Giới thiệu về cây bưởi

Bưởi là một loại quả thuộc chi Cam chanh, có tên khoa học là Citrus grandis (L.) Osbeck thường có màu xanh lục nhạt cho tới vàng khi chín, có múi dày, tép xốp, có vị ngọt hoặc chua ngọt tùy loại. Đây là một loại cây ăn trái được trồng phổ biến ở nhiều nước trên thới giới trong đó có Việt Nam. ở nước ta ngoài dùng để ăn tươi bưởi còn được chế biến làm nước ép, rượu bưởi, nem bưởi, chè bưởi và món gỏi bưởi.<xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Bưởi có nguồn gốc ở Ấn Độ – Malaysia. Cây được trồng ở hầu hết các nước Đông Nam Á và Nam Á. Ở Việt Nam, Bưởi là cây trồng từ lâu đời, nổi tiếng nhất có Bưởi huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, miền Nam có Bưởi Năm roi.<xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

Giá trị dinh dưỡng

Vỏ bưởi giàu narin-gosid và có tinh dầu (khoảng 0,80-0,84%). Naringin trong vỏ bưởi là hợp chất gây vị đắng của vỏ bưởi, được phân loại như là một phytochemical – một hợp chất thực vật tự nhiên với lợi ích dinh dưỡng tiềm năng.Tinh dầu vỏ bưởi chứa d-limonen, a- pinen, linalol, geraniol, citral; và cả alcols, pectin, axit citric. Trái bưởi chứa 0,5% tinh dầu. Lá cũng có tinh dầu.

Nước ép trái bưởi có nhiều chất dinh dưỡng: nước 89%, glucid 9%, protid 0,6%, lipid 0,1% và khoáng chất Ca 20mg%, P 20mg%, K 190mg%, Mg 12mg%, S 7mg% và Na, Cl, Fe, Cu, Mn…<xem thêm>

Công dụng

Các sản phẩm được chế biến từ bưởi: Thực phẩm và đồ uống: ăn trực tiếp làm món tráng miệng, nước ép bưởi, rượu bưởi, trà bưởi, mứt và kẹo bưởi, trà bưởi, các món ăn khác từ bưởi salats bưởi, tôm sốt bưởi, nem chay vỏ bưởi, chè bưởi; Sản phẩm hóa, mỹ phẩm: hoa bưởi có thể dùng để sản xuất sữa tắm, kem dưỡng da, nước hoa, tinh dầu hoa bưởi, nước rửa chén, dầu gội đầu… Tinh dầu bưởi chiết xuất; Vật dụng trang trí: bưởi bonsai, hồ lô bưởi, hương bưởi, quà tặng, sản phẩm thờ tổ tiên, thần linh…

Quả bưởi có các vitamin như (tính bằng mg%) C 40, B 0,07, B2 0,05 PP 0,3 và sinh tố A 0,1. 100 mg trái bưởi có thể tạo ra 43 calo.

Tăng cường hệ miễn dịch: trong quả buổi chứa các chất chống oxi hóa tự nhiên, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do và quá trình lão hóa.Chống oxi hóa: Chứa các chất chống oxi hóa tự nhiên, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do và quá trình lão hóa.

Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Bưởi năm roi chứa chất chống vi khuẩn tự nhiên, có thể giúp làm giảm nguy cơ các vấn đề tim mạch.

Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Bưởi chứa chất xơ tự nhiên, giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. <xem thêm>

Tinh dầu lá bưởi chủ yếu là dipenten, linalola và xitrala, tinh dầu vỏ quả có 26% xitrala và este. Trong vỏ quả bưởi ngoài tinh dầu còn chứa pectin, naringin, các men peroxydaza, amylaza, đường ramnoza, vitamin A và C, hesperidin. Trong dịch ép múi bưởi có khoảng 9% acid xitric, 14% đường. Ngoài ra còn có lycopin, các men amylaza, peroxydaza, vitamin C, A và B1.

Cùi bưởi vị cay ngọt đắng, tính ấm, vào ba kinh tỳ, thận và bàng quang, có công dụng hóa đàm, tiêu thực, hạ khí và làm khoan khoái lồng ngực, được dùng để chữa các chứng bệnh như: (1) Chứng ho hen ở người già; Đau bụng do; Thức ăn đình trệ, chậm tiêu; Sán khí; Phụ nữ mang thai nôn nhiều.

Hoa bưởi, ngoài việc dùng để ướp hương thơm cho trà và bánh trái, còn có tác dụng hành khí, tiêu đờm, giảm đau, dùng để chữa các chứng đau dạ dày, đau tức ngực với liều từ 2 – 4g, sắc uống. <xem thêm>

Ruột bưởi (múi bưởi) được dùng để trị đau đầu: Mỗi ngày ăn 100 – 150g, đồng thời dùng lá bưởi và hành củ giã nát đắp lên huyệt thái dương. Ruột bưởi 500g, mật ong nguyên chất 350g, đường trắng vừa đủ. Trước tiên, thái vụn ruột bưởi rồi ướp với đường trắng trong liễn sành 1 đêm, hôm sau đổ vào nồi chưng kỹ rồi cho mật ong nguyên chất vào quấy đều, bắc ra để nguội rồi đựng trong bình gốm kín để dùng dần, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, dùng rất tốt cho những chứng đau đầu do đàm thấp ứ trệ biểu hiện bằng các triệu chứng: đầu đau nặng như đeo đá, hay buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, lưỡi bè bệu và có vết hằn răng, rêu lưỡi dày trắng và dính…

