Giới thiệu cây đu đủ

  1. Giới thiệu về đu đủ và đặc điểm dinh dưỡng

Giới thiệu về đu đủ

Đu đủ (Carica papaya L.) là loại cây ăn quả ngắn ngày, dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, đạt năng suất cao, chu kỳ kinh tế ngắn, thích hợp với nhiều loại đất trồng, đặc biệt có thể trồng xen hoặc trồng gối với các loại cây trồng khác. <Xem thêm>

Nguồn gốc xuất xứ

Cây đu đủ có nguồn gốc từ vùng đất thấp miền nam Mexico qua miền đông Trung Mỹ và Bắc Nam Mỹ. Nó có lẽ đã được người Tây Ban Nha đưa tới Philippines vào khoảng năm 1550. Từ đây nó được đưa vào khu vực nhiệt đới châu Á, châu Phi. Ngày nay, đu đủ được trồng ở phần lớn các nước nhiệt đới như Brasil, Ấn Độ, Nam Phi, Sri Lanka, Philippines, Việt Nam. <Xem thêm>

Giá trị dinh dưỡng và công dụng

  1. Giá trị dinh dưỡng

Lượng beta caroten trong đu đủ có nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta caroten là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai quan trọng đối với cơ thể. Trong 100 g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta caroten.

Ngoài ra trong đu đủ còn chứa nhiều vitamin. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C, trong 100 g đu đủ có 74 – 80 mg vitamin C. Bên cạnh đó đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm. <Xem thêm>

  1. Công dụng

Tác dụng bảo vệ tim mạch của đu đủ

Theo rất nhiều nghiên cứu cho thấy, đu đủ có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch ở những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch, vì đu đủ có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, E và A, các dưỡng chất này có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol, hạn chế các mảng tiểu cầu do quá trình oxy hóa cholesterol tạo ra bám vào thành mạch máu, gây tắc nghẽn mạch và làm máu không lưu thông được.  

Vitamin E và C của đu đủ kết hợp tạo ra hợp chất có tên là paraoxonase, hay còn gọi là enzyme, có thể ức chế quá trình oxy hóa tạo ra các cholesterol xấu (LDL).

Ngoài ra, đu đủ còn là loại quả giàu chất xơ nên có tác dụng làm giảm mỡ máu (cholessterol), riêng acid folic có trong đu đủ có tác dụng làm chuyển hóa homocysteine thành acid amino cần thiết như cysteine hoặc methionine.<Xem thêm>

Đu đủ tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa

Từ lâu, khoa học đã nghiên cứu và phát hiện thấy ăn đu đủ có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư kết tràng. Chất xơ có trong đu đủ có thể “thu gom” các độc tố gây bệnh trong kết tràng và bảo vệ tế bào khỏe mạnh trước nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, trong đu đủ còn có chứa các dưỡng chất như: folate, vitamin C, beta – carotene, vitamin E có tác dụng giảm thiểu bệnh ung thư kết tràng, đặc biệt là ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do gây tổn thương ADN. Vì vậy, tăng cường ăn đu đủ cũng là biện pháp phòng ngừa ung thư kết tràng rất tốt cho mọi người. <Xem thêm>

Tác dụng như thuốc chống viêm nhiễm

Trong đu đủ có chứa 2 hợp chất quan trọng có tên là papain và chymopapain, đây là 2 loại enzyme tiêu hóa protein hiệu quả, có tác dụng làm giảm quá trình viêm nhiễm và làm lành các chấn thương.

Ngoài ra, đu đủ còn có chứa nhiều vitamin C, E và betacarotene nên có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm ở mức cao nhất, bởi vậy những người bị bệnh hen suyễn, thấp khớp thường được bác sĩ kê đơn cho dùng các dưỡng chất nói trên. <Xem thêm>

Tăng cường sức đề kháng

Vitamin C và A do đu đủ cung cấp cho cơ thể sẽ giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn, nhất là nguy cơ phòng chống các loại bệnh thường xuất hiện khi giao mùa như: cảm, cúm, viêm tai… <Xem thêm>

Ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng

Trên tạp chí Nhãn khoa (AOO) của Hoa Kỳ số ra đầu năm 2009, đã khuyến cáo người ta nên ăn 3 xuất rau xanh hoa quả mỗi ngày (mỗi xuất tương đương 1 bát nhỏ), sẽ giảm được nhiều nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng có liên quan đến tuổi tác (AMRD).  

