Giới thiệu về cây dưa hấu
Giới thiệu về cây dưa hấu
Dưa hấu có thên khoa học là Citrullnatuus las, là một trong những loại trái cây yêu thích của nhiều người vào mỗi dịp hè nóng bức. Loại quả này không chỉ có vị ngọt thanh mát mà còn mang lại nhiều lợi ích nhất định cho sức khỏe bởi chúng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng thiết yếu, như vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật.<xem them>
Nguồn gốc xuất xứ và phân bố
Dưa hấu có nguồn gốc từ Châu Phi, quá trình thuần hóa dưa hấu bắt đầu khoảng 4.000 năm trước ở vùng Đông Bắc châu Phi, trong khu vực mà ngày nay là Sudan và Ai Cập. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy người Ai Cập cổ đại đã bắt đầu trồng dưa hấu từ rất sớm, với những bức họa trên tường và các hạt dưa hấu được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ.<xem them>
Giá trị dinh dưỡng và công dụng
- Giá trị dinh dưỡng
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong một cốc dưa hấu (khoảng 152g) chứa khoảng 46 calo; 11,5g carbs; 1g chất đạm; 0,2g chất béo; 0,6g chất xơ; 12,3mg vitamin C (21% DV – giá trị hằng ngày); 170mg kali (5% DV); 15,2mg magie (4% DV); 865 đơn vị quốc tế vitamin A (17% DV).<xem thêm>
- Công dụng
Bác sĩ Nguyễn Thùy Ngân, Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết mặc dù dưa hấu có thể không giàu chất dinh dưỡng như các loại trái cây khác như quả mọng hoặc cam, nhưng vẫn có một số lợi ích ấn tượng liên quan đến dinh dưỡng của dưa hấu:
Có thể giúp hỗ trợ khả năng miễn dịch: Trong các nghiên cứu trên động vật, tiêu thụ dưa hấu có liên quan đến việc giảm viêm và cải thiện khả năng chống oxy hóa.
Có thể cải thiện sức khỏe tim mạch: Dưa hấu chứa một lượng lớn cả kali và magie, hai chất dinh dưỡng quan trọng được sử dụng để giúp khắc phục các tình trạng như huyết áp cao.
Giúp ngăn ngừa sỏi thận: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kali có trong trái cây và rau quả rất hữu ích trong việc làm sạch độc tố và thải chất thải ra khỏi máu, giúp ngăn ngừa sỏi thận. <xem thêm>
Có thể giảm đau nhức: Dưa hấu chứa một lượng vitamin C dồi dào. Vitamin C đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ sụn và xương, hỗ trợ sửa chữa gân và dây chằng, đồng thời giúp tăng tốc độ lành vết thương.
Hỗ trợ hydrat hóa, tiêu hóa và giải độc: Một trong những lợi ích hàng đầu của dưa hấu là hàm lượng nước cao, có thể hỗ trợ giải độc và giúp cơ thể loại bỏ nước và chất lỏng dư thừa, làm giảm chứng đầy hơi và sưng tấy khó chịu. Kali và magie cũng rất quan trọng để giải độc.
Giúp bảo vệ sức khỏe làn da: Do có hàm lượng vitamin A và C chống oxy hóa cao, lợi ích của dưa hấu đối với da bao gồm khả năng bảo vệ tế bào chống lại tổn thương và chống lại sự hình thành gốc tự do để làm chậm lão hóa và giữ cho làn da của chúng ta trông khỏe mạnh.
Hỗ trợ thị lực khỏe mạnh: Dưa hấu là nguồn cung cấp β-carotene – dạng vitamin A có trong thực vật. Nhận đủ β-carotene trong chế độ ăn uống có thể hỗ trợ ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa do tuổi tác.
Có thể giúp giảm cân: Mặc dù giàu vitamin và khoáng chất quan trọng nhưng dưa hấu lại chứa lượng calo thấp.
Có thể cải thiện khả năng phục hồi sau tập luyện: Dưa hấu có liên quan đến việc tăng cường phục hồi cơ bắp ở vận động viên và giảm đau nhức. Nó có thể giúp chúng ta tập gym hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu giảm cân.
Có thể giúp giảm chứng trào ngược axit: Một trong những lợi ích của dưa hấu là giảm triệu chứng trào ngược axit. <xem thêm>
- Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ
Tiềm năng thị trường
Sản lượng dưa dưa hấu dao động: 500-600 ngàn tấn/năm.
