Giới thiệu về Cây ăn quả Mắc ca

Cây Macca (Mắc ca) có tên khoa học là Macadamia, thuộc chi Macadamia, họ Proteaceae, là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mắc ca là cây thực phẩm, quả khô, thân gỗ. Gồm 2 loài có giá trị kinh tế là: loài vỏ hạt trơn (Macadamia integrifolia) và loài vỏ hạt sần (Macadamia tetraphylla). Sản phẩm chính của cây Mắc ca là hạt và vì nó có hương vị thơm ngon nhất trong các loại hạt dùng để ăn nên được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô”. Nhân Mắc ca là một loại sản phẩm cao cấp, ngon, bổ, chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và có tác dụng tốt cho sức khỏe. <Xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Cây mắc ca có nguồn gốc từ Úc, chúng được thổ dân Úc sử dụng trong các dịp lễ hội. Đến năm 1886 thì cây mắc ca mới được nghiên cứu và trồng hàng loạt để lấy quả ở các đồn điền mắc ca. Cây Mắc ca bắt đầu được trồng ở Việt Nam từ năm 1994 ở Ba Vì, Hà Tây, sau đó dần mở rộng diện tích trồng ở các tỉnh vùng Tây Bắc và đặc biệt là Tây Nguyên (Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng). <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Hạt macca là một loại hạt có chứa ít đường và carbohydrate, nhưng chứa nhiều các chất dinh dưỡng thiết yếu khác nhau như chất xơ và chất chống oxy hóa . Trong 100g hạt mắc ca có chứa khoảng 7,9 g protein, 75,8 g lipid, 8,6 g chất xơ, 4,6 g đường,…. Ngoài ra trong thành phần của hạt mắc ca còn có những thành phần có lợi cho sức khỏe của con người như: Vitamin C, Vitamin B6, canxi, sắt, magie,… <Xem thêm>

  1. Công dụng

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra nhận định rằng ăn hạt mắc ca thường xuyên cũng có thể làm giảm nguy cơ tử vong sớm, biệt là ở những người ăn hạt mắc ca ít nhất 8 lần mỗi tuần. Một nghiên cứu thực hiện năm 2017 ở nam giới có lượng cholesterol cao cũng phát hiện thấy nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm sau 4 tuần ăn hạt mắc ca.

Lợi ích đặc biệt của hạt mắc ca đối với hệ tim mạch nằm ở axit béo bão hòa đơn có trong loại hạt này, trong đó axit béo palmitoleic có khả năng: hạ huyết áp; giảm nhiễm trùng; giảm nồng độ lipid; tăng cường sức khỏe tim mạch; hạ lượng triglyceride (triglyceride cao có thể gây xơ vữa động mạch, đột quỵ, đau tim). <Xem thêm>

Cải thiện hội chứng chuyển hóa và tiểu đường

Hội chứng chuyển hóa là một nhóm các tình trạng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đột quỵ và tim mạch. Các tình trạng thường gặp là huyết áp cao, đường huyết cao, nồng độ cholesterol HDL cao, lượng triglycerid cao và lượng mỡ bụng dư thừa.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hợp chất MUFAs (chất béo đơn không bão hòa) như các chất có trong hạt mắc ca có thể làm giảm các nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa hoặc giảm thiểu tác hại ở những người đang mắc phải. Một nghiên cứu từ năm 2016 đã cho thấy một chế độ ăn có hàm lượng chất MUFAs cao có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2. <Xem thêm>

Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư

Hạt mắc ca có chứa hàm lượng lớn một loại vitamin E gọi là tocotrienols có khả năng chống lại ung thư. Ngoài ra, loại hạt này còn có chứa hợp chất thực vật flavonoid có thể ngăn ngừa ung thư bằng cách tiêu diệt các gốc tự do trong cơ thể. <Xem thêm>

Bảo vệ sức khỏe não bộ

Ngoài chức năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư, tocotrienol còn có tác dụng bảo vệ não bộ. Một nghiên cứu cho thấy tăng cường bổ sung tocotrienol có thể giúp bảo vệ các tế bào não khỏi tác động của glutamate, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer và Parkinson.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy axit oleic, một loại chất béo không bão hòa đơn có trong loại hạt này cũng có tác dụng giúp não bộ ngăn ngừa trạng thái căng thẳng. <Xem thêm>

Tiềm năng thị trường

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca của thế giới ngày càng tăng, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 214.100 tấn nhân (tương đương khoảng 850.000 tấn hạt tươi). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay, nhu cầu mắc ca thế giới hiện đang cao gấp 4 lần tổng sản lượng.

Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do với các thị trường nhập khẩu lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Hà Lan với thuế nhập khẩu đối với hạt mắc ca đã giảm về 0%, đây là cơ sở quan trọng đảm bảo đầu ra để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca. <Xem thêm>

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Rễ

Cây mắc ca thuộc loại cây 2 lá mầm nên bộ rễ của nó có những điểm dễ nhận biết như sau:

Bộ rễ macca bắt đầu được hình thành trong khoảng từ 2 – 6 tháng sau khi nảy mầm.

Bộ rễ của cây là rễ chùm, rễ cọc của cây kém phát triển, phạm vi phát triển của rễ thường chỉ cách mặt đất khoảng 70 cm trở lại.

70% bộ rễ phát triển mạnh, tập trung ở tầng đất 0 – 30cm với mặt ngang của bộ rễ chủ yếu phân bố trong phạm vi tán cây.

Rễ mọc theo từng chùm bao quanh trục rễ chính, rễ con khi dài 1 – 4cm thì có lông hút, lông hút rụng sau 3 tháng, những rễ nhỏ sẽ bị tiêu hủy sau 12 tháng và không có khả năng tái sinh. <Xem thêm>

Thân

Mắc ca thuộc loại cây thân gỗ thường xanh, sống lâu năm. Cây cao từ 2 – 18 m, tán lá phát triển rộng tới 15 m. Trong điều kiện chăm sóc và khả năng sinh trưởng tốt, tuổi thọ của cây có thể lên đến một trăm năm.

Cành mắc ca có dáng tròn đều, vỏ nhám, không xẻ cành, vết cắt trên vỏ có màu đỏ tốt, gỗ rất cứng.

Lá của cây măc ca có nhiều đặc điểm đặc trưng, bao gồm:

Lá có hình bầu dục, cứng, hẹp và dài, chiều dài gấp khoảng 3 – 4 lần chiều rộng,

Kích thước trung bình dài khoảng 7 – 12 cm, 3 – 4 lá mọc cách nhau theo đường xoáy ốc.

Viền lá lượn sóng, có thể là lá nguyên hoặc lá răng cưa, đôi khi răng cưa nhọn và cứng như gai.

Gân lá nổi, gân con chằng chịt ở 2 mặt lá và các  có thể dễ dàng nhìn thấy. <Xem thêm>

Hoa

Hoa mắc ca thường mọc theo chuỗi, hình đuôi sóc, mỗi chuỗi hoa dài 12 – 30 cm. Hoa có màu trắng, điểm chút hồng, một số có màu tím hồng, tùy vào giống cây.

Hoa chủ yếu mọc từ nách lá, tập trung tại 2 – 3 hoặc nhiều mặt của đầu cành nhỏ. Từng đôi hoa hoặc 3 – 4 hoa cùng mọc trên cuống hoa.

Hoa mắc ca là hoa không hoàn toàn, lưỡng tính, không có cánh hoa, chỉ có vảy dạng cánh hoa. Mỗi chuỗi hoa có khoảng 200 – 300 bông nhưng tỷ lệ đậu hoa cho quả chỉ có hơn 10%.

Nhụy cái dài, vươn thẳng ra ngoài trước cả khi hoa nở, quanh đó là 4 nhị đực đính trên 4 cánh giả và chỉ có thể nhìn thấy được khi hoa đã nở. Đầu nhị đực uốn cong xuống phía dưới , cách xa đầu nhụy cái, vì vậy, tỉ lệ thụ phấn thành công của hoa macca khá thấp. <Xem thêm>

Trái

Trái mắc ca hình cầu, có đường kính trung bình khoảng 2,5 cm, khối lượng giao động trong khoảng 8 – 9 g/quả, lớp vỏ ngoài của quả dày tới 3mm.Quả mắc ca mọc thành từng chùm 2 – 5 quả, đôi khi có chùm 15 – 20 quả. Khi vỏ trong của quả chuyển sang màu đen tức là quả đã chín. khi chín, vỏ quả nứt ra theo đường hợp tuyến của quả, bên trong là hạt hình cầu. <Xem thêm>

Hạt

Quả mắc ca khi chín có các hạt bên trong. Hạt là tên gọi khác của quả khô hoặc quả cứng, bao gồm 1 vỏ cứng dày 2 – 5 mm và nhân hạt.