Cụ thể làm giảm được tới 36% nguy cơ so với những người chỉ ăn 1 – 1,5 xuất. Loại hoa quả tốt nhất có thể ngăn ngừa bệnh ARMD bao gồm: cà rốt, đu đủ vì đây là loại quả có chứa nhiều vitamin C, A, E, carotenoid, chất chống oxy hóa. Có thể chế biến đu đủ dưới dạng xa lát, nước ép hoặc ăn trực tiếp. <Xem thêm>

Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

Mặc dù sử dụng liều cao vitamin C có thể làm tăng nguy cơ bệnh loãng xương nhưng vitamin C có trong thực phẩm, đặc biệt là trong đu đủ lại có tác dụng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh polyarthiritis, một dạng bệnh viêm khớp dạng thấp.

Kết luận trên được dựa theo nghiên cứu với hơn 20.000 người sử dụng vitamin C có trong đu đủ và phát hiện thấy có tác dụng rất cao trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm gây đau nhức ở người bệnh. <Xem thêm>

Tăng cường chức năng phổi

Những người nghiện hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc (hút thuốc thụ động) thì nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, trong đó có đu đủ.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Kansas (Hoa Kỳ) cho thấy, đây là dưỡng chất có tác dụng ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm phổi và bệnh khí phế thũng (enphysema) do hợp chất carcinogen trong khói thuốc lá và benzopyrene trong khói thuốc lá gây ra, nó làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin A ở con người, nhất là ở nhóm người cao tuổi. <Xem thêm>

Thuốc ngừa ung thư tiền liệt tuyến

Ăn thường xuyên thực phẩm giàu lycopen như đu đủ và uống chè xanh đều đặn, sẽ có tác dụng tích cực đối với đàn ông trong việc giảm thiểu bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Theo đó, những người có thói quen uống chè xanh giảm được 86% nguy cơ mắc bệnh so với những người không dùng chè xanh, còn những người có thói quen ăn các loại thực phẩm giàu lycopen như: đu đủ, cà chua, cà rốt, nho thẫm màu, dưa hấu… thì giảm được tới 82% nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến so với nhóm người không ăn các thực phẩm này.

Bởi vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo đàn ông nên tăng cường sử dụng 2 loại thực phẩm nói trên để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. <Xem thêm>

  1. Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ

Tiềm năng thị trường

Đu đủ là một trong các loại trái cây nhiệt đới giàu dinh dưỡng được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Cây đu đủ có nhiều ưu điểm thích nghi với nhiều loại đất đai và khí hậu khác nhau, cây sớm cho trái và mang trái quanh năm (sau khi trồng khoảng 7– 8 tháng là cho thu hoạch trái, sau đó khoảng 4 – 5 ngày là thu hoạch một lần). Đu đủ có khả năng trồng dày (khoảng 2.000 – 4.000 cây/ha) và có khả năng cho 30 – 80 trái/cây/năm. <Xem thêm>

Những năm gần đây, mô hình trồng cây đu đủ đã mang lại hiệu quả khả quan về lợi ích về kinh tế cho nhiều nông hộ tại nhiều tỉnh thành ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trái đu đủ không chỉ được dùng để ăn tươi mà mà còn có thể phụ vụ chế biến nhiều thành nhiều món ăn ngon miệng. <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ trên thế giới