Hạt bưởi chứa tới 40,7% dầu béo, có tác dụng trị sán khí với liều 6 – 9g sắc uống và chữa chốc đầu ở trẻ em: hạt bưởi bóc vỏ cứng rồi đốt cháy thành than, nghiền nhỏ rồi rắc lên vùng tổn thương, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 6 ngày. Dân gian còn dùng tinh dầu bưởi để giải rượu và bôi lên các vùng tóc rụng để kích thích mọc tóc.<xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), nước ta có 97,9 nghìn hecta bưởi, sản lượng 818,9 nghìn tấn, xuất khẩu đạt gần 4,8 triệu USD. Diện tích bưởi tăng nhanh, trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương.

Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc hiện trồng 27,7 nghìn hecta bưởi, sản lượng gần 165 nghìn tấn/năm… Đến năm 2019, các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL có 43.500 ha bưởi, sản lượng 37.000 tấn/năm. Những tỉnh có diện tích lớn là Bến Tre (8.824ha), Vĩnh Long (8.619ha), Đồng Nai (5.428ha)… Các giống bưởi nổi tiếng ở vùng này là da xanh (Bến Tre), Năm Roi (Vĩnh Long),…

Các địa phương có sản lượng bưởi lớn là Hòa Bình (42,7 nghìn tấn), Phú Thọ (34,2 nghìn tấn), Bắc Giang (29,4 nghìn tấn), Tuyên Quang (19 nghìn tấn), Thái Nguyên (15,9 nghìn tấn)… các giống bưởi ngon như: bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng…<xem thêm>

 

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Thân cây

Thân có gai cứng, gai ngay, dài, có khi tới 6-7 cm, ra nhiều cành, đặc biệt cành vượt mọc rất khoẻ. Trong một năm có thể ra 3-4 đợt cành. Tùy theo chức năng của cành trên cây mà người ta đặt tên các loại cành như sau:

Cành mang trái, cành ngắn, nhỏ mau tròn mình, thường mọc ra trong mùa xuân.

Cành mẹ, là cành tạo ra cành mang trái, cành to khoẻ, tròn mình, thường phát triển mạnh trong mùa hè và mùa thu.

Cành dinh dưỡng là tên chỉ chung cho tất cả các loại cành trong giai đoạn chưa ra hoa trái, thường mọc ra ở tất cả các mùa trong năm.

Cành vượt, là loại cành được mọc thẳng lên bên trong tán cây từ những cành chính hay từ thân cây. Loại cành này thường được mọc ra trong mùa hè, phát triển mạnh, dẹp, màu xanh lá to, bóng láng, đôi khi có gai rất dài. Cành này sử dụng nhiều chất dinh dưỡng của cây mà không có lợi nhiều, do non, mềm nên rất thích hợp cho nhiều loại sâu bệnh (nhất là sâu hại) phát sinh, phát triển, vì thế nếu thấy không cần thiết phải giữ lại để tạo khung tán cho cây (khi cây còn non, chưa có hoa trái) thì nên cắt tỉa bỏ.

Lá bưởi

Lá của cây bưởi thuộc lá đơn, dạng phiến, hình bầu dục hơi nhọn ở đầu, lá to dày xanh đậm, không có lông, mép lá có răng nhỏ, gân phụ 5-6 cặp, có eo lá (cánh lá) rất lớn, có đốt ở đáy phiến lá. Trên lá có chứa nhiều túi tinh dầu thơm. <xem thêm>

Rễ bưởi

Rễ cọc (nếu cây được trồng từ hạt), phát triển chủ yếu ở tầng đất mặt, với độ sâu khoảng 50 cm ở trở lên. Sự phân bố của rễ tùy thuộc vào một số yếu tố như tầng đất canh tác, hình thức nhân giống, mực thủy cấp trong vườn, kỹ thuật trồng… Nhìn chung rễ bưởi thường mọc cạn, đa số rễ hút dinh dưỡng được phân bố ở gần lớp đất mặt, vì thế cần phải giữ cho lớp đất mặt luôn tơi xốp và không nên cuốc xới nhiều ảnh hưởng đến bộ rễ.

Hoa bưởi

Hoa mọc từ nách lá, thành chùm nhỏ, chùm hoa ngắn, không có lông, đài hình chén màu xanh, cánh hoa trắng, dài từ 2-3,5 cm. Vòi nhị nhỏ và dài, đính nhau thành từng cụm, bầu nhụy tròn. Hoa ra nhiều, nhưng rụng cũng nhiều nên tỷ lệ đậu trái không cao. Hạt có hai lá mầm màu trắng, hạt đơn phối. <xem thêm>

