Giới thiệu về cây bơ

  1. Giới thiệu về cây bơ và đặc điểm dinh dưỡng

Giới thiệu về cây bơ

Cây bơ có tên khoa học là Persea americana Mills, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Trung Mỹ. Bơ là một trong những loại quả được người tiêu dùng rất ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao, với hơn 14 loại vitamin và khoáng chất, so với các loại quả khác, bơ có chứa hàm lượng protein cao nhất, cao gần tương đương với sữa. <xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ và phân bố

Bơ có nguồn gốc đầu tiên ở tỉnh Puebla, Mexico với sự phát triển từ hàng trăm triệu năm trước, tiếp đó các giống bơ cổ được phát hiện tại Guatemala và quần đảo Antiles, những vùng này đều thuộc khí hậu nhiệt đới và thích hợp cho sự phát triển của cây bơ sau này.

Hiện nay có rất nhiều chủng bơ quan trọng được lai tạo từ những giống bơ cổ, mỗi họ đều có những đặc tính riêng, tuy nhiên các giống bơ được sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế cao đa phần là những giống bơ thuộc họ Lauracea gồm:

Chủng Mexico thuộc loài Persea drymifolia

Chủng Guatemala thuộc loài Persea americana Mill

Chủng West Indian (Antilles) thuộc loài Persea americana Mill

Mỗi chủng loại bơ thường có những đặc tính khác nhau, từ đó thích hợp với những vùng sinh thái khác nhau.<xem them>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, giá trị dinh dưỡng của 100g bơ sống như sau: <xem them>

Thành phần sinh dưỡng Hàm lượng Thành phần sinh dưỡng Hàm lượng
Năng lượng 160 kcal Natri 7 mg
Nước 73,2 g Vitamin C 10 mg
Chất đạm 2 g Florua 7 mcg
Chất béo 14,7 g Folate 81 mcg
Carbohydrate 8,53 g Choline 14,2 mg
Chất xơ 6,7 g Vitamin A 146 IU
Canxi 12 mg Lutein và zeaxanthin 271 mcg
Magie 29 mg Vitamin E 2,07 g
Photpho 52 mg Vitamin K 21 mcg
  1. Công dụng

Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu

Theo các nghiên cứu, quả bơ tăng cường độ nhạy cảm với insulin. Sự nhạy cảm với insulin phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, có nghĩa là mặc dù insulin có trong cơ thể nhưng nó không có hiệu quả. Bơ giúp tăng hoạt động của insulin trong cơ thể, giúp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường. Do đó, ăn bơ đều đặn sẽ làm giảm lượng đường huyết.

Quả bơ cũng có chỉ số GI hoặc Glycemic thấp là 15, nên không gây tăng đột ngột lượng đường trong máu của bạn sau khi ăn. <xem them>

Giảm viêm

Viêm dai dẳng ở mức độ thấp là dấu hiệu của các rối loạn mãn tính như bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu cho thấy, quả bơ có đặc tính chống viêm giúp giảm các triệu chứng viêm. Ngoài ra, trong quả bơ còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ các mô và cơ quan trong cơ thể khỏi tác động bất lợi của các chất hóa học độc hại được gọi là các gốc tự do. <xem them>

Bảo vệ trái tim khỏe mạnh

Bơ chứa nhiều chất béo có lợi cho tim mạch, còn được gọi là chất béo tốt cho tim mạch của bạn. Một quả bơ nặng khoảng 150g chứa 14,7g chất béo không bão hòa đơn và 2,73g chất béo không bão hòa đa. Những chất béo này có lợi cho sức khỏe của bạn vì chúng giúp giữ cho tim và mạch máu của bạn khỏe mạnh và giảm nguy cơ tăng huyết áp, các vấn đề về tim và đột quỵ. Ngoài ra, hàm lượng kali trong quả bơ làm giãn nở các mạch máu và cũng hỗ trợ một trái tim khỏe mạnh.

Theo các nghiên cứu, bơ giúp kiểm soát huyết áp bằng cách thúc đẩy sức khỏe mạch máu và tim, điều chỉnh mức cholesterol trong máu và giảm huyết áp. Các khoáng chất phong phú có trong quả bơ (chẳng hạn như kali) và chất chống oxy hóa giúp điều chỉnh huyết áp. <xem them>

Bơ giúp kiểm soát cân nặng

Bơ có hàm lượng chất béo lành mạnh và chất xơ cao, giúp mang lại cảm giác no sớm và kéo dài. Do đó, nó hỗ trợ trong việc khắc phục cảm giác thèm ăn thường xuyên và ăn quá nhiều, hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Tăng cường khả năng miễn dịch

