Câu Chuyện, Điển cứu Lúa Gạo Việt | Rice story, Case studies for R&D, Education, Market development
Giới thiệu cây lúa – Tiểu Ban Trồng Trọt – GAP Library – TTNSV
Tên khoa học là: Oryza sativa.
Lúa là cây lương thực quan trọng nhất của nước ta và đặc biệt là ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trồng lúa là một nghề truyền thống của nhân dân Việt Nam từ rất xa xưa, có lẽ khi người Việt cổ xưa bắt đầu công việc trồng trọt thì cây lúa đã được quan tâm đầu tiên. Kinh nghiệm sản xuất lúa đã được hình thành, tích lũy và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc ta. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong nước và thế giới trên lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất lúa đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành trồng lúa nước ta vươn lên bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới. <Xem thêm>
Nguồn gốc và xuất xứ
Nơi xuất phát của việc trồng lúa còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thống nhất về các nơi phát sinh (các trung tâm phát sinh) cây lúa như sau:
– Đông Nam Châu Á: Là nơi cây lúa đã được trồng sớm nhất, ở thời đại đồ đồng, nghề trồng lúa đã rất phồn thịnh.
– Cây lúa ngày nay có thể được thuần hóa từ nhiều nơi khác nhau thuộc Châu Á, trong đó phải kể đến Myanma, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ.
– Tại những nơi phát sinh cây lúa, hiện còn nhiều lúa dại và ở đó dễ tìm được đầy đủ bộ gen của cây lúa. Từ các nơi phát sinh này, cây lúa đã lan ra các vùng lân cận và lan đi khắp thế giới với sự giao lưu của con người. Tới các nơi mới với các điều kiện sinh thái mới và sự can thiệp của con người, thông qua quá trình chọn tạo mà cây lúa ngày nay có rất nhiều giống với các đặc trưng đặc tính đa dạng đủ đáp ứng được các yêu cầu khác nhau của loài người.
Trong cuốn “Cây lúa miền Bắc Việt Nam” xuất bản năm 1964, tác giả Bùi Huy Đáp có viết: “Nếu Việt Nam không phải là trung tâm duy nhất xuất hiện cây lúa trồng thì Việt Nam cũng là một trong những trung tâm sớm nhất của Đông Nam Á được nhiều nhà khoa học gọi là quê hương cây lúa trồng. <Xem thêm>
Công dụng và giá trị dinh dưỡng
- Giá trị dinh dưỡng
Tinh bột: Hàm lượng tinh bột 62,4%. Là nguồn chủ yếu cung cấp calo. Giá trị nhiệt lượng của lúa là 3.594 calo. Tinh bột được cấu tạo bởi Amylose và Amylopectin. Amylose có cấu tạo mạch thẳng và có nhiều ở gạo tẻ. Amylopectin có cấu tạo mạch ngang và có nhiều ở gạo nếp.
Protein: Các giống lúa Việt Nam có hàm lượng Protein chủ yếu trong khoảng 7 – 8%. Các giống lúa nếp có hàm lượng protein cao hơn lúa tẻ.
Lipit: Chủ yếu ở lớp vỏ gạo. Nếu ở gạo xay là 2,02% thì ở gạo đã xát chỉ còn 0,52%.
Vitamin: Trong lúa gạo còn có một số Vitamin nhất là Vitamin nhóm B như B1, B2, B6,… lượng Vitamin B1 là 0,45 mg/100 hạt (trong đó ở phôi 47%, vỏ cám 34,5%, hạt gạo 3,8%). <Xem thêm>
- Công dụng
* Sản phẩm chính của cây lúa
Sản phẩm chính của cây lúa là gạo làm lương thực. Từ gạo có thể nấu cơm, chế biến thành các loại món ăn khác như bánh đa nem, phở, bánh đa, bánh chưng, bún, rượu. Ngoài ra còn bánh rán, bánh tét, bánh giò và hàng chục loại thực phẩm khác từ gạo.
* Sản phẩm phụ của cây lúa
– Tấm: sản xuất tinh bột, rượu cồn, axetone, phấn mịn và thuốc chữa bệnh.