Trái bưởi

Trái to, hình tròn, hơi dẹp hay hình trái lê… tùy theo giống. Trọng lượng trung bình của trái thường vào khoảng trên dưới 1,3 kg tùy theo giống, tuy nhiên có những giống như “Bưởi chưng” (chủ yếu dùng để chưng trên bàn thờ tổ tiên trong các dịp lễ tết) ở Châu Thành (Tiền Giang) có những trái nặng tới 4-5 kg. Vỏ trái màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng xanh hoặc vàng tùy theo giống hoặc vùng địa lý. Trên vỏ có nhiều túi tinh dầu thơm. Cũng giống như nhưng cây thuộc nhóm cây có múi khác trái bưởi cũng có ba phần là ngoại quả bì, trung quả bì và nội quả bì. Ngoại quả bì là phần vỏ ngoài của trái gồm có biểu bì và lớp cu tin dầy. Trung quả bì là phần phía trong kế ngoại quả bì, đây là một lớp gồm nhiều tầng tế bào hợp thành, có màu trắng, hay hồng nhạ (tùy theo giống), người ta quen gọi là cùi. Nội quả bì gồm có múi trái được bao quanh bởi vách mỏng trong suốt, bên trong vách múi là những sợi đa bào được phát triển, lớn dần trong quá trình phát triển của trái và chứa dầy dịch nước (còn gọi là con tép), trong dịch nước có chứa đường và axít (chủ yếu là axít citric) tỷ lệ đường và axít thay đổi tùy theo tuổi của trái, giống bưởi, điều kiện canh tác…<xem thêm>

  1. Yêu cầu sinh thái của cây bưởi

Nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bưởi sinh trưởng và phát triển từ 23 – 29oC. Nhiệt độ ảnh hưởng quan trọng đến phẩm chất và sự phát triển của trái.

Ánh sáng

Cây bưởi thích hợp ánh sáng tán xạ, cường độ ánh sáng thích hợp khoảng 10.000 – 15.000 lux (tương đương ánh sáng lúc 8 giờ sáng và 4 – 5 giờ chiều trong ngày mùa hè), cường độ ánh sáng quá cao sẽ làm giảm quang hợp và trái bưởi dễ bị nám. Do đó, việc trồng xen hay trồng cây chắn gió tạo điều kiện có bóng râm giúp cây sinh trưởng tốt hơn, có thể bố trí liếp trồng theo hướng Đông – Tây để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp.

Nước

Cây bưởi cần nhiều nước nhất là trong thời kỳ ra hoa, nuôi trái và thời kỳ cây con, nhưng không chịu ngập úng. Cần chú ý đến chất lượng nước tưới, không dùng nước phèn, mặn để tưới cho cây. Bưởi có thể chịu được độ mặn khoảng 2‰ (hai phần ngàn) trong thời gian ngắn nhưng không được tưới lên liếp, cây bưởi chịu phèn kém hơn cây quýt và chanh. <xem thêm>

Đất trồng

Trồng bưởi cần có tầng canh tác dầy ít nhất 0,6 m. Đất tơi xốp, thoát nước tốt, thoáng khí vì rễ cần nhiều oxy trong đất; mực thủy cấp sâu càng tốt, tối thiểu khoảng 0,8 m so với mặt đất, pH tốt nhất từ 5,5 – 6,5.

Trường hợp trồng trên nền đất mới: Áp dụng kỹ thuật đào mương lên liếp nhằm xả phèn, mặn và nâng tầng canh tác. Mương rộng 1 – 2 m, liếp rộng 6 – 8 m. Cần xây dựng bờ bao để bảo vệ cây trồng, mực nước trong mương luôn giữ ổn định. Nên bố trí ít nhất 1 cống lấy nước và 1 bọng điều tiết nước. Khi thiết kế liếp trồng nên lưu ý bố trí hướng liếp song song với hướng gió để vườn cây được thông thoáng, khô ráo, ít sâu bệnh.

            Trường hợp trồng trên nền đất cũ: Chọn vị trí mới để đắp mô trồng nhằm tránh các ổ sâu bệnh cũ và tạo môi trường tốt cho cây phát triển. Thời kỳ đầu có thể giữ cây trồng cũ để tận thu, ổn định thu nhập, che mát cho cây bưởi mới trồng và hạn chế cỏ dại. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ bưởi trên thế giới

Bưởi là một loại trái cây khá phổ biến trên thế giới và sản lượng sản xuất khá lớn. Theo số liệu của tổ chức Fao, diện tích, sản lượng bưởi trên toàn thế giới có chiều hướng tăng qua từng năm. Cụ thể năm 2018 diện tích trồng bưởi trên toàn thế giới là 385.247 ha với sản lượng 9 triệu tấn, năm 2022 diện tích trồng bưởi trên toàn thế giới đã tăng lên 393.704 ha và sản lượng bưởi trên thế giới đạt 9,7 triệu tấn.

Năm Diện tích (ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn)
2018 385.247 23,4669 9.040.560,76
2019 371.621 25,5396 9.491.035,44
2020 375.999 25,4264 9.560.290,12
2021 381.703 25,4176 9.701.955,92
2022 393.704 24,7947 9.761.754,88

(Theo FAO, 2024)

Tình hình sản xuất và tiêu thụ bưởi ở Việt Nam

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bưởi là một trong những cây trồng chủ lực ở nước ta, diện tích lên tới 105.400 ha, sản lượng gần 905 nghìn tấn/năm. Các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền như: bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi Diễn, bưởi đỏ, bưởi Đoan Hùng… Trong đó, bưởi trồng tập trung ở Đồng bằng sông Hồng hơn 13.000 ha, sản lượng trên 175 nghìn tấn; Trung du miền núi phía Bắc hơn 30.000 ha, sản lượng 253 nghìn tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha, sản lượng khoảng 369 nghìn tấn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu trái bưởi của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 9,21 triệu USD, tăng mạnh 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu trái bưởi tới 19 thị trường khác nhau trên thế giới, tăng 3 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay, cả nước đã có 36 vùng trồng bưởi của 10 tỉnh (gồm Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và Đắk Nông) được cấp mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang Mỹ với tổng diện tích 752 ha (chiếm 0,71% diện tích trồng bưởi của cả nước), sản lượng dự kiến 13.105,6 tấn (chiếm 1,4 % tổng sản lượng bưởi của cả nước).<xem thêm>