Vỏ của mắc ca là một tầng vỏ tạo nên bởi 2 lớp có sự khác biệt về kích thước rõ rệt, lớp vỏ ngoài dày hơn lớp vỏ trong tới 15 lần. <Xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh thái

Nhiệt độ: thích hợp từ 12 – 32oC, nhiệt độ tối ưu cho sinh trưởng là 20 – 25oC. Nhiệt độ tốt nhất cho sự phân hóa mầm hoa là 18o – 21oC về đêm, nhiệt độ về đêm thấp hơn 12oC và cao hơn 21oC đều không thể hình thành mầm hoa.

Lượng mưa: yêu cầu lượng mưa >1.200 mm/năm, phân bố đều trong năm.

Gió: mắc ca là cây cao, tán to dày nhưng rễ cọc không ăn sâu nên nguy cơ đổ, ngã khi có gió lốc, bão lớn

Yêu cầu về đất: thích hợp trên nhiều loại đất nhưng tầng đất phải dày trên 70 cm, thoát nước tốt, giàu hữu cơ, đất không quá sét. pH thích hợp từ 5 – 5,5, cây mắc ca chịu được đất xấu, đất thịt nhẹ đến trung bình, ẩm đều quanh năm là tốt nhất, không thích hợp với đất kiềm, đất phèn mặn, đất đá vôi, đất đá ong hóa hoặc thoái hóa nghiêm trọng, đất ngập úng… <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ mắc ca trên thế giới

Diện tích trồng mắc ca trên phạm vi toàn cầu bắt đầu phát triển nhanh từ những năm thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Theo thống kê của Hiệp hội Mắc ca các nước, tính đến năm 2020 trên thế giới trồng mắc ca đạt khoảng 450.000 ha. Trong đó, lớn nhất là Trung Quốc với diện tích khoảng 200.000 ha, tiếp đó là Nam Phi với diện tích hơn 50.000 ha, Úc là hơn 30.000 ha. <Xem thêm>

Ngành chế biến hạt mắc ca trên thế giới đang phát triển nhanh và rộng rãi. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tính đến năm 2020, nguồn cung mắc ca đã tăng gấp đôi với sản lượng khoảng 230.000 tấn hạt khô. Úc và Nam Phi hiện là các nhà cung cấp nhân mắc ca hàng đầu thế giới, đều chiếm tỷ trọng 25% tổng sản lượng toàn cầu. Ngành công nghiệp mắc ca mới chỉ chiếm khoảng 2% lượng hạt khô tiêu thụ trên thế giới. Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ nhân hạt mắc ca trên thế giới vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tiềm năng mở rộng thị trường còn rất lớn. Dự báo đến năm 2030, nguồn cung mắc ca trên toàn thế giới chi đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ của thị trường (INC, 2020). <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ mắc ca tại Việt Nam

            Tính đến tháng 10/2023, cả nước  có 29 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích khoảng 20.000 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, sản lượng ước đạt gần 9.000 tấn hạt tươi/năm. <Xem thêm>

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, mắc ca của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 21 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan, Đức, Malaysia, Hồng Kông, Hà Lan, Hoa Kỳ… Sản phẩm mắc ca tại Việt Nam chủ yếu là hạt sấy khô, nhân. <Xem thêm>

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng, dự báo đến 2025 thị trường cần khoảng 220.000 tấn nhân, tương đương 850.000 tấn hạt tươi. Ở Việt Nam, dư địa mở rộng thị phần của mắc ca tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức còn lớn. <Xem thêm>

Lâm Đồng cũng là vùng trồng mắc ca chủ lực ở địa bàn Tây Nguyên với diện tích trên 5.000 ha. Nhờ xây dựng được chuỗi sản xuất gắn với chế biến nên nhiều hộ dân đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu 1 năm/ha. <Xem thêm>

Huyện Kbang là địa bàn có diện tích cây mắc ca lớn nhất tỉnh Gia Lai với hơn 2.800 ha. Với mục tiêu liên kết vùng trồng, hiện nay đã có 20 cơ sở, đơn vị chế biến hạt mắc ca đi vào hoạt động, bao tiêu sản phẩm cho bà con. <Xem thêm>