– Cám: Dùng để sản xuất thức ăn tổng hợp; sản xuất vitamin B1 để chữa bệnh tê phù, chế tạo sơn cao cấp hoặc làm nguyên liệu xà phòng.
– Trấu: sản xuất nấm men làm thức ăn gia súc, vật liệu đóng lót hàng, vật liệu độn cho phân chuồng hoặc làm chất đốt.
– Rơm rạ: được sử dụng cho công nghệ sản suất giày, các tông xây dựng, đồ gia dụng (thừng, chão, mũ, giầy dép) hoặc làm thức ăn cho gia súc, sản xuất nấm… <Xem thêm>
Giá trị kinh tế
Diện tích lúa ở Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 7,28 triệu ha, giảm 192 nghìn ha so với năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất; năng suất lúa ước tính đạt 58,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, do diện tích gieo trồng giảm nên sản lượng lúa ước tính đạt 42,69 triệu tấn, giảm 806,6 nghìn tấn. Như vậy, sản lượng lúa năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 chủ yếu do giảm diện tích gieo trồng bởi tác động của hạn hán, xâm nhập mặn và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ nhưng đánh dấu một năm sản xuất lúa thắng lợi với năng suất cao hơn năm trước ở tất cả các mùa vụ. Sản lượng lúa giảm nhưng đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến và xuất khẩu. Sản xuất lúa có xu hướng tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao lên trên 74% (cao hơn so với mức 50% của năm 2015) nhằm nâng cao giá trị “Thương hiệu gạo Việt”. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
Sang năm 2021, diện tích lúa trên cả nước trong năm tuy đạt 7,24 triệu ha, giảm 38,3 nghìn ha so với năm trước do chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất nhưng năng suất lúa ở mức cao đạt 60,6 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha. Sản lượng lúa năm 2021 tăng 1,1 triệu tấn so với năm 2020, tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Xuất khẩu gạo ở Việt Nam năm 2021 đạt 6,2 triệu tấn tương đương 3,3 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2020, trong đó tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. <Xem thêm>
Tiềm năng thị trường
ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn, trong đó mặt hàng gạo có nhiều lợi thế khi mà khu vực ASEAN không có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất mặt hàng nông sản này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN. Trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. “Không chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022 mà ngay cả năm 2021, Philippines cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020”, bà Thủy cho hay.
Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.
Đánh giá gạo Việt Nam đã và đang chiếm thị phần khá lớn tại thị trường Malaysia, bà Trần Lê Dung – Bí thư phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, Malaysia là nước không có thổ nhưỡng tốt để trồng lúa. Với diện tích trồng lúa chỉ khoảng 0,7 triệu ha, sản xuất lúa gạo của Malaysia hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ trong nước. “Malaysia phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo hàng năm để đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ. Hiện tại, gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan để chiếm thị phần lớn trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Malaysia”, bà Dung cho hay.
Tại thị trường Indonesia, ông Phạm Thế Cường – Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, sản xuất lúa gạo tại Indonesia không hiệu quả, giá thành cao, thu nhập thấp nên nông dân không mặn mà trồng lúa, từ đó dẫn tới năng suất, chất lượng lúa không cao. Và đây chính là lý do Indonesia ngày càng gia tăng nhập khẩu mặt hàng gạo mỗi năm. Theo ông Cường, chỉ tính riêng năm 2021, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia đạt 65.960 tấn, chiếm 16,1% tổng lượng nhập khẩu của nước này. Đối với gạo Việt Nam, Indonesia nhập khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao.
Với những diễn biến tại các thị trường, có thể thấy, khu vực ASEAN ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Đây là lúc các doanh nhân Việt cần tận dụng cơ hội để bứt phá. Tất nhiên, sản phẩm gạo xuất khẩu cần tăng chất lượng để có thể nâng giá trị, từ đó mới có thể đứng vững tại các thị trường xuất khẩu.<Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên Thế giới
Theo thống kê của tổ chức lương thực thế giới FAO (2020), cây lúa chiếm một vị trí quan trọng trên Thế giới, đặc biệt là ở khu vực Châu Á. Hiện có 115 nước trên thế giới trồng lúa, nhưng chỉ có 21 nước có diện tích trên 1.000.000 ha và đều tập trung ở Châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Myanma, … Đồng thời với việc gia tăng về diện tích thì năng suất lúa cũng không ngừng tăng nhanh nhờ việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chọn giống và thâm canh, năng suất bình quân trên thế giới đã tăng thêm khoảng 0,9 tấn/ha trong vòng 25 năm từ năm 1995 đến 2020.