Bơ chứa nhiều vi chất dinh dưỡng là khoáng chất và vitamin thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh. Sắt, canxi, magiê, phốt pho, kali và kẽm là một trong những khoáng chất có trong quả bơ. Ngoài ra, bơ còn giàu các loại vitamin như vitamin C, vitamin B, vitamin K và E là những chất dinh dưỡng hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch, duy trì sức khỏe tốt và giảm các nguy cơ sức khỏe khác. <xem them>

Cải thiện sức khỏe đường ruột

Sức khỏe đường ruột là rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cường khả năng miễn dịch. Một quả bơ có khoảng 6-10g chất xơ, giúp hỗ trợ nhu động ruột thường xuyên và sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Bơ có thể hỗ trợ giảm táo bón, tăng cường sức khỏe đường ruột. <xem them>

  1. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ

Tiềm năng thị trường

Dự báo vào năm 2030, bơ sẽ là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất với tổng sản lượng đạt gần 31 triệu tấn. Các chuyên gia nhận định, trái bơ của Việt Nam có tiềm năng lớn, nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, việc xuất khẩu bơ ra thế giới của nước ta đang gặp nhiều khó khăn.<xem thêm>

Năm 2018, giá trị thị trường bơ thế giới là 14 tỷ USD, dự báo đến năm 2027 đạt 23 tỷ USD.

Theo Báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 (OECD-FAO Agricultural Outlook 2021-2030) của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất trong 10 năm tới.

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, đối với việc mở rộng diện tích cây bơ, các tỉnh cần đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm ổn định giá cả và mang lại hiệu quả kinh tế cao. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thế giới

Theo báo cáo triển vọng nông nghiệp 2021-2030 của OECD-FAO, trên thị trường toàn cầu, quả bơ được dự báo là trái cây được xuất khẩu nhiều nhất vào năm 2030, đạt 30,9 triệu tấn, sẽ vượt qua dứa và xoài.

Trong đó, Mexico là thị trường sản xuất và xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới. Dự báo sản lượng quả bơ của Mexico tăng trưởng bình quân 5%/năm trong vòng 10 năm tới. Xuất khẩu quả bơ của Mexico tăng là nhờ nhu cầu tiêu thụ mạnh tại Mỹ. <xem thêm>

Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia khác, Mexico dự kiến sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng xuất khẩu quả bơ trên toàn cầu lên 63% vào năm 2030. Trong đó, Mỹ và EU là thị trường xuất khẩu chính của quả bơ của Mexico.

Tỷ trọng nhập khẩu bơ của Mỹ dự kiến chiếm 40% và EU chiếm 31% tổng trị giá nhập khẩu quả bơ trên toàn cầu vào năm 2030. Bên cạnh đó, nhập khẩu quả bơ cũng đang tăng nhanh ở nhiều thị trường khác như ở Trung Quốc và một số nước ở Trung Đông. <xem thêm>

Năm 2017, Trung Quốc nhập 32.000 tấn, gấp 1.000 lần năm 2011; Hàn Quốc nhập 5.000 tấn. <xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam

Bơ là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của nước ta, được trồng chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên và hiện nông dân vẫn tiếp tục mở rộng vùng trồng. Trong nhưng năm gần đây, diện tích trồng bơ ngày càng tăng, theo thống kê có khoảng 3.500ha, nhưng thực tế diện tích trồng bơ đã đạt khoảng 4.000ha.

Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước với diện tích gần 2.600 ha. Cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác và với giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi hécta cho thu hoạch từ 300 – 500 triệu đồng/năm. <xem thêm>

Ở Tây Nguyên, bơ được trồng ở các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum. Vùng Tây Bắc có Sơn La  trồng được, do thổ nhưỡng và khí hậu ở đây có những nét tương đồng với vùng Tây Nguyên. Một số huyện miền núi ở Quảng Trị, người dân cũng bắt đầu trồng bơ, nhưng diện tích không đáng kể. Do có giá trị kinh tế cao nên nhiều gia đình đầu tư và triển khai trồng bơ trên diện tích khá lớn, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.<xem thêm>

Trao đổi với báo chí, ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hầu hết quả bơ tại Mỹ được tiêu thụ qua các siêu thị, với khối lượng lớn, do đó phải đáp ứng yêu cầu rất cao. Các công ty cung cấp quả bơ phải chịu trách nhiệm và có khả năng kiểm soát các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất tới phân phối. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần bảo đảm có đủ các chứng chỉ chất lượng. Do quả bơ là một loại trái cây dùng để ăn liền, nên các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố an toàn thực phẩm. <xem thêm>

Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng bơ

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Thân cây bơ

Bơ là cây thân gỗ có chiều cao từ 15 – 20m, được tính từ chiều cao cổ rễ đến điểm phân cành đầu tiên. Tùy vào giống cây được phát triển từ hạt hoặc chồi ghép mà chiều cao của thân cây cũng biến động.