Các tỉnh Tây Nguyên định hướng sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mắc ca, nhưng sản xuất phải gắn với chế biến, tiêu thụ. Từ đó mới đảm bảo phát triển cây trồng bền vững, đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. <Xem thêm>

Các giống mắc ca hiện nay

  1. Mắc ca QN1 (mắc ca Quế Nhiệt 1)

Không bị sâu bệnh hại, chịu hạn tốt, đặc biệt có bộ tán cân đối. Cây sinh trưởng khỏe, phân cành nhiều, tán thẳng hình trụ rộng 4 – 5 m, sau trồng 10 năm đã cao trung bình 10 m. Lá hình bầu dục, màu xanh nhạt, đầu và gốc lá đều nhọn, mép có răng cưa, cuống lá dài trung bình. Hoa trắng ngà, chùm hoa dài 20 cm trở lên, cụm hoa dày. Tỷ lệ đậu quả cao, dạng quả hình ô van, kích thước lớn, vỏ quả xanh đậm hơi sần sùi, đầu quả có mũi nhọn, lệch so với trục cuống quả. Hạt hình cầu to trung bình, màu nâu, rốn hạt to phẳng, vỏ hạt bóng và hơi lồi lõm. Nhân hình cầu màu trắng ngà có mũi nhọn, kích thước 18 – 22 mm.

Cho quả sau trồng 4–5 năm, năng suất gần 6 tấn/ha. Tỷ lệ nhân đạt 35 – 37%. Được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật ở vùng Tây Nguyên và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự, theo QĐ 761/QĐ–BNN–TCLN ngày 06/03/2019. <Xem thêm>

  1. Mắc ca A16

Cây sinh trưởng khỏe, tán hình trụ rộng 4 – 6 m cân đối, không bị sâu bệnh hại. Lá hình bầu dục hẹp, màu xanh đậm, đầu và gốc lá đều nhọn, mép lá có gợn sóng, bản lá dài 15 – 20 cm, cuống lá dài trung bình. Hoa trắng ngà, chùm hoa dài 20 – 35 cm, cụm hoa dày và có màu vàng nhạt. Tỷ lệ đậu quả cao, dạng quả hình ô van, kích thước lớn, vỏ quả xanh đậm, hơi sần sùi, đầu quả có mũi nhọn, lệch so với trục cuống quả.

Quả dạng tròn, vỏ quả màu xanh đậm, đầu quả có mũi ngắn, có thể phân biệt rõ với cuống quả. Hạt to trung bình, dạng hình cầu, màu nâu, rốn hạt to phẳng, vỏ hạt bóng và hơi lồi lõm. Nhân hình cầu màu trắng ngà có mũi nhọn, kích thước 20 – 30 mm.

Cho quả sau trồng 4 – 5 năm, năng suất trung bình 8 – 12 kg/cây. Tỷ lệ nhân đạt 30 – 35%. Được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống tiến bộ kĩ thuật ở vùng Tây Nguyên và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự, theo Quyết định 761/QĐ–BNN–TCLN ngày 06/3/2019. <Xem thêm>

  1. Mắc ca A38

Không bị sâu bệnh hại, chịu hạn tốt, đặc biệt có bộ tán cân đối. Tán thẳng hình trụ rộng 4 – 5 m, sau trồng 10 năm chiều cao cây trung bình từ 10 – 11 m. Phân cành dày, cành khỏe. Lá hình bầu dục hẹp, màu xanh đậm, bản lá rộng > 5cm, dài 15 – 20  cm, đầu lá tròn hơi vặn xoắn, gốc lá nhọn, mép lá có gợn sóng nhỏ, ít gai, có gân nổi rõ trên mặt lá, cuống lá dài trung bình. Chùm hoa dài 20 – 40cm, cụm hoa dày, màu vàng nhạt.

Cho quả sau trồng 4 – 5 năm trồng, quả dạng tròn, kích thước trung bình, vỏ quả màu xanh đậm, hơi xù xì, đầu quả có mũi ngắn gần thẳng hàng với cuống quả, cuống quả dài trung bình, cổ phát triển mạnh, phân biệt rõ. Hạt hơi tròn màu hạt chè, khe mọc mầm rất nhỏ, rốn hạt rộng phẳng, vỏ hạt bóng hơi lồi lõm, có điểm rốn và gờ phân cách hạt rõ ràng, vỏ hạt dày 2 – 2,5mm. Nhân hình cầu có mũi nhọn ngắn, kích thước 15 – 20 mm, có đường phân cách mờ màu trắng. Năng suất trung bình 10 – 15 kg/cây. Trọng lượng hạt 7 – 9g. Tỷ lệ nhân đạt 30 – 35%.

