Giới thiệu về cây măng tây
-
Giới thiệu về măng tây và đặc điểm dinh dưỡng
Giới thiệu về cây măng tây
Măng tây xanh có tên khoa học Asparagus officinalis L. Đây là loại cây thân thảo, sống lâu năm được con người dùng làm rau xanh sử dụng trong các bữa ăn. Theo kết quả phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong phần ăn được của măng tây cho thấy đây là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao với đa dạng các loại dinh dưỡng (đạm, chất sơ, chất béo,…), vitamin (A, B, C, E, K,…) và nhiều loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể (sắt, mangan, magie, …), cây có thể sinh trưởng, phát triển và thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau.<xem thêm>
Nguồn gốc và phân bố
Cây măng tây có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Phi và Tây Á, được trồng và sử dụng như một loại rau. Được du nhập vào Việt Nam từ những năm 70 tại Lâm Đồng, ban đầu được trồng để làm cảnh, sau đó được nhân trồng để thu hái lấy rau. Đến năm 2005 diện tích trồng măng tây ở nước ta mới phát triển. Hiện nay, măng tây được trồng và nhân rộng trên 63 tỉnh thành Việt Nam, trồng nhiều ở các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Ninh Thuận.<xem thêm>
Giá trị dinh dưỡng và công dụng
Giá trị dinh dưỡng
Măng tây có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc sử dụng làm rau, măng tây còn được y học dùng làm vị thuốc chữa được nhiều chứng bệnh như mất ngủ, tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa, tốt cho đường ruột. Trong rễ măng tây có sarsasapogenin coniferin, acid chelidonic, mannit, asparagin và muối kali, có tác dụng giúp điều trị hỗ trợ giảm niệu của bệnh nhãn tim và các bệnh về thận, vàng da.
Măng tây chứa các chất chống ôxy hóa: vitamin C, vitamin E, các flavonoid, polyphenol; chất cải thiện sức khỏe xương và chống đông máu như vitamin K; nhiều chất xơ không hòa tan giúp cải thiện chức năng tiêu hóa; chứa folate giúp thai kỳ khỏe mạnh. Măng tây còn cung cấp kali giúp giảm cao huyết áp và là nguồn dinh dưỡng chứa nhiều chất bổ ích khác cho cơ thể.<xem thêm>
Thành phần dinh dưỡng có trong 100 g măng tây
Thành phần
dinh dưỡng cơ bản |
Số lượng | Thành phần
dinh dưỡng cơ bản |
Số lượng | Thành phần
dinh dưỡng cơ bản |
Số lượng |
Năng lượng | 20 kcal | Sodium | 2 mg | Vitamin E | 1,1 mg |
Carbohydrates | 0,88 g | Vitamin A | 38 mg | Vitamin K | 41,6 mg |
Đường | 1,88g | Thiamine (B1) | 0,143 mg | Canxi | 24 mg |
Thức ăn chất xơ | 2,1 g | Riboflavin (B2) | 0,141 mg | Sắt | 2,14 mg |
Chất béo | 0,12 g | Niacin (B3) | 0,978 mg | Magnesium | 14 mg |
Chất đạm | 2,2 g | Vitamin B6 | 0,091 mg | Mangan | 0,158 mg |
Vitamin C | 5,6 mg | Axit pantothenic (B5) | 0,274 mg | Phốt pho | 0,158 mg |
Folate (B9) | 52 mg | Choline | 16 mg | Kali | 202 mg |
Nguồn: Theo cơ sở dữ liệu của USDA Nutrient
Công dụng
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia dinh dưỡng đã phát hiện ra rất nhiều những công dụng của măng tây.
Tốt cho thai nhi: Folate trong măng tây vô cùng cần thiết để hình thành ống thần kinh thai nhi cũng như giúp ngăn ngừa dị tật của thai nhi. Nên các chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt khuyên các mẹ bầu nên bổ sung món rau này vào thực đơn dinh dưỡng của mình. <xem thêm>
Đẹp da và giảm cân: Vì chứa nhiều dưỡng chất vitamin A và vitamin C nên măng tây sẽ giúp da khỏe hơn và sản sinh ra nhiều collagen ngăn ngừa lão hóa. Hơn nữa, vì không chứa nhiều calories nên măng tây là một loại thực phẩm cứu cánh để các chị em thực hiện công cuộc giảm cân.
Tác dụng hữu ích cho chuyện “phòng the”: Trong măng tây còn chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng tăng ham muốn tình dục ở nữ như vitamin E, vitamin A, vitamin C, kali và vitamin B6 – chất này có vai trò quan trọng trong việc sản xuất testosterone (hormon của sự ham muốn tình dục). <xem thêm>
Ngăn ngừa lão hóa: Măng tây có chứa một số chất chống oxy hóa gọi là glutathione. Chất này có tác dụng bảo vệ da trước tác hại gây ra từ ánh nắng mặt trời, ngăn chặn quá trình lão hóa da ở phụ nữ trung niên. Do đó, nó là lựa chọn tốt dành cho chị em phụ nữ.
Tốt cho tim mạch: Măng tây có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa huyết áp nhờ chứa lượng potassium và folate cao, giúp tim khỏe mạnh. Bên cạnh đó chất xơ trong măng tây cũng giúp giải tán cholesterol gây phiền nhiễu trong máu. Trong khi đó chất saponin lại có khả năng gắn kết cholesterol ở đường tiêu hóa. <xem thêm>
Lợi tiểu: Măng tây là loại thuốc lợi tiểu. Chính vì thế, nó được chỉ định dùng cho người bị yếu thận, người bị đau bàng quang, đau gan…
Tốt cho đường ruột: Với việc chứa lượng lớn chất inulin nên măng tây sẽ giúp hệ thống ruột hoàn thành tốt chức năng, giúp cho các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột như Bifidobacteria và Lactobacilli tăng trưởng, chất xơ trong măng tây cũng có tác dụng nhuận tràng.
Ngăn ngừa loãng xương: Vitamin K trong măng tây sẽ giúp tăng cường sức khỏe của xương và giúp quá trình đông máu nhanh hơn.