Thân cây bơ được phát triển từ hạt sẽ có thân thẳng đứng, cây phân cành khi đạt chiều cao từ 1 – 1,5 m và chiều cao phân cành sẽ phù thuộc vào điều kiện chăm sóc kiến thiết cơ bản như phân bón, nước tưới và cả chế độ bóng che.

Thân cây bơ được phát triển từ cành ghép sẽ phụ thuộc vào điểm ghép nối liền giữa gốc ghép và chồi ghép nên chiều cao của cây bơ ghép thường thấp hơn, phân cành thấp. <xem them>

Cành bơ

Cây bơ có hai loại cành chính là cành quả và cành vượt.

Cành quả là những cành cho quả, nơi tập trung của hoa. Thông thường cành quả nằm ngang và có hoa tập trung ở đoạn cuối của cành.

Cành vượt là những cành phát triển chiều cao của cây, giúp cây lớn lên và tăng khả năng sinh trưởng và phát triển cho cây, cành vượt thường nằm ở phía trên, theo phương thẳng đứng, cành vượt thường là những cành non và không ra hoa. Tuy nhiên các cành phân nhánh từ cành vượt theo hướng nằm ngang sẽ là cành quả.

Bạn cần phân biệt giữa cành quả và cành vượt trên cây bơ để tăng hiệu quả phân cành và tập trung dinh dưỡng để nuôi cành quả. Trường hợp những cành quả bị sâu bệnh và phát triển yếu chúng ta sẽ chú trọng đến phát triển cành vượt để khắc phục hiện tượng khuyết tán cho cây. <xem them>

Lá bơ

Lá bơ có rất nhiều hình dạng khác nhau như: hình elip, hình bầu dục, hình trứng, hình mũi dá, … Tùy vào chủng và giống mà lá cây sẽ thay đổi, màu sắc lá cũng thay đổi, thông thường thì mặt trên của lá có màu đậm hơn ở dưới.

Chiều dài lá thường đạt 10- 30 cm, đối với lá thuộc chủng mexico khi vò lá sẽ có mùi hôi. <xem them>

Hoa cây bơ

Cây Bơ ghép thường ra hoa và đậu quả sau 2 – 3 năm trồng.

Cây Bơ ra rất nhiều hoa.

Cây trưởng thành mang trên 1 triệu hoa nhưng chỉ khoảng 1% là đậu thành quả.

Hoa nở rải rác suốt mùa hoa.

Cá biệt có một số ít cây ra hoa 2 – 3 đợt, cho thu hoạch thêm quả trái vụ.

Các chùm hoa Bơ ra ở đầu cành hoặc từ nách lá.

Trên một hoa có đầy đủ bộ phận đực và cái nhưng chúng không hoạt động đồng thời. Mỗi hoa nở 2 lần, 1 lần nở đóng vai trò như hoa đực và 1 lần nở nữa đóng vai trò như hoa cái. <xem them>

Quả bơ

Thời gian mang quả trên cây tùy theo chủng và giống. Trong điều kiện nhiệt đới thời gian mang quả có thể kéo dài từ 5 đến 8 tháng.

Quả Bơ non rụng nhiều sau khi đậu 2 – 3 tháng, nhất là vào đợt ra chồi lá đầu mùa mưa cạnh tranh dinh dưỡng với quả. Bón phân để giảm rụng quả vừa nuôi chồi lá.

Để cây ra quả ổn định và chất lượng quả bảo đảm không nên cố giữ quá nhiều quả trên cây. Trong thời kỳ mang quả ổn định sau khi trồng 6 – 8 năm tuổi trở đi chỉ cần đạt năng suất 150 – 200 kg/cây.

Tại một thời điểm trên cây có nhiều cỡ quả với độ già khác nhau.

Quả Bơ già không chín mềm trên cây. Quả già sinh lý vẫn còn có thể tiếp tục đeo trên cây 2 – 4 tháng. Vì vậy có thế thu hoạch muộn để tránh những thời điểm quá nhiều Bơ trên thị trường.

Phần ăn được của quả Bơ là thịt Bơ, chiếm khoảng 65 – 75% trọng lượng quả.

Lớp vỏ ngoài bao bọc và bảo vệ thịt quả. Vỏ ngoài của quả dày và hơi sần sùi có lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản. Khi Bơ già chín lớp vỏ này có màu xanh, xanh đậm, tím hoặc đen tùy theo từng chủng giống.

Tùy theo từng chủng, giống mà quả Bơ có nhiều hình dạng khác nhau. Hình ảnh cho thấy những dạng quả được người tiêu dùng ưa chuộng. Các dạng quả đầu nhọn quá dài rất bất lợi cho thu hoạch, vận chuyển và bảo quản thường không được ưa chuộng.