Được Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật ở vùng Tây Nguyên, Lai Châu và những nơi có điều kiện sinh thái tương tự, theo QĐ 761/QĐ–BNN–TCLN ngày 06/3/2019. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc

  1. Kỹ thuật trồng

Phương thức, mật độ và thời vụ trồng

Cây mắc ca có thể trồng theo 2 phương thức trồng thuần loại hoặc trồng xen với cà phê, chè, hồ tiêu:

Trồng thuần loại với mật độ từ 205 cây/ha (cự ly 7 x 7 m) đến 278 cây/ha (cự ly 6 x 6 m).

Trồng xen trên các rãnh luống cà phê mật độ 124 cây/ha (cự ly 9 x 9 m), 138 cây/ha (cự ly 12 x 6 m), hồ tiêu mật độ 124 cây/ha (cự ly 9 x 9 m), chè mật độ 111 cây/ha (cự ly 15 x 6 m).

Thời vụ trồng tốt nhất là mùa xuân đối với các tỉnh phía Bắc, đối với các tỉnh phía Nam trồng vào đầu mùa mưa. <Xem thêm>

Xử lý thực bì, làm đất, đào và lấp hố

Phát dọn toàn diện để giảm cỏ dại, sâu bệnh và tránh cạnh tranh dinh dưỡng. Cuốc lật đất hoặc xới đất, rãy cỏ cục bộ 1,5 – 2 m2 xung quanh vị trí đào hố, nhặt sạch rễ cây lớn (trên 2 cm), đối với những nơi đất dốc (<20o) nên làm bậc thang theo đường đồng mức có mặt băng rộng từ 2 – 4 m.

Đào hố kích thước 80 x 80 x 60 cm, hố được đào trước khi trồng ít nhất 1 – 1,5 tháng để phơi ải; khi đào chú ý để lớp đất trên mặt riêng để trộn với phân lót khi lấp hố.

Bón lót và lấp hố trước khi trồng ít nhất 1,5 tháng; mỗi hố bón 50 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì), 500 g NPK và 300 g vôi bột được trộn đều với đất mặt; lấp hố bằng đất mặt xung quanh, tạo hình mai rùa cao hơn mặt đất tự nhiên 2 – 3 cm. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng

Trên mỗi đơn vị diện tích trồng từ 4 – 5 dòng mắc ca (không trồng đơn dòng); bố trí trồng từng dòng theo hàng xen kẽ nhau để giúp tăng tỷ lệ đậu quả, tăng tính chống chịu sâu bệnh hại, giảm rủi ro mất mùa, đặc biệt là tăng tỷ lệ nhân cấp 1 của hạt theo chuẩn quốc tế.

Dùng cuốc tạo một lỗ sâu khoảng 40 cm ở giữa hố đã lấp, đủ rộng để đặt vừa bầu cây.

Rạch bỏ vỏ bầu nilon ra khỏi bầu đất; đặt bầu ngay ngắn trong lòng hố, chỉnh cho cây đứng thẳng; lấp đất và nén chặt; vun đất xung quanh gốc cây 40 cm thành hình mai rùa, cao hơn mặt đất khoảng 5 cm để dễ dàng thoát nước khi mưa; lưu ý các thao tác thực hiện nhẹ nhàng để tránh làm vỡ bầu đất của cây.

Dùng 3 cọc dài 60 – 80 cm cắm thành hình tam giác xung quanh, cách gốc cây 40 – 50 cm, buộc chụm phần trên ngọn cọc lại tương ứng với 2/3 chiều cao của cây và buộc vào thân cây để cố định, bảo vệ cây khỏi bị gió làm nghiêng.

Tủ rơm rạ, cỏ hoặc bổi thành lớp dày 4 – 5 cm rộng 1 m xung quanh gốc cây để giữ độ ẩm và ngăn cỏ dại. <Xem thêm>

  1. Kỹ thuật chăm sóc

Chăm sóc

Nếu trồng xong không có mưa thì tưới ẩm ít nhất trong 20 ngày để cây phục hồi và ra lộc non; trong 2 tháng tiếp theo thực hiện tưới cây 1 tuần 1 lần; lượng nước tưới 10 – 15 lít/cây.