Các giống bưởi hiện nay

Bưởi năm roi (Citrus maxima (Burm) Merr)

Đây là giống bưởi đặc sản của tỉnh Vĩnh Long, được trồng khá tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) và khá nhiều ở các tỉnh Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre,… Trong quá trình chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm Roi tốt, có các đặc điểm như: Dạng trái hình quả lê đẹp, vỏ vàng khi chín, con tép tróc khỏi vách múi và bó chặt nhau, nước quả khá, hương vị thơm ngon, không the đắng và đặc biệt là không hạt.

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái sau 2,5 – 3 năm sau khi trồng. Cây thường cho trái rải rác quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 – 11 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 6 – 7 tháng. Trái có dạng quả lê khi chín tâm quả rỗng và vỏ có màu vàng, trên vỏ có các tuyến tinh dầu phình to làm bề mặt vỏ quả nhám, trọng lượng quả 0,9 – 1,1 kg, năng suất 250 – 300 kg/cây/năm (cây lớn hơn 10 năm tuổi).<xem thêm>

Bưởi da xanh (Citrus maxima (Burm) Merr)

  Có nguồn gốc ở Bến Tre được trồng khá nhiều ở xã Mỹ Thạch An, Thành phố Bến Tre; hiện đang được trồng nhiều ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long,… Trái có dạng cầu, vỏ vẫn giữ màu xanh khi chín, con tép tróc khỏi vách múi tốt, tép múi màu đỏ hồng, nước quả khá, vị ngọt không the đắng.

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái sau 2,5 – 3 năm sau khi trồng. Cây thường cho quả quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 – 11 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7 – 7,5 tháng. Trái thuộc loại khá to, có trọng lượng 1,2 – 1,5 kg, dạng hình cầu, khi chín vỏ màu xanh nhưng đôi khi ngã sang màu xanh hơi vàng, tâm quả rỗng, năng suất khá cao khoảng 120 – 150 kg/cây/ năm (cây 10 năm tuổi). <xem thêm>

Bưởi đường lá cam (Citrus maxima (Burm) Merr)

Được trồng nhiều ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Tân Uyên (Bình Dương). Dạng trái khá đẹp, phẩm chất ngon được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái 3 – 4 năm sau khi trồng. Cây thường cho trái quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 7 – 8 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7 – 7,5 tháng. Trái có trọng lượng trung bình từ 0,8 – 1,2 kg, có hình quả lê thấp, vỏ khi chín có màu vàng xanh, láng, nhẵn và tróc rất tốt. <xem thêm>

Bưởi Lông Cổ cò (Citrus maxima (Burm) Merr)

Đây là giống bưởi dễ trồng, sinh trưởng mạnh, năng suất cao và có khả năng cho quả quanh năm. Giống bưởi Lông Cổ cò xuất xứ từ cây trồng hạt tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Do đặc điểm giống có lớp lông tơ mịn trên chồi non, lá và vỏ nên có tên là bưởi Lông và nguồn gốc tại Cổ cò (xã An Thái Đông). Giống này được trồng nhiều ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Thành Phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

 Trong  điều kiện chăm sóc tốt, cây cho trái sau 2 năm sau khi trồng. Cây thường cho trái rải rác quanh năm nhưng tập trung nhất từ tháng 8 – 12 dương lịch. Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8 – 8,5 tháng. Trái có dạng hình quả lê cụt, khi chín túi tinh dầu phình to ra và mật độ dầy hơn so với trái còn non, trái chuyển từ màu xanh mốc sang màu xanh nhạt, có lớp lông tơ mịn bao phủ quanh trái, trọng lượng bình quân 1,0 – 1,5 kg, năng suất khá cao khoảng 200 – 250 kg/cây/ năm (cây 10 năm tuổi). <xem thêm>

Bưởi diễn

Giống có nguồn gốc từ bưởi Đoan Hùng, được đưa về trồng đầu tiên tạ

i xã Phú Diễn – huyện Từ Liêm – TP Hà Nội. Giống có quả tròn, vỏ quả nhẵn, khi chín màu vàng cam; khối lượng trung bình từ 0,8 – 1kg; tỷ lệ phần ăn được từ 55 – 60%; số hạt trung bình khoảng 50 – 70 hạt; múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt quả màu

 vàng xanh, ăn giòn, ngọt, độ brix 12 -14 %. Với vườn cây từ 7 tuổi trở nên, năng suất đạt từ 25 – 28 tấn/ha trong điều kiện chăm sóc trung bình. Thời gian thu hoạch muộn hơn bưởi Đoan Hùng, thường trước tết nguyên đán khoảng 15 – 20 ngày. Hiện tại, cây bưởi Diễn được trồng ở khá nhiều vùng sinh thái khác nhau như: Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Giang và ngày càng khẳng định tính ưu việt của giống so với các giống bản địa.<xem thêm>

 

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Cây giống

Cây phải đúng giống, sinh trưởng mạnh, không mang mầm mống sâu, bệnh hại. Cây phải đồng nhất về hình thái và đặc tính di truyền, sự sai biệt dạng hình không quá 5%.