Quốc gia sản xuất đu đủ hàng đầu thế giới là Ấn Độ. Quốc gia này sản xuất 5,5 triệu tấn đu đủ hàng năm, một con số liên tục tăng trong vài năm qua. Để tăng sản lượng, Ấn Độ đã dành những vùng đất rộng hơn để trồng đu đủ trong nhiều năm. Ví dụ, từ năm 1991 đến năm 2001, diện tích đất trồng đu đủ đã tăng 63%. Việc trồng đu đủ tập trung ở các tiểu bang sau: Andhra Pradesh, Karnataka, Gujarat, Orissa và Tây Bengal (cùng nhiều tiểu bang khác). <Xem thêm>

Tình hình sản xuất và tiêu thụ đu đủ ở Việt Nam

Theo Báo Cần Thơ chia sẻ cuối năm 2023, nông dân trồng đu đủ tại Thành phố Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL phấn khởi khi những tháng qua đu đủ bán được mức giá khá tốt và có đầu ra thuận lợi nhờ được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Giá trái đu đủ ruột vàng giống Đài Loan và đu đủ ruột đỏ giống Nhật Bản được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái ở mức 6.000 – 7.000 đồng/kg. Đu đủ Mã Lai (Malaysia) và nhiều loại đu đủ ruột đỏ khác có giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, dù giá đu đủ không cao hơn so với nhiều loại trái cây khác nhưng đu đủ có thể cho sản lượng trái 5 – 7 tấn/công/vụ  nên người trồng có thể kiếm lời 10 – 20 triệu đồng/công (1 công = 1.000m2). <Xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng đu đủ

Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung

  1. Đặc điểm thực vật học

Rễ

Rễ cây đu đủ là loại rễ chùm, có các nhánh rễ đâm ngang tương đương với độ rộng của tán lá, rễ cây đu đủ ăn nông tập chung ở tầng đất từ 0–30cm.

Cây đu đủ có bộ rễ nhỏ, giòn, mềm không chịu được ngập úng hoặc khô hạn khi gặp thời tiết bất lợi. Trong đất rễ hoạt động mạnh nên cần tạo lớp đất mặt tơi xốp, nhiều oxy cho bộ rễ phát triển. Rễ đu đủ rất mẫn cảm với đất chặt, bí, thiếu oxy hoặc đất bị ngập úng. <Xem thêm>

Thân

Thân cây đu đủ là dạng thân mềm, bán mộc, cây có màu xám xanh hoặc nâu xám, thân không phân nhánh khi đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển. Khi già cây phân nhánh tạo thành cây con. Cây đu đủ có thân rỗng, có các mô yếu, thân hóa gỗ kém. Trong điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt cây có chiều cao trung bình từ 3 – 7 m, mang một chùm lá trên phía ngọn. <Xem thêm>

Thân đu đủ có cấu tạo đặc biệt, phần vỏ sau lớp biểu bì có cấu trúc mạng lưới dày đặc, bao gồm các bó sợi gỗ có tác dụng chống đổ. Sau lớp biểu bì vỏ là các tế bào nhu mô xốp, giòn làm nhiệm vụ dự trữ dinh dưỡng cho cây. Khi cây già cỗi, các tế bào này bị thoái hóa làm thân rỗng. Trên thân có nhiều chồi bên, có thể phát triển thành chồi, xong phần lớn ở trạng thái ngủ. Cùng trồng trong một điều kiện như nhau, thân cây cái sinh trưởng chậm, cây đực nhanh hơn và cây lưỡng tính thì ở dạng trung gian. <Xem thêm>

Lá đu đủ mọc cách, so le, không có lá kèm. Cuống dài 60 – 70 cm, rỗng. Gân lá hình chân vịt. Thời gian từ mọc đến lúc lá thành thục khoảng 20 ngày, mùa đông thì dài hơn khoảng 30 ngày. Trong các tháng có nhiệt độ cao, dinh dưỡng nước đầy đủ, đu đủ có thể ra 9 – 11 lá. Về mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2 tốc độ ra lá chậm đi nhiều chỉ đạt 1 – 2 lá/tháng. <Xem thêm>

Khi cây được 22 – 27 lá thật cây bắt đầu ra 11 hoa, số lá trên cây nhiều hay ít có liên quan chặt chẽ đến năng suất của cây. Một cây trung bình đạt 13 – 17 lá xanh hoạt động thì tỷ lệ hoa đậu quả và quả phát triển bình thường. Nếu đạt được 25 – 30 lá hoạt động thì năng suất sẽ cao và ổn định. <Xem thêm>