Diện tích trồng dưa hấu không ổn định: xấp xỉ 20.000 ha/năm.
Vùng ĐBSCL: có thể trồng quanh năm, nhưng tập trung ở vụ sớm (dưa Noel từ tháng 10 – 30/12 dl) và vụ chính (dưa Tết từ tháng 11 dl – Tết Nguyên đán). Tập trung ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang…
Các tỉnh Nam Trung Bộ (trồng từ sau tháng 1 dl): tập trung ở 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Các tỉnh phía Bắc (vụ Xuân-Hè, tháng 2-5 dl và vụ Đông, tháng 9-11 dl): tập trung ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…<xem thêm>
Huyện Bình Sơn là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi với 417 ha, cho sản lượng đạt 270 – 280 tạ/ha. Với năng suất và giá bán ổn định từ 7.500 – 8.500 đồng/kg, người trồng dưa trên địa bàn huyện thu lãi từ 17 – 20 triệu đồng/sào. Trên địa bàn huyện, dưa hấu được sản xuất tập trung tại các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa như: Bình An, Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Thạnh, Bình Hiệp, Bình Trị, Bình Thanh, Bình Hải.<xem thêm>
Với tốc độ xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, triển vọng xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sẽ rất khả quan trong thời gian tới. Do vụ thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 9 hàng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam, vì vậy thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Điều này sẽ tác động tích cực lên ngành sản xuất dưa hấu nước ta, đặc biệt là các địa phương trồng dưa hấu thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa như: Bình An, Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương, Bình Thạnh, Bình Hiệp, Bình Trị, Bình Thanh, Bình Hải thuộc huyện Bình Sơn; các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Giang, Tịnh Hà, Tịnh Thọ, Tịnh Trà… thuộc huyện Tịnh Sơn tỉnh Quảng Ngãi.<xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ dưa hấu trên thế giới
Về tình hình sản xuất, diện tích trồng dưa hấu tại Trung Quốc hiện nay đạt khoảng 2 triệu ha, chiếm tỷ trọng 10% tổng diện tích trồng cây ăn quả, rau màu của cả Trung Quốc, sản lượng bình quân khoảng 73 – 75 triệu tấn/năm. Hiện nay có 22/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc có diện tích canh tác dưa hấu. Đáng chú ý, các điểm sản xuất nhỏ lẻ nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng tại Trung Quốc đã và đang được thay thế bằng những vùng trồng lớn, có điều kiện tự nhiên phù hợp. Các chuyên gia Trung Quốc coi đây là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại; vừa có thể áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong sản xuất, giúp tăng năng suất và sản lượng; vừa đảm bảo chất lượng và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. <xem thêm>
Về mùa vụ, thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 9 hàng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Hải Nam là địa phương vào vụ dưa sớm nhất, tiếp đó là Quảng Tây, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông… Do đó, thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Về tình hình nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, lượng dưa hấu nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2014 đến đầu năm 2018 bình quân đạt khoảng trên 200 ngàn tấn/năm với kim ngạch đạt khoảng 30 triệu USD/năm, song có xu hướng giảm. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 188,32 nghìn tấn dưa hấu, đạt 31,86 triệu USD, giảm 7,78% về lượng và 2,81% về kim ngạch. Hiện nay, ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu dưa hấu từ Ma-lai-xi-a và Mi-an-ma.<xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ dưa hấu tại Việt Nam
Năm 2017, sản lượng dưa hấu cả nước đạt khoảng 1,5 triệu tấn, được trồng tập trung tại một số tỉnh phía bắc (Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ), Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) và vùng ĐBSCL.
Dưa hấu chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, chiếm khoảng 80%; xuất khẩu khoảng 20%, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 85-90% tổng sản lượng dành cho xuất khẩu, chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). Năm 2017, xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam đạt 95,4% triệu USD, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây. <xem thêm>
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, nước ép) đạt 2,18 triệu USD, tăng 78,5% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu các loại (gồm dạng tươi, đông lạnh, nước ép) đạt 49,83 triệu USD, tăng 130,4% so với cùng kỳ năm 2022, tỷ trọng chiếm 1,86% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với mặt hàng dưa hấu, chiếm tỷ trọng 88,12 tổng kim ngạch trong 6 tháng đầu năm 2023.<xem thêm>
Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng dưa hấu
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung
- Đặc điểm thực vật học
Cây con
(A) Cây dưa con được gieo trong bầu; (B) phát triển thân, lá và rễ cây dưa trong giai đoạn cây con.