Chiều cao cây tính từ mặt bầu phải đạt 50 – 60 cm đã có từ 2 – 3 cành cấp 1. Đường kính gốc ghép đo cách mặt bầu 10 cm: phải đạt từ 0,8 – 1 cm. Đường kính cành ghép: Phải đạt 0,5 – 0,7 cm.

Tiêu chuẩn chọn cây đầu dòng: cây đầu dòng phải là cây sạch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đang trong thời kỳ sinh trưởng phát triển tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh phá hại, không bị nhiểm bệnh nguy hiểm như vàng lá Greening và Tristeza, có năng suất và phẩm chất ổn định. <xem thêm>

  1. Cách trồng

Trước khi đặt cây giống cần đào lổ ở giữa mô rồi bón 200 gram phân DAP vào hố có chiều sâu khoảng 25 cm, rồi phủ lên một lớp đất mỏng. Dùng dao cắt ngang đáy bầu và rọc ½ túi bầu phía dưới lên, đặt cây con xuống lấp đất lại dùng tay ém chặt đất chung quanh, sau đó kéo túi bầu từ từ lên để không bị vỡ bầu và lấp đất lại ngang mặt bầu sau đó tưới nước cho cây.

  1. Chăm sóc

Tủ gốc giữ ẩm: Trồng bưởi vào mùa mưa hay nắng cũng cần phải dùng rơm rạ, cỏ khô tủ một lớp mỏng trên mô giúp cây giữ ẩm, không bị rửa trôi đất, phân bón hữu cơ và hạn chế cỏ dại. Cây còn nhỏ nên làm sạch cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.

Tưới và tiêu nước: Bưởi là loại cây sợ úng nước, do đó phải thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ, cần giữ mặt liếp luôn cao hơn mực nước cao nhất trong năm khoảng từ 30 cm trở lên. Ngoài ra, đây cũng là loại cây chịu hạn kém nên vào mùa nắng cần thường xuyên tưới nước cho bưởi để tạo độ ẩm trong đất thích hợp (khoảng 60 – 70%) cho bộ rễ phát triển tốt. Do vậy để đảm bảo nhu cầu nước cho bưởi thì việc thiết kế cống, bọng, mương rãnh phù hợp để tưới và thoát nước là việc quan trọng cần chú ý.

Có thể lắp đặt hệ thống tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt cho bưởi vừa giúp cung cấp đủ nước cho cây phát triển tốt (đặc biết trong mùa khô) nhưng lại giúp tiết kiệm nước và giảm công tưới.<xem thêm>

  1. Phân bón

Bưởi cần được bón phân đầy đủ, cân đối các chất đa, trung, vi lượng và phân hữu cơ để đảm bảo năng suất, chất lượng và sự bền vững của vườn cây.

Phân hữu cơ: Có thể dùng phân chuồng ủ hoai hoặc phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh để cung cấp cho cây mỗi năm từ 2 – 3 đợt, nhu cầu ở cây 1 – 2 năm tuổi từ 15 – 30 kg/cây/năm chia 2 lần bón, nếu dùng hữu cơ sinh học có thể bón từ 5 – 10 kg/cây/năm.

Phân bón vô cơ: Có thể dùng phân đơn hay phân hỗn hợp hoặc phân bón phức hợp để bón cho cây bưởi, đặc biệt là phân bón phức hợp hoặc hỗn hợp đều có chứa TE (chứa chất trung vi lượng) rất cần cho cây có múi nhất là vùng đất nghèo vi lượng.

Kỹ thuật bón phân

Tùy theo đất tốt hay xấu, tình trạng sinh trưởng và phát triển của cây bưởi mà quyết định việc bón phân sao cho thích hợp, cân đối. Có thể được chia ra làm 2 thời kỳ bón như sau:

Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây chưa cho trái):

Sau khi trồng nên dùng phân DAP với liều lượng 40 gram hòa tan trong 10 lít nước để tưới cho 01 gốc bưởi (2 tháng/lần), có thể bổ sung thêm vi lượng bằng các loại phân bón qua lá.

Tuổi cây

Loại phân

Năm 1 Năm 2 Năm 3 Năm 4
Urê (46% N) 200 400 600 800
Lân (16% P2O5) 600 1200 1800 2000
Kali (60% K2O) 160 320 480 640

Lượng phân bón được chia làm 5 – 6 đợt bón cho cây. (sau lượng phân bón ở năm thứ 4, những năm tiếp theo cần tăng 15 – 20% số lượng phân bón mỗi năm). Bổ sung bón định kỳ 6 tháng /lần với 0,5 kg lân nung chảy + 10 – 20 kg phân hữu cơ hoai mục.

Phương pháp bón: để giúp cây hấp thu tốt hơn và tránh bị rửa trôi nên đào hốc, rãnh bón đều xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây cách gốc 0,5 m và tưới nước đủ ẩm, nếu đất quanh rễ bị nén dẽ có thể dùng cào xới nhẹ trước khi bón phân.

Thời kỳ kinh doanh (cây cho trái ổn định)

Vôi bột: sử dụng từ 300 – 500 kg/ha/năm.