Trong điều kiện nhiệt đới ở nước ta, nếu có đủ nước thì quanh năm có thể mọc lá. Trong một năm có thể mọc được 60 lá. Tuổi thọ của lá khoảng trên dưới 4 tháng. Cũng như rễ, lá rất mẫn cảm với điều kiện khí hậu bất thuận như sương muối, nhiệt độ thấp, úng, hạn, biểu hạn bằng các phản ứng như ra lá chậm, héo rũ, rụng sớm. Người ta tính rằng trên một cây đu đủ sai quả, một lá đu đủ phải làm nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng cho hai quả trở lên. Bởi vậy để đảm bảo được năng suất cao cần giữ cho bộ lá xanh tốt, không rụng sớm. <Xem thêm>

Hoa

Hoa đu đủ thường mọc ở nách lá, và thường có 3 loại hoa khác nhau: hoa lưỡng tính, hoa đực và hoa cái. Tuy nhiên đối với mỗi loại hoa có các đặc điểm khác nhau, tùy thuộc vào loại hoa khác nhau. Mức độ hữu tính của hoa trên cây rất đa dạng và dễ bị ảnh hưởng do thời tiết. Do đặc điểm mang hoa, thông thường có ba loại cây đu đủ. <Xem thêm>

Đặc điểm của 3 loại hoa chính:

Hoa đực: mọc thành chùm có cuống dài đến 1 m. Hoa đực thường bé, 5 cánh đài, 5 cánh vành dính lại thành một hình ống. Số nhị đực thường là 10. Cuống nhị đính ngay ở cổ ống hoa. Nhị cái thoái hóa chỉ còn là một bầu nhỏ, nhụy nhỏ như sợi chỉ. Ở đáy ống hoa có mật, côn trùng lấy mật sẽ mang phấn đi thụ phấn cho các hoa cái và hoa lưỡng tính. <Xem thêm>

Hoa cái: hoa cái rất to, ít nhất cũng gấp 4 – 5 lần hoa đực. Hoa có 5 cánh rời nhau, không có chỉ nhị, bầu hoa rất phát triển. Nuốm chia thành 5 mảnh chứng tỏ bầu do 5 lá noãn hợp thành. Mỗi mảnh rìa xoăn như hình mào gà, làm tăng diện tích của nuốm, do đó có khả năng tiếp nhận được phấn dễ hơn. Những hoa này cần thụ phấn mới cho năng suất cao, xong cũng có thể đơn tính sinh (không qua thụ tinh) phát triển thành quả nhưng quả bé, kém ngọt. Qủa thường tròn, khoảng trống lòng quả to, thịt quả mỏng. <Xem thêm>

Hoa lưỡng tính điển hình: hoa lưỡng tính có kích thước trung gian, to hơn hoa đực nhưng nhỏ hơn hoa cái. Hoa lưỡng tính có 5 cánh nhưng cánh không rời hẳn nhau như ở hoa cái mà dính với nhau ở phần dưới của cánh hoa thành một ống. Ống ngắn hơn ở hoa đực và chỉ đính với nhau trên khoảng 1/3 chiều dài của cánh hoa, còn ở hoa đực thì đính với nhau trên 2/3 chiều dài của cánh hoa. Hoa lưỡng tính có cả nhị đực và bầu trong có noãn. Bầu dạng dài và chỉ nhị gắn trên cánh hoa. Hoa có 10 nhị đực. Bầu có thể có 5 lá noãn hoặc chỉ có 2 đến 3 lá noãn. <Xem thêm>

Quả

Dạng quả đu đủ thường tùy vào loại hoa đã thụ phấn:

Hình trứng hay hình cầu: do hoa cái phát triển, mỏng cơm, bọng ruột, quả lớn và tròn.