Những lá mầm rất phát triển, phiến lá dạng thuôn dài, đỉnh thụt vào, khoảng dài 20 mm và rộng 10 mm, hơi dày và một gân chính hiện rỏ.
Những lá đầu tiên mọc cách và đơn, mang bởi một cuống 10-15 mm có lông tơ. Phiến lá cắt ngang thành 3 đến 5 thùy tròn hình lông chim.
Cây trưởng thành
Cỏ bò, hằng niên, dạng leo trên mặt đất, có thể leo lên giàn nhờ có tua cuống, chẻ 3 phát triển ở phần cuối cuống lá. Trục chánh được phân nhánh và có thể đo được nhiều m bề dài, thân có lông đứng trắng mịn. <xem them>
Rễ cây dưa hấu: gồm có rễ cái là một trục chung quanh trục có những rễ phụ mọc ngang.
Lá cây dưa hấu: phiến lá xanh tươi, đơn và mọc cách, có lông ở gân mặt dưới, mang bởi 1 cuống dài 5 đến 15 cm được bao phủ bởi lông tơ nhất là những lá non. Phiến lá thông thường dạng hình bầu dục và khoảng 10-15 cm dài và 7-12 cm rộng. Xẻ tận đáy thành những thùy hình lông chim 5 đến 7 thùy. Bìa lá cắt, không đều. Những gân phụ 2 bên gân chánh là những phân đoạn khác nhau. Cả hai mặt trên dưới sần sùi.
Tua cuốn dưa hấu: Những tua cuống do sự biến dạng của lá để tiến hóa thích ứng, bám và leo trên các đài vật khác nhau. <xem them>
Hoa dưa hấu: hoa cô độc, màu vàng, mọc ở nách lá, hoa được mang bởi một cuống hoa dài 15-20 cm, cũng được bao phủ những lông tơ trắng.
Hoa đơn phái, đồng chu, hoa đực và hoa cái cùng trên một cây :
Hoa đực : đài hoa dính dạng hình chuông, lá đài 5, cánh hoa 5 hình bầu dục, dài khoảng 4 cm vàng, đầu nhọn, tiểu nhụy 3, bao phấn hình chữ S, có lông mịn.
Hoa cái : những cánh hoa gắn vào ở đỉnh bầu noản 1 buồng dạng hình cầu.
Trái dưa hấu: Trái, rất to, đa dạng, hình trứng đến hình cầu, có thể đạt đến 15-25 cm đường kính, có bông xanh dợt, lam đậm hay vàng. Trái bên trong nạc thịt đỏ hay vàng, nhiều hạt dẹp, nâu hay đen
Hạt dưa hấu: hạt hình trứng nguợc, dài 10 mm rộng 5 mm, dày 2 mm. Lúc trưởng thành vỏ hạt mịn láng trắng hoặc nâu.<xem them>
- Đặc điểm sinh thái
Dưa hấu có nguồn gốc vùng khí hậu nóng, thích khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh nắng giúp trổ nhiều bông cái và cho trái chín sớm, năng suất cao. Nhiệt độ thấp cây phát triển yếu, dễ thất bại, mưa nhiều rễ bị thối chết, khó trổ bông càng khó thụ phấn và đậu trái, khi đã đậu trái thì trái dễ thối, chất lượng kém, ẩm độ không khí càng cao càng dễ phát sinh bệnh. Khi có mưa bão, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao thân lá dễ dập nát mau tàn khó trồng.
Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng 25-30oC nên rất dễ trồng trong mùa nắng ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ thích hợp cho hoa nở và thụ phấn là 25oC, nhiệt độ thích hợp cho trái lớn và chín 30oC. <xem them>
Các giống dưa hấu hiện nay
- Giống dưa hấu Sugarbaby:
Giống thụ phấn tự do nhập từ Mỹ, Thái Lan, Nhật, Đan Mạch, … đã được trồng từ lâu đời có trái tròn, nặng từ 3 – 7 kg, vỏ màu xanh đen, mỏng, cứng, thuận tiện cho chuyên chở đi xa, ruột đỏ thắm, dễ bọng ruột, hột nhỏ và ít, chu kì sinh trưởng 65 – 70 ngày, năng suất bình quân 1,8 – 2,5 tấn /1000 m2. <xem them>
- Giống dưa hấu An Tiêm:
Là dưa hấu lai F1, sinh trưởng mạnh, thích nghi rộng với thời tiết, chống bệnh tốt, dễ ra hoa, đậu trái, trái to 6 – 9 kg, năng suất cao và phẩm chất ngon. Gồm các giống ruột đỏ, năng suất cao từ 3,0 – 4,5 tấn / 1000m2, thời gian sinh trưởng ngắn 70 – 75 ngày như An Tiêm 94: trái có sọc xanh đậm, An Tiêm 95: trái có vỏ đen có sọc mờ, An Tiêm 98: sọc xanh và giống ruột vàng như An Tiêm 100, trái tròn, nặng 2 – 3 kg, năng suất 2,5 – 3,0 tấn /1000 m2. <xem them>
- Giống dưa hấu Hồng Lương:
Là giống lai F1, vỏ màu xanh nhạt, có sọc xanh đậm, trái nặng trung bình từ 5 – 6 kg, năng suất 3,0 – 4,5 tấn/1000 m2, ruột đỏ, nhiều nước, vỏ quá mỏng, nhưng cứng, thuận tiện chuyên chở, kháng bệnh tốt, thích hợp cho một số vùng trong vụ Hè Thu, chu kỳ sinh trưởng 65 – 70 ngày. <xem them>
- Giống dưa hấu Xuân Lan:
Giống lai F1, vỏ màu xanh nhạt, có sọc xanh đậm, trái trung bình từ 2 – 3 kg, ruột vàng, rất ngọt, trồng mật độ dầy gấp đôi dưa Sugarbaby, vòng đời 65 – 70 ngày. <xem them>
- Giống dưa hấu Huỳnh Châu 548 ruột vàng:
Năng suất trung bình 1,0 -1,2 tấn quả/sào. Thời gian sinh trưởng vụ thu đông 70 – 75 ngày, dạng quả dài, da quả màu xanh sáng, có sọc mờ, vỏ quả mỏng, dai, cứng, ít dập vỡ khi vận chuyển đi xa. Thịt quả màu vàng ăn vịt ngọt đậm, ít hạt, ăn không chảy nước như các loại dưa hấu ruột đỏ khác. Trọng lượng quả nặng trung bình 3 – 4 kg/quả. Giống có khả năng kháng bệnh tốt đặc biệt là với bệnh nứt thân và chạy dây. <xem them>
- Giống dưa hấu Cream Cream Fleshed Suika ruột trắng:
Có nguồn gốc từ Nhật Bản (tài liệu khác lại cho rằng nó có nguồn gốc từ Châu Phi), được trồng ở thung lũng sông Nile, sau đó được đưa sang Ấn Độ và Trung Quốc trước khi được đưa đến Châu Âu. Vị của dưa hấu trắng không đậm như dưa hấu ruột đỏ nhưng nó lại không hề nhạt nhẽo mà ngược lại nó lại chứa một vị ngọt lạ thường, thơm và mát. <xem them>
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Chọn đất và chuẩn bị đất
Chọn đất trồng dưa nên luân canh với cây trồng khác họ (lúa, ngô, cây họ đậu).
Chuẩn bị đất: Thu dọn tàn dư cây vụ trước, cày phay tơi nhỏ, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống rộng 2,5 – 3 m loại luống đơn, 4,5 – 6 m với luống kép, hình mui. Rãnh rộng 30 cm, sâu 25 cm. Hướng luống đông – tây để có nhiều ánh sáng. Xử lý đất bằng vôi bột 300 kg/ha, Vicarben 30 kg/ha để chống sâu xám và nhộng của các loại côn trùng khác.
Sau khi bón lót tiến hành phủ màng nông nghiệp. Hướng mặt bạc lên trên luống, mặt đen xuống dưới trước khi trồng cây để giữ đất tơi xốp, giữ ẩm, ấm cho cây, tránh rửa trôi dinh dưỡng khi mưa to, tránh cỏ dại. Cách trải màng phủ: kéo căng, ghim chặt bằng dây thép, chặn mép luống và màng phủ bằng đất sát mép. <xem thêm>
Mật độ, khoảng cách
Khoảng cách thích hợp là 2,5 – 3 m x 0,5 m (hàng cách hàng 2,5 – 3 m; cây cách cây 0,5 m); mật độ 6.500 – 9.000 cây/ha. <xem thêm>
- Cách trồng
Khi cây con có 2 lá thật thì tiến hành trồng ra ruộng. Rạch túi bầu và đặt cây vào lỗ đục sẵn, lấp đất kỹ. Không nên trồng sâu quá, tưới đủ ẩm trong 3 ngày đầu. Có thể phun thuốc trừ bọ trĩ, sâu ăn lá, rệp trước khi trồng cây ra ruộng. <xem thêm>
- Phân bón
- Lượng phân bón (tính cho 1 ha)
Tùy theo độ màu mỡ của đất mà bón phân ở mức thấp nhất và mức cao nhất.