Diện tích trồng lúa ở Châu Á dẫn đầu thế giới là khoảng 140 triệu ha chiếm 85,55% tổng diện tích lúa thế giới. Từ năm 1995 đến 2020, sản lượng lúa tăng thêm 35,53 % từ 499,22 triệu tấn lên đến 676,61 triệu tấn và năng suất cũng tăng từ 3,73 tấn lên đến 4,82 tấn. Mặc dù năng suất lúa ở các nước Châu Á còn thấp, nhưng do có diện tích sản xuất lớn nên Châu Á vẫn là khu vực đóng góp lúa gạo chủ yếu và quan trọng trên thế giới (trên 90%). <Xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Việt Nam
Tính đến trung tuần tháng 4, cả nước gieo cấy được 3.496,7 nghìn ha lúa Đông Xuân và Hè Thu; đã thu hoạch khoảng 1.893,6 nghìn ha, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 12,8 triệu tấn.
– Vụ Đông Xuân: Tính đến trung tâm tháng 4, cả nước đã gieo cấy được 2.990,6 nghìn ha, giảm 0,4% so cùng kỳ năm trước (CKNT); thu hoạch được 1.568,7 nghìn ha (tăng 4,9% so với CKNT, chiếm 52,4% diện tích gieo trồng), năng suất bình quân trên diện tích thu hoạch đạt 71,1 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 11,1 triệu tấn lúa.
– Các địa phương phía Bắc gieo cấy đạt 1.077,9 nghìn ha, giảm 0,7%; các địa phương phía Nam gieo cấy đạt 1.912,6 nghìn ha, giảm 0,2%; riêng vùng ĐBSCL gieo cấy đạt 1.512,5 nghìn ha, giảm 6,1 nghìn ha, đã thu hoạch được 1.386,1 nghìn ha với năng suất thu hoạch đạt 71,8 tạ/ha; sản lượng thu hoạch gần 10 triệu tấn.
– Vụ Hè Thu: Các địa phương phía Nam đã xuống giống 506,2 nghìn ha, tăng 8,1% so với CKNT; trong đó, riêng vùng ĐBSCL đã gieo cấy được 497,1 nghìn ha, tăng 7,5%. Tập trung tại Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Hậu Giang. <Xem thêm>
Bảng 1 Diện tích, năng suất, sản lượng cây lúa của Việt Nam
Chỉ tiêu | 1995 | 2000 | 2005 | 2010 | 2015 | 2018 | 2019 | 2020 |
Diện tích (triệu ha) | 6,77 | 7,67 | 7,33 | 7,49 | 7,83 | 7,57 | 7,45 | 7,22 |
Năng suất (tấn/ha) | 3,69 | 4,24 | 4,89 | 5,34 | 5,76 | 8,82 | 5,84 | 5,92 |
Sản lượng (triệu tấn) | 24,96 | 32,53 | 35,83 | 40,00 | 45,09 | 44,05 | 43,50 | 42,76 |
Theo FAO (2020) <Xem thêm>
Thị trường xuất khẩu lúa gạo ở Việt Nam <Xem thêm>
Giá lúa gạo nội địa <Xem thêm>
Các giống lúa hiện nay
Nhóm gạo xuất khẩu chất lượng cao chiếm 45%
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – NNPTNT), nhóm gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu hiện đang chiếm tỉ trọng cao nhất cả nước. Sản xuất cả năm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020 ước tính đạt 4,004 triệu hecta (ha), năng suất bình quân ước đạt 61,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 24,47 triệu tấn.
Trong đó, tiêu thụ nội địa cho vùng ĐBSCL và Tp.HCM (dự tính tổng số lượng người tiêu thụ gạo từ ĐBSCL là 28 triệu người), gồm: Dân số vùng ĐBSCL khoảng 18 triệu người và Tp.HCM khoảng 10 triệu người) và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi… nên tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn.