Hình thon dài: do hoa lưỡng tính tạo thành, dày cơm, nhiều hạt và ngon ngọt. Loại quả này thường dài 20 – 40 cm, đường kính 5 – 15 cm, trọng lượng 0,5 – 4 kg.

Trong sản xuất hiện nay, do đu đủ trồng từ hạt, chưa tạo giống thuần nên độ đồng đều của quả trên vườn chưa cao. <Xem thêm>

Hạt

Quả đu đủ mang trung bình 300 – 500 hạt. Quả đu đủ đủ độ già thường có khoảng 60 – 70% hạt sẽ mọc thành cây. Hạt già có màu xám hoặc đen và thường chìm trong nước. Bên ngoài hạt có lớp vỏ lụa mỏng, cản thấm nước nên cần chà bóc vỏ trước khi gieo. Hạt có chứa dầu. Trọng lượng 1.000 hạt nặng khoảng 2 kg. <Xem thêm>

  1. Đặc điểm sinh thái

Khí hậu

Cây đu đủ phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm và ẩm, lượng mưa 100 mm/tháng, không bị che bóng mát. Đu đủ rất nhạy cảm với nhiệt độ và ẩm độ, khi nhiệt độ cao 30 – 35oC hoặc ẩm độ cao, lượng mưa nhiều 250 – 300 mm/tháng, cây sẽ sinh trưởng kém, ít đậu trái. Nhiệt độ dưới 0oC làm cây chết, hư hại nặng nề. Nếu khi trái chín mà khí trời lạnh, không đủ nóng thì trái sẽ không ngọt. Đu đủ cũng cần nhiều mưa và mưa phân phối đồng đều. Nếu không mưa thì cần tưới nước, đu đủ mới cho nhiều trái. Thiếu nước mùa nắng, hoa sẽ ít đậu trái và trái non sẽ rụng nhiều. Tuy nhiên, nếu quá nhiều nước thì rễ, lá bị hư hại nhiều, cây phát triển chậm, yếu. Cây đu đủ không chịu đựng được gió to.  <Xem thêm>

Đất đai

Đu đủ dễ tính có thể trồng trên đất có độ chua thích hợp pH từ 5,5 – 6,5. Đất trồng đu đủ phải giàu chất hữu cơ, tơi xốp, đất không hoặc ít phèn, thuận tiện cho việc tưới nước và thoát nước tốt khi có mưa lớn. <Xem thêm>

Các giống đu đủ hiện nay

Giống Hong Kong da bông: cho năng suất cao, trọng lượng trái trung bình từ 2,5 – 3 kg, vỏ dày, chống chịu khá với nhện đỏ và các bệnh do Virus. Thịt trái có màu vàng, hàm lượng đường từ 9 – 10%.

Giống Đài Loan tím: năng suất rất cao, trái nhiều, trọng lượng trái từ 1,2 – 1,5  kg. Thịt trái có màu đỏ tím, chắc thịt. Hàm lượng đường từ 10–11%. Cây dễ bị nhện đỏ và các bệnh do Virus, nhưng vẫn có khả năng cho trái tốt trong những năm đầu.

Giống EKSOTIKA: cho phẩm chất ngon, thịt trái màu đỏ tía, chắc thịt, tươi đẹp, hàm lượng đường 13 – 14%, trọng lượng trái 0,5 – 1kg.

Giống Sola: có đặc điểm gần giống như EKSOTIKA nhưng thịt trái chắc hơn, thơm ngon hơn, hàm lượng đường 15 – 17%, trọng lượng trái 300 – 500 g

Giống Hồng Phi 786: cây phát triển rất khỏe, cây có trái sớm, cây có trái đầu tiên lúc cây cao khoảng 80 cm. Tỷ lệ đậu trái cao, một mùa 1 cây có thể đậu 30 trái trở lên, sản lượng rất cao. Trái lớn, trọng lượng trái từ 1,5 – 2 kg (có thể đạt 3 kg/trái). Cây cái ra trái hình bầu dục, cây lưỡng tính cho trái dài. Da nhẵn bóng, thịt dày màu đỏ tươi, hàm lượng đường 13 – 14%, dễ vận chuyển. <Xem thêm>