Phân hữu cơ: sử dụng từ 20 – 30 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 40 – 60 kg phân chuồng hoai/cây/năm.

Cách sử dụng vôi bột và phân hữu cơ: chia làm 2 lần bón trên năm, vào đầu và cuối mùa mưa. Cụ thể cách bón trên tổng lượng phân bón cho cây bưởi giai đoạn 6 năm tuổi là: 1,2 kg urê + 3 kg lân supper lân nung chảy + 1,2 kg Kali (KCl), chia làm 6 lần bón trên năm như sau:

Lần 1: sau khi thu hoạch, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 3:2:1 gồm 0,25 kg urê + 0,5 kg lân + 0,1 kg Kali clorua (KCl), tương đương 0,65 kg NPK (18-12-8).

Lần 2: Trước khi ra hoa, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 2:4:3 gồm 0,17 kg urê + 1 kg lân + 0,2 kg Kali clorua (KCl).

Lần 3: Sau khi đậu trái 1 tháng, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 2:2:1 gồm 0,25 kg urê + 0,7 kg lân + 0,1 kg  Kali clorua (KCl) hoặc 0,7 kg phân N,P,K 16-16-8.

Lần 4: Sau khi đậu trái 2,5 tháng, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 2:1:2 gồm 0,33 kg urê + 0,5 kg lân + 0,25 kg Kali clorua (KCl) hoặc 0,75 kg phân N,P,K 20-10-20.

Lần 5: Sau khi đậu trái 4 tháng, bón phân N,P,K theo tỷ lệ là 1,5:1:2 gồm 0,2 kg urê + 0,3 kg lân + 0,25 kg Kali clorua (KCl) hoặc 0,6 kg phân N,P,K 15-10-20.

Lần 6: Trước khi thu hoạch 1,5 – 2 tháng, bón 0,3 kg Kali sunfat (K2SO4) hoặc Kali clorua (KCl).<xem thêm>

Quản lý sâu bệnh hại trên bưởi

  1. Sâu hại

Sâu vẽ bùa (phyllocnistis citrella S.)

Sâu gây hại trên lá non, cành non và trái non. Sâu đục thành những đường hầm ngoằn ngèo ở dưới lớp biểu bì của phiến lá làm cho biểu bì lá phồng lên. Sâu gây hại trên lá non làm cho lá không phát triển và biến dạng, giảm quang hợp, cây sinh trưởng và phát triển kém, nhất là giai đoạn cây còn nhỏ; ở cây lớn làm hoa và trái dễ bị rụng, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập qua vết thương do sâu vẽ bùa gây ra.

Biện pháp phòng trừ:

            Sử dụng thiên địch: ong ký sinh thuộc họ Encyrtidae và Enlophidae ký sinh trên trứng, nhộng và sâu non của sâu vẽ bùa, kiến vàng bắt mồi có tác dụng khống chế sự phát triển gây hại của sâu vẽ bùa.

Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, bón thúc đúng kỹ thuật cho cây ra lộc non tập trung hạn chế sự phá hại của sâu.

Phun thuốc ngay khi lá non vừa có triệu chứng bằng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Abamectin hoặc Imidacloprid, Spinetoram, dầu khoáng hoặc thuốc trừ sâu sinh học Bacillus thuringiensis,… khi chồi non dài khoảng 1 – 2 cm. <xem thêm>

Rầy chổng cánh (Diaphorina citri K.)

Rầy chổng cánh trưởng thành và rầy non thường chích và hút dinh dưỡng của lá và đọt non làm cho đọt non bị chùn lại, sần sùi, lá non bị hại có phiến lá nhỏ và xoăn, lá bị hại sẽ bị khô, rụng và gây hiện tượng khô cành ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Rầy chổng cánh là loại sâu gây hại phổ biến trên cây họ cam quýt và là một trong những loài sâu hại rất nguy hiểm vì chúng là môi giới truyền bệnh vàng lá Greening trên cây cam quýt trong đó có cây bưởi.

Biện pháp phòng trừ:

Trồng giống cây sạch bệnh, không nên trồng các cây cảnh họ Citri như Nguyệt quới, Cần thăng, Kim quýt,… trong hoặc gần vườn cây vì đây là những cây ký chủ phụ của Rầy chổng cánh.

Cắt bỏ chồi bệnh mang ra khỏi vườn tiêu hủy. Điều khiển cây ra đọt non tập trung để hạn chế sự phát triển gây hại của rầy chổng cánh.

Sử dụng bẫy màu vàng hay màu vàng nâu để theo dõi và phát hiện rầy vào các đợt ra đọt non, cứ 5 cây/hàng đặt 1 bẫy để bắt và kiểm tra mật độ rầy. Khi phát hiện rầy ở mật độ cao thì dùng thuốc sinh học hoặc dầu khoáng Petrleum Spray Oil nồng độ 0,5%, hay SK Enspray Oil 99EC.

Bảo vệ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch trong vườn cây phát triển như ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa, nhện,… bằng biện pháp phun thuốc hợp lý.

Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi thật cần thiết, có thể sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm Fenobucarb (Bassa), Thiamethoxam (Actara 25WP), hoặc Buprofezin (Applaud 10WP, Butal 10WP),… để phun xịt. <xem thêm>

Rầy mềm (Toxoptera citricidus)

Thành trùng và ấu trùng chích hút nhựa của đọt non, tập trung chủ yếu mặt dưới lá, làm đọt non không phát triển, bị biến dạng, lá cong queo, còi cọc. Rầy mềm còn thải ra chất dịch có nhiều chất đường mật kích thích nấm bồ hóng phát triển trên lá làm giảm khả năng quang hợp. Rầy mềm còn là môi giới truyền virus gây bệnh “Tristeza”.

Biện pháp phòng trừ:

Cắt tỉa cành và bón phân hợp lý để cây ra đọt non tập trung. Nuôi kiến vàng; bảo vệ thiên địch ngoài tự nhiên như bọ rùa, ruồi ăn rầy, ong ký sinh,…

Khi mật số rầy cao, sử dụng các loại thuốc hóa học như nhóm Buprofezin (Butyl 10WP, Applaud 10WP), nhóm Fenobucarb (Bassa 50ND), Thiamethoxam (Actara 25WG, Vithoxam 350SC, Thiamax 25WDG), dầu khoáng,… <xem thêm>

Sâu đục vỏ trái bưởi (Prays citri)

Sâu chủ yếu gây hại phần vỏ trái, ăn phần vỏ xốp không ăn vào phần múi của trái làm cho vỏ trái bị nổi lên các khối u. Sâu có thể gây hại từ khi trái còn rất nhỏ cho đến khi lớn. Nếu sâu tấn công sớm và trái bị hại nặng có thể bị rụng, nếu bị hại trễ hơn khi trái đã lớn thì trái vẫn có thể phát triển bình thường nhưng sẽ bị biến dạng do những khối u đã phát triển lớn, làm trái xấu xí, giảm phẩm chất trái.

Biện pháp phòng trừ:

Thu gom các trái bị sâu đục tiêu huỷ bằng cách đào hố chôn có rải vôi hoặc ngâm trong nước vôi 1% để diệt sâu còn ở bên trong trái. Cắt tỉa cành tạo vườn thông thoáng.

Nên hái bỏ những trái còn sót lại ở cuối vụ để hạn chế số lượng sâu cho các vụ trái sau, nuôi kiến vàng. Thả ong mắt đỏ (Trichogramma sp., thuộc họ Trichogrammatidae; bộ  Hymenoptera) trong mùa nắng tạo điều kiện thuận lợi giúp ong nhân nhanh mật số hạn chế được sự gây hại của sâu đục trái.

Bao trái: khoảng 1 tháng sau khi đậu trái (túi bao trái lưới mùng), nên phun thuốc trừ rệp (dính, sáp) trước khi bao trái.

Sử dụng chất dẫn dụ phái tính (sex pheromone) để diệt bướm.

Khi cây vừa tượng trái non sử dụng thuốc sinh học chọn lọc để phòng trị, phun liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày. Về thuốc có thể sử dụng luân phiên các loại thuốc như: Dầu khoáng SK Enspray 99EC, Abamectin + Bacillus thuringiensis var. kurstaki (Kuraba WP), Cypermethrin (Sherpa 10EC hoặc 25EC), Alpha Cypermethrin (Visca 5EC),… <xem thêm>

Bọ trĩ (bù lạch) (Scirtothrips dorsalis Hood)

Cả bọ trĩ non và trưởng thành đều gây hại bằng cách chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây như đọt non, lá non, nụ hoa và trái non. Bị bọ trĩ gây hại, lá non khi nở ra thường bị dị dạng, nhăn nhúm, hoa thường bị thui chột, nhanh tàn, cánh hoa rụng sớm, giảm tỷ lệ đậu trái; trên trái thì bọ trĩ tạo ra những mảng xám hoặc những phần lồi màu bạc trên vỏ trái, nếu bị nặng trái non rất dễ rụng làm giảm năng suất và phẩm chất trái.

Biện pháp phòng trừ:

Dùng bẫy màu vàng đặt trong vườn khi cây ra hoa cứ 5 cây/hàng đặt 1 bẫy để kiểm tra mật số bọ trĩ, nuôi kiến vàng.

Phun nước lên tán cây.

Phun thuốc trừ bọ trĩ trước khi hoa nở và sau khi đậu trái non bằng các loại thuốc như: Dầu khoáng (SK Enspray 99EC, DS 98.8EC), Abamectin (Abagro 1.8EC, Vibamec 3.6EC, Visober 88.3EC), nhóm Artemisinin (Visit 5EC), nhóm Dimethoate (Fenbis 25EC). Nên sử dụng luân phiên các nhóm thuốc BVTV. <xem thêm>

Rệp sáp (Planococcus citri Sp)

Rệp sống và hút nhựa trên chồi non, lá và trái làm lá héo vàng, chồi và trái chậm phát triển, có thể cành khô chết. Rệp sáp tiết ra mật tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp. Rệp sáp xuất hiện quanh năm và thường gây hại mạnh trong mùa nắng. Hầu hết các vườn có sự bộc phát của rệp sáp là những vườn thiếu chăm sóc, ẩm độ cao, không thoáng mát hoặc trên những vườn đã sử dụng nhiều thuốc trừ sâu.

Rệp sáp có nhiều loài thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh và nấm ký sinh Paecilomyces sp.

Biện pháp quản lý:

Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành cho vườn thật thông thoáng đồng thời loại bỏ những cành đã bị nhiễm rệp sáp.