Lúa xuất khẩu ước khoảng 13,47 triệu tấn, tương đương 6,74 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Về cơ cấu giống lúa và nhóm gạo xuất khẩu, tổng khối lượng gạo cho xuất khẩu năm 2020 là 6,74 triệu tấn, trong đó nhóm gạo chất lượng cao chiếm 45% với 3,03 triệu tấn. Giống OM5451, OM4900 (nằm trong danh mục xuất khẩu EU) chiếm khoảng 30%, tương đương 2,02 triệu tấn.
Nhóm gạo thơm, đặc sản chiếm 30% với 2,02 triệu tấn. Trong đó, giống Hương Nhài (có nơi gọi Hương Lài) 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào (nằm trong danh mục xuất khẩu EU) chiếm 15%, tương đương 1,01 triệu tấn.
“Nhóm gạo chất lượng trung bình chỉ chiếm 15% với 1,00 triệu tấn. Nhóm nếp chiếm 10% với 0,67 triệu tấn, điều này cho thấy Việt Nam đã hướng đến sản xuất và xuất khẩu gạo chất lượng cao, giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là hướng chuyển đổi kịp thời và đúng đắn” – ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Những giống gạo “OM” tiêu biểu
Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, các giống lúa chất lượng cao xuất khẩu đang được các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, EU, Úc… ưa chuộng gồm: ST, jasmine85, Đài Thơm8, Nàng hoa 9, OM4900, OM5451, OM7347, OM18, VD20, RVT,…
Cũng theo Cục Trồng trọt, ngoài gạo ST mới xuất khẩu vài năm gần đây, thì tỉ trọng gạo OM chiếm khá lớn.
Gạo OM5451 được chọn từ tổ hợp lai Jasmine 85/OM2490. Giống OM5451 có thời gian sinh trưởng khoảng 88 – 93 ngày (lúa sạ) trong vụ Đông Xuân, 90 – 95 ngày trong vụ Hè Thu. Gạo OM5451 thuộc loại giống lúa thuần, được trồng phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giống cho năng suất cao với phẩm chất gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. OM5451 có dạng hình đẹp, tương đối cứng cây, khả năng đẻ nhánh khá, bông đóng hạt dầy, tỉ lệ lép thấp, hạt gạo dài, ít bạc bụng, cơm mềm.
Còn gạo OM4900 cho cơm ngon, hơi thơm, độ dẻo vừa do hàm lượng amylose có trong gạo ở mức trung bình khá, hạt dài trong, năng suất có thể đạt 7 – 8 tấn/vụ Đông Xuân, 5 – 7 tấn/vụ Hè Thu.
Giống lúa thuần OM4900 đã được lai tạo chọn lọc bởi các cán bộ khoa học tại Bộ môn Di truyền chọn giống thuộc Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (VLĐBSCL), tác giả là PGS.TS Nguyễn Thị Lang và GS.TS Bùi Chí Bửu.
Giống lúa OM7347 là giống tẻ thơm, ngắn ngày, đạt năng suất từ 6 – 8,5 tấn/ha, do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo và được Bộ NNPTNT công nhận là giống quốc gia theo quyết định số 711/QĐ-TT-CLT ngày 7/12/2011. <Xem thêm>
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển
Cây lúa có chiều cao từ 1 m – 1,8 m, với các lá mỏng, hẹp khoảng 2 – 2,5 cm và dài 50 – 100 cm. Tuỳ thời kì sinh trưởng, phát triển mà lá lúa có màu khác nhau. Khi lúa chín ngả sang màu vàng. Các hoa nhỏ tự thụ phấn mọc thành các cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống, dài 35 – 50 cm.
Thời gian sinh trưởng của cây lúa: Tính từ lúc hạt lúa nảy mầm đến lúc thu hoạch (dao động khoảng 90 – 180 ngày đối với các giống lúa trồng hiện nay).
+ Thời gian sinh trưởng ruộng lúa cấy = Thời gian ruộng mạ + Thời gian ruộng cấy.
+ Thời gian sinh trưởng ruộng lúa gieo thẳng = Thời gian lúc thu hoạch – lúc gieo hạt.