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đu đủ

Kỹ thuật trồng

Hố trồng có kích thước chiều dài, chiều rộng và chiều sâu là 60 x 60 x 30 cm. khoảng cách trồng: hàng cách hàng từ 2 – 2,5m, cây cách cây là 2 m (khoảng 2.000 – 2.100 cây/ha). Sau khi đào hố, tiến hành bón lót. Mỗi hố bón 10 – 15 kg phân chuồng, 0,5 kg lân, 0,2 kg kali, 0,5 kg vôi bột. Trộn đều tất cả phân với đất mặt rồi lấp đầy hố trồng.

 Khi đu đủ trong bầu cao 15 – 20 cm thì đem ra trồng, chỉ lấy những cây có thân hình tháp bút, lóng ngắn sít nhau, có lá màu xanh đậm, xẻ 4 thùy, biểu hiện của cây cái.

Đặt bầu cây giữa hố, dùng dao sắc rạch nhẹ gỡ bỏ bầu nilon (không làm vỡ bầu), vun đất quanh bầu, nén chặt gốc và tưới đủ ẩm cho cây. Dùng rơm rạ hay bèo phủ giữ ẩm cho đất. Khi cây bén rễ sinh trưởng tốt, cắm cọc ghì cây để giữ cây khỏi đổ ngã khi có mưa gió bão, khi cây lớn nới dần dây buộc ra.

Khi cây cao 40 – 50 cm (2,5 – 3 tháng tuổi) phải vun gốc bón thúc bằng phân tổng hợp NPK hay DAP, hay bón 100 g urê + 300g super lân + 50 g kali quanh gốc sau đó tưới nước cho phân tan để cây hút được chất dinh dưỡng. Khoảng 5 – 6 tháng sau khi đặt vào hố, cây đu đủ bắt đầu trổ hoa. Chỉ nên giữ lại các cây cái hay cây lưỡng tính mọc mạnh, tỉa bỏ các cây khác. Khi cây đã ra hoa, trái nên bón phân thêm một lần nữa, liều lượng phân bón như đã nêu trên. Khoảng 9 – 10 tháng sau khi trồng là đu đủ có trái và cây ra trái suốt năm. Đều quan trọng là gốc đu đủ phải luôn sạch cỏ, được tủ gốc để giữ ẩm thì đu đủ mới sai và to trái, vỏ căng, mã đẹp. <Xem thêm>

Kỹ thuật chăm sóc

Chặt bỏ và tiêu hủy những cây bị bệnh để tránh lây lan cho các cây khác. Đu đủ có bộ rễ ăn nông, cây dễ đổ ngã do gió, bão và khả năng chiụ úng ngập rất kém, vì vậy cần chú ý làm cỏ, vun gốc cho cây, chống đổ trong mùa mưa gió và khơi rãnh thoát nước trong mùa mưa, bão. Những nơi mùa khô kéo dài, thiếu nước cần có biện pháp tưới nước và giữ ẩm cho cây. Tốt nhất là tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm. Những nơi lạnh cần bao quả. Để đạt năng suất cao cần thụ phấn bổ khuyết cho hoa. Khi cây mang quả nặng cần cắm cọc chống gió bão cho đu đủ, cắt bỏ lá già gần gốc, khơi rãnh thoát nước chống úng cho cây; làm sạch cỏ dại, xới xáo cho đất thông thoáng. Mùa khô cần ủ rơm rạ quanh gốc giữ ẩm cho cây. Năm sau, cây đu đủ thường phát triển kém đi, chọn để lại những cây khoẻ, loại bỏ cây yếu kém và trồng thế bằng cây con mới. Chế độ chăm sóc năm sau không khác gì năm đầu. <Xem thêm>