Quả Bơ ngon và hấp dẫn khi chín có thịt quả màu vàng, chắc, không xơ, hạt đóng khít với thịt quả nhưng dễ tách khỏi thịt quả. <xem them>

  1. Đặc điểm sinh thái

Cây Bơ khá nhạy cảm với điều kiện khí hậu, đất đai. Năng suất thấp chủ yếu do khí hậu, còn sinh trưởng kém chủ yếu do đất.

Tại Việt Nam cây Bơ có thể trồng được tại nhiều vùng sinh thái. Tuy nhiên để cây trồng cho năng suất cao và chất lượng ngon, Tây Nguyên là vùng trồng thích hợp hơn cả, đặc biệt là trên đất Bazan tầng canh tác dày, thoát nước tốt, chất hữu cơ cao.

Ngoài ra trên những chân đất phù hợp trồng cây dài ngày như cà phê, cao su, cao cao, điều, sầu riêng… cũng có thể trồng được cây Bơ.<xem thêm>

Các giống bơ hiện nay

Bơ 034

Bơ 034 được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên, Bảo Lộc và Lâm Đồng, không chỉ là loại bơ được sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Quả bơ 034 có hình dạng thuôn dài, trông như quả bầu, với chiều dài trung bình từ 20 – 27cm và trọng lượng dao động từ 300 – 800gr/quả. Vỏ có màu xanh bóng, mỏng cùng với phần cơm dày bên trong có độ béo và dẻo cao. Hạt bơ nhỏ, thậm chí có quả không còn hạt.

Bơ 034 thường cho ra trái sớm hơn các giống bơ khác và được thu hoạch từ tháng 9 – tháng 11. <xem them>

Bơ booth

Bơ booth có nguồn gốc từ châu Mỹ, được trồng nhiều nơi như Mexico, Cuba,… và xuất hiện ở Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Tại nước ta, bơ booth được trồng phổ biến ở Đà Lạt và có rất nhiều giống với hình dạng tương tự nhau.

Nhìn chung, bơ booth có dạng hình tròn, kích thước đều và trông đẹp mắt. Trọng lượng mỗi quả dao động từ 400 – 700gr.

Vỏ căng, dày với phần thịt bơ có màu vàng đậm, độ dẻo và vị béo cao, thoảng hương thơm nhẹ. Đặc biệt, thời gian bảo quản bơ booth khá lâu, được khoảng 7 ngày so với các giống bơ khác. <xem them>

Bơ năm lóng

Bơ năm lóng thuộc loại bơ sáp và cũng có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai. Hình dạng của loại bơ này trông giống như bơ không tên và bơ booth số 8 nên rất hay bị nhầm lẫn. <xem them>

Bơ năm lóng có hình dạng bầu dục hoặc thuôn dài, kèm với lớp vỏ màu xanh nhẵn bóng. Hạt bơ khá to, chiếm khoảng 50% quả nhưng phần thịt vàng ươm, có độ sáp cao, hơi béo, vị ngọt và hương thơm nhẹ. Thời gian thu hoạch của loại bơ này từ tháng 4 – tháng 8. <xem them>

Bơ Hass

Bơ Hass được trồng nhiều nhất ở nước Úc và chiếm khoảng 80% sản lượng bơ trên thế giới. Cây bơ Hass khi được trồng thử nghiệm tại Việt Nam được đánh giá có tốc độ sinh trưởng tốt và mang lại năng suất cao nên có giá trị thương mại lớn.

Lớp vỏ dày, cứng và có màu xanh đậm, khi sờ trên bề mặt quả khá sần sùi. Phần thịt có màu vàng kem, rất dẻo, béo và có mùi thơm hạt dẻ đặc trưng. Trung bình mỗi quả bơ Hass dao động từ 200 – 400gr và thời gian thu hoạch từ tháng 8 – tháng 12. <xem them>

Bơ Quốc Minh

Bơ Quốc Minh được trồng phổ biến ở Đồng Nai và cũng là một trong những giống bơ sáp rất được ưa chuộng. Trọng lượng mỗi quả bơ từ 300 – 900gr và thời gian bảo quản lâu, khoảng 7 ngày giống với bơ booth.

Hình dạng quả bơ Quốc Minh thon đều với lớp vỏ dày, nhìn bóng. Phần thịt dày, có hương thơm và vị ngọt nhẹ, chuyển từ màu vàng sáp sang màu mỡ gà khi bơ chín. <xem them>

Bơ Trịnh Mười

Bơ Trịnh Mười nổi tiếng ở khu vực Tây Nguyên và Đồng Tháp, với thời gian thu hoạch từ tháng 6 – tháng 11 mỗi năm.