Xới xáo, làm cỏ, phá váng xung quanh gốc cây từ 0,8 – 1 m; mỗi năm chăm sóc 2 lần và tiến hành thường kỳ hàng năm. <Xem thêm>

Bón thúc

Bón thúc khi cây trồng được 2 năm tuổi trở lên, bón vào tháng 1 – 2 hàng năm bằng phân chuồng hoai kết hợp phân NPK và vôi bột.

Cuốc rãnh rộng và sâu 25 – 35 cm theo hình chiếu tán lá, rải đều phân chuồng xuống trước sau đó rắc vôi bột, cho một lớp đất mặt mỏng xuống trộn đều và cuối cùng rải đều phân NPK và lấp đất, cụ thể:

Năm thứ 2: bón 10 – 20 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì) kết hợp 0,1 kg NPK và 0,1 kg vôi bột.

Năm thứ 3: bón 20 – 30 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì) kết hợp 0,2 kg NPK và 0,1 kg vôi bột.

Năm thứ 4: bón 30 – 40 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì) kết hợp 0,3 kg NPK và 0,1 kg vôi bột.

Năm thứ 5: bón 40 – 50 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì) kết hợp 0,4 kg NPK và 0,1 kg vôi bột.

Những năm tiếp theo khi cây đã ra quả: bón 50 – 70 kg phân chuồng hoai hoặc phân vi sinh (liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì) kết hợp 1,0 kg lân và 0,2 – 0,4 kg Kali và 0,1 kg vôi bột.

Thời kỳ bón: khu vực Tây Nguyên bón vào tháng 8 – 9, khu vực Tây bắc bón vào tháng 10 – 11; bón sau khi thu hoạch quả và vệ sinh tỉa cành, tạo tán. <Xem thêm>

Tỉa cành tạo tán

Thực hiện tỉa cành tạo tán ở năm thứ nhất và năm thứ hai.

Tùy vào tình hình cụ thể, với cây sinh trưởng ngọn mạnh thì cắt ngọn thân chính để xúc tiến phân cành; đối với những cây sinh trưởng ở ngọn yếu không cần cắt ngọn thân chính, chỉ cắt bớt ngọn các cành bên.

Cắt ngọn được tiến hành 3 lần: lần 1 ở vị trí cách mặt đất 1 m; lần 2 ở vị trí cách 0,6 – 0,8m so với vị trí bấm lần 1; lần 3 cách vị trí bấm lần 2 từ 0,6 – 0,8 m.

Chọn những cành khỏe (2 – 3 cành) giữ lại, tỉa bỏ những cành yếu.

Sau năm thứ 2 để cây phát triển bình thường, các năm tiếp theo chỉ tỉa bỏ những cành rất nhỏ phát triển ở tầng tán thứ 3 đối với những cây có tán quá dày. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại trên mắc ca

  1. Tình hình sâu hại trên mắc ca

Thành phần sâu hại trên thân, cành, lá cây mắc ca có 11 loài: rầy mềm (Toxoptera sp.), sâu kèn nhỏ (Acanthopsyche sp.), rệp sáp (Pseudococus sp.), sâu đo đen vằn trắng (Chưa xác định), sâu cuốn lá (Chưa xác định), sâu đục thân (Zeuzera sp.), bọ nẹt (chưa xác định), nhện đỏ (Olygonychus sp.) ve sầu (Purana pigmentata Dustant), ve sầu (Cryptotympana mandarina) và sâu đục quả (chưa xác định). Nhưng gây hại ở mức độ trung bình – nhẹ. <Xem thêm>

  1. Tình hình bệnh hại trên mắc ca

Bệnh hại cây mắc ca chủ yếu có 4 loại sau: bệnh xì mủ thân (Phytophthora sp.), bệnh chổi rồng (Phytoplasma), bệnh khô ngọn (Chưa xác định),bệnh cháy lá (Chưa xác định). Hầu hết bệnh gây hại ở mức độ nhẹ. <Xem thêm>

  1. Biện pháp phòng trừ

Biện pháp canh tác: lựa chọn và trồng giống kháng bệnh (tìm hiểu các giống được phép sản xuất, kinh doanh và chuyển đổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ở các trung tâm giống có uy tín và chất lượng), chỉ sử dụng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn, sạch bệnh và thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cắt bỏ cành, lá, hoa bị hại tiêu hủy. <Xem thêm>