Thường cứ 30 – 45 ngày làm cỏ, tỉa hoa, tỉa quả, cành lá một lần. Nên dùng đất thịt mới ở ruộng cầy ải, đất bùn ao phơi khô xếp vào xung quanh gốc, hoặc đất phù sa thật tốt. Khi cây ra quả và hoa nhiều, cần thường xuyên tỉa bớt quả èo, hoa xấu, bỏ bớt những chùm quả quá dầy. Cây đu đủ nào cao trên 3m ở những nơi thoáng gió cần tỉa đốn ngọn (có nơi dùng nồi đất, gạch ngói úp lên ngọn đã cắt) cho cây đâm nhánh không vươn lên cao. <Xem thêm>

Cắm cây cọc: thông thường đu đủ đều trồng thẳng, khi gặp gió bão phải cắm cọc chống gió, dùng 3 cây cọc cắm chéo hoặc 1 cây cọc cắm thẳng và cột chắc cây đu đủ vào cọc. Vào thời kỳ cây đậu trái nhiều mà gặp gió bão có thể chặt bớt một số lá già gần gốc, để giảm bớt sức cản gió, chống đổ ngã hoặc gãy. <Xem thêm>

Tỉa cành và hái trái: sau khi xuống giống, nếu trên thân chính mọc ra nhánh con phải ngắt bỏ sớm. Vào thời kỳ đậu trái phải hái bỏ kịp thời những trái bị méo, bị sâu bệnh, những lá già héo chết phải ngắt bỏ luôn cuống lá.

Tưới nước: đu đủ là loại cây cần nhiều nước nhưng rất sợ úng. Do đó cần cung cấp đầy đủ nước cho cây vào mùa nắng và thoát nước tốt cho cây vào mùa mưa hoặc khi bị úng, lũ.

Làm cỏ: cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng và là nơi trú ẩn của sâu bệnh. Cần làm thường xuyên quanh gốc.

Tủ gốc: dùng rơm hoặc cỏ khô tủ quanh gốc vào mùa nắng để giữ độ ẩm và giữ nhiệt độ thích hợp cho cây. <Xem thêm>

Bón phân

Đu đủ có quả quanh năm, vì vậy cần phải bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây nuôi hoa, quả. Ngoài việc bón lót trước khi trồng, cần bón thúc các loại phân hữu cơ, đạm, lân, kali trong đó chú ý đến lân, kali. Lượng phân bón cho 1 cây như sau:

Năm thứ 1: phân chuồng 10 – 15 kg + 0,3 – 0,5 kg urê + 0,5 – 1  kg lân super + 0,2 – 0,3 kg kali sulfat

Năm thứ 2: phân chuồng 15 – 20kg + 0,3 – 0,4kg urê + 1 – 1,5kg lân super + 0,3 – 0,4kg kali sulfat

Các thời kỳ bón cho cây: sau trồng 1,5 – 2 tháng hoặc vào đầu mùa mưa (năm thứ 2) bón toàn bộ phân chuồng, 30% lân, 30% đạm. Khi cây ra hoa: 30% đạm, 30% lân và 50% kali. Sau khi thu quả lứa đầu (sau trồng khoảng 7 – 8 tháng) bón 20% đạm, 40% lân, 20% kali.

Khi bón phân cần xăm đất, rải phân kết hợp với vun gốc lấp phân cho cây. Cũng có thể chia lượng phân ra bón nhiều lần. Các đợt bón kết hợp với làm cỏ vun gốc cho cây. Bón thúc 3 lần trong năm đầu: lần 1 sau trồng 4 – 6 tuần, lần 2 khi cây ra hoa kết quả, lần 3 khi quả lớn. <Xem thêm>

Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ

Tình hình sâu hại

Rệp sáp: làm hại lá và quả non, những cây bị bệnh này dùng Bi 58 tỷ lệ 0,1 – 0,2% phun cho cây bệnh. <Xem thêm>

Tình hình bệnh hại

Bệnh phấn trắng: phòng trị bằng cách phun Anvil 0,2%, Rovzal 0,2%

Bệnh cháy lá: gây cháy lá và làm cho lá biến màu, khô rụng. Phun Kitazin 0,2% có thể hỗn hợp với vôi.

