm thối rễ. Thường vào mùa nắng hoặc do xiết nước kích thích ra hoa làm cho rễ suy yếu và một số rễ ăn sâu xuống để tìm nước, đến mùa mưa đến hoặc tưới nước bón phân cây ra nhiều rễ non, đất thoát nước không kịp, mực thủy cấp dâng cao, rễ bị ngập úng, ngộp và thiếu oxygene, làm rễ suy yếu hoặc do tuyến trùng chích hút tạo điều kiện thuận lợi cho nấm tấn công nhanh hơn.
Triệu chứng
Bệnh thường gây hại nặng trên quýt tiều, cam sành. Trong năm bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa lũ hoặc sau khi tưới nước ra hoa.
Cây bị bệnh lá vẫn lớn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng cam, và sau đó rụng đi, nhất lá khi có gió hoặc ta lắc nhẹ cây.
Các lá già rụng trước sau đó dẫn đến các lá trên. Gốc trơ trọi chỉ còn lại những lá đọt.
Lúc đầu chỉ có một vài nhánh biểu hiện vàng lá rụng lá, nhưng sau đó toàn cây sẽ bị rụng lá.
Một vài trường hợp rễ vẫn trắng bình thường. Bệnh nặng tất cả các rễ đều bị thối và cây chết.
Biện pháp quản lý
Trồng cây nơi đất cao thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp phải làm bờ bao.
Cần rải vôi trước khi trồng để loại trừ nấm có trong đất.
Xới nhẹ xung quanh gốc và tưới thuốc trừ nấm bệnh.
Khi phát hiện bệnh sớm thì cắt bỏ rễ bị thối và bôi thuốc vào vết cất.
Dùng kết hợp nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân chuồng hoại mục bón hàng năm nhằm tạo độ tơi xốp cho đất, hạn chế bệnh sẽ hiệu quả hơn.
Bón thêm phân kali, lân làm tăng khả năng đề kháng của rễ cây đối với bệnh.
Đối với cây mới chớm bệnh nên sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.
- Bệnh loét
Tác nhân: Vi khuẩn Xanthomomas campestris pv. Citri
Triệu chứng
Vết bệnh nhỏ, úng nước, xanh đậm, sau đó lớn dần chuyển vàng đến nâu nhạt, mọc nhô mặt trên lá, trái, cành. Xung quanh vết bệnh có quầng vàng.
Vết bệnh ban đầu tròn, bề mặt vết bệnh sần sùi, nhiều vết liên kết lại tạo thành mảng lớn bất dạng.
Bệnh nặng làm rụng lá, chết cành, trái sượng, rụng trái.
Biện pháp quản lý
Cắt tỉa cành, lá, trái, bị bệnh và thu gom các lá trái bị bệnh rụng đem tiêu hủy trong mùa khô hay trước khi tưới nước ra hoa,
Những vườn bị bệnh không nên tưới mước lên tán cây vào buổi chiều mát, chỉ tưới vào gốc cây và không nên tưới thừa nước. Tăng cường thêm lượng phân kali cho vườn cây bị bệnh.
Phun ngừa gốc đồng trước khi mùa mưa đến, khi cây ra tượt non hoặc trước khi tưới nước cho ra hoa.
- Bệnh ghẻ
Tác nhân: Nấm Elsinoe fawcettii
Triệu chứng
Vết bệnh lúc đầu nhỏ, tròn, màu xanh nhạt. Sau đó vết bệnh nhỏ lên, khi vết bệnh già trên đỉnh vết bệnh có màu vàng nhạt đến vàng nâu nhạt.
Ở lá vết bệnh thường nhỏ lên ở phía mặt dưới của lá làm lá cong lại hoặc bị vặn vẹo, lá bị biến dạng.
Trên trái và cành vết bệnh nhô lên giống như trên lá. Bệnh nặng làm lá nhỏ lại hoặc vàng Nà tụng, cành bị khô chết, trái sượng, méo mó.