Ngăn ngừa ung thư: Chất glutathione trong măng tây sẽ rất tốt trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư. <xem thêm>
Măng tây có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như măng tây cuốn thịt ba chỉ rán, măng tây luộc chấm mắm tỏi, măng tây rưới sốt nấm kem tươi, măng tây nấu xốt cá, măng tây xào thịt bò sốt mù tạt, salad măng tây, soup măng tây, măng tây áp trứng,…
Tuy nhiên món phổ biến, dễ chế biến mà để cảm nhận được vị ngon của măng tây nhất là măng tây xào tỏi hay măng tây xào thịt bò. <xem thêm>
Lưu ý:
Để món ăn ngon, nên chọn mua măng tây thật tươi (cọng nhỏ, ngắn…). Khi chế biến nên rửa thật sạch, kỹ lưỡng. Nên chẻ măng ra để nấu sẽ thấm gia vị nhiều hơn. Hoặc có thể chế biến theo cách sau: Măng tây non rất giòn, có thể bẻ cong cọng măng để lấy phần non. Phần còn lại, có thể thêm chút đường phèn nấu nước uống, có tác dụng lợi tiểu và giải độc gan rất tốt. <xem thêm>
- Tiềm năng thị trường, tình hình sản xuất và tiêu thụ
Tiềm năng phát triển của măng tây
Năm 2005, một doanh nghiệp đã kết hợp với 07 hộ nông dân tại huyện Củ Chi triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống măng tây xanh trên diện tích khoảng 1,3 ha, đến nay đã thu hoạch. Hiện nay, mô hình mở rộng thêm với diện tích 3,75 ha, có 20 hộ tham gia.
Ghi nhận được qua khảo sát sự sinh trưởng của cây măng tây trồng tại thành phố như sau: Măng tây được trồng tại thành phố là giống măng tây xanh, trồng từ hạt, thời gian gieo trồng trong vườn ươm kéo dài 2,5 tháng. Lúc đó, cây đạt chiều cao 25 cm và bắt đầu đem ra trồng trên ruộng sản xuất. Thời gian trồng cho đến ngày thu hoạch măng đầu tiên là 3,5 tháng. Tuy nhiên, năng suất măng bắt đầu ổn định kể từ đợt thu hoạch thứ 2 (9 – 10 tháng sau khi trồng). Năng suất măng thu hoạch tại các ruộng của nông dân trung bình 10 – 12 kg/ngày/1.000m2, trong đó, măng loại 1 đạt trên 95% (măng loại 1 có đường kính gốc >0,7cm, chiều cao >18cm).<xem thêm>
Cây sinh trưởng phát triển liên tục trong năm. Tuy nhiên, do đặc điểm khai thác, sau thời gian 3 tháng phải ngưng thu hoạch măng để thay thế cây mẹ, thời gian này kéo dài 30 – 40 ngày. Do đó, trong 1 năm chỉ cho thu hoạch 8 tháng, tương ứng với 240 ngày. Như vậy, năng suất măng trong 1 năm có thể đạt 2.400 kg/1.000m2 (10 kg/ngày x 8 tháng x 30 ngày = 2.400 kg), tương đương 24 tấn/ha/năm.
Với chi phí đầu tư ban đầu cho 1 ha tương ứng với khoảng 50 – 60 triệu đồng, sau khi trồng khoảng 6 tháng cây sẽ cho năng suất ổn định, khoảng 24 tấn/ha như hiện nay và giá bao tiêu sản phẩm là 10.000đ/kg của công ty thì nông dân có thể tạo ra một giá trị khoảng 240 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, có thể tạo thu nhập khoảng 150 – 180 triệu đồng/ha/năm. Thời gian khai thác của cây măng tây kéo dài 8 – 10 năm, nếu quá trình trồng chăm sóc cây tăng cường phân hữu cơ đầy đủ sẽ có khả năng nâng cao được năng suất và giá trị. <xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ măng tây trên thế giới
Theo báo cáo của FAO trên thế giới có khoảng 65 nước tham gia sản xuất và có sản phẩm măng tây xuất khẩu (FAOSTAT, 2018).
Hiện nay diện tích trồng măng tây trên thế giới 1,584,544 ha, trong đó Châu Á là khu vực trồng măng tây lớn nhất thế giới (1.441.682 ha) với sản lượng cao (8,058,601tấn). Năng suất măng tây trên thế giới dao động rất lớn, những nước có năng suất thấp nhất là Châu Đại Dương (4,5 tấn/ha), cao nhất là Châu Phi (10.01tán/ha). <xem thêm>
Một số nước trồng măng tây với diện tích lớn là Trung Quốc, Peru, Mêxico, Hoa Kỳ, Thái Lan. Trong đó lớn nhất là Trung Quốc (1.432.074 ha), đến Peru (31.005 ha) và Mexico (30.792 ha), thấp nhất là Israel khoảng 15 ha. Iran là nước có năng suất măng tây lớn nhất là (28,28 tấn/ha) và năng suất thấp nhất là Hoa kỳ (4,03 tấn/ha). Ở các nước có năng suất cao do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây măng tây xanh và trình độ thâm canh áp dụng kỹ thuật tiên tiến như tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân tự động, thiết bị tự động kiểm soát nhiệt độ, trồng măng tây trong nhà có mái che FAOSTAT (2018).
Tại Đức, mỗi năm có gần 60.000 tấn măng tây được sản xuất đưa ra thị trường, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của dân chúng. Măng tây được coi là thứ rau “hoàng đế” ở Đức bởi vì nhiều người khuyên nhau rằng ăn măng tây và uống rượu vang là một thứ viagra tự nhiên rất tốt, một món quà tặng của mùa xuân. Giá măng tây ở Đức khá đắt so với nhiều loại rau khác. Trong khi súplơ chỉ 1 euro/cây cỡ 1 đến 2 kg, nhưng măng tây chính hiệu từ Đức là 4 euro/kg với loại trung bình, còn loại ngon tới 12 euro/kg. <xem thêm>
Tại Peru với diện tích sản xuất khoảng 18.500 ha, năng suất thu hoạch đạt 10,3 tấn/ha, cá biệt tại đây có những trang trại đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhất là phương pháp tưới theo công nghệ của Israel đã nâng năng suất đạt 40 tấn/ha/năm. Xuất khẩu sản phẩm dưới dạng đã qua bảo quản đông lạnh đạt 40.000 tấn với giá trị 79 triệu đôla Mỹ và xuất dưới dạng tươi đạt 72.000 tấn với giá trị 140 triệu đôla Mỹ. Tại đây, măng tây được trồng tại 2 vùng khác biệt: vùng miền Bắc với khí hậu mát trồng loại măng tây trắng, vùng miền Nam có khí hậu nhiệt đới trồng măng tây xanh. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Peru là măng tây xanh, được xuất tươi vào thị trường của Mỹ.<xem thêm>
Tình hình sản xuất và tiêu thụ măng tây tại Việt Nam
Hiện nay, cây măng tây đang được trồng phổ biến ở nhiều địa phương trên khắp cả nước và tập trung diện tích lớn ở các tỉnh Nam Trung bộ. Trong đó, Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng Măng tây lớn nhất, tính đến cuối năm 2020 diện tích trồng Măng tây của tỉnh Ninh Thuận đạt khoảng 250 ha (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, 2020). Ngoài ra, một số tỉnh khác của khu vực Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà và Bình Thuận đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng cây Măng tây vì đây là đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của khu vực này.<xem thêm>
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các địa phương của huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Cây măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù, mở ra nhiều triển vọng mới giúp người nông dân làm giàu, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.<xem thêm>
Từ khi trồng cây măng tây, đời sống của đồng bào dân tộc Chăm ở xã An Hải, tỉnh Ninh Thuận khá lên rõ rệt, diện mạo nông thôn đổi thay từng ngày. Năm 2010, xã An Hải bắt đầu trồng thử nghiệm 1 ha cây măng tây. Đến nay, xã đã phát triển diện tích trồng cây măng tây hơn 110 ha. Tại làng Tuấn Tú (xã An Hải), Thành Tín (xã Phước Hải) hiện có trên 120 ha diện tích trồng măng tây xanh cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm.<xem thêm>
- Đặc điểm sinh học và kỹ thuật trồng măng ta
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển chung
Đặc điểm sinh học
Măng tây là loại cây thân thảo, trồng lâu năm để lấy rau, trồng 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch nhiều vụ trong năm. Măng tây gọi là rau nhưng có thể sống được 20-25 năm. Cây có thể cao từ 100-150 cm. Có 3 giống măng tây chính: măng tây xanh, măng tây trắng, măng tây tím. Ở Việt Nam thường trồng măng tây xanh. <xem thêm>
Thân cây măng tây có 2 loại: thân ngầm (thân rễ) và thân khí sinh. Thân rễ mọc ngầm trong đất. Thân rễ dày, mang nhiều rễ dài, đường kính từ 5-6 mm, màu nâu sáng, xốp. Thân khí sinh là các thân đứng mọc trong không khí, trên thân có những vết sẹo của những nhánh đã rụng. Các thân khi sinh này mang những vòng cành biến đổi thành lá hình kim. Lá thật tiêu giảm.
Hoa rất nhỏ, hình chuông, có màu xanh-trắng đến vàng nhạt, độ dài khoảng 4- 6mm, hoa mọc đơn lẻ hoặc mọc thành cụm 2-3 bông ở nách lá của các cành dạng lá. Măng tây có hoa đực và hoa cái, có khi là lưỡng tính, các hoa khác gốc. Quả hình cầu, dày màu đỏ, có tính độc đối với con người. <xem thêm>
Đặc điểm sinh thái
Cây măng tây là cây có thể phát triển quanh năm, thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ phát triển tốt nhất đối với măng tây là vào ban ngày 24-26,5oC, ban đêm là 15,5-21oC. Nhiệt độ quá cao 37-39oC, hoặc quá thấp 10-12oC, có nhiều sương giá (miền núi phía Bắc) cây sinh trưởng rất chậm. Một số giống măng tây cần nhiệt độ thấp để có thể trải qua thời kỳ tàn cây, ngủ đông trên đồng ruộng.
Măng tây là cây ưa sáng, số giờ chiếu sáng trên ngày 7-8 giờ/gày. Măng tây không ưa bóng, nếu trồng bị che bóng, hiệu suất quang hợp thấp, cây sẽ sinh trưởng phát triển kém, giảm năng suất. Ẩm độ không khí thích hợp từ 60-70%, độ ẩm đất 70-75%, yêu cầu lượng mưa thấp dưới 1000mm/năm. <xem thêm>
Cây măng thích hợp với điều kiện nắng và đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, pH đất từ 6,0-7,5. Thường là đất thịt nhẹ, đất thịt pha cát, đất phù sa, đất đỏ bazan, đất đồi tơi xốp phù hợp trồng măng tây. Cây cũng có thể sống được ở đất có thành phần cơ giới nặng miễn là đất đó thoát nước tốt và mực nước ngầm không vượt khoảng cách 1,2 mét so với bề mặt để tranh úng rễ cây măng. Măng tây rất sợ úng, nên bố trí trồng ở khu ruộng có khả năng thoát nước tốt. Cây măng tây không phải là cây cần nhiều nước, cây có thể chịu được với nước lợ và đất nhiễm mặn khá tốt.<xem thêm>
Các giống măng tây hiện nay
- Măng tây xanh
Đây là loại măng tây phổ biến nhất trong 3 loại măng tây và được trồng sản xuất rộng rãi. Hương vị của loại này có vị nặng và đắng hơn xo với măng tây trắng và tím.
- Măng tây trắng
Thật chất măng tây trắng cùng giống với măng tây xanh nhưng được trồng không cho chúng tiếp xúc với ánh sáng. Do chúng sống trong bóng tối không tiếp xúc với ánh sáng nên chúng không thể sản sinh ra chất diệp lục (chất mà làm cho chúng chuyển thành màu xanh lá cây) chính vì thế hình thành nên cây măng tây trắng ngày nay và nó có giá cao hơn nhiều so với 2 loại anh em của nó là vì do quy trình tạo ra măng tây trắng rất khép kín, chi phí cao.
Ở Châu Âu người ta còn gọi măng tây trắng là “ma cà rồng của các loài thực vật” chắc vì chúng luôn sống trong bóng tối nên đã bị đặt biệt danh là ma cà rồng.
Măng tây trắng có hương vị tinh tế nhẹ và mềm hơn so với măng tây xanh, ngọt và ít đắng hơn măng tây xanh, măng tây trắng có vẽ mập hơn xanh.<xem thêm>
- Măng tây tím
Màu tím của cây măng chủ yếu đến từ các chất chống oxy hóa mạnh, cụ thể là nhờ hàm lượng cao anthocyanins. Trong cây măng tây tím còn có chứa lượng gluxit nhiều hơn gấp 5 lần cây măng tây xanh.
Mặc dù có ít chất xơ nhưng vị của măng tím rất đậm đà, ngọn măng ăn được từ đầu ngọn đến tận gốc, khi chế biến mang lại mùi thơm nhẹ, vị ngọt tự nhiên và hương vị hấp dẫn cho các món ăn. <xem thêm>
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra măng tây tím có rất nhiều công dụng với sức khỏe con người. Thành phần dinh dưỡng của măng tím có đủ chất đạm, chất xơ, chất béo, vitamin, khoáng chất và các acid amin.
Các chất chống oxy hóa của cây măng sẽ làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, đặc biệt, măng tím cũng được đánh giá là loại cây có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư tốt nhất. <xem thêm>
Ngoài ra, cây măng tím cũng có chứa chất phytochemical làm ngăn ngừa loãng xương và phòng tránh bệnh viêm khớp. Tính lợi tiểu và nhuận tràng của măng tím sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và bài tiết độc tố hiệu quả.
Đặc biệt, ngọn măng tây tím có độ kiềm tương đối cao, hỗ trợ làm giảm nồng độ axit và làm sạch các mô trong cơ thể. Đối với nữ giới, chất kích thích tố nữ sẽ làm ổn định mức estrogen và duy trì làn da khỏe đẹp.
So với măng tây xanh, măng tím khó chăm sóc hơn đồng thời cũng cho sản lượng trong mỗi vụ thu hoạch chỉ bằng 50- 80% các loại măng tây khác. Với sản lượng măng tây thu hoạch trong mỗi mùa không lớn, măng tây tím hiện đang có giá bán khá cao, trung bình từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.<xem thêm>
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Giống:
Thị trường mua bán hiện nay thường có 3 dạng hạt giống:
Hạt giống thuần (dòng F1): hạt to, tỉ lệ nảy mầm >90%, năng suất và chất lượng măng rất cao, kháng nấm bệnh rất cao, dễ trồng và dễ thu hoạch nhưng giá bán rất đắt.
Hạt giống lai (dòng F2): hạt nhỏ, tỉ lệ nảy mầm khoảng 70%, Năng suất và chất lượng cao, cây dễ trồng và dễ thu hoạch, giá cả dễ chịu hơn (khoảng >50%) giá các loại giống dòng F1.
Hạt giống tạp (sau dòng F2): Lấy trái chín đỏ của các dòng cây sau đời F2, F3 làm hạt giống để trồng cây Măng (còn gọi là cây Dương) cắt lấy lá làm kiểng bán kèm với hoa cắt cành, cho thu nhập cũng khá cao. Loại hạt giống lai tạp sau đời F2 này đem trồng vẫn thu hoạch được sản phẩm nhưng đường kính thân măng rất nhỏ (3-5 mm) không có giá trị thương phẩm, hiệu quả kinh tế rất kém.
Cây Măng tây nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay có nguồn giống F2 lai tạo từ dòng F1, được sản xuất tại Hoa Kỳ, phổ biến thấy có các thương hiệu sau: Martha Washington, Mary Washington, California 301, California 500, UC-72, UC-157, UC-309, Jersey King, Jersey Titan, Greenwich, Apollo, Atlas, Grande, Dulce Verde, Sweet Purple, Purple Passion…
Lượng hạt giống để gieo trồng: 0,5 kg/ha. <xem thêm>
- Kỹ thuật sản xuất cây giống:
Măng tây được trồng bằng hạt (chủ yếu là hạt lai F1) thời gian gieo trồng, chăm sóc cây con trong vườn ươm khoảng 2 – 3 tháng, sau khi cây cao được 25 – 30cm, mỗi cây có từ 2 – 3 thân chính đem trồng ra ruộng sản xuất. Sau 5 tháng trồng nếu chăm sóc tốt cây bắt đầu cho măng.
Thời gian cho măng liên tục trong nhiều năm và theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây, măng chỉ ra ở những cây trưởng thành, khi cây mẹ già năng suất măng giảm dần nên phải thay thế bằng một cây mẹ khác. Thời gian này mất 30 – 40 ngày, sau đó thì cây bắt đầu cho măng, và bắt đầu khai thác đợt tiếp theo.
Hạt giống được xử lý bằng nước ấm (2 sôi +3 lạnh ), nhiệt độ khoảng 540C ngâm trong 12 giờ, sau đó vớt ra, chà rửa thật sạch, để ráo, đem ủ trong khăn vải khoảng 12 giờ cho hạt nức nanh, đem gieo. <xem thêm>
Hạt giống được gieo thẳng vào bầu đất. Bầu bằng bao polyetylen có kích thước 7 x 12cm. Vật liệu cho vào bầu gồm: đất sạch + tro trấu + phân chuồng ủ hoai (theo tỷ lệ 3 đất: 1 phân), vật liệu này phải được xử lý thuốc trừ bệnh và côn trùng trước khi sử dụng. Có thể dùng thuốc trị tuyến trùng Sincosin trộn đều vào giá thể tưới đủ ẩm, dùng bạt nylon trắng trùm kín từ 3 – 5 ngày trước khi cho hỗn hợp giá thể vào bầu.
Gieo hạt, hạt giống sau khi được xử lý đã nức nanh đem gieo vào bầu. Do hạt rất nhỏ nên chúng ta phải dùng một cây que chọc lổ sâu khoảng 0,5 – 1cm chính giữa bầu đưa hạt giống vào và lấp nhẹ cho khuất hạt. Tưới nhẹ cho đủ ẩm, có thể dùng giàn che để hạn chế mưa nắng trong giai đoạn đầu. Sau khi gieo khoảng 7 ngày cây sẽ mọc và phát triển.
Trong giai đoạn này cần chăm sóc kỹ, nhổ cỏ, bón phân tưới nước để cây sinh trưởng tốt. Hoà phân urê nồng độ 1% tưới cho cây 10 ngày/lần. <xem thêm>
- Thời vụ:
Măng tây có thể trồng quanh năm, nếu chủ động được nguồn nước tưới và chủ động gieo ươm cây con đúng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên cần tránh trồng vào các thời điểm có lượng mưa quá lớn trong năm. <xem thêm>
- Chọn đất trồng:
Cây măng tây sinh trưởng và phát triển mạnh với các loại đất trồng tơi xốp và giàu dinh dưỡng, điều kiện chăm sóc chu đáo và đặc biệt cây phải lấy được 100% ánh nắng toàn phần. Đối với đất trồng thiếu ánh nắng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp dẫn đến cây kém phát triển, năng suất cũng như chất lượng sẽ giảm mạnh.
Đối với khí hậu của tỉnh Bình Thuận, nhiệt độ trung bình từ 25oC-34oC rất thích hợp cho việc trồng măng. Ta nên chọn đất trồng là đất pha cát 50/50 là phù hợp với đặc tính sinh thái của măng tây nhất. Ta cũng có thể chọn đất trồng như: đất đỏ bazan, đất phù xa, đất xám, đất thịt nhẹ, sau đó cải tạo thành đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hữu cơ; Tầng canh tác dày khoảng: 0,6-1m để bộ rễ phát triển tốt hơn; Mực nước ngầm phải cách khoảng 1m để tránh thối hỏng bộ rễ; Độ ẩm đất luôn luôn giữ trong khoảng 60-70%, Độ pH= 6,8- 7,2; Thế đất không được dốc quá 10%, tránh trường hợp bị xói mòn. <xem thêm>
- Chuẩn bị đất trồng:
Hai tháng trước khi trồng, phải tiến hành cày đất sâu khoảng 30-50 cm hai lần, mỗi lần cách nhau khoảng 15 ngày, kết hợp làm cỏ sạch. Tùy theo chất đất ta cần dùng vôi bột và mùn cưa thải ra từ các bịch phôi nấm đã qua xử lí, hoặc tro trấu, rơm rạ mục để tăng độ tơi xốp cũng như khử chua cho đất.
Ban phẳng đất trồng, tùy theo mật độ trồng đã định căng dây lấy mực cho thẳng rồi vét rãnh thoát nước (rộng: 20cm, sâu:30cm), sau đó lấy đất lên luống rộng 1m. Phơi nắng tầm 01 tháng để khử sâu bệnh và cỏ dại. <xem thêm>
- Trồng cây ra đất sản xuất:
Cây măng tây thường được trồng theo luống, theo từng hàng thẳng trên tim luống. Ta nên trồng theo hàng đơn: Cây cách cây 40 – 45 cm, hàng cách hàng 1,2m. Với mật độ đó sẽ trồng được khoảng 18.000- 20.000 cây/ha.
Tiến hành trồng cây xuống đất. Ta cuốc đất thành hố rộng khoảng 50cm sau đó trộn đất với phân chuồng ủ hoai đã được khử bệnh và bổ xung lân để bón lót trong hố trồng. Cẩn thận rạch bỏ bao nilong ở bầu giống, giữ nguyên giá thể rồi đặt ngay ngắn vào trong hố trồng sao cho mặt bầu bằng với mặt đất trồng, sau đó dùng đất bên mép luống phủ kín bầu cây lại.
Sau khi trồng xong, tiến hành tưới nước thấm qua rãnh hoặc phun sương hàng ngày để giữ độ ẩm cho đất. Cần theo dõi thường xuyên hàng ngày, trong trường hợp cây bị bệnh hoặc chết phải thay thế bằng cây giống khác.
Lưu ý: Khi trồng vào mùa mưa cần phải có biện pháp bảo vệ cây con tránh trường hợp cây bị hỏng khi chưa kịp bắt rễ xuống đất trồng. <xem thêm>
- Phân bón:
Để đảm bảo việc thu hoạch sản phẩm măng tây đều đặn hàng ngày với năng suất và chất lượng cao, người trồng cần phải thường xuyên tưới tiêu và cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý.
Thông thường cứ 03 tháng ta tiến hành bón phân chuồng ủ hoai (20 tấn/ha) có bổ sung phân lân. 10-15 ngày/1 lần phải bón phân NPK và phân bón vi sinh bón lá như: Agrostim, Wehg… để kích thích cây sinh trưởng trổ nhiều măng. Cần phải kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma để khử tuyến trùng giúp hạn chế các mầm bệnh gây hại cho cây. Với việc dùng phân hữu cơ sẽ giúp măng tây tăng khả năng phát triển, thúc đẩy quá trình cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng sản lượng và chất lượng, thời gian thu hoạch và tuổi thọ của măng.
* Quá trình bón phân chia làm 4 giai đoạn như sau (Diện tích là: 01Ha)
Giai đoạn bón lót
Bón phân lót trước khi trồng. Cần khoảng 40 tấn phân chuồng ủ hoai có bổ sung vi sinh và lân (400 kg). Đối với đất không tơi xốp thì cần thêm khoảng 30 tấn chất độn như tro trấu, xơ dừa,…đã được khử nước vôi). Kết hợp dùng chế phẩm Trichoderma và 300 kg NPK ( 20.20.15 ) <xem thêm>
Giai đoạn bón thúc
Sau khi trồng 15 ngày:
Bón thúc 150kg NPK 20.20.15. Vun đất cao 5cm đậy gốc bảo vệ rễ, kết hợp phun thuốc phòng ngừa bệnh nấm và sâu hại
Khi cây con cao dần, ta dùng cọc có đường kính 4 -6 cm, cao 1m2, đóng sâu 0,5m. Tiến hành đóng cọc 2 đầu luống rồi dùng dây nilon hoặc dây điện thoại hỏng căng đôi kẹp lỏng giữa thân cây, giữ
cây luôn thẳng. Tùy theo sự phát triển của chiều cao thân măng, ta nâng đôi dây lên dần (hình a).
Hoặc trên cùng một hàng với cây đã trồng (chen giữa các cây măng), tiến hành cắm các cọc tre đường kính khoảng 0,5-1m để cột cố định từng cây măng. <xem thêm>
Sau khi trồng được 30 ngày:
Khi cây phát triển nhiều thân mới, xới đất làm sạch cỏ. Bón thúc 150kg NPK 20.20.15. Vun đất cao 5cm đậy gốc bảo vệ cổ rễ và giữ mặt luống đất trồng khoảng 80cm so với mặt đất tự nhiên. Phun thuốc phòng ngừa nấm và sâu bệnh. Luôn giữ cây đứng thẳng để cây lấy được ánh nắng toàn phần tạo điều kiện tốt cho bộ lá quang hợp tổng hợp chất hữu cơ nuôi dưỡng cây và bộ rễ. <xem thêm>
Sau khi trồng được 45 ngày:
Cây phát triển thêm nhiều thân mới. Cắt tỉa những cây nhỏ chọn giữ lại khoảng 3-5 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi. Tỉa bỏ cây bị sâu bệnh và cây bị nghiêng ngả, cây già yếu. Xới đất làm cỏ rồi bón thúc 200kg NPK 20.20.15. Vun đất cao 5cm đậy gốc bảo vệ bộ rễ. Giữ độ cao của mặt luống khoảng 80cm so với mặt đất. Phun thuốc nấm và sâu bệnh gây hại. Cần giăng thêm dây giữ cây hoặc năng dần dây đôi theo chiều cao thân măng. <xem thêm>
Sau khi trồng được 120 ngày:
Cây phát triển thêm nhiều thân mới. Chọn giữ lại 3 cây mẹ khỏe mạnh trên bụi, tỉa bỏ cây bị sâu bệnh, cây già và cây nhỏ. Xới đất, làm sạch cỏ rồi bón thúc 300kg NPK 20.20.15. Vun đất cao 5cm rồi đậy gốc bảo vệ cổ rễ. Giữ độ cao mặt luống khoảng 80cm so với mặt đất tự nhiên. Phun thuốc ngừa nấm và sâu hại. Giữ cây luôn đứng thẳng để lấy được ánh nắng toàn phần. <xem thêm>
Sau khi trồng được 135 ngày:
Giai đoạn này cây bắt đầu cho lứa măng tơ đầu tiên. Ta quan sát thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính gốc khoảng gần 1cm, lá chuyển sang màu xanh đậm thì giữ lại 3 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi. Tiến hành cắt bỏ cây bị sâu bệnh, cây bị nghiêng ngả, cây già yếu và cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 50cm để thông gió. Xới đất làm sạch cỏ rồi bón thúc 400kg NPK 20-20-15, vun đất cao 5cm rồi đậy gốc lại bảo vệ bộ rễ. Vẫn đảm bảo độ cao của mặt luống so với mặt đất tự nhiên là 80cm. Phun thuốc phòng ngừa nấm và sâu bệnh.
Khi thu hoạch lứa măng tơ được khoảng 15 ngày thì bón thúc 300kg NPK 20-20-15; thu tiếp 15 ngày thì tạm ngừng thu hoạch. Tránh cây bị mất sức làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của đợt thu tiếp theo. <xem thêm>
Giai đoạn bón phân trong chu kỳ dưỡng cây mẹ thay thế
Tạm ngưng thu hoạch lứa măng tơ 15 ngày khi quan sát cây mẹ trẻ thay thế đủ lớn, tiến hành nhổ 3 cây mẹ già yếu cũ. Xới đất, làm sạch cỏ non rồi bón thúc 400kg NPK 20.20.15. Vun đất cao 5cm đậy gốc bảo vệ cổ. Chiều cao luống so với mặt đất tự nhiên khoản 80cm. Phun thuốc phòng ngừa nấm và sâu bệnh.
Khoảng 20 ngày sau, khi ta quan sát đường kính thân cây mẹ mới khoảng 1cm, bộ lá chuyển sang màu xanh đậm thì tiến hành cắt tỉa bớt ngọn măng giữ ở độ cao 1,2m. Bón thúc 30 tấn phân chuồng ủ hoai. Kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma+ 400kg NPK 20.20.15. Vun đất cao 5cm đậy gốc lại rồi phun thuốc phòng trừ nấm bệnh và sâu hại.
Sau khi cắt hạ ngọn khoảng 10 ngày, cây bắt đầu cho ra lứa măng mới. Thu hoạch lứa măng này kéo dài khoảng 3 tháng thì cho nghỉ dưỡng cây mẹ thay thế.
Sau khoảng 1 tháng dưỡng cây mẹ mới thì ta sẽ thu hoạch lứa măng thứ 3 này khoảng 3 tháng. Cứ như vậy cho các đợt cây mẹ mới tiếp theo. <xem thêm>
Lưu ý: Chu kỳ thu hoạch măng ngắn hay dài tùy thuộc vào chế độ chăm sóc của người trồng, nó ảnh hưởng đến số lượng cũng như chất lượng của măng rất nhiều.
Giai đoạn bón phân trong chu kỳ thu hoạch măng
Trong một chu kỳ thu hoạch măng kéo dài khoảng 3 tháng. Cần tiến hành bón thúc phân đều đặn 15 ngày/lần với 400kg NPK 20.20.15. Tùy theo sự phát triển của cây mà ta có thể sử dụng thêm các chế phẩm sinh học bón lá (Agrostim, Wehg…) để kích thích cây măng phát triển cho nhiều măng cũng như chất lượng
măng tốt hơn. <xem thêm>
- Cách chăm sóc:
Tưới và thoát nước cho măng tây
Bên cạnh bón phân hợp lý thì nước tưới là một yếu tố quyết định cho năng suất măng nhiều hay ít. Độ ẩm của đất trồng măng tây luôn luôn được giữ trong khoảng 60-70% là phù hợp nhất. Mùa nắng ở tỉnh ta khí hậu rất nóng, cần phải tưới 3-4 lần/ngày để đảm bảo độ ẩm cho đất, nên tưới vào buổi sáng sau khi thu hoạch măng xong hoặc cuối buổi chiều mát. Trong thời gian thu hoạch măng thì không nên tưới vào buổi chiều vì sẽ làm đọng nước trên búp măng làm giảm thành phẩm của măng. Chúng ta có thể tưới nước theo rãnh hoặc phun sương tùy theo thiết kế của mỗi nông trại.
Chú ý tưới đủ nước cho cây trong mùa nắng. Bộ phân thu hoạch của măng tây là các chồi non, trên đầu chồi non có chứa các lá đài, nên khi tưới nước lọt vào trong các lá đài này sẽ làm giảm chất lượng măng và có thể gây thối. Vì thế phải tự chế các nón nhựa đội cho mầm khi măng lú lên khỏi mặt đất, nhằm hạn chế tác hại của việc tưới nước, nhất là khi sử dụng biện pháp tưới phun sương.
Trong trường hợp mưa kéo dài làm ngập măng thì ta phải dùng bơm tháo nước ngay. Vì bộ rễ của măng bị ngập úng quá 24 giờ sẽ làm ảnh hưởng lớn đến măng và kéo theo nhiều bệnh nấm. <xem thêm>
Cách làm cỏ cho măng tây
Chủ động làm cỏ trước khi trồng măng ra vườn. Từ khi chuẩn bị đất trồng cần làm sạch cỏ.
Trước mỗi định kỳ bón phân 15 ngày/ lần, cần phải dọn cỏ sạch sẽ khi cỏ còn non. Tránh trường hợp cỏ già rơi hạt tái sinh ra lớp cỏ con cháu.
Trong thời gian mới trồng được 1-5 tháng do cây còn nhỏ bộ rễ chưa phát triển rộng, để ngăn ngừa cỏ ta có thể phủ lên mặt luống màng phủ nông nghiệp, mùn cưa của phôi nấm đã qua xử lí hoặc phân hữu cơ hoai đã được khử mầm bệnh. <xem thêm>
- Cách thu hoạch măng:
Khi quan sát các chồi măng đã nhô lên cao khỏi mặt đất tầm 20- 30cm thì tiến hành thu hoạch măng (Dùng tay nắm chặt sát gốc chồi măng, nghiêng tầm 45 độ rồi xoay nhẹ, chồi măng sẽ tách rời khỏi rễ trụ cây măng dưới lớp đất dễ dàng mà không để lại vết thương).
Thời gian thu hoạch thường vào buổi sáng từ 5h30- 7h30, trước khi mặt trời mọc. Tránh trường hợp măng tiếp xúc với ánh nắng sẽ làm bị héo, mềm yếu ảnh hưởng đến thương phẩm.
Măng tây sau khi được thu hoạch phải đem ngay vào nơi thoáng mát, tránh không để tiếp xúc với ánh nắng. Sau đó sơ chế phân loại.
Dùng dây cột măng lại thành từng bó tùy theo quy cách đóng gói, sau đó chuyển giao ngay cho đơn vị thu mua.
Sản phẩm măng tây được phân phối ra thị trường luôn hoặc được bảo lạnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật bảo quản thực phẩm.
Cuối mỗi chu kỳ thu hoạch măng (2,5-3 tháng), khi thấy đường kính thân măng nhỏ hơn cây bút bi (<7-8mm) và cây mẹ già có dấu hiệu vàng úa lá thì phải ngưng thu hoạch, rồi tiến hành trẻ hóa rẫy măng bằng cách chọn giữ lại 4-6 chồi măng khỏe mạnh ở mỗi gốc để dưỡng làm cây mẹ trẻ thay thế. <xem thêm>
Tình hình sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ
- Sâu hại
Sâu xanh (Spodoptera exigua)
Hay còn có tên gọi là Spodoptera exigua, đây là một loại sâu thuộc họ Noctuidae. Với kích thước dài khoảng từ 2 – 3cm, sâu xanh có màu xanh ở thân và một vài sọc trắng nhạt ở hai bên cạnh. Loại sâu này gây hại cho nhiều loại thực vật như: Cây cải, cà chua, cần tây, đậu và nhiều cây hoa màu, trong đó bao gồm cả măng tây. <xem thêm>
Sâu đàn Pseudaletia unipuncta
Hay còn có tên là Pseudaletia unipuncta, cũng cùng với sâu xanh, chúng thuộc họ Noctuidae. Khi trưởng thành sâu đàn sẽ trở thành một loài bướm với kích thước thân từ 18mm cho đến 20mm. Tuy nhiên, khi còn là sâu đây là loài sâu gây hại nhiều cho ruộng lúa và cả cây măng tây nữa. <xem thêm>
Sâu đất Agrotis ypsilon
Hay còn gọi là Agrotis ypsilon, thuộc họ Noctuidae. Sâu đất sau khi trưởng thành cũng sẽ trở thành bướm với kích thước sải cánh từ 45mm cho đến 55mm. Sâu đất gây hại cho nhiều loại hoa màu trong đó bao gồm cả măng tây. Chúng thường gây hại cho cây trồng trong giai đoạn cây con làm giảm năng suất cây trồng nhiều lần. <xem thêm>
Biện pháp phòng sâu hại
Làm đất thật kỹ, xử lý đất trước khi gieo trồng. Cày ải, phơi đất trước khi gieo trồng hai tuần để trứng sâu bị tiêu diệt.
Trồng các loại hoa xung quanh để thu hút thiên địch có lợi cho cây và hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó, cũng nên hạn chế phun quá nhiều thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch. Chỉ nên phun thuốc khi phát hiện có sâu bệnh với lượng vừa phải và tốt nhất nên phun khi sâu còn nhỏ, mật độ ít.
Ngoài ra, có một số loại khác như rầy mềm, bọ trĩ thì bà con có thể dùng Sagomycine, Confidor, Regent,…Với sâu đất và trùn đất, rệp sáp hại rễ thì bà con dùng các loại thuốc chuyên diệt rầy. <xem thêm>
Bọ cánh cứng (Họ:Chrysomelidae-Bộ Cánh Cứng)
Các loại Bọ ăn phá lá, chồi non làm cây còi cọc. Ấu trùng ăn phá bộ rễ trong đất có thể làm cây chết. Theo tài liệu nước ngoài,hai loài dưới đây phá hại nhiều ở các xứ lạnh.
Rầy mềm Aphid (Brachycorynella asparagi Họ Aphididae)
Rầy tập trung chích hút đọt non, thân, lá làm các đốt thân ngắn lại, tàn lá xơ xác như bó chổi. Cây mất sức sống, cây con có thể chết. <xem thêm>
Rết (Scutigerella immaculata-Họ: Scutigerellidae)
Rết không thuộc lớp côn trùng mà thuộc vào lớp động vật không xương sống, nghành Chân Khớp (Arthropoda)dài 1,3 cm, mình thuôn dài có 12 cặp chân.
Ấu trùng chuyên ăn phá rể cây trơ trụi làm cây héo chết.Loài động vật nầy phá hại nghiêm trọng nhiều loại hoa màu. <xem thêm>
Ruồi đen (Platyparaea poeciloptera Họ Tephrididae) = giòi đục mầm
Thành trùng dài 6-7 mm, màu đen, sống từ 4-24 ngày tùy nhiệt độ(<15 độ C ít hoạt động), đẻ trứng trên đọt non măng tây.
Trứng nở ra giòi sau 2-10 ngày. Giòi (ấu trùng) dài 7-9mm, màu nâu nhạt,sống 20=30 ngày. Giòi đục phá mầm măng tây làm tắt nghẽn mạch dẩn truyền nhựa cây, làm ngọn héo chết. <xem thêm>
Một số loại ôc: Một số loại ốc ăn phá các loại rau màu trồng cạn kể cả măng tây.
Tuyến trùng:
Tuyến trùng là động vật thuộc lớp Giun có kích thước rất nhỏ sống trong đất,chích hút hoặc cắn phá rễ cây trồng khiến rễ trơ trụi. Chổ rễ cây bị thương thường bội nhiễm các loại vi khuẩn hoặc nấm bệnh làm thúi rễ và an dần lên cổ rễ và thân cây. Cây măng non bị biến hình và dị dạng cong queo, mất giá trị thương phẩm. <xem thêm>
Một số loại bệnh hại cho cây măng tây
Cây măng tây thường bị bệnh thán thư, bệnh Crown and Spear Rot (bệnh thối gốc rễ và chồi măng), bệnh khô cây, bệnh Purple Spot (bệnh đốm thân cành), bệnh sương mai, bệnh Rust (bệnh gỉ), một số bệnh do tuyến trùng và Virus làm hại măng tây gây ra. <xem thêm>
Đối với nấm bệnh măng tây Puccinia Asparagi khiến cành sọc thân bị khô, nấm bệnh Cercospora Asparagi gây hại, nấm Fusarium Wilt, Fusarium Moniliforme và Fusarium Oxysporumhại rễ làm thối gốc chết cây có thể dùng thay đổi các loại chế phẩm: Coc 85, Triscophos, Mancozeb, Ridomil, Validan, Carban, Carbenzim, Curzate, Daconil,… phun trong giai đoạn nghỉ dưỡng cây mẹ thay thế, tạm ngưng thu hoạch măng, hoặc phối hợp cẩn thận phun vào khi làm cỏ, bón phân.
Đối với nấm Fusarium làm hại rễ có thể dùng Wofatox, Dipterex nồng độ 0,1%. Đối với các loại bệnh do vi khuẩn gây ra có thể dùng Kasai, Kasumin,… để tiêu diệt. <xem thêm>
Biện pháp phòng ngừa các loại bệnh hại cây Măng tây:
Lựa chọn cây giống măng tây F1 không có bệnh, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ được kiểm tra rõ ràng, chính xác.
Làm đất thật kỹ, dùng đầy đủ các loại thuốc diệt tuyến trùng như Sincosin, và các chế phẩm có gốc đồng, Sincosin, Antracol, Tilt Super, Chitosan,… để ngăn ngừa nấm, bệnh hại cây.
Khi măng phát điển được 30-50 cm đủ để tiêu thoát nước dễ dàng trong trường hợp trời mưa lớn, hoặc gặp triều cường.
Dùng nhiều phân hữu cơ, phân trùn quế hoặc phân chuồng ủ hoặc có xử lý chế phẩm Trichoderma chứa nấm vi sinh đối kháng khử tuyến trùng gây hại.<xem thêm>
Tài liệu tham khảo
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng-Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, Kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây. Truy cập ngày 7/8/2024, từ https://khuyennong.lamdong.gov.vn/ky-thuat-trong-trot/ki-thuat-trong-cay2/239-k-thu-t-tr-ng-va-cham-soc-mang-tay
Sơ KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc (2020), Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây Măng tây xanh tại tỉnh Vĩnh Phúc. Truy cập ngày 7/8/2024, từ https://sokhcn.vinhphuc.gov.vn/SMPT_Publishing_UC/TinTuc/pPrintTinTuc.aspx?UrlList=/noidung/tintuc/Lists/XayDungNTM&ItemID=856
Trung tâm Khuyến nông-Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, Kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây xanh. Truy cập ngày 7/8/2024, từ https://khuyennong.binhthuan.gov.vn/News/quytrinhkt/caytrong/2018/01/1227.aspx
Báo Người lao động (2021), Trồng măng tây có thể đổi đời. Truy cập ngày 8/8/2024, từ https://nld.com.vn/kinh-te/trong-mang-tay-co-the-doi-doi-20211205193841598.htm
Sức khỏe & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y Tế (2019), Măng tây xanh – “Hoàng đế” dinh dưỡng của các loại rau. Truy cập ngày 8/8/2024, từ https://suckhoedoisong.vn/mang-tay-xanh-hoang-de-dinh-duong-cua-cac-loai-rau-169156045.htm
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh (2007), Cây măng tây, loại cây trồng có tiềm năng trên vùng đất xám thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 8/8/2024, từ http://www.sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/default.aspx?Source=%2Ftintuc&Category=TIN+TR%E1%BB%92NG+TR%E1%BB%8CT&ItemID=1559&Mode=1
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (2021), Măng tây Ninh Thuận có sức hút từ thị trường tiêu thụ. Truy cập ngày 8/8/2024, từ https://dantocmiennui.vn/mang-tay-ninh-thuan-co-suc-hut-tu-thi-truong-tieu-thu-post305361.html
Bạn của Nhà nông – Báo Dân tộc và Phát triển (2022), Cách phòng trừ sâu bệnh trên măng tây. Truy cập ngày 8/8/2024, từ https://baodantoc.vn/cach-phong-tru-sau-benh-tren-cay-mang-tay-1656909259319.htm
Cổng thông tin điện tử thị xã Việt Yên tỉnh Bắc Giang (2017), Nhận diện một số loại sâu bệnh hại cho cây măng tây. Truy cập ngày 8/8/2024, từ https://vietyen.bacgiang.gov.vn/xuat-ban-thong-tin/-/asset_publisher/vYGFBWdWN3jE/content/nhan-dien-mot-so-loai-sau-benh-hai-cho-cay-mang-tay
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.