Hình dạng quả bơ thon dài 7 – 20cm, dao động từ 400 – 800gr trọng lượng mỗi quả. Lớp vỏ mỏng, có màu xanh đậm và bóng, kèm với những đường sọc trắng mờ. Phần thịt dày, mềm béo và có hương thơm khá đặc biệt. <xem them>

Bơ Mã Dưỡng

Bơ Mã Dưỡng được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, là loại bơ sáp nổi tiếng ở vùng đất Bình Phước (Việt Nam). Mỗi năm, cây bơ Mã Dưỡng cho ra trái 2 mùa vụ: vào tháng 6 âm lịch và tháng 11 âm lịch.

Kích thước quả bơ Mã Dưỡng tương đối lớn với trọng lượng từ 400 – 800gr/ quả. Đặc biệt, phần thịt bơ có màu vàng đậm, độ béo vừa phải, không bị xơ và rất dẻo. Tuy nhiên, hạt bơ khá to. <xem them>

Bơ sáp Đắk Lắk

Cây bơ sáp Đắk Lắk tuy có chiều cao chỉ khoảng 6 – 8m nhưng phần tán lá cho quả sum suê. Quả bơ có hình bầu dục, dài từ 7 – 15cm với trọng lượng khoảng 400 – 800gr/quả.

Vỏ bơ mỏng nhưng hơi cứng và có màu xanh đậm. Phần thịt màu vàng nhạt, dẻo mềm và vị béo ngậy nên rất được ưa chuộng để làm sinh tố bơ và món bơ sáp nướng cũng đều rất ngon. <xem them>

Bơ Tứ Quý

Bơ Tứ Quý còn gọi là bơ trái vụ, được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên và có nguồn gốc từ Đắk Lắk. Hình dạng quả bơ Tứ Quý thuôn dài, như quả lê vì nhỏ ở phần cuống và to dần về phía. <xem them>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

Đất trồng

Cây bơ có khả năng thích nghi với nhiều đất trồng khác nhau nhưng đất đỏ bazan vẫn được xem là loại đất phù hợp nhất. Nơi trồng bơ phải là nơi có thể thoát nước nên thích hợp để trồng ở những vùng đất Tây Nguyên và những vùng Tây Nam Bộ. Độ pH từ 5 -7, lượng mưa thích hợp phải đạt từ 1.200 – 1.500mm và nhiệt độ thích hợp từ 15 – 25 0C. <xem thêm>

Giống bơ

Bơ được trồng từ hạt thường xuất hiện tình trạng phân ly rất lớn trên nhiều tính trạng cũng như chất lượng của quả. Trồng cây cấy ghép sẽ có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt, sinh trưởng tốt và mang lại năng suất cao đạt hiệu quả chất lượng. Trong các giống bơ phổ biến hiện nay thì giống bơ booth 7 có nguồn gốc từ Mỹ được xem là giống cho chất lượng cao, năng suất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng bơ. Bên cạnh đó, giống bơ hass cũng đang được thử nghiệm và nghiên cứu các đặc tính riêng. <xem thêm>

Cách trồng bơ

Bơ trồng thuần thì khoảng cách trồng bơ là 9m x 6m hoặc 8m x 7m, còn nếu trồng xen che bóng hay chắn gió cho cây cà phê thì 9m x 9m hoặc 9m x 12m là khoảng cách phù hợp. Khoảng cách hố đào là Hố đào 60 x 60 x 60cm, phân chuồng đã ủ hoai mục bón dưới mỗi hố từ 15-20kg, thêm 0,5kg lân Ninh Bình và rải 0,3-0,5kg vôi.

Dùng dao rạch vòng trong bỏ túi nilong ra, cắt phần rễ mọc hơi dài khỏi bầu đất. Sau đó rạch một đường dọc từ đáy lên khoảng 10cm. Đặt bầu cây thấp hơn mặt đất 5cm, ngọn quay về hướng gió, lấp đất ½ bầu cây. Kết hợp rút túi nilong và nén đất vào xung quanh bầu. Những cây bơ mới trồng cần phải được che nắng và cắm cọc xung quanh cây để hạn chế côn trùng phá hoại cây non, nên trồng xen kẽ các nhóm hoa A, B lẫn nhau. <xem thêm>

Phân bón

Lượng phân bón nhiều hay ít tùy thuộc vào độ tuổi của cây, cây non thì nên bón 4 – 5 lần, thời điểm cây bắt đầu cho thu hoạch quả thì cần dùng lượng phân bón đầy đủ và ổn định bởi thời điểm này nhu cầu cần kali của cây cao hơn. Cây bơ trái mùa giai đoạn sinh trưởng và phát triển rất khác so với cây cà phê nên chúng cần có chế độ dinh dưỡng cân đối hợp lý ở từng giai đoạn. Bổ sung thêm phân bón hữu cơ, vôi, phân bón cho lá Antonic, Alpha Super,… <xem thêm>