Bón lót: Phân chuồng hoai mục nên bón 25 – 30 tấn/ha, NPK tổng hợp loại 13-13-0 bón 250 – 300 kg/ha, lân Supe bón 100 kg/ha.
Bón thúc: Đạm urê: 80 – 150 kg/ha; Kali clorua: 80 – 100 kg/ha.
Ngoài ra, còn có thể dùng phân bã đậu tương ngâm, nước phân chuồng ủ mục bón thúc khi quả đang phát triển. <xem thêm>
Loại phân | Bón lót | Bón thúc | |||||
Lần 1 | Lần 2 | Lần 3 | Lần 4 | Lần 5 | Lần 6 | ||
Phân chuồng (tấn/ha) | 20 – 30 | ||||||
Lân Supe (kg) | 100 | ||||||
Đạm urê (kg) | 10-20 | 20-30 | 20-30 | 10-30 | 10-20 | 10-20 | |
Kali clorua (kg) | 10-15 | 20-25 | 20-25 | 10-20 | 10-15 | 10 | |
NPK 13-13-0 (kg) | 250-300 |
Cách bón
Bón lót: Rải đều phân theo rạch sau đó lấp đất.
Bón thúc:
Lần 1: sau trồng 7 – 10 ngày, khi cây đã hồi xanh, hòa loãng phân đạm và kali tưới xung quanh gốc.
Lần 2: sau trồng 15 ngày, hòa loãng phân đạm và kali tưới vào gốc.
Lần 3: khi cây ra hoa, 20 – 25 ngày sau trồng, bón phân đạm và kali trộn lẫn vào gốc, lấp đất.
Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả, 40 ngày sau trồng thì bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần, hay bón vào gốc, sau đó tưới tràn. Trước khi thu hoạch 10 ngày (lần thứ 6), hòa loãng phần kali còn lại để tưới gốc cho quả ngọt.
- Tưới nước, chăm sóc
Tưới nước
Có thể tưới tràn vào rãnh, để đủ ngấm, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước. <xem thêm>
Chăm sóc
Nếu dùng màng phủ nông nghiệp, chỉ cần làm cỏ rãnh dưa, không nên dùng thuốc trừ cỏ ở rãnh dễ làm tổn thương lá.
Tỉa nhánh: Khi dưa ngả ngọn, cần tỉa bớt nhánh để tránh tiêu hao dinh dưỡng, dây khỏe, giảm sâu bệnh, quang hợp tốt. Nếu mật độ trồng trên 10.000 cây/ha, mỗi cây để 1 nhánh. Nếu mật độ trồng ít hơn 10.000/ha, mỗi cây để 2 nhánh. Thường xuyên tỉa nhánh, nhất là các nhánh gốc và nhánh cấp 2, cắt bằng kéo vào lúc trời nắng. Định hướng dây bằng cách lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây. Khi cây ngả ngọn cần trải rơm, rạ để tua bám tránh gió lật dây.
Thụ phấn: Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để chăm sóc cây. Ong và côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để thúc nuôi quả phát triển đều và thu hoạch cùng lúc, có thể thụ phấn bổ sung bằng tay. Thụ phấn vào buổi sáng 6 – 9 giờ, khi dây dài 1,5 m, sau trồng 25 – 30 ngày. Ngắt hoa đực nở to, chấm phấn đều lên nhụy hoa cái to, thời gian thụ phấn nên kéo dài 5 – 7 ngày. Khi quả to như quả chanh tiến hành định quả.