Quá trình sinh trưởng của cây lúa
Nếu tính theo thời kỳ sinh trưởng thì cây lúa có 3 thời kỳ sinh trưởng chính:
- Thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng: tính từ lúc hạt thóc nảy mầm đến khi bắt đầu vào giai đoạn phân hoá hoa lúa (trên thực tế người ta tính từ khi gieo mạ, cấy lúa, cây lúa đẻ nhánh tới số nhánh tối đa).
- Thời kỳ sinh trưởng sinh thực: tính từ lúc bắt đầu phân hoá hoa lúa đến khi lúa trổ bông và thụ tinh (bao gồm từ: làm đòng – phân hoá đòng, đến trổ bông – bông lúa thoát khỏi lá đòng, nở hoa, tung phấn, thụ tinh.
- Thời kỳ chín: sau khi thụ tinh, bông lúa bước vào kỳ chín, kết thúc thời kỳ này là bông lúa chín hoàn toàn, sau đó tiến hành thu hoạch.<Xem thêm>
Kỹ thuật canh tác lúa
- Làm đất
Vệ sinh đồng ruộng, xử lý tàn dư cây trồng sau mỗi vụ gieo trồng, cày đất phơi ải làm đất thông thoáng ngăn phèn, mặn bốc lên mặt và tránh cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ ở giai đoạn sau. Có thể diệt được sâu non và nhộng sâu đục thân, làm mất nơi cư trú của các loại rầy và tiêu diệt hạch nấm bệnh khô vằn, thối thân … Nguyên lý của biện pháp này là cắt đứt vòng chu chuyển của sâu bệnh từ vụ này sang vụ khác, hạn chế nguồn sâu bệnh tích lũy và lây lan ngay từ đầu vụ gieo trồng. Mặt đất bằng phẳng tạo điều kiện cho hạt giống mọc tốt ngay từ đầu, thuận lợi cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ.
- Chọn giống
Chọn giống chất lượng tốt, sạch hạt cỏ dại và lúa cỏ, có độ nẩy mầm >90%. Phải chọn giống từ những ruộng lúa tốt, đồng đều, không bị sâu bệnh. Tránh sử dụng giống từ ruộng lúa thịt, vì giống có khả năng bị thoái hoá cho năng suất thấp.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, vụ Đông Xuân sử dụng các giống chủ lực: ML48, ML49, ML216, ML214, OM4900; các giống bổ sung: ML68, PY1, ML232, OM6162, DH815-6… và các giống lúa chất lượng đã qua sản xuất thử có triển vọng. Vụ Hè Thu sử dụng các giống chủ lực: ML48, ML49, ML216, OM4900; các giống bổ sung: OM6162, HT1, PY1, PY2… và các giống mới, giống lúa lai đã có kết quả khảo nghiệm đạt kết quả tốt.
Gieo sạ giống chống chịu sâu bệnh là biện pháp quan trọng nhằm chủ động ngăn ngừa tác hại của sâu bệnh. Sử dụng giống kháng rầy nâu, đạo ôn,… giúp nông dân tiết kiệm được chi phí phòng trừ. Cần lưu ý rầy nâu trên các giống D98-17, OM2695-2, ĐV 108, ĐB6, BĐ 250… và bệnh đạo ôn trên các giống giống IR 17494, OM 3536, OM 1490, MTL 213…
- Ngâm ủ giống
Ngâm ủ đúng cách mới đạt tỷ lệ nảy mầm và chất lượng mầm. Hạt muốn nảy mầm thì lượng nước trong hạt phải đạt 24 – 26% và nhiệt độ từ 30 – 35oC, nếu trên 40oC hay thấp hơn 17oC hạt không nảy mầm. Có thể xử lý nhiệt độ 54oC để hạt giống nảy mầm đồng đều, hạt lúa vừa mới nứt nanh là phù hợp. Giữa bao ủ thường khó nảy mầm do nhiệt độ cao, trong quá trình ủ giống nếu thường xuyên đảo đều cho hạt lúa đủ oxy rễ sẽ ra đều và khoẻ. Có thể tưới nước ấm, xốc trở để tăng hoặc giảm nhiệt độ cho thích hợp. Trong điều kiện thiếu oxy, mầm lúa nhú ra trước và vươn dài, rễ ra ít và chậm.