Tỉa cành, tạo tán cho cây bơ

Việc tỉa cành cành, tạo tán rất quan trọng trong việc quyết định năng suất bơ. Khi tỉa cành bà con sẽ tạo cho cây bơ có tán cân đối, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành không cho trái, cành bị che nắng, giúp cây bơ khỏe mạnh, tập trung dinh dưỡng ở những cành cho trái, cây không bị gãy cành khi gió lớn…

Tạo tán: Từ năm thứ 2 bà con sẽ bắt đầu tiến hành tạo tán. Bà con nên để cây bơ có 1 thân chính, các cành cấp 1 của cây mọc cách mặt đất khoảng 70 – 80cm. các cành của cây phân bố đều để tạo thành tán mâm xôi hoặc “ bàn tay xòe”.

Tỉa cành: Việc tỉa cành sẽ bắt đầu thực hiện trong suốt quá trình phát triển của cây (từ lúc cây được 1 năm tuổi). Bà con tiến hành cắt bỏ chồi vượt, cành mọc sát mặt đất. Còn đối với cây bơ trong thời kỳ kinh doanh bà con có thể chia làm 2 lần tỉa cành chính: sau khi thu hoạch và trước khi ra hoa 2 – 3 tháng.

Khi tỉa cành bà con loại bỏ các cành khô, cành sâu bệnh tấn công, cành không mang trái, cành che bóng…<xem thêm>

Thu hoạch và bảo quản bơ

Các giống bơ truyền thống thường cho thu hoạch vào khoảng tháng 8 – tháng 9, trong khi các giống bơ chín muộn có thể thu hoạch vào tháng 10-11, thậm chí một số giống thu hoạch 2-3 vụ như bơ 034, bơ tứ quý. Tùy theo từng loại giống sẽ có thời điểm thu hoạch khác nhau. Thông thường thời gian từ khi ra bông đến khi thu hoạch khoảng 6 tháng hoặc 7 tháng. Khi gần thời điểm thu hoạch quả bơ sẽ có vỏ đậm màu hơn bình thường, đôi khi chuyển sang tím đậm, trên bề mặt vỏ xuất hiện một lớp phấn mỏng màu trắng.

Khi thu hoạch bà con nên cắt cả cuống, nên căng bạt hoặc lưới để hứng trái, tránh để trái bị rơi từ trên cao xuống, và chạm vào đất dễ gây trầy xước, bầm dập, mất giá trị thương phẩm. Sau khi hái nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ, chú ý lót giữa các trái bằng giấy, túi xốp hoặc các chất liệu mềm để giữ trái có mẫu mã đẹp nhất.

Tùy theo giống và thời tiết mà thời gian bơ chín (tính từ lúc hái) sẽ khác nhau. Các giống bơ vỏ dày như Booth 7, Reed, Hass… có thể lên đến 10 ngày. Nên bảo quản ở nơi khô thoáng, nhiệt độ mát, bơ sẽ để được lâu hơn.<xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

  1. Sâu hại

Mọt đục cành Xyleborus morstatti

Con cái đục vào cành bằng một lỗ nhỏ (1mm) ở mặt dưới của cành, xâm nhập vào giữa cành, đào một hầm ngầm và đẻ trứng ở đó. Mỗi ổ khoảng 30 – 50 trứng. Sâu non phát triển ở thành vách của hầm ngầm.

Cành bị hại có biểu hiện khá rõ rệt, lá có màu nâu sẫm và bị héo rũ nhanh chóng, rồi chết khô trên cây. Bẻ cành xuống, chẻ đôi thấy một đoạn cành đã bị mọt đục rỗng ở giữa. <xem them>

Biện pháp quản lý và phòng trừ mọt đục cành hại cây bơ

Các loại thuốc hoá học để phòng trừ mọt đục cành đều không có hiệu quả cao. Biện pháp phòng trừ tốt nhất là phát hiện kịp thời các cành bị mọt đục để gom và đốt ngay để ngăn chặn sự lây lan.

Mọt trưởng thành sau khi vũ hóa chỉ vài giờ đã đục vào trong cành Bơ và khi đã chui vào trong rồi thì việc phun thuốc sẽ kém hiệu quả, vì vậy khi cần phòng trừ mọt đục cành bà con cần lưu ý một số điểm sau đây:

Nên kết hợp dầu khoáng dạng thương phẩm có tên SK EnSpray 99EC) với thuốc trừ sâu để phun theo liều lượng cụ thể như sau (tính cho 1 bình xịt 8 lít):

20 ml dầu khoáng SK99 + 25 ml thuốc Sago Super 20EC hoặc + 20 ml dầu khoáng SK99 + 15 ml thuốc Sherzol 205EC hoặc.