Chọn quả: Nên để mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3 – 4, quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh (Hình 5). Chọn hoa cái trên dây to, khỏe, cắm que đánh dấu, tỉa bỏ các quả khác trên cây. Nếu quả nằm chỗ trũng nên kê lên rơm cho khỏi thối. <xem thêm>
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
- Sâu hại dưa hấu
Bọ dưa
Bọ trưởng thành có cánh cứng, màu vàng nhạt to bằng hạt đậu xanh, đẻ trứng quanh gốc dưa, cắn phá vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Phòng trừ: Sau khi thu hoạch, gom dây dưa lại để thu hút thành trùng tới, xong dùng thuốc trừ sâu để tiêu diệt. Bảo vệ cây con tích cực lúc ban đầu. Khi thấy thành trùng bay trong ruộng dưa mà mật số còn ít, sáng sớm hay chiều tối nên soi đèn bắt. Sử dụng thuốc Polytrin, Selecron… phun lúc chiều mát. <xem thêm>
Sâu vẽ bùa
Sâu trưởng thành màu đen, họ cánh màng, đẻ trứng trên lá, dòi đục giữa hai lớp biểu bì lá thành đường hầm, làm lá bị tổn thương, giảm diện tích quang hợp.
Sâu gây hại vào vụ Xuân Hè. Thành trùng hoạt động mạnh từ 7 – 9 giờ sáng và từ 4 – 5 giờ chiều.
Phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Làm sạch cỏ xung quanh ruộng dưa trước khi xuống giống. Cày sâu sau khi thu hoạch. Sử dụng màng phủ nông nghiệp. Xuống giống đồng loạt.
Biện pháp sinh học: Ngoài thiên nhiên ruồi có rất nhiều thiên địch. Nếu áp dụng thuốc trừ sâu nhiều sẽ làm cho mật độ (mật số) ruồi tăng cao và tạo thành dịch dễ dàng.
Biện pháp hoá học: Nếu mật độ thiên địch trên 50% không cần áp dụng thuốc để trừ ruồi. Nhưng nếu mật độ thiên địch thấp, không thể khống chế mật độ ruồi thì nên sử dụng thuốc khi cây con bắt đầu có lá mầm và lá thật đầu tiên. Ở những vùng ruồi có điều kiện nhân mật số nhanh thì cần phun thuốc lại khi cần. Sử dụng thuốc nhóm gốc lân hoặc gốc cúc như Oncol, Regent, Selecron, kết hợp với sử dụng dầu khoáng. <xem thêm>
Bọ trĩ
Gây hại vào vụ Xuân, nhất là thời tiết khô hạn, ấu trùng trắng, sau trưởng thành màu sẫm, chích hút ngọn dưa làm chùn ngọn, khô nõn.
Bọ trĩ kháng thuốc mạnh, là trung gian truyền vi rút.
Phòng trừ : Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên; vệ sinh đồng ruộng để giảm nguồn bọ trĩ sọc vàng tồn tại và lây lan. Trồng cây trong nhà lưới. Gieo trồng cây con khỏe, phủ đất bằng màng phủ nông nghiệp màu bạc. Điều tra chính xác, phun trừ kịp thời những lứa bọ trĩ sọc vàng gây hại giai đoạn đầu ở trên cây. Các loại thuốc sử dụng để phòng trừ bọ trĩ sọc vàng là Confidor 40 SC, Oncol 5EC, Regent 800 WG, Bulldock 2,5EC. Nên phun lúc sáng sớm, khi còn sương, lúc đó chúng khó di chuyển. <xem thêm>
- Bệnh hại dưa hấu
Bệnh chết thắt cây con
Do nấm trong đất Rhizoctonia solani, Pythium spp., Fusarium solani gây ra, thường xuất hiện lúc cây 2 lá mầm đến có lá thật, khi thời tiết nóng, ẩm, tưới quá nhiều, đất làm bầu chặt dí.
Phòng trừ :
Biện pháp canh tác: Tạo điều kiện thoát nước tốt cho ruộng trồng, liếp cao, dễ thoát nước mặt. Nên ươm cây trong bầu và áp dụng các biện pháp phòng trừ ngay khi gieo hạt: đất nhẹ sạch, phân bón cân đối, phân chuồng ủ hoai mục.
Biện pháp hoá học: Phát hiện sớm, nếu thấy bệnh có thể sử dụng một trong các thuốc như Validan 3 DD – 5 DD , Bonaza 100DD, Folpan 50 SC, Topan 70 WP. <xem thêm>
Bệnh chảy nhựa thân
Do nấm Mycosphaerella melonis gây ra. Vết bệnh hình bầu dục, lõm, màu vàng nhạt, nhựa cây tứa ra màu nâu đỏ.