Bệnh do virus: làm cho lá quăn, hoa rụng, lá vàng úa, cây còi cọc, có thể héo vàng dẫn đến chết. Bệnh do virus rất khó chữa trị. Tốt nhất là nhổ đi đem đốt hoặc chôn sâu. Gốc cây bệnh rắc vôi bột, bỏ một thời gian không trồng. Những nơi bệnh này cần tăng cường phòng chống và vườn cây được 2 – 3 năm nên chặt bỏ trồng lại cây mới.

Bệnh thối cổ rễ: hay xảy ra ở nơi ẩm ướt, nơi đất có mực nước ngầm cao thường bị ngập úng. Những nơi này trồng đu đủ phải lên líp cao và chú ý đắp gốc. <Xem thêm>

Biện pháp phòng trừ tổng hợp

Để phòng tránh bệnh và khắc phục các tác hại trên, nên thực hiện tốt luân canh cây trồng, chọn giống kháng bệnh, bón cân đối NPK để cây khỏe, chống chịu bệnh tốt. Phát hiện sớm bệnh để phun thuốc. Cần lưu ý khắc phục các khâu sau:

Ngoài việc chọn đất tốt, ít mùn rác bẩn để tránh tuyến trùng hại rễ, thoát nước mưa nhanh chóng vào mùa mưa, tiện cho việc tưới nước vào mùa nắng, vườn đu đủ cần được bố trí hướng khuất gió.

Khi trồng đu đủ, cần bón lót nhiều phân hữu cơ. Càng nhiều phân, cây càng mập, lá xanh đậm, tạo điều kiện cho cây đạt năng suất cao. Ngoài ra, cây có tốt thì mới đủ sức để chống chịu với mưa gió và sâu bệnh sau này.

 Cần tưới giữ ẩm thường xuyên cho cây, không được để mặt đất khô trắng. Mỗi lần tưới, có thể tưới phun hoặc tát nước vào rãnh líp cho đất hút đủ nước. Mỗi tháng, kết hợp phun 2 – 3 lần Oxyclorua đồng. Các chất này vừa cung cấp canxi vừa cung cấp vi lượng, giúp cho cây tạo diệp lục tố. <Xem thêm>

Tài liệu tham khảo

Cẩm nang cây trồng, Cây đu đủ. Truy cập ngày 12/9/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay–du–du–cd2147.html

Bệnh viện Hồng Ngọc (2013), Công dụng chữa bệnh của quả đu đủ. Truy cập ngày 12/9/2024, từ https://hongngochospital.vn/vi/cong–dung–chua–benh–cua–qua–du–du

Cổng Thông tin Điện Điện tử Cần Thơ, Hiệu quả từ cây đu đủ trồng xen trong vườn cây ăn trái. Truy cập ngày 12/9/2024, từ http://cantho.gov.vn/wps/wcm/connect/sonnptnt/sub_site/sitemenu/khuyen%20nong/trongtroy/29062020001?WCM_PI=1&WCM_Page.0ffb6e43–fbb5–4dea–9ad2–ebe015085800=7

Mai Quỳnh (2020), ĐBSCL: Gía đu đủ tại nhiều tỉnh tăng mạnh. Truy cập ngày 12/9/2024, từ https://thuonghieusanpham.vn/dbscl–gia–du–du–tai–nhieu–tinh–thanh–tang–manh–2887.html

Các nước sản xuất đu đủ hàng đầu thế giới (2017). Truy cập ngày 31/10/2024, từ https://www.worldatlas.com/articles/top–papaya–producing–countries–in–the–world.html

Khánh Trung (2023), Đu đủ dễ tiêu thụ nhờ xuất khẩu. Truy cập ngày 31/10/2024, từ https://kinhtenongthon.vn/Du–du–de–tieu–thu–nho–duoc–xuat–khau–post58062.html

Cẩm nang cây trồng, Cây đu đủ. Truy cập ngày 31/10/2024, từ https://camnangcaytrong.com/cay–du–du–cd2147.html

Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre (2009), Kỹ thuật trồng đu đủ. Truy cập ngày 31/10/2024, từ http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/656/ky-thuat-trong-du-du

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.