20 ml dầu khoáng SK99 + 05 ml thuốc SecSaigon 50EC.

Phải phun phòng vào đầu mùa mưa khi bọ trưởng thành mới phát sinh, khi phun chú ý phun kỹ vào cành và thân cây chứ không chỉ phun phớt trên lá.<xem them>

Rệp sáp Pseudococcus spp

Rệp cái đẻ trứng ở các kẻ lá non, nách cành non. Đây là bộ phận non, mềm và giàu chất dinh dưỡng nên rệp dễ dàng phát triển. Rệp tập trung từng đám ở kẻ lá, chồi non, chùm hoa và quả non. Phá hại các cuống của hoa và quả. Mùa khô rệp bò xuống sống ở gốc cây. Nhựa cây và chất dịch do rệp tiết ra làm thức ăn cho loài nấm Bornetinia corium phát triển, sợi nấm đan thành tổ bao che rệp. Rệp chích hút rễ và gốc cây làm rễ phát triển kém, cây sinh trưởng yếu, lá vàng có thể bị chết dần.

Rệp sáp phấn cũng tiết dịch làm môi trường cho nấm bồ hóng đen phát triển dẫn dụ kiến đến.

Rệp chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây làm hoa quả khô rụng. <xem them>

Biện pháp phòng trừ rệp sáp hại cây bơ

Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành vượt nằm trong tán lá để vườn cây thông thoáng.

Thường xuyên dọn sạch cỏ rác, lá cây mục tụ ở xung quanh gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của kiến.

Dùng máy Bơm xịt mạnh tia nước vào chỗ có nhiều rệp đeo bám có tác dụng rửa trôi bớt rệp, đồng thời tạo ẩm độ trên cây làm giảm mật số rệp.

Thường xuyên kiểm tra 10 ngày lần để phát hiện sự xuất hiện của rệp sáp ở trên lá, cành, chùm quả, thân, phần thân giáp với mặt đất và phần rễ trong đất. Nếu thấy có rệp dù ở mật số thấp cũng phải diệt trừ ngay vì rệp sáp sinh sản rất nhanh.

Trừ rệp sáp trên lá và chùm quả: phun thuốc kỹ ướt đều cây, phun hai lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa rệp non mới nở.

Có thể sử dụng các loại thuốc sau để phun trừ rệp

Nurelle D 25/2.5EC, Oncol 20EC: 25-30 ml/ bình 8 lít Cori 23EC: 20 ml/bình 8 lít

Mospilan 3EC: 15 ml/bình 8 lít Elsan 50EC: 30 ml/bình 8 lít

Applaud 10WP: 20-30 g/bình 8 lít hoặc Applaud 25SC: 8-12 m/bình 8 lít

Dầu khoáng Citrole 96.3EC: 40 ml bình 8 lít.<xem them>

Sâu róm đỏ Cricula trifenestrata

Sâu róm đỏ ăn lá và chồi non của cây, nhất là lá non và lá bánh tẻ, sâu ăn lá chỉ chừa lại gân lá. Do có hoạt động ăn khoẻ và sinh sản mạnh, nên mật số tăng lên rất nhanh.

Trong một thời gian ngắn sâu róm đỏ có thể ăn trụi hết lá trên cây điều và cây bơ. Sâu ăn trụi lá làm chết cây con và làm giảm sức tăng trưởng cây lớn.<xem them>

Biện pháp phòng trừ sâu róm đỏ

Biện pháp canh tác

Hàng năm sau khi thu hoạch xong cần tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế trưởng thành đẻ trứng.

Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra và phát hiện sâu kịp thời.

Vệ sinh vườn sạch sẽ, nếu có điều kiện thả kiến vống vàng, ong mắt đỏ cùng các loại thiên địch ăn sâu.

Dùng các biện pháp xông khói, dùng lửa đốt lông sâu róm, sâu rụng xuống đất sau đó thu gom và đốt.

Thu gom các cành lá có ổ trứng và sâu non mới nở đem tiêu hủy.

Đối với kén dùng phương pháp thu gom đem đốt tiêu diệt.

Dùng bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành ở giai đoạn vũ hoá  rộ vào bẫy để tiêu diệt. <xem them>

Biện pháp hoá học

Khi thấy sâu róm xuất hiện với mật độ ≥5 con/cành thì dùng các loại thuốc hoá học sau để pòng trừ:

Hoạt chất: (Chlorpyrifos Ethyl+ Cypermethrin): Tungcydan 30EC

Hoạt chất: (Lambda –Cyhalothri) : Vovinam 2.5 EC

Hoạt chất: (Permethrin): Tungperin 10EC

Hoạt chất: (Cypermethrin): Cyperan 5 EC

Hoạt chất: (Fipronil) : Tungent 5SC

Liều lượng sử dụng theo khuyến cáo. Lượng nước thuốc phun 800 lít/ha

Ngoài ra có thể sử dụng loại thuốc : Sectox 100WP liều lượng 2.0kg/ha, Azora 350EC liều lượng 2 lít/ha để phòng trừ. Hai loại thuốc này đã được khảo nghiệm và xử lý chống dịch sâu róm đỏ hại điều tại Lâm Đồng năm 2011. <xem them>

  1. Bệnh hại

Ghẻ quả do nấm Sphaceloma sp.