Phòng trừ :
Biện pháp canh tác: Thường xuyên dọn sạch cỏ dại trong ruộng, tạo điều kiện thông thoáng cho cây. Tốt nhất sử dụng màng phủ đất hạn chế mưa bắn.
Biện pháp hoá học: Thường xuyên thăm đồng phát hiện bệnh sớm và phun thuốc Carban 50 SC, Zineb Bul 80 WP hoặc Topan 70 WP kịp thời. Ngừng bón phân khi cây bị bệnh. <xem thêm>
Bệnh thán thư
Do nấm Colletotrichum lagenarium gây hại trên lá, thân, quả trong điều kiện nhiệt độ không khí cao, bệnh nặng gây thối quả.
Phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Trồng giống chống bệnh. Hạn chế cỏ dại trong ruộng để ruộng thông thoáng và giảm ẩm độ. Nên sử dụng màng phủ đất hạn chế bệnh. Khi cây bị bệnh ngưng bón đạm và ngưng tưới phun.
Biện pháp hoá học: Phun các thuốc trừ bệnh Folpan 50 SC, Score 250 ND, Topan 70 WP đến khi bệnh không lây lan. <xem thêm>
Bệnh phấn trắng
Do nấm Erysiphe cichoracearum, Sphaerotheca fuligena gây ra. Đầu tiên là các đốm vàng nhợt trên lá và thân.
Phòng trừ : Dọn sạch cỏ trong vườn (nhất là những cây hoang dại thuộc họ bầu bí) để ruộng đủ độ thông thoáng, hạn chế ẩm độ. Dùng màng phủ đất để hạn chế cỏ dại. Phát hiện sớm phun thuốc Topan 70 WP hoặc Zineb Bul 80 WP có thể phòng trừ bệnh. <xem thêm>
Bệnh héo vàng hay héo rũ
Do nấm Fusarium oxysporum niveum gây ra. Nấm có thể tấn công vào cây ở mọi giai đoạn sinh trưởng. Bệnh làm chết hoặc lùn cây con. Trên cây lớn bệnh gây héo cây vào trưa trong vài ngày rồi chết rũ.<xem thêm>
Phòng trừ :
Biện pháp canh tác: Luân canh dưa hấu với cây khác họ, nếu đất đã bị nhiễm, ngừng trồng dưa 3 – 5 năm, ghép dưa hấu lên gốc bầu.
Biện pháp hoá học: Phun phòng cho cây khi chưa có bệnh xuất hiện. Sử dụng thuốc Appencarb super 50 FL hoặc Carban 50 SC. Các loại thuốc bệnh nên phun lúc sáng sớm để diệt hết các bào tử nấm đang nảy mầm nhờ sương đọng trên lá.<xem thêm>
Tài liệu tham khảo
Báo Tuổi trẻ (2024), Lợi ích của dưa hấu đối với sức khỏe khiến bạn bất ngờ. Truy cập ngày 29/10/2024, từ https://tuoitre.vn/loi-ich-cua-dua-hau-doi-voi-suc-khoe-khien-ban-bat-ngo-20240701211150884.htm
Báo Điện tử Chính phủ (2018), Kết nối thị trường tiêu thụ dưa hấu cho nông dân. Truy cập ngày 29/10/2024, từ https://baochinhphu.vn/ket-noi-thi-truong-tieu-thu-dua-hau-cho-nong-dan-102237480.htm
Bộ công thương – Trang thông tin thương mại biên giới, miền núi, hải đảo, Triển vọng xuất khẩu trái dưa hấu của các địa phương thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Truy cập ngày 29/10/2024, từ https://sanphamvungmien.vn/san-xuat-tieu-thu/2023/10/trien-vong-xuat-khau-trai-dua-hau-cua-cac-dia-phuong-thuoc-vung-nui-vung-sau-vung-xa-hai-dao
Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang (2019), Thông tin về thị trường dưa hấu và một số quy định quản lý liên quan đối với hoạt động nhập khẩu trái cây của thị trường Trung Quốc. Truy cập ngày 29/10/2024, từ https://sct.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/xlu7j0ZrAR4z/content/thong-tin-ve-thi-truong-dua-hau-va-mot-so-quy-inh-quan-ly-lien-quan-oi-voi-hoat-ong-nhap-khau-trai-cay-cua-thi-truong-trung-quoc
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.