- Thời vụ gieo sạ
– Vụ Đông Xuân gieo sạ từ ngày 10 – 31/12. Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống mà bố trí lịch gieo sạ cho phù hợp để lúa trỗ sau tiết lập xuân.
– Vụ Hè Thu gieo sạ tập trung từ 20/5 tháng 10/6. Không gieo sạ quá muộn, tránh mưa đổ ngã vào cuối vụ.
- Gieo sạ
Mật độ sạ phụ thuộc và có liên quan chặt chẽ đến dinh dưỡng đất, thời tiết khí hậu, phân bón, mùa vụ, khả năng đẻ nhánh của giống, tình hình sâu bệnh hại… ở địa phương. Mật độ sạ thích hợp sẽ đạt năng suất tối đa. Mật độ sạ được khuyến cáo hiện nay: 100 – 120 kg/ha. Số bông lúa thích hợp để đạt năng suất cao từ 600 – 700 bông/m2. Tuỳ theo cách sạ mà độ dài rễ mầm khác nhau.<Xem thêm>
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
Một số sâu bệnh hại:
– Sâu hại: Sâu đục thân bướm 2 chấm (Scirpophaga incertulas Walker), sâu đục thân 5 vạch đầu đen (Chilo polychrysus Meyrik Chilo polychrysa Meyrik), sâu đục thân bướm cú mèo (Sesamia inferens Walker), sâu cuốn lá nhỏ (Cnaphalocrosis medinalis), sâu cuốn lá lớn (Parnara guttata Bremer et Grey), sâu phao (Nymphula depunctalis), sâu năn (Rice stem gall midge), sâu gai (Dicladispa armigera), (châu chấu, cào cào (Oxya chinensis, Patanga succinta, Ceracris spp.), rầy nâu (Nivaparvata lugens Stah.), rây lưng trắng (Sogatella furcifera Horvath), bọ xít dài (Leptocorisa varicormis Fabr., Leptocorisa acuta Thunb), bọ xít xanh (Nezara viridula, Piezodorus rubrofasciatus), ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata Lamarck), bọ xít đen (Scotinophora lurida), nhện gié (Steneotarsonemus spinki).
– Bệnh hại: Vàng lụi (Transitory yellowing), vàng lùn (Rice Grassy Stunt Virus (RGSV)), lùn xoắn lá (Rice ragged stunt virus (RRSV)), đạo ôn (Pyricularia oryzae Cav. hay P. grisea (Cook) Sacc.), khô vằn (Rhizoctonia solani Palo), hoa cúc lúa (Ustilaginoidea virens (Cooke) Taka), lúa von (Fusarium moniliforme Sheld), (thối thân, thối bẹ thối gốc, thối rễ) (Erwinia sp.), đốm nâu (Cercospora oyzae Myyake, Sephaerulina oryzina Hara), đốm vòng (Alternaria adwickii), cháy lá (Microdochium oryzae), thối đen lép lửng (Pseudomonas glumae), tiêm hạch lúa (Sclerotium oryzae Catt.), tuyến trùng hại thân lúa (Ditylenchus angutus), tuyến trùng hại rễ lúa (Hirshmanniella spp.), tiêm lửa hại lúa (Bipolaris oryzeae), gạch nâu hại lúa (Cercospora janseana (Racib) O. Const), vân nâu lá lúa (Microdochium oryzae Samuels), đốm sọc vi khuẩn lá lúa (Xanthomonas oryzicola Fang), bệnh tuyến trùng khô đầu lá lúa (Aphelenchoides beseyi Christie), bệnh lùn sọc đen hại lúa (SRBSDV (Southern Rice Black-Streaked Dwarf Virus)).
Biện pháp phòng trừ:
– Biện pháp canh tác: Cày lật đất để tiêu diệt sâu non và nhộng, làm sạch cỏ dại, quản lý nước, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, …
– Biện pháp sinh, hóa học: Sử dụng các loại thuốc sinh, hóa học có nguồn gốc và nhãn hiệu rõ ràng.
Tham khảo một số biện pháp phòng trừ đối với các sâu, bệnh hại → <Xem thêm>
Tiểu Ban Trồng Trọt – GAP Library – TTNSV – Tháng 7/2022