Bệnh nhẹ làm da trái, cành bị sần sùi màu vàng nhạt, có các vây màu vàng cạo nhẹ sẽ tróc ra, vết bệnh giống như rắc cảm lên vỏ trái nên còn được gọi là bệnh “da cám”.
Biện pháp quản lý
Bệnh này rất khó phòng trị. Thường xuyên vệ sinh vườn cây, cắt tỉa và thu gom các bộ phận bị bệnh đem tiêu hủy.
Phun ngừa khi cây ra đọt non hoặc khi hoa rụng cánh 2/3 bằng thuốc gốc đồng.
Tài liệu tham khảo
Võ Hữu Thoại, Trần Thị Mỹ Hạnh (2021), Một số lưu ý trong sản xuất cam sành trên đất ruộng. Truy cập này 6/12/2024, từ https://sofri.org.vn/vi/mot–so–luu–y–trong–san–xuat–cam–sanh–tren–dat–ruong.html
Phương Thảo, Hương Trang (2017). Nguồn gốc và sự ra đời của thương hiệu cam sành Hà Giang. Truy cập này 6/12/2024, từ https://khoahocphattrien.vn/Dia–phuong/giong–ong–tao–nen–san–pham–mat–ong–bac–ha–meo–vac/20170429084154300p1c937.htm
Xuân An (2023), Cam sành “cơ nghiệp” trên đất Trà Ôn. Truy cập này 6/12/2024, từ https://tapchicongthuong.vn/magazine/cam–sanh–co–nghiep–noi–dat–tra–on–113279.htm#:~:text=Cam%20s%C3%A0nh%20V%C4%A9nh%20Long%20c%C3%B3,d%C3%B9ng%20%C4%91%E1%BB%83%20gi%E1%BA%A3i%20kh%C3%A1t…
MEDLATEC (2022), Quả cam có lợi ích gì đối với sức khỏe và một số lưu ý khi sử dụng. Truy cập này 6/12/2024, từ https://medlatec.vn/tin–tuc/qua–cam–co–loi–ich–gi–doi–voi–suc–khoe–va–mot–so–luu–y–khi–su–dung––s51–n30482
Tố Loan (2024), Trà Ôn – Giá cam sành tăng nhẹ nhà vườn phấn khởi. Truy cập này 7/12/2024, từ https://nongnghiep.vinhlong.gov.vn/xem–chi–tiet–tin–tuc/id/243813
Anh Thư (2023), Xây dựng chiến lược để thương hiệu cam Sành Hà Giang vươn xa. Truy cập này 7/12/2024, từ https://moit.gov.vn/tu–hao–hang–viet–nam/xay–dung–chien–luoc–de–thuong–hieu–cam–sanh–ha–giang–vuon–xa.html#:~:text=Tu%C3%A2n%20th%E1%BB%A7%20nghi%C3%AAm%20ng%E1%BA%B7t%20quy%20tr%C3%ACnh%20s%E1%BA%A3n%20xu%E1%BA%A5t%20s%E1%BA%A3n%20ph%E1%BA%A9m%20an%20to%C3%A0n&text=Trong%20%C4%91%C3%B3%2C%20di%E1%BB%87n%20t%C3%ADch%20cam,l%C6%B0%E1%BB%A3ng%20%C6%B0%E1%BB%9Bc%20%C4%91%E1%BA%A1t%2019.750%20t%E1%BA%A5n.
Cẩm nang cây trồng, Cây cam. Truy cập này 7/12/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay–cam–cd21.html
Trung tâm Cây giống – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cây cam sành. Truy cập này 7/12/2024, từ https://hocviennongnghiep.com/san-pham/cay-cam-sanh/
Khuyến nông Hậu Giang (2017), Kỹ thuật trồng cam sành. Truy cập này 7/12/2024, từ http://www.khuyennonghaugiang.com.vn/Portals/0/FRDirectory/admin/Cam_Sanh.pdf
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.