Biện pháp sinh học: bảo vệ các loài thiên địch trên vườn trồng mắc ca như: nhện, kiến vàng, ong bắp cày, chim, bọ ngựa, bọ rùa có khả năng ăn ấu trùng của một số loài sâu hại như: rệp sáp, bọ xít, nhện đỏ, bọ cánh cứng … Hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, ưu tiên sử dụng các loại thuốc gốc sinh học để phòng trừ. <Xem thêm>

Biện pháp hóa học: khi sâu, bệnh hại mới phát sinh gây hại và có xu hướng phát triển như rệp sáp, rầy mềm, sâu đục thân mình hồng có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Spirotetramat, Azadirachtin, Cypermethrin  để phòng trừ. Bệnh xì mủ thân có thể tham khảo các hoạt chất Dimethomorph + Mancozeb hoặc Mancozeb + Metalaxyl – M để phòng trừ. Trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để đánh giá hiệu lực của thuốc và ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng. <Xem thêm>

 

Tài liệu tham khảo

Viện Nghiên cứu Cây có dầu, Đánh giá chất lượng hạt Macca (Macadamia integrifolia) trồng tại Việt Nam. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://www.ioop.org.vn/chi–tiet–tin–tuc/hoat–dong–khcn–4/hoat–dong–khcn–210.html

Báo Đà Nẵng Online, (2021). Tìm hiểu về nguồn gốc xuất xử của hạt mắc ca đang bán tại Việt Nam. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://baodanang.vn/can–biet/202105/tim–hieu–nguon–goc–xuat–xu–cua–hat–mac–ca–dang–ban–o–viet–nam–3881247/

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Tác dụng và dinh dưỡng của hạt Mắc ca. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://bvnguyentriphuong.com.vn/dinh–duong/tac–dung–va–dinh–duong–cua–hat–mac–ca

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Truy cập ngày 2/8/2024, từ http://vnmacca.com.vn/gioi–thieu–cay–macca

Sự thật về mắc ca – Khám phá bí ẩn về nơi bắt đầu. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://maccavip.com/vi/cay–macca#:~:text=L%C3%A1%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%A2y%20macca%20c%C3%B3,nh%E1%BB%8Dn%20v%C3%A0%20c%E1%BB%A9ng%20nh%C6%B0%20gai.

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, Quy trình kỹ thuật canh tác cây mắc ca. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://khuyennong.lamdong.gov.vn/ky–thuat–trong–trot/ki–thuat–trong–cay2/846–quy–trinh–k–thut–canh–tac–cay–mc–ca

Võ Duẫn, Huỳnh Ngọc Huy, Đỗ Thành Ơn, Nguyễn Lân Hùng, Hiểu về cây mắc ca: Phân bố địa lý, cách trồng và chăm sóc. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://nongnghiep.vn/tri–thuc–nong–dan/hieu–ve–cay–mac–ca–phan–bo–dia–ly–cach–trong–va–cham–soc–d379248.html#:~:text=Theo%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA%20c%E1%BB%A7a%20Hi%E1%BB%87p,l%C3%A0%20h%C6%A1n%2030.000%20ha

VTV Online (2023), Dư địa xuất khẩu mắc ca Việt Nam còn rất lớn. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://vtv.vn/kinh–te/du–dia–xuat–khau–mac–ca–viet–nam–con–rat–lon–20231019111840997.htm

Thùy Trang (2023), Việt Nam và mục tiêuxuất khẩu mắc ca đạt tỷ đô vào năm 2050. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://baodaknong.vn/viet–nam–va–muc–tieu–xuat–khau–mac–ca–dat–ty–do–vao–nam–2050–148784.html

Hải Tiến (2020), 3 giống mắc ca năng suất cao. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://nongnghiep.vn/3–giong–mac–ca–nang–suat–cao–d259012.html

Nguyễn Khoa Thảo (2015), Tình hình canh tác, sâu bệnh hại mắc ca tại Lâm Đồng. Truy cập ngày 2/8/2024, từ https://ttbvtv.lamdong.gov.vn/du-tinh-du-bao-dich-hai/sau-benh-hai-tren-cay-lam-nghiep/1129-tinh-hinh-canh-tac,-sau-benh-hai-cay-mac-ca-tai-lam-dong

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.