Trên vỏ quả hình thành vết bệnh bầu dục, hơi gồ lên, màu nâu – nâu tím. Khi quả gài, các vết bệnh liên kết, tâm vết bệnh co lại gây nứt, tạo thành mạng, toàn vỏ sần sùi. Chất lượng thịt quả không bị ảnh hưởng nhưng trông bên ngoài vỏ rất xấu.

Trên gần mặt dưới lá, cuống lá, cành non cũng bị vết ghẻ hình bầu dục dài. <xem them>

Phòng trừ bệnh ghẻ vỏ quả trên bơ do nấm Sphaceloma perseae

Vệ sinh đồng ruộng, cắt bỏ cành bệnh sau thu hoạch, đốt cành, lá.

Phun các thuốc có gốc đồng với nồng độ theo hướng dẫn trên nhãn.

Thời điểm phun: đầu mùa nở hoa, gần cuối mùa nở hoa, 3 – 4 tuần sau khi tất cả quả đã đậu.<xem them>

Thối rễ Phytophthora cinnamomi

Lá nhỏ, xanh nhạt hoặc vàng, thường héo rũ với đầu lá úa nâu. Tán lá thưa, ít ra lá mới. Nhiều cành nhỏ trên ngọn bị chết.

Cây bệnh vẫn mang nhiều quả nhưng quả nhỏ, năng suất thấp.

Cây bệnh rất ít ra rễ tơ. Rễ tơ nhiễm bệnh màu đen, dễ gãy và chết.

Cây bệnh có thể chết nhanh hoặc chậm. <xem them>

Phòng trừ bệnh thối rễ do nấm Phytophthora cinnamomi trên cây bơ

Chú trọng phòng bệnh bằng các biện pháp canh tác.

Trồng trên đất thoát nước tốt; tạo mương rãnh thoát nước; vun gốc, trồng trên luống cao; không trồng âm xuống đất.

Không dùng cây giống có nguy cơ chứa nấm bệnh.

Dùng gốc ghép kháng bệnh.

Hạn chế di chuyển tự do gần vùng bệnh; nếu cần thiết phải theo đúng các hướng dẫn.

Tưới nước vừa đủ, không dùng nước có nguy cơ nhiễm bệnh.

Không trồng lại ngay trên vườn có bệnh.

Bón thạch cao (10 kg/cây); ủ lớp chất hữu cơ thô, xác bã thực vật.

Bón phân đạm, phân gia súc vừa phải.

Các loại thuốc hóa học nhóm Phosphite có thể giúp cây bệnh phục hồi, tuy nhiên dùng thuốc trừ nấm luôn phải kết hợp với các biện pháp canh tác. Các loại thuốc trừ nấm thường dùng có hiệu quả khá cao là:

Aliette

Agri-fos, Fosphite (Phosphorous acid)

Ridomil Gold

Sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.<xem them>

Tài liệu tham khảo

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang (2022), Giới thiệu về cây bơ và khả năng phát triển cây bơ tại Bắc Giang. Truy cập ngày 17/09/2024, từ https://atgt.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/9DJTiagaQTlH/content/gioi-thieu-ve-cay-bo-va-kha-nang-phat-trien-cay-bo-tai-bac-giang

Cẩm nang cây trồng, Cây bơ. Truy cập ngày 17/09/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay-bo-cd43.html

Sức khỏe và đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ y tế (2022), Điều gì xảy ra nếu bạn ăn một quả bơ mỗi ngày. Truy cập ngày 17/09/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/dieu-gi-xay-ra-neu-ban-an-1-qua-bo-moi-ngay-169220530161732156.htm

Dân tộc và Phát triển (2021), Ký thuật trồng và chăm sóc cây bơ hiệu quả. Truy cập ngày 17/09/2024, từ https://baodantoc.vn/ky-thuat-trong-va-cham-soc-cay-bo-hieu-qua-1616989771196.htm

Hội Nông dân tỉnh Hà Giang (2021), Giải pháp để “hoàng hậu” trái cây chiếm lĩnh thị trường hơn 20 tỷ USD. Truy cập ngày 21/09/2024, từ https://hoinongdan.hagiang.gov.vn/tin-tuc?newsId=211611

 

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.