Xử lý cho cây ra hoa tập trung, đồng loạt. Hạn chế trồng xen với những cây dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu,…

Phun hoặc tưới (nếu rệp sáp dưới rễ) nấm ký sinh Paecilomyces sp (liều lượng 40 gram chế phẩm/10 lít nước)

Phun nước vào tán cây bằng vòi phun áp lực cao để rửa bột sáp, tách bột sáp ra khỏi cơ thể rệp sẽ dễ hấp thụ thuốc

Quản lý kiến bằng chế phẩm Sofri-trừ kiến

Khi mật số rệp sáp cao cần phòng trị bằng cách sử dụng thuốc chứa các hoạt chất: Clothianidin (Dantotsu), Spirotetramat (movento), dầu khoáng (SK Enspray 99EC, DS 98.8EC),…<xem thêm>

Nhện đỏ (Panonychus citri): 

Nhện đỏ thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong phần lõm của trái. Nhện chích hút trên lá non, cành non và trái non. Nhện chích hút lớp biểu bì trên lá tạo thành những chấm nhỏ li ti màu vàng như bụi bám và rụng sớm; trên trái làm vỏ da bị nám sần sùi (gây triệu chứng da cám, da lu), do quá trình chích hút làm vỡ các túi tinh dầu tạo điều kiện cho nấm hoại sinh và vi khuẩn xâm nhập gây hại.

Biện pháp phòng trừ:

Phun tưới nước lên trên tán cây, nuôi kiến vàng.

Vệ sinh vườn và tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng.

Phát hiện thật sớm khi vừa đậu trái và phun luân phiên các loại thuốc trừ nhện như Dầu khoáng (SK Enspray 99EC, DS 98.8EC), Abamectin (Abagro 1.8EC, Visober 88.3EC), nhóm Propargite (Comite 73EC), nhóm Sulfur (Sulox 80WP), Fenpyroximate (Ortus 5SC).

Tuyến trùng hại rễ

Khi rễ cây bị tuyến trùng gây hại, rễ trở nên cứng hơn và có nhiều khối u, khả năng hút nước và các chất dinh dưỡng của rễ yếu, dẫn đến cây sinh trưởng kém. Vết thương do tuyến trùng gây hại tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhiễm làm cho rễ bị thối và chết.

Biện pháp phòng trị:

Nên trồng xen một số loại cây có khả năng xua đuổi tuyến trùng như cây lục lạc (Crotalaria juncea), Vạn thọ (Tagetes patula).

Sử dụng các loại nấm đối kháng như nấm tím (Paecilomyces sp.), nấm Trichoderma sp. có trong chế phẩm Điền Trang NEMA, Palila 500WP có khả năng phòng trừ tuyến trùng.

Xử lý cây giống trong vườn ươm và đất trước khi trồng, xử lý lặp lại định kỳ mỗi 6 tháng/lần sau khi trồng bằng  thuốc  hoạt chất Clinoptilolite (Map Logic 90WP).

  1. Bệnh hại

Bệnh Vàng lá thối rễ

Bệnh do nấm Fusarium solani tấn công vào rễ non và làm thối rễ. Bệnh thường gây hại nặng trong mùa mưa hoặc sau khi tưới nước ra hoa hay khi trái đã lớn. Cây bị bệnh lá vẫn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng xanh và sau đó rụng đi.

Bệnh Thối gốc chảy nhựa

Bệnh do nấm Phytophthora spp. gây ra, nấm gây bệnh thường tấn công ở những vườn trồng dầy, độ ẩm cao. Lúc đầu nấm tấn công làm cho vỏ thân cây ở vùng gốc bị sũng nước, thối nâu thành những dạng bất định. Sau đó, vỏ khô, nứt dọc, chảy nhựa ra có màu nâu đen rất hôi.

Bệnh loét

Bệnh do vi khuẩn Xanthomonas campestric pv. citri gây ra, bệnh thường gây hại trên lá, trái và cành cây. Triệu chứng dễ thấy nhất là trên lá bị cháy những đốm tròn xung quanh có quầng vàng cam nhưng lá không bị biến dạng. Trên lá và trái, vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng nước màu xanh đậm sau đó biến thành màu nâu nhạt mọc nhô lên mặt lá hay vỏ quả làm cho lá giảm khả năng quang hợp và trái bị thối nhũn.

Bệnh vàng lá Greening (bệnh vàng lá gân xanh)

Bệnh do vi khuẩn (Liberobacterium asiaticum) gây ra và do rầy chổng cánh làm môi giới truyền bệnh, lá có những đốm vàng, gân lá vẫn còn xanh, lá nhỏ và hẹp rụng sớm, nhánh bị khô, trái nhỏ, lệch tâm méo mó, dễ rụng, hạt bị thui đen, ra hoa nhiều đợt trên cùng một cây.

Biện pháp phòng trị:

Trồng cây sạch bệnh. Khử trùng dao kéo khi thu hoạch hay cắt tỉa cành. Cắt bỏ các cành bị bệnh kết hợp bổ sung phân bón lá giàu kẽm (Fetrilon combi, Sulfat kẽm,…).  Hạn chế tối đa việc làm xây xát lá và trái, đặc biệt là phòng trị sâu vẽ bùa.

Phun các loại thuốc trừ rầy, phòng bệnh.<xem